Chương 379: Trước hừng đông
Trời vừa hửng sáng, mặt trời còn chưa ló rạng đằng Đông. Tôi dắt chiếc xe đạp Mifa màu xanh đã sờn cũ ra cổng chùa chờ sư thầy. Tôi không phải đợi lâu, sư thầy tất tả đi từ trong ngôi nhà ngang ra, ông mặc bộ quần áo màu nâu sòng, một bên vai đeo túi vải tiệp màu với bộ quần áo đang mặc, chẳng biết trong cái túi vải mà ông mang theo có chứa thứ gì.
Trên đường làng khi trời vừa hửng sáng, những bà cụ với dáng người nhỏ bé đầu vấn khăn, hai tay kẹp vào hai bên nách bước đi như nhanh hơn. Hướng các cụ đi đều là đầu làng dù hôm nay không có buổi chợ phiên của làng nhưng những hàng quán như cháo lòng, bún riêu, bánh rán... vẫn bày bán. Nhiều cụ không phải ra ăn sáng mà đi mua đậu, mua thịt lợn nhưng tôi nghĩ cái chính vẫn là những phút giây các cụ ngồi túm tụm với nhau chuyện Đông, chuyện Tây. Tôi không bao giờ quên những buổi sáng mùa Đông ảm đạm của phiên chợ làng, chẳng thể quên được những thân hình đang co ro vì rét nhưng khuôn mặt ai nấy đều hồ hởi khi bắt đầu một ngày mới.
Sư thầy ngồi lệch một bên, một tay vịn nhẹ vào vạt áo bên phải của tôi, tay còn lại bám vào baga sau của xe đạp. Tiếng lạch cạch đặc trưng của chiếc xe đạp với hai pê – đan đã có dấu hiệu khô dầu, vòng bi hẳn đã hao hụt mất vài viên. Tôi không thích cái xe Mifa cho lắm bởi vì ghi – đông cao, yên xe ngồi cũng không thoải mái. Tôi thấp mà.
Từ Đề Đổ ra đến đầu làng gặp hàng chục bà cụ, tôi phải đạp chậm và cố giữ thăng bằng cho xe chứ không đi kiểu... uốn dẻo như khi đi một mình. Những lời chào, những câu hỏi thăm ngắn gọn, những lời đáp... giữa sư thầy và các bà cụ, tôi gặp cả bà tôi với những bước chân thoăn thoắt trên đường làng. Tôi không biết diễn tả thái độ của bà như thế nào nhìn thấy tôi chở sư thầy đi vượt lên, tôi không nói gì với bà, chỉ cười toe toét. Bà nói với theo:
-Đi đâu cũng nhớ về mà ăn sáng nhớ, tao mua bánh rán đấy.
Tôi trả lời bà nhưng không quay đầu lại:
-Dạ!
Ra đến đường cái quan, tôi cũng không dám đạp nhanh mà chỉ thong thả đi ven lề đường. Sư thầy chợt hỏi tôi:
-Ông nhớ là làng mình bây giờ đã quy định rõ khu vực mộ mới và mộ cũ. Em của cháu di dời về đây sao lại đặt ở Cầu Khoai được?
-Dạ, chỗ ấy thuộc khu mả cũ ông ơi.
-Sao thế được? Đợt năm ngoái các cụ cao niên trong làng họp ở ngoài đình đã thống nhất rồi cơ mà? Khu mả cũ ở phía Tây không được chôn cất thêm vì đã kín, đào bới phải xin phép.
-Cháu thuê người đào mà có phải xin phép đâu? Chẳng thấy cụ nào phàn nàn, cũng có mấy cụ ra nhìn hỏi han vài câu rồi về.
-Ơ, thế là ra làm sao nhỉ?
-Bác... hay do bác cháu làm trưởng thôn?
Sư thầy bật cười vỗ vào bên hông tôi:
-Phải rồi, phải rồi. Ông quên mất. Chắc các cụ đã có ý kiến nhưng gặp cháu ông trưởng thôn nên đành thôi hả?
-Ông hỏi cháu mới nghĩ ra, thảo nào chẳng thấy ai nói gì cả. Đúng là nhất thân nhì thế ông ơi
Sư thầy chợt nhẹ giọng:
-Thời thế nó vậy nhưng cháu đừng ỷ thế mà làm bừa.
-Vâng, vâng. Cháu có ỷ thế gì đâu, tại cháu thấy khoảnh đất ấy trống thì buột miệng nói ra chứ có biết gì.
-Ông lại không cho là như vậy. Chẳng có gì là vô tình cả đâu. Mấy tháng trước cháu đã gặp đại nạn. Có thể cháu giấu không nói nhưng ta xem quẻ thì thấy đã qua, người xưa có câu “Đại nạn bất tử tự hữu hậu phúc” có nghĩa là đại nạn không c·hết ắt sẽ có phúc lớn.
-Cháu nghĩ mình sống đến tận 86 tuổi cơ, c·hết làm sao được.
-Vị qui tam xích thổ, nan bảo bách niên thân; ký quy tam xích thổ, nan bảo bách niên phần. Cháu có hiểu câu này không?
Tôi thật thà đáp:
-Lần đầu tiên cháu nghe thấy ạ, xích thổ cháu nghe như... như đất đỏ vậy ông?
Sư thầy vỗ lưng tôi mấy cái:
-Còn phải học thêm nhiều thanh niên ạ. Câu này có nghĩ là chưa về với 3 tấc đất không thể nói là sống trăm năm, ngay cả khi đã chôn sâu dưới 3 tấc đất cũng không chắc mộ phần sẽ tồn tại đến trăm năm. Hiểu chưa nào?
Tôi ngẫm nghĩ trong giây lát rồi gật đầu, ý sư thầy nói rằng chẳng biết được ngày mai ra sao thì sao mà chắc chắn sống thọ đến chừng ấy năm được.
-Cháu là đứa thông minh nhưng không có duyên với Phật pháp, điều này không thể ép buộc. Nếu không làm sư cũng không nên làm thầy nghe không?
-Làm thầy ạ? À cháu không có ý định làm giáo viên đâu ông ơi.
-Không, ý ta là thầy bói, thầy cúng ấy.
-À... cháu cũng chẳng có ý định ấy.
-Nhớ lời ta dặn. Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên.
-Hôm nay ông lại nói nhiều câu cháu không hiểu mấy.
-Không hiểu thì từ từ mà hiểu, phải học suốt đời chứ. Học như nghịch thủy hành chu bất tiến tắc thoái.
-Vâng, vâng!
Tôi gật đầu như bổ củi. Sư thầy bao giờ cũng thế, nếu có dịp sẽ nói toàn những câu cao siêu mà tôi chẳng thể nào hiểu hết nổi ở cái tuổi mười lăm.
Dựng xe đạp cạnh cái điếm cũ kỹ trong bãi tha ma, tôi dẫn sư thầy len lỏi bước qua những ngôi mộ không hàng lối. Sư thầy bước chậm rãi, ông đưa mắt nhìn quanh bốn phía như đang xem xét cái gì đó, cứ chừng chục bước chân ông lại dừng lại. Tôi không sốt ruột, đơn giản là vì tôi không hiểu ông đang làm gì, tốt nhất là im lặng và chờ đợi thay vì hỏi vào những lúc như thế này.
Đến bên huyệt mộ đã được chú Chung đào, sư thầy dường như có chút bất ngờ, tôi lên tiếng:
-Ông thắc mắc về đất lấp huyệt hay sao ạ?
-Đúng! Đất đào lên đâu cả rồi, sao chỉ có mỗi huyệt mộ trống huơ trống hoác như thế này?
-Đất đào được bao nhiêu cháu... cháu đổ hết xuống cái hố đằng kia, chỗ đấy bây giờ như cái ao tù.
Sư thầy bước nhanh về phía những lò gạch đang nhả khói nghi ngút, từ chỗ huyệt mộ đến rìa bãi tha ma chừng một trăm mét. Tôi chỉ cho sư thầy thấy phần đất mà chú Chung đã đổ xuống, những tảng đất ngổn ngang nửa nổi nửa chìm ngay sát bờ. Tôi lại lẽo đẽo đi theo sau sư thầy quay trở lại huyệt mộ, ông không nói gì. Ông úp lòng bàn tay xuống thành huyệt mộ, tôi không hiểu tại sao phải làm như thế. Mới sáng sớm, mặt trời còn chưa lên khỏi ngọn tre, cỏ dưới chân còn ngậm sương. Đôi dép và gấu quần của tôi đã ướt nhẹp. Sư thầy để tay như vậy một lúc khiến tôi khó hiểu, chỉ cần bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy thành huyệt mộ ẩm ướt vì sương xuống, cần gì phải dùng tay kiểm tra.
-Đất cháu đổ đi hết thật à?
-Vâng!
-Thế đất đâu mà lấp? tính lấp bằng cát ư?
-À... cháu có đất khác, cháu lấy đất từ nơi khác.
-Đất ở đây lạnh lẽo thì chẳng có gì là lạ, ông nghe nói bãi này đã có từ hàng trăm năm trước. Âm khí rất thịnh. Ai bảo cháu đổ đất đã đào đi, đất kia cháu lấy ở đâu?
-Đất kia cháu đào ở ngoài cánh đồng gần với mương Khoai ông ạ, đất ấy... đất ấy cháu đã làm cho nóng rồi.
-Nóng? Cái gì nóng?
Nhìn ánh mắt của sư thầy tôi biết là ông không hiểu, tôi đành giải thích ngắn gọn:
-Đất ấy cháu mang về dùng cuốc, dao tán nhỏ sau đấy cho lên chảo gang rang lên, nửa tháng qua khi trời nắng thì cháu bỏ ra phơi.
Sư thầy quẹt nhẹ lòng bàn tay xuống vạt cỏ ướt bên cạnh để lau những vết bùn đất còn dính lại, ông cười nhẹ:
-Bậc cao nhân nào đã chỉ cháu làm như thế? Ta thật sự tò mò đấy.
Tôi gãi đầu suy nghĩ, sư thầy nói tiếp:
-Không trả lời cũng được, không sao. Có lẽ ông đã lo lắng thái quá, ông không nghĩ đến khả năng ai đó đã chỉ cho cháu một khoảnh đất tốt. Ngay cả hướng cũng tốt, cháu thực sự làm ta bất ngờ đấy.
-Dạ, dạ sao ạ?
-Huyệt mộ nằm theo hướng Bắc – Nam, chắc bố mẹ cháu sẽ đặt theo hướng này, dù Bắc hay Nam đều tốt cho em gái cháu.
Tôi thở phào. Sư thầy giảng giải thêm:
-Ta tưởng việc rang hoàng thổ đã thất truyền, đã chẳng còn ai quan tâm, không ngờ ở làng này lại có một thằng bé mới lớn biết được. Người nào đã chỉ cho cháu ắt hẳn đã đọc qua nhiều sách cổ, xưa kia chỉ những bậc vua chúa hay gia đình quyền quý mới biết cách làm tưởng chừng như đơn giản này. Di hài đặt ở đây khả năng sẽ trở thành một ngôi mộ phát.
Sư thầy nhìn quanh một vòng:
-Cả bãi tha ma kín đặc mộ từ xa xưa mà lại thừa đúng khoảnh đất này, đúng là sống lâu mới thấy được lắm chuyện khó tin, thật khó tin.
-Từ hồi cháu về làng đã thấy chỗ đất này không có mộ, cháu cũng thắc mắc mãi.
-Đầu gối sơn, chân đạp thủy, mặc dù thủy là nhân tạo. Cải táng xong hẳn là sẽ xây kiên cố hả cháu?
-Vâng.
-Huyệt này dù có lấp bằng cát thì sau này cây cối cũng từ cát mà mọc lên, ta sẽ xem kỹ điều này sau vậy. Xem ra cháu đúng là có thiên phú làm thầy đấy, chẳng thể tự nhiên buột miệng chọn một chỗ như này được.
Sư thầy lấy từ trong tay nải ra một bó hương, tôi giúp ông châm lửa. Bó hương cháy nghi ngút được cắm bên cạnh huyệt mộ, chỗ cắm hương cỏ đã không còn nên trơ ra đất vàng nhạt, ướt nhoen nhoét. Sư thầy lấy ra một quả trứng và ba cái que như cái đũa ăn cơm, trên mỗi que đều có vài chữ Hán, tôi ngạc nhiên định hỏi nhưng kịp ngưng lại. Ba cái que nhỏ dài chừng hai mươi phân được sư thầy cắm chéo vào nhau như thế kiềng ba chân gần chỗ bó hương đang cháy dở, ba cái que đó trở thành giá đỡ để sư thầy đặt quả trứng lên. Tôi ngồi xổm bên cạnh chỉ biết trố mắt nhìn.
Một tay sư thầy mân mê tràng hạt, tay còn lại để trước ngực, miệng lẩm nhẩm như đang đọc kinh, tôi lặng lẽ đứng cạnh bên. Một lát sau sư thầy lấy từ trong tay nải ra một nhúm gạo trắng rải xuống huyệt mộ, đoạn ông quay sang tôi bảo:
-Cháu tinh mắt nhìn giúp ông xem gạo màu gì?
Tôi ngó xuống đáy huyệt cẩn thận, những hạt gạo trắng mà sư thầy vừa rải xuống không thấy đâu, tôi chỉ nhận ra những đốm đen nho nhỏ như hạt gạo rang bị cháy. Tôi nói lại với sư thầy những gì mình nhìn thấy. Sư thầy lại đọc kinh hoặc niệm chú - tôi đoán như vậy – một hồi rồi rải thêm một nắm gạo trắng nữa, lần này gạo không còn đổi thành màu đen nữa.
-Cháu bóc quả trứng giúp ông xem nào.
Tôi làm theo chẳng khó khăn gì.
-Kiểm tra xem có phải lòng đỏ của quả trứng đã đen sì rồi hay không.
Đúng như lời sư thầy nói, tôi chia quả trứng gà ra làm hai thì thấy bên trong là một khối đen sì, đáng ra nó phải màu vàng hoặc màu đỏ mới đúng. Tôi nhìn sư thầy thắc mắc, ông đáp lại bằng vẻ mặt hài lòng.
-Ông cháu ta về thôi.
-Ơ... Thế là xong hả ông?
-Xong rồi. Ban nãy là do ông lo thái quá, ông không nghĩ là huyệt mộ lại chọn được một nơi tốt, hướng tốt đến vậy.
-Gạo... gạo ông rải xuống làm gì thế ạ?
-Cháu hoặc ai đó muốn dọn dẹp huyệt mộ này sạch nhất có thể thì ông vừa làm rồi đấy, những âm khí còn trong huyệt mộ đã được thu sạch. Huyệt mộ này sạch cả về âm phần như mong muốn của n·gười đ·ã k·huất.
Sư thầy vỗ vai tôi vài cái rồi ra hiệu cho tôi đi bên cạnh, ông nói:
-Xem ra sáng nay cháu b·ị đ·ánh thức lại không phải chuyện ngẫu nhiên đâu cháu ạ. Cháu thấy lòng quả trứng vừa rồi chứ?
-Cháu có thấy.
-Lúc nhỏ có hay được bố mẹ hay bà cạo gió cho không?
Tôi gật đầu, sư thầy xoa đầu tôi mặc dù lúc này tôi đã cao gần bằng ông rồi:
-Cạo gió thì lòng trứng gà chỉ chuyển màu xám là cùng, quả trứng cháu vừa bửa đôi ra thì màu đen như than, đấy chính là phần âm khí trong huyệt mộ đấy.
-Ở đây là bãi tha ma, âm khí có thừa. Sao ông phải tốn công?
-Nội việc cháu nói là rang đất là ta hiểu, cái huyệt này phải sạch sẽ, khô ráo. Cháu nhìn xem, mặt trời đã ở trên ngọn tre đằng kia, âm khí đã dọn sạch cũng vừa lúc vầng dương lên. Ông đồ rằng phải đến giờ Ngọ mới hạ huyệt được.
-Bố mẹ cháu bảo tầm 8 giờ là về đến, chắc hạ huyệt luôn chứ ông?
Sư thầy lại vỗ vai tôi giống như vỗ vai một người bạn nhỏ:
-Đúng sai thì đến trưa sẽ biết thôi mà, vội làm cái gì. Nhưng ta dặn cháu điều này, cháu biết nhưng đừng nói với ai, mà cháu có nói cũng không ai tin đâu.
-Điều gì hả ông?
-Mộ kết mà cố cải táng ắt sẽ sinh chuyện, điều này không tránh được. Ông xem huyệt mộ được chuẩn bị như này mạn dạn đoán rằng về hay ở là ý của n·gười đ·ã k·huất, không phải ý của bố mẹ cháu. Dương lịch cũng đã sang năm mới rồi, nội trong mười năm tới đây sẽ rất chông gai, nếu phải lựa chọn giữa tiền tài và sinh mệnh, ông nghĩ cháu nên chọn sinh mệnh.
-Cháu cũng nghĩ thế ạ, sống quan trọng hơn chứ ông, tiền thì...
-Tiền rất quan trọng cháu ạ, không thể coi thường tiền bạc được đâu. Tuy nhiên cháu nhất định phải nhớ lời ta dặn, nếu phải lựa chọn hãy buông bỏ tiền bạc. Trong vài năm tới đây cháu sẽ là cột trụ trong gia đình những lúc nguy nan, lúc ấy nhớ lạc quan lên.
-Cháu mà cột trụ cái gì. – Tôi cười tít mắt – Ăn chưa no, lo chưa tới ông ơi.
-Nếu cháu thực tâm nghĩ như vậy thì tốt. Nhưng lời ông dặn chớ có quên.
-Vâng, cháu sẽ nhớ. Mà khi nãy ông bảo mộ phát là gì ạ?
-Kể ra cũng kỳ khôi, bỏ một ngôi mộ kết để làm một ngôi mộ phát, chuyện này cũng hiếm gặp. Em cháu từ lúc mất là chôn cất ở trên ấy cũng được ngót mười năm rồi nhỉ?
-Dạ!
-Ừ, vậy ông nghĩ cần chừng ấy thời gian để thử thách, vững vàng lên nhé chàng trai.
Sư thầy lại vỗ lưng tôi động viên, tôi khẽ nhún vai. Tôi không hiểu cái thời gian thử thách mà sư thầy vừa nhắc đến là cái gì, tôi mới mười lăm, gần mười sáu tuổi thôi mà.
-Mà ông ơi, thế mộ đặt quay mặt về hướng nào thì tốt ạ?
-Cháu muốn quay về hướng nào thì là hướng đó.
-Sao lại thế ạ?
-Huyệt mộ này do cháu chọn vị trí cơ mà.
-Cái này cháu không tự tin lắm.
-Tự tin lên cháu ơi. Bây giờ thì ông chắc chắn rằng cháu có quý nhân phù trợ thật đấy.
Tôi trở về đến nhà vừa lúc chú Chung khuôn mấy bao tải đựng đất lên xe cải tiến, tôi vội kèm theo mấy cái áo mưa và dặn chú trùm lên đề phòng trời mưa.
-Hôm nay trời có nắng đẹp đấy, mày khéo lo.
-Cẩn thận vẫn hơn chú ạ. Chú đã ăn sáng chưa?
-Tao mới dậy vội sang kéo cái này đi trước, cứ nghĩ nhẹ. Kiều này phải làm hai chuyến, còn cát, gạch nữa.
-Sao chú không chuyển gạch ra từ hôm qua?
-Mày điên à? Gạch mua luôn ở lò nên không phải lo, cát tự chở đỡ được tí tiền. Để đó từ hôm qua nhỡ đâu thằng mả mẹ nào nửa đêm nó xúc hết thì tao khóc ra tiếng mán.
-Bà cháu có mua bánh rán, chú chờ cháu tí, chú cháu mình cưa đôi. Có sức mới làm xong việc được chú ơi.
Ba cái bánh rán vàng rộm bà Già để phần cho tôi hãy còn ấm, tôi một còn chú Chung hai. Ăn xong tôi đẩy xe cải tiến giúp chú Chung ra mãi tận cầu Đình mới gặp vợ chú ấy, năm bao tải đất thật không nhẹ tí nào.
-Không chở cát mà chở cái gì đây?
-Phát sinh tí việc cô ơi! Hoàng thổ, hoàng thổ cháu nhờ chú Chung chở ra giúp ấy mà.
Chú Chung nháy mắt với tôi, tôi tỉnh bơ. Cũng may cô ấy không hỏi thêm.
***