Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 394: Lục chỉ cầm ma




Chương 394: Lục chỉ cầm ma

***

Tôi và Sơn Ca đi bộ ra đầu làng chờ đón xe. Tôi mang theo ba lô nhưng Sơn Ca thì không, anh ấy chẳng mang theo bất cứ đồ dùng cá nhân nào. Tôi định hỏi mấy lần nhưng sau cùng lại thôi. Ban nãy ở nhà tôi đã chú ý đến cổ tay áo của anh ấy và nhìn thấy vài vết màu đen do... lâu ngày chưa giặt hoặc... chưa thay. Tôi là đứa có tính tò mò, cuối cùng tôi cũng phải mở miệng hỏi:

-Anh đi Hà Nội tính bao giờ về mà không mang theo quần áo để thay?

-Dăm ba ngày thì về.

-Thế... thế anh định mặc bộ này đến hôm về luôn à?

-Quần áo à? Ừm... bộ này tao mới mặc sáng nay. Áo khoác cũ chút thôi. Hà Nội là Thủ đô kiểu gì cũng có áo khoác đẹp, tiện mua một cái mặc cũng được.

-Vậy... vậy còn giày? Trời lạnh em thấy đi giày ổn hơn là đi tất rồi xỏ dép đấy anh ơi.

-À thì ra mày thấy tao ăn mặc hơi lạ nên thắc mắc chứ gì?

Tôi gật đầu.

-Quần áo là vật ngoài thân, mua đồ đẹp mặc vài hôm lại cũ. Trời lạnh như này tắm ít thôi, tắm nhiều người lại nhẹ đi mấy cân.

Tôi nghe mà ái ngại, xem chừng Sơn Ca là một thanh niên sợ nước. Tôi biết bố tôi cũng là một người... lười tắm, thật chẳng thể hiểu nổi.

Cả hai vừa mới đi qua cổng nhà Chắc Gạo vài bước chân, tôi còn tranh thủ ngó nhìn vào sân nhà nó, nơi đã có một cái xe máy dựng trong đó, chắc bố nó đã về để chuẩn bị cho việc đi chợ Trằm vào ngày hôm sau cũng như đi tảo mộ. Tôi dự định khi hai em mình về sẽ đưa chúng nó đi tảo mộ cùng. Do tôi mải ngoái lại nhìn trong sân nhà Chắc Gạo nhưng chân vẫn đều bước nên đâm sầm vào lưng của Sơn Ca, lùi lại vài bước đưa tay lên xoa mũi định hỏi sao anh ấy đột nhiên đứng lại như vậy thì nhận ra Sơn Ca lại gần bờ mương Khoai ngó nghiêng nhìn xuống như đang tìm đồ bị rơi.

-Anh tìm cái gì thế?

-Không! Tao chẳng tìm gì.

Hành động của Sơn Ca một lần nữa làm tôi thấy kỳ lạ, ở anh ta toát ra điều gì đó khá bí ẩn. Tôi đã bắt đầu nghĩ anh này là... thầy bói. Nhưng tôi mau chóng gạt đi vì trong suy nghĩ của tôi thầy bói phải là một ông bà già, chí ít cũng phải ngoài bốn mươi tuổi chứ không trẻ như anh này. Nhìn anh ta cứ giống một con gà rù, không có bất cứ điều gì thể hiện anh ta là một ông thầy bói.

Sơn Ca chợt bước nhanh hơn, nhìn anh ta cắm đầu bước dọc theo con đường ven mương Khoai tôi chạy theo sau cứ ngờ ngợ, mặc dù bóp trán đến mấy lần nhưng tôi không tài nào nhớ được mình đã nhìn thấy bóng lưng này ở đâu. Sơn Ca đang bước nhanh đột ngột dừng lại ngay chỗ bến nước gần cây phượng, nơi mới gần ba năm trước mụ Mẹ Chẽ đã rủ một thằng bé xuống dưới nước chơi cùng. Tôi đứng ngẩn người, mắt mở to ra nhìn Sơn Ca ngồi thu lu bó gói trên bậc thềm đá, một chốc anh ta thò mấy ngón tay chạm xuống làn nước lạnh.

Tôi đứng khoanh tay im lặng nhìn một lúc lâu, đến khi Sơn Ca dừng việc tạo ra những vòng tròn đồng tâm trên mặt nước tôi mới hỏi nửa đùa nửa thật:

-Anh thích bơi à? Trời cũng hửng nắng rồi đấy!

Sơn Ca chậm rãi đứng dậy, hai tay đặt vào eo vặn vẹo mấy cái mới ậm ừ đáp:

-Tao tranh thủ rửa tay.

Tôi thầm nghĩ:

-“Lẽ nào gã này là một tay thầy bói? Nhìn cũng kỳ nhân dị tướng chứ không bình thường. Mình có như thế không nhỉ?”

Ngồi bên bàn uống nước ven đường chờ xe khách đến, tôi lặng im quan sát nhất cử nhất động của Sơn Ca. Sau khi đã uống phân nửa chai Coca tôi gợi chuyện:

-Mương nước này làng em gọi là mương Khoai đấy, dọc theo hướng này có một cái cầu gỗ tạm gọi là cầu Khoai. Cầu Khoai cũng là tên bãi tha ma của làng em, anh thấy cái tên có hay không?

-Làng mày âm thịnh.

-Cái gì thịnh ạ?

-Âm thịnh!

Tôi nghe xong cố giải nghĩa hai chữ Sơn Ca vừa nói trong vài giây rồi nhún vai:



-Làng em quanh năm suốt tháng vắng vẻ, dân làng đi kiếm ăn suốt bốn phương trời nên còn lại toàn người già và trẻ nhỏ thôi.

-Kể cả có đông hơn vẫn là khí âm thịnh.

-Em chẳng hiểu anh nói gì.

-Chỗ cái bến nước kia mấy năm trước có trẻ con đuối nước phải không?

Tôi không vội trả lời mà ngửa cổ tu cố thêm một ngụm Coca:

-Cũng lâu rồi, thằng bé đuối nước kém em hai tuổi. – Tôi kể vắn tắt – Nó xuống bến rửa tay ai ngờ trượt chân, người làng nhảy xuống cứu không kịp. Hôm ấy là buổi chiều, lúc vớt được nó em cũng thấy. Mà sao anh biết?

-Mày cũng phải cẩn thận ao chuôm. Tao nhìn mày là thấy có số c·hết đ·uối. À nếu mày tuổi Quý Hợi thì không cần phải lo.

-Em sợ nước, em không biết bơi. – Tôi thú thật.

-Kể cả mày có biết bơi. Tốt nhất mày không nên bơi lội hay chơi đùa ở đoạn mương mày, dễ thành ma lắm đấy.

-Mương làng em có ma hay sao? – Tôi ngô nghê hỏi.

Sơn Ca lắc đầu. Anh ta rút điếu thuốc lá ra châm lửa, rít vài hơi thật sâu sau đó lại co ro như là đang rất lạnh. Sơn Ca nói:

-Dưới mương này có ma da, nó thành quỷ luôn rồi.

-Trước em cũng có nghe người làng nói nhưng không để ý lắm.

-Để khi nào có thời gian tao sẽ xem kỹ hơn, được thì diệt trừ luôn tránh để lại họa. Con ma da này tồn tại ở đoạn mương này chắc đã từ rất lâu đã hóa thành quỷ. Người lớn thì nó trêu, trẻ con thì nó bắt.

-Em... em nghe một số người bảo là không có ma, ma là do... do mình tưởng tượng ra.

-Bọn đấy không biết cái gì sất, tao khác. Tao có thể cảm nhận được rõ ràng, có dịp tao cho mày xem.

-Anh... anh cho em xem kiểu gì? Đừng nói... đừng nói anh là... là thầy bói nhé?!

Sơn Ca quay sang:

-Nhìn tao không giống hả?

Tôi lắc đầu:

-Mấy lần em đi với mẹ em xem bói, thầy bói đều là các ông, các bác nhiều tuổi cơ mà.

Sơn Ca nhếch miệng cười:

-Tuổi nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng là biết cái gì, làm được cái gì ấy chứ. Thầy bói có phải ông sư đâu mà tu lâu lên được sư cụ?

-Ờ nhỉ?... Ừm... chỉ là trước đây em luôn nghĩ thầy bói phải già, trong văn học người ta cũng miêu tả như thế.

-Thì đa số là già, thiểu số là trẻ. Tao cũng là thầy đấy, mày tin chưa?

Sơn Ca nhìn tôi với ánh mắt tự tin, tôi nhoẻn miệng cười lắc đầu:

-Anh cứ trêu em!

-Mẹ cái thằng này rõ tính đa nghi, nói thế mà mày còn đéo tin. Thế mày ở làng mấy năm chưa lần nào thấy ma hả?

Tôi lắc đầu ngay, Sơn Ca có vẻ không tin lắm, lông mày anh ta hơi nhíu lại:



-Tao nghĩ mày phải nhìn thấy rồi mới đúng.

-Sao anh lại nghĩ như thế?

-Muốn biết rõ để có dịp tao xem kỹ cho mày.

-Em không tin vào bói toán lắm đâu.

-Mày không tin cũng chẳng được, cũng không nhất thiết phải tin. Nhìn mày tao thấy rất thích, có thích làm đệ tử của tao không?

-Hả? Đệ tử? Đệ tử học cái gì ạ?

-Tao mới gặp mày nhưng cảm thấy rất có cảm tình. Tao thấy mày có căn làm thầy đấy, mày theo nghiệp này có khi mau phát tài.

-Hề hề hề... bố mẹ em có tiền sẵn rồi, cần gì phát tài nữa. Em muốn trở thành luật sư.

-Luật sư cũng vẫn làm thầy được.

-Em sao mà làm thầy được chứ? Anh cứ đùa.

-Là do mày không biết đó thôi, mày có đôi mắt rất sáng, hốc mắt hơi sâu. Một bên thái dương có nốt ruồi ẩn, nhất định mày nhìn được vài thứ người bình thường không nhìn thấy. Thêm nữa, sống mũi của mày cao và thẳng, mũi nhòm miệng. Nếu mày làm thầy nhất định sẽ giỏi, kẻ khác khó đoán biết được ý định của mày.

-Anh còn biết xem tướng cơ à? – Tôi cười, tỏ vẻ không để tâm đến những gì Sơn Ca vừa nói. – Nãy ở nhà anh bảo là em có quý nhân phù trợ, em tò mò lắm. Có quý nhân phù trợ liệu sau này em sẽ giàu có lắm hả?

Sơn Ca búng tóp thuốc lá bay ra rìa đường, rút thêm một điếu nữa châm lửa. Đôi mắt Sơn Ca lim dim nhìn vô định về phía cầu Đình. Tôi không hỏi thêm nhưng Sơn Ca quay sang nói với tôi:

-Mày có quý nhân phù trợ, giàu sang hay không tao chưa xem nên không nói được. Nhưng quý nhân phù trợ mày lại là nữ, thậm chí chẳng có chút máu mủ ruột già gì với mày. Chính vì điều này tao mới thấy băn khoăn từ nãy đến giờ.

-Cái gì ạ? Em tưởng tổ tiên thường phù hộ cho con cháu chứ? Sao lại không có dây mơ rễ má gì với em?

-Chắc là có cơ duyên nào đó. Đường chỉ tay của mày thể hiện như nào thì tao nói như vậy chứ tao đã xem kỹ đâu. Nhưng số mày nhất định cầu được ước thấy, cái gì mày muốn tự nhiên bằng cách này hay cách khác sẽ có, tài thật.

-Ôi! Thế em ước trở thành tỉ phú, trở thành học sinh giỏi có được không?

-Mày đừng có tào lao! Những thứ đó là do nỗ lực mà có, điều đó khác so với may mắn.

-Hề hề hề! – Tôi gãi đầu cười.

Sơn Ca chợt đổi giọng hỏi tôi:

-Tao biết mày là thằng hay quan sát, từ lúc gặp tao mày không thấy gì lạ hay sao?

Tôi nghe Sơn Ca nhận xét mình như vậy bỗng nhiên tim đập thùm thụp, rõ ràng tay này không phải là một người giản đơn. Anh ta là thầy lại càng không đơn giản.

-Sao anh nghĩ em là người hay quan sát chứ?

-Người ta bảo đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Mày có thể giấu được mọi người, cố ý để người khác đánh giá thấp mày nhưng tao nhận thấy đôi mắt của mày quan sát rất nhanh nhưng mặt lại cứ tỉnh bơ như không hay biết gì. Một thằng bé mười lăm, mười sáu tuổi rất ít đứa tinh ranh như thế. Tao hồi bằng tuổi mày cũng không được như vậy.

Tôi cười ngượng:

-Chắc tại em có tâm hồn mơ mộng thôi anh ơi.

-Mày có thể chối cũng không sao.



Sơn Ca cũng cười. Anh ta chợt tháo găng tay len luôn đeo bên bàn tay trái từ lúc gặp nhau. Tôi cũng đã để ý đến sự lạ này, lạ không phải do việc Sơn Ca chỉ tháo một bên găng tay mà là vì ngón cái bên bàn tay trái của anh ta có vẻ to hơn bình thường. Tôi có một thằng bạn học cấp II là thằng Đại, bên ngón tay cái bên phải của nó mọc thêm một ngón nhỏ thứ sáu. Thằng Đại tỏ ra tự ti vì điểm khác biệt này nhưng có lần tôi nói với nó rằng bố mẹ sinh ra mình ra sao thì mình nhận vậy, chẳng việc gì mà phải thiếu tự tin hoặc đút tay vào túi quần làm gì. Tuy nhiên nhược điểm cơ thể của người khác nếu họ đã không muốn cho mình thấy thì tôi nhất định không bao giờ hỏi đến và coi như bình thường.

-Mày nhìn bàn tay tao có lạ không?

Sơn Ca xòe bàn tay trái ra trước mặt tôi, quả thật bàn tay này của anh ta có sáu ngón. Tôi nhìn với ánh mắt bình thản:

-Thằng bạn em cũng có đứa bàn tay như này nhưng ở tay phải. Cái này có gì lạ đâu anh?

-Chẳng phải ngay từ đầu mày đã chú ý đến bàn tay này của tao hay sao?

-Đâu có! – Tôi chối bay.

-Nhưng tao biết mày đã để ý và thắc mắc.

Sơn Ca đeo găng tay lại như cũ, rít thêm một hơi thuốc anh ta nói tiếp:

-Tay này tao dùng để bắt ma đấy, mày tin không?

-Bắt ma?! – Tôi ngạc nhiên – Ma... ma làm sao mà bắt được, ma có phải là người đâu anh?

-Người bắt kiểu người, ma bắt kiểu ma. Bàn tay sáu ngón để bắt ma này tao gọi là lục chỉ cầm ma. – Sơn Ca khoe.

-Sao tự nhiên anh lại cho em xem bàn tay của anh làm gì?

-Vì tao thích, tự nhiên tao cảm thấy có thiện cảm với mày. Kiểu gì đã quen biết mày rồi ấy mà.

Sơn Ca khịt khịt mũi ngửi xung quanh:

-Tao cảm thấy mày rất quen, mọi thứ xung quanh cũng rất quen. Cái cầu kia, cái cây cao đằng kia, thậm chí cả bậc thềm dẫn xuống mương... Có khi kiếp trước tao với mày là anh em hoặc tao người làng này cũng nên.

-Anh toàn nói những điều lạ lùng.

-Thật ra cũng chẳng lạ lắm đâu.

Xe khác Hải Âu Kênh Vàng đi Bến Nứa đã đến. Xe rất vắng khách, tôi và Sơn ca ngồi ở hai hàng ghế khác nhau. Mới lên xe là Sơn Ca đã khoanh tay ngả đầu sang một bên ngủ ngon lành, vài phút sau tôi đã nghe được tiếng ngáy của anh ta. Tôi dĩ nhiên không ngủ được, đôi mắt lơ đễnh nhìn cảnh vật quen thuộc bên đường cũng như miên man suy nghĩ suốt chặng đường hơn ba chục cây số.

Sơn Ca này đích thị là một thầy bói, thậm chí có thể là một thầy phù thủy cũng nên. Dáng dấp của anh ta khá kỳ dị, bàn tay trái sáu ngón tôi không cho là lạ nhưng trên cái ngón dư thừa ấy lại có một một nốt ruồi màu đỏ, thậm chí trên nốt ruồi ấy còn mọc cả những sợi lông. Liệu bàn tay sáu ngón mà Sơn Ca nói rằng dùng để bắt ma đó là thật hay giả thì tôi cũng băn khoăn ít nhiều. Lúc mới gặp tôi cảm thấy ở Sơn Ca có gì đó lạ nhưng không thể lý giải được nhưng những lời nói và hành động sau đó của anh ta khiến tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tôi có nhiều bí mật, anh ta hẳn cũng có những bí mật của bản thân. Tôi đã ngờ ngợ mình gặp Sơn Ca ở dưới Thứa nhưng ngay khi nghe anh ta kể đến cái bến nước gần cây phượng thì tôi thoáng giật mình, tôi đã nhớ ra rồi.

Sơn Ca – anh thanh niên đang say giấc nồng ngay trước mặt tôi lúc này – chính là kẻ mà tôi đã ít nhất bốn lần chạm mặt, trong đó ba lần ở ngay đầu làng và một lần trong đêm khi bị Hắc Bạch Vô Thường dẫn đi. Bây giờ tôi không thể nào nhầm được, tóc tai của anh ta có chút thay đổi nhưng không khác biệt là mấy, có khác chăng là đôi mắt không còn nhắm nghiền, đầu không vẹo sang một bên như những lần trước mà thôi.

Tôi tự tin mình là kẻ có trí nhớ tốt nhưng tôi chẳng bao giờ nghĩ hoặc tin rằng kẻ đi đày trong đêm khuya mà chị Ma bảo tôi đi nhận mặt lại đứng trước cổng nhà mình, nói chuyện với mình một cách bình thường.

-“Tại sao hồi ấy chị Ngọc Hoa lại bảo mình đi nhận mặt người này?”

Tôi cố tìm lời giải cho câu hỏi này, liệu mấy hôm nữa gặp chị Ma, chị ấy có giải thích cho tôi hay không?

-“Rõ ràng chị Ngọc Hoa biết trước mọi chuyện, chị ấy đã giấu hoặc nói dối điều gì đó rồi. Chị ấy bảo ma không biết trước tương lai thì tại sao mình lại gặp một người đến mấy lần để bây giờ anh ta lại quen bố mình? Ở đời làm gì có chuyện ngẫu nhiên đến mức này chứ?”

Tôi nhớ lại cái đêm tôi đứng bên này nhìn bóng dáng của Sơn Ca đứng bên kia đường, ngăn cách một con mương. Đêm đó chị Ngọc Khuê đã trêu Sơn Ca, chỉ may mắn mới giúp chị Khuê thoát nạn cũng như tôi đã thót tim. Một kẻ có thể vung tay tạo ra gió khác với một kẻ phải dùng kiếm.

-“Thôi xong rồi, tay này đích thực là một thầy phù thủy chính hiệu. Anh ta vung tay tạo ra gió. Lão Đường trọc đầu nghe nói cao siêu nhưng mình cũng không tận mắt thấy lão ta làm như vậy. Thêm nữa... tay này... có thể nhìn thấy chị Ngọc Hoa ngay khi mới đặt chân vào cổng nhà mình... Sao lại thế được nhỉ?”

Tôi cảm thấy có chút lo lắng nhưng bụng bảo dạ hãy yên tâm.

-“Mình phải cẩn thận không được để lộ, có mỗi việc mình nheo mắt khi nhận thấy bất thường ở ngón cái bên trái của anh ta lúc ngồi uống nước trên phản mà anh ta cũng biết thì không tầm thường. Lớ ngớ mình sẽ lộ hết những bí mật giấu kín bấy lâu nay, pha này gay rồi. Phải nghĩ cách đối phó mới được, nhất định mình phải luôn giữ thái độ bình thản. Chả hiểu bố mình mời anh ta ra Hà Nội làm cái gì nữa? Chẳng lẽ... chẳng lẽ mộ của cái Oanh cũng là do anh ta xem hay sao? Có khả năng, rất có khả năng chính là anh ta nhưng... nếu mình càng hỏi lại càng lộ ra nhiều thứ.”

Tôi thở dài ngồi ngả lưng vào ghế, xe khách qua những đoạn đường xấu nhưng Sơn Ca vẫn ngáy đều còn tôi vẫn mải suy nghĩ đến mọi chuyện, mọi khả năng có thể xảy ra sắp tới. Lâu lắm rồi tôi mới cảm thấy trong lòng không yên.

-“Nếu mình xâu chuỗi lại mọi việc, hình như... hình như chẳng có gì ngẫu nhiên cả. Để về quê mình viết với vẽ lại mọi thứ mới được, phải sắp xếp lại mọi thứ theo trình tự thời gian để tìm câu trả lời chứ hỏi chị Ngọc Hoa cũng không ăn thua, chị ấy nhất định lảng đi không trả lời. Chị ấy giấu mình nhiều thứ, rất nhiều, giấu cả những gì chị ấy biết về anh Ca này.”

Xe đến Bến Nứa lúc gần 1 giờ trưa, cả hai lững thững cuốc bộ từ trong chợ Long Biên băng qua đường Yên Phụ đi vào phố Hàng Đậu chờ xe tuyến buýt số 2.

***