Chương 372: Mai Quốc Ca
Cuộc sống luôn chứa đựng những bất ngờ!
Tôi nghĩ rằng chính những bất ngờ xảy đến khiến cuộc sống của mỗi người thêm chút gia vị, nếu đã là bất ngờ thì chẳng ai có thể biết trước được nó xảy ra vào lúc nào để mà đón đợi, để mà tính toán...
Bố chưa bao giờ kể cho tôi một cách cặn kẽ những chuyện xảy ra với ông ở thời điểm này, có lẽ ông đã không còn nhớ nữa. Khi tôi quyết định viết câu chuyện này, một trong những điều tôi thực sự quan tâm đấy là làm sao mà bố tôi lại biết được “người đó”?
Tôi đã hỏi không chỉ một lần nhưng bố tôi không tài nào nhớ được cơ duyên nào đã giúp ông quen biết “người đó” do bố tôi không thể nhớ được nên tôi đành kể ra chút chuyện để lý giải vì sao bố tôi – một người sống và làm việc tại Hà Nội – lại quen biết một người khác tại ở một nơi xa lạ. Tôi không dám khẳng định là do ma đưa lối, quỷ dẫn đường nhưng... khi tôi đã trưởng thành, đã đủ chín chắn và ngẫm lại những gì đã diễn ra, tôi khẳng định rằng tất cả mọi thứ xảy đến dường như đều có sự sắp đặt của một bàn tay vô hình. Tôi chắc chắn điều này hơn bao giờ hết dù tôi không trực tiếp đi cùng bố tôi trong một số lần. Chính chị Ma – một hồn ma xinh đẹp dạo này hay ngồi lê – đã nói lại với tôi tất cả. Tôi đã xem những gì liên quan đến chú Nghĩa và “người đó” mà chị Ma từng kể cho mình là bí mật trong nhiều năm.
Bố tôi có một đại lý nhập sữa đậu nành, mứt Tết... ở dưới Thứa, tôi nhớ chú khách hàng ấy tên là Nghĩa. Chú Nghĩa khoảng ngoài ba mươi tuổi, cao khoảng một mét sáu, hơi gầy, chưa lập gia đình và sống cùng với bà mẹ gần bảy mươi tuổi. Tôi gặp chú Nghĩa lần đầu tiên vào khoảng năm tôi học lớp 7, trong những lần bố tôi về thu tiền hàng, bố tranh thủ dạy tôi lái xe máy nên tôi có cơ hội gặp chú Nghĩa này nhiều lần cho đến năm học lớp 9. Công việc hợp tác giữa bố tôi và chú Nghĩa này kết thúc vào khoảng năm tôi học lớp 12, sau cùng tôi vẫn nhớ chú ấy còn thiếu nợ bố tôi một khoản tiền khoảng năm triệu đồng. Số tiền này chưa bao giờ đòi được bởi vì bố tôi bận rộn với những dự định, những kế hoạch làm ăn lớn nên thời gian cứ trôi đi. Tôi biết, nhiều người còn thiếu nợ bố tôi nhưng chẳng có bất kỳ ai có ý định trả, bố tôi cũng chẳng thèm đi đòi trong khi ông lại phải nai lưng ra kiếm tiền để trả cho những sai lầm của chính ông. Tôi – đứa con trai cả - cũng có nhiều tính cách giống bố tôi, tôi cũng thua thiệt nhiều trong quá trình kinh doanh, một số người thiếu nợ tôi nhưng vẫn sống nhởn nhơ trong khi chính tôi lại phải gánh chịu hậu quả thay họ phần nào. Vợ tôi không trách móc vì cô ấy hiểu đó là rủi ro trong kinh doanh nhưng cô ấy cũng giúp tôi thay đổi. Tôi của bây giờ đã khác rất nhiều so với tôi của vài năm trước, tôi vẫn là người đàn ông của gia đình nhưng việc tiền bạc trong quá trình làm ăn tôi rất rạch ròi, thẳng thắn với khách hàng. Hiện tại tôi không giàu cũng chẳng nghèo, tôi không còn thiếu nợ bất cứ ai ngoài ngân hàng, chị Ma từng nói với tôi rằng số tôi là phải thiếu nợ! Tôi đã không tin, đến nay tôi đã hiểu rằng điều này có thật. Tôi thiếu nợ ngân hàng nhưng... vợ tôi lại gửi tiền ở ngân hàng, đó là cách mà vợ tôi đã nghĩ ra để giữ lại tiền cho gia đình nhỏ của mình, chứ nếu là tôi quản lý tiền như mấy năm trở về trước thì tôi khẳng định rằng mỗi khi Tết đến, Xuân về thì nhà tôi đến cái bánh chưng còn chẳng có mà ăn.
Cái gì cũng có cách hóa giải, cụ tổ tôi từng bảo rằng con cháu nặng bị đứt quai nên tôi đã tìm cách để mình không có cái bị nào đựng tiền cả, không có thì khỏi bị đứt.
Trở lại việc của chú Nghĩa, cá nhân tôi đánh giá chú Nghĩa là người hiền lành, mẹ tôi nhận xét chú ấy... đụt và khẳng định đấy là nguyên nhân khiến chú ấy bị ế.
- Đàn ông ba mươi lăm tuổi mà chưa vợ chắc chắn bị ẩm IC, bị hâm hấp, bị dấm dứt.
Mẹ tôi vẫn hay đưa ra nhận xét như thế, ngay cả R9 cũng suốt ngày phải nghe mỗi khi gặp, chỉ đến khi R9 cưới vợ rồi trở thành một ông bố không còn trẻ thì mẹ tôi mới nói:
- Nhìn mày là cô biết đã bớt hâm hấp rồi!
Tôi không biết điều này có đúng hay không nữa, thời buổi hiện đại con người ta có xu hướng lập gia đình muộn hơn các cụ thời trước.
Mùa Đông bán sữa đậu nành chậm nhưng Tết đang đến rất gần, bố tôi đã gặp chú Nghĩa để bàn bạc việc nhập bánh, mứt kẹo, rượu vang... cho dịp Tết. Nếu tôi nhớ không nhầm thì cuộc gặp này diễn ra sau khoảng một tuần kể từ ngày bố mẹ tôi cùng ngồi ăn tối với hai bà cháu, nghĩa là thượng tuần tháng Mười một âm lịch của năm Mậu Dần.
Bố tôi gặp chú Nghĩa tại cửa hàng của chú ấy, một cửa hàng không lớn nằm cạnh đường cái quan vào lúc nhá nhem tối. Bố tôi không uống rượu bia nên ngồi nói chuyện, sau khi hết chuyện công việc kiểu gì cũng có dăm ba câu hỏi thăm chuyện gia đình. Bố tôi có nói về dự định sắp tới sẽ di dời mộ của em gái tôi từ Thái Nguyên về Bắc Ninh nhưng gặp chút khó khăn ở chỗ tìm nơi đặt mộ.
- Anh đã đi xem mấy thầy trên mạn Thuận Thành nhưng chẳng thầy nào xem được đất tốt để đặt mộ. Anh cũng không phải người cầu kỳ lắm về việc này nhưng mấy bà cụ thì chú biết rồi, các cụ muốn chu toàn, muốn cẩn thận nên...
Bố tôi bỏ lửng câu nói, nhấp ngụm trà.
- Cháu nhà anh mất lúc nhỏ chắc là thiêng, chẳng phải thầy nào cũng xem được đâu anh ạ.
- Thì cũng có người bảo như vậy. Bây giờ anh cũng băn khoăn lắm.
- Có bệnh thì vái tứ phương, em biết trong làng em có một thầy hay lắm, có khi anh nên xem thử.
- Thế hả? – Bố tôi hỏi giọng hờ hững.
- Thầy này còn trẻ, mới mười chín tuổi.
- Trẻ thế cơ à? Thầy tên gì thế chú?
Chú Nghĩa cười đáp:
- Tên đầy đủ là Mai Quốc Ca nhưng bọn em hay gọi là Sơn Ca. Ông bố là nông dân nhưng yêu tổ quốc, yêu đồng bào nên đặt tên thằng con rất kêu, nghe là nhớ luôn.
- Mai Quốc Ca? – Bố tôi ngạc nhiên – Lằng nhằng có con cái lại đặt tên là Mai Quốc Khánh chứ đùa.
- Anh muốn xem thử không? Thầy này tuy trẻ nhưng gần đây nhiều người ở bên Hải Dương, Bắc Giang cũng đến xem đấy anh ạ.
- Xa thế mà cũng đến tận đây xem ư?
- Tiếng lành đồn xa nhưng bụt chùa nhà không thiêng, làng em chẳng ai mời thầy tại thầy còn trẻ quá.
- Còn trẻ vậy chắc mới làm thầy nên người làng mới...
- Cũng không hẳn anh ạ. Người cùng làng nên em biết, thằng này có căn làm thầy lúc mới lên mười.
Bố tôi gật đầu lắng nghe, chú Nghĩa nói tiếp:
- Năm nó học lớp 5 thì phải bỏ, nghe bố mẹ nó nói là cứ đến lớp học là gục xuống bàn ngủ, nhìn thấy chữ là ôm đầu kêu đau. Ban đầu nó trốn học bị ông bố đánh cho bao nhiêu trận nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Mãi đến một lần có bà hàng xóm bên nhà đang khỏe mạnh, tự nhiên thằng bé chống nạnh chỉ tay thẳng mặt nói: “Cô có thèm ăn gì thì ăn cho chán đi, đằng nào tuần sau cũng c·hết.”
Bố tôi nghe đến đây liền đặt chén nước chè xuống bàn để chờ đợi cái kết, chú Nghĩa vẫn nói với giọng đều đều:
- Nó bị chửi cho một trận, ông già cũng quất cho mấy cái roi mây vì tội nói linh tinh nhưng đúng là tuần sau bà hàng xóm mới gần năm mươi đột tử thật anh ạ.
- Và...?
- Người ta bảo nó độc mồm độc miệng nên tránh né. Thằng đó cũng ít nói. Một khoảng thời gian sau nó nói với một người khác trong làng là trông con cẩn thận không chó dại cắn lại khổ. Người ta đuổi nó như đuổi tà.
- Thế... thế con nhà ấy có bị... bị chó cắn không?
- Bị! – Chú Nghĩa gật đầu – Chỉ là con chó con cắn thằng bé lúc nó nô đùa với chúng bạn trong xóm, nó chẳng nói với bố mẹ. Đến khi đưa đến viện huyện thì đã muộn, không cứu được.
- Chó con cắn?
- Em nghe bảo là chó con, chắc tầm nhỡ nhỡ ấy mà.
- Sau đó thì sao?
- Kể từ đó nhiều người trong làng cũng hãi nó lắm. Thằng ấy sống lầm lì mấy năm trời, khoảng hai, ba năm gần đây lác đác có người thiên hạ đến rước nó đi xem giúp mộ phần các kiểu.
Chú Nghĩa châm điếu thuốc, rít một hơi dài:
- Chừng nửa năm nay thì đông hơn anh ạ, người nọ truyền tai người kia nên khách thiên hạ đến rất đông. Một số khách đi xe ô tô về mua bánh trái ở quán của em đây, đôi lúc tiện chuyện em hỏi, người nào người nấy đều hồ hởi kể rằng nhờ có thầy mà tìm được mộ phần, giải trừ được nghiệp báo... đủ cả. Mới có nửa năm mà nhà nó mới đập bỏ căn nhà cũ xây nhà mới đón Tết luôn.
- Ly kỳ, thật ly kỳ đấy. Nếu không phải chỗ quen biết, lại không phải người cùng làng có khi anh nghĩ chú đang quảng cáo giúp.
- Thì thế, làng em phần lớn đều bán tín bán nghi. Người đến nhờ vả toàn ở thiên hạ chứ người làng đâu có ai. Em nghĩ anh thử hỏi xem, có mất gì đâu.
Bố tôi giơ tay nhìn đồng hồ:
- Nhà ông thầy đấy trong làng chắc là gần hả chú?
- Xa xôi gì đâu anh. Đi xe máy vài phút là đến nhà, lúc chiều em mới thấy người ta chở nó về. Chắc mới đi xem giúp ở đâu đấy.
- Tính tình ông thầy thế nào hả chú?
Chú Nghĩa định trả lời bố tôi thì có khách đến mua hàng nên câu chuyện phải tạm dừng. Tuy nhiên vị khách vừa mới ghé khiến bố tôi giật mình, bố tôi không biết vị khách nhưng chính chú Nghĩa cố tình nói to:
- A! Thầy Sơn Ca, tối mịt tối mò rồi mua rượu về nhậu hả?
Bố tôi đứng dậy nhìn người thanh niên mà chú Nghĩa đã nhắc đến trong câu chuyện. Dưới ánh đèn điện hắt ra cửa, bố tôi nhìn thấy một thanh niên dáng cao gầy, tóc ngắn, lưng hơi gù đang đếm tiền lẻ đưa trả chú Nghĩa.
Bố tôi cất giọng hỏi có chút lưỡng lự:
- Đây... đây là thầy Sơn Ca phải không nhỉ?
- Đúng rồi anh, đây là thầy Sơn Ca, cả cái vùng này ai cũng biết.
Chú Nghĩa nháy mắt với bố tôi. Bố tôi bước lại gần người thanh niên mới gặp lần đầu tiên bắt tay chào hỏi. Bố tôi đi thẳng vào vấn đề:
- May quá, gặp thầy ở đây. Tôi vừa mới nhờ chú Nghĩa đây giới thiệu giúp, đang định vào nhà gặp thầy.
Người thanh niên tên Mai Quốc Ca mà dân làng gọi là Sơn Ca - tên một loài chim – gật đầu nhẹ rồi cười với bố tôi. Anh ta đang nhai trầu đỏ cả môi.
- Chú có việc gì cần nhờ mà tìm cháu?
- À, thật ra là...
- Anh mời thầy vào ngồi uống chén nước chè đã, có gì từ từ trình bày.
- À đúng, đúng... mời thầy vào ngồi uống tạm chén nước chè để tôi trình bày cho tiện.
Chú Nghĩa để bố tôi và anh thanh niên ngồi với nhau bên ấm chè, dưới ánh đèn điện màu vàng đặc trưng của vùng quê. Nước da của anh thanh niên này không trắng mà dường như tái xanh, tôi còn nhớ rõ những gân máu màu xanh đôi khi hiện rõ dưới làn da mỏng manh. Tôi gặp anh này trong một hoàn cảnh khác, hoàn toàn khác.
Bố tôi trình bày ngắn gọn và mong muốn mời anh thanh niên mới gặp về làng để tìm giúp nơi đặt mộ cho em gái của tôi. Người thanh niên chăm chú lắng nghe, miệng vẫn nhai trầu, đến khi nghe hết đầu đuôi câu chuyện cũng như ý định của bố tôi anh ta mới nhỏ miếng trầu đi để lấy từ trong túi ra gói thuốc Du Lịch. Bố tôi nhanh ý đứng lên lấy luôn một cây Vina trong cửa hàng nhanh chóng bóc lấy một gói mời anh thanh niên, cái cây thuốc này sau đó bố tôi năn nỉ anh thanh niên cầm về hút... lấy thảo.
Người thanh niên mỉm cười nhìn bố tôi một lượt, qua thái độ thì thấy anh ta có vẻ có thiện cảm với người đàn ông đang ngồi trước mặt. Bố tôi xòe lòng bàn tay trái ra theo yêu cầu của người thanh niên, anh ta ra hiệu cho bố tôi ngửa, úp bàn tay đến mấy lần rồi mới chầm chậm nói:
- Chú cất công đi tìm làm gì, cái chỗ đặt mộ của con gái chú là chỗ đắc địa.
- Nhưng... nhưng tôi chưa biết nơi ấy.
- Là do chú chưa để tâm đó thôi, mấy hôm trước chẳng phải có người đã mách cho chú rồi hay sao?
Bố tôi cố nhớ nhưng chẳng thể nhớ ra được. Người thanh niên lại nói:
- Cái chỗ ấy là nơi đất trũng, hiện tại đang có nước. Để cháu xem nào... ừm... chỗ này được chọn sẵn từ trước rồi chứ không phải mới đây, chính vì đã được định sẵn nơi chôn cất nên chú có đi xem bao nhiêu lần hoặc xem ở đâu cũng thế cả thôi.
- Định... định trước? Ý là... là như thế nào thầy nhỉ?
- Con gái chú chắc là thiêng, rất thiêng.
- Điều này thì... thì tôi không biết. Mười năm nay không thấy gì cả, vợ chồng tôi nghĩ cháu nó mất khi còn nhỏ nên...
Người thanh niên lắc đầu liền mấy cái:
- Không hề, cô chú không cảm nhận được là có lý do. Nhưng trong nhà cô chú chắc chắn có người biết. Không những biết mà còn... nói sao nhỉ... ừm...
Người thanh niên gõ tay xuống cái bàn nhựa màu xanh nhiều lần nhưng chưa biết nên dùng từ ngữ nào để diễn tả. Một lúc sau anh ta nói thêm:
- Chú về cố nhớ lại xem trong nhà chú có ai đã đưa ra đề nghị chôn cất con gái chú ở nơi nào hay không. Cháu chắc chắn là có, khoảng nửa tháng trước đã có người mách cho chú rồi nhưng chú không chịu nghe.
- Nửa tháng à.... nửa tháng... nửa tháng...
Bố tôi lẩm nhẩm một mình trong khi người thanh niên lấy từ trong túi áo ra một bộ bài tây, anh ta nói với bố tôi rút thử một lá bài. Bố tôi làm theo, lá bài đó là một quân J, người thanh niên phán:
- Người đã mách cho chú nơi đặt mộ là con trai, không phải đàn ông. Chú thử rút thêm một lá nữa xem nào.
Bố tôi làm theo, lá bài thứ hai là quân A bích, người thanh niên chợt hỏi bố tôi:
- Chú có con trai nào sinh năm Giáp Tý không nhỉ?
- Không! – Bố tôi lắc đầu.
Nếu ai đó chợt hỏi con trai mình sinh năm bao nhiêu, nếu là người chưa thân quen thì câu phản xạ mà bố mẹ tôi luôn nhớ chính là thằng lớn sinh năm 1983.
- Không thể nào, rõ ràng... rõ ràng là Giáp Tý mà nhỉ?
Lúc này bố tôi mới sực nhớ ra liền gật đầu mấy cái:
- Đúng, đúng, đúng là Giáp Tý! Tôi quên mất, thằng lớn sinh năm đó nhưng đi học sớm nên nhiều khi cứ nghĩ nó sinh năm Quý Hợi.
- Ra vậy!
- Thằng lớn có vấn đề gì ạ?
- Người mách cho chú nơi chôn cất con gái của chú chính là thằng này, chú nhớ kỹ lại xem nào.
- À, nếu... nếu không nhớ thì tôi sẽ hỏi lại nó, cũng không khó. Thằng bé có trí nhớ khá tốt nên chắc nó sẽ nhớ đã mách gì cho tôi.
- Chú rút thêm một lá nữa đi.
Bố tôi rút thêm một lá bài đưa cho người thanh niên, anh ta nheo mắt nhìn một hồi:
- Nếu chú di dời mộ của con gái về quê, không nên cho thằng con trai lớn đi cùng.
- Vì sao thế thầy?
- Mệnh con gái chú sinh thời là Lư Trung Hỏa trong khi con trai lớn lại là mệnh Hải Trung Kim. Theo ngũ hành vốn là Hỏa – Kim khắc nhau, lại kèm Thủy của biển trong mệnh của con trai chú nên hai mệnh này xung khắc mạnh mẽ, khó có cơ hội hòa hợp. Chẳng khác gì Mặt trăng với Mặt trời dù là anh em ruột thịt. Cháu nhắc như thế là để chú đỡ mất thời gian chứ chú có muốn cho thằng con trai lớn đi cùng cũng chẳng được, nhất định sẽ có việc rắc rối.
- Vâng, vâng! Tôi xin nghe lời thầy.
- Không biết chú là người ở đâu nhỉ? Từ nãy ngồi nói chuyện mà cháu quên hỏi.
- Thưa thầy, tôi là người ở làng Bưởi Cuốc.
- Bưởi Cuốc?!
- Vâng! Sao... sao thầy có vẻ ngạc nhiên, thầy quen ai ở đó sao?
- Không, không. – Người thanh niên lắc đầu – Cháu không quen ai, là do nghe cái tên hơi lạ mà thôi. Chú còn hỏi thêm gì nữa không?
- À... thật ra thì chỉ muốn hỏi thầy việc di dời mộ của con gái...
- Vậy là xong rồi nhé.
- Cảm ơn thầy, cảm ơn thầy!
Bố tôi rút tiền từ trong ví ra, người thanh niên ngăn lại:
- Việc này nhỏ, chú không cần phải làm như thế.
Người thanh niên nhất định từ chối nên bố tôi đưa cây thuốc Vina, anh ta vui vẻ nhận rồi chào ra về. Bố tôi đứng tần ngần ven đường cho đến khi chú Nghĩa đứng bên cạnh hỏi nhỏ:
- Thế nào anh?
- Toát mồ hôi chú ạ.
- Có gì làm anh sợ à?
- Không, không có gì sợ hãi nhưng thầy này còn trẻ mà có vẻ... nói sao nhỉ... có gì đó rất kỳ lạ.
- Nó cũng ít nói, anh thây tướng tá nó cũng kỳ dị đó chứ. Ở làng em nó có chơi với ai đâu, đúng hơn là chẳng ai muốn chơi với nó vì s·ợ c·hết.
- Cảm ơn chú nhé, nhờ chú mà anh nhẹ cả lòng.
- Anh tìm được nơi cải táng cho con gái anh rồi hả?
- Cũng có thể nói như thế.
Bố tôi đứng ven đường cái, ngay cửa quán bật lửa châm thuốc. Ông kéo khóa cái áo khoác cao lên tận cổ để tránh những cơn gió lạnh đang thổi qua.
***