Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 383: Ma ăn cỗ




Chương 383: Ma ăn cỗ

Trời khuya gió lạnh, ai cũng biết như thế. Tôi không lạnh vì gió nhưng khi nhiệt độ xuống thấp hơn thì cảm nhận rõ lạnh từ bên trong lạnh ra bên ngoài. Hai chị ma ngồi nói chuyện rất nhiều, họ là phụ nữ mà, tôi cũng cho rằng mình là đứa hay nói, nói nhiều nhưng xem ra tôi đã tự đề cao mình rồi. Tôi chú ý thấy nhiều câu chuyện hai chị nói không có đầu, chẳng có cuối, từ việc nhà nọ có con gà mái mới đẻ một lứa bao nhiêu con cho đến nhà kia vợ chồng già cãi nhau chỉ vì bát nước mắm không có ớt nên ông chồng dỗi không ăn cơm.

Tiếng côn trùng kêu rả rích trong lòng đất, tôi đoán là lũ dế kêu to nhất. Trong màn đêm yên tĩnh, ánh trăng mờ nhạt của hạ tuần tháng Mười một, những con đom đóm lập lòe trên những thửa ruộng trước mặt hay những lùm cây phía sau lưng tôi. Đã hai mươi năm trôi qua, tôi đã không còn cảm nhận được mùa đông nơi làng quê một cách đầy đủ, tôi cũng quên dần đi cái lạnh như cắt da cắt thịt, quên luôn cả những đốm sáng lập lòe vào mỗi tối. Khi tôi viết những dòng này, tôi còn không chắc mình có nhớ chính xác hay không nhưng tôi nhớ rõ ràng rằng mùa đông vẫn có đom đóm, chỉ là ít hơn so với những tối mùa hè oi ả mà thôi.

-Giữa giờ Hợi rồi, đã khuya em về đi ngủ đi.

-Mới có 10 giờ, hai chị nói chuyện tiếp đi. Nghe hai chị tán gẫu cũng giống như về nằm nghe đài mà. – Tôi nhổm người dậy.

-Bọn chị phải đi ăn khao, đến muộn lại không hay. Ăn cỗ phải đi trước.

-Cái gì ạ? Hai chị đi ăn cỗ ở đâu? Ma mà cũng đi ăn cỗ á? – Tôi tròn mắt ngạc nhiên.

-Hứ! Ngươi tưởng chỉ ngươi được đi ăn cỗ à. Sau này ngươi làm ma ta nhất định mời ngươi. Ngươi từng nghe câu thành ngữ “Ma ăn cỗ” chứ?

-Có ạ. Mẹ em thi thoảng có nói nhưng nó dùng để ám chỉ những việc làm vụng trộm, kín đáo đến mức chẳng để lại dấu vết nào. Em nhớ là... khi nào thiếu hụt cái gì đó mà mẹ em nghi ngờ thì hay nói câu này.

-Đấy, ma đi ăn cỗ làm gì có dấu tích, ngươi làm sao mà biết được. Sau này là ma ngươi tự khắc sẽ hiểu.

Tôi đứng dậy phủi bụi bám ở quần áo:

-Vâng, thế hai chị đi đi. Em về ngủ vậy.

-Ngươi không hỏi bọn ta đi ăn cỗ ở đâu ư?

-Thì đi... đi ăn cỗ. Làm sao mà em biết được chứ.

-Thằng này hôm nay tinh thần nó không bình thường, nếu như mọi khi hẳn nó sẽ hỏi chúng ta đến cùng chứ không ỉu xìu như tàu lá chuối khô như kia.

Chị Đẹp quay sang nói với chị Ma, chị Ma khẽ mỉm cười gật đầu, chị Ma nói:

-Bọn chị ra ngoài Cầu Khoai, em gái em là ma mới ở ngoài ấy nên khao cả bãi, khao suốt ba đêm luôn nhé.

Tôi há hốc miệng ngạc nhiên không nói thành lời, thậm chí tôi chẳng thể hiểu nổi ma thì ăn cỗ kiểu gì.

-Ngươi lạ cũng phải thôi. Hôm nay em gái ngươi mới từ nơi xa về quê cha đất tổ, mộ phần xác định sẽ ở Cầu Khoai đến trăm năm nên có vài mâm mời bà con hàng xóm, đúng hơn là mời cả làng. Thế nên khi nãy mới dặn ngươi ba đêm sắp tới đừng có ra ngoài đó làm gì, nhỡ đâu cảm lạnh.

-Nhìn mặt em là biết chẳng hiểu gì rồi. – Chị Ma lại cười.

-Nếu ngươi muốn ăn cỗ, hay tối mai... tối mai cái Hoa đưa lá cho ngươi để ngươi đi ăn cùng.

-Không được, không được. – Chị Ma vội gạt đi – Thằng bé không hợp mệnh cô em, muốn cho đi thì phải hỏi ý người ta đã. Người ta mời ma chứ không mời người sống, mình tự ý mời lại lắm chuyện không hay.

Lúc này trí não tôi mới sắp xếp được những gì hai chị vừa nói. Tôi hỏi luôn:

-Làm cỗ thật à? Làm bao nhiêu mâm? Mời bao nhiêu người hả chị? Có... có đóng mâm bốn như lúc còn sống không?

Hai chị ma chớp mắt nhìn tôi một hồi rồi cùng ôm bụng cười ngặt nghẽo. Chị Đẹp nói:

-Ôi, đúng là nó rồi, ta biết ngay. Nó tỉnh ra một cái là hỏi một hơi không nghỉ luôn đấy.

-Không có bàn ghế, mâm bát thì đóng bốn hay năm làm gì. Rượu, thịt, hoa quả bày biện ra đấy, vong đến thì hưởng thôi. Đến như ngày giỗ cũng chỉ có một mâm bao nhiêu người hưởng chung còn được nữa là.

-Để... để em về đốt vàng mã gửi cho em gái em, mời cả bãi như thế chắc sẽ cần nhiều.

-Thôi, thôi để sau đi. Không đáng bao nhiêu, nếu cần đến tiền vàng bọn chị sẽ lo. Em về nghỉ sớm, sáng mai ra xem mộ xây cất như thế nào chứ để mưa xuống, chỗ đất em cất công rang cả tuần dễ nhão lắm, đất ấy không rắn như đất thường đâu.



-Được, được ạ. Thế ra... thế ra ai mới mất cũng làm cỗ khao linh đình thế cơ ạ?

-Không hẳn thế đâu em à. Làng mình mấy khi có di hài chuyển từ nơi xa về, mà ở xa về sẽ có nhiều chuyện hay. Các bà, các cụ ngoài Cầu Khoai đến hỏi thăm chẳng lẽ đứng nói chuyện suông ư? Mấy người mới làm ma thì khác, mới làm ma tâm trí đâu mà cỗ với chả bàn. – Chị Ma giải thích ngắn gọn cho tôi.

Chị Đẹp đế thêm vào:

-Lúc ấy còn đang ngơ ngác hỏi “Tôi đang ở đâu? Tôi muốn sống...” Hồi ta mới thác cũng thế, đau khổ vật vã mấy trăm năm trời, nghĩ lại thấy thật là ngốc.

-Nên hồi ấy chị mới khó ưa.

-Ngươi nói cái gì? – Chị Đẹp trừng mắt.

-À không, em nói vì thế chị mới khó gần.

-Ta vừa nghe ngươi nói từ khác, hừ, nó vừa nói gì thế?

Chị Ma nhún vai:

-Thì nó bảo cô khó gần.

-Cò Tý, ngươi cẩn thận cái lưỡi của mình, có ngày ta rút lưỡi ngươi vì tội lươn lẹo.

-Thôi em về đây, hai chị đi sớm không hết cỗ.

Tôi quay lưng bước vội về nhà mặc giọng chị Đẹp vẫn léo nhéo ở phía sau. Tôi châm vài nén hương, khói nghi ngút trên ban thờ, tôi chỉ biết chắp tay đứng lặng im trước cái tủ - nơi đặt ban thờ gia tiên – đôi mắt tôi nhìn trân trân vào những làn khói mỏng. Ban thờ không có bát hương mới, nghĩa là bố tôi không bốc bát hương. Em gái tôi sẽ thờ cùng với bát hương của bà cô Tổ. Nếu ai biết điều này có thể gọi là thất sách, chẳng nhà nào như vậy, chỉ có bố tôi – một người theo chủ nghĩa xuề xòa mới làm như vậy mà thôi. Tôi nghĩ mình phải lên hỏi sư thầy xem có cần một bát hương nhỏ cho em gái của mình hay không.

Bà Già đã ngủ say, tiếng thở đều. Tôi vặn đèn dầu nhỏ xuống, nằm đong đưa trên võng cho đến khi mắt díu lại mới chịu bò lên phản đánh một giấc cho đến lúc bà Già đánh thức.

-Thằng Tý dậy. – Bà vỗ vào chăn đến mấy lần – Cái nhà anh Chung vào tìm mày.

-Ai tìm cháu ạ?

-Thì nhà Chung đấy.

-Chú ấy tìm cháu làm gì?

-7 giờ rồi, dậy thôi thanh niên ơi!

Tôi ngồi dậy nhìn thấy chú Chung đang ngồi ngoài hiên nhà gọi với vào. Ngáp ngắn ngáp dài, tôi uể oải bước ra hỏi:

-Có chuyện gì mà chú gọi cháu sớm thế ạ?

-Mày ra ngoài Cầu Khoai xem thế nào, hôm qua trước lúc đi bố mày dặn chú là sớm nay gọi mày. Mộ của ông cụ thì chú xây xong rồi, còn mộ của con bé hôm qua tối quá nên phải ngừng.

Tôi ngáp vài cái, vươn vai nói:

-Hãy còn sớm mà chú.

-Tao làm xong sớm còn việc khác nữa. Hôm qua rượu chè ở nhà mày xong lại phải xây mộ, tối về tao đặt mình là ngủ đến sớm là chả ngủ được thêm.

-Thế chú chờ cháu đánh răng rửa mặt đã. Chú ăn sáng chưa?

-Tao tráng miệng bằng nửa chai rượu rồi, tỉnh, rất tỉnh.



-Chú cứ uống kiểu đó thì dễ nhập hộ khẩu Cầu Khoai sớm đấy ạ.

-Đời có mấy tí, phải có cay mới được.

Nhưng lời nói vu vơ của tôi không sai, ai mà ngờ chú Chung nhận hộ khẩu Cầu Khoai sớm như vậy được chứ.

Nắng nhẹ, cỏ cây ngoài Cầu Khoai vẫn còn đọng lại sương sớm. Tôi xắn cao ống quần, đi đôi dép tổ ong màu đỏ, chừng mươi bước chân lẹp nhẹp giữa những ngôi mộ không hàng lối thì đôi dép đã đổi thành màu đỏ bùn đất. Mộ của ông nội tôi cơ bản đã định hình xong, chỉ chưa trát xi – măng bên ngoài. Ngay bên cạnh, mộ của em gái tôi chưa xây cất gì, chỉ có một nhúm đất như bằng mặt, một bao tải dứa đầy đất đặt ngay bên cạnh, hôm qua trước khi ra về chú Chung có trùm bạt lại để tránh sương.

Tôi hỏi:

-Sao chú không đổ hết luôn lại để một bao tải đất thế kia?

-Trưa hôm qua mày bỏ về được vài phút thì cũng về hết, bố mày bảo trưa nắng về đánh chén đã nên tao làm chưa xong.

-Thế hôm nay liệu có xong không chú?

-Xây mộ thôi mà. Tao làm đến trưa là xong hết. Có khi chiều nay bố mày lại về xem mọi việc ra sao đấy.

-Bố cháu về thì kệ bố cháu. Chú bắt tay vào làm luôn đi, xây cái mộ của em cháu giống như mộ của ông cháu luôn, cháu muốn xây song song.

-Cái thằng này, ông nội phải làm trước cháu gái chứ.

-Chú cứ xây mộ em cháu cho giống như này đi, mộ của ông cháu xây gần xong còn gì nữa.

-Thế có bia mộ không để tao ốp vào luôn cho.

-Hử? Bia ạ?

Tôi lắc đầu. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc này bởi vì... tôi làm sao mà nhầm được. Tuy nhiên tôi khịt khịt mũi hỏi tiếp:

-Bình thường bia mộ thì đặt ở đâu hả chú?

-Mày chịu khó đạp xe qua cống Đoan một đoạn độ 2 cây số sẽ thấy ven đường có mấy chỗ người ta chuyên làm, cũng nhanh thôi, khắc chữ mà.

-Vậy để cháu đi luôn. Chú làm xong sớm, cẩn thận và đẹp sẽ có chầu rượu.

-Cái thằng đến là ranh ma, cũng biết dùng những thứ đấy để dụ tao. Mày đi đi.

Tôi đạp xe một mạch theo đường cái quan, độ mười lăm phút sau tôi đã đến chỗ nhận khắc bia, lúc này có một vấn đề phát sinh khi người chủ hỏi tôi thông tin để khắc. Quan trọng nhất chính là... họ! Họ và tên đệm của em gái tôi là điều chưa ai nói bao giờ. Tôi loay hoay một lúc rồi hẹn sẽ quay lại.

Ngồi trong quán nước nhỏ ven đường, nhấp môi chén nước chè đắng ngắt, thời này chưa có trà đá, chỉ có nước chè đặc mà thôi. Những ý nghĩ chạy trong đầu tôi, nhảy nhót lung tung khiến tôi phải cố gắng gạt bỏ đi. Sẽ thật dễ dàng nếu tôi tìm nơi gọi điện thoại cho bố tôi hỏi tên họ khai sinh đầy đủ của em gái song tôi không muốn, một phần vì tôi còn cảm thấy giận, một phần tôi cảm thấy... cơ hội đang trong tay mình. Tôi biết, nếu gọi cho bố tôi hỏi thì chắc chắn bia mộ sẽ ghi một cái tên họ rất thông dụng “Nguyễn Thị Oanh” mà tôi lại tuyệt đối không thích. Thứ nhất, “Nguyễn” còn chẳng phải họ của tôi, nếu ghi như thế tôi cảm thấy rất buồn cười. Tôi chợt quay sang hỏi ông cụ chủ quán nước tuổi chừng thất tuần:

-Ông ơi! Từ Kim có phải là vàng không ông?

-Cháu hỏi gì?

Tôi nhắc lại câu hỏi của mình. Ông cụ nghe xong gật gù, nói thêm cho tôi biết “Kim” còn có nhiều nghĩa khác nhưng tôi không nhớ hết. Sở dĩ tôi nghĩ đến từ “Kim” là vì... mệnh của tôi, mệnh “Vàng dưới biển sâu”

Tôi rất tự tin quay trở lại gặp ông chủ khắc bia bộ, tôi nói:

-Bác khắc cho cháu một bia mộ người mất tên là “Tiến Thị Kim Oanh”.

Người đàn ông ngẩn người ra một lúc, tôi biết ông ấy lạ bởi vì cái họ nghe đến là lạ. Tôi gật đầu khẳng định khi ông ấy hỏi lại. Phải nói thật là tôi định khắc bia mộ là “Lý Kim Oanh” nhưng tôi sợ rằng bố tôi sẽ đập cho tôi một trận vì nhà tôi không phải họ Lý, ở làng tôi chẳng ai họ như vậy cả. Bởi vậy tôi quyết định để họ mà mình mang hiện tại lên đầu, thêm chữ lót “Thị” và thêm luôn cả chữ “Kim” với hàm ý cô em gái mình quý như vàng bạc. Tôi không đặt bia mộ cho ông nội vì tôi cho rằng đó là việc của bố tôi, thêm nữa tôi... không mang đủ tiền, tiền chỉ là phụ, cái chính tôi cho rằng bố tôi đặt bia mộ của ông sẽ phải đạo.

Sau hai tiếng chờ đợi tôi đã có thứ mình muốn, cầm tấm bia mới khắc trên tay tôi nhìn ngắm một hồi, mỉm cười hài lòng rồi mang về Cầu Khoai.

Mộ của ông nội tôi đã trát xi – măng xong xuôi, mộ của em gái đã xây xong phần thô, vợ của chú Chung đã giúp chú ấy một tay nên công việc có vẻ thuận lợi hơn.



-Sao mày làm có một tấm bia thế? – Chú Chung hỏi.

-Mộ của ông nội cháu thì bố cháu đi mà làm, cháu chỉ làm bia cho em gái cháu thôi.

-Thằng này đến là lạ, làm thì phải làm cả hai chứ.

-Cháu chỉ là cháu, cháu nghĩ làm cho em gái thì hợp lý. Chiều bố cháu về kiểu gì cũng gặp chú, chú chỉ cho bố cháu chỗ đặt bia mộ là được rồi.

-Rách việc. Mày đúng là thằng hâm.

Tôi không để tâm đến câu nói của chú Chung. Tôi nhìn ngôi mộ của ông nội mình xi – măng vẫn còn ướt nhưng khá hài lòng, một ngôi mộ bình thường như bao ngôi mộ khác trong bãi tha ma này. Nhàn rỗi tôi hỏi chú Chung:

-Sao chỗ đặt bia của ông nội cháu nhỏ thế hả chú?

-Nhà nào cũng thế cả, những mộ trước tao xây đều thế.

-Hơi nhỏ, tí nữa chú làm mộ của em cháu thì chỗ ốp bia vào rộng hơn một tí nhé, nhìn cho thoáng đãng.

-Tao thấy mày khó tính hơn thằng bố mày luôn.

-Hề hề hề... cháu với bố cháu khác tính, con hơn cha là nhà có phúc mà chú. Xi – măng chưa khô cháu có thể viết tạm thông tin của ông nội cháu vào được không chú?

-Ô hay, mày thừa cơm à? Mà cũng chả sao, đằng nào bố mày chẳng ốp bia vào đó, viết cũng được.

Trong đống đồ đạc mà chú Chung mang theo có một cái kéo nhỏ, tôi dùng cái kéo đó là bút và bắt đầu nắn nót viết lên chỗ đặt bia, nguyên văn cho đến ngày nay:

“Ông T.H

Sinh năm: 1917

Mất: 24.11.1967”

-Sao mày lại ghi thế kia? Sao lại ghi tắt?

Tôi đứng khoanh tay dưới nắng nhìn thành quả của mình và trả lời chú Chung:

-Cháu không muốn ai biết tên của ông nội cháu, bọn chăn trâu kiểu gì nó chẳng ngồi lên chơi. Cháu không muốn bọn nó đọc.”

-Thằng này đến là lạ, em ơi ra mà xem. Nó viết tên ông nội nó mà còn viết tắt vì sợ bọn trẻ chăn trâu đọc được.

Vợ chú chúng dừng tay nhào xi – măng để nhìn cho rõ, cô ấy chỉ nhún vai:

-Ui trẻ con mà, nó viết tạm chứ có gì mà lạ.

Ấy mà thứ tạm ấy đến năm 2021 vẫn không thay đổi, đã bao nhiêu lần người nọ người kia có ý định khắc bia mộ nhưng luôn có điều gì đó ngăn trở, điều này chỉ có ông trời mới hiểu được chứ ai mà biết.

Trong tất cả những ngôi mộ mà tôi từng tham gia xây cất hoặc đơn giản là làm chân sai vặt trong một thời gian dài, chỉ duy nhất ngôi mộ của em gái tôi có khắc bia. Đã hơn hai chục năm trôi qua điều này cũng không hề thay đổi. Cuộc sống luôn có những điều kỳ lạ và đây là một trong những điều lạ mà tôi biết. Để đặt làm một tấm bia mộ có khó gì, cái khó chính là bạn sẽ không nhớ đến, khi nhớ thì muốn làm nhưng đến khi muốn làm, chuẩn bị làm lại có những chuyện khác xen ngang để bạn quên đi.

Tôi thương em gái của mình cũng không có gì là to tát, chỉ đơn giản xuất phát từ việc tôi thấy nó đoản mệnh nên thiệt thòi, tôi nhớ về nụ cười thật tươi của nó mặc dù trên trán u một cục, nó đã không mách bố mẹ để tôi ăn đòn, chỉ đơn giản như thế thôi.

Bố tôi lần đầu tiên nhìn thấy tấm bia trên mộ nhỏ không thấy nói gì, như vậy xem như ông cũng hài lòng. Mẹ tôi cũng từng hỏi một lần về việc này tôi chỉ trả lời ngắn gọn:

-Nếu như ghi được họ Lý là tốt nhất, không ghi được thì đành ghi chữ “Tiến” thôi mẹ, Nguyễn không phải họ của mình ghi lên đó làm gì.

Kể từ ngày hôm ấy, hai ngôi mộ xi măng, một của ông, một của cháu gái nằm cạnh nhau im lìm trong bãi tha ma Cầu Khoai. Mỗi lần tôi ra thắp hương không còn phải ngồi phệt xuống cỏ nhưng dọn cỏ thì mệt không kém gì trước đây.

***