Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 367: Khó hiểu




Chương 367: Khó hiểu

Trên quãng đường từ Cầu Khoai về nhà, cả ba chị em đều im lặng theo đuổi những suy nghĩ riêng. Về gần đến nhà, ngay dưới bụi tre cô đơn ven đường đất rìa làng, chị Ma cuối cùng cũng nói ra suy đoán của chị ấy:

-Chỉ có một cách lý giải, đấy chính là lũ thần trùng có đủ cả gái trai, già trẻ để tiện cải trang thành hồn ma nhưng đôi mắt quỷ không thể giấu được. Chị còn nhớ trước đây có lần quan quân trên huyện đã dùng quỷ giả thanh để bắt chước giọng nói của chị và bà của em, em còn nhớ chứ?

Tôi gật đầu, dĩ nhiên là tôi nhớ.

-Ngoài việc giả thanh thì đám này còn giả dạng, chúng nó sẽ lặp đi lặp lại một thói quen nào đó của một vong. Đó cũng là cách mà bọn chúng từng bước xâm nhập vào nhà của n·ạn n·hân, gia tiên nếu có phát hiện ra cũng khó mà can thiệp được.

-Sao lại không chứ? Em thấy bọn chúng cũng chẳng đông, chẳng mạnh gì cả.

-Nếu nói về đông, hẳn là cả Cầu Khoai đông gấp trăm lần nhưng họ đều là những hồn ma riêng lẻ.

-Đợt trước em thấy cả Cầu Khoai cũng đoàn kết lắm.

-Đấy là đoàn kết để chống lại âm binh, chống lại thầy phù thủy, chống lại những kẻ có ý định xấu với làng xóm. – Chị Ma ôn tồn giải thích – Còn đây là quỷ trùng.

-Bọn này em thấy có khác gì xã hội đen đâu.

-Xã hội đen là gì? – Chị Ma ngạc nhiên hỏi tôi.

-À, kiểu như một đám d·u c·ôn chuyên đi bắt nạt người khác, kiếm sống bằng cách bảo kê, bắt những người yếu thế phải bỏ tiền ra để được bảo vệ ấy chị.

-À, ra là thế. Chị không rõ lắm.

-Em không hiểu lắm nhưng em cho rằng bọn quỷ trùng này tác oai tác quái như thế hẳn là phải được sự cho phép của ông nào đấy to to, bởi vậy mới ngang nhiên đi h·ành h·ạ hồn ma theo lịch định sẵn.

-Âm ty rất phức tạp, bọn ta đây suy cho cùng cũng chỉ là hồn ma chứ không có quyền chức gì, cũng không tham gia vào chốn quan trường nên muốn biết sẽ phải đi hỏi. Mà ngươi cũng thừa hiểu rằng hiểu biết của mỗi người là hữu hạn, ma cũng thế. – Chị Đẹp lên tiếng – Ta cho rằng con chim thần kia nó nhất định có phép hoặc có quyền làm như thế từ bao đời nay, bọn nó là quỷ.

-Bây giờ em đã phần nào hiểu được tại sao chị lại sợ lá bùa này đến thế?

Tôi vừa nói vừa cười dùng tay nâng túi vải nhỏ đeo trước ngực lên nhìn rồi nói tiếp:

-Lá bùa này đúng là khắc tinh của ma quỷ, nó làm cho không gian xung quanh như ngưng đọng lại, tuyệt nhiên không có bất cứ âm thanh nào từ bên ngoài lọt vào, thật kỳ diệu.

-Nó phù hợp với bọn đi đào mồ trộm mả, đây là tứ bùa yêu, là tà thuật. Bọn nó đi trộm của mà có được thứ này trong tay sẽ công nhiên đào bới, nếu như... nếu như lấy hết của rồi mà bọn chúng chôn lại thứ này vào lòng đất thì... chậc chậc... chúng ta đúng là uất muốn c·hết thêm lần nữa không được.

-Thế nên chị sợ ư?

-Sợ là cảm giác, ma là linh hồn, có lẽ vì vậy mà ta n·hạy c·ảm hơn so với người còn sống.

-Nó là thứ tà thuật nhưng dùng vào mục đích chính nghĩa sẽ không còn là tà thuật nữa. – Tôi gỡ lá bùa đang đeo ở cổ ra cho vào trong ba lô – Bản thân lá bùa này là vật vô tri, đều do người dùng của nó quyết định tà hay chính chị nhờ.

-Ngươi dùng thứ này để đối phó với quỷ là điều ta chưa bao giờ nghĩ đến. Nhưng... nhưng ngươi phải hết sức cẩn thận, mới chỉ mươi ngày mà ngươi đã diệt đến hai nhóm quỷ trùng. Ta nghĩ sớm muộn sẽ có chuyện không hay xảy ra với bãi tha ma của làng này.

-Bây giờ không nghĩ nhiều được như thế. – Chị Ma nói - Với cái đám quỷ trùng chuyên làm việc xấu ấy nhất định không nói đạo lý được. Vũ lực không phải là cách duy nhất giải quyết tận gốc vấn đề này nhưng nó là cách duy nhất lúc này tỏ ra hiệu quả. Nếu không có thứ bùa tà ma này thì ta với cô cũng chỉ biết đứng trơ mắt nhìn màn sương mờ ảo mà thôi.

-Như chị Khuê nói khi nãy, nhóm quỷ trùng tiếp theo sẽ đến Cầu Khoai vào đầu tháng tới ạ? – Tôi hỏi.

-Dựa vào thói quen trước đây thì đúng là như vậy. – Chị Đẹp trả lời – Ta sẽ để ý việc này cho ngươi, dù sao ta cũng đang rảnh.

-Chị bây giờ thông thuộc hết làng trên xóm dưới rồi, mấy anh tuần binh... thế nào?

-Một lũ ngốc, ngươi đừng để ý làm gì.



-Đẹp cũng mệt hả chị Hoa? – Tôi quay sang hỏi chị Ma.

-Chị không thấy mệt, chắc vì thanh gươm của chị sắc quá, nắm đấm của chị nhanh quá. Có trách thì trách chị kết nghĩa của em đã đẹp lại còn văn thơ lai láng nhưng nắm đấm không có nên ong bướm mới lượn quanh sớm tối.

Tôi nghe vậy cũng chỉ biết tủm tỉm cười.

Tôi chia tay hai chị trở về nhà lúc gần bốn giờ sáng. Trước khi về ngủ, tôi nghe hai chị nói là sẽ đi gặp Xã Thần để moi thêm tin tức về quỷ trùng. Chị Ma vẫn chưa được ra tay, đối với một Thần giữ của như chị ấy, việc phải đứng bên ngoài nhìn mọi thứ diễn ra trước mắt chắc chắn không thoải mái chút nào.

Tôi không nhớ ai là người đã đưa ra ý định cải táng mộ phần của em gái tôi hiện đã được chôn cất bên cạnh một dòng suối nhỏ, gần một nhà máy luyện kim màu ở khu gang thép thành phố Thái Nguyên. Sau nhiều năm, chính bố tôi cũng không nhớ rõ, có lần ông nói rằng đột nhiên trong đầu nảy ra ý định đó. Tôi cho rằng điều này hợp lý bởi vì tháng 11 dương lịch là mùa Đông, mùa Đông lạnh vì thế người ta uống sữa đậu nành ít hơn nên việc sản xuất sữa đậu này cũng giảm đi đến hơn một nửa. Bố mẹ tôi là những người năng động giống như phần lớn những người Việt Nam ở thời điểm đất nước đang chuyển mình lúc ấy. Mùa Đông lạnh, doanh thu từ sản xuất sữa đậu nành, bán đá cây giảm đi thì bố mẹ tôi sử dụng nhân công hiện có chuyển sang gia công mứt Tết. Xưởng sản xuất sữa đậu nành chuyển đổi công năng từ khoảng cuối tháng 11 dương lịch. Bởi vậy bố tôi đã đổi tên cơ sở sản xuất thành Cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo, nước giải khát Nam Đồng, trong đó 113 vẫn là thương hiệu riêng của sữa đậu nành. Những đại lý là khách hàng thân quen, vốn trước đó hay nhập sữa đậu này thì bây giờ nhập mứt Tết để bán. Tôi vẫn nhớ những thứ như táo tàu, chuối khô, bí khô, nho khô hay cả những thỏi sô - cô – la hình tròn được bọc bằng lớp giấy bạc màu vàng... được để kín trong xưởng. Bạn của em trai tôi, những đứa trẻ đang học cấp II cũng hồ hởi giúp đóng gói vào mỗi tối. Chúng nó không nhận lương, đổi lại sẽ được ăn bánh kẹo, nước ngọt thoải mái. Tôi chỉ tham gia công việc này khi đã tốt nghiệp cấp III. Công việc mà tôi thành thục nhất chính là bấm ghim những hộp mứt Tết hình lục lăng, tôi luôn chọn một vài công đoạn mà bản thân tôi cảm thấy thích làm. Có những lúc tôi bấm ghim nhanh như một cái máy. Những khi ấy tôi đã từng nghĩ rằng tương lai tôi sẽ trở thành một ông chủ mùa Hè sản xuất nước ngọt, mùa Đông sản xuất kẹo bánh, quanh năm lúc nào trước mặt cũng có đồ ăn, đồ uống, chẳng bao giờ phải tốn tiền đi mua.

Việc sản xuất, đúng hơn là gia công mứt Tết và phân phối không làm bố tôi mất nhiều thời gian. Ngoài việc có nhiều thời gian cộng với dư giả tiền bạc nên ý định chuyển mộ của em gái tôi từ Thái Nguyên về Bắc Ninh là tốt. Bố tôi gọi điện về nói với tôi những dự định của bố, tôi không hiểu tại sao bố tôi lại kể những chuyện đó với tôi, tự nhiên tôi cảm thấy mình như trưởng thành hơn.

Em gái tôi mất vào đầu năm 1989, tôi và bố tôi không được nhìn mặt nó lần cuối. Mộ phần của nó tôi cũng chưa một lần được nhìn thấy, tôi là người duy nhất trong nhà không biết chính xác hình thù ngôi mộ của em mình ra sao sau khi nó mất. Bố mẹ tôi nói rằng mộ nằm cạnh dòng suối mát, có cỏ cây che nắng vào những trưa hè. Từ khi bố mẹ tôi rời Thái Nguyên vào khoảng nửa cuối năm 1989, chỉ có bố tôi thi thoảng quay lại thăm mộ của em. Chủ ngôi nhà mà bố mẹ tôi đã thuê nằm gần ga Lưu Xá đã giúp bố mẹ tôi chăm sóc ngôi mộ kể từ lúc đó. Bác chủ nhà tên là Nhơn – người miền Trung – một người đàn ông tốt bụng làm công nhân cơ khí trong khu gang thép.

-Con với bà Già có đi đón em về không bố?

Tôi hỏi bố tôi trong điện thoại. Bố tôi trả lời:

-Cụ thể như thế nào để tuần tới bố về rối bàn tính cụ thể. Bố tính thuê một xe cá mập lên đấy chở em mày về. Nếu xe đi từ Hà Nội cũng khó mà đón hai bà cháu được.

-Nhưng bố đã xem ngày chưa? Con nghe nói việc di dời mồ mả phải xem ngày.

-Bố mẹ sẽ về quê xem ngày. Cũng phải xem nơi chôn cất ở đâu.

Tự nhiên tôi buột miệng nói:

-Ơ, con thấy cạnh mộ ông nội vẫn còn một khoảnh đất trống đấy bố.

-Có à?

-Vâng, lần nào đi tảo mộ con chẳng thấy. Ừm... cũng khá là vuông vức bố ạ.

-Chỗ đấy mồ mả trong làng chôn từ đời nào rồi, bố chỉ sợ chỗ đó cũng có mộ phần của ai đó rồi nhưng mất nấm.

-Con nghĩ... con nghĩ là đất trống.

-Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng phải đi xem cho chắc chứ đào xuống mà phải tiểu quách thì đại họa, người làng lại chẳng tế tổ nhà mình lên.

-Dạ.

-Mày xem ở nhà có tìm được người chuyên đào huyệt, xây mộ không nhé.

-Bố tính thuê ai?

-Mày ở nhà biết nhiều hơn cả bố thì mày dò hỏi, không được thì nói với bà ấy. Bố muốn thuê trọn gói chứ không thuê công nhật.

-Dạ. Để con hỏi thử. Việc đào huyệt ở làng mình trước nay toàn do con cháu làm chứ mấy ai làm thuê đâu.

-Thời buổi bây giờ khác rồi. Bố thì bận, chúng mày còn nhỏ. Anh em họ hàng mỗi người một nơi, ai người ta bỏ công bỏ việc về đào huyệt giúp mình. Đào huyệt sau đó xây mộ, mộ của ông nội mày cũng xây luôn thể, cũng nhiều việc chứ chẳng ít đâu.

Tôi đạp xe từ cửa hàng nhà bác tôi về nhà nhưng đầu óc có đôi chút trống rỗng, dường như có điều gì đó còn lấn cấn mà nhất thời tôi chưa thể nghĩ ra được. Tôi rời Thái Nguyên cũng đã ngót mười năm, kỉ niệm ở nơi đó không còn nhiều, bạn bè gần như không có.

Tôi nằm đu đưa trên võng, mắt nhắm nghiền để lục lọi lại những dòng ký ức ít ỏi, mờ nhạt. Đối với tôi, khu ga Lưu Xá ấy gắn liền với lần c·hết đ·uối hụt lúc 3 tuổi, với những chiều ba anh em ngồi trên xe cút kít bằng sắt thả trôi dốc hay những lần lấy con dao cắt đậu của mẹ tôi tháo chuôi để làm bút vẽ ô tô xuống nền đất đầu ngõ. Môt chút mơ hồ hơn là những buổi chiều tà đứng trong khu vườn mít nhìn ra hướng đường tàu chờ mẹ đi chợ về. Tôi cũng nhớ nhiều lần tôi cùng với thằng em trai của mình nhặt đá đặt lên đường ray cầu mong... tàu bị trật bánh lật nghiêng! Một buổi sớm mai tôi tận mắt thấy tàu lật thật! Tôi và em trai của mình đã rất sợ bởi vì tối hôm trước hai anh em vừa mới đặt đá.



-Mày không được mở miệng ra nói với ai, nếu người lớn mà biết thì công an sẽ bắt anh em mình đi tù. Mày có muốn đi tù không?

Em trai tôi khi đó lắc đầu.

-Tao cũng không muốn. Thôi, lần sau mình không nghịch như thế nữa.

Kể từ đó anh em tôi không còn tìm cách bẫy cho tàu bị lật bằng những hòn đá đặt trên đường ray nữa. Đến bây giờ anh em tôi mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm ấy vẫn cười bởi vì chúng tôi đã từng là những đứa trẻ chẳng hiền lành gì, những đứa trẻ với mong muốn quái gở!

Chợt... trong ký ức của tôi thoáng nhớ đến một đứa con gái tên là Trang, hình như nó bằng tuổi tôi, vườn nhà nó chỉ cách vườn nhà bác Nhơn hàng rào rau mùng tơi. Con bé đó vẫn hay chui qua rào sang chơi cùng với mấy anh em tôi, lúc ấy nó đen như củ tam thất do hay dãi nắng, bố nó làm nghề sửa điện, sửa quạt, sửa cả đài cassette. Chẳng biết bây giờ nó còn đen đúa như hồi nhỏ hay không, nó đang học lớp 9, tôi chắc chắn điều này. Chỉ tiếc là tôi chẳng thế nhớ nổi mặt mũi của nó, mọi thứ trôi qua đã lâu.

-Sắp tới bố em tính sẽ di dời mộ của em gái em về Cầu Khoai.

Tôi ngồi ven đường đất, ngay gần lũy tre. Chị Ma ngồi gần bên còn chị Đẹp thơ thẩn cạnh mương nước nhỏ trước mặt, tối nay chẳng có trăng.

-Thế hả? Ừm... cũng tốt. Tốt! – Chị Ma nói.

-Em nghĩ chị cũng cần có một ngôi miếu thờ.

-Không quan trọng, có miếu hay không có miếu thì chị vẫn ở đất nhà mình thôi.

-Mấy lần trước em muốn xây miếu cho chị nhưng chị không chịu, chị bảo là cứ để mọi thứ tự nhiên. Vậy... vậy bố em thuê người xây liệu có phải là tự nhiên không chị?

-Bố em không biết chị có mặt ở mảnh đất này.

-Nhưng bà Hạ Lớn biết.

-Nếu bà Hạ Lớn bảo bố em xây thì được, riêng em không được hé miệng.

-Tại sao lại thế?

-Nếu chị đoán không nhầm, nhớ không nhầm thì bà Hạ Lớn đã vài lần nhắc bố em về việc xây miếu có phải không nhỉ?

Tôi gật đầu.

-Nhưng miếu đến bây giờ chưa được xây ắt là có nguyên do. Chị không muốn làm khó người còn sống, suy cho cùng chị em mình là người dưng nước lã nhưng có duyên quen biết nhau. Chị không muốn em là người đứng ra hoặc là người gợi ý xây miếu cho chị, chị muốn mọi thứ tự nhiên là có lý do riêng chưa thể nói ra được.

-Cô thật cố chấp, thằng bé có tâm tốt sao cô không gật đầu đi, xây miếu thì có đáng bao nhiêu? Chẳng lẽ cô để thằng bé mỗi ngày thắp hương cho cô bằng cách cắm hương xuống đất vườn mãi à?

-Cô không hiểu đâu, đây là một việc nhỏ nên trước sau gì cũng sẽ xong.

-Thế việc nào là việc lớn? – Chị Đẹp hỏi.

-Việc lớn đối với ta là tìm cách hóa giải số mệnh của thằng bé.

-Hử? – Tôi giật mình – Em làm sao mà phải hóa giải? Hóa giải cái gì?

-À, đúng hơn là để sau này em có một cuộc sống nhẹ nhàng.

-Chị lại thế, em thấy mỗi lần đề cập đến việc tương lai của em hoặc việc xây miếu thì chị đều tìm cách lảng sang chuyện khác, chẳng lẽ phía sau còn có điều gì uẩn khúc ư?

-Chưa đến lúc thì chưa nói được.

Chị Ma trả lời lấp lửng xong thì đứng dậy bước về chỗ chị Đẹp đang đứng, chẳng hiểu chị ấy đang nghĩ cái gì.



-Em gái ngươi về đây là điều tốt, gia đình ngươi tính chôn cất ở đâu?

-Bố em bảo là để bố em về rồi tính. Cái này phải đi xem thầy.

-Xem thầy? – Chị Đẹp khúc khích cười – Thầy chắc gì đã bằng bọn ta, bọn ta là ma nên cũng biết nên chôn ở chỗ nào đấy.

-Chị biết à? Chị biết xem phong thủy hả?

Chị Đẹp lắc đầu quầy quậy:

-Ta không biết nhưng ta sẽ hỏi, Xã Thần kiểu gì chẳng biết. Nếu được thì tìm cách chỉ cho bố của ngươi xây cho em gái ngươi một căn nhà mới gần chỗ ta hoặc ngoài cánh đồng này này. Cho gần.

-Không được!

Chị Ma chợt gắt lên làm tôi và chị Đẹp giật mình nhìn nhau, dường như chị Ma chưa bao giờ như vậy, tôi nhìn chị ấy với ánh mắt đầy ngạc nhiên.

-À... không được, không được! – Chị Ma chợt đổi giọng – Mộ phần của em gái thằng bé chôn ở nơi nào sẽ do thằng bé quyết định chứ không phải chúng ta, cũng không phải bố nó. Chúng ta không được xen vào chuyện nhà người ta.

-Thì ta chỉ thuận miệng nói vậy thôi chứ có ý gì đâu, sao tự nhiên cô lại to tiếng?

-À, ta... là ta không phải. Ta xin lỗi. Cô với thằng bé cứ ở lại đây chơi, ta đi có chút việc phải đi ngay.

Chị Ma nói dứt câu vội bỏ đi khiến tôi với chị Đẹp không kịp hiểu chuyện gì vừa xảy ra.

-Ngươi có thấy hôm nay cái Hoa có gì đó lạ lạ không?

Tôi gật đầu rồi trả lời:

-Chắc chị ấy có chuyện gì đó buồn bực. Em thấy chị ấy ít nói, ít vui hơn, cứ hay trầm ngâm suy tư.

-Hay nó thích thằng nào rồi nhỉ? Không thể nào. Làng này làm gì có thằng nào xứng với nó chứ.

-Em... em không biết.

-Vậy ngươi tính mộ phần của em gái ngươi đặt ở đâu?

-Em... em cũng không biết. Việc hệ trọng như vậy làm sao đến lượt em quyết định được cơ chứ.

-Vừa nãy cái Hoa nói ngươi không nghe à? Nó nói vị trí đặt mộ sẽ do ngươi quyết định.

-Sao lại là em được? Không đâu.

-Ngươi hỏi ta thì ta biết hỏi ai?

-Chuyện này có gì đó không bình thường. – Tôi nhăn mặt nói.

-Nhất định con này có gì đó giấu. Thôi ngươi về ngủ đi, để ta đi dò hỏi xem ở làng này còn khoảnh đất nào tốt rồi báo cho ngươi. Ta đáng tin hơn thầy bói chứ?

-Chị vừa xinh đẹp, vừa tốt bụng nên em tin chị.

-Ta thích ngươi vì ngươi có cái miệng toàn nói điều ta thích nghe. Thôi về ngủ đi.

Tôi lững thững cuốc bộ về nhà, lời nói và hành động ban nãy của chị ma làm tôi cảm thấy khó hiểu. Mấy năm quen biết chị ấy, tôi chưa bao giờ nhìn thấy chị ấy có thái độ như vậy cả. Chắc chắn chị ấy có điều gì đó đang cố giấu tôi.

-“Chị ấy còn có bí mật gì nữa nhỉ?”

***