Chương 388: Tháng Chạp
***
Đã bước sang đầu tháng Chạp, còn không đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán, kết thúc năm Mậu Dần, bước sang năm Kỷ Mão. Không khí Tết ở làng tôi chưa thấy gì bởi con cháu đến chín phần mười đều xa quê. Sau ngày mùng 10 tháng Chạp, làng Bưởi Cuốc thi thoảng sẽ đông vui hơn vào ban ngày bởi những đám cưới, đám chạp họ diễn ra san sát nhau. Họ Tiến nhà tôi chạp họ (gọi là chạp họ bởi vì ngày họp mặt họ diễn ra vào tháng Chạp) vào ngày mùng 6 tháng 1 Âm lịch hằng năm. Đầu những năm 2000, kể từ khi nhà thờ tổ được xây dựng thì ngày chạp họ được thay đổi sang 24 tháng Chạp. Tại sao lại có sự thay đổi này tôi không được rõ vì tôi đã rời làng, tôi cũng chưa một lần ăn cỗ chạp họ kể từ ngày nhà thờ tổ được xây dựng. Thú thật, mỗi lần lên nhà bà ngoại tôi đều phải đi qua cửa nhà thờ tổ nhưng nhà thờ luôn cửa đóng then cài nên tôi cũng chẳng có cơ hội vào thắp nén hương bái tổ. Những năm sau này khi cuộc sống trở nên tốt hơn thì sợi dây vô hình kết nối với tổ tiên càng mờ dần, điều này khó tránh khỏi khi tôi không có điều kiện về hội họp mỗi khi họ có việc. Nói thẳng ra là tôi chưa đến lượt được gọi, được hỏi. Bố tôi còn sống sờ sờ ra đó cơ mà.
Tôi không đồng ý với bố tôi nhiều việc, không hợp với mẹ tôi vì nhiều lẽ. Như tôi đã nói, nếu có thể, nếu có cơ hội nhất định tôi sẽ cải sang họ gốc.
Cuối năm nhà chùa rất bận, tôi không chú ý công việc của sư thầy nhưng tôi nhớ khoảng tháng Chạp hằng năm, ngày nào nhà chùa cũng phải tiếp khách. Cứ ngày nào có đám cưới, đám giỗ, đám chạp họ... nhất định sau đó sẽ có người đến chùa cúng lễ. Thi thoảng tôi cũng thấy một vài nhà sư trẻ đến chùa vài ngày sau đó rời đi.
Tôi không thường xuyên lên chùa, hay như lời sư thầy từng nói, tôi chỉ lên chùa khi có việc! Tôi không hiểu vì sao lại như vậy, đôi khi buổi sáng có ý định chiều lên chùa nhưng đến chiều lại quên béng đi, cuối cùng tôi cũng đành lắc đầu, tặc lưỡi chính mình.
Vào một buổi sáng - khoảng hơn 9 giờ sáng – đầu tháng Chạp, tôi không nhớ chính xác ngày, có lẽ ngày mùng 3. Tôi quyết định tìm gặp sư thầy. Sau một hồi lấp ló ở cổng chùa, khi chắc chắn trong sân chùa vắng lặng tôi mới đẩy cửa đắt xe đạp vào. Cảnh nhà chùa vào một buổi sáng mùa đông có nắng soi qua kẽ lá in bóng xuống sân gạch luôn làm tôi cảm thấy thích, đối với tôi đó là một cảnh đẹp. Cảnh chùa thanh tịnh, thi thoảng có tiếng chim kêu, trời se lạnh nhưng có nắng... cảnh đơn giản này bây giờ tôi chỉ có thể thấy qua tranh ảnh hoặc phim truyện. Lúc gần mười sáu tuổi, tôi cứ nghĩ những cảnh đó sẽ trường tồn, khi trưởng thành tôi mới biết tất cả mọi thứ rồi sẽ đổi thay, đến chính tôi cũng đổi thay. Con mắt của người trưởng thành nhìn vạn vật khác hoàn toàn so với một thiếu niên, điều này ai cũng hiểu.
Sư thầy đang ngồi cặm cụi ghi chép trên trường kỷ, trước mặt ông vẫn là ấm nước chè với mấy cái chén nhỏ. Ngoài ấm nước chè không thể thiếu, trên mặt bàn còn có vài quyển vở học sinh, thước kẻ, bút chì... Tôi gạt chân chống xe đạp, tiếng động đủ để sư thầy tạm dừng việc ghi chép trong chốc lát để nhìn ra sân, sau khi nhận ra tôi, ông chỉ mỉm cười rồi quay lại với việc ghi chép của mình. Trước khi bước vào bên trong ngôi nhà ngang, tôi dành vài giây nhìn ngó xung quanh, chẳng để làm gì, chỉ là một chút thói quen của người già mà thôi. Người xưa có câu “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy” tôi ở với bà nội hay nói chuyện với sư thầy... nên vì thế tôi cũng già trước tuổi hoặc... do tôi cố học đòi già trước tuổi.
-Hôm nay lên chùa có việc gì đấy thanh niên?
-Cháu muốn hỏi ông vài điều. Nếu ông đang bận thì để khi khác cũng được ạ.
Tôi sờ tay vào ấm trà thấy vẫn còn ấm bèn rót thêm vào chén nước đã vơi của sư thầy rồi lấy một cái chén đang úp ở khay tự rót cho mình.
-Thực ra cũng không tính là bận. Ông ghi chép lại một số thứ mà dân làng cung tiến cho nhà chùa. Năm nay làng ta làm ăn có vẻ phát đạt bởi vậy dân trong làng nhờ ông cuối năm sắm giúp lễ tạ tổ tiên, vì nhiều nhà nhờ quá thành ra phải ghi chép cẩn thận đưa cho từng nhà một.
-Ông cẩn thận quá! Ông viết một tờ là đủ rồi, nếu nhà nào cũng sắm sửa lễ giống nhau thì ông đưa cho cháu, tí nữa đi học cháu phô – tô ra mấy chục bản giống y chang, ông đưa cho mọi người là xong. Thời buổi công nghệ hiện đại mà ông.
-Ờ nhể! Ông cũng biết là phô – tô sẽ tiện nhưng xa quá.
-Thế ông để cháu, cổng trường cháu học có một quán phô – tô. Chiều cháu mang về cho ông hẳn năm mươi bản y chang là xong.
-Tốt quá, tốt quá! Vậy ông đỡ phải viết. Bây giờ ông cũng già rồi, mắt không còn tinh, tay thi thoảng cũng run.
-Ông làm gì đã già, mới ngoài sáu mươi còn khỏe chán. Bà cháu bảy mươi mấy rồi còn khỏe mạnh như thường.
-Cũng không nói hay được. Lúc còn trẻ ông đi chỗ nọ chỗ kia, có những v·ết t·hương mà khi khỏe chẳng sao đến lúc già là tái phát, khó nói lắm. Đây, cháu xem này, những ngón tay này khi trai trẻ từng bóc vỏ cây trên rừng mà giờ già rồi lắm khi còn chẳng nghe lời.
Sư thầy vừa nói vừa cười, xòe bàn tay ra cho tôi xem. Nhìn sư thầy mới ngoài sáu mươi nhưng thật sự mà nói thì ông già hơn cái tuổi này nhiều, nếu không biết tuổi thật có lẽ ai cũng đoán ông nay đã ngoài bảy mươi chứ không thể ít hơn. Một số ông sư mà tôi từng gặp có khuôn mặt nhân hậu nhưng khó mà giấu được vẻ khổ hạnh của một bậc chân tu. Bữa cơm của sư thầy quanh đi quẩn lại chỉ rau, dưa gang muối... với cà pháo, nước chấm là muối trắng mà mỗi khi tôi có dịp chấm thử đều khó mà nuốt được. Ăn uống như thế nhiều năm bảo sao các nhà sư già không mấy ai có thân hình đầy đặn. Những hình ảnh ấy đã in sâu trong tâm trí của tôi vì tôi đã nhìn thấy trong nhiều năm, dần dà những hình ảnh về sư thầy trở thành một chuẩn mực trong suy nghĩ của tôi về một nhà sư. Thời thế đổi thay, tôi cũng cố gắng thay đổi những suy nghĩ của mình cho hợp với thời cuộc nhưng thật khó, có lẽ do bản thân tôi có chút bảo thủ.
-Cần gì cháu cứ hỏi, nếu ta biết nhất định ta sẽ nói cho cháu.
-Cũng không có gì quan trọng lắm ông ạ. Mấy hôm rồi cháu đi học nghe bạn bè kể về Thần trùng, về trùng tang các kiểu. Cháu cũng hỏi bà cháu nhưng bà cháu giải thích sơ sài lắm, cháu mù tịt. Bởi vậy cháu muốn hỏi ông.
-Sao đột nhiên cháu lại muốn tìm hiểu về cái này?
-Cháu tò mò. – Tôi cười.
-Tò mò à? – Sư thầy cũng tủm tỉm cười – Tò mò là tốt, tò mò cũng có nhiều cái hay nhưng cũng lắm cái dở đấy cháu. Những gì cháu nghe được từ các cụ cao niên hay từ bà của cháu là những điều được truyền miệng trong dân gian từ ngàn đời nay. Nếu xét về trí tưởng tượng, ông phải thừa nhận một điều là giới trẻ bây giờ rất sáng dạ, hơn hẳn bậc cha ông trước đây, đúng là tre già măng mọc.
-Ông nói rõ hơn được không ạ? – Tôi gãi đầu.
-Hẳn là cháu đã từng nghe câu “Nhấm nhẳng như chó cắn ma” nhỉ?
Tôi gật đầu, sư thầy thủng thẳng hỏi tiếp:
-Cũng đã từng nghe cây dâu tằm mà vụt lên thân người có thể đuổi được tà ma?
Tôi lại gật đầu. Điều này trẻ con đứa nào mà chẳng biết, không có gì lạ. Sư thầy hỏi tiếp:
-Vậy đã từng nghe bạn bè đồng trang lứa mách rằng dùng máu chó để xua đuổi ma quỷ chứ?
Điều này tôi cũng có nghe nên tôi tiếp tục gật đầu. Sư thầy nhấp một ngụm nước chè, mắt đăm chiêu nhìn ra cửa, ông nói:
-Đấy là những phép trừ tà cực kỳ đơn giản, nếu không nói là dành cho các thầy nhập môn. Cháu có bao giờ nghĩ tại sao trong dân gian lại lưu truyền các kinh nghiệm đó hay không?
Tôi lắc đầu, quả thật tôi chưa từng nghĩ đến.
-Chính những thầy phù thủy đã mách cho dân, những cách chữa bệnh bằng mẹo đến nay dân làng ta vẫn dùng như cạo gió mỗi khi trúng gió cũng là do các thầy phù thủy chỉ cách. Thời buổi bây giờ đất chật người đông, nếu cháu nghĩ ngược về hàng nghìn năm trước, khi mà chưa có những ông bác sĩ, những ông kỹ sư... người dân đã sinh tồn như thế nào? Ma quỷ không phải mới có gần đây, cũng chẳng có ai c·hết đi rồi sống lại mà bày cách xua ma quỷ hay thậm chí là chống lại. Cho đến nay, hiểu biết của mỗi người về thế giới bên kia đều rất hạn hẹp, đều là phỏng đoán. Ngay đến bản thân ông đây cũng không dám nói là biết nhiều.
Tôi lặng im ngồi nghe, hai tay để vào giữa hai đầu gối.
-Các thầy phù thủy cũng chia ra thầy tốt và thầy xấu. Cháu có nhìn thấy ông Thiện và ông Ác ở trước gian thờ chính chứ?
Tôi gật đầu.
-Thần trùng như cách mà người dân hay gọi là đại diện cho cái ác. Thần trùng không phải là một người cụ thể mà là một nhóm người, thậm chí rất đông.
-Tại sao lại là một nhóm người hả ông? Cháu tưởng là Thần chỉ có một chứ ạ?
-Ông biết cháu là người hay đọc sách lịch sử, có đúng không nhỉ?
-Vâng! Cháu thích đọc những cuốn sách lịch sử nhưng... thú thật với ông là cháu đọc vì... rảnh rỗi thôi ạ. Tuy cháu cũng thích nhưng cháu không nhớ được vì thế... hiểu lại càng không.
-Ở tuổi của cháu thì chịu đọc đã là một điều tốt, cứ đọc rồi tự nhiên mọi thứ sẽ vỡ vạc thêm ra, tự khắc sẽ hiểu được. Người thầy suốt đời của mình là chính mình cháu ạ. Thời trước không yên bình như bây giờ, ngay như lúc ông còn trẻ ở trên mạn ngược đã từng chứng kiến nhiều c·ái c·hết. Người ta có thể s·át h·ại một hoặc một nhóm người khác chỉ vì lòng tham hoặc địa vị. Những kẻ tay đã nhuốm máu dù ít hay nhiều khi nhắm mắt xuôi tay cũng phải chịu sự trừng phạt, những người vô cớ b·ị s·át h·ại đó linh hồn sẽ đi về đâu? Nhiều chùa chiền thời ấy cũng làm lễ cầu siêu sau mỗi đận can qua nhưng không phải vong hồn nào cũng cúi đầu theo Phật. Những kẻ cố chấp ấy với lòng thù hận sẽ dần biến thành quỷ, kết bè kết đảng với nhau.
Tôi nghe không chớp mắt, gật đầu như bổ củi.
-Không phải con quỷ nào cũng cứng đầu, nếu có cơ duyên nghe giảng giải nhất định sẽ buông bỏ mọi thứ để mà siêu thoát. Những con quỷ cứng đầu cứng cổ còn lại có thể chờ đợi hàng trăm năm để báo thù.
-Báo thù ạ?
-Có nhiều điều ta kể với cháu, ông kể với tư cách là một người ông, một người lớn tuổi chứ không phải là một nhà sư, cháu hiểu ý ông chứ?
Tôi không hiểu lắm nhưng cũng gật đầu.
-Những con quỷ ấy sẵn sàng chờ cả trăm năm cho đến khi kẻ thù hoặc những kẻ thù của chúng trở lại thành kiếp người. Chúng không thể thay đổi được số mệnh của một người nhưng khi đã thành ma lại khác. Thần trùng hay quỷ trùng tang như ông bà ta hay gọi chỉ là một từ chỉ nhóm ấy. Phàm là con người, không ai tốt hoàn toàn cũng chẳng ai xấu triệt để. Kiếp này lo tu thân, làm nhiều việc thiện trước hết là để tâm mình thanh thản, sau này để cái phúc cho con, cho cháu. Kiếp này tốt, nhất định kiếp sau sẽ tốt, chẳng có quỷ trùng nào có thể động đến được cháu cả, ta chắc chắn điều đó.
-Cháu... cháu không sợ quỷ trùng nhưng... có cách nào đuổi bọn họ đi không ông nhỉ?
-Hả? Đuổi đi ư? Cháu có phải là pháp sư đâu nhỉ? Đến ta đây ăn mày cửa Phật bốn chục năm cũng chỉ muốn trấn. Ông là nhà sư, không phải pháp sư. Nhà sư như ông là nói lý nhưng pháp sư có thể không nói lý. Cháu định theo nghiệp trừ tà hả?
Tôi vội xua tay:
-Không, không đời nào! Chỉ là cháu tò mò. Cháu nghĩ ông là nhà sư kiểu gì cũng biết cách đuổi bọn chúng đi nên cháu hỏi ấy mà.
-Cách làm của ông à? Ông là nhà sư, sáng tối chỉ tụng kinh niệm Phật. Nếu một người mất mà gia đình người đó đến nói với nhà chùa, nhà chùa mà biết có khả năng bị trùng tang thì trấn để quỷ không làm phiền. Xưa nay ông không có ý định xua đuổi đám quỷ ấy.
-Tiếc thật!
-Cháu tiếc cái gì?
-À không ạ!
Tôi vội cười rồi lảng sang chuyện khác. Ngồi nói chuyện với sư thầy thêm chừng nửa tiếng thì tôi đứng dậy xin phép ra về vì buổi trưa còn phải đi học. Mùa Đông học sớm hơn mùa hè những nửa tiếng.
-Này ông bảo!
Tôi dừng xe vì sư thầy gọi với theo.
-Ông bảo gì ạ?
-Chờ ông một tí.
Tôi gạt chân chống xe đạp rồi đi lại chỗ giếng nước ngó nghiêng linh tinh chờ đợi, một lúc sau sư thầy bước ra với một chai 65 màu xanh sậm trên tay, nhìn nút lá chuối tôi tưởng sư thầy nhờ tôi đi mua rượu cúng, nhưng không phải.
-Đừng có mở ra nó hả hơi. Ông không biết khi nào cháu cần dùng thứ nước này nhưng cách dùng cũng đơn giản thôi, dội từ đầu xuống chân như tắm ấy mà.
-Cái này là cái gì ạ?
-Ông cũng chẳng biết gọi nó là cái gì. Tự nhiên cháu hỏi về Thần trùng nên ông nghĩ có khi cháu cần.
-Cháu cần ạ? – Tôi ngạc nhiên.
-Ông nghĩ như thế.
-Vậy.... cái này... cái chai này dùng để tắm ạ?
Sư thầy vuốt chòm râu lốm đốm sợi bạc một lúc, vẻ mặt đăm chiêu, một lát sau ông vỗ vai tôi mấy cái, ông nói:
-Ông nghĩ thứ này chỉ nên dùng vào ban đêm khi đi đâu về. Lần trước cháu đi chơi khuya ở đâu mà trúng gió độc, có nhớ không hả?
-Cháu nhớ ạ!
-Tốt nhất không nên tắm thứ này ở nhà, gió độc không nên mang về nhà, không tốt.
Tôi ngẩn người ra không hiểu, nhìn cái chai thủy tinh rất bình thường. Tôi vâng dạ rồi mang cái chai về nhà cất đi cẩn thận, suốt buổi chiều đi học thi thoảng tôi vò đầu bứt tai nghĩ xem ẩn ý của sư thầy là cái gì mà đưa cho mình cái chai đựng nước ấy. Tôi đã xem kỹ rồi, trong chai đó lởn vởn những thứ gì đó rất lạ, nhìn như rễ cây giã nhỏ, dường như có cả lá xanh nữa. Dưới đáy chai tôi còn ngờ ngợ như có củ gừng, nhìn giống lắm. Tôi không dám mở ra ngửi vì nhớ lời sư thầy dặn.
Tôi đem thắc mắc của mình nói với hai chị ma, hai chị nghe xong cũng lắc đầu không biết đó là thứ gì. Hai chị là ma nên thứ gì sư thầy đưa cho tôi hai chị cũng giữ một khoảng cách nhất định vì sợ, bản thân tôi cũng chẳng hiểu vì sao các chị ấy lại sợ nữa.
-Cái ông sư này cứ thần thần bí bí đến là lạ. – Chị Ma kết luận.
-Cò Tý ạ! Ta ngờ rằng ông lão này đoán biết được việc ngươi đã làm hoặc sẽ làm đấy.
-Em cũng lờ mờ đoán được. – Tôi thừa nhận lời chị Đẹp nói là đúng.
-Tốt nhất khi nào đi đêm em mang theo cái chai nước ấy, cẩn thận không nó đổ mất. Mà ông ấy dặn em phải tắm à?
Tôi gật đầu.
-Cái chai đó được bao nhiêu nước mà tắm? Cái ông này cho người ta bảo bối thì dạy cách dùng luôn đi. Lần nào cũng thế, đưa bảo bối nhưng không dạy cách dùng, khác gì cho thanh gươm quý vào tay thằng ba ngơ, phí của.
-Em có ba ngơ đâu?
-Chị thí dụ thế, chị không nói em.
-Mà bao giờ đám Thần trùng quay lại các chị nhỉ?
-Trời biết! Chị với cái Khuê hằng đêm sẽ canh ở ngoài ấy, có thế nào bọn chị sẽ gọi em.
-Sao không nhờ mấy anh tuần binh ấy chị?
Chị Ma nhún vai trả lời:
-Nghe đến quỷ trùng về thì ông nào ông nấy lắc đầu, chẳng ai muốn liên lụy đến con cháu của mình đâu. Mà em cũng thấy rồi, em ẩn thân còn không chui qua được đám sương mù ấy thì ma chính hiệu như bọn chị vào bằng cách nào? Họ sợ cũng là đúng thôi.
-Muốn đánh bọn nó cũng phải biết quy mô bao nhiêu, cách đánh thế nào chứ. Đánh nhau mà mù tịt như này em sợ là mình nắm chắc phần bại.
-Chị sẽ tranh thủ đi dò la tin tức, nếu có gì hay nhất định chúng ta sẽ bàn bạc thêm. Thế tối nay có gì ăn?
-Lúc chiều trên đường đi học về em có mua kẹo.
-Ngươi lúc nào cũng kẹo, đàn ông con trai mà như đàn bà ấy.
-Chị không ăn thì thôi. Cái này là kẹo cao su Big Babol đấy.
-Kẹo cao su? Tên gì lạ thế?
-Chờ một tí, em thắp hương xong thì tha hồ ăn, hay lắm, nhớ đừng có nuốt nhé!
Hai chị ma nhai sái quai hàm và bảo rằng thứ kẹo đó thơm và ngọt, ngon hơn thức ăn dành cho ma gấp vạn lần. Hai chị ăn mấy cái còn đâu mang đi cho vong khác, những cái kẹo Big Babol để lại chỗ tôi ngồi chẳng còn mùi vị gì nữa. Tôi đã nhai thử rồi, y như nhai cao su vậy. Nhìn thấy tôi nhổ nước bọt phì phì, hai chị ma cười như nắc nẻ.
Đầu tháng Chạp, chỉ có sao chưa thấy có trăng...
***