Chương 373: Huyệt cát
Bố nói với tôi rằng tôi sẽ không được đi cùng mọi người đón em gái về quê. Tôi đã rất buồn khi nghe được điều này nhưng cũng chỉ biết cúi đầu im lặng mà không hỏi tại sao. Bố tôi nại ra lý do rằng cần có người ở nhà lo những việc như đào huyệt mộ, mua sắm lễ để cúng bái... vì bà đã lớn tuổi, đi lại không tiện.
Như tôi đã nói, tôi muốn đi Thái Nguyên, muốn được tham gia quá trình cất bốc hài cốt của em gái tôi vì khi nó mất tôi không được nhìn mặt lần cuối, ký ức về đứa em gái càng ngày càng mờ nhạt trong tâm trí của tôi. Mười năm trôi qua, tôi đã không thể nào hình dung được khuôn mặt trái xoan của nó với nụ cười tươi, đáng yêu như bao đứa trẻ khác.
-Vậy bố tính ngày nào thì tiến hành di dời mộ?
Câu hỏi của tôi khiến bố ngẩn người ra trong chốc lát.
-Chậc... có thể mà lại quên hỏi.
-Bố tìm được thầy rồi ạ?
-À... ừ! Cũng chưa hẳn là tìm được thầy nhưng... mà này, hôm trước con nói nên đặt mộ của cái Oanh ở đâu nhỉ?
Tôi trả lời không chút do dự:
-Thì chỗ đất cạnh mộ của ông nội đấy bố. Con thấy chỗ ấy vừa đẹp lại vừa tiện.
-Thế hả? Bây giờ con chỉ cho bố được không? Lâu rồi bố không ra tảo mộ.
-Dạ được mà. Bố đi Hà Nội luôn hay sao?
Bố tôi gật đầu.
-Vậy bố chở con ra Cầu Khoai, con chỉ cho bố xong con tự đi bộ về.
-Mặc cái áo ấm vào, chỉ cho bố chỗ ấy xong bố chở về rồi đi cũng không muộn.
Đồng hồ treo trên tường đã chỉ 7 giờ rưỡi tối, trời mùa Đông giờ này chẳng ai muốn ra đường vào buổi tối khi những con gió lạnh vần vũ ngay ngoài cổng. Tôi nói với bố dựng xe máy ngay cạnh đường cái quan sau đó nhảy qua rãnh nước cạn tiến vào bãi tha ma thay vì đi theo lối cổng chính rồi lòng vòng giữa những hàng bia mộ. Tôi bước đi phăm phăm, bố tôi phải nói mấy lần là đi từ từ vì trời tối, một cái đèn pin có vẻ không làm ông cảm thấy yên tâm.
-Đây bố xem này, chính là chỗ này.
-Quái lạ nhỉ, nhiều lần trước bố ra đây cùng anh em chúng mày nhưng không để ý lắm. Liệu chỗ đất này có phải là một ngôi mộ bị mất nấm không?
-Cái này con đang tìm hiểu bố ạ, mấy năm nay con hay ra dọn cỏ trên mộ tuyệt nhiên không thấy bất kỳ ai thắp hương ở khoảnh đất này. Bố nhìn những nấm nhỏ kia kìa, chỗ đấy chắc chắn có mộ nhưng chắc con cháu chẳng còn nhớ vị trí nữa.
Tôi dùng đèn pin soi vào những đống đất chỉ to bằng cái nồi cơm 20, cỏ mọc xanh rờn, nếu đây không phải là bãi tha ma thì chẳng ai nghĩ đó là một nấm mộ cả. Trên những đống đất nhỏ ấy vẫn còn những chân hương đã bạc màu, toàn là những chân hương do chính tôi cắm chứ không ai khác.
-Chỗ này hơi trũng nhỉ, chắc đọng nước chứ?
-Có ạ, mấy hôm nay không mưa nên bố không thấy đấy chứ, hôm nào mới mưa xong kiểu gì nước cũng đọng lại xâm xấp ngọn cỏ, nhìn không kỹ giẫm chân xuống là ngập bàn chân nước luôn đấy bố.
-À. – Bố tôi gật đầu. – Nhìn đúng là vuông vức nhỉ, nếu đúng chưa có mộ phần của ai trong làng từng chôn ở đây thì tốt biết mấy.
-Con nghĩ là chưa đâu, con tin là như thế.
-Nhưng cũng phải hỏi lại cho chắc con ạ. Động mồ động mả của người cùng làng lại sinh ra lắm chuyện.
-Con biết mà. Thế bố đi xem thầy, thầy bảo đặt mộ em con ở đâu?
-Ừm... bố vẫn chưa xem kỹ nhưng thấy ý kiến của con hợp lý nên bố muốn xem rõ, có gì lúc đi hỏi thầy cũng dễ nói chuyện.
-Vâng.
-Thế bố con mình về nhỉ?
-Con có mang theo hai bó hương, đã ra đây rồi thắp hương luôn rồi về bố ơi.
Bãi tha ma lạnh lẽo không vì những đốm lửa nhỏ của những que hương mà trở nên ấm áp nhưng những cơn gió lạnh thổi nhẹ ngang qua làm cho những que hương đỏ rực, mùi hương phảng phất trong gió rét. Bố tôi chắp tay lẩm nhẩm khấn trước mộ của ông nội, tôi thì không, tôi chỉ vái mấy vái sau đó quay trở ra đường cái quan.
-Bố vẫn chưa định được ngày hả bố?
-Tìm được chỗ đặt mộ xong xuôi thì xem ngày dễ hơn nhiều.
-Con nghĩ rằng di dời mộ về trùng ngày giỗ ông cũng hợp lý, đỡ phải nhớ. Bố mẹ bận trăm công nghìn việc nên tính toán sao cho tiện là được.
-Được rồi, phải xem thầy phán ra sao đã.
-Hôm trước bà Lớn có nói với con là nằm mơ thấy ông nội, ông nội hiện về nói với bà Lớn, ông muốn đặt mộ của cái Oanh ở bên cạnh đấy. Bố có nằm mơ thấy ông không?
Bố tôi ngồi trên xe máy im lặng, đèn pin trên tay tôi đã tắt, tôi và bố trong giây phút ấy trở thành hai bóng đen đứng cạnh bãi tha ma trong những cơn gió lạnh như cắt da cắt thịt.
-Thôi bố đi luôn đi, con đi bộ về cũng được. Chỗ nhà anh Tuấn có đám làng mình đang chơi bi da với điện tử, con vào đấy xem một tí rồi mới về.
-À... à... thế cũng được. Liệu mà về sớm đừng để bà ở nhà ngóng.
-Vâng, ở lại chơi một tí con về luôn ấy mà. Bố đi luôn cho sớm, cũng 8 giờ rồi.
Tiếng đề nổ đặc trưng của xe Dream vang lên, đèn pha xe máy đã sáng, bố tôi vẫn chưa đi luôn mà ngoảnh đầu nhìn vào bãi tha ma một lúc, không hiểu ông đang nghĩ gì. Một lúc sau ông dặn dò tôi thêm vài điều rồi mới vặn ga rời đi. Tôi đứng trong bóng tối nhìn theo đèn hậu của xe khuất hẳn mới quay lưng tản bộ về nơi đang sáng ánh đèn.
Chị Ma nói với tôi rằng đêm ấy bố tôi đã nằm mơ thấy ông nội sau bao nhiêu năm không mơ thấy bất cứ điều gì. Nội dung của giấc mơ cũng ngắn gọn, ông nội tôi thể hiện ý muốn đứa cháu gái của ông được đặt bên cạnh để ông cháu có nhau. Bố tôi không thể hỏi được điều gì mà chỉ ú ớ rồi choàng tỉnh.
-Sao chị biết được?
-Chị nghe nói.
-Chị có nhiều bí mật quá đấy.
-Chỉ là do chị có đôi tai quá thính.
-Chứ không phải chị gặp ông nội em, ông nội em đã nói cho chị ư?
-Nếu đã biết như vậy sao còn hỏi?
-Một thói quen. Mà kể cũng tài nhờ, em đây mấy lần nhìn thấy nhưng chẳng thấy ông em nói gì. – Tôi thở dài – Tại sao lại thế nhờ?
-Chịu! Chắc ông em không muốn nói chuyện với em đó thôi, nghĩ làm gì nhiều.
-Mà như này đã chắc chắn mộ sẽ đặt ở chỗ đó chưa hả chị? Công sức của em những ngày qua đào đất, vác đất rồi rang đất mà trở thành công cốc thì em bắt đền chị.
-Chắc chắn, việc của em là trời nắng lo mà phơi đất rồi tính toán việc di chuyển đất ra ngoài ấy như thế nào, mượn xe ở đâu, làm sao để che mắt người khác mới là quan trọng, những việc khác đừng có nghĩ nữa làm gì, mệt đầu.
-Xong việc em đưa cho bà em nửa cây vàng nữa cho có cặp, có được không chị?
-Tùy em, của cải của em, em có quyền quyết định chứ sao.
-Quên em không hỏi, hôm trước chị đi chơi có được thêm ít nào không? Tiền vàng từ nguồn ấy chị cho em cũng được, em nhận.
Mắt tôi sáng rỡ chờ đợi, chị Ma nhếch mép cười:
-Quên đi ông tướng con, cả một bị đầy vàng mới đổi được một cây của em, làm sao mà cho dễ dàng thế được. Dạo này Tết nhất tới nơi, các vong cũng rủng rỉnh hơn, đợi đầu năm mới nhiều, chị sẽ cho thêm một ít mà đi chơi xuân.
-Hề hề hề... một ít là mấy cây hả chị?
Chị Ma nhìn tôi một lượt từ đầu xuống chân rồi bĩu môi:
-Muốn nhiều thì tự đi mà chơi, cho bao nhiêu là tùy hứng chị đây, đừng có mặc cả.
-Tại... tại em nghèo nên... nên hèn.
-Biết thân phận thế là tốt. Mà cho em có thấy em tiêu đâu mà cho, đúng là loại kẹt xỉ. Ăn chẳng dám ăn ngon, tiêu chẳng dám tiêu lớn.
-Nghèo thì phải thế chứ ạ, làm sao rộng rãi được khi mà gia tài chỉ bằng cái móng tay của các chị, chị phải hiểu cho em. Nếu thắng được nhiều, chị cho em thêm mấy cây nữa nha chị, nha chị!
-Nói nhiều! Bỏ cái điệu bộ ấy đi, chị không phải là cái Khuê đâu nhớ.
-Được rồi, ta sẽ cho ngươi thêm để có tiền mà mua sắm Tết. Nó không rộng rãi thì có ta đây, ngươi cứ ngoan và chịu nghe lời ta thì ta sẽ cho ngươi.
Chị Đẹp đứng ngoài cổng tự bao giờ nói vọng vào, tôi nghe như vậy đôi mắt liền sáng rực, liếc nhìn chị Ma, tôi nở nụ cười cầu tài. Chị Ma bĩu môi, cười bằng mũi với tôi rồi quay lưng đi ra cổng. Tôi không đi theo hai chị, tôi đang bận nghĩ xem chị Đẹp sẽ cho mình bao nhiêu vàng, tính ra tôi đã có năm cây tròn, nếu có đủ mười cây vàng tôi sẽ mang đi đúc lại một lượt cho gọn, đúc hình chiếc thuyền vàng như đã từng xem trên tivi hoặc... hoặc giống như vàng thỏi đã từng nhìn thấy nhiều lần trước đây khi chị Ma mang về.
Có vàng thật là tốt. Tôi nghĩ cũng đến lúc mình nên tiết kiệm cho tương lai.
Vài ngày sau bố tôi gọi điện về báo rằng bố quyết định đặt mộ của em gái tôi cạnh mộ ông nội, tôi nghe như vậy cũng chỉ vâng dạ, nhiệm vụ của tôi sau đó là báo lại cho bà Lớn, bà Già. Ngày di dời mộ cũng đã xem được, chính là ngày giỗ ông nội tôi. Bố tôi thuê một xe ô tô nhưng càng gần đến ngày đã định lại có trục trặc, chỗ thuê được ban đầu người ta bận việc gia đình, những chỗ khác khi biết thuê xe để chở hài cốt đều lắc đầu không nhận. Bất đắc dĩ phải chở bằng xe máy từ Thái Nguyên về Bắc Ninh, quãng đường khoảng 120 cây số.
Tôi vì thế bị gạt ra rìa thật, dù trước đó tôi vẫn hi vọng mong manh bố tôi sẽ thay đổi quyết định vào phút cuối.
Thành phần của đoàn cũng không nhiều, ngoài bố mẹ tôi còn có một ông cậu ruột, chú Khánh, tổng cộng là ba xe máy. Bác Nậm – anh rể của mẹ tôi đang làm trưởng thôn – cũng tham gia trong đoàn này, bác sẽ đi từ làng lên thẳng Thái Nguyên bằng xe máy. Bố tôi cũng như các cậu, các bác bên ngoại đều rất kính trọng bác Nậm. Bác ấy là sĩ quan bộ đội phục viên, lại là trưởng thôn, được nhìn nhận là người liêm khiết. (bởi vậy không giàu được). Theo kế hoạch đã được bàn bạc thì tất cả mọi người sẽ gặp nhau vào sáng ngày 23 âm lịch tại nhà bác Nhơn ở gần ga Lưu Xá. Bác Nhơn sẽ giúp gia đình tôi làm một bữa cơm thân mật, tại thời điểm đó em gái của tôi được gia đình bác Nhơn thờ riêng.
Tôi ở nhà thay bố mẹ lo các công việc được giao, cũng chẳng có gì nhiều, chủ yếu là giá·m s·át việc đào huyệt. Chú Chung – một người thợ đụng – đã nhận lời giúp. Huyệt mộ bắt đầu đào khoảng ngày 20 âm lịch, tôi tính đào sớm như vậy là để phòng hờ. Nếu vị trí huyệt mà gia đình tôi đã chọn phạm vào mộ của nhà nào đó trong làng nhất định sẽ có người ngăn cản. Ở quê mà, nhìn bề ngoài có vẻ như chẳng ai quan tâm đến việc mồ mả nhà tôi nhưng tôi biết, ngay khi những nhát xà beng đầu tiên cắm xuống khoảnh đất ngoài bãi tha ma đã có vài ông bà cụ ra hỏi thăm. Chú Chung làm khá thong thả, lại chỉ có một mình nên vừa làm vừa... chơi. Có giao tiếp nhiều mới biết, chú này rất thích rượu chè, gần như say sưa tối ngày. Càng tiếp xúc nhiều thì tôi càng nhận ra rằng chú Chung chỉ quan tâm đến hai việc, thứ nhất là rượu, thứ hai cũng là... rượu.
-Chú làm xong sớm, chú thích uống rượu gì cháu mời.
Tôi ngồi bên cạnh một ngôi mộ xi măng theo dõi chú Chung đào huyệt, thấy cứ chốc chốc chú ấy lại dừng tay tợp một chén rượu nhỏ, chai 65 rượu mang theo đã vơi đi phân nửa.
-Mày biết uống đéo đâu.
-Nhưng cháu có tiền, chú làm xong sớm đi, khi nào về chú ghé quán bà Khánh lấy hai chai rượu loại ngon nhất với ít đồ nhắm, tí nữa cháu sẽ dặn bà ấy.
-Thằng này tốt tính đấy.
-Nhưng cháu nhờ chú một việc.
Chú Chung tạm dừng việc đào huyệt, đưa tay quệt mồ hôi lấm tấm trên trán rồi cười:
-Đm tao biết ngay, con nhà buôn bán chẳng ăn không của nó được cái gì.
-Chú nặng lời thế.
Tôi nhảy tót xuống đất đi lại gần miệng hố đang đào ngồi thụp xuống nói nhỏ:
-Cháu là dạng mồm miệng đỡ chân tay nên làm việc nặng chẳng được đành phải nhờ chú. Đống đất đào từ huyệt lên chú có thể xúc đổ hết xuống đằng kia được không?
Tôi chỉ về hướng lò gạch đang nghi ngút khói. Chú Chung nhìn theo hướng tay tôi chỉ sau đó nhìn tôi với đôi mắt lúc nào cũng vằn lên những tia màu đỏ như vừa mới tỉnh rượu. Bộ râu quai nón đen sì, mọc lởm chởm:
-Mày có bị làm sao không hả cháu? Đổ đất này đi tao lấy đâu đất lấp huyệt? Đúng là đồ trẻ con.
Tôi lẳng lặng rút hai tờ Năm mươi nghìn đưa ra trước mặt:
-Chừng này đủ không chú? Tiền này không liên quan đến công xá, cô nhà cũng chẳng biết đâu. Đất đào được bao nhiêu chú đổ hết xuống cái vũng nước đằng kia cho cháu.
Chú Chung với đôi tay dính đầy đất không chút chần chừ cầm luôn hai tờ tiền hất hàm hỏi lại tôi:
-Rồi sao?
Tôi rút thêm một tờ Năm mươi nghìn nữa:
-Ở nhà cháu có sẵn mười bao tải đựng đầy đất, đây là tiền công cháu gửi chú. Chú mang mười bao tải đất đấy ra đây để lấp huyệt là được rồi.
-Thằng này mày bị điên à? Đất ở đây thì đổ đi rồi chở đất từ nhà mày ra, mày vẽ chuyện.
-Chả giấu gì chú, cháu muốn đi đón em cháu nhưng lại chẳng được đi. Đào huyệt thì không đủ sức, xây mộ thì không đủ trình độ... cháu thấy mình bất tài, chỉ thương em mình bằng mồm miệng. Cháu... thấy áy náy nên tự đào đất ở nhà cho vào bao tải để sẵn, nếu mang ra đây lấp huyệt cũng xem như cháu có đóng góp chút ít công sức ấy mà. Chú giúp cháu với.
-Tưởng gì. Đúng là trẻ ăn học tới nơi tới chốn nghĩ cũng khác. Thôi được.
Chú Chung cầm luôn tờ tiền tôi đang cầm trên tay, động viên tôi:
-Để tao làm giúp cho, nhưng mày cũng phải kín mồm kín miệng chứ không người làng chửi tao hâm dở.
-Vâng, cháu nhất định kín miệng.
-Vậy tiền này của tao nhá.
-Vâng, chú làm xong xuôi, hôm nào bà cháu gửi tiền chú, cháu sẽ đưa riêng chú thêm năm chục.
-Thế còn rượu khi nãy mày nói thì sao?
-Chuyện nhỏ, tí nữa chú về nhớ tạt vào quán của bà Khánh nhá. Cháu về trước dặn bà ấy, tí nữa cháu còn đi học nữa.
-Ờ được, lấy cho tao thêm vài cái bánh đa nữa nhá?
-Cả lạc nữa được chưa nào?
-Thằng này khá, mày đúng cháu tao.
Tôi cười tít mắt chào chú Chung ra về trước. Việc chở đất từ nhà ra bãi tha ma đã giải quyết xong, mười bao đất đó là đủ, nếu không đủ sẽ lấp thêm bằng cát, dù sao mộ cũng được xây bằng xi măng, kiểu gì cát cũng thừa. Tiền thì tôi có nhưng sức khỏe thì chẳng thừa nên đành phải dùng mưu, việc này chắc hẳn cũng được tính là thành ý.
Mới chập tối ngày 22 âm lịch, vừa mới ăn cơm tối xong đang nằm trên võng đong đưa chợt bên cửa sổ đầu hồi có tiếng động ám hiệu của chị Ma nên tôi nhanh chóng ra đầu hồi nhà. Nhìn thấy chị Ma thong thả dạo bước gần ụ rơm, tôi lên tiếng hỏi:
-Chị thong thả đấy, đêm nay không đi kiếm tiền hả chị?
-Đừng nói kháy kiểu đấy. Công việc em chuẩn bị cũng ổn cả rồi chứ?
-Thì chị thấy rồi, sáng ngày kia em thuê người chở hết đất ra ngoài bãi tha ma luôn.
-Sao không chuyển hôm nay luôn lại để tận ngày kia?
-Trời lạnh, em sợ đêm có mưa.
-Ừ, biết lo xa thế là tốt. Em không được đi chuyến này xem ra hợp lý đấy nhỉ?
-Chấp nhận thôi chứ biết làm gì nữa hả chị.
-Lá bùa của em đâu rồi?
-Em để trong nhà, đi đêm em mới mang theo. Em không quen đeo dây hay bất cứ thứ gì trên người, chị biết mà. Sao tự nhiên chị lại hỏi về nó?
-À... bác em sớm mai từ làng đi một mình à?
-Vâng. Em nghe bố em bảo là sáng mai mọi người hẹn nhau ở trên Thái Nguyên. Lúc đưa em gái em về đây sẽ có thêm vài người khác, có cả bác gái em với các anh về cùng nữa chị ạ.
-Chị nghĩ... ừm... xem nào... em phải tìm cách đưa cho bố mẹ em lá bùa của em.
-Hử? Sao giờ chị mới nói? Mà lá bùa này...
-Chỉ là đề phòng thôi.
-Đề phòng cái gì ạ?
-Chị cũng không biết, chị lo xa vậy. Nếu được chị nghĩ em nên nhờ bác em đưa cho mẹ giữ thứ ấy, biết đâu lại cần.
-Cái này...
Tôi lưỡng lự, không phải tôi tiếc rẻ gì lá bùa này. Tôi chỉ không hiểu nếu mẹ tôi giữ lá bùa này liệu có tác dụng gì hay không nữa.
-Chị biết em là người nói dối rất giỏi.
-Chị khen hay đá đểu em thế?
-Khen, nói dối cũng cần phải hợp lý chứ. – Chị Ma cười – Em khéo ăn khéo nói, nên tìm lý do nào đó hợp lý để gửi cho mẹ em.
-Và mẹ em mang theo trong quá trình đưa em gái em về đây?
Chị Ma gật đầu. Tôi ngẫm nghĩ một lúc mới nói:
-Vậy em phải tìm cách khâu kín lại, mẹ em tò mò lại bỏ ra xem sợ sinh chuyện, thứ này không phải thứ có thể tùy tiện sử dụng. Chả lẽ... chả lẽ chị nghĩ sẽ có chuyện gì xảy ra trên đường về quê ư?
-Không biết mới phải đề phòng. Em có nghĩ đến việc chở tiểu sành bằng xe máy sẽ nguy hiểm không?
-Em có nghĩ qua.
-Nhỡ đâu dọc đường gặp chuyện không hay, có kẻ nào đó xô đẩy xe chở tiểu...
Chị Ma bỏ lửng câu nói nhìn tôi, ánh mắt lo lắng. Tôi trầm ngâm mất một lúc, bước đi bước lại loanh quanh ụ rơm. Sau cùng tôi quyết định:
-Để em vào khâu lại cái túi vải đựng bùa trong một cái túi khác. Em không muốn thứ này rơi mất, cũng không muốn thứ này gây họa. Gần 7 giờ tối, phải làm mau không bác em đi ngủ sớm lai nhỡ việc.
-Được, được. Em nên làm mau.
-Vâng.
Tôi vội quay lưng trở vào nhà, mới bước lên bậc thềm thì chị Ma gọi giật giọng, tôi quay lại:
-Còn gì nữa ạ?
-Ừm... không có gì.
-Chị lạ thật đấy. Chị đừng lo lắng gì cả.
-Thật may là em không hỏi cặn kẽ.
-Em nghĩ sẽ có một ngày nào đó chị nói hết cho em mọi chuyện. Em nghĩ giữ bí mật là một việc khó. Nhờ có chị mà em chọn được một nơi đặt huyệt tốt cho em gái em, đó mới là điều quan trọng, em cũng không muốn có gì không hay xảy ra khi đưa hài cốt của em gái em về đây mà.
-Đó là huyệt cát. Chị chỉ giúp em hỏi han thôi chứ không có gì.
-Nhưng em thấy chị có vẻ lo lắng.
-À không có gì. Chẳng phải em cũng bồn chồn hay sao chứ?
-Quả đúng như vậy. Em tin mọi thứ sẽ ổn cả, làng em đầy người di dời mồ mả người thân từ xa về có sao đâu.
-Ừ. Thế em lo việc đi, tối mai gặp nhau sau.
Tôi vội vàng lấy một cái túi vải nhỏ của bà già, để túi vải đựng lá bùa vào trong rồi khâu lại. Xong xuôi tôi để túi vải vừa khâu miệng túi vào một cái hộp giấy nhỏ, quấn băng dính thật chặt rồi đạp xe lên nhờ bác Nậm đưa cho mẹ tôi.
Sáng hôm sau, chưa đến 8 giờ sáng tôi đã chủ động gọi điện cho mẹ tôi hỏi thăm tình hình, giọng mẹ qua điện thoại rất hồ hởi. Mẹ tôi cho biết sẽ đến nhà bác Nhơn lúc 9 giờ.
-Mẹ! Con có gửi bác Nậm đưa cho mẹ một thứ, đây là quà của con cho em do con không đi được. Bác đưa cho mẹ thì mẹ để vào túi xách giúp con nhé, cẩn thận không rơi mất mẹ ạ.
-Con gửi cái gì đấy?
-Đồ chơi ấy mà, con muốn đi cùng bác mà bố bảo con phải ở nhà sắp xếp cỗ bàn nên...
-Được rồi, cư vẽ chuyện. Thôi nhá, có việc gì mẹ gọi về báo sau.
-Vâng.
***