Chương 381: Dĩ độc trị độc
Bố mẹ tôi cùng với mọi người dừng chân lần hai ở một quán nước ven đường. Theo lời kể của bố và cậu tôi thì quán lúc đó vắng người vì còn sớm, trời lại kéo mây đen như muốn trút mưa xuống. Mặt đường ẩm ướt, dường như mới có cơn mưa nhẹ đổ xuống trước đó không lâu. Một lần nữa, cậu tôi dựng chân chống giữa của xe máy để đảm bảo chiếc xe không bị đổ, nhìn nét mặt ai cũng phờ phạc mặc dù từ chỗ quán phở đến chỗ này mới chừng mười lăm cây số. Mẹ tôi mắt đỏ hoe, tôi không biết khi ấy mẹ nghĩ gì trong đầu, có thể là vừa sợ, vừa thương con gái bé nhỏ của mình nằm gọn trong tiểu sành nhỏ bé. Tôi vẫn thường nói rằng mẹ tôi là người phụ nữ Việt Nam... điển hình hoặc... không điển hình cho lắm vì tôi cũng chẳng rõ tiêu chuẩn thời đó ra sao. Bình thường mẹ tôi nói nhiều, nói to, quát cũng khá có lực. Nhìn qua thì tưởng mẹ tôi là một người không sợ trời, chẳng sợ đất nhưng lại sợ ma, dễ hiểu thôi, trong suy nghĩ của tôi thì bọn con gái đứa nào cũng sợ ma cả, mẹ tôi là phụ nữ nên chẳng ngoại lệ.
-Anh gọi về quê hỏi thử các cụ trong làng xem sao.
Cậu tôi khều tay nói nhỏ với bố tôi. Chiếc điện thoại di động mà bố tôi cầm trên tay đã mở nắp nhưng chưa biết gọi cho ai, điều này chứng tỏ rằng chính ông cũng đang rối bời. Trong bảy người ngồi trong quán nước buổi sáng hôm ấy tính ra thì bác Hồng tôi lớn tuổi nhất, bác sinh năm 1954. Theo tôi nhớ thì chẳng có ai trong số các bác, các chú đã từng ít nhất một lần di dời tiểu sành liên tỉnh như thế. Ngay như bác Nậm, một cựu chiến binh vào sinh ra tử lúc này cũng trầm ngâm nhón tay vo viên nhúm thuốc lào chuẩn bị cho vào nõ điếu cày.
-Hỏi ai bây giờ? Nhất thời anh chưa nghĩ ra.
-Họ nhà chú các cụ cao niên đâu? – Bác Nậm hỏi bố tôi.
-Bác ở làng thì bác biết, họ nhà em ở làng bây giờ chỉ có mấy ông bảy mươi, bây giờ tự nhiên gọi về hỏi liệu các ông có biết hay không? Mà hỏi kiểu gì hả anh?
-Chú dân kinh doanh buôn bán lại hỏi anh.
-Bác là lãnh đạo hay phát biểu thì...
-Thôi... Thôi em xin hai bác. – Cậu tôi xua tay – Làm điếu thuốc cho tỉnh táo đi đã. Từ đây về đến quê mình cũng còn hơn năm chục cây nữa, phải nghĩ cho cẩn thận. Em là em rét rồi đấy.
Tiếng điếu cày kêu giòn tan khi bác Nậm rít những hơi dài, cậu tôi cũng kéo một hơi liền sau đó. Bác Nậm dùng tay phẩy phẩy để xua bớt khói thuốc rồi nói:
-Anh nghĩ những việc này nên hỏi nhà chùa chú ạ. Việc tâm linh thì anh không biết nhiều nhưng nhà chùa kiểu gì cũng biết cách.
-Chùa làng mình có điện thoại không anh?
-Chú gọi về số máy bàn nhà anh, bảo mấy đứa nó đi gọi ông sư cho.
-Đột nhiên gọi như thế có được không anh?
-Chú phải thử chứ. Anh làm bên chính quyền, nói với sư thầy thì dễ nhưng nói kiểu gì? Anh là đảng viên, chẳng lẽ hỏi ông ấy cách trị ma à? Về làng người ta cười cho thối mũi ấy chứ.
Mẹ tôi mắt đỏ hoe, mái tóc tôi nhớ là xoăn kiểu Hàn Quốc lúc này trông không còn ra hình dáng quay sang nói với bố:
-Anh gọi cho con mình, nó là thằng khéo ăn khéo nói. Anh bảo nó lên chùa trình bày với sư thầy, nhờ sư thầy giúp cho em nghĩ tốt hơn. Mình không nhờ nhà chùa từ đầu, bây giờ gặp lúc hoạn nạn mới nhớ đến nên phải cẩn thận một tí, đừng để nhà chùa phật lòng anh ạ.
Bố tôi cho là phải liền bấm số máy gọi về cửa hàng mà mấy chị tôi trông coi nằm ở ngay Đề Đổ. Tôi không biết bố tôi gặp được chị nào nhưng chắc chắn không phải chị Hạnh vì chị ấy đi học buổi sáng, chị Quyên đang ở Hà Nội cùng gia đình tôi, khả năng cao là chị Hiền nghe máy vì chị ấy cũng học buổi chiều giống như tôi dù khác trường. Chị Hiền đứng ở cổng nhà tôi gọi, cô Lý hoặc ai đó đã trả lời giúp rằng tôi đang ở... ngoài Cầu Khoai. Chị Hiền chẳng hiểu sao không nói lại những gì bố tôi đã nhờ, có thể là chị ấy quên hoặc chị ấy muốn nói trực tiếp với tôi. Một lúc sau khi tôi thong thả đạp xe, nhưng vừa mới về đến cổng nhà thì cô Lý đã tất tả chạy ra nói:
-Bố mày gọi về bảo là muốn gặp mày, mày gọi lại cho bố mày mau lên.
-Ơ, lúc nào hả cô? Cháu vừa đi qua đầu làng có thấy...
-Trên nhà ông Nậm, con chị mày nó xuống nhắn khi nãy.
-Lâu chưa ạ?
-Cũng phải đến mười lăm phút rồi.
-Úi trời ơi!
Tôi ngay lập tức quay xe đạp lại phóng thật nhanh lên Đề Đổ, đoạn đường không xa nhưng lòng tôi có chút rối bời bởi vì tôi nghĩ đã có chuyện gì đó không hay. Theo kế hoạch định trước thì mọi người về đến nơi khoảng 8 giờ sáng, bây giờ đã muộn khoảng một tiếng mà còn gọi điện thoại kiểu này.
9 giờ sáng, trời nắng nhẹ. Mồ môi mồ kê nhễ nhại chảy xuống hai bên thái dương, trên trán, tôi không biết do trời nắng hay do tôi đang lo lắng. Vừa mới thấy mặt tôi chị Hiền đã nói mà như mắng:
-Mày ở ngoài Cầu Khoai làm gì mà lâu thế? Từ lúc này bố mày với bố tao gọi về liên tục, tao nghe điện thoại đến điếc cả tai.
-Sao chị không ra ngoài Cầu Khoai gọi em?
-Ơ cái thằng này, tao có mỗi một mình. Ai trông cửa hàng cho tao?
-Thế nãy đi gọi em bỏ không à?
-Lại chả bỏ không. Mất cái gì tao sẽ bắt đền nhà mày.
-Xời, ai người ta thèm lấy mà bắt đền. Thế bố em bảo gì?
-Bố mày bảo mày ra chùa nói với sư ông cái gì đấy tao không nhớ, tốt nhất mày gọi lại hỏi cho rõ.
“Reng... reng... reng...”
Điện thoại bàn kêu được vài tiếng chuông thì tôi chạy vào đến nơi.
-Alo?
-Bố đây, mày đi đâu mà lâu thế?
Tôi nghe giọng nói của bố tôi không bị ảnh hưởng bởi gió nên tôi đoán bố đang ngồi ở một chỗ nào đó. Thời ấy, điện thoại di động chắc chưa được trang bị lọc âm hiện đại như bây giờ nên nhiều khi phải nói to hơn bình thường khi đang lái xe máy. Nghe bố tôi hỏi vậy tôi vội trình bày:
-Con vừa ngoài Cầu Khoai về, mọi thứ ngoài ấy đều ổn ạ.
-Ừ, tốt. Bố bảo này.
Bố tôi nói rất ngắn gọn, đại ý bảo tôi ra nói khéo với sư thầy rằng việc di dời mộ gặp khó khăn, xe máy chở tiểu sành cứ đi một đoạn lại phải dừng lại làm lễ ven đường.
-Con tìm cách nói khéo một tí, bố thấy mày thi thoảng cũng lên chùa chơi nên dễ nói chuyện. Việc này đúng ra là việc người lớn phải lên chùa trình bày nhưng bây giờ chuyện đang gấp lắm con ạ, bố cũng ngại sư thầy phật ý nhưng bố sợ đường từ đây về nhà không biết đến bao giờ mới tới nơi.
-Bây giờ bố đang ở đâu ạ?
-Bố với các bác đang ngồi nghỉ dọc đường, đang ở địa phận Hà Nội, một đoạn nữa là đến địa phận Bắc Ninh rồi.
-Vâng. Thế bố chờ con một tí.
Tôi vừa cúp máy thì chị Hiền hỏi:
-Trên đường đi có chuyện gì hả? Nãy bố tao còn bảo tao đóng cửa hàng lại đi tìm mày cho bằng được.
-Ui có cái gì đâu, bố em bảo em vào chùa gặp sư thầy, nhờ sư thầy xem giờ cho. Chị biết rồi đấy, người lớn rất là rách việc.
Tôi vội vã bước về hướng chùa làng thay vì đi xe đạp do đoạn đường quá gần nhưng đi được vài chục mét thì tôi dừng lại suy nghĩ. Lúc nãy tôi bị cuốn theo câu chuyện của bố tôi nên chưa có thời gian suy xét nhưng lúc này tôi cảm thấy mình cần phải sắp xếp đầu đuôi câu chuyện lại một lần để tự tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra. Nếu có vào gặp sư thầy nói khéo thì cũng phải nghĩ cho kỹ, sư thầy là người như nào tôi thừa hiểu. Ông rất hiền lành, độ lượng nhưng người già rồi, nhỡ đâu ông phật lòng thật thì sao? Hơn nữa, vừa mới sáng sớm sư thầy đã giúp cho một việc quan trọng rồi, bây giờ lại vác mặt vào chùa trình bày khó khăn kể ra cũng ngại.
Tôi chép miệng rồi lẩm bẩm nói một mình:
-Từ đầu nhờ sư thầy xem cho mọi chuyện có phải tốt hơn bao nhiêu không? Mời luôn sư thầy lên Thái Nguyên cùng thì đã không sinh chuyện. Đằng nào bác Nậm cũng chỉ đi có một mình. Chả hiểu người lớn sắp xếp kiểu gì nữa, cứ cảm giác có gì đấy không yên.
Tôi đi loanh quanh tại chỗ, trước mặt là bức tường gạch của nhà ai tôi không biết, giây lát sau tôi liên tưởng đến chuyện khác:
-“Di dời hài cốt từ nơi xa về chắc hay gặp trắc trở như này bảo sao các cụ lúc ốm đau cứ nằng nặc đòi về quê để c·hết ở quê cho bằng được. Ma quỷ lang thang dọc đường chắc là nhiều nên níu kéo không cho xe đi đây mà, hồi trước mình đã từng thấy rồi...”
Nghĩ đến đây thì hai mắt tôi chợt sáng lên:
-“Ơ, lá bùa của mình, mình còn lá bùa mà. Nếu bỏ bùa đó ra thì mấy con ma dọc đường không cử động được thì đời nào níu được xe mấy nhờ... Có điều... có điều lá bùa đó mà mở ra có khi em gái mình cũng bị đông cứng, chẳng biết nó có sợ như chị Đẹp không nhỉ? Nhỡ đâu nó sợ quá tối nay về bắt đền mình thì lại khổ. Ôi... cái số mình nó làm sao ấy.”
Tôi vò đầu bứt tai than thân trách phận nhưng cuối cùng cũng tặc lưỡi:
-“Bây giờ là ban ngày, nếu có bị đông thành đá thì đằng nào nó cũng nằm trong tiểu sành ngủ, kệ đi! Đêm nay nó mà về trách móc thì mình sẽ nói dối, sẽ đổ vấy cho mấy con ma vất vưởng dọc đường là xong. Mà mười năm không gặp, mình cũng muốn biết bây giờ nó thế nào.”
Tôi chạy ngược lại cửa hàng nơi chị Hiền đang ngồi đọc truyện tình cảm, một cuốn truyện dày cộp, hình như của Tàu. Chị ấy năm nay đã 17 tuổi, tối nào cũng có mấy anh đến tán chuyện, chắc chị ấy đọc truyện tình cảm để lấy kinh nghiệm. Tôi nghe R9 bảo là trong đám thanh niên ở làng kháo nhau việc chị tôi đã... biết hôn rồi. Cái làng bé bằng lỗ mũi, thanh niên hoi chỉ có hơn chục người thì giấu làm sao được, mà có khi chẳng muốn giấu. Tôi mà biết hôn hoặc được hôn nhất định tôi sẽ khoe với R9. Chả hiểu sao mỗi khi nghĩ đến việc hôn một đứa con gái thì mặt tôi lại đỏ bừng tía tai luôn.
-“Cầm tay đã thích rồi, hôn chắc là sướng lắm!”
Tôi đã từng vài lần nghĩ như thế, thật tiếc là lúc này tôi đang thất tình.
-Sư ông đâu? – Chị Hiền hỏi.
-Em hỏi sư ông xong rồi. Để em gọi cho mẹ em nói lại là xong thôi mà.
-Sao nhanh thế?
Tôi vỗ ngực:
-Chị thừa biết em là thằng khéo ăn khéo nói còn gì, sư ông cũng quý em nữa. Em vừa mở lời là sư ông chỉ cách luôn.
-Mày chỉ được cái mồm là giỏi.
-Nếu cái miệng em mà không làm được trò trống gì nữa thì em đúng là thằng vứt đi. – Tôi bước lại gần chị Hiền nói nhỏ - Này nhé, ở làng mình mấy đứa nó đồn ầm lên là chị đã biết hôn rồi, em sẽ mách bác!
Trong giây lát khuôn mặt của chị tôi đổi từ bình thường sang ửng đỏ rồi... tái nhợt, chị lắp bắp:
-Ai... ai bảo mày thế? Mày... mày nói điêu.
-Em biết gì đâu, bọn nó kháo với nhau như vậy, em nghe được thì nói lại với chị, sao chị lại bảo em nói điêu.
-Mày... mày nói điêu. Tao... tao...
-Chị cẩn thận, đến tai bác Nậm thì no đòn.
Mặt chị Hiền tái nhợt và không đổi sắc nữa, đôi tay có chút run rẩy đánh rơi cuốn truyện xuống đất, chị vội cúi xuống nhặt lên. Bác Nậm tôi là bộ đội, hẳn ai có bố là bộ đội sẽ hiểu các ông nghiêm như thế nào. Chị Hạnh tôi đến lớp 10 vẫn còn ăn roi mây vì bác tôi nghe loáng thoáng chuyện trai gái.
-Tao... tao biết ngay mà... đã bảo phải kín mà cái thằng...
-Đấy, thừa nhận rồi nhá.
-Mày... mày kín kín miệng giúp tao.
-Chị là chị của em, đời nào em đi rêu rao được. Chị cứ lo xa.
-Mày ăn kẹo không? Mày thích kẹo lạc nhỉ? Tí nữa cầm gói kẹo với mấy chai nước về uống nhá.
-Thôi, em không nhận của hối lộ. Chị đừng lo, bí mật này chỉ em với chị biết thôi. Đừng cho bác biết là được.
Thật ra bí mật này cả làng biết, à không, chỉ đám thanh niên choai choai biết với nhau thôi.
Tôi nhấc máy điện thoại lần lượt ấn từng số 0 9 1 3 3 0 5 0 0 8, những tiếng tút dài vang lên bên tai.
Tại quán nước ven đường khi ấy, bố mẹ tôi đang rất nóng ruột chờ điện thoại của tôi. Sau này bố mẹ tôi nói rằng tâm trí lúc ấy rất loạn, không nghĩ được gì nhiều, sư thầy ở chùa làng là phao cứu sinh duy nhất. Tôi hiểu điều này, không chỉ riêng bố mẹ tôi mà nhiều người tôi từng biết, từng nghe, họ chỉ nghĩ đến nhà chùa khi không còn cách nào khác, giống như có bệnh thì vái tứ phương vậy. Tôi đoán rằng những người có mặt ở quán nước buổi sáng hôm ấy đều cố tỏ ra mình ổn nhưng nỗi lo âu lộ rõ trên khuôn mặt từng người.
-Liệu thằng lớn nhà cậu có được việc không? – Bác Hồng tôi hỏi.
-Thằng này khéo mồm khéo miệng, chắc chắn được việc chị ạ. Với lại nhà chùa lúc nào chẳng từ bi hỉ xả.
Mẹ tôi trả lời. Bản thân mẹ tôi cũng không chắc chắn lắm nhưng lòng tin mơ hồ vẫn đặt vào thằng con trai. Người mẹ nào cũng hiểu con trai mình cả, họ mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày cơ mà, một người mẹ có thể không tin tưởng vào con của mình nhưng chắc chắn hiểu.
-À, nó gọi lại rồi này!
Bố tôi nói như thông báo với mọi người đồng thời mở nắp điện thoại lên nghe, tôi đoán rằng tim ông lúc ấy cũng hồi hộp lắm, còn tôi thì không, bản thân tôi cảm thấy rất bình thản.
-Tình hình thế nào rồi con?
-Ổn bố ơi, bố cho con gặp mẹ với.
-Có gì mày cứ nói với bố cũng được, mẹ mày lúc này còn hoang mang lắm.
-Không được, sư thầy dặn phải nói riêng với mẹ con.
Bố tôi nhăn trán miễn cưỡng đưa điện thoại cho mẹ tôi:
-Nó bảo muốn nói chuyện với em.
Mẹ tôi cầm lấy điện thoại giọng vội vã:
-Ờ mẹ nghe đây!
-Mẹ bình tĩnh chứ, nghe giọng mẹ như người mất hồn ấy.
-À ờ.
-Mẹ đang ngồi cùng các bác ạ?
-Ừ, ừ đúng, các bác đang ở đây.
-Mẹ đi ra chỗ khác đi, con muốn nói riêng với mẹ. Chuyện này mẹ nghe xong và làm theo không được nói với ai mẹ nhá, nói ra là đại họa đấy ạ.
Tôi tỏ ra nghiêm trọng hóa vấn đề, tôi nghĩ mình dọa được mẹ mình thật vì ngay sau đó bà làm theo lời tôi vừa nói.
-Đây, mẹ đi ra chỗ khác rồi. Có gì con nói đi, sư thầy bảo gì? – Mẹ tôi giọng run run.
-Ui mẹ đừng có sợ, không có gì đâu. Ông sư bảo rằng mẹ là người mang nặng đẻ đau nên chỉ có mẹ mới giải quyết được việc này. Tại em gái con ở trên Thái Nguyên lâu quá nên khi về bạn bè quyến luyến thôi ạ, mẹ đừng lo nhé.
-Ờ, ờ, mẹ nhớ!
-Thứ con gửi bác Nậm đưa cho mẹ, mẹ còn giữ không?
-Cái gì nhỉ? Con gửi cái gì?
-À, quà cho em con ấy.
-À... hình như mẹ vẫn để trong túi xách.
-Bây giờ như này mẹ nhé. Mẹ nghe kĩ nhá, đây là sư thầy dặn, làm sai là mệt lắm mẹ ạ. – Tôi lại dọa – Mẹ lấy cái túi vải đấy ra, mượn người ta cái kéo cắt miệng túi đi.
-Được rồi, chờ mẹ một tí, chờ một tí.
Mẹ tôi vẫn giữ điện thoại bên tai, các bác, cậu và bố tôi đều hồi hộp theo dõi nhất cử nhất động của mẹ tôi. Mọi người cảm thấy khó hiểu khi mẹ tôi lấy từ trong túi xách ra một cái túi vải màu trắng có những hoa văn màu xanh nhạt. Mẹ tôi mượn được cái kéo rồi cắt xoẹt một cái.
-Mẹ cắt miệng túi rồi. Bây... bây giờ làm gì?
-Mẹ đứng xa xa mọi người ra nhé.
Mẹ tôi bước hàng chục bước chân giữ khoảng cách trong con mắt ngạc nhiên của các chú, bác.
-Mẹ thò tay vào trong sẽ thấy một cái túi vải khác...
-Có, có!
-Mẹ cẩn thận mở cái túi bên trong ra, nó là dạng dây rút đấy mẹ. Đừng cho ai thấy.
Mẹ tôi nghe vậy liền quay lưng về phía bố tôi.
-Bên trong túi vải đấy có một miếng hình chữ nhật, mẹ lấy cái miếng đó ra cẩn thận để vào túi áo hay túi quần, đừng có làm mất. Mẹ cứ giữ trong người đến khi nào gặp con thì đưa cho con là được.
-Nhưng... cái này là cái gì? Mẹ tưởng là quà của con gửi cho cái Oanh?
-Thì đúng, nhưng thứ này được gửi từ làng mình. Sư thầy đã chỉ cách, thứ đó sẽ dẫn em con về đến quê mà ma quỷ không làm phiền đấy. Lúc này sư thầy đang làm lễ trên chùa giúp nhà mình nên mẹ yên tâm.
-À, vậy tốt quá, tốt quá. Để mẹ cất vào túi quần. Mẹ... mẹ sẽ giữ cẩn thận.
-Mẹ đừng sợ, mọi thứ sẽ ổn cả thôi. Tí nữa mọi người hỏi mẹ nói với mọi người là sư thầy đang làm lễ giúp rồi, cứ yên tâm mà về mẹ nhé.
Mẹ tôi quay lại bàn đưa điện thoại cho bố tôi, nét mặt đã trở nên tươi tỉnh. Mẹ nói với mọi người:
-May quá, sư ông ở chùa làng đang làm lễ giúp rồi, từ đây về đến làng mình sẽ bình an vô sự, không bị phá quấy nữa.
Niềm tin vô cớ ở vào lúc hoang mang lại giúp tinh thần của mọi người trở nên phấn chấn. Mẹ tôi sẽ không tin vào thứ mà bà đang để trong túi quần mà tin vào nhà chùa, niềm tin ấy mẹ tôi đã truyền cho những người khác. Từ trong sâu thẳm tâm can của mỗi người, nhà chùa luôn có thể hóa giải mọi thứ, là nơi mà họ có thể tin tưởng, cầu cạnh lúc nguy nan.
Cậu tôi thả khói thuốc lào mù mịt, đoạn quay sang nói với tôi:
-Tao công nhận chùa làng mình thiêng, cái ông sư cũng cao tay. Hồi ấy ông sư làm phép kiểu gì mà từ cái quán nước đó về đến làng là tao lái xe chạy băng băng, trời nắng chang chang nhưng không nắng gắt. Đúng là đời có nhiều thứ khó lý giải. Đm nó chứ, chùa làng mình thiêng như thế mà bọn khốn nạn, bọn sư giả cầy khuân hết tượng đi bán, từ đấy chắc mất thiêng luôn.
Tôi tủm tỉm cười ngả lưng vào ghế sofa hít một hơi thuốc:
-Con người có hồn, chùa cũng có hồn cậu ạ. Chùa mất hồn thì chỉ còn lại cột với kèo. Bây giờ chùa làng mình to đẹp nhưng... – Tôi thở dài – có mấy ai còn hướng về chùa làng nữa đâu hả cậu.
-Đm mấy thằng thôn với xã nó ăn cả đồ xây chùa, con cháu kiểu gì cũng không có lỗ đ*t.
Bố mẹ tôi và mọi người vẫn không thể biết được thứ mà mẹ tôi từng cầm là thứ gì, sau nhiều năm mẹ tôi không còn nhớ rõ hình dáng bởi lúc đó bà cũng không xem kỹ, chỉ nhất nhất làm theo chỉ dẫn của tôi qua điện thoại. Nhưng đối với tôi thì suy nghĩ của mọi người không hề sai, tất cả mọi thứ đều do sư thầy giúp, tôi vẫn chỉ là một người sử dụng những thứ mà sư thầy đã đưa cho. Bản thân tôi vẫn luôn cho rằng mình là kẻ niên ấu vô tri và lá bùa mẹ tôi sử dụng khi ấy là cách dĩ độc trị độc.
***