Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 382: Nước mắt con trai




Chương 382: Nước mắt con trai

Tôi đạp xe về nhà, đằng sau vẫn ý ới tiếng chị Hiền gọi bảo mang gói kẹo lạc về ăn, chẳng mấy khi chị ấy thảo tính như vậy nhưng hôm nay tôi lại không thích ăn kẹo lạc, tâm trí của tôi lúc này đang mong ngóng di hài đứa em gái của mình mau chóng về đến quê. Tôi tin rằng lá bùa đông cứng sẽ có tác dụng, thứ bùa này quỷ thần đều sợ, tốt nhất là không nên cho ai biết. Chị Ma đã có lần dặn dò như vậy bởi vì thứ bùa tà ma ngoại đạo này người luyện ra chắc chắn phục vụ cho mục đích không tốt đẹp.

-Dùng kín đáo và cẩn thận, nếu có kẻ biết em có thứ ấy kiểu gì cũng lắm chuyện không hay.

-Chỉ có hai chị là biết nguồn gốc của lá bùa, sư thầy em không tính, sư thầy còn giúp em.

-Những thứ bùa ngải ngày chắc ở trên mạn ngược, thậm chí là bên Tàu. Chị làm thần giữ của mấy trăm năm chưa bao giờ nghe nói đến, nhìn thấy lại càng không thể nào. Mà em đừng có mang thứ đó ra dọa cái Khuê, không nên đâu.

-Em biết rồi, em biết rồi. Em chỉ trêu chị ấy cho vui thôi.

Tôi tạt qua nhà. Cô Lý hỏi tôi có chuyện gì mà bố tôi gọi về cũng như vì sao giờ này chưa về đến nơi, tôi nói:

-Hỏng xe cô ơi. Bố cháu gọi về thông báo để mọi người ở nhà yên tâm.

Bà Trẻ cũng có mặt ở nhà lúc này đang ngồi nói chuyện cùng bà Lớn, bà Con mệt nên không về được như dự định.

-Thế mấy giờ về đến? – Bà Trẻ từ trong nhà hỏi vọng ra.

-Chắc phải một tiếng rưỡi nữa bà ơi.

-Sao không đi sớm một tí, chốc nữa các ông, các bà đến lại phải chờ.

-Xe hỏng bà ơi, việc này nằm ngoài dự kiến.

Tôi vào cúi đầu chào một lượt các bà, có đến sáu bà cụ chưa kể hai bà nội của tôi đang ngồi nhai trầu nói chuyện trên hai cái chiếu trải ở giữa nhà. Chồng cô Lý mang thêm cả đồ ăn ở Hà Nội về còn đồ xôi, luộc gà, nấu miến măng... thì cô Lý cùng với một cô con gái của bà Lớn lo nấu nướng. Tổng cộng có sáu mâm cỗ, nhìn sáu đĩa xôi gấc hình bông hoa mà chú Toàn mang về là biết, thứ này chắc bà Trẻ đặt mua ở chợ Nam Đồng.

Tôi ngồi ở nhà chưa nóng chỗ thì cô Lý sai tôi đi mua mấy thứ linh tinh, tôi lại đạp xe lên cửa hàng của chị Hiền, chị ấy cứ dúi vào tay tôi chai Coca, hình như tôi không cầm về uống chị ấy sẽ cảm thấy không yên tâm vậy.

-Chị đúng là đồ nhát gan.

-Mày biết tính bố tao còn gì nữa.

-Biết mà không kín cái miệng vào.

-Tao có nói linh tinh gì đâu, cái lão...

-Hề hề hề... mà hôn thích không chị?

-Mày hỏi ngu, không thích người ta hôn làm gì.

-Cũng phải, bảo sang làng mình nhiều nhà đông con đến thế. Hôn đã sướng rồi cơ mà.

Về đến nhà cũng ngồi chưa nóng chỗ tôi quyết định đi ra Cầu Khoai chờ đợi, dù sao cũng toàn các cụ, ngồi ở nhà cứ chốc chốc lại bị sai vặt, lại bị hỏi chuyện học hành... đủ cả. Gật đầu vâng dạ trả lời cũng mỏi cả cổ.

Hai đống gạch nhỏ màu đỏ au xếp ngay ngắn gần huyệt mộ, một đống cát nhỏ ở giữa mấy ngôi mộ gần đấy. Tôi không nhìn thấy chú Chung đâu nên quay trở lại cái điếm cũ ngồi chờ, được một chốc buồn miệng, tôi lôi chai nước Coca mà chị Hiện cho ban nãy bật nắp tu ừng ực được non một nửa rồi dựa lưng vào cái cột mà xi – măng đã bong tróc nhiều chỗ, lộ ra những viên gạch sẫm màu. Nắng lên cao, gió thổi hiu hiu, tôi chợp mắt ngủ cho đến lúc có người lắc vai tôi mấy lần mới tỉnh.

-Ơ cái thằng này, sao mày ngồi ngủ ở đây?

Tôi dụi mắt đứng dậy.

-Ngồi chờ mà mát quá chú ơi, ở nhà cũng chẳng biết làm gì.

-Cỗ bàn xong rồi hả?

Tôi uể oải vặn mình mấy cái, sáng nay dậy sớm quá.

-Chắc là xong rồi, có mấy mâm thôi mà. Tí nữa xong cô chú cũng về uống rượu đúng không?

-Mày mời thì tao về. – Chú Chung cười.

-C·hết, thế mà cháu quên. Xong việc chú về uống rượu với bố cháu luôn, kiểu gì tí nữa hạ huyệt xong bố cháu cũng mời chú.

Chú Chung ngồi phệt xuống nền gạch lấy ra gói thuốc Du Lịch nhăn nheo hất nhẹ vài cái, những điếu thuốc vì thế mà thò ra, nhìn rất điệu nghệ.

-Làm điếu mày!

-Cháu không h·út t·huốc ạ.

-Không hút à? Làng mình mấy thằng tuổi mày là hút cả rồi, chiều nào tao cũng thấy bọn nó túm năm tụm ba ở đầu làng.



-Cháu nghiện cứ khác.

-Nước ngọt hả? Nhà mày làm sữa đậu nành mày lại đi uống Coca, cái thằng đúng là dở người.

-Sữa đậu nành không có ga chú ạ, phàm là cái gì mở mắt ra đã thấy thì ai thèm nữa đâu.

-Cũng phải. À mà này, nãy tao thấy dưới huyệt có gạo trắng. Mày rải xuống đấy hả?

-Vâng, vâng.

-Tao lại tưởng thằng mả mẹ nào làm trò khuất tất định hớt vứt đi. Sao lại vứt gạo xuống?

-Cháu thấy khi cúng vong bà cháu hay vãi gạo ra sân nên cháu nghĩ rắc gạo xuống đấy để đãi ma đói, để không ai bắt nạt em gái cháu.

-Mày có vẻ thương con em nhỉ? – Chú Chung chẳng để tâm đến sự lạ ấy, chú ấy chỉ quan tâm đến rượu ngon.

-Anh em mà chú. Hồi nó mất cháu không được nhìn mặt, bây giờ cải táng cháu cũng chẳng được đi đón nên cháu muốn làm gì đó để thể hiện tình cảm. Cháu nghĩ em cháu sẽ hiểu.

-Anh em thương nhau thế là tốt. Tao đào hàng chục cái huyệt ở làng mình rồi nhưng chưa thấy ai hạ huyệt lúc trưa đâu mày ơi.

-Sao thế chú?

-Làng mình đưa ma sớm, cải táng cũng sớm, xong xuôi muộn lắm thì cũng 8 giờ sáng. Bây giờ 10 giờ rưỡi rồi sao vẫn chưa về đến. Nhà mày định hạ huyệt buổi trưa chắc?

-Nãy bố cháu gọi bảo xe máy trục trặc, chắc cũng sắp về đến rồi. Khoảng 9 giờ bố cháu bảo là sắp vào địa phận Bắc Ninh.

-Thế mày ra đây không mang hương, mang bánh trái gì ra cúng à?

-Ơ, cháu lại quên. – Tôi cười ngượng, bình thường mấy việc này tôi quên làm sao được, tại sáng nay mải ngóng trông quá nên thành ra lơ đãng. – Để cháu chạy về làng mua.

Tôi vội vàng lấy xe đạp nhanh về quán quen của bà cụ Khanh. Mấy bó hương, ít bánh kẹo, vàng mã nhưng hoa quả thì bà cụ không bán. Tôi phải chạy về nhà, ban nãy có cam, quýt chú tôi mang về thắp hương. Thật may bà già đã chuẩn bị riêng một phần hoa quả gồm một quả bưởi nhỏ, sáu quả cam, vài quả quýt nhỏ, tôi cho tất cả vào trong túi bóng mang đi.

Đạp xe đến gần cổng bãi tha ma tôi thấp thoáng nhìn thấy mấy bóng người thấp thoáng đằng xa. Tôi đạp nhanh hơn và nhanh chóng nhận ra xe Dream và 82 của nhà mình dựng trên lối đi giữa bãi tha ma cạnh cái điếm cũ. Luống cuống lấy những thứ treo trên ghi – đông xe ra tôi chạy được vài bước thì xe đạp lại đổ, lưỡng lự trong giây lát tôi mặc kệ. Tôi muốn tận mắt nhìn thấy tiểu sành của em gái mình mặc dù cái tiểu sành ấy chắc hẳn chẳng có gì đặc biệt so với những cái tôi từng nhìn thấy trong nhiều năm sau này. Nếu có khác biệt là chỉ với tôi bởi vì trong cái tiểu sành ấy là thân xác đứa em gái bé nhỏ mà tôi đã hơn mười năm không được gặp. Tôi hớt hải chạy đến, vài người nhìn thấy tôi, tôi đáp lại bằng nụ cười miễn cưỡng.

Tôi đã bỏ lỡ khoảnh khắc mà tôi mong đợi bấy lâu nay!

Tiểu sành đã được hạ xuống huyệt mộ, trên miệng huyệt chỉ còn chừng năm cái bao tải dứa đựng đất mà tôi đã cất công đào và rang hồi đầu tháng. Tôi đứng c·hết trân, đầu óc trống rỗng, cảm xúc rất lẫn lộn. Ai đó đã đến bên cạnh lấy mấy túi bóng dựng hương hoa để bày sẵn ra hai cái đĩa, tôi đã quên luôn việc chuẩn bị hoa, cũng may mọi người chẳng ai còn tâm trí đâu để ý nên tôi đã không bị trách mắng.

-Sao... sao không chờ thêm một tí? Con... con vừa chạy về nhà lấy đồ...

-Chờ sao được mà chờ cái thằng này.

-Cháu... cháu muốn nhìn mặt em cháu.

-Không nhìn được, tiểu kín rồi.

Tôi không nhớ ai đã nói với tôi vì thật sự lúc ấy tai tôi ù đi, cảm giác như mọi vật xung quanh quay tròn. Tôi không biết nên nói gì, tôi nghĩ đáng ra mọi người nên chờ đợi tôi, chí ít cũng phải cho tôi nhìn thấy hoặc sờ vào cái tiểu sành đó chứ, sao lại vội vàng đến như thế.

Tôi cứ đứng im như mặt, khuôn mặt vô hồn nhìn những bao đất được đổ xuống lấp đầy huyệt mộ. Bác Hồng tôi - tôi nhớ vì trong đoàn chỉ có mẹ tôi và bác ấy là phụ nữ - khen chú Chung cẩn thận, gọn gàng vì đất được để kỹ trong bao tải. Tôi cứ đứng như thế có lẽ vài phút, tôi không nhớ mình đã nghĩ những gì, chỉ biết rằng khi huyệt mộ đã được lấp đầy hoàng thổ, chú Chung dùng cái vồ hay cái gì đó để lèn đất thật chặt. Đến khi tôi tỉnh ra thì mồ hôi đã chảy ướt đẫm cái áo dài tay, mọi người đã về nhà, chỉ còn bố mẹ và bác Hồng ở lại.

-Sao bố mẹ không để chậm thêm một tí nữa? Con chờ bao lâu nay...

-Về đến nơi là phải hạ huyệt luôn con ạ, chậm một tí đến 11 giờ lại không hay. – Mẹ tôi đến bên cạnh đặt một tay lên vai tôi rồi bóp nhẹ như muốn an ủi.

-Nhưng mà... nhưng mà...

-Thôi mà. Mộ nó đặt ở đây rồi, con ra thăm thường xuyên được.

-Hồi nó mất con đã không được nhìn mặt, hôm nay cải táng nó mà con còn không được chạm đến cái tiểu sành, mẹ thấy như thế có công bằng không?

Tôi gạt tay mẹ tôi ra quay lưng bỏ đi. Mẹ gọi với theo vài câu tôi nghe không rõ, tôi cũng không quan tâm nữa, trong lòng cảm thấy rất khó chịu, muốn khóc nhưng không khóc được. Tôi dựng xe đạp lên đạp một mạch về làng, vừa đạp vừa lấy tay quệt nước mắt đang tự chảy ròng ròng trên gò má. Tôi cũng không hiểu vì sao nước mắt mình lại rơi, kiểu như ấm ức vì mình mất bao công sức chuẩn bị từ đất sạch đến huyệt mộ sạch rồi...

Tôi đạp xe về nhà R9 gặp lúc nó đang nấu cơm trưa, thấy mặt tôi hằm hằm nó tưởng tôi xuống giục lên nhà ăn cỗ nên vội lên tiếng trước:

-Tao vớt rau ra nữa là xong, đi ngay đây, đi ngay đây.

-Tao đéo ăn cỗ nữa.

R9 tay cầm đôi đũa đứng tần ngần hỏi:



-Sao thế? Có chuyện gì à?

Tôi không trả lời nó mà bỏ lên nhà, gặp bà nội nó tôi cúi đầu chào rồi nằm ngửa lên giường ngủ của R9, mắt nhìn lên mái nhà vô định.

-Có chuyện gì lại bực dọc như thế? Mày có mấy khi kiểu này đâu.

-Không có gì. – Tôi gắt.

-Đm, có thì nói ra xem nào. Đàn ông con trai lại khóc cái đéo gì.

Tôi bật dậy nói:

-Tiểu sành đựng cốt của con em tao chở từ Thái Nguyên về đến đây, tao ngóng bao nhiêu ngày mà đến lúc hạ huyệt bố mẹ tao lại không chờ được một tí, tao không được nhìn, cũng chẳng được sờ vào cái tiểu.

-Đâu, có thế nào mày kể lại tao nghe.

Tôi kể lại cho R9 nghe với giọng ấm ức, nghe xong nó bảo:

-Đấy là tại mày bỏ nhỡ chứ liên quan gì bố mẹ mày.

-Sao bố mẹ tao không chờ thêm một tí?

-Biết à mà chờ. Thôi bỏ đi, chuyện này không đáng để bực dọc đâu.

-Nhưng tao thấy tức.

-Tức cái đéo gì mà tức. Đm! – R9 đổi giọng – Có mỗi thế mà cũng phùng phùng tẹt tẹt.

Tôi bỏ ra bàn ngồi rót nước uống. R9 lại chạy xuống bếp một lúc sau quay lên ngồi đối diện tôi, uống xong chén nước nó lại bảo:

-Thế đi chưa nào.

-Đi đâu?

-Về nhà ăn cỗ.

-Cỗ bàn đéo gì, không còn tâm trí.

-Đm, thôi ngay. Mày đéo về thì bố mày đi một mình, hôm qua bà mày đã bảo tao, tao hứa mấy lần rồi. Đi mau bố mày ăn còn đi học.

R9 đi vào trong buồng thay quần áo, nó đứng ở bậc cửa nhìn tôi một hồi nên tôi đành phải đứng dậy theo nó về nhà mình.

Tôi không nói chuyện, hạn chế nói chuyện với bố mẹ mình từ lúc trưa cho đến khi bố mẹ tôi đi Hà Nội vào buổi tối. Lúc mẹ tôi trả lại cho tôi lá bùa, mẹ tôi hỏi sư thầy thì tôi nói sư thầy đi vắng. Mẹ tôi hỏi thêm vài câu tôi đều vùng vằng trả lời không đầu không cuối. Mẹ biết tôi giận nhưng không hề bực dọc, trái với tính cách của mẹ tôi, những người khác trong đám cỗ hình như cũng biết lý do tôi ngậm hột thị nhưng không ai phàn nàn một câu, kể cũng lạ.

Đến lúc tối khi gặp cả hai chị ma ở ngoài lũy tre tôi vẫn cảm thấy khó chịu. Tuy vậy tôi vẫn cắm ba nén hương và đặt mấy gói kẹo nhỏ xuống mời hai chị. Hai chị ma nhìn nhau không nói gì, một lúc sau chị Ma mới nói:

-Bực bội từ buổi trưa đến bây giờ vẫn chưa hết hả?

-Không ngờ ngươi giận cũng lâu, giận lâu hơn cả ta.

Tôi chẳng nói gì, tay bứt cỏ ném xuống mương nước nhỏ trước mặt.

-Đừng như thế nữa, chị chưa thấy em như thế này kể từ lúc biết em đấy.

-Chị phải hiểu là cả đời đôi khi chỉ có một khoảnh khắc quan trọng. Đời người có bao nhiêu năm đâu? Hồi em gái em mất thì em còn nhỏ nên chưa cảm nhận được gì, chỉ nghĩ đơn giản là em mình c·hết thì mình không được gặp nữa. Bây giờ... – Tôi thở dài – bây giờ em chỉ muốn nhìn và chạm vào cái tiểu sành của nó thôi cũng được, thế mà điều tưởng chừng như đơn giản ấy lại chẳng thể được. Em...

Hai chị ma im lặng, tôi nói tiếp với giọng ấm ức:

-Em mất bao công sức chuẩn bị, em...em...

-Thôi mà, em chuẩn bị điều nọ thứ kia vì tình cảm của em với em gái, chắc chắn em gái của em cảm nhận được. Còn việc em không được nhìn mặt em gái thì chị nghĩ không phải do bố mẹ em đâu.

-Thế tại ai? Nếu chậm một tí thôi thì em đã có mặt rồi. Em cũng không trách bố mẹ em, em tự trách mình thôi.

-Đừng thế. Mọi điều ngươi làm thật là tốt, ngươi muốn gặp em gái mình là lẽ thường nhưng cuộc đời còn nhiều lẽ khác nữa cò Tý ạ. Ngươi không phải đứa dại khờ sao ngươi lại không cân nhắc và nghĩ sâu xa hơn chứ?

-Chị bảo em phải nghĩ cái gì?

-Ngươi muốn gặp em gái ngươi nhưng em gái ngươi không muốn gặp thì sao?



-Cái gì? – Tôi quay ngoắt nhìn chị Đẹp – Sao nó lại không muốn cho em gặp? Không muốn gặp em?

-Ta làm sao mà biết, ta có phải em gái ngươi đâu. Ta thông minh nên ta đoán vậy.

-Chị nghĩ cái Khuê nói đúng đấy, lúc em gái em mất cũng được chôn cất vội vã rồi em mới về tới có phải không?

Tôi gật đầu rồi cúi xuống mân mê những ngọn cỏ suy nghĩ. Chị Ma nói tiếp:

-Hôm nay cũng đúng lúc em không có mặt thì hạ huyệt vội vã mặc dù em đã chờ đợi, chẳng lẽ em nghĩ mọi thứ là tình cờ hay sao? Chẳng có gì là tình cờ như vậy đâu em à, hẳn là có điều gì đó ngăn trở hai anh em gặp mặt.

-Thật như thế hả chị?

-Đấy là bọn ta đoán, có thể đúng, có thể sai nhưng cùng là ma thì ta nghĩ rằng khả năng này là cao. Có thể ngươi và em gái ngươi không hợp mệnh, không có duyên bởi vậy nên ngươi đã không thể gặp được.

-Em... em thương nó mà, em có phải người ngoài đâu, sao lại...

-Máu mủ ruột già là thứ không thể thay đổi được nhưng không cứ phải nhìn thấy nhau mới là thương, là mến, là nhớ. Ngươi nghĩ thử đi.

-Em chẳng muốn nghĩ nữa. – Tôi đáp giọng ỉu xìu.

-Thôi đừng cứng đầu nữa ông tướng con. Em gái của em về đến quê cha đất tổ rồi, em còn chưa thắp cho nó nén hương đấy.

Tôi không nói gì, từ trưa về đến nhà thì tôi không đi đâu nữa, cũng quên luôn những việc ngoài Cầu Khoai. Tôi mặc kệ, bố tôi đã về rồi đó là việc của bố tôi.

-Chị biết em là người sống tình cảm, em gái em không cho em gặp thì kiểu gì cũng sẽ ưu ái cho em những thứ khác.

-Ưu ái gì ạ? Tiền bạc thì chị biết em có cần đâu.

Chị Ma lắc đầu, giọng nhỏ nhẹ:

-Mộ đã đắp đất xong xuôi nhưng chưa xây được.

-Cái gì ạ? – Tôi ngẩng đầu lên hỏi lại vì sợ mình nghe không rõ.

-Chiều nay cỗ bàn xong chỉ xây được mộ của ông nội em thôi, mộ của em gái em không xây kịp.

-Ớ! Cái chú Chung này lại say xỉn đây mà, phải xây hai mộ cùng lúc chứ, em đã dặn mấy lần rồi.

-Sao em không nghĩ rằng em gái em không chịu, chừng nào em không ra ngoài Cầu Khoai xem xét, thắp cho em gái nén hương thì chị đố ai xây mộ được.

-Chẳng có lẽ lại như thế?

-Bọn ta nói dối ngươi làm gì. Nếu là ta, ta không ưng thì đời nào cho người khác xây mộ phần của mình. Cứ cho là ông xây mộ kia say thì sáng mai cũng xây, sáng mai ra xây kiểu gì trời cũng mưa.

-Chị... chị làm như thế được à?

-Ta thì không làm thế được nhưng ta sẽ làm cho hắn đau bụng hay gì đó để cản trở.

-Đấy nhé, xem như đền bù cho em rồi. Anh trưởng trông nom việc xây cất mộ cho em gái, chị đồ rằng còn nhiều thứ hay hơn ấy chứ.

-Haiz... Bây giờ em có nên ra ngoài ấy thắp nén hương không nhỉ?

-Thôi để sau đi em, còn nhiều thời gian. Trong ba đêm sắp tới tốt nhất em không nên ra ngoài ấy, trời lạnh lắm.

-Có việc gì xảy ra ngoài ấy hay sao?

-Chẳng có gì. À! Kẹo này là kẹo gì đây?

-Này cò Tý, ngươi mang cho bọn ta nhiều thứ thế này mà chỉ thắp có một tuần hương à?

-Còn đây, còn hương đây.

Tôi vội vàng lấy thêm mấy que hương thắp lên rồi cắm xuống trước mặt. Hai chị ma ngồi ăn hoa quả, bánh trái còn tôi chỉ biết ngồi nhìn nghĩ vu vơ. Chốc chốc tôi để ý thấy hai chị nhìn nhau rồi liếc tôi. Tôi hỏi:

-Hai chị nhìn cái gì?

-Bọn ta xem ngươi hết buồn chưa.

-Em hết rồi.

-Nên thế, ngươi đã xấu rồi cái mặt nhăn nhó như khỉ ăn phải ớt thế rất khó coi, tươi lên một tí trông ngươi đỡ xấu đấy.

Tôi phì cười bóc gói kẹo lạc ra lấy một cái cho vào miệng rồi nằm ngửa ra đất nhìn trời, bình thường gió ngoài cánh đồng thổi vào rất lạnh nhưng lúc này tôi không cảm thấy lạnh, ngồi gần hai chị ma này chắc hai chị đã che chắn giúp.

***