Chương 393: Bàn tay lạnh
***
Bước sang đầu tháng 2 năm 1999 nhưng âm lịch mới cận Tết. Không khí những ngày cận Tết bớt lạnh hơn một chút so với những ngày trước đó. Vào những ngày này, làng tôi cũng trở nên sôi động hơn so với bình thường bởi vì đông người hơn, chỉ cần bước ra đường làng dù là sáng hay chiều thậm chí lúc chập tối vẫn có người qua lại. Đám trẻ con vẫn chưa được nghỉ học nhưng hai chữ “Nghỉ Tết” đã lan rộng, đứa nào cũng học hành chểnh mảng. Tôi vừa mới bước ra khỏi tuổi trẻ con nếu tính theo cấp học nhưng tôi cũng háo hức đợi chờ ngày Tết vì nhà tôi cũng sẽ đông hơn.
Tết mỗi năm mỗi khác, tôi còn nhớ vài năm trước bố tôi hay chở quà cáp, bánh trái về để bà Già mang đi gửi những nơi cần thiết nhưng năm nay đã không còn như vậy nữa. Bà tôi tự ra mua ở đầu làng để gửi hoặc tôi đạp xe đi gửi hộ bà. Nhà tôi dịp này rất bận vì phải gia công bánh mứt kẹo giao cho các cửa hàng mà trước đó vẫn thường lấy sữa đậu nành. Điều này tôi chỉ nghe nói chứ chưa trực tiếp nhìn thấy lần nào bởi vì mỗi khi nghỉ học đã là cận Tết, tôi không có cơ hội giúp đỡ bố mẹ mình làm những việc như đóng gói hoặc giao hàng.
Lớp tôi những ngày giáp Tết không khí cũng khác, thầy cô giáo dễ tính hơn bình thường còn đám học sinh lớp cá biệt như bọn tôi cũng có những câu chuyện riêng để bàn bạc. Trong những giờ ra chơi ngắn ngủi, đám con trai hỏi han lẫn nhau, chia sẻ với nhau những kế hoạch sẽ làm trong dịp Tết. Một vài đứa đã tăm tia được cô bạn nào đó trong lớp cũng đưa ra dự tính đến chơi nhà vào dịp đầu xuân. Nhà tôi đám con trai đã biết nhưng chẳng đứa nào có ý định đến, tôi cũng không mời, cũng không hứa hẹn đến nhà đứa nào. Tôi muốn những ngày Tết ngắn ngủi ấy dành trọn cho gia đình, cho hai đứa em của tôi.
Một buổi chiều tôi đi học về, tôi không nhớ chính xác nhưng đó là ngày học cũng gần cuối cùng rồi, Tết Ông Công Ông Táo cũng vừa mới trôi qua xong. Tôi mới đạp xe vào đến sân đã nghe tiếng bà Già nói vọng từ dưới bếp ra:
-Mày gọi lại cho bố mày nhớ, mới nãy con chị mày nó vào nhắn tao.
-Vâng!
Tôi cất ba lô rồi thong thả đạp xe đi gọi cho bố tôi. Tôi vẫn nhớ mỗi cuộc gọi là hai nghìn đồng nhưng tôi thường bỏ vào cái thùng mì tôm của chị tôi hơn thế, đôi khi là tờ Năm nghìn đồng. Tôi chỉ cần gọi cho đến khi bên kia có người nào đó nghe, tôi báo tên sau đó cúp máy. Bố hoặc mẹ tôi sẽ gọi lại.
-Bao giờ con được nghỉ học?
-Dạ hết ngày 26 bố ơi.
-Thế ngày 27 con ra Hà Nội được không?
-27 ạ? Năm hết Tết đến còn ra ngoài đó làm gì hả bố?
-Năm bố bận chắc phải đến chiều ngày 30, không đưa hai đứa về được.
-Thì bố nhờ mấy chú.
-Bận tối mắt, hàng đến tối mịt vẫn phải đi giao, làm xuyên đêm nên bận lắm.
-Cũng được. Bố muốn con ra đón hai đứa về chứ gì?
-Ừ! Hai đứa nó đòi về quê sớm.
-Có thế thôi mà cũng không làm được, bố đưa hai đứa nó ra Bến Nứa bắt xe rồi con chờ ở đầu làng là xong, cần gì con phải ra ngoài ấy. Còn bà Trẻ thì về kiểu gì hả bố? Bà say xe cơ mà?
-Bà sẽ có chú Toàn tranh thủ chở về chiều 27. Bố cũng tính đến việc gửi hai đứa về quê bằng xe khách nhưng bọn nó sợ, thêm nữa còn nhờ con việc khác.
-Việc gì ạ?
-Sáng ngày 27 sẽ có người đến nhà mình, con đưa người đó ra Hà Nội giúp bố.
-Ai thế bố?
-À, anh đó tên là Ca. Bố cần anh ấy ra ngoài này giúp bố mấy việc.
-Công nhân hả bố?
-Không, không! Anh ấy không phải công nhân, người quen của chú Nghĩa dưới Thứa. Anh ấy đến thì con đi cùng anh ấy ra Hà Nội, anh ấy chưa ra ngoài này bao giờ nên sợ khó tìm nhà mình.
-Cũng được ạ!
Tôi cúp máy tiện tay nhón luôn chai nước ngọt bật nắp uống luôn. Ngồi xuống cái giường đơn nhỏ trong quán, đưa ánh mắt qua khung cửa không có chấn song nhìn đường làng đang có những bóng người tất bật. Chị Hạnh tôi hỏi:
-Này ông cụ non! Nghe như năm nay bố mẹ mày về ăn Tết muộn hả?
-Vâng, sao chị biết?
-Hôm qua chị Quyên gọi về nói với tao như thế, chị ấy sáng 30 mới về. Đây mày xem, thùng mứt Tết đang bán kia là của nhà mày làm đấy.
-Ơ! Bố mẹ em gửi kiểu gì?
-Gửi xe khách chứ gì nữa. Hôm kia mới gửi về hai thùng mà còn có chừng này, chắc sáng mai phải gửi thêm một thùng nữa. Tao thấy bà mày mua mứt Tết ngoài đình đi gửi Tết, mày bảo bà mua trên này có phải hợp lý hơn không?
-Ui, em cũng chẳng nghĩ ra. – Tôi cười – Mỗi gói mứt Tết lời lãi được bao nhiêu đâu. Bán hết cả thùng này liệu được năm chục không chị?
-Bán hết một thùng này lãi được hơn một trăm! – Chị Hạnh nói nhỏ - Mỗi gói lãi được có hai nghìn thôi mày.
-Thôi chị cố gắng mà bán. – Tôi thở dài – Cuộc đời kể cũng lạ, ít tiền thì thừa thời gian, khi có nhiều tiền hơn thời gian lại ít.
-Nhưng vẫn tốt hơn đầy người chẳng có cả thời gian đồng thời chẳng có cả tiền. Nếu mày không về vội thì trông hàng cho tao một tí.
-Chị đi đâu?
-Tao đi vệ sinh!
-Được! – Tôi gật đầu.
Chị Hạnh bằng tuổi tôi, mọi người thân quen đều nói chị ấy giống mẹ tôi từ tính cách đến khuôn mặt. Mẹ của chị Hạnh - tức là chị gái của mẹ tôi – hay mắng chị ấy, mỗi khi mắng hay có câu “Mày lại giống con dì của mày”. Ban đầu tôi không hiểu lắm, về sau tôi mới nhận ra rằng trong ba cô con gái của bác Nậm thì chị Hạnh biết chưng diện sớm nhất dù ít tuổi nhất, mồm miệng lanh lẹ, đon đả, rất phù hợp cho việc buôn bán. Bên cạnh đó chị ấy còn rất ghê gớm, người nhỏ nhỏ như vậy nhưng có tính... anh chị. Mỗi tối ở Đề Đổ - nơi cái quán nhỏ này nằm ở một góc – luôn dập dìu các thanh niên choai choai cùng các cô gái mới lớn trêu đùa nhau. Bạn cùng lứa chị Hạnh có vài đứa rất xinh, tôi biết hết đám này nhưng trong con mắt của tôi chúng nó... là trẻ con! Tôi cũng chẳng hiểu nổi chính mình, tôi luôn cho rằng mình sắp lớn, ai học bằng mình hoặc hơn mình mới là người lớn, cứ học dưới một lớp là trẻ con cả, bởi vậy tôi ít khi để tâm đến đám con gái này.
Tôi cũng không có ý định lấy con gái trong làng mặc dù con gái làng tôi có rất nhiều ưu điểm như chịu thương, chịu khó, chiều chồng, ít biết chưng diện... toàn những đức tính tốt để trở thành bà chủ của một lò đậu phụ nào đó. Nếu ai đó hỏi tôi tại sao không thích lấy gái làng thì chính tôi cũng khó trả lời một cách rành rẽ, chẳng có một lý do cụ thể nào hết, chỉ đơn giản là tôi không thích. Đôi khi tôi tự hỏi có phải do mình chứng kiến một đứa thò lò mũi xanh, hò hét, chửi nhau... lớn dần thành thiếu nữ thẹn thùng khiến tôi khó chấp nhận hay không? Tôi không nổi bật trong làng vì không quá thân thiết với bất kỳ ai ngoài R9 và Chắc Gạo, những mối quan hệ khác đều là xã giao. Có lần chị Hạnh nói với tôi là con nọ con kia nó để ý mày nhưng tôi chỉ cười rồi lắc đầu, tán gái làng không có gì là khó bởi vì đến phân nửa chiến thắng, thậm chí hơn một nửa chiến thắng là do... gia đình! Chỉ cần đặt chân đến nhà nào rủ con hoặc cháu gái nhà người ta đi chơi tối là lý lịch trích ngang ba đời sẽ được liệt kê. Tôi không đẹp trai nhưng học trường huyện, bố mẹ lại đang ăn nên làm ra có tiếng trong làng, kiểu gì cũng được cộng điểm ưu tiên.
Chính vì tôi không có ý định yêu đương bạn nữ nào trong làng nên trong lúc chúng nó tán tỉnh nhau thì tôi còn bận nằm gối đầu rung chân ở một nơi nào đó ngoài cánh đồng làng.
16 tuổi tôi vẫn ế, chưa có người yêu!
Ăn tối xong khi nằm trên võng đong đưa, đôi mắt lim dim tôi mới chợt nhớ ra mình quên không hỏi bố liệu cái anh kia có tìm được nhà tôi hay không. Ngẫm nghĩ chốc lát tôi tạm yên tâm bởi kiểu gì bố tôi cũng dặn dò anh ta cách tìm nhà, chỉ cần hỏi tên bà hoặc ông nội tôi là xong thôi.
Sáng 27 Tết tôi dậy sớm hơn thường lệ, quần áo mang theo cho chuyến đi Hà Nội cũng chỉ một bộ cùng với những đồ chơi đặc biệt không thể thiếu. Cái ba lô mới mua được mấy tháng này vừa đủ để cho thanh kiếm gỗ vào bên trong. Ăn sáng xong xuôi tôi ngồi bên thềm nhà uống nước vối, tranh thủ đọc một cuốn truyện tranh trong khi chờ đợi. Quãng gần 9 giờ sáng có tiếng xe máy dừng trước cổng nhà, tôi đặt cuốn truyện xuống bên cạnh đứng lên định chạy ra mở cổng lại nghe tiếng xe máy rời đi.
-Có ai ở nhà không đấy?
Ngoài cổng có tiếng gọi kèm theo vài cái vỗ tay lên cánh cổng bằng gỗ ọp ẹp.
-Có ạ, có ạ!
Tôi vừa đáp lời vừa nhanh chân chạy ra mở cổng. Bình thường khi ở nhà bà tôi vẫn khép cổng và dùng một cây tre nhỏ chống cánh cổng, đề phòng chó hoặc gà chạy ra ngoài. Cánh cổng mở ra, đứng trước mặt tôi là một thanh niên lạ hoắc. Tôi xởi lởi mời anh ta vào nhà:
-Anh vào đi, vào đi. Em chờ từ sớm!
Anh thanh niên cười rồi bước vào. Tôi khép cổng lại sau đó nhanh chân bước lên trước dẫn anh ta vào nhà, mới đi được vài bước chân, khi tôi ngoái nhìn lại thấy anh ta đang sững người đứng như trời trồng giữa lối nhỏ. Đôi mắt của anh ta nhìn chăm chăm về hướng lũy tre, một hồi đảo mắt, anh ta tập trung vào vị trí mà mấy năm trước tôi về vẫn còn là một đ·ống đ·ổ n·át của ngôi miếu cũ nhưng bây giờ đã thay thế bằng những cây đu đủ, gần đó còn là chuồng gà của bà. Tôi không tiện lên tiếng nên cũng đứng lại chờ đợi. Người thanh niên này tóc cắt ngắn nhưng bề ngoài có vẻ không gọn gàng, anh ta có dáng người gầy, cao khoảng một mét bảy mươi, cổ hơi rụt, lưng hơi gù. Anh ta khoác bên ngoài một cái áo màu xám không kéo khóa, bên trong mặc một cái áo len cũng tối màu bó sát thân người, trong cùng có lẽ anh ta mặc áo sơ mi vì tôi thấy cổ áo với những đường kẻ ca – rô ôm sát cổ. Cái quần anh ta mặc là quần vải màu tối ống hơi rộng, đôi đép xăng – đan màu đen như kiểu Biti’s không cài quai. Như bố tôi nói, anh này tên là Ca. Tôi áng chừng anh ta hơn tôi khoảng vài tuổi.
Tôi bắt đầu chú ý đến khuôn mặt của anh Ca này, khuôn mặt của anh ta cũng không có gì đặc biệt, vì dáng người anh ta gầy nên khuôn mặt cũng có vẻ khắc khổ. Tuy nhiên tôi cảm thấy ngờ ngợ, nhất thời chưa thể nhớ ra đã gặp anh Ca này ở đâu, có thể do mấy lần trước đó đi cùng bố xuống dưới Thứa đã gặp anh này mà tôi không nhớ.
Anh ta đứng như pho tượng như vậy khoảng hơn một phút sau đó quay sang nhìn tôi cười, tôi cười đáp lại, nụ cười xã giao vì tôi cũng chẳng biết nói gì. Anh Ca này tạo cho cho tôi cảm giác lạ lạ mà tôi không lý giải được, tôi chẳng hiểu anh ta ra Hà Nội làm gì.
Tôi ngạc nhiên khi thấy anh Ca cúi cầu mấy lần như chào ai đó, hành động này của anh ta khiến tôi có chút bối rối. Chẳng lẽ...
Anh Ca chào bà, sau vài câu chào hỏi bà tôi cũng đi sang hàng xóm. Tôi nói cho anh Ca chuyến xe khách tiếp theo khoảng mười một giờ rưỡi mới đi qua cổng làng nên không phải vội. Hai anh em có thể ngồi chơi thêm một lúc.
-Nhà chỉ có hai bà cháu, chẳng mấy khi có khách. – Tôi nói – Anh ngồi tạm lên phản chơi. Ngoài trời hơi lạnh, để em pha ít nước nóng vào cái tích này uống cho ấm. Nếu anh không uống nước vối em sẽ pha nước chè, em uống được nước chè.
-Thế pha nước chè đi, tao với mày uống.
Anh Ca nói với giọng nhẹ nhàng, tôi có thiện cảm với anh này. Ngoài biểu hiện kỳ lạ ban nãy ra thì tôi cảm thấy anh ta là một người thân thiện, dễ gần. Anh Ca thắp vài nén hương lên ban thờ gia tiên, sau mấy lần vái anh ta lên phản ngồi xếp bằng tròn chờ tôi pha nước. Hai bàn tay đi găng tay len ôm lấy thân mình, co ro như một thói quen khi mùa đông đến. Tôi pha ấm chè xong bưng đặt lên phản, anh Ca chợt hỏi:
-Có hai bà cháu ở với nhau lại không mấy khi có khách mà nhìn mày pha ấm chè cũng cầu kỳ gớm nhỉ?
-Dạ? Có... có cầu kỳ gì đâu anh. Nhìn người lớn pha nên em làm theo ấy mà.
-Nhìn mày khoảng lớp 8 nhỉ?
-Không, em đang học lớp 10 anh ơi.
-Ô! Kiểu này chắc mày còi nhất lớp. Tao nhìn không nghĩ mày học nổi lớp 10 đâu.
Tôi chỉ biết gãi đầu rồi cười. Anh Ca hất hàm hỏi:
-Sinh năm Quý Hợi hả? Tên gì?
-Anh cứ gọi em là Tý được rồi, bà em hay gọi em như thế.
Tôi rót nước mời anh Ca, tranh thủ hỏi tên cho rõ:
-Bố em nói anh tên là Ca phải không anh?
-Ờ! Tao có tên họ khá là kêu. Mai Quốc Ca là tên của tao.
Tôi đang nhấp ngụm nước chè nóng chợt phì xuống nền nhà.
-Em... em xin lỗi.
-Tên tao buồn cười à?
-À không ạ! Tên hay mà anh.
-Hay mà ai nghe cũng phì cười.
Anh Mai Quốc Ca vừa nói vừa lắc lư thân mình. Anh ta chợt nhìn tôi với ánh mắt khá tập trung làm tôi chột dạ mặc dù không hiểu tại sao.
-Mặt em có nhọ ạ? Lúc sáng em rửa mặt rồi.
Tôi vừa nói vừa đưa tay lên xoa xoa hai gò má của mình. Mai Quốc Ca hay tôi tự gọi là Sơn Ca – tên một loài chim – chợt đưa ánh mắt nhìn qua chấn song cửa.
-À, trời hơi lạnh anh nhỉ? - Tôi gợi chuyện.
-Ngoài vườn nhà mày xưa có cái miếu nhỉ?
Tôi giật mình:
-Dạ... dạ...?
-Tao nói là ngoài vườn nhà mày hồi xưa có cái miếu.
-Em... em không biết! Em về ở... ở đây mấy năm nhưng không thấy có.
-Nãy tao mới vào đến cổng nhìn thấy một cô ngồi xếp bằng tròn ngay chỗ gốc mấy cây đu đủ nhìn tao chằm chằm, bà này ghê lắm. Tao sợ đến toát mồ hôi.
-Cô... cô nào... cô nào ngồi ngoài nhà em?
-Nói mày cũng không hiểu. Ý tao là ngoài vườn nhà mày có cô thần miếu, nãy tao bước vào cổng đã nhìn thấy, bà này rất là ghê.
-Anh... anh nhìn thấy... thấy ma á?
-Không phải ma! À cũng đúng là ma thật! Một ma nữ mặc quần áo màu đỏ, mặt cứ khó đăm đăm. Cái lối vào của nhà mày sao không làm lệch sang bên trái một tí, đi gần như vuông góc như bây giờ ra vào đều chạm mặt bà cô này, có ngày ắt sinh chuyện.
Mặt tôi nghệt ra không nói thành lời. Đây là lần đầu tiên tôi tận tai nghe rõ có người nói rằng họ nhìn thấy chị Ma giữa ban ngày ban mặt, tôi không cho rằng anh ta nói linh tinh bởi vì nghe anh Ca nhắc đến bộ quần áo màu đỏ là mặt tôi chuyển sang màu khác ngay.
-Mày nhát thế? Mới vậy đã tái mặt như kia rồi.
Nói xong anh Sơn Ca thản nhiên thổi vài hơi vài chén nước chè rồi uống ực một hơi hết luôn. Tự nhiên tôi cảm thấy miệng mình đắng nghét, môi như khô lại, cảm giác thật khó mà nói thành lời.
-Mày đừng có sợ, đất này nhìn qua là biết đất lành. Ma cũng chẳng hại ai trong cái nhà này. – Anh ta nói dứt câu lại nheo mắt nhìn tôi – Mày có đúng sinh năm Quý Hợi không?
Tôi gật đầu liền mấy cái thay cho câu trả lời, đầu óc tôi lúc này đang trống rỗng, không nghĩ được nhiều.
-Đừng có lo, trán mày vừa rộng vừa cao, nhân trung lại dài, nhìn qua là biết sống thọ.
Sơn Ca tháo đôi găng tay len ra để lộ từng ngón tay gầy gò với những móng tay nuôi dài, đặc biệt là hai ngón út. Anh ta vẫy tay ra hiệu:
-Mày đưa tay trái đây tao xem nào? Đang rỗi việc!
Tôi ngập ngừng đưa bàn tay trái cho Sơn Ca, anh ta cầm bàn tay của tôi lật, úp mấy lần. Tôi cảm nhận rõ bàn tay của anh này lạnh ngắt không phải bởi thời tiết. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh mặc dù nghe được tim mình đập thùm thụp, bụng tự nhiên như cảm thấy đói. Tôi sợ ai đó biết được bí mật của mình, đọc được suy nghĩ của mình.
Tôi cố gắng giữ bình tĩnh. Sơn Ca sau một lúc chăm chú quan sát lòng bàn tay của tôi với ánh mắt đăm chiêu anh ta mới nói:
-Số mày có quý nhân phù trợ, đường học hành cũng tốt, học đến nơi đến chốn nhưng cứ hay tạt ngang tạt dọc, có khi bỏ học giữa chừng.
Tôi cười mà như mếu:
-Em... em cũng không thích học lắm.
-Bố mẹ mày sinh năm bao nhiêu nhỉ?
-Anh... anh hỏi làm gì?
-Để tao xem cho mày.
-À, bố... bố em Tân Sửu, mẹ em Ất Tỵ.
-Mày có biết bố mẹ mày sinh vào tháng mấy không?
-Bố em hình như tháng 3, mẹ em tháng 4, hình như là âm lịch.
Tôi cảm thấy thoải mái hơn một chút nhưng bàn tay phải của anh Sơn Ca này rất lạnh, tôi cảm giác mình đang bị một cục đá quấn lấy bốn ngón tay vậy. Do tôi trả lời những câu hỏi của Sơn Ca nên có nhiều thời gian nhìn trực diện vào mặt anh ta, đặc biệt là đôi mắt. Dường như tôi đã gặp người này ở đâu rồi, nhìn rất quen nhưng tôi nghĩ mãi không ra chính xác đã gặp anh ta ở đâu và trong hoàn cảnh nào.
-Sao mày lại sinh năm 1983 được nhỉ? Không thể nào. Để tao gặp bố mày tao hỏi kỹ lại mới được.
-Sao thế anh?
-Mày nhất định phải sinh năm Giáp Tý - 1984 mới đúng, thậm chí mày phải sinh vào tháng Đinh Mão, nhất định phải như thế mới là đúng.
-Cái gì đúng ạ?
-Mày trẻ con không hiểu. Thôi uống nước đi.
Lúc tôi nghe anh Sơn Ca tự khẳng định tôi sinh năm Giáp Tý là tim tôi muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi muốn hỏi anh ta có phải thầy bói không nhưng chẳng tiện, ở anh này có điều gì đó rất lạ khiến tôi cảnh giác. Tôi và anh ta vừa mới gặp, tôi chẳng biết gì về anh ta trong khi anh ta lại đoán được khá nhiều điều tôi muốn giấu. Đúng là tôi sinh vào tháng Đinh Mão thật, tại sao anh ta lại đoán ra được cơ chứ?
***