Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 376: Mộ kết




Chương 376: Mộ kết

Ngày nay internet phổ cập, bất cứ ai ở bất cứ đâu cũng có thể tìm kiếm thứ mình chưa biết trên không gian mạng. Thông tin rất nhiều, nếu chắt lọc ra chắc chắn sẽ thu được những thông tin đầy hữu ích và quý giá, kể cả những việc liên quan đến thủ tục bốc mộ. Hai chục năm trước, ở bất kỳ làng quê Bắc Bộ hay Bắc Trung Bộ nào thì việc cải táng là rất bình thường. Ngay như ở các thành phố lớn như Hà Nội thời đó cũng ít người lựa chọn việc hỏa táng cho người thân khi họ khuất núi. Đến nay, việc cải táng cho người thân đã khuất vẫn còn nhưng đã giảm đi rất nhiều do cuộc sống ngày càng vội vã, ai cũng muốn nhanh và gọn, đến như các cụ bát tuần còn sống cũng đã thoải mái với việc để con cháu hỏa táng khi mất. Đấy là tôi nói chuyện thiên hạ chứ hai bà nội của tôi thì không đời nào, nhất định khi hai bà mất sẽ phải chôn và cải táng, các bà thuộc thế hệ còn lưu giữ những phong tục, tập quán cha ông để lại.

Cuối thế kỷ 20, ở làng Bưởi Cuốc của tôi dân làng hiểu biết về mộ kết hay mộ phát còn bập bõm, đấy là tôi đoán như vậy. Những người hiểu tường tận rất ít, phần lớn cũng do được cha ông truyền khẩu chứ làng tôi mấy năm này tôi không nghe thấy có nhà nào gặp chuyện mộ kết cả. Chỉ có trường hợp đã chôn cất đến bốn năm mà không hóa hết, phần vì đất ở chỗ chôn thổ nhưỡng nhiều đất sét hoặc người nằm dưới mộ trước khi mất đã bệnh tật kéo dài, tiêm hoặc uống nhiều thuốc... bà Già cũng vài lần nói với tôi như thế. Bà Trẻ tôi đã cảnh cáo mỗi khi tôi bảo rằng sau này bà mất, cháu sẽ hỏa táng để mang tro cốt thờ ở nhà. Bà nói rằng sẽ... b·óp c·ổ tôi hoặc b·óp c·ổ đứa nào đưa ra ý tưởng ấy khi bà mất. Tôi cười, tôi chẳng sợ bà b·óp c·ổ khi bà mất bởi vì tôi biết bà thương đứa cháu đích tôn biết nhường nào. Năm nay bà Trẻ đã 92 tuổi, tôi mong bà sẽ thọ vô địch ở làng, điều mà bà Già đã từ bỏ vào năm 2019.

C·hết thì ai chẳng sợ chứ, nhưng khi đã sống cảm thấy đủ đầy, đủ hạnh phúc mà Sứ giả Diêm Vương đến gọi thì đi thôi, tránh cũng chẳng được. Cá nhân tôi không coi nhẹ c·ái c·hết bởi vì tôi có cơ hội xuống dưới ấy vài lần rồi, chẳng vui tí nào. Những thứ đơn giản khi còn sống như ngửi thấy mùi thơm còn chẳng có cơ hội, cảnh vật hoang phế, tiêu điều, tứ phía chẳng có chút sinh khí nào. Đấy là dưới âm, tôi nghe nói là ở một cõi khác mọi thứ sẽ đẹp hơn, thú vị hơn, tiếc là tôi chưa có cơ hội và sẽ chẳng có cơ hội vì ai cũng thành ma cả, tôi cũng thế. Tôi tin rằng mình không đủ tốt để đến một nơi đẹp đẽ hơn âm ty.

Em tôi mất khi còn quá nhỏ, bởi thế bố mẹ tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng có điều kiện thì cất bốc hài cốt em tôi đưa về quê cha đất tổ chứ không nghĩ đến việc nhờ thầy xem xét cẩn thận có nên cải táng hay không. Bà Lớn – người cô ruột của bố tôi lúc này đã 76 tuổi – không biết vì lý do gì đã nhắc nhở bố đưa em về quê từ những năm 1992, trong quá trình bàn tính việc di dời phần mộ cũng như thúc giục bố mẹ tôi đi xem thầy ở các nơi lại không nhắc bố tôi hỏi một việc quan trọng, chính là có nên cất bốc hay không? Có thể bà đã già nên không còn nhớ được nhiều, cũng có thể vì tin rằng cháu của mình đi xem thầy, thầy nói cho cặn kẽ... Ít nhất trong số những lần bố tôi đi xem vị trí đặt mộ của em tôi thì bà Con – em ruột của bà Lớn – cũng đi cùng. Chẳng thầy nào xem được vị trí đặt mộ phần, phải chăng vì thế mà vấn đề có nên di dời mộ đã bị sao nhãng đi?

Bố tôi gặp anh thanh niên Mai Quốc Ca trong một buổi chiều tối lạnh một cách tình cờ, ông cũng chỉ quan tâm đến việc mộ phần của con gái đưa về quê để nơi nào thì tốt, muốn mời anh thanh niên về xem giúp nhưng dịp đó anh ta bận. Điều này chính anh thanh niên Mai Quốc Ca đã nói với tôi trong một lần ngồi tán gẫu trong quán của bà cụ Khanh.

Tất cả mọi chuyện diễn ra giống như câu mà mọi người hay nói: “Cái số nó vậy...” để chấp nhận một sự việc đã xảy ra mà không thể thay đổi được nữa.

Trở lại đêm lạnh năm ấy bên bờ suối nhỏ, ánh sáng của những ngọn đuốc được châm lửa bập bùng cháy trong đêm soi rõ từng khuôn mặt của những người đang đứng vây quanh huyệt mộ. Không gian xung quanh chợt im ắng lạ thường, tưởng như gió ngừng thổi, cây ngừng lay và thời gian như đông cứng lại trong phút giây ấy.

Ánh đèn pin soi vào trong cỗ áo quan nhỏ dưới huyệt mộ, có lẽ tất cả những người có mặt lúc đó hoặc kể cả tôi đều mặc định rằng khi mở nắp áo quan sẽ là một bộ xương khô của trẻ nhỏ hoặc tất cả cơ thể bé nhỏ ấy đã tan vào đất nhưng... không phải như vậy. Trong cỗ áo quan là một hình hài nhỏ bé. Sở dĩ gọi là hình hài bởi vì bởi vì toàn bộ di hài còn nguyên vẹn, được bao bọc bởi một lớp màng màu vàng nhạt, tuyệt nhiên không có bất cứ một mùi hôi nào tỏa ra từ cỗ áo quan dưới huyệt.

-Mộ... mộ... mộ kết! Mộ kết rồi cậu ơi!

Bác Hồng, chị ruột của bố tôi là người đầu tiên thốt lên.

-Cái này... cái này...

Bố tôi có chút mất bình tĩnh, việc di hài của con gái được bao bọc bởi một lớp tơ dày quấn kín là ngoài dự tính của không chỉ riêng bố tôi. Mỗi người một câu, không gian nhanh chóng trở nên huyên náo hơn một chút, không có bất kỳ tiếng kêu khóc nào. Như mẹ tôi kể thì lúc đó ngạc nhiên nhiều hơn là sợ bởi vì mẹ tôi cũng từng nghe kể về mộ kết nhưng cụ thể mộ kết như thế nào mẹ tôi lại không hề hay biết. Tôi nghĩ không chỉ riêng mẹ tôi, có lẽ tất cả các bác, các cô, các chú, các anh có mặt lúc đó đều là lần đầu tiên nhìn thấy một di hài không khác gì một bức tượng.

Mẹ tôi kể:

-Lúc đặt nó vào áo quan, tao mặc cho nó một cái váy hoa đẹp mà nó thích. Tao vẫn nhớ khi ấy da dẻ nó vẫn hồng hào, nhất là đôi má. Tao...



Mẹ tôi khẽ thở dài, tôi hỏi tiếp:

-Sau đó thì sao ạ?

-Tao mua thêm cho nó mấy bộ váy, nó thích mặc váy. Những bộ váy đó tao để trong tiểu sành. Tao chỉ ngồi phía trên nhìn xuống chứ có ai cho xuống nhìn gần đâu mà rõ, nhưng kể cả dí mắt vào nhìn cũng chẳng thấy được gì cả, chẳng biết thứ gì quấn quanh người nó, dính cả vào quách nữa.

-Không có nước dưới ấy hả mẹ?

Mẹ tôi lắc đầu:

-Đều khô ráo cả, bố mày còn nói là lúc ấy chẳng rõ khi nào, chắc là khi loay hoay đưa di hài sang tiểu hay đậy nắp áo quan lấp lại thì cảm thấy đất trong huyệt nóng lắm. Bố mày tưởng nhầm nói với mấy người khác, mọi người lấy tay sờ thử thì đúng như thế.

Bố tôi lại nói khác:

-Mẹ mày nói quá, đất chỉ ấm thôi chứ nóng đâu mà nóng, lúc đấy có người bảo như thế là bình thường nên bố cũng không chú ý lắm. Huyệt khô ráo nên đất có chút ấm cũng chẳng có gì lạ, ngay bên dưới là di hài mà, lạnh bỏ mẹ.

-Thế bố không nhìn được mặt em con à? Xương của nó hay... hay bất cứ thứ gì đó.

-Không. Chả biết thứ gì đấy như mạng nhện quấn t·hi t·hể lại, cũng nhỏ mà. Nhìn chỉ còn hình người thôi, những thứ mà bà với mẹ mày để vào trong quan tài lúc nó mất như váy áo, đồ chơi đều hư hỏng cả. Nhất là quần áo chôn cùng, mủn hết cả. Chính tay tao cầm những bộ váy áo đó lên thì chỉ trong chốc lát đã mủn ra như tro rơi lả tả.

-Thế không ai sợ hả bố?

-Có gì mà sợ, lúc ấy ai cũng sẵn sàng rửa xương hoặc bốc đất cả rồi, mọi người đều ngạc nhiên.

-Mạng nhện quấn chặt như bố nói thì có... có cứng không? Cứng như kiểu xi măng ấy. Con chẳng thể tưởng tượng được.



-Bố có ấn thử, nó không cứng như xi măng nhưng có vẻ chắc chắn lắm. Bố cũng chẳng biết tả cảm giác đó cho mày như thế nào, cũng lâu quá rồi.

-Thế tại sao bác Hồng đã nói là mộ kết rồi mà bố không lấp lại như cũ mà vẫn quyết định di dời về quê?

-Mày cho bố xin điếu thuốc!

Bố tôi hất hàm ra hiệu cho tôi, tôi miễn cưỡng đưa cho ông một điếu thuốc cùng cái bật lửa. Bố tôi h·út t·huốc lúc 16 tuổi, ông hút liên tục trong bốn chục năm rồi đột nhiên bỏ vì sợ... đi bệnh viện, sợ thành ma. Tuy nhiên, đôi lúc có chuyện cần suy tư bố tôi vẫn rút một vài điếu nhưng chỉ rít được một vài hơi rồi bỏ, chủ yếu là cầm trên tay cho đỡ trống trải.

-Lúc ấy bố cũng lưỡng lự không biết nên làm như nào cho đúng. Mộ kết bố cũng từng nghe rồi chứ không phải là chẳng biết gì, chỉ là trước đó không nghĩ đến. Nửa đêm nửa hôm chẳng biết hỏi ai, hỏi các cụ thì mày biết đấy, thời đó điện thoại đâu có phổ biến như bây giờ.

-Thế bố hay ai quyết định đưa em con lên?

-Bố cũng không nhớ là ai đưa ra ý kiến đầu tiên nhưng phần lớn các bác đều đồng ý rằng đằng nào cũng đã mở nắp áo quan không thể đậy lại được. Bố thấy cũng hợp lý, hồi ấy nếu biết trước là mộ kết thì đào bới lên làm gì. Sau cùng bố quyết định đưa tiểu sành xuống rồi bế nó đặt qua là xong, mọi việc cũng đơn giản.

-Không có gì lạ xảy ra hay sao ạ?

Khi bố tôi nhẹ nhàng bế đứa con gái đã nằm yên trong cỗ áo quan nhỏ suốt mười năm gần dòng suối, tay ông run run, miệng lẩm bẩm nói với hình hài đứa con gái nhỏ:

-Để bố thay chỗ nằm mới cho con, con sống khôn thác thiêng nếu bố mẹ với các bác có làm gì sai sót thì con bỏ qua con nhé.

Bố tôi nói không to không nhỏ, hầu như ai ở xung quanh cũng nghe thấy rõ, một lần nữa những ngọn nến, ngọn đuốc vụt tắt cùng một lúc. Chẳng biết ai đó đứng trong đám người đã khóc ré lên khiến bố tôi cảm thấy lạnh gáy.

Bố tôi thừa nhận:

-Giây phút ấy tao nói thật là tao sợ vãi đái.

-Sao lại sợ ạ?

-Mày làm sao mà hiểu được khi một chân của mày giẫm trong áo quan, trên tay là di hài của con gái đã bị cái gì đấy quấn chặt như xác ướp trong phim bọn mày xem ấy. Đèn đuốc tắt ngúm, gió vần vũ bên trên.



-Bố đứng dưới huyệt mộ làm sao mà cảm nhận được gió chứ?

-Nhưng tao thấy lạnh dọc sống lưng, chân tao như muốn mềm nhũn ra chứ mày tưởng à. Mày phải tự trải qua hoàn cảnh lúc ấy mày mới thấy hãi. Đéo hiểu bà nào tự nhiên khóc ré lên làm tao run tay, cũng may không sợ đến nỗi hồn siêu phách lạc mà làm rơi di hài nó xuống.

Tôi bật cười:

-Kể ra bố cũng gan cùng mình đấy chứ?

-Có phải lần đầu tao đi bốc mộ đâu mà sợ. Hồi bốc mộ chú mày mới sợ vì chưa hóa hết. Nỗi sợ khi tao nửa đứng nửa ngồi dưới huyệt mộ khi ấy rất khó tả, phần vì lần đầu nhìn thấy sự lạ, phần vì cứ lúc... cao điểm thì đèn đóm tắt ngúm như có ma, trời mùa Đông lại lạnh nữa. Nếu không có đèn pin thì tối như đêm Ba mươi luôn đấy con ạ.

-Thế bố bế lên như thế ở phía dưới có ẩm ướt, có nước không bố? Chỗ đấy gần suối mà không bị ẩm à?

-Mày hỏi tao thì tao biết hỏi ai, ở đời lắm sự lạ chẳng thể giải thích được. Tao thấy những sợi tơ ấy quấn kín cả, chẳng khác gì một cái... cái gì nhỉ... ừm... cái kén ấy, kiểu như thế.

-Thế là khô thật ạ?

-Thì khô.

Đuốc tắt nhưng còn đèn pin, cái đèn măng – xông lần này cũng tắt ngóm. Sau này cậu tôi kể rằng khi ấy cậu cũng cảm thấy lạnh từ bên trong mặc dù cái áo khoác đã kéo kín tận cổ. Cậu tôi đã từng luyện võ trong bãi tha ma lúc nửa đêm nên bảo tự nhiên sợ thì có vẻ như không đúng. Cậu nói:

-Lúc đèn đuốc tắt lần thứ hai thì tao vẫn ngồi ngay sau lưng bố mày, lúc đấy tao đang bê cái tiểu sành đến gần để chuyển xuống huyệt. Lúc ban đầu nghĩ phải rửa xương cốt mới cho vào tiểu sành nhưng mọi thứ thay đổi, tiểu sành đưa xuống dưới huyệt để bố mày đặt con bé vào.

-Các bác, các chú khác không động tay động chân vào hả cậu?

-Nhìn di hài quấn quanh như kén vậy thì tao hỏi mày ai dám động vào, chỉ có ruột thịt như bố mày với tao mới dám động tay. Lúc đấy chẳng ai bảo ai nhưng cũng xem như tình cảm, sợ thì có sợ, lạnh thì có lạnh nhưng sợi dây tình cảm nó níu mình lại, bởi vậy mọi thứ cũng đâu vào đấy. Thằng Khánh với ông Nậm ngồi gần bên chỉ im lặng, thằng Khánh tao nghĩ là sợ, mặt nó tái nhợt.

Cậu tôi lại cười hềnh hệch nhấp ngụm nước chè, tiếp tục kể câu chuyện năm xưa.

***