Chương 374: Hoàng xà ấp mộ
***
Lúc tôi còn sống ở làng, tôi rất ít khi nghe thấy ai đó nói về mộ kết. Sở dĩ ít khi được nghe nói có lẽ do làng Bưởi Cuốc của tôi chưa có gia đình nào gặp vấn đề này nhưng ở các làng lân cận đã gặp hoặc từ thời thượng cổ lưu truyền lại cho con cháu qua các câu chuyện bên ánh đèn dầu mỗi tối. Định nghĩa của tôi về mộ kết rất đơn giản, bà già đã đôi lần nói với tôi rằng mộ kết là mộ tốt, con cháu của người nằm dưới mộ sẽ được phù hộ làm ăn phát đạt.
Một người khi đã trở thành ma, nói một cách nôm na sẽ phù hộ độ trì cho con cháu gặp nhiều điều lành trong bảy đời, tính từ đời của người đã mất. Tuy nhiên không phải vong hồn nào cũng đủ “năng lượng” đều làm điều này, như chị Ngọc Hoa đã từng nói với tôi thì một vong hồn chỉ phù hộ được khoảng bốn đời mà thôi, vong hồn nào phù hộ được con cháu đến bảy đời nhất định khi sống đã tích đức hoặc khi thác có điều kiện làm quan chức dưới âm phần. Nếu tôi còn giữ lại được đầy đủ những cuốn nhật ký của mình, tôi tin rằng những chuyện này sẽ được kể chi tiết hơn, trí nhớ của tôi dù có tốt đến mấy thì qua mỗi năm cũng sẽ giảm sút đi vài phần, bởi thế nhiều chi tiết nhỏ sẽ trôi vào quên lãng.
Như tôi biết, mộ kết có ba dạng chủ yếu là: Nấm mốc, kết mối và kết thủy. Trong đó dạng nấm mốc là xác n·gười c·hết vẫn còn nguyên vẹn, bên ngoài được bao bọc bởi một mạng tơ trắng, xanh hay vàng. Dạng kết mối là do mối tạo thành một lớp keo kiên cố như xi măng bảo vệ hài cốt. Cuối cùng là dạng kết thủy, hay còn gọi là thủy tụ. Ở dạng kết này xác c·hết được bảo vệ bởi lớp nước giống như nước ướp xác thời xưa, khi bốc mộ nước sẽ hóa màu đục, hài cốt ngay lập tức ngả thành màu đen.
Một ngôi mộ kết hay mộ phát (sau khi đã cải táng) thường phải đạt đủ có vài yếu tố, điều kiện để hình thành. Đầu tiên ngôi mộ ấy phải được chôn ở vùng đất tụ được khí trời, thứ hai là có hơi ẩm của nước và thứ ba là người cõi âm nằm trong mộ ở cõi Trời đang thăng tiến. Trong ba điều này tôi chỉ chắc chắn được điều thứ hai, ấy là mộ của em gái tôi gần suối, gần suối chắc chắn sẽ có nhiều hơi ẩm của nước, đây là suy đoán chủ quan của tôi.
Tôi đã từng hỏi chị Ngọc Hoa:
-Chị phù hộ được mấy đời, được bảy đời không chị?
-Thì cứ tính là bốn đi cho thoải mái. Chị không quan tâm việc này lắm, dù sao chị cũng chẳng có bất kỳ con cháu nào còn sống để mà phù hộ.
-Tiếc nhỉ, chị mạnh như thế này lại chẳng phù hộ được cho con cháu phát tài.
Chị Ma nói giọng thản nhiên:
-Cũng không cần phải tiếc, chị em mình có duyên với nhau. Con cháu của em cũng sẽ là con cháu của chị. Em được tính là đời thứ hai, kể ra cũng còn được hai đời nữa nếu cái kho này không bị đứa nào đó xới lên.
Tôi cười toe toét:
-Như thế là số em đỏ phải không?
-Xời, đỏ cái này thì đen cái khác ông tướng ạ, đừng có vội mừng.
-Nếu có bị đen đủi thì vận đỏ của chị sẽ đá bay hết. Chậc... lo gì chị nhờ?
-Trẻ con, đúng là trẻ con chả biết sợ cái gì, chị thấy em càng lớn càng khó dạy đấy.
Không phải nhà nào cũng hiểu về mộ kết hay mộ phát, chẳng phải người nào cũng am tường những quy luật của n·gười đ·ã k·huất. Ngay như mộ kết chia thành mấy loại đến nay nhiều người cũng đã quên, may ra những người nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, những phong tục dân gian hay phong thủy gì đó họ mới tường tận. Theo quan điểm lưu truyền trong dân gian, mộ kết là một ngôi mộ tốt, không nên động chạm đến để tránh những tai ương có thể xảy đến với con cháu. Ngày nay khoa học tiên tiến, vì vậy mộ kết dưới góc nhìn khoa học cũng có những lý giải riêng, nhưng dù nhìn một ngôi mộ kết ở góc độ khoa học hay dân gian, tâm linh đều hợp lý cả bởi có người tin và không tin.
Trong trường hợp này, tôi tin vào những kinh nghiệm đã được đúc kết từ ngàn đời truyền lại bởi chính tôi và gia đình đã trải qua những chuyện trùng hợp đến khó giải thích. Chỉ có may mắn – tôi nghĩ như thế - mới giúp cho mọi chuyện trôi qua, của mất nhưng người còn. Người còn là điều quan trọng nhất. Tôi cũng là một kẻ thích tiền vàng nhưng không tôn sùng, tôi chỉ xem tiền là phương tiện, nay có mai mất, đấy là tôi của bây giờ. Còn tôi của năm 1998 thật sự chưa quan tâm đến tiền vì tôi không phải bận tâm về nó. Gia đình tôi có của ăn của để, được xem là giàu có vậy nên việc tôi không bận tâm tiền bạc là chuyện rất bình thường. Bên cạnh đó, tôi còn quen biết với hai nữ thần giữ của, những hồn ma mỗi khi đề cập đến vàng bạc sẽ sặc mùi kẻ cả, vàng hai chị có sẽ... đè c·hết nhiều vong hồn không chừng. Có lẽ do tiếp xúc với... ma đại gia cộng với gia đình cũng khá giả, thêm bản tính sống tình cảm vì thế tôi luôn chọn con người thay vì vàng bạc, thế nên mới tai qua nạn khỏi. Dĩ nhiên, chẳng ai hỏi tôi, chẳng ai bắt tôi phải lựa chọn cái nào, mọi thứ diễn ra tuần tự trong nhiều năm, tôi chỉ nhận ra bản thân mình đã an toàn khi chính miệng chị Ma nói. Đến lúc đấy tôi mới hiểu vì sao trong một khoảng thời gian dài tính tình của chị Ma thất thường như một cô gái mới lớn, sớm nắng chiều mưa trưa sương mù rải rác.
Tôi thật may mắn khi quen chị ấy.
Người ta thường truyền khẩu rằng mộ kết là một ngôi mộ được chôn ở vị trí có long huyệt, đất ngày càng nở ra, cây cối xung quanh mộ sẽ tươi tốt. Cho nên một số người vì muốn thử xem mộ đó có phải là mộ kết không sẽ cắm một cành cây sắp héo lên mộ. Nếu là mộ kết thì sau một đêm cành cây đó sẽ tươi tốt trở lại. Cũng có người nhận định rằng mộ kết có xu hướng ngày càng nở ra, có hơi khí bốc lên... Tôi không biết điều nào là đúng bởi vì chính tôi chưa bao giờ tận mắt chứng kiến. Đối với một ngôi mộ đất có xu hướng ngày càng nở ra hẳn là chỉ có con cháu hoặc người thường xuyên chăm sóc ngôi mộ mới có thể thấy được, chưa kể vào dịp cuối năm đi tảo mộ, người thân lại đắp thêm một ít đất lên cho đầy đặn.
Mộ của em gái tôi nằm gần một con suối nhỏ. Con suối này chảy uốn lượn đến một đoạn thì chảy song song với đường tàu. Lúc nhà tôi chưa rời đi, những người dân trong xóm nhỏ dùng hai thanh sắt lớn - loại chuyên dùng làm đường ray xe lửa – dài chừng ba mét bắc ngang con suối. Mỗi khi đi qua, dù đi bằng xe máy hay xe đạp đều phải xuống dắt bộ qua. Con suối nhỏ này, ở đoạn cầu tự phát bắc qua này tôi đã từng c·hết hụt một lần.
Tôi cũng nghe người ta nói rằng cây cối gần ngôi mộ kết thường tươi tốt, điều này tôi cũng không chắc lắm bởi vì trước khi mộ em tôi đặt ở đó đã có cây cối um tùm rồi. Trong kí ức của tôi, bờ suối thoai thoải ấy có nhiều sỏi, đá cuội, nước hơi ngả vàng, mộ của em gái tôi là ngôi mộ duy nhất ở chỗ ấy. Năm 2001, khi tôi chở mẹ tôi lên thăm gia đình bác Nhơn, tôi đã rất muốn thấy lại cây cầu sắt đơn sơ, muốn thấy lại con dốc lúc nhỏ hay thả dốc xe cút kít cùng hai em của mình... muốn thấy lại bờ suối hoang vắng, buồn tẻ nơi em tôi đã nằm đó suốt mười năm trời... nhưng tất cả đã thay đổi. Ngay cả con bé đen nhẻm khi xưa vẫn hay chui rào sang chơi nay đã vụt lớn thành một đứa con gái xinh đẹp, da trắng như trứng gà bóc, tuy nhiên nó không còn nhút nhát như xưa nữa. Dịp ấy khi tôi trở về Hà Nội, nó tặng cho tôi một bức ảnh chụp nghệ thuật (hình như mốt thời đó của đám con gái vì người yêu tôi cũng chụp kiểu tương tự) để lưu giữ kỉ niệm. Sau đợt đó thư từ qua lại cũng khá nhiều (chắc tại tôi viết chữ đẹp) phải nói thật rằng có đôi lúc tôi đã tính nhắm mắt đưa chân nhưng lại thôi. Cái gì là kí ức tôi vẫn muốn lưu giữ theo kiểu kí ức xưa cũ, không muốn đi xa hơn mặc dù đó là một cô gái tốt bụng. Tôi viết chữ đẹp, tôi nghĩ khoảng hai chục năm trước là một lợi thế khi tán gái, vì vậy tôi đã áp dụng nhiều lần với nhiều cô khác nhau, hình như chưa trượt lần nào cả. Một trong số đó là vợ tôi bây giờ.
***