Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 384: Đêm ngủ bên lò gạch




Chương 384: Đêm ngủ bên lò gạch

Tôi đưa ra một quyết định cá nhân mà không hỏi qua ý kiến của bà hay bố mẹ mình. Tôi đã nhờ chú Chung xây một cái mộ tròn cho bà nội cả của tôi, ngôi mộ nằm gần rìa bãi tha ma về hướng Nam. Vợ chồng chú Chung lấy làm lạ, có chút lưỡng lự khi nấm mộ đất không tên mà tôi cứ nhất quyết khẳng định đó là mộ của bà nội mình. Tôi hiểu vì sao cô chú ấy lưỡng lự, nói gì thì nói tôi vẫn là một thằng trẻ con sắp thành thanh niên, ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới này liệu có mấy ai quan tâm đến mộ phần của ông bà tổ tiên.

-Chú đừng lo, nếu là nhầm mộ của người khác trong làng thì tốt chứ sao, tự nhiên có người xây cất hộ lại chẳng mừng quá ấy chứ.

-Nhưng mày có chắc đây là mộ của bà nội mày không?

-Sao lại không chắc, chính bà cô của bố cháu chỉ cho cháu mấy tháng trước. Đây chú xem, chân hương nhiều, đất thì chính cháu đắp, mấy mộ bên cạnh làm gì có nhiều chân hương như thế.

-Tao thì chả ngại gì, cứ có tiền công là tao làm. Nếu mà nhầm sang mộ người làng tao sẽ đổ cho mày.

-Vâng. Chú cứ xây giúp cháu, công xá với gạch hết bao nhiêu mai cháu đưa tiền.

-Thế xây luôn hôm nay hay sao?

Tôi ngần ngừ một chút mới nói:

-Để sáng mai cháu làm cái lễ nhỏ ra đây rồi hãy xây chú nhé. Chú cứ xây mộ tròn giống mộ bà cô Tổ nhà cháu đợt trước gần bãi Bã Mía ấy.

-Mộ chừng ấy thì xây không đáng bao nhiêu đâu.

-Vậy cháu nhờ cô chú. Cháu về đi học đã, sáng mai 8 giờ chú cháu mình gặp nhau ở đây nhé.

-Còn hai mộ kia thì sao?

-Nhìn cũng hòm hòm cả rồi, chiều cháu đi học về cháu tạt vào xem thử. Cháu tin tưởng ở tay nghề xây mộ của chú mà.

-Thôi được.

Tôi nhớ lại khuôn mặt buồn bã của bà nội cả trước đây nên hi vọng rằng việc mình thành tâm xây mộ cho bà sau khi mộ phần của ông nội đã xong xuôi là điều phải làm. Chú Chung cũng nói với bố tôi việc này, bố tôi rất ngạc nhiên bởi chính ông cũng không nhớ chính xác, trước đó tôi đã phao tin trong nhà là bà Con là người chỉ cho tôi. Đấy, tôi toàn đổ vấy tiếng tốt cho người khác. Các cụ già không còn minh mẫn hoặc nhớ tốt như đám trẻ chúng tôi, bởi thế vào ngày giỗ của cụ bà vào đầu tháng Mười hai âm lịch, bà Con còn bán tín bán nghi liệu có đúng là bà đã chỉ cho tôi hay không. Một đứa nhanh mồm nhanh miệng như tôi nói chen vào, nói thay bà Con khiến mọi chuyện sau đó đều ổn cả. Như vậy là nhà tôi đã xây được tổng cộng bốn ngôi mộ, song tôi còn chút lấn cấn về phần mộ của cụ nội của cụ tổ của... các cụ khác mà tôi chẳng thể nào biết hết được. Động mồ động mả là một việc hệ trọng trong mỗi gia đình, càng lớn con người càng suy nghĩ phức tạp. Tôi lúc này chưa lớn bởi vậy suy nghĩ của tôi đơn giản hơn rất nhiều, tôi luôn tin rằng mình thành tâm là đủ, nếu có sơ suất gì nhất định chị Ma sẽ tìm cách cảnh báo hoặc ngăn cản tôi. Thật sự thì trước nay đều như vậy cả.

Sau ngày giỗ ông tôi vài hôm, tôi nhớ hôm đó là sáng ngày thứ Bảy trong tuần, tôi và R9 đi học sớm hơn thường lệ. R9 chở tôi bằng chiếc mini màu đỏ, hai chúng tôi cùng lên phố Hồ, đích đến là cửa hàng xe đạp. Tôi mua một cái mini màu xanh ngọc, nước sơn bóng loáng. Tôi đã quên giá của cái xe đạp ấy, đâu đó khoảng hơn năm trăm nghìn. Việc mua bán diễn ra rất nhanh gọn, mua xe đạp xong hai thằng con tranh thủ đi ăn chè đỗ xanh, một việc khá ngược đời trong mùa đông nhưng sẽ để hiểu nếu ở làng tôi chẳng có thứ gì để ăn vặt. Cất công lên phố huyện mà không cho cái gì vào miệng cảm thấy như cuộc sống thiếu đi vài phần thi vị.

Ngồi ăn chè tiện thể ngắm cái xe mini mới, R9 hỏi tôi:

-Mày chắc ông sư sẽ nhận chứ?

-Cứ mua đã, mua về rồi tao mang lên, tao bảo xe tao không dùng nên tao tặng sư thầy.

-Nghe qua đã biết mày nói láo, cái xe mới tinh thế kia cơ mà.

-Đi từ giờ đến chiều nó sẽ cũ đi. Sư thầy giúp tao với mày nhiều như thế mà đi cái xe Mifa đến là cũ, thêm nữa nó lại cao. Hôm họ tao mượn đi thử thấy lốp sau mòn rồi, trời mưa phùn mà trơn trượt thì toi.

-Còn có tháng nữa là Tết, mày có mua sắm cái gì không?

-Mày định rủ tao ra Hà Nội chứ gì?

-Ờ thì... thì tao cũng định thế.

-Cũng được, đi thì đi, tuần sau hay sao nào?

-Nếu không có gì thay đổi thì thứ Bảy tuần sau tao với mày lại làm một chuyến. Trời đang lạnh, Tết lại đến gần, tao cũng muốn mua thêm cho bọn trẻ con mấy cái áo len.

-Thôi ông ơi, nhớ bố mẹ thì nói mẹ nó ra. Cái phố Hồ này nó thiếu áo len để mua à. Bố mẹ mày ở chỗ đấy buôn bán có được không?

-Cũng tạm tạm, mới làm nên nghe đâu được gần hai chục cân. Chưa đâu vào đâu thì cụ tao mất, đám ma với đám bốn mươi chín ngày cũng tốn kém.



-Việc chẳng đặng đừng chứ ai muốn. Tao thấy hiện tại hoàn cảnh nhà mày còn nhiều khó khăn mà cỗ bàn chẳng thiếu, sau này mày lớn, tao nghĩ mày nên đơn giản đi. Con cháu còn nhiều khó khăn thì đừng có bày vẽ ra làm gì, lưng cơm cái trứng là được rồi. Mày ra Hà Nội mày thấy đấy, cuộc sống ngoài ấy khác quê mình, ngoài đường người ta cứ đi vù vù, cái gì cũng gấp gáp. Thời buổi này lo kiếm ăn, lo làm giàu chứ cứ lo mâm cao cỗ đầy có ngày chả còn gì mà ăn.

-Cái làng mình xưa nay thế rồi, chưa đến lượt mình nói thì chấp nhận thôi.

-Làng mình tao thấy giàu có nhưng giàu có đâu đâu ấy. Mày có tin làng mình lúc tao với mày rời đi sẽ vắng như chùa bà đanh không?

-Vãi mày! Mày nghĩ mày là thánh thần gì?

-Thánh thần? Mày cứ nhìn vào lũ trẻ con thôi, đợt hè vừa rồi một số đứa nhỏ đã chuyển ra Hà Nội trong khi số đứa mới về làng chẳng có mống nào. Nhìn đó là biết thôi, ai cũng muốn ở Thủ đô hết. Làng mình rồi chỉ còn bà tao với bà mày sống với nhau thôi, một làng toàn cụ già, một làng thiếu sức sống.

-À này, sau hôm bốn chín ngày cụ tao, tao nằm mơ thấy cụ tao đấy.

-Cái gì? Cụ mày về à?

-Tao nằm mơ thấy cụ tao đứng nhìn tao một lúc rồi quay lưng đi.

-Thế có nhìn thấy mặt cụ mày không?

-Có – R9 gật đầu – Nhưng cụ tao chẳng nói gì.

-Nhớ mày cụ về thăm chút thôi, làm gì mà sợ đến nỗi mặt tái thế kia?

-À thì cứ thấy rợn rợn. Tại lúc còn sống cụ tao cũng khó tính nên tao sợ sẵn rồi.

-Thôi đừng có lo, tháng trước sư thầy xuống cúng cho nhà mày, từ hôm ấy tao thấy yên rồi còn gì nữa.

-Thì biết thế.

Chiều muộn hôm ấy từ trường tôi đạp xe thẳng về chùa làng, dắt xe vào đến sân nhìn thấy sư thầy đang lúi húi nấu cơm tối dưới bếp. Tôi ngồi xuống cửa bếp hỏi ông:

-Ông có mỗi một mình sao ngày nào cháu cũng thấy ông nấu đủ ba bữa thế ạ?

-Ông ăn bao nhiêu đâu nhưng đã thành lệ rồi. Buổi tối nấu cơm nóng để còn cúng nữa.

-Làm nhà sư đúng là khổ thật, bởi thế cháu không muốn làm ông sư.

Tôi vừa nói vừa cười. Suốt bao năm ở quê với bà, tôi không phải động chân động tay vào nấu nướng cái gì. Lúc trưởng thành vất vưởng ở Hà Nội cũng ăn cơm ké ở nhà cô Lý rồi sau đó ở cùng đứa em gái. Nó nấu ăn không khéo mấy nhưng vẫn khá hơn thằng lười như tôi gấp vạn lần. Đôi lúc ngồi ngẫm lại tôi nhận ra số của mình cũng không đến nỗi tệ, lúc nào cũng được chăm sóc đến nơi đến chốn.

-Có việc gì mà thanh niên mới đi học về đã lên đây? Cháu không đến chùa nếu không có chuyện.

-Cái xe Mifa của ông cũ rồi ông không nên dùng nữa. Cháu tặng ông cái xe mini kia để ông đi lại cho tiện, xe thấp lại có giỏ. Ông tha hồ để đồ trong đấy.

-Cái gì nữa? Lại định hối lộ ông hả?

-Hối lộ gì ạ? Ở nhà cháu còn tận ba cái xe đạp khác, xe này bố mẹ cháu mua cho cháu từ hồi đầu năm học nhưng cháu thích đi xe địa hình cho hầm hố để tán gái cho dễ.

-Thế đã tán tỉnh được cô nào chưa?

-Cháu chưa, nhưng sẽ ông ạ. Chắc nay mai.

-Ông cũng ít đi lại, loanh quanh cũng chỉ từ đây ra đến cầu Đình rồi về, đi xa đã có người ta chở.

-Cháu biết thế nhưng mà ông cũng ngoài sáu mươi rồi không khỏe được như bọn cháu đâu. Hôm nọ đèo ông bằng cái xe Mifa nó kêu lạch cạch như thế là bị hỏng rồi. Đồ hỏng không nên dùng nữa ông ạ.

Sư thầy ghế nồi cơm nheo nheo mắt nhìn ra ngoài sân. Trời đã nhá nhem tối. Ông bước đến gần chiếc xe nhìn kỹ một hồi rồi quay lại nói với tôi:



-Xe để lâu mà còn mới nhỉ, chẳng có cả bụi, y như vừa dắt ở cửa hàng ra.

Tôi chạy lại gần dùng ngón tay quệt quệt lên vài chỗ:

-Cháu phải lau sạch mới đưa cho ông đấy, xe này cháu còn chưa cả đi nổi một ngày, cũng có thể xem là xe mới đấy ông ạ.

Sư thầy nhìn tôi lắc đầu cười chắp tay sau lưng quay vào trong bếp:

-Khả năng nói dối của cháu cũng rất hợp lý, xem ra ông mà từ chối chắc cháu sẽ lấy lý do cung tiến cho nhà chùa hả?

-Sao ông biết?

-Biết thì biết chứ sao nữa. Thôi được rồi, cháu tặng thì ông nhận. Liệu cái này có phải là trả công cho việc hôm vừa rồi hay không?

Tôi xua tay:

-Không đời nào, là do cháu thấy cái xe Mifa ông nên bỏ đi. Ông nói thế tội cháu.

-Được, ta sẽ tin là như thế. Chả biết tin vào miệng một đứa mồm năm miệng mười, nói dối không chớp mắt liệu có đúng hay không?

-Hề hề hề... cháu nói thật, ông phải tin cháu.

Ngồi nói chuyện với sư thầy thêm một lúc thì tôi khoác ba lô đi bộ về khi trời đã tối hẳn, mới đặt ba lô xuống phản đã nghe bên cửa sổ có tiếng lạch cạch mấy lần. Tôi bước vội ra ngoài mái hiên xem chị Ma gọi gì nhưng không thấy bóng dáng, ánh điện từ trong nhà hắt ra giúp tôi phát hiện có cánh bướm trắng bay dập dờn ngay trước mặt. Không một chút ngạc nhiên, tôi nhảy từ trên hiên nhà xuống khu vườn đầu hồi đứng vài giây cho quen với bóng tối trước khi bước từng bước đến cây vối.

-“Hẳn là đêm nay có gì hay đây mà”.

Lá vối hái xong tôi để vào trong đống rơm, nhìn đồng hồ mới hơn 6 giờ tối, ngẫm nghĩ chán tôi mới đi dọn mâm bát cho bữa tối. Bà tôi lấy làm lạ hỏi:

-Mày đói hả?

-Cháu không! Cháu thấy chưa đói lắm.

-Thế chốc nữa đi đâu hay sao mà dọn cơm sớm thế?

-Cháu chả biết, tối nay thứ Bảy, tí nữa chán thì cháu đi xem bóng đá.

-Trời lạnh như này mày cứ đi tối làm cái gì, ở nhà mở tivi mà xem.

-Xem bóng đá ồn ào làm sao bà ngủ được. Thôi cứ ăn cơm xong rồi tính bà ạ, hoặc có thể cháu ngủ sớm.

Cơm nước xong mới 7 giờ tối, dù không buồn ngủ tôi cũng cố gắng chợp mắt vì cả tháng rồi không đi đâu khuya, hơn nữa ngồi chờ đợi biết đến khi nào, tốt nhất cứ đánh một giấc.

Khoảng 11 giờ đêm tôi choàng tỉnh khi nghe tiếng động bên cửa sổ, chẳng hiểu sao tôi rất thính với những tiếng động cạch cạch mỗi đêm, sau này là tiếng chuông điện thoại. Tôi có thể ngủ say như c·hết nhưng điện thoại kêu chuông lại nghe rất rõ.

Bà già đã tắt đèn nhưng chưa ngủ, tôi đoán như vậy và không sai. Ngay khi tôi vặn đèn đầu to lên một chút đã nghe thấy giọng bà:

-Mày làm gì đấy, đi đâu?

-Bà cứ ngủ đi, cháu ngủ từ tối rồi, tự nhiên thức giấc.

Tôi vớ kiếm gỗ, hai cái túi vải, trước khi đóng cửa nhà và thò tay cài then cửa, tôi dặn bà:

-Bà cứ ngủ đi, xem xong bóng đá cháu về.

-Cha bố mày, suốt ngày đi đêm đi hôm, cầm cái đèn pin theo không rơi xuống ao chuôm là c·hết lạnh, c·hết đ·uối đấy.



-Có, có đây, cháu có đèn pin.

Chị Ma đứng chờ tôi cạnh ụ rơm, tôi bước xuống sân thì chị ấy đã ra đến cổng, chị Đẹp đang chờ ở ngoài ấy. Tôi lười mở cổng nên phải trèo tường. Vừa chạm mặt là tôi hỏi luôn:

-Đêm nay có gì vui hả các chị?

-Ngươi lâu thế, ta đứng chờ mỏi chân.

-Em còn phải làm động tác giả với bà em nữa. Chị là ma sao mà mỏi chân được, chị lại văn vở.

-Ta cảm thấy mỏi chân thì mỏi chân. Ngươi nói văn vở là sao?

-À... à... đại khái là nói quá đó chị.

-Đêm hôm qua ở Cầu Khoai lảng vảng có mấy ma lạ xem chừng đến thám thính, đã hơn một tháng nay đám quỷ trùng không quay lại nên chị ngờ là đám ấy.

-Chị chắc không?

-Không chắc lắm. – Chị Đẹp nói – ta nhìn quần áo bọn chúng mặc thì đoán vậy chứ không có cơ sở gì. Từ tháng trước hầu như đêm nào bọn ta cũng ngồi chơi ở mé đằng ấy. Đêm nào không ra chơi đã có những ma khác giúp đỡ.

-Anh Nẫm ạ?

-Ngươi nín!

-Em hỏi mỗi thế, làm gì mà ghê thế không biết.

-Đêm nay cuối tuần nên chị mới gọi em đi cùng, lâu không đi chơi đêm, đi một hôm cho vui. Chị nói chuyện với cái Khuê mãi cũng hết chuyện.

-Đi mà, đi mà. Hề hề hề... chị Khuê hôm nay có vẻ xinh hơn mọi hôm nhỉ?

-Bình thường ta vẫn đẹp như thế, không cần ngươi khen.

-Thôi, chị em cô cùng họ mà sao cứ cà khịa nhau thế nhỉ? Đi mau!

Tôi lẽo đẽo chạy theo hai chị, đêm mùa đông không thể thiếu mũ len bịt tai với áo len cổ lọ, thêm một cái áo phao khoác ngoài nữa. Nếu không muốn mặc nhiều áo tôi có thể ngậm lá vối từ nhà nhưng cảm giác lạnh cũng rất thú vị, đêm đông lạnh lẽo, đường làng vắng bóng, nhà nào cũng cửa đóng then cài im lìm. Đêm cuối tháng bao giờ cũng tối tăm, bầu trời thì có sao nhưng nhìn rất ảm đạm.

Đã gần nửa đêm nhưng quán điện tử nhà anh Tuấn vẫn sáng đèn, vẫn có hàng chục thanh niên quây quần bên bàn bi da và mấy máy điện tử. Đêm nay thứ Bảy, nếu không có Arsenal đá trên tivi thì kiểu gì thằng R9 cũng hội tụ với Chắc Gạo trong quán ấy. Cụ R9 mất nên nó đi đêm không sợ, bà nội nó thì hiền như bụt.

-Bây giờ rình ở đâu hả chị?

Chị Ma nhìn chị Đẹp, chị Đẹp lại nhìn chị Ma sau cùng chị Đẹp nói:

-Ta thật chưa nghĩ ra nên rình ở chỗ nào thì tiện, ngươi thấy mấy cái lò gạch thế nào?

-Cũng được, thế hai chị không nói sớm, biết thế em mang theo cái chiếu đơn nằm kềnh ở đấy chờ.

-Em thật là, bạ đâu cũng ngủ được hả?

-Thì chờ biết đến khi nào, không ngủ biết làm gì ạ.

-Thống nhất là rình ở mấy lò gạch nhá, chúng ta cùng đi qua Cầu Khoai cho gần. Ngươi không cần phải tránh mặt đám người kia, bọn ta sẽ che mắt cho ngươi. Nhìn cái kiểu ngươi vào trong đó giả vờ chơi, giả vờ quan tâm nhìn thấy mà ghét, tốn thời gian.

-Thật may là em có mang theo áo mưa. – Tôi cười – Đúng là cẩn thận không bao giờ thừa, có cái áo mưa thay chiếu cũng tốt lắm. Trăm sự nhờ chị xinh đẹp che mắt những anh đẹp trai đằng kia giúp em.

Mọi việc sau đó không có gì khó, tôi thản nhiên đi ngang qua quán điện tử sáng đèn mà không ai để ý. Mấy cái lò gạch cạnh Cầu Khoai tôi chẳng lạ gì. Họ đang nung gạch nên buổi tối vẫn có người ở lại trông coi. Hai chị sau khi thám thính kỹ đã chỉ cho tôi một chỗ khá thuận tiện nằm khuất sau những đống gạch, vừa tránh được gió lạnh lại kín đáo. Sau khi cẩn thận dọn dẹp sơ qua, tôi lấy cái áo mưa màu xanh ra trải xuống, ba lô dùng thay gối, hai tay đặt sau gáy, chân vắt chữ ngũ vung vẩy rất thoải mái. Chị Ma và chị Đẹp đứng thập thò gần bên nhìn vào hướng bãi tha ma trước mặt.

Tôi nằm một lúc nhìn trời cho đến khi hai mắt díp lại.

***