Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 369: Nửa đêm đi xem đất




Chương 369: Nửa đêm đi xem đất

Làng tôi chỉ có chú Chung hay nhận việc xây mộ. Chú Chung là người trước đây đã giúp bà cháu tôi xây ngôi mộ tròn cho bà cô Tổ. Làng tôi về cơ bản là một làng nghề truyền thống nên tìm người làm những việc như đào huyệt, xây cất mộ... chỉ có mỗi chú ấy. Bố tôi cũng giống như phần lớn người làng, ấy là không tự làm được sẽ tìm người để thuê nhưng cả làng chỉ có mỗi mình chú ấy làm công việc này. Nếu sang làng bên cạnh, tức làng Ngo (hay chúng tôi quen gọi là sang xã) thì không thiếu người nhận việc, tuy nhiên hai chữ “người làng” vẫn có giá trị nhất định.

Tôi đã tìm gặp chú Chung đề cập việc xây mộ cho ông nội và em gái tôi, ấn tượng mà tôi để lại trong lần gặp trước với vợ chồng chú ấy khá tốt. Bởi vậy ngay khi tôi vừa mở miệng nhờ chú giúp thì cô vợ đã nhanh nhảu nhận lời. Tôi hay dùng từ nhờ thay vì thuê vì tôi thấy nhẹ nhàng mặc dù bản chất chẳng có gì khác nhau.

-Nhà cháu tính xây liền một lúc hai mộ hả? – Vợ chú Chung hỏi tôi.

-Vâng ạ. Mộ của ông nội cháu ở ngoài Cầu Khoai. Mộ của em gái cháu hiện chưa tìm được chỗ, nay mai bố cháu về đi xem nơi đặt mộ xong xuôi cháu sẽ báo với chú.

-Thế là chưa định được ngày à? Nhà mày có muốn xây mộ cho ông cụ trước không? Thời gian thư thả tao làm cho cẩn thận, nói thật là cuối năm tao cũng nhiều việc.

Cô vợ ngồi bên cạnh chợt quay sang lườm:

-Ông thì bận cái gì? Tối ngày nhậu nhẹt bê tha.

Tôi không muốn không khí trở nên căng thẳng nên vội nói luôn:

-Bố cháu mới dặn đến đây nhờ chú giúp việc này, ngày giờ hoặc xây như thế nào phải chờ bố cháu về rồi quyết chú ạ. Công xá đào huyệt với xây cất mộ ra sao, cô chú cứ tính trước giúp cháu, tiền bạc không thành vấn đề ạ.

-Đúng là con bố Trường có khác, ăn nói đâu vào đấy. Mày cứ yên tâm, lúc nào có ngày mày cứ nói với cô một tiếng là xong. Cô nhận lời là chú ấy phải làm, mày cứ về nói với bà nội mày để bà yên tâm nhớ.

-Vâng! Cháu cảm ơn cô chú ạ.

Tôi yên tâm ra về, nhiệm vụ tìm người đào huyệt đã xong, bây giờ chỉ chờ bố tôi về đi xem thầy để biết mộ sẽ đặt nơi nào. Trước đây tôi cũng nghe nhiều người lớn nói rằng đặt mộ nhất định phải xem hướng, xem đất... xem đủ thứ bởi đây là việc hệ trọng. Thoáng trong suy nghĩ, tôi nhớ đến lời cụ tổ ngành nhà tôi từng nói rằng mả của cụ táng vào thế đất yên ngựa nhưng chả hiểu đặt kiểu gì mà con cháu lại không phát theo đường khoa bảng. Tôi cũng ngóng chờ cái ngày mình được cùng gia đình lên Thái Nguyên đón em gái tôi về, trong suốt những ngày sau đó, tôi đều trông ngóng việc này, chỉ là cố giấu trong lòng không nói ra với ai. Ngoài việc tôi muốn đi cùng mọi người để đón em mình, tôi cũng muốn xem lại những cảnh vật của mười năm trước nay đã thay đổi như thế nào.

Mấy tối liền tôi không gặp chị Ma. Mỗi tối trước khi chìm vào giấc ngủ tôi lại trăn trở suy nghĩ đến thái độ của chị ấy trong lần gặp cuối cùng nhưng không thể lý giải được. Chị ấy rời khỏi làng đến nay cũng độ mươi ngày nhưng chẳng ai biết chị ấy đi đâu.

Cơm nước xong đâu đấy tôi ngồi học hành qua loa đến gần 9 giờ tối thì gấp sách để ra ngoài cánh đồng làng ngồi tán dóc với chị Đẹp. Cả tuần qua thói quen của tôi là như vậy, có chị Đẹp nói chuyện cùng cũng giúp tôi cảm thấy những buổi tối bớt tẻ nhạt. Tôi không hiểu lắm, bình thường chị Ma ngồi lê khắp đầu làng cuối xóm vào những buổi đêm, có khi chẳng gặp cả chục ngày không vấn đề gì nhưng tự nhiên chị ấy đi xa mà không nói năng gì khiến tôi cảm thấy trống vắng. Việc này chẳng khác gì tôi đang mong ngóng người thân trở về.

Tiếng sợi dây xích nhỏ bằng sắt dùng để buộc hai cánh cổng kêu lọc cọc khi tôi mở cổng, chợt đằng sau chị Ma cất tiếng:

-Ra chỗ hẹn với cái Khuê hả? Chờ chị với!

Tôi quay lại ngẩn người ra nhìn:

-Chị... chị về từ bao giờ? Em...

-Về đêm qua, chị về đêm qua.

Tôi nhìn chị Ma từ đầu đến chân một lượt để xem có gì lạ hay không, chẳng thấy có gì lạ, nét mặt lộ vẻ tươi tỉnh thấy rõ, hẳn là chuyến đi của chị ấy đã được việc.

-Hôm trước chị vội đi nên không kịp từ biệt em, với lại cũng chả nghĩ đi lâu đến vậy.

-Chị đi đâu ạ?

-Đi chơi thôi mà, thi thoảng cũng nên đi chỗ nọ chỗ kia cho khuây khỏa, tiện có chút việc riêng.

-À, thế công việc của chị có tốt không?

-Tốt, tốt! Nói chung là đều tốt cả.

-Thảo nào nhìn mặt chị tươi tỉnh như này, chả bù cho hôm nọ cáu kỉnh.

-Chị cáu kỉnh à? Làm gì có? Thôi đi nào.

-Chị về đêm qua chắc chị Ngọc Khuê cũng biết rồi chứ?

-Biết mà, đêm qua chị cũng ngồi tán gẫu với nó đến gần sáng. Nó nói là em với nó ngóng chị lắm.

-Đúng là như thế, vì em không biết chị đi đâu nên có chút lo lắng.

Tôi dùng một cái khóa Việt Tiệp móc vào hai đầu sợi xích để khóa cổng, sợi xích sắt nhỏ này đến nay vẫn còn. Ban đầu sợi xích được dùng để... xích mấy con chó nhưng chẳng hiểu sao bà Già nuôi chó mát tay nên những con chó mà bà nuôi đều chỉ sủa chứ không cắn bất cứ ai. Bà đi loanh quanh trong xóm thì những con như con Mực đều đi theo sau rồi nằm cuộn tròn trước cổng nhà người ta chờ bà về. Cánh cổng nhà mặc dù có cài then nhưng tính bà Già cẩn thận nên tôi phải mua thêm một cái khóa dây màu đỏ, được một thời gian chẳng hiểu sao cái khóa ấy biến mất nên bà già dùng luôn sợi dây xích chó thay cho khóa dây.

Chị Đẹp đã đứng chờ sẵn cạnh mương dẫn nước, ngay cạnh bụi tre cô đơn. Chị ấy đang dùng những mảnh ngói nhỏ ném xuống mương dẫn nước, bởi vậy những tiếng “chủm, chủm” thi thoảng vọng lên nghe rất rõ trong đêm tối.

Chị Ma là hồn ma nên đi xa về chẳng có quà gì cho tôi nhưng chị Đẹp thì có. Ngay khi nhìn thấy tôi chị Đẹp mặt mày đã hớn hở giơ tấm khăn lụa màu xanh nhạt ra khoe:



-Đây là quà của ta đấy, thật tiếc ngươi còn là người nên chẳng dùng được đồ gì của ma nên cái Hoa đã không mua cho ngươi. Ngươi thật đáng thương.

-Có gì mà đáng thương, xưa nay em thích cái gì em đều tự mua cả. Cái khăn đẹp đấy, nó rất hợp với chị.

-Ngươi quả là có con mắt tinh tường, đây là khăn dệt từ lụa tơ tằm đấy nhé.

-Hả? Cũng đều từ giấy màu xanh hóa ra mà chị.

-Khờ khạo! Những thứ ngươi hóa vàng gửi cho bọn ta kể ra cũng là đồ tốt nhưng thứ này thì khác, nó là cực phẩm đấy. Cái khăn này bây giờ không ai còn làm nữa, ta là con nhà quan cũng ít khi được thấy, thật là tốt.

-Vầng, vầng! – Tôi gật đầu cười cho qua chuyện, dù sao tôi cũng mù tịt về váy áo của phái nữ.

-Sao ngươi không hỏi ta tại sao ta lại thích cái khăn này?

Chị Đẹp có vẻ hơi cụt hứng, thấy vậy tôi lại giở cái giọng trào phúng vốn có của mình.

-À vâng, tại sao chị Khuê xinh đẹp lại thích cái khăn màu xanh thướt tha như dòng sông Đuống hiền hòa quê ta thế ạ?

-Những thứ như này, đây, ngươi xem này.

Chị Đẹp dùng tay chỉ cho tôi nhìn những hoa văn được thêu trên tấm khăn màu xanh mà nói thật là tôi nhìn không rõ cho lắm, một phần do tối trời, một phần do tôi không thật sự để tâm.

-Những hoa văn này nhìn qua là biết đồ quý giá, đồ này phải là người sinh thời cao quý với có được.

-Chị Ngọc Hoa nhiều vàng bạc, cái gì chị ấy chẳng mua được, có gì mà lạ ạ.

-Ngươi có biết đồ cống phẩm là gì không?

Tôi lắc đầu.

-Dốt ơi là dốt, đúng là những thứ này chỉ nên nói chuyện với đàn bà con gái. Đàn ông con trai các ngươi thật không biết thưởng thức.

-Em thấy đẹp mà, rất hợp với chị. Chắc chắn thứ này được dệt để dành riêng cho những hồn ma xinh đẹp như chị.

Chị Ma nghe tôi trở giọng ngọt như vậy vội lấy tay che miệng cười khúc khích. Chị Đẹp hứ lên một tiếng, bĩu môi nhìn tôi, nâng niu tấm khăn một hồi sau đó quàng lên cổ. Tôi cố nặn ra thêm vài nụ cười xã giao kèm theo mấy cái gật đầu, hai bàn tay xoa xoa vào nhau khen lấy khen để. Với một thanh niên choai choai như tôi thì con gái đã đẹp thì mặc cái gì, đeo cái gì cũng đẹp cả, không cần phải bình luận hay nhận xét gì cho tốn kém thời gian.

-Chị cũng muốn tặng cho em cái gì đó đẹp đẹp nhưng chẳng biết em thích gì, chị nhớ ra em chỉ thích... tiền. Bởi vậy chị sẽ cho em tiền, em muốn bao nhiêu?

-Tiền? Em còn đầy, còn đủ tiêu đến hết năm.

-Lâu rồi chị không cho em tiền, sắp tới có khi em phải chi tiêu nhiều. Chị đã quyết rồi em không từ chối được, tiền này không liên quan đến kho của đâu mà lo.

-Nó thắng bạc, nó thắng rất nhiều đấy.

Chị Ma quay sang lườm chị Đẹp:

-Cô bị ngứa miệng đấy hả?

-Ta... ta chỉ nói thật.

-Thật cái gì mà thật.

Chị Ma quay sang nhìn tôi:

-Chị sẽ gửi cho em hai cây, em đi đổi ra tiền mà dùng.

-Thật sự không cần mà chị. Ngoài tiền em vẫn còn...

-Ngươi còn hai cây chôn sau vườn phải không? Hứ, có mỗi một mẩu như thế thì mua được cái gì, tiêu được cái gì. Ma ở cả cái làng này đều biết ngươi là em kết nghĩa của ta, là đệ tử ruột của cái Hoa, bọn ta đều giàu nứt đố đổ tường mà ngươi lại nghèo rớt mồng tơi. Ngươi đừng để bọn ta mang tiếng.

-Ôi trời, em có phải là ma đâu mà.

-Nhưng bọn ta là ma.

-Chị biết em còn tiền, em cũng không cần nhiều nhưng sắp tới chị nghĩ sẽ phải chi tiêu nhiều, thừa hơn thiếu em ạ.



-Em có việc gì đâu mà chi tiêu, ăn vặt có đáng là bao.

-Chả phải sắp tới phải xây mộ gì đó sao, em cứ cầm đi. Lúc cần còn có thứ mà dùng.

-Ây, việc xây cất mồ mả là việc bố em phải lo, bố em cũng có tiền, bố em lo được.

-Không phải nói nhiều, ngươi cứ cho nó hai cây đi, ta cũng cho nó hai cây nữa là bốn. Ta nói thật nhé, mấy đứa nghèo như ngươi lại hay sĩ diện, sĩ diện sẽ nghèo mãi thôi cò Tý ạ.

-Thôi được rồi, thì em nhận. Đúng là thân thích với những người giàu có thật là thích, hai chị chẳng có gì ngoài vàng bạc.

-Ngươi phải cảm thấy mình may mắn đấy nhé.

-Được rồi, được rồi. Em may mắn, may mắn nhất làng.

Chị Ma tủm tỉm cười:

-Tiền bạc như vậy là đã xong. Mộ phần của... của em gái em đã chọn được nơi chôn chưa?

Tôi lắc đầu:

-Mấy hôm nữa bố em về rồi xem tiếp chứ tuần trước bố em với bà Hạ Con đi xem chẳng được. Bố em phải lên Thái Nguyên thăm mộ của em gái em, kiểu như tâm linh ấy mà. Bà Hạ Lớn bảo rằng chính vì bố em không lên thăm mộ nên em gái em không chỉ cho chỗ chôn.

-Bà cụ nói thế là phải rồi, kiểu gì lần tới về cũng xem được. Mà em thích mộ đặt ở đâu? – Chị Ma hỏi tôi.

-Ui chị ơi, cái này là việc hệ trọng không phải thích là được. Em là phận con cháu không đến lượt quyết định đâu chị. Đến bố em còn phải nghe lời bà Hạ Lớn răm rắp kia kìa.

-Chị biết nhưng chị muốn hỏi em. Chả phải lần trước em nói đã ngắm được một chỗ cạnh mộ ông nội em hay sao?

-Đúng là như vậy nhưng khu ấy toàn là một đã chôn từ thời trước, rất khó để có một chỗ trống đẹp đẽ như thế chị ạ. Có khi chỗ đó đang là mộ phần của một cụ nào đó rồi ấy chứ.

-Muốn biết cụ thể thì đi xem, có gì là khó đâu nào.

-Bây giờ á? – Tôi hỏi.

Chị Ma gật đầu.

-Thế lại phải về nhà hái lá hả chị?

-Chả cần, em không ẩn thân đỡ phải nhìn thấy vong hồn. Chị đi cùng, chị sẽ hỏi giúp cho.

-Ta đi với, cho ta đi với.

-Cô có biết gì về phong thủy không hả cô tiểu thư thôn dã?

-Ta có đọc qua sách phong thủy. Cô đừng kỳ vọng gì ở ta. Bãi Cầu Khoai đó ta cũng chưa vào bao giờ, nơi ấy là nơi yên nghỉ của ma làng từ xưa, chỗ tốt người ta xí hết phần rồi.

-Chưa xem chưa biết được. Cô có đi không?

-Đi chứ, đi chứ.

Tôi lẽo đẽo đi theo hai hồn ma ra đầu làng, thứ duy nhất tôi mang theo trong người là lá bùa đóng băng các vong hồn. Thanh kiếm cùng túi gạo rang để ở nhà do tôi không có ý định đi đâu.

Đầu làng có mấy bóng điện tròn màu vàng vẫn sáng đèn, trời đêm lạnh, ánh đèn cũng trở nên buồn tẻ hơn bình thường. Trên đường đi tôi có gặp vài người lớn cùng vài đứa trẻ con đi chơi điện tử về. Bây giờ chưa đến 10 giờ tối, nơi vui nhất ở làng chắc chắn là quán bi da kiêm quán điện tử - tụ điểm ăn chơi của thanh niên trong thôn – tôi đoán không sai. Cả chục thanh niên tầm tuổi tôi trở lên đang huyên náo, vài anh lớn cầm những lá bài trên tay, tôi nghe nói họ đang chơi... ba cây! Tôi không hiểu cách chơi này, tôi chưa bao giờ hỏi cách chơi. Mấy máy điện tử cũng được đám trẻ con vây kín, tôi có chút ngạc nhiên khi thấy R9 và Chắc Gạo đang say sưa, nghiến răng nghiến lợi dùng cái máy bốn nút. Hai thằng không nhận ra sự có mặt của tôi, tôi cũng không làm phiền cuộc vui của chúng nó. Sau khi đứng một lúc cạnh người nọ người kia tỏ vẻ chú tâm theo dõi ván bi da, đến khi không ai chú ý thì tôi lùi dần rồi lẩn vào bóng đêm. Sở dĩ tôi phải ghé qua quán này là do đèn đuốc sáng trưng, lại nằm cạnh đường cái, cách cổng nghĩa địa chừng một trăm mét.

Chẳng ai chú ý nhiều đến tôi. Tôi là một đứa nói nhiều nhưng chỉ nói với những người mình thích nói chứ với những đứa đồng trang lứa mà không thích thì tôi cũng là một kẻ ít nói đến lạ, nhưng trên miệng luôn nở nụ cười thân thiện.

-Ngươi vào đó làm gì thế?

-Tụt tạt một tí chứ đi qua họ nhìn thấy kiểu gì cũng hỏi em đi đâu.

-Ngươi vẽ chuyện, cần thì ta che mắt bọn nó cho.

-Ui, tốn công làm gì chị. Chẳng ai quan tâm đến sự có mặt của em đâu.

Tôi đi sau, chị Ma đi trước cùng chị Đẹp vào Cầu Khoai, cứ chốc chốc chị Ma lại cúi đầu đáp lễ, tôi đoán là chị ấy đang chào hỏi các cụ trong bãi tha ma. Tôi dẫn hai chị luồn lách giữa những ngôi mộ được xây cất muôn hình vạn trạng, không có hàng lối trong bãi. Chẳng khó khăn gì để tôi chỉ cho hai chị khoảnh đất cạnh mộ của ông nội tôi. Hai chị chào hỏi vài cụ ở gần, chị Ma nói gì đó nên sau đó tôi cảm thấy không khí lạnh như giảm đi đôi chút. Đêm mùa Đông đứng giữa bãi tha ma, tôi đúng là một kẻ kỳ dị.



-Công nhận khoảnh đất này thật vuông vức.

Chị Ma gật đầu với vẻ hài lòng hiện rõ trên khuôn mặt.

-Cò Tý nói đúng, chỗ này toàn mồ mả được chôn cất từ nhiều năm trước, lúc nó còn chưa có mặt trên cõi trần. Tự nhiên có một khoảnh đất trống cạnh mộ ông nội của nó đúng là kỳ khôi.

Chị Đẹp nhìn quanh một hồi rồi đề nghị:

-Nên hỏi các ông, các bà quanh đây xem đã có ai táng ở chỗ này chưa. Để ta đi hỏi nhé?

-Để hỏi sau đi. Cô xem chỗ đất này thế nào?

-Ta không biết tuổi tác của em gái cò Tý, ta không phải là thầy nhưng nhìn qua thì thấy đây là chỗ đất hơi trũng. Nếu đặt mộ ở đây có khi lại ứng với câu “Nước chảy chỗ trũng” không chừng.

-Khoảnh đất phẳng, vuông vức, à không, ta nhìn thấy nó giống... giống một huyệt mộ cũ thì đúng hơn. – Chị Ma nhận xét – Có vẻ như nó nằm dọc theo hướng Bắc Nam.

-Đất bằng phẳng, hơi trũng. – Chị Đẹp trầm ngâm nói – Hướng Bắc là dải đất cao hơn có thể xem như Huyền Vũ. Cô nhìn về phía mấy cái lò gạch kia mà xem.

Chị Ma nhìn theo hướng chị Đẹp vừa chỉ:

-Chỗ đó tự nhiên người ta đào đất làm gạch thì phải, ta có thấy ao nước rộng, tạm xem là Chu Tước đi.

-Cô có chắc không đó?

-Ta không phải thầy, đọc sách có ghi như vậy thì ta nói vậy thôi. Chậc... chậc... vẫn hơn là mù tịt chứ, đúng không?

Chị Ma nhún vai không đáp.

-Mà đấy là xem phong thủy cho nhà ở chứ đặt mồ mả thì ta chịu. Nếu đúng khoảnh đất này chưa từng chôn cất ai thì có hai khả năng xảy ra, một là đất xấu, hai là... là rất xấu.

-Tại sao thế chị? – Tôi tò mò.

-Ý cô là vì đất xấu nên mới thành ra bị bỏ không chứ gì?

-Suy đoán vậy thôi. Cô nhìn mà xem, bốn phía chỗ nào cũng là mộ phần, tại sao lại thừa ra một khoảnh đất đúng vừa một huyệt mộ?

-Lời cô nói không phải là không có lý nhưng ta lại nghĩ khác.

-Cô nghĩ sao?

-Biết đâu nó là đất đẹp, biết đâu... biết đâu chính do nó trũng nên đọng nước mưa, bởi thế người trong làng mới bỏ qua.

Hai chị im lặng, tôi cũng im lặng vì tôi có biết cái gì đâu.

-Thôi thế này nhé. Cô với thằng bé về làng đi, ta sẽ đi dò hỏi rõ nguồn gốc khoảnh đất này, kiểu gì ông Thổ Địa cũng nắm rõ.

-Không cần tốn thời gian đâu chị ạ. – Tôi nói – Chắc gì đã chôn cất ở chỗ này.

-Nhưng em muốn mộ đặt ở đây phải không?

-Thật ra thì... thật ra em nghĩ nếu được thì tiện mà thôi. Những mộ của cha ông đều mỗi người một nơi. Em gái em từ nơi xa về, nếu đặt cạnh chỗ ông nội em thì em ấy sẽ đỡ... đỡ bỡ ngỡ. Nhỡ đâu ma trong làng bắt nạt thì...

-Xời ơi! Ma ở làng này ai dám bắt nạt em gái ngươi chứ? Ngươi thật biết đùa.

-Thì em lo xa, em... em đâu thể ở mãi nơi này được.

-Em không phải lo việc ấy.

-Đúng! Ngươi rời làng, ai rồi cũng lớn cả. Ngươi rời làng thì bọn ta sẽ coi em gái ngươi như em gái ta thôi. Ta nói vậy có phải không, Ngọc Hoa?

-À thì... thì... có thể xem như vậy. – Chị Ma cười gượng. – Nếu em có ý định đó rồi chị nhất định sẽ tìm kiểu kỹ càng giúp em. Việc của em cũng như việc của chị, em không cần phải bận tâm.

-Hay ngươi về một mình đi cò Tý, lần đầu ta ra Cầu Khoai, ta muốn đi theo cái Hoa.

-Vâng, vậy... vậy em về trước. Có như thế nào nhờ hai chị xem giúp em nhé. Xung quanh làng kiểu gì cũng có những chỗ đất tốt, chỗ nào tốt nhất thì... thì táng vào.

-Chị hiểu.

Hai chị ma tiễn tôi ra đến tận cổng nghĩa địa mới quay trở vào. Tôi cố nén tiếng thở dài ngẩng đầu nhìn trời đêm, chẳng hiểu sao trong lòng cứ cảm thấy trống rỗng đến lạ.

***