Chương 375: Hoàng xà ấp mộ (tiếp)
Buổi tối ngày 22, khi vừa mới đi học về tôi liền gọi điện thoại cho mẹ tôi hỏi thăm tình hình. Đầu dây bên kia khá ồn ào, mẹ tôi cho biết mọi người đang ăn uống, nhậu nhẹt ôn lại chuyện xưa, ai cũng ngà ngà say cả.
-Bác Nậm đã đưa cho mẹ đồ con gửi chưa?
-Rồi, rồi! Mẹ để trong túi xách.
-Mẹ đừng có mở ra đấy nhé.
-Mày lắm chuyện, ai thèm mở ra làm gì. Ở nhà thế nào?
-Con mới đi học về, cỗ bàn chuẩn bị cũng hòm hòm cả rồi. Chắc cô Lý tí nữa mới về đến ạ.
-Ừ, cũng không làm gì linh đình đâu, dăm mâm gọi là thôi. Mai con có đi học không?
-Con xin nghỉ ạ.
-Ừ, sáng mai tầm 8 giờ là bố mẹ đưa em về đến. Mấy anh con trai nhà bác Nhơn với đám bạn đào mộ hộ, đâu vào đó xong xuôi cả rồi, chừng 2 giờ sáng chỉ cần đào nhẹ một lớp đất nữa là tới quan tài.
-Dạ, con gọi để hỏi thăm vậy thôi chứ không có gì ạ. Mẹ cho con gửi lời hỏi thăm hai bác với các anh trên đấy nhé.
Tôi cúp máy rồi trở về nhà, tâm trạng có chút bồn chồn, nửa vui mừng, nửa lo lắng. Tôi suy nghĩ vẩn vơ, chẳng có gì là cụ thể cả.
Tôi nhớ anh Cường – người con trai lớn của bác Nhơn – người đã từng buộc ống quần thật chặt để đổ đỗ tương ă·n t·rộm vào trong mang đi bán. Anh ấy lúc này khoảng ngoài hai mươi tuổi, là một thanh niên cao lớn, điển trai, mới hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự, có thể xem như một mẫu thanh niên lý tưởng của các chị gái thời ấy. Anh Cường cùng với vài người bạn đã giúp bố mẹ tôi lo việc đào mộ, các anh ấy là thanh niên thời đại mới, thậm chí còn chẳng tin vào chuyện ma quỷ. Chính vì thế, chẳng anh nào chú ý đến những việc lạ khi đào mộ. Việc đào mộ cũng đơn giản như việc anh ấy đào công sự chiến đấu khi đi bộ đội mà thôi.
Tôi nhớ rõ, trong xóm nhỏ trước kia nhà tôi từng ở phần lớn là những người làm việc trong khu gang thép Thái Nguyên ngay bên kia đường tàu. Bởi vì là công nhân, cán bộ trong khu gang thép nên phần nhiều ở độ tuổi năm mươi trở xuống, rất ít người lớn tuổi. Ông cụ năm xưa cứu tôi khỏi c·hết đ·uối đã ra người thiên cổ được khoảng một năm nên có thể xem đó là một xóm của những người thuộc thế hệ trẻ, những người đã mai một đi rất nhiều thứ được truyền miệng từ các bậc cha ông, một trong số đó là những hiểu biết cơ bản về mộ kết. Bản thân bác Nhơn cũng vậy, bác ấy là người gốc miền Trung. Thêm nữa, ngay đến bố mẹ tôi cũng luôn cho rằng đây là một việc đơn giản. Bố mẹ tôi cùng những người thân quen đều có chung một nhận định rằng em gái tôi mất lúc hai tuổi, chôn mười năm thì xương cốt đã hóa thành đất, thú thật là chính tôi cũng từng có suy nghĩ như vậy lúc gia đình bàn bạc chuyện di dời mộ.
Trong đợt lên thăm gia đình bác Nhơn vào năm 2001, đợt ấy là đám cưới của anh thứ hai tên là Từ. Bên ấm trà vào của một tối lạnh, trong tiếng nhạc Modern Talking xập xình, anh Cường ngà ngà say tôi đã hỏi anh ấy hồi đào mộ của em gái tôi có gì thú vị hay không.
-Bọn anh vớ được một con rắn khá to.
-Bán được nhiều không anh?
-Bán đéo gì, con rắn vàng ấy thằng bạn anh mang về cho ông già nó ngâm rượu.
-Em thấy cũng lạ đấy chứ, đào mộ lại thấy rắn. – Tôi gợi chuyện.
-Có gì mà lạ, chỗ đấy cây cối rậm rạp, lại gần bờ suối nên vớ được con rắn cũng là thường thôi.
-Rắn gì thế anh?
-Anh đéo nhớ, hình như một con cạp nong.
-À vâng!
Tôi gật gù ra vẻ hiểu biết, nhoẻn miệng cười đưa chén nước chè lên miệng uống đánh ực một hơi.
Anh Cường là một thanh niên tốt, bản lĩnh chính trị tương đối vững vàng nhưng thời điểm năm 2001 tôi gặp anh Cường, anh ấy mới đi cai nghiện về. Anh Cường còn cai nghiện thêm mấy lần nữa, lần cuối cùng tôi nghe tin anh ấy là khoảng năm 2008, khi anh đã trở thành một tay anh chị ngang Bắc, dọc Nam. Tất nhiên tôi không hỏi chuyện anh ấy có còn nghiện hay không, vì chẳng để làm gì cả.
Tôi không hỏi rõ thêm khi đào có thấy sự lạ gì nữa không bởi vì anh ấy đang say, thêm nữa tự nhiên đang đào mà có rắn vàng bò ra như thế cũng phần nào kết luận được rồi. Chính chị Ma đã kể lại cho tôi chuyện này trước khi anh Cường kể cho tôi nghe, tại sao chị Ma lại biết ư? Đó là một bí mật mà tôi sẽ kể sau này. Tôi muốn hỏi anh Cường mục đích chính là xác nhận lại những gì mình đã nghe được. Thời điểm 2001 – 2002 tôi rất máu mê thi vào báo chí, bởi vậy tôi tranh thủ... điều tra, đối chiếu thử những gì mình nghe kể có đúng hay không. Đặc biệt là được nghe kể từ một hồn ma ở quê mình. Tôi tin chị Ngọc Hoa nhưng tôi là kẻ tò mò, có chút máu trinh thám, thêm tí tị tì ti tính đa nghi của Tào Tháo nữa.
Khoảng 2 giờ đêm hôm ấy, nghĩa là đã bước sang ngày 23, bên rìa bờ suối nhỏ, nơi mà buổi chiều các anh thanh niên đã đào một cái hố sâu hơn hai mét, những cơn gió lạnh thổi ngang qua khiến những người có mặt đều cố kéo cao cổ áo để tránh gió. Đàn ông hầu như ai cũng h·út t·huốc lá để giảm bớt cảm giác lạnh, ánh sáng của đèn măng – xông, đèn pin, mấy ngọn đuốc cùng nến tỏa sáng cả một góc suối. Một bó hương lớn cắm vào một thân cây chuối cháy nghi ngút. Mọi người dự tính chỉ mất khoảng mười phút gạt nhẹ lớp đất sẽ đến quan tài do trước đó các anh ấy đã kiểm tra kỹ. Trong những người có mặt đêm đó bên cạnh bờ suối còn có chị ruột cùng mẹ khác cha của bố tôi cùng một mấy anh con trai của bác, cho đến nay bác tôi vẫn sinh sống tại thành phố Thái Nguyên.
Cuối cùng cái quan tài nhỏ chứa thân xác của em gái tôi cũng đã hiện rõ dưới ánh đèn, đất cát được gạt bỏ cẩn thận trước khi mở nắp quan tài. Mộ đặt cách con suối nhỏ không xa nhưng khô ráo, không có nước đọng trong huyệt. Ngay khi nắp quan tài được hé mở ở một góc, tiếng than khóc của những người phụ nữ có mặt bên bờ suối khi đó bao gồm cả mẹ tôi vang lên gần như cùng lúc, đột nhiên những ngọn nến đang cháy trên miệng huyệt, mấy cây đuốc trên tay những người lớn đang ngồi xổm cạnh huyệt theo dõi quá trình bật nắp quan tài đồng loạt tắt ngúm. Bó hương đang đỏ lửa chợt bùng cháy trong đêm.
Mẹ tôi kể rằng lúc đó cảm giác gió rất mạnh nhưng lại không hề thấy lạnh trong khi cậu tôi đứng gần đấy thì kể với tôi rằng cậu đã rét run. Mùa Đông gió lạnh là chuyện thường tình mà thôi, chẳng có gì lạ. Người cậu này của tôi được xem là cứng bóng vía, cậu cũng có một thời gian dài ở Thái Nguyên học võ Quyền thề, môn võ phải học trong bãi tha ma lúc nửa đêm. Sau vì công an truy quét, đập vỡ bát hương nên bắt buộc phải từ bỏ môn võ này. Đây có lẽ là một trong những lý do mẹ tôi muốn cậu đi cùng trong chuyến đón em gái tôi về quê cha đất tổ. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cậu tôi bắt quyết, miệng lẩm nhẩm khấn sau đó cậu ấy có thể đứng tại chỗ nhún mình nhảy tót lên một cành cây hoặc bờ tường cao khoảng hai mét hoặc hơn một chút.
Nến, đuốc tắt ngúm, ngọn đèn măng – xông để trên đất cũng ngả nghiêng như muốn đổ, chỉ còn ánh đèn pin không bị ảnh hưởng. Không gian chợt im phăng phắc đến rợn người, mấy người đứng dưới huyệt, bao gồm cả bố tôi ngưng luôn hành động mở nắp quan tài nhìn lên theo phản xạ tự nhiên vì ánh sáng yếu. Những người đứng quanh huyệt mộ không ai nói một lời nào, đều nhìn lẫn nhau, tiếng than khóc của mẹ tôi và các bác gái có mặt cũng vì thế mà im bặt. Mọi người đều cảm thấy gai người nhưng không ai nói ra, khoảng lặng kéo dài đến khoảng nửa phút thì cậu tôi nói cứng:
-Ơ, diêm đâu đốt đuốc lên chứ? Gió to nên lửa tắt thôi.
Ai đó vội vàng lấy bao diêm ra quẹt nhưng vài lần không thấy lửa, phải đến lúc bật lửa được chuyển tới tay người cầm đuốc thì ánh sáng mới trở lại.
-Tao nói thật với mày, lúc đèn đuốc sáng trở lại tao thấy mặt ai cũng trắng bệch nhìn nhau cả. Đm, lúc đó có thằng ôn nào hô ma một câu có khi bỏ hết cuốc xẻng mà chạy không chừng.
Cậu tôi cười hềnh hệch kể cho tôi nghe. Tôi hỏi lại:
-Cậu thì sao? Cậu có sợ không?
-Lúc đấy có đếch gì mà sợ, tao còn dắt cây côn ở sau lưng đấy.
-Ma nó sợ côn nhị khúc của cậu chắc?
-Mày biết cái đéo gì, không đánh lại được thì tao chạy, trong số người có mặt bên bờ suối đêm ấy làm gì có ai nhanh hơn tao được, chấp luôn mấy thằng bộ đội giải ngũ kia luôn.
-Sau đó thì sao hả cậu?
Đèn đuốc được thắp đủ, nến cũng đã cháy, nắp quan tài được bật hẳn ra chuyển lên trên. Bởi vì huyệt mộ khô ráo, bên ngoài áo quan cũng khô ráo nên chẳng ai chú ý đến mặt trong của nắp quan tài ẩm ướt. Nếu khi đó bố tôi dùng đèn pin soi vào sẽ thấy những giọt nước màu đục như sương sớm, rất tiếc chẳng ai chú tâm đến việc này bởi vì tất cả mọi người có mặt bên bờ suối vào đêm lạnh không trăng cuối tháng 11 năm ấy - chừng hai chục người – còn đang c·hết lặng nhìn nhau không cất thành lời bởi cảnh tượng mà họ nhìn thấy dưới huyệt mộ
***