Chương 378: 小寒
Tờ mờ sáng, tôi không nhìn đồng hồ nên chẳng nhớ chính xác, chỉ biết khi dụi mắt nhìn qua khung cửa thì thấy trời đã tảng sáng, bà già ngủ ở giường bên kia cùng với cô Lý vẫn chưa dậy. Tôi không có thói quen dậy sớm nếu không có việc gì quan trọng, hôm nay là một ngày quan trọng nên tôi đã hẹn đồng hồ kêu chuông lúc 6 giờ sáng nhưng tôi chắc chắn lúc tôi tỉnh giấc chưa đến 6 giờ.
Chẳng phải tự nhiên tôi tỉnh giấc lúc tảng sáng như vậy!
Tôi đã nằm mơ, không rõ ràng lắm, tôi không nhận ra được ai đã giục mình liên tục:
-Dậy, dậy mau, dậy ngay!
Bóng hình trong giấc mơ của tôi cứ lặp đi lặp lại câu nói ấy. Ngồi bần thần một lúc trên tấm phản, tôi đã nghĩ người đánh thức tôi là chị Ma nhưng không phải, rất có thể cụ nội tôi đã tát đôm đốp vào mặt tôi để tôi tỉnh giấc cho mau.
-Thằng này đã dậy rồi ư?
Tiếng của cô tôi vọng ra từ trong màn. Tôi trả lời với giọng ngái ngủ:
-Vâng ạ, tối qua cháu ngủ sớm mà.
Cô Lý vén màn ngồi bên thành giường búi tóc, cô hỏi tôi:
-Sáng nay công việc của mày thế nào?
-Dạ, tí nữa cháu phải ra Cầu Khoai xem huyệt mộ cô ạ. Sáng nay chú Chung cũng chở gạch, cát với xi – măng ra ngoài ấy. Cháu phải ra kiểm đếm nữa.
-Thế bố mày tính xây mộ cho ông hôm nay luôn hay sao?
-Vâng! Đằng nào cũng một công mà cô.
-Hôm trước tao quên hỏi mẹ mày đã xem ngày hay chưa.
-Ui trời, bốc mộ cái Oanh theo cháu là việc lớn, cũng là động mồ mả rồi. Chẳng lẽ xây mộ cho nó lại để mộ ông nội là mộ đất.
-Ờ thì tao hỏi thế, tao biết đâu đấy.
Tôi không nhớ chính xác ngày hôm đó là thứ mấy trong tuần, có lẽ là thứ Ba hoặc thứ Tư vì tôi phải xin nghỉ học để lo công việc. Tối hôm trước tôi chờ mãi đến gần 10 giờ khuya không thấy ám hiệu của chị Ma nên chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay biết. Tối hôm 22 chị Ma có hẹn là tối 23 Âm lịch gặp nhau nhưng lại không thấy. Chị Ma chưa sai hẹn với tôi bao giờ, “nhà” của chị ấy cũng trong đất nhà tôi cơ mà.
Tôi đứng vặn mình vài cái ở ngoài hiên tự hỏi:
-Chị ấy lại đi đâu nhỉ? Dạo này hành tung của chị này rất bí ẩn, có vẻ tất bật lắm thì phải. Mình tất bật thì chẳng nói làm gì, chị ấy có việc gì cơ chứ?
Tôi nhanh chóng đánh răng rửa mặt. Buổi sáng trời rất lạnh nhưng nước mưa trong chum lớn để ở cửa bếp lại ấm. Tôi ngồi xổm đánh răng nhưng lòng dạ cứ bồn chồn, tôi cố nhớ xem ai đã đánh thức mình dậy vội vàng như thế, trời hãy còn chưa sáng. Đánh răng xong quay trở vào nhà nhìn đồng hồ mới thấy 5 giờ 50 phút, trước khi bước ra ngoài hiên một lần nữa để ngắm quang cảnh lúc tảng sáng, khi mà chút sương đêm vẫn còn đọng trên nhiều cành lá thì tôi lướt qua cuốn lịch treo tường tiện tay xé đi tờ lịch cũ. Điều duy nhất đến nay mà tôi nhớ được ở tờ lịch ngày hôm ấy chính là nó có ghi rõ “Tiết Tiểu hàn”. Thời buổi hiện nay đến ngày Âm lịch tôi còn lúc nhớ, lúc quên nhưng tôi nhớ tiết Tiểu hàn là một trong 24 tiết khí theo lịch của Tàu, Nhật, Hàn và Việt Nam, theo tiếng Hán Việt có nghĩa là “Rét nhẹ”. Hồi đó ở làng Bưởi Cuốc các bác nông dân nắm tương đối rõ các tiết trong năm vì nó liên quan đến việc cày cấy, gieo trồng.
Tự nhiên tôi muốn... đi ra mở cổng, tôi không nhớ vì sao mình lại muốn như thế, có thể là vì tôi chẳng mấy khi dậy sớm như vậy, tôi muốn hít thở không khí lạnh khi trời còn chưa sáng rõ mặt người chăng? Tôi nghĩ không phải như vậy, cứ như có ai đó đang muốn đẩy lưng tôi bước khỏi thềm nhà.
Tôi chau mày suy nghĩ trong giây lát, sau vài cái chớp mắt tôi chợt nhớ mang máng khoảng một năm trước vào một buổi trưa lòng dạ tôi cũng bồn chồn như thế này, ngoài việc cảm tưởng như có ai đó đẩy lưng thì tôi còn ngó nghiêng nhìn ra ngoài cổng xem có ai đang gọi mình hay không.
Tôi chợt nghĩ:
-“Thôi bỏ mẹ, chẳng lẽ có điều gì bất thường à?”
Quay vào nhà, tôi lấy ngay cái que tre dài khoảng một mét mà bà Già hay dùng để chống cửa, bà có thói quen như vậy mỗi khi mùa Đông tràn về, que tre sẽ giúp hai cánh cửa gỗ không rung lắc mỗi khi có gió thổi mạnh, nhà tôi ở ven làng mà.
-Mày đi đâu đấy? – Cô tôi hỏi.
-Cháu hay dậy sớm tập thể dục ấy mà.
Tôi vừa mới xây dựng hình tượng được chừng đó với cô của mình thì bà Già đã đạp đổ:
-Cái thằng nói láo không chớp mắt, mọi ngày nó ngủ trương mắt đến chín, mười giờ sáng mới dậy, hôm nay nó dở chứng dậy sớm đấy.
Tôi cười hề hề quay lưng bước vội ra ngoài sân, sực nhớ ra chưa dặn bà nên tôi nói vọng vào trong nhà:
-Bà ơi, tí nữa chú Chung có đến thì bà chỉ cho chú ấy mấy cái bao tải cháu để ở hiên nhà nhá.
-Được rồi. – Bà tôi nói vọng ra.
Tôi quấn khăn lên kín cổ, mũ len kéo xuống bị hai lỗ tai, đôi găng tay len sọc đen trắng mới thửa dạo nọ trên phố Hồ cũng được sử dụng. Mở hé cánh cổng rồi lách người qua, tiếng bà già trong nhà lại nói vọng ra:
-Mày đi đâu đấy thằng kia? Mày mở cổng thì mang cái khóa vào đây cho tao.
Tôi dạ một tiếng rõ to nhưng chẳng đời nào tôi mang cái khóa vào cho bà, vì thói quen này mà đến ngoài chín mươi mỗi lần tôi về chơi mà có đi đâu hoặc trước khi ngủ kiểu gì một trong hai bà cũng ra kiểm tra cửa nẻo vì không tin tưởng thằng cháu quý hóa. Một phần vì tôi... lười, một phần vì tôi biết thừa chẳng thằng trộm nào có thể lấy được cái gì ở mảnh đất này khi tôi ở nhà cả. Đến khi tôi lấy vợ, vợ tôi rất nhiều lần nói tôi về việc này, có lần tôi đi ngủ mà cổng nhà chỉ móc tạm ổ khóa còn cửa nhà mở toang hoang. Khi vợ tôi thức dậy xuống dưới nhà thì cô ấy sợ mất mật vì tưởng trộm mò vào. Mặc dù tôi có trí nhớ tốt nhưng cũng có những cái tật xấu khó bỏ.
Tôi đã làm giống như lần trước, dựng cây gậy tre thẳng lên, dùng ngón tay trỏ để giữ:
-Con không biết ông bà hoặc là ai muốn mách bảo con điều gì, nếu muốn con đi đâu hãy để cái que này đổ về hướng đó ạ.
Tôi nghiêng đầu nhìn thêm vài lần để chắc chắn rằng cái que tre to bằng ngón chân cái đã thẳng, nhấc ngón trỏ lên, que tre đổ về hướng bên trái.
-Nhà bà ngoại lại có chuyện gì à?
Tôi nhăn mặt nghĩ thầm, vội vàng cúi xuống nhặt cái que lên rồi chạy vội ra đường ven làng, đến ngã ba đường gần chỗ bụi tre tôi lại làm thế một lần nữa, que tre khô lại một lần nữa đổ về bên trái, hướng lên mả của Mẹ Sư. Tôi giật mình rồi làu bàu trong miệng:
-Ớ, đang bận cả đống việc thế này mà miếu của chị Khuê lại xảy ra chuyện gì à? Mẹ cái bọn t·rộm c·ắp này, chúng mày không chọn ngày khác được à?
Những bước chân thoăn thoắt vừa đi vừa chạy theo hướng que tre đã đổ, khi que tre chỉ tiếp hướng rẽ là hướng Đề Đổ thì tôi đã chắc mẩm là miếu của chị Đẹp chắc đã có chuyện, bởi thế tôi hộc tốc dốc gan mà chạy. Chạy qua cổng chùa thấy vẫn còn đóng kín, còn sớm quá mà, hôm nay tôi còn dậy sớm hơn cả sư thầy.
Đường làng vắng tanh, tôi vọt qua Đề Đổ chạy vào ngõ nhà bà ngoại bỗng nhiên cảm thấy có gì đó không ổn nên tôi dừng chân để thở cũng như tranh thủ dùng que tre làm kim chỉ nam một lần nữa.
“Cạch!”
-Sao lại thế nhờ?
Que tre không đổ về phía trước như tôi nghĩ mà lại đổ ngược về phía sau. Tôi ngoái đầu nhìn về hướng Đề Đổ, chẳng có bóng dáng người nào đi lại. Buổi sáng mùa Đông thật yên tĩnh đến lạ, ngay cả tiếng chó sủa cũng chẳng nghe thấy.
Cúi người nhặt cái que lên kéo lọc cọc bước về ngã tư Đề Đổ, vừa đi tôi vừa suy nghĩ chẳng hiểu nổi chuyện gì, có lẽ do tôi lo xa quá. Đứng giữa ngã tư quay đầu nhìn khắp bốn hướng, tôi thử một lần nữa thì que tre đổ về phía trước, hướng ra ngoài cánh đồng làng.
-Có khi nào nhầm không? Cửu huyền thất tổ có linh thiêng muốn báo cho con cháu điều gì thì đưa đường chỉ lối cho cháu với ạ.
Tôi kiểm tra lại một lần nữa, mặc dù tôi nghiêng cái que về phía bụng của mình nhưng khi thả ngón tay ra nó lại đổ về phía trước, điều này chắc chắn là trái với quy tắc vật lý mà tôi biết.
-Không thể nào, không thể nào.
Tôi thử thêm một lần nữa, kết quả cũng không thay đổi. Trời đang lạnh mà trán tôi lấm tấm mồ hôi vì sợ, sợ là vì chẳng biết giải thích ra sao. Quay đầu nhìn về ngõ sâu hun hút dẫn vào nhà bà ngoại với ánh mắt ái ngại, tôi mím môi bước theo chỉ dẫn của que tre.
-Rõ ràng ở chỗ ngã ba mả của Mẹ Sư thì cái que đổ về hướng này, đến chỗ này lại đổ ngược về hướng đấy, chả hiểu chuyện gì luôn.
Tôi lẩm bẩm trong miệng, trong lòng có chút bực bội vì mới sáng ngày ra đã gặp chuyện khó hiểu. Bước ngang qua cổng chùa lúc này vẫn đóng im ỉm tôi chợt dừng bước suy nghĩ:
-“Nếu ai đó hối thúc mình thức giấc rồi dẫn mình đi kiểu này hẳn phải có chuyện gì đấy. Từ Đề Đổ đến mả của Mẹ Sư có mỗi chùa là mình hay vào còn những nhà khác trong làng đâu có họ hàng hang hốc gì với mình đâu nhỉ?”
Để tìm câu trả lời thì cách duy nhất là thử, tôi ít nhiều đã có kinh nghiệm trong việc này rồi. Bây giờ trời sắp sáng, chị Ngọc Hoa hay Ngọc Khuê chẳng thể hiện hồn lên mà mách bảo cho tôi được, chắc các chị ấy run rủi cho tôi, tôi nghĩ như thế. Một lần nữa tôi đứng trước cổng chùa dựng thẳng que tre mang theo rồi nói nhỏ:
-Ông bà nào muốn cháu đi đâu thì chỉ tiếp cho cháu với ạ!
Que tre đổ về hướng cổng chùa!
-Ôi! Chẳng lẽ sư thầy... sư thầy mất à?
Đấy là suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu tôi khi tôi nhìn thấy cái que đổ xuống đất. Chỉ hai bước chân tôi đã đứng sát cổng chùa, dùng tay đẩy nhẹ thì cổng chùa vẫn cài then cửa bên trong, sư thầy cũng giống như bà tôi, đã dùng que tre chống cánh cửa để đỡ ồn ào vào ban đêm khi những cơn gió từ ngoài cánh đồng thổi vào.
Nhún mình một cái hai tay tôi đã bám được vào bờ tường, chẳng khó khăn gì để tôi leo qua bức tường cao khoảng hai mét bằng gạch ngay cạnh cổng chùa. Tôi đi mà như chạy về phía căn nhà ngang nằm ở đầu hồi phía Tây của chùa làng, tim đập thình thịch vì tôi nghĩ đến cảnh sư thầy đã... viên tịch. Đặt chân lên thềm của ngôi nhà nhỏ, khung cửa sổ một cánh mở, một cánh đóng còn cửa chính đã mở toang. Tôi liếc nhanh vào bên trong và thở phào khi nhìn thấy bóng lưng của sư thầy đang ngồi trên cái trường kỷ, tôi đứng giữa cửa nhà nhưng chưa kịp điều chỉnh biểu hiện trên khuôn mặt mình. Sư thầy quay ra nhìn thấy tôi cũng ngạc nhiên thấy rõ. Nhìn tôi một lượt từ đầu đến chân, sư thầy thừa biết tôi là đứa ngủ nướng mà trời chưa sáng đã đứng trước cửa nhà nên bật cười, nụ cười hiền từ hỏi tôi:
-Mới đi đánh trận đêm về hả chàng trai?
Tôi ngượng đỏ cả mặt, gãi đầu đáp:
-Dạ không ông ơi, cháu... cháu... cháu đi tập thể dục.
-Đã đến thì vào đây ngồi đã nào, ông có luộc mấy củ khoai dưới bếp, sắp chín rồi.
-Vầng, vầng!
Tôi bước vào ngồi xuống trường kỷ đối diện với sư thầy, thở hắt ra vài hơi, tôi thậm chí còn nhìn rõ được hơi thở của mình.
-Nhìn cháu có vẻ hớt hải nhỉ, mới sáng sớm đột nhập vào chùa có việc gì thế? Ông chưa mở cổng cơ mà.
-À cháu.. cháu...
-Ha ha ha... ta hiểu rồi, tưởng ta đã ra người thiên cổ hả?
Bị sư thầy nói trúng tim đen, tôi đành thừa nhận:
-Đúng là thế ạ, tự nhiên cháu... cháu cảm thấy... à không ạ. Cháu... hôm nay cháu dậy sớm tự nhiên có ai đó thôi thúc cháu phải lên chùa.
-Hử? Có chuyện đó sao?
-Cháu... cháu cũng không chắc lắm ông ơi. – Tôi cười ngượng, thật khó mà giải thích cặn kẽ được.
-Thôi nào, có gì thì nói đi. Ta không hiểu hết về cháu nhưng đột nhiên cháu xuất hiện vào sáng sớm ắt hẳn là có chuyện gì đấy.
-Cháu thấy không có chuyện gì thật mà.
Tôi cởi găng tay đón cốc nước chè còn b·ốc k·hói nhẹ nhàng dùng hai lòng bàn tay xoay tròn cho đỡ lạnh.
-Thế sao hôm nay cháu dậy sớm thế? Bà cháu bảo là cháu chỉ đón bình mình khi mặt trời đã cao bằng ngọn sào cơ mà.
Sư thầy nhẹ nhàng nói, giọng của ông chậm rãi. Tôi nói:
-Hôm nay nhà cháu có tí việc nên cháu dậy sớm ông ạ. Chẳng là bố mẹ cháu hôm nay di dời mộ của em gái cháu trên Thái Nguyên về đây.
-Bốc mộ hả? À, ta có từng nghe cháu nói là cháu có đứa em gái mất lúc nhỏ nhỉ?
-Vâng.
Sư thầy giơ tay phải bấm đốt ngón tay, gần một phút sau ông nói với tôi:
-Hôm nay là ngày tốt cho việc cải táng. Em cháu tuổi gì nhỉ?
-Nó sinh năm 1987, tuổi Đinh Mão ông ạ.
-Đinh Mão à? Đinh Mão... Tuổi Mão thì đẹp ngày mà Đinh Mão lại khắc với ngày hôm nay là Quý Hợi. Lạ nhỉ, bố mẹ cháu xem thầy ở đâu?
Tôi lắc đầu:
-Chắc ở Hà Nội ạ. Em cháu mất ở tận Thái Nguyên mà ông.
-À! Chậc... liệu thầy có xem kỹ cho không?
-Sao thế ông?
-Không có gì, cũng không sao. Em cháu giỗ này nào?
Tôi nói cho sư thầy ngày giỗ của em gái mình, giờ nó mất thì tôi không nhớ rõ nên chỉ biết gãi đầu. Sư thầy rời khỏi bàn uống nước, lát sau ông quay trở lại với một cuốn sách nhuốm màu thời gian, gáy của cuốn sách đó đã sờn và mép đã quăn. Trên bìa màu xanh nhạt có mấy hàng chữ Tàu, thứ chữ từ chối hiểu tôi. Tôi ngồi lặng im nhìn sư thầy lật giở từng trang sách cũ, tôi đoán cuốn sách đó là xem ngày giờ.
-Gái tuổi Đinh Mão lại mất vào ngày Tân Mão, tháng Đinh Mão...
Sư thầy vừa nói vừa đăm chiêu, ngón trỏ của ông dừng ở những dòng chữ Tàu chi chít, tôi nghển cổ lên ngó mặc dù chẳng hiểu gì, chỉ là hiếu kỳ mà thôi.
-Mộ cũ của em gái cháu đặt gần nguồn nước à?
-Cháu nhớ là gần một con suối ông ạ. Ở đấy có một nhà máy luyện kim màu, hình như nước thải trong nhà máy có chảy ra nên cháu nhớ nó hơi vàng vàng.
-Cháu có nhớ mộ đặt quay đầu về hướng nào không?
-Cái này thì...
Đã mười năm trôi qua, lúc ấy tôi mới tròn bốn tuổi. Chưa ai nói với tôi ngôi mộ của em gái tôi quay đầu về hướng nào. Lục tìm những mảnh ký ức riêng rẽ tôi cố nhớ lại mọi chuyện. Tôi hỏi sư thầy:
-Ông cho cháu mượn cái bút với tờ giấy được không ạ?
-Đây, ông có sẵn.
Sư thầy đưa cho tôi cây bút bi cùng một cuốn vở Bãi Bằng màu xanh. Đầu tiên tôi vẽ một ô vuông ghi rõ là Ga Lưu Xá rồi dựa theo trí nhớ vẽ lòng vòng con đường đi ra suối rồi kết luận:
-Nếu cháu nhớ không nhầm, dựa vào bia mộ có lẽ là hướng Nam ông ạ.
-Lúc mất gia đình có nhờ thầy xem cho không?
-Cháu nhớ là có ạ. Chẳng biết ông thầy nào xem cho nhưng chôn rất gấp, cháu với bố cháu ở xa về không được nhìn mặt lần cuối.
Sư thầy cười nhẹ gấp cuốn sách lại, một tay ông vẫn để trên bìa nhìn tôi rất lạ, hết ngó bên trái lại nhìn bên phải, một lúc sau ông nói:
-Ông nghĩ gia đình cháu lúc ấy gặp đúng thầy, người ta xem cho ngày giờ chôn cất, nếu đúng là mộ quay về hướng Nam lại gần bờ suối thì...
Sư thầy khẽ thở dài, đôi mắt quay nhìn ra ngoài sân lúc này đã bắt đầu sáng rõ. Đoạn ông quay lại hỏi tôi thêm một câu:
-Con suối chảy ngang qua hay chảy như nào, cháu nhớ không?
Tôi hơi nghiêng đầu suy nghĩ rồi mới trả lời chắc chắn:
-Đoạn suối ấy nó chảy cong như này này ông.
Tôi vừa trả lời vừa dùng bút vẽ xuống tờ giấy để sư thầy hình dung cho rõ, khi tôi ngẩng đầu lên nhìn ông, tôi nhận thấy rõ đôi mắt ông hơi nheo lại. Tôi hỏi:
-Có gì không tốt ạ?
-Nếu như cháu mô tả thì đấy khả năng cao là một ngôi mộ kết đấy, người đã chỉ chỗ táng chắc chắn là thầy cao tay chứ không vừa. Tại sao mộ kết như vậy lại cải táng làm gì? Nếu gia đình cháu đã đi xem thì người thầy phải bói được quẻ cát hung chứ?
Tôi lắc đầu, nhún vai đáp:
-Cháu... cái này cháu không rõ, là bố mẹ cháu xem ở ngoài Hà Nội. Mấy lần bố mẹ cháu về quê đi xem nơi đặt mộ còn không được.
-Cái gì? Không xem được á?
-Vâng!
-Sao cháu không nói cho ta?
-Cháu... cháu nghĩ là... ở làng mình lúc cải táng toàn đi xem thầy ở các nơi mà ông. Việc này... việc này... do các bà và bố cháu quyết chứ cháu không được can dự ạ.
-Thôi hỏng rồi.
-Cái gì hỏng ạ?
-Vậy di dời về đây thì huyệt đặt ở đâu?
Tôi nghe và nhìn thái độ của sư thầy thì đã toát mồ hôi lạnh, tôi lắp bắp:
-Ngoài... ngoài Cầu Khoai ạ!
-Cầu Khoai?
-Vâng! – Tôi gật đầu, chợt tôi cảm thấy cổ họng mình đắng ngắt.
-Thầy chỉ cho chôn ở đó ư? – Giọng của sư thầy đã không còn nhẹ nhàng nữa, tôi cảm nhận rõ sư thầy giống như đang hỏi dồn tôi vậy.
-Cháu... cháu không biết. Tối hôm trước cháu có đưa bố cháu ra xem chỗ đất ấy sau đó vài hôm thì bố cháu gọi về bảo là chọn chỗ ấy ạ.
-Hử?
Sư thầy ngẩn người ra một hồi:
-Ta hỏi là thầy ở đâu xem cho chứ tại sao lại có chuyện cháu dẫn bố cháu ra chỉ chỗ đào huyệt?
Đến lúc này thì lưng áo cộc bên trong của tôi đã ướt đẫm, hai bên thái dương mồ hôi chảy thành từng giọt, tôi lấy tay quệt vội rồi nói:
-Cháu... hôm họp gia đình tự nhiên cháu buột miệng nói như thế, chẳng hiểu sao sau này bố cháu đi xem ở đâu, hình như ở dưới Thứa rồi bảo cháu dẫn ra ngoài ấy chỉ chỗ, sau đó... sau đó thì...
Sư thầy đứng bật dậy thu dọn những thứ trên mặt bàn, dáng vẻ rất vội vàng:
-Xuống dụi tắt bếp cho ông, bắc nồi khoai luộc ra. Mau đưa ông ra ngoài Cầu Khoai ngay.
Tôi chẳng hiểu chuyện gì nhưng ngay lập tức làm theo lời sư thầy như một cái máy. Tay chân tôi luống cuống thấy rõ, bắc nồi khoai ra khỏi cái kiềng mà run run như lên cơn sốt. Chỉ có kẻ khờ dại mới không hiểu rằng sắp có đại họa đổ xuống đầu, bảo sao mới sáng sớm đã có người đánh thức tôi dậy trong giấc mơ xúi tôi đi tìm sư thầy. Cứ nhìn thái độ thay đổi chóng mặt cùng giọng nói của sư thầy là biết, xưa nay có mấy khi sư thầy dáng vẻ như thế bao giờ đâu.
-“Sao những việc hệ trọng này không ai cảnh báo sớm cho mình chứ?”
***
#Tôi_không_sợ_ma