Chương 368: Mùa Đông bắt đầu
***
Mấy tối sau đó tôi không gặp chị Ma nhưng chị Đẹp thì tối nào cũng tha thẩn dạo chơi ở gần bụi tre để chờ tôi. Hai chị em gặp nhau nói hươu nói vượn nhưng thiếu chị Ma nên cả hai đều cảm thấy buồn. Chẳng hiểu chị ấy đã đi đâu, chị Đẹp nói với tôi rằng chị Ma đã rời làng ngay sau buổi tối ba chị em nói chuyện với nhau. Ông Lê Tam cũng không đoán ra được chị Ma đi đâu, hành tung cùng những mối quan hệ ngoài làng của chị ấy vẫn luôn là một bí ẩn đối với tôi nói riêng cũng như tất cả những hồn ma khác. Mấy ông Tam đánh bạn với những tượng đất sét tôi chôn ở bụi tre, nghe nói đêm nào họ cũng đối ẩm, ngâm thơ đến gần gà gáy rồi trở về nơi chôn tượng trong bộ dạng say khướt. Làng quê yên bình nên các ông ấy chẳng có việc gì để làm, ngoài số vàng mã tôi gửi xuống để các ông ấy chi tiêu thì chị Ma, chị Đẹp đều chu cấp đầy đủ. Chị Đẹp có dạy lại cho ba ông Tam chữ Quốc ngữ đủ để các ông ấy đọc được một số chữ, số đơn giản. Hơn hai chục hồn ma gốc Tàu cũng chịu khó học thêm chữ viết thời hiện đại trong những lần chè chén ngoài cánh đồng làng.
-Ngươi là người thân quen nhất của cái Hoa, chẳng lẽ mấy năm qua nó không nói gì với ngươi ư?
Chị Ngọc Khuê hỏi tôi. Tôi thở dài một hơi rồi đáp:
-Có nhiều lúc em tưởng rằng mình đã hiểu hết về chị ấy nhưng bây giờ em mới nhận ra không phải, chị ấy có quá nhiều bí mật. Mỗi lần em thắc mắc về tương lai của em hoặc vài lý do khác thì chị ấy đều lảng tránh. Tính chị ấy chị còn lạ gì, em không dám hỏi thêm.
-Nhưng nó quan tâm đến ngươi là điều ai cũng biết.
-Điều này em khẳng định, đôi khi em cảm thấy chị ấy bao bọc cho em quá nhiều. Lần trước em có thắc mắc đấy, chị nghĩ mà xem, ma thì không biết được tương lai của người còn sống nhưng chị Ngọc Hoa còn biết em sống đến năm bao nhiêu tuổi. Chị thấy có lạ không?
-Thời gian ta đi cùng với nó ta cũng nghe được vài điều do chính miệng nó kể nhưng chỉ là buột miệng nói ra chứ không chủ ý. Ta đoán rằng nó cũng có nỗi khổ tâm riêng không thể nói ra, bởi vậy ta không hỏi kỹ.
-À, chị tự do đi lại cũng được mấy tháng rồi, tình hình đám người kia thế nào rồi chị?
-Bọn nó thành ma hết thì ta sẽ phải trở về mảnh đất của ta, có đi lại được mới biết mấy trăm năm trôi qua thật là nhàm chán. Như ta đã nói, ta sẽ để bọn chúng sống trường thọ, kẻ nào tới số thì tự đi gặp Diêm Vương.
-Chị không nghĩ đến khả năng bọn họ sẽ lôi kéo thêm người khác đến ư?
-Có chứ! Cái Hoa nghĩ đến điều này từ lâu rồi, bởi thế bọn ta chỉ tìm cách nào cho bọn chúng nửa điên nửa dại, tỉnh tỉnh mê mê. Lời nói của chúng không đáng tin, sẽ chẳng kẻ nào đến làng này tìm kho báu nữa.
-Liệu bọn họ sống được bao nhiêu năm? Năm năm?
Chị Đẹp trấn an tôi:
-Ít cũng phải năm mươi năm chứ, bọn nó mỗi đứa một nơi và được người nhà chăm sóc nên còn sống dai, ngươi cứ yên tâm. Đến khi nào bọn chúng thành ma một lượt thì tự khắc thứ giấy mà ta được cấp cũng hết hiệu lực.
Tôi cười:
-Đến lúc ấy lại phải dụ vài kẻ đến trộm đồ chị nhờ?
Chị Đẹp cười tinh quái:
-Thật ra ta cũng có ý đó, lòng tham của con người là không có đáy.
Tôi nhún vai:
-Vàng bạc thời nào cũng cần, chẳng ai muốn trở thành người nghèo.
-Ngươi thì sao? Tại sao ngươi không chịu lấy vàng bạc của ta?
-Lấy số của ấy thì chị ưu đãi bằng ba mạng chứ gì?
-Như thế là ưu ái cho ngươi lắm rồi, ta không thể làm khác được.
-Hay em lấy hết số vàng bạc của chị rồi em chôn lá bùa hóa băng xuống đấy, chị thấy như thế có được hay không?
-Ta cấm! Ta cấm! Ngươi mà làm như thế ta sẽ hận ngươi, ta không thèm chơi với ngươi nữa. Ta sẽ rủa ngươi cả nghìn năm không thôi.
Tôi cười hềnh hệch:
-Em đùa thế thôi, lấy chỗ vàng ấy đi sau này em làm ma lấy gì mà tiêu chị nhờ?
-Hừ! Ngươi thật là kẻ biết đùa, ngươi cứ đùa kiểu đó có ngày ta sẽ nghi ngờ ngươi là kẻ cần phải diệt trừ hậu họa đấy. Sau này ngươi thành ma thì có bọn ta là bạn, vàng bạc bọn ta có ngươi chi tiêu thoải mái.
Tôi chợt đổi chủ đề:
-Như chị phải có cớ đi trả thù mới được tự do còn chị Ngọc Hoa thì sao nhỉ? Chị ấy được đi lại tự do nhưng em chẳng thấy chị ấy trả thù ai, kho vàng của chị ấy đến nay vẫn là một bí mật cơ mà?
-Ta cũng hỏi rồi nhưng nó nhất định không nói, nó cũng lảng tránh câu hỏi của ta.
-Chị ấy đi lại tự do tính đến nay cũng khoảng hơn sáu năm. Đúng cái dịp lần đầu em về quê sang cát cho ông ngoại em.
-Bữa đám tuần binh nói chứ gì? Ta vẫn nhớ. Nhưng thôi, nếu nó có điều còn khó nói cũng không nên hỏi, hỏi nhiều nó cáu lại mất hòa khí. Nó giận không chơi với ta và ngươi nữa thì sao.
Tôi phụng phịu:
-Thế nên em có dám hỏi đâu.
Nhiều câu chuyện chị Đẹp kể cho nay tôi đã quên, những câu chuyện của chị Đẹp chỉ loanh quanh lúc sinh thời sống trong gác tía, lầu son. Những câu chuyện từ khi trở thành Thần giữ của cũng không có nhiều đặc biệt, đôi khi chỉ là cái nhà mái tranh vách đất cũ kỹ thời xưa cụ ngoại tôi đã xây như thế nào hoặc là cây duối hiện nay đang mọc cạnh miếu không phải là câu duối được trồng từ khi chôn vàng mà là một cây con mọc từ hạt của của cây duối mẹ... Còn tôi, trong những buổi tối vắng chị Ma ấy lại kể cho chị Đẹp những thứ mình mắt thấy tai nghe từ lúc đi học, chị Đẹp là một hồn ma thích được đi học tuy nhiên âm ty là một nơi hỗn độn, trường học chỉ có trong trí nhớ của những ma mới mà thôi.
Bố mẹ tôi về nhà vào một ngày Chủ Nhật, nhân dịp đám cưới của một người cháu họ bên nội. Mùa Đông cũng có nghĩa là Tết đã đến gần, từ bây giờ cho đến khoảng tháng Hai âm lịch trong làng sẽ có nhiều đám cưới. Cô dâu chú rể đều là những người tôi không biết mặt bởi vì họ sống và làm việc ở nơi khác, ngay sau đám cưới một vài ngày họ sẽ rời làng. Mỗi đám cưới vẫn có những chiếu bạc được trải ra từ khoảng 1 giờ chiều cho đến chập tối, ai thắng ai thua cũng đi hết cả, ngôi làng lại có vẻ yên tĩnh vốn có. Tôi thi thoảng cũng tranh thủ kiếm ít tiền tiêu vặt ở những chiếu bạc ấy, nhờ ai đó phù hộ mà lần nào tôi cũng được dăm ba trăm nghìn dằn túi. Tôi vẫn luôn rủng rỉnh tiền bạc trong suốt thời gian sống ở làng, rất hiếm khi bố mẹ tôi phải cho tiền. Có lần tôi đã nói với R9 và Chắc Gạo rằng tôi được dân làng bao bọc, những chai nước chúng nó uống hoặc cuốn truyện tranh chúng nó đọc đều do dân làng quyên góp.
Bà Hạ Con cũng về ăn cỗ. Đầu giờ chiều ngày Chủ Nhật, bố tôi chở bà Hạ Con đi xem một thầy ở dưới Nghi Giang, bà nói rằng đó là nơi uy tín đã xem đúng cho nhiều gia đình trong làng. Mẹ tôi thuộc thế hệ sau, thế hệ rời làng bươn trải khi còn trẻ nên thường chọn xem những thầy ở trên Trằm theo lời chỉ dẫn của những cô có buôn bán ở chợ Trằm, trong đó có chị ruột của mẹ tôi.
Chiều muộn bố tôi mới trở về, nét mặt của bố và bà Hạ Con đều không vui. Tôi không hiểu ông thầy bói hay thầy địa lý đã nói gì nhưng cũng không hỏi, vì kiểu gì cũng có cuộc họp gia đình ngay sau đó. Tôi thuộc thành phần chầu rìa, ngồi nghe lỏm. Cuộc họp gia đình chiều hôm ấy có bà Già, bà Hạ Lớn, bà Hạ Con ngồi trên giường, bố mẹ tôi ngồi ở phản gỗ còn tôi bắc ghế ngồi dựa lưng vào cửa nhà.
-Thầy không xem được nơi chôn cất cho con bé. – Bố tôi là người bắt đầu – Hỏi gì thêm thầy cũng chẳng nói được. Bố cháu không hiểu nổi.
Bà Hạ Lớn lúc này mắt cũng đã mờ đi nhiều. Bà ngồi cạnh giường, một tay đặt trên đầu cây gậy tre đã ngả màu đen. Bà nói:
-Như thế có nghĩa là nó không muốn về hoặc chưa đến lúc về. Anh nên đi xem đôi ba chỗ khác xem sao.
-Tuần tới bố cháu tranh thủ về chở bà đi xem thử, bà có biết chỗ nào hay không?
-Tôi thì không biết. – Bà Hạ Lớn trả lời – Nhưng làng mình xưa nay cũng nhiều người di dời mồ mả cha ông từ các nơi về đều đi xem dưới Nghi Giang. Thầy đó mà không xem được thì tôi chưa biết tại sao.
-Để mẹ cháu lên Trằm, trên ấy có ông cụ xem quẻ cũng tốt lắm bà ạ.
-Thì anh chị cứ đi hỏi nhiều nơi khác. Tôi nghĩ con bé muốn về quê cha đất tổ từ lâu rồi, phàm là con người thì bố mẹ ở đâu con ở đấy. Nếu như thành người thiên cổ nhất định muốn được chôn cất ở quê hương. Việc này... Việc này tôi đã nói với anh chị từ đợt sang cát cho ông ngoại thằng Tý.
-Vâng, cũng là do cuộc sống nay đây mai đó chưa ổn định nên...
Bà Hạ Lớn chợt nhấc nhẹ cái gậy tre lên rồi gõ xuống nền nhà liền mấy cái:
-Anh thì bao giờ ổn định? Con cái anh để nó nằm bơ vơ một mình nơi đất khách quê người. Anh chị là cha là mẹ, có bao giờ trước khi đi ngủ anh chị đặt tay lên trán nghĩ đến mồ mả của con gái mình hay không?
Mẹ tôi quay sang nhìn bố, bố tôi im lặng. Bà Hạ Lớn nói tiếp với giọng rất nghiêm:
-Đành rằng chủ nhà nơi anh chị thuê trước đây họ là người tốt, họ chăm sóc ngôi mộ của con bé thì con bé phù hộ cho gia đình người ta. Nhưng nói gì thì nói, họ vẫn là người dưng nước lã. Anh chị phải tìm nơi chôn cất mới đàng hoàng cho nó. Tôi bây giờ cũng gần đất xa trời, đến lúc tôi c·hết mà cháu tôi vẫn nằm nơi đất khách thì tôi không nhắm mắt được, anh có hiểu tôi nói gì không?
-Bố cháu hiểu, bố cháu hiểu. Nhất định bố cháu sẽ đưa con bé về sớm.
-Tốt nhất anh nên đi một chuyến lên trên Thái Nguyên thăm mộ của nó để xem sau ngần ấy năm có gì thay đổi. Anh chị đón con bé về quê cũng phải có lời với gia đình người ta chứ?
-Bố cháu vẫn thường xuyên gọi điện lên...
-Tôi đã nói anh thế nào? – Bà Hạ Lớn chỉ cái gậy tre về phía bố tôi – Những việc như thế này anh có thành tâm hay không? Bây giờ anh cậy anh có cái điện thoại nên anh lười, đấy có thể là lý do mà anh đi xem thầy không được, anh không thành tâm nên con anh nó giận.
-Vâng, vâng! Bố cháu sẽ đi Thái Nguyên một chuyến.
-Tôi nói cho anh nghe, anh phải tự mình lên trên ấy mà xem, xem xong thì nói chuyện với nhà người ta rồi hãy về chọn nơi chôn cất. Hôm trước tôi có nghe chị dâu tôi nói là anh chị tính đưa cháu nó về quê là tôi mừng, là tôi yên tâm. Đến hôm nay tôi mới biết là anh làm cái gì cũng qua loa, đại khái. Đây là việc hệ trọng, anh làm không đến đầu đến đũa thì coi chừng tôi.
Bà Hạ Lớn giọng nói không hề gay gắt nhưng rất có uy lực, tôi nhìn thấy bố mẹ tôi ngồi im, mẹ tôi lườm nguýt bố tôi đến mấy lần. Bà Già ngồi trên giường bỏm bẻm nhai trầu lắng nghe câu chuyện, bà Hạ Con cũng không nói thêm lời nào. Như tôi đã từng kể, lời của bà Hạ Con rất có uy kể từ khi ông nội tôi mất. Tôi chưa bao giờ thấy bố tôi cãi lời các bà nhưng riêng lời bà Hạ Lớn nói ra chắc chắn bố tôi sẽ phải làm. Các bà còn lại nếu có nói gì thì bố tôi sẽ vâng dạ, làm hoặc không làm còn tùy thuộc vào nhiều điều khác nữa.
-Cháu thấy bên cạnh mộ ông nội cháu còn một khoảnh đất trống khá đẹp, nếu đưa em gái cháu về quê thì chôn ở đó cũng được ạ. Cháu gái ở cạnh ông nội, hai ông cháu nằm cạnh nhau sẽ đỡ buồn.
Tôi lên tiếng giải nguy cho bố tôi. Bố mẹ tôi quay ra nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu, ngay giây sau đó tôi nhận ra rằng mình hơi dại vì tội nói leo.
-Mày biết cái gì mà nói? Mày...
Bố tôi quát tôi, tôi nghĩ đó là cách ông đánh trống lảng.
-Cái gì? Cháu vừa nói cái gì?
Bà Hạ Lớn quay sang nhìn tôi, tôi thừa biết bà không nhìn thấy mặc dù tôi chỉ ngồi cách bà chưa đến năm mét. Tất cả mọi người đều im lặng, ai cũng biết bà Hạ Lớn là một người cực kỳ khó tính, sống đúng theo nếp xưa nên chuyện con trẻ nói leo bà sẽ không hài lòng.
-Cháu... cháu xin lỗi, cháu... cháu lỡ lời.
-Không, không! – Bà Hạ Lớn nói với giọng ôn tồn – Cháu vừa nói gì bà nghe chưa rõ, cháu nói lại cho bà nghe.
Tôi lưỡng lự nhìn bố mẹ tôi rồi cũng lặp lại câu nói vừa nãy của mình. Bà Hạ Lớn nghe xong thì gật gù liền mấy cái. Bà nói:
-Từ khi sức khỏe tôi kém, mắt tôi mờ đã hơn chục năm. Tôi không ra Cầu Khoai nên không biết hiện nay như thế nào. Anh có biết việc này không?
Bố tôi gãi đầu:
-À thì bố cháu cũng nghe thằng bé nói từ hôm đầu tuần.
Bà Hạ Con bây giờ mới lên tiếng:
-Đúng là bên cạnh mộ ông nội thằng bé có một khoảnh đất trống, tháng trước tôi với nó ra tảo mộ nên tôi nhớ rõ. Tôi không nhớ năm ấy di dời mộ bố anh về chỗ đấy thì bên cạnh có mộ của nhà nào hay không.
-Mấy năm trước cải táng mộ của thằng Ba tôi nhớ là vẫn còn trống một khoảnh. – Bà Già ngưng việc nhai trầu để lên tiếng – Khu đấy mồ mả cải táng từ trước giải phóng nên việc còn trống một chỗ như thế là khó. Mãi về sau này mồ mả nhiều các cụ mới cho mở rộng thêm một phần ra gần đến đường cái quan. Có khi khoảnh đất ấy là mộ của nhà ai đã di dời đi nơi khác nên mới trống như vậy.
-Nếu chôn được ở chỗ đấy thì tiện nhưng có tốt hay không phải xem cho kỹ. Đây là việc hệ trọng. – Bà Hạ Lớn nói – Nếu hai ông cháu nằm cạnh nhau được thì anh nhớ xây mộ cho bố anh luôn. Mộ bố vợ anh xây đã mấy năm trời, bây giờ anh ăn nên làm ra mà mồ mả của bố đẻ vẫn chỉ là nắm đất, anh thấy như vậy có được không hả anh Trường?
-Vâng, vâng! Bà nói phải ạ.
-Này thằng Tý, lại đây bà bảo. – Bà Hạ Lớn vẫy tôi lại gần, tôi phải hơi cúi người để bà xoa đầu mấy cái – Tốt lắm, tốt lắm! Cháu còn bé mà đã biết lo việc còn hơn cả thằng cha. Nhớ đi dò hỏi xem khoảnh đất ấy có mồ mả chưa cháu nhé.
-Vâng ạ.
Vài ngày sau đó bố tôi từ Hà Nội đi Thái Nguyên thăm mộ em gái tôi, nếu tôi nhớ không nhầm thì từ tháng 8/1989 đến thời điểm này bố tôi mới trở lại thăm em cũng như trực tiếp gửi lời cảm ơn vợ chồng bác Nhơn đã trông nom mộ của em gái tôi trong gần mười năm qua. Chẳng biết có phải vì bố tôi... thành tâm do bị ép buộc hay không mà chặng đường tìm nơi đặt mộ vẫn còn nhiều thử thách.
Sau nhiều năm, chính bố mẹ tôi cũng không nhớ và không hiểu nổi nhiều sự việc đã xảy ra ở thời điểm ấy, chỉ biết rằng việc di dời mộ của cô em gái mất lúc hai tuổi của tôi ban đầu tưởng chừng là việc nhỏ nhưng thực tế diễn ra lại không hề nhỏ chút nào. Những họ hàng thân thích tham gia các công đoạn từ đầu đến cuối đưa em về quê đều sởn da gà, dựng tóc gáy. Một người cậu của tôi, trong một buổi tối bên chén nước chè đặc ở phương Nam xa xôi đã nói với tôi rằng:
-Đời tao chỉ có một lần dời mộ như thế thôi, tao hãi lắm rồi. Có cho kẹo thì tao cũng vái cả nón, kh·iếp kh·iếp là!
Từ đầu đến cuối tôi chỉ biết cười. Cười mỗi khi nghe mọi người kể lại chuyện năm xưa bởi vì chỉ có những người trực tiếp trải qua mới hiểu chữ sợ hãi viết ra sao.
***