Chương 377: Giấu đồ
Di hài em gái tôi được bố đặt vào trong tiểu sành, vì trời còn quá sớm nên tiểu sành này được đưa về gần cổng nhà bác Nhơn, ngay cạnh bụi tre mà trước đây anh em chúng tôi thường lấy con dao nhỏ của mẹ ra vẽ hình những ô tô, máy bay... Anh Cường cùng mấy người bạn ngồi h·út t·huốc tán gẫu ngay gần đó để trông còn bố mẹ tôi cùng những người khác vào trong nhà ngồi uống nước. Đồng hồ mới khoảng hơn 3 giờ sáng. Ngoài việc trời còn quá sớm chưa tiện di chuyển bằng xe máy thì bố mẹ tôi cũng muốn đặt tiểu sành ngoài cổng một lúc, ý muốn vong linh em gái tôi có thể nhìn cảnh vật thân quen một lần. Như bố tôi từng nói vài lần thì đấy cũng là cách cảm ơn gia đình bác Nhơn đã trông nom mộ phần của em gái tôi trong mười năm. Gia đình bác Nhơn coi em gái tôi như con cái trong nhà, trên ban thờ có cả bát hương nhỏ dành riêng thờ cùng nó.
Những người lớn quây quần quên ấm chè nóng, những lời cảm ơn qua lại, những hứa hẹn gặp gỡ... được nói ra. Tinh thần mọi người nói chung rất thoải mái vì việc lớn xem ra cũng đã xong xuôi, ông cậu tôi và chú Khánh còn... tranh thủ làm thêm vài chén rượu cho ấm người, không khí theo như tôi đoán là rất xôm.
Cuộc vui nào cũng tàn và nỗi buồn nào cũng sẽ tan, khoảng 4 giờ rưỡi sáng khi lác đác trong xóm đã có tiếng gà gáy te te vọng đến thì bác Nậm đại diện cho gia tôi cảm ơn gia đình bác Nhơn thêm một lần nữa vì những gì gia đình bác ấy dành cho gia đình tôi. Mọi người dắt xe máy từ trong sân ra ngoài cổng, trong hơi rượu vẫn là những cái bắt tay. Tiểu sành đựng di hài của em gái tôi sẽ được cậu tôi chở trên chiếc Cub 82 màu xanh cửu long. Bác Nậm, chú Khánh đi mỗi người một xe, bố mẹ tôi đi chung trên chiếc Dream, bác Hồng cùng với một anh con trai đi chiếc DD70 màu đỏ. Đoàn về tổng cộng có 7 người. Cậu tôi kể rằng trên baga của chiếc Cub82 có để một cái chăn gấp gọn để khi xe chạy không bị xóc. Bác Hồng và mẹ tôi lo việc rải vàng mã khi qua cầu, cống.
-Ơ! Chìa khóa xe của anh đâu nhỉ?
Bác Nậm chợt lên tiếng hỏi khi những xe khác đã nổ máy.
-Chìa khóa anh để đâu? – Cậu tôi hỏi.
-Thì anh vẫn móc ở chỗ con đỉa chứ đâu, lúc nãy ngồi uống nước chè vẫn còn mà.
-Mấy đứa chạy vào chỗ bàn uống nước xem chìa khóa của ông anh đây có rơi ở chỗ ngồi không nào. – Bác Nhơn nói.
Bác Nậm gạt chân chống xe đi vào bên trong cùng anh Cường với bạn của anh ấy, vài phút trôi qua không thấy bác Nậm trở ra nên bố mẹ tôi cũng vào tìm giúp. Hai chục người lớn tìm kiếm chìa khóa xe máy khắp những nơi mà họ nghĩ có thể rơi, đèn đuốc sáng trưng nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy.
Khoảng chừng mười phút sau chợt ai đó lên tiếng:
-Có khi nào con Oanh nó trêu bác không nhỉ?
Câu nói nửa đùa nửa thật khiến mọi người im lặng. Bác Nậm là sĩ quan giải ngũ, gần chục năm ở chiến trường K, lại là đảng viên nên bố tôi đánh giá bác là người... vô thần. Bác không biết sợ những thứ gọi là ma quỷ, bác có cách nhìn khác so với số đông, dù sao bác ấy cũng là lãnh đạo cao nhất ở làng Bưởi Cuốc cơ mà.
-Làm gì có chuyện đấy! – Bác Nậm gạt đi.
Nhưng vài phút tìm kiếm nữa trôi qua vẫn không thấy chìa khóa. Mẹ tôi đến bên cạnh bác nói nhỏ:
-Thôi thì anh thắp cho cháu nó nén hương.
-Dì cứ linh tinh.
-Có khi nó giấu thật anh ạ, tính anh cẩn thận nhất trong mấy anh em ở đây thì làm gì có chuyện bị rơi chìa khóa như thế được.
Mỗi người nói thêm một câu nên bác Nậm bất đắc dĩ cũng phải thử. Ba nén hương được gài lên tiểu sành đang để trên baga xe máy, bác Nậm chắp tay khấn xong thì quay sang hỏi mẹ tôi:
-Được rồi, thế chìa khóa của anh đâu nào?
-Thì... thì từ từ, giờ vào tìm lại đi anh.
Mọi người lục tục quay vào trong sân nhưng mới đi được vài bước thì có tiếng anh Cường nói như reo ở phía sau:
-Đây, chìa khóa đây phải không chú ơi?
Mọi người nháo nhào chạy ngược trở ra, anh Cường đứng dưới dốc, đèn pin soi thẳng xuống dưới đất:
-Có phải chùm chìa khóa này không chú?
Bác Nậm và mọi người chạy đến, bác ngẩn người ra:
-Ờ đúng, nhưng mà... nhưng mà từ nãy chú có đi ra đây đâu nhỉ?
-Thôi đúng là con cháu nó trêu bác nó rồi. Anh em mình còn chưa đi ra chỗ này làm sao chìa khóa lại ở đấy được.
Cậu tôi lại cười, điệu cười rất đặc trưng, kiểu hào sảng. Bác Nậm bán tín bán nghi cũng chỉ biết lắc đầu cười trừ.
Bác Nậm đã tìm được chìa khóa xe máy nhưng chuyến đi chưa thể khởi hành được bởi vì người bị giấu chìa khóa xe máy tiếp theo chính là... cậu tôi, cậu ấy không còn cười nữa.
-Rõ ràng tôi cắm chìa khóa ở xe, xe còn nổ máy đàng hoàng. Chờ mấy ông bà lâu quá tôi mới tắt đi, đã rút chìa ra đâu.
-Thì tìm xung quanh thử xem có rơi xuống không nào.
Mọi người không ai bảo ai đều lúi húi tìm kiếm xung quanh chỗ xe máy đang dựng, mấy người đang ngà ngà say cũng tỉnh cả rượu đứng ngây ra như phỗng.
-Chẳng lẽ... chẳng lẽ con cháu tôi nó... nó lại trêu tôi à?
-Nãy cậu mới cười to lắm mà. – Bác Nậm nói – Cậu đã kiểm tra túi quần, túi áo chưa?
-Đây anh xem. – Cậu tôi lộn ngược túi quần, lần túi áo khoác nhưng không thấy gì.
Mẹ tôi lúc này cũng hãi hãi rồi, chỉ là không dám nói ra miệng mà thôi. Trời hãy còn chưa sáng, gió thì lạnh lại cảm tưởng như có một hồn ma lởn vởn đâu đó xung quanh thì không sợ mới là lạ. Mẹ tôi kể rằng lúc ấy mẹ tôi cũng sợ và tủi thân sắp khóc khi nghĩ đến việc đứa con gái không muốn rời nơi này nên hết giấu chìa khóa của ông anh rể lại giấu chìa khóa của đứa em cậu. Cách duy nhất mà mẹ tôi có thể nghĩ ra được lúc ấy là đốt thêm ba nén hương đặt lên tiểu sành rồi khấn:
-Con ơi, con sống khôn thác thiêng đừng trêu mọi người nữa, đừng làm mẹ sợ. Bây giờ bố mẹ, bác, cậu, chú lên đón con về, nếu không đi đúng giờ sợ đường xa về quê không kịp. Nếu con có nghịch thì trả cậu chìa khóa xe máy để cậu còn chở con về.
Cậu tôi sờ túi quần thấy cộm cộm nên thò tay vào thấy chìa khóa xe trong khi chỉ một phút trước đó cậu lộn ngược túi quần ra chẳng thấy gì. Đoạn này cậu tôi kể:
-Đm, tao nghĩ lúc đấy mặt tao trắng bệch không khác gì xác c·hết. Tao sống hơn nửa đời người rồi chưa bao giờ trải qua sự việc như thế, chắc chắn tao đã kiểm tra túi quần cả chục lần rồi, hàng chục người đứng đó chứng kiến chứ đùa làm gì. Ông Nậm tìm được chìa khóa ở chỗ chẳng bước chân đến còn bán tín bán nghi nhưng sau khi tao bị giấu chìa khóa rồi lại thấy trong túi quần có vẻ ông ấy tin hẳn. Chuyện này phải về đến quê, lúc mọi việc xong xuôi tao mới dám nói trong bữa ăn chứ trên đường về hãi bỏ mẹ. Có lúc tao chẳng cả dám lái, thằng Khánh chú mày tinh tướng bảo tao lái yếu nhảy sang lái xe của tao nhưng xe có đi được đéo đâu, nó sợ mất mật, im re luôn.
-Cậu sợ bị ma xui quỷ khiến đâm vào ô tô à?
-Còn sao nữa, mày cứ thử nghĩ mà xem, có đoạn cái xe không theo ý của tao, tao không sợ thì sao.
-Thế cậu có cười như bây giờ không?
-Úi, đm, lúc đấy mồ hôi ướt áo, vừa lái xe vừa lẩm nhẩm “Oanh ơi, cháu đừng trêu cậu, để cậu chở cháu về đến quê cháu nhé.”
Tôi nghe mà cười tít mắt, cậu tôi thì rít một hơi thuốc lào thật kêu.
***