Chương 362: Đêm lạnh
Sau hai tối ngủ ở nhà tôi thì đến tối ngày thứ ba R9 không lên ngủ bởi vì sắp đến ngày cúng tuần đầu cho cụ nó. Các bác, các cô... của R9 ở Hà Nội đều về nên nhà đông người, nó không dám đi ngủ lang ở nhà người khác, đó là nó bảo với tôi như vậy. Nhưng ngay buổi sáng hôm sau nó đã đạp xe lên đánh thức tôi dậy, tôi nằm co ro trong chăn đến khi nó giật hẳn cái chăn ra khỏi người tôi thì tôi mới chịu ngồi dậy dụi mắt hỏi nó:
-Cái thằng này, mới sáng sớm mày gọi tao dậy làm gì?
R9 nói với giọng run run:
-Tao bảo, đêm... đêm vừa rồi tao lại nhìn thấy cụ tao mày ạ, sợ... sợ đến đờ cả người.
Tôi nghe bạn mình nói như vậy thì tỉnh hẳn ngủ, tôi hỏi dồn:
-Cái gì? Nhìn thấy lúc nào? Cụ mày làm gì mày?
-Cụ tao không làm gì tao nhưng lại như lần trước. Tiếng nồi niêu xoong chảo rồi sau đó là cả cái sọt đựng đĩa bát để trong buồng cứ... cứ phát ra tiếng kêu.
-Tiếng kêu á?
-Giống như có ai đó nghịch đĩa bát, mở vung nồi ấy. Tao... tao thức trắng cả đêm không ngủ được.
Lúc này tôi mới thấy hai mắt R9 lộ vẻ thất thần, khuôn mặt phờ phạc. Tôi hỏi thêm:
-Nhà mày bao nhiêu người về từ chiều hôm qua, ngoài mày ra còn...
-Còn có cô tao. Tao chẳng nói gì nhưng sáng tinh mơ cô tao đã dậy rồi kể chuyện đã nhìn thấy cụ đi từ trong buồng rồi mở cửa đi ra ngoài sân. Đấy... đấy cũng là lúc tao nhìn thấy. Cụ... cụ tao còn quay lại nhìn về chỗ tao nằm...
R9 nói với giọng đầy sợ hãi, hai bàn tay nó xoa liên tuc vào nhau như cố giữ bình tĩnh. Nó nói tiếp:
-Tao... tao không nhìn được mặt, chỉ là... chỉ là một khuôn mặt tối om nhưng tao thấy lạnh, lạnh cực. Mày xem này. Bây giờ tao kể lại cho mày mà người tao còn sởn hết da gà.
R9 giơ cánh tay cho tôi xem, nó sợ tôi không tin. Tôi gạt tay nó ra rồi rời khỏi tấm phản gỗ đi tìm ấm nước vối của bà Già. R9 nhanh tay rót nước vối cho tôi vào một cốc nhựa, tôi xúc miệng rồi nhổ toẹt vào bồn hoa đầu thềm nhà. R9 lẽo đẽo theo sau, kiên nhẫn chờ đợi tôi đánh răng, rửa mặt. Vệ sinh cá nhân đâu đó xong xuôi thì hai thằng mới bắt đầu đánh chén đĩa bánh cuốn mà bà Già đã mua sẵn cho tôi từ lúc tờ mờ sáng. Cái chợ nhỏ tí ở làng tôi thật lạ kỳ, mới 5 giờ sáng đã có người bán, giờ ấy tôi còn đang say giấc nồng. Trong bao nhiêu năm ở làng thì chỉ có một vài buổi sáng hiếm hoi tôi tham gia phiên chợ từ lúc gà gáy, phiên chợ toàn các cô, các bà chứ chẳng thấy bóng dáng một ông cụ nào. Các ông cụ nếu đã thức giấc thì giờ đó họ đang pha ấm chè rung đùi ngồi làm một bi thuốc lào cho ấm người.
-Có gì từ từ kể xem nào, làm gì mà sợ mất mật thế kia. Tao nhát hơn mày mà tao còn không sợ tí nào.
-Đấy là mày không trải qua nên mày... à không phải... do mày nhìn thấy ma nhiều có khi quen rồi chứ tao thì... thì sợ... sợ vãi ra quần luôn.
-Thế mày thay quần chưa?
-Cái thằng này, giờ này còn đùa được nữa. Mày... mày phải tìm cách giúp tao với.
-Làm gì thì cũng phải đến đêm chứ ban ngày ban mặt như này ma ở đâu ra mà giúp với chả không giúp. Với lại tao có phải là thầy phù thủy hay ông sư đâu.
-Thế thì mày nghĩ cách xem nào.
-Mà có đúng là cụ mày về thật không?
-Thật! Dáng dấp của cụ tao, đến quần áo cũng y chang.
-Quần áo mặc lúc nhập quan là quần áo mới cơ mà.
-Ừ thì mới, nhưng vẫn giống những bộ trước đây cụ tao mặc lúc còn sống chứ có gì khác đâu.
-Thế cô mày nói gì? Cô mày nhìn thấy gì?
-Thì cô tao kể là nhìn thấy cụ chống gậy đi từ trong buồng ra giữa nhà, mở cửa bước ra ngoài sân.
-Thế cửa có mở không?
-Cửa không mở mới lạ chứ, cảm giác như... kiểu như... kiểu như ảo giác hay gì đấy.
-Thế mày nhìn thấy cụ mày lúc nào.
-Tao nhìn thấy lúc cụ tao trước còn cô tao nhìn thấy sau. Tao nhớ... tao nhớ là cách nhau cũng đến nửa tiếng chứ chẳng ít.
-Cái gì? Không phải là nhìn cùng lúc à?
R9 lắc đâu, mặt nhăn nhó nói tiếp:
-Đấy mới là hãi. Lúc tao nhìn thấy thì tao sợ quá cứ nằm im để nhìn, chẳng dám động đậy. Nhắm mắt mãi tao vẫn không ngủ được, một lúc lâu sau tao thấy cô tao vén màn ở giường bên kia ra ngồi ở bàn uống nước. Cô ấy châm đèn dầu rồi vặn to nên mẹ tao cũng dậy, sau đó là cả bà tao luôn. Tao nằm ở giường bên này nghe ba người thì thào.
-Thế bố mày đâu?
-Đi chơi tổ tôm bên hàng xóm với mấy ông cụ, lúc tao lên đây thì bố tao vẫn chưa về.
-Mấy cái bài toàn chữ Tàu ấy có gì hay mà chơi mãi thế nhỉ?
-Mỗi người có một đam mê, mình không thích thì chẳng hiểu được đâu.
-Mày nói phải. – Tôi gật gù đồng ý.
-Đêm nay... đêm nay chắc tao tìm cách để lên đây ngủ với mày. Ngủ ở nhà mày tao thấy ấm hơn bao nhiêu.
-Mày tưởng tượng thế thôi. – Tôi vừa nói vừa liếm mép – Nhà tao ở ven làng, có tí gió nào thổi vào thì nhà tao hứng đầu tiên thì làm sao mà ấm cho được.
-À... cũng có thể. Tối nay tao lại lên đây ngủ.
-Thế còn cụ mày, mày tính như thế nào? Từ giờ đến lúc bốn mươi chín ngày có khi đêm nào cụ mày cũng hiện hồn về không chừng.
-Bởi thế nên tao hãi quá, tao giờ chẳng nghĩ được gì.
-Mày mười bảy tuổi đầu rồi có còn trẻ con đâu mà sợ té đái như thế. Thế hai lần mày nhìn thấy thì cụ mày đều đi từ trong buồng ra cửa à?
R9 gật đầu rồi nói nhỏ:
-Lần trước tao không nhớ là mấy giờ nhưng lần này thì tao biết, lúc tao nhìn thấy hồn của cụ tao là hơn 3 giờ rưỡi.
-Sao mày biết?
-Đây, tao đeo đồng hồ đi ngủ mà.
R9 chìa cổ tay vẫn đeo cái đồng hồ Casio ra cho tôi xem. Thói quen đeo đồng hồ bất kể ngày đêm của thằng này chẳng hiểu bắt nguồn từ đâu và kéo dài cho đến gần đây, vài chục năm mà nó không thấy chán. Những mùa hè nắng cháy da thì cổ tay chỗ đeo đồng hồ vẫn trắng hồng. Chẳng bù cho tôi, đồng hồ đeo thì lúc nhớ lúc quên, toàn dùng... cảm giác để ước lượng thời gian. Đôi khi tôi nghĩ mình thực sự phù hợp sống ở thời kỳ tiền sử hơn, một kiểu người từ chối những thứ hiện đại, tiện lợi, chỉ thích những thứ cơ bản, gần như là tối thiểu.
-Cụ mày mất lúc mấy giờ? – Tôi hỏi.
-Ai mà biết chính xác được.
-Tao nghĩ có khi cụ mày mất vào khoảng thời gian hơn 3 giờ sáng đấy.
-Sao mày nghĩ thế?
-Căn buồng đó chẳng phải cụ mày lúc còn sống hay ngủ hay sao?
-Ừ, mấy chục năm, từ trước khi tao ra đời luôn.
-Có thể đấy là một thói quen. Tao thấy như bà tao cứ tầm ba giờ sáng lại dậy đi tiểu, đêm nào cũng như đêm nào.
-Cụ già nào cũng thế, chẳng riêng gì bà mày đâu.
-Thôi, mày ăn xong thì lên giường mà chợp mắt. Tao cũng đi ngủ tiếp chứ không thiếu giấc đến trưa lại ngáp ngắn ngáp dài. Để tao hẹn đồng hồ dậy lúc 10 giờ rưỡi nhé.
Căng da bụng thì chùng da mắt, R9 ăn no nên tinh thần chắc đã ổn định hơn, còn tôi thì chỉ dụ cho nó mau đi ngủ vì mắt tôi cũng díp lại rồi.
Trung tuần tháng 10 âm lịch trời khá lạnh, thời gian đã trôi qua hơn hai mươi năm nên tôi thực sự quên đi phần nào những đêm lạnh như cắt da cắt thịt. Đường làng vào ban đêm dường như tĩnh mịch hơn khi bước vào mùa đông. Bóng đèn điện bình thường thắp sáng ở những đầu ngõ chẳng hiểu vì sao vào đêm ấy đều tắt ngúm, không gian bốn bề đủ làm những kẻ yếu tim không dám bước chân ra khỏi cổng chứ đừng nói gì đến việc bước ra đường làng. Tôi lẳng lặng rời nhà lúc hơn 2 giờ sáng sau khi leo phản ngủ từ lúc 10 giờ khuya. R9 đã đánh thức tôi dậy nhưng nó lại không đủ can đảm để đi cùng tôi về chính nhà nó hoặc cái chăn ấm làm nó không muốn chui ra. Tôi thấy như vậy cũng ổn bởi vì nếu nó chạm mặt cụ nội nó vào một đêm khuya như thế này tôi sợ rằng nó sẽ hét lên và ù té chạy. Tôi chẳng muốn nửa đêm nửa hôm rời nhà, nhất là vào những đêm mùa đông như thế này nhưng tính tò mò đã thôi thúc tôi, làm động lực cho tôi tỉnh ngủ. Hành trang tôi mang theo bên mình cũng không có gì nhiều, bên trong cái ba lô lép kẹp là thanh kiếm gỗ cùng hai túi vải nhỏ mà sư thầy đã cho. Một túi đựng gạo rang, túi còn lại đựng lá bùa đã thó được của lão trọc đầu mấy tháng trước.
-Sao không ngậm lá vối lên cho đỡ lạnh hả em?
Chị Ma đi gần bên tôi, thấy tôi vừa bước vừa co ro nên đã lên tiếng hỏi. Tôi nắm một bàn tay đưa lên miệng thổi vài hơi mới trả lời:
-Để cho tỉnh ngủ chị ạ. Đang tuổi ăn tuổi ngủ mà hai giờ sáng chui ra khỏi chăn như thế này thật sự là rất khó.
-Cũng lâu lắm rồi em không đi đâu vào ban đêm nên chưa quen đó thôi.
-Chị có nghĩ bà cụ sẽ xuất hiện vào giờ Dần không?
-Chị tin là như thế. Bà cụ mất vào giờ Dần nên cứ xem như đó là giờ linh đi.
-Mà sao cứ giờ đó bà cụ lại từ trong buồng đi ra, chị có nghĩ đó thật là thói quen không chị?
-Thói quen mà, mấy chục năm đã như vậy, mới làm ma được vài ngày nên nhất định còn giữ một vài thói quen, hơn nữa hồn vía vẫn lẩn khuất trong nhà.
-Em chỉ lo bà cụ yêu con quý cháu lại về rủ thằng bạn em ra nhập hộ khẩu Cầu Khoai thì...
-Bình thường chẳng mấy khi như vậy, chị nghĩ có dấu hiệu của việc trùng tang. Từ trước em chẳng để ý việc này mấy nên không biết, chị cũng không để ý nhưng có vài vong nói với chị rằng việc trùng tang là có đấy nhé.
-Thế sau này nhỡ bà Già em mất thì bà em có về rủ em đi làm ma không?
-Đã bảo là không có chuyện đó xảy ra với em, việc của người khác chị không rõ lắm nhưng việc trùng tang xưa nay cũng xảy ra nhiều ở các nơi chứ chẳng riêng gì làng mình đâu.
Hai chị em rẽ từ đường làng vào ngõ nhỏ sâu hun hút, tối om như hũ nút dẫn vào khu Đông. Trước mặt tôi là mấy bụi tre đang nhẹ lay động theo từng cơn gió. Một trong số các cây tre kia là nơi ông Thủ Tùm đã từng ngồi vắt vẻo rồi nhảy xuống ao, ông ấy đã đi đầu thai được mấy năm, chẳng biết ở nơi chốn nào.
-Muốn chấm dứt việc này thì sư thầy làm lễ giải trùng hoặc đưa hồn đi gửi ở chùa... chùa Hàm Long, cũng trong tỉnh này thôi. Một vài nhà trong làng này chị nghe nói đã từng mang lên chùa đó gửi.
-Gửi lên chùa thì tốt, em sẽ tìm cách nói với thằng Hưởng.
-Theo chị thì chẳng nên đâu. Cha ông tổ tiên mà mình lại đưa hồn đi nhốt ở chùa, như thế có vẻ như là bất hiếu.
-Gửi chứ sao lại nhốt. Mà không gửi ở trên cái chùa miệng rồng ấy thì các cụ lại về bắt con, bắt cháu đi có phải khổ không. Thế cái ông thần trùng kia là ông nào thế chị? Chị đã từng nhìn thấy ông ấy chưa?
-Chị chưa thấy bao giờ nhưng có nghe nói. Thần trùng ép mấy vong còn non như kiểu ma mới này về bắt con cháu đi cho vui mà phần lớn các ma mới chấp nhận bị t·ra t·ấn, bị đ·ánh đ·ập chứ không chịu khai tên con cháu ra. Như bà cụ này, chị nghĩ cụ ấy là ma già có khi bị lẫn.
-Thế thì đập cho cái ông thần trùng ấy một trận là xong, thần gì mà thần kiểu ấy, còn chẳng tốt bằng ma.
-Gọi là thần trùng chứ có phải là thần đâu. Thần cũng có thần nọ thần kia nên mới nói là chẳng có ma tốt hay ma xấu, là do tâm địa của từng ma lúc còn sống, sống sao thì làm ma như thế. Thần thì chị nghĩ cũng chẳng khác gì.
Hai chị em đang đi đều, vừa mới qua chỗ cái cống đá thì chị Ma chợt dừng bước quay lại nhìn về phía cây thị. Tôi đi lố đà vài bước cũng dừng lại cùng lúc chị Ma cất tiếng:
-Lấp ló ở đấy làm cái gì. Cô định đòi ăn khoai lang nướng đấy hả?
Trên cành cây thị, phần chìa ra ngoài ngõ nhỏ bắt đầu hiện rõ hình người đang treo cổ. Trong một đêm lạnh mà nhìn thấy cảnh này tôi chợt rùng mình.
-Ta có làm phiền gì hai chị em nhà cô đâu.
-Ta có nói là cô làm phiền gì. Cô lại đây ta bảo.
Hồn ma nữ treo cổ đặt chân xuống đất tiến nhanh lại chỗ chị Ma đang đứng, trên cổ vẫn có sợi dây thừng thít chặt, phần còn lại của sợi dây thừng ngoe nguẩy sau lưng ma nữ này.
-Ban nãy có phải cái Khuê mới ở đây đúng không?
-Sao cô biết?
-Ta đoán thôi, cái con bé ấy có đêm nào chịu ở yên trong miếu của nó đâu. Ta sợ rằng nó bây giờ đã thông thuộc hết đường ngang ngõ tắt, biết mặt rồi quen thân với ma cả cái làng này rồi. Nó nhiều tiền quá nên tiêu vung tiêu vãi, cái vòng bạc đeo trên tay cô chẳng phải đồ của nó cho hay sao?
-Cô... cô tinh mắt thật. Đây đúng là vòng bạc mà cô Ngọc Khuê tặng cho tôi. Tôi... tôi ở đây cô quạnh bao nhiêu năm buồn quá, có cô ấy đến chơi mấy đêm liền tự nhiên thấy vui hẳn ra.
-Cô đi lại tự do thì lên mà chơi với nó.
-Tôi... tôi sợ mình thấy người sang bắt quàng làm họ không hay.
-Cô nghĩ nhiều thế làm cái gì.
-Đêm nay sao cô lại vào ngõ này làm gì? Thằng bé kia lại còn giả ma giả quỷ nữa.
-Ta đi theo để bảo vệ cho nó. Ngõ này có bà cụ mới mất vào giờ phạm, mấy đêm liền về dọa thằng cháu...
-À, con bé mới mất đấy hả? Nó là cháu họ của tôi đấy.
-Ơ, cháu họ cô à? Họ gần không?
-Thật ra chồng nó mới là cháu họ chứ nó chỉ là cháu dâu họ thôi. Sống thọ phết đấy, ngoài cửu tuần mới làm ma. Từ hôm đấy tôi cũng chưa gặp, chờ đến thất tuần gặp cũng không muộn. Mà phạm giờ à?
-Ta cũng chưa biết chính xác nên đêm nay mới đi rình xem sao.
-Ma rình ma làm gì cho phiền ra, cô cứ hay nhúng tay vào việc của người khác thế làm cái gì.
-Ta cũng không muốn nhưng thằng bé chắt nội của bà cụ ấy là bạn thân của thằng bé này, bởi thế ta mới phải nhúng tay vào chứ ta đâu muốn. Mà này, nhà ấy không thấy có bà cô Tổ thì phải.
-Chưa có, Mấy đời trước không có ai là nữ c·hết trẻ, trừ tôi. Bởi thế nên nhà đó không có bà cô Tổ.
-Sao cô không ứng tuyển vào chức vị ấy đi, cô cũng trẻ mà.
-Tôi làm ma treo cổ ở đây đã lâu, có tháng được về một lần có tháng không lần nào. Con cháu quên cả tên rồi thì muốn cũng chẳng được.
-Kiếp sau có được đầu thai làm người thì đừng có treo cổ nữa, làm ma treo cổ cô không thấy xấu à?
-Tôi mà biết ma treo cổ xấu xí thế này thì ta đã không treo cổ, biết thế uống thuốc sâu cho rồi. Nhìn cô với cô Ngọc Khuê đẹp thế này tôi ghen tị quá.
-Kể ra thì cô cũng không xấu lắm đâu, chắc vừa treo thì người ta phát hiện ra hả?
Ma nữ treo cổ gật đầu thay cho câu trả lời. Ma nữ này là tổ tiên mấy đời trong dòng họ nhà R9 thì tôi không biết, khu này cũng gần nhà nó, um tùm hơn cả khu nhà tôi. Đi thêm hơn chục mét nữa cạnh bờ ao là “nhà cũ” của ông Thủ Tùm. Tôi chợt nghĩ cái làng này còn chỗ nào không chôn người nữa hay không.
-Cô Ngọc Khuê lúc nãy bảo ghé vài chỗ rồi tìm cô mà giờ cô lại ở đây chẳng biết có tìm được không nhỉ?
-Nó muốn thì nó sẽ tìm được, cái làng bé bằng lỗ mũi chứ to tát gì mà không tìm thấy. Sắp rằm rồi, để ta nhờ thằng bé gửi cho cô hai bộ váy áo mà mặc, đi lại trong làng cũng phải bằng người ta chứ.
-Đội... đội ơn cô, quý hóa quá.
-Đừng khách sáo như thế, đều là đàn bà với nhau cả.
Chợt chị Ma quay sang nói với tôi:
-Em đi trước đi, chị ở đây nói chuyện một tí. Dù sao chị cũng không vào trong đất nhà bạn em được.
Tôi gật đầu mấy cái để chào luôn một lượt hai chị ma đàn bà đang bận tám chuyện, trước khi tôi bước đi thì câu chuyện của họ nói về món... bánh đúc bởi vì nhà bà bán bánh đúc ở trong con ngõ có cây thị ấy.
Tôi đột nhập vào khu vườn nhà R9 bằng cách trèo qua cổng chứ cánh cửa bằng tre của nhà nó đã có sợi khóa dây chẳng thể nào lách người qua được. Tôi biết nhà R9 có nuôi chó, một con chó rất to, to gấp đôi con Mực của nhà tôi vì thế khi đặt chân xuống vườn tôi phải nhẹ nhàng hết sức có thể bò từng đoạn một tránh gây tiếng động không cần thiết.
Nhà R9 có một cái bể nước xây bằng gạch kiểu dáng giống với bể nước của nhà bà ngoại tôi nhưng tôi đã rất nhiều lần khuyên R9 nên đập cái bể nước đó đi, chỉ đến khi R9 có đủ tiếng nói trong gia đình thì tự tay nó đập bởi vì cái bể nước này làm tôi liên tưởng đến một cái quan tài. Từ lần đầu tiên nhìn thấy cho đến những lần sau này đều như thế. Bể nước nằm cạnh đầu hồi nhà, sát lối đi ra cổng, bên kia lối đi là cây vải thiều sum suê. Bể này không chứa nước, chỉ có lá khô và nước mưa đọng lại đen ngòm. Tôi leo lên ngồi bó gối ngay trên cái bể đựng nước, ngay trước mặt tôi là khoảng sân lát gạch, chừng mười mét phía tay phải là cửa của căn nhà cổ, nơi mà tôi tin rằng hồn ma của bà cụ sẽ bước từ trong đó ra ngoài sân. Sau khi ngồi quan sát một lúc thì tôi tụt xuống ngồi tựa lưng vào thành bể để theo dõi trong sân.
Tôi muốn biết hồn ma của bà cụ từ trong nhà ra sân để làm gì, nếu hồn ma đi vệ sinh thì cũng ở hướng bên kia, R9 đã kể cho tôi rất nhiều thứ bởi vậy tôi khá tự tin vào lần đi rình ma này.
Bên trong nhà rất tối, ánh đèn dầu vặn nhỏ hết cỡ không đủ ánh sáng để lọt qua những khe hở nho nhỏ giữa những tấm ván gỗ nhuốm màu thời gian. Nhà của R9 là một ngôi nhà gỗ cổ, tôi chẳng biết cổ đến mức nào nhưng hồi những năm 2007 có người ở đâu đó về đã trả giá ba trăm triệu, người ngăn cản việc bán ngôi nhà là người ông mà bố R9 gọi là chú ruột, nhà ở gần bên. Lần đó tôi và R9 ngồi trong một quán nước chè nói chuyện, nó kể về việc này thì tôi xúi nó bán, không phải là tôi tham tiền mà bởi vì tôi nhìn thấy ngôi nhà đã xuống cấp theo thời gian. Nếu không có tiền trùng tu thì nên bán đi, số tiền ấy đủ để xây một ngôi nhà mới khang trang hoặc đủ tiền để mua một mảnh đất nho nhỏ ở khu ven Hà Nội. Ngôi nhà cổ cuối cùng không bán mà phá dỡ để... tự phục dựng lại, làm nửa chừng thì hết tiền nên kéo dài mãi. Đến khi làm xong thì tôi về chơi thấy cổ trẳng ra cổ, kim chẳng ra kim.
-Ai phục dựng kiểu này đấy mày? Sao cái nền nhà cao tổ bố như nhà xây chống lũ thế này?
-Ông Quỳnh tao, ông ấy ghê gớm thì mày biết rồi. Bố tao thì... chậc chậc.
-Ông mày làm thợ mộc nhờ?
-Ừ!
-Thợ mộc thì lo mà làm thợ mộc đi, hiểu biết chẳng đến đầu đến đũa. Cái nhà cũ mà bán đi hồi ấy thì bây giờ bố mẹ mày cũng có một mảnh đất Thủ đô làm chỗ chui ra chui vào rồi nhờ.
-Thì bọn mình chưa có tiếng nói, biết làm sao được.
Tôi biết R9 cũng buồn. Ông Quỳnh của nó mỗi lần gặp tôi đều chào hỏi rất to, hỏi thăm rất kỹ... nhưng tôi chưa bao giờ thích ông ấy, không phải do ông ấy khó tính mà bởi vì tính gia trưởng bắt con cháu phục tùng, nhất nhất làm theo không dám trái ý. Nếu tôi ở vào vị trí của R9 thì chẳng biết sẽ thế nào nhưng tôi chắc chắn sẽ nói ra tiếng nói của mình chứ không chịu vâng dạ.
Cái nhà mới sau này xây cũng hết hơn bốn trăm triệu rồi... để không! Đến khi nào bố mẹ R9 già sẽ về ở.
-Kẹt t t t t!
Tiếng cánh cửa gỗ màu bạc phếch mà tôi thường thấy khi đến chơi lúc ban ngày bỗng nhiên vang lên. Tôi nín thở chờ đợi, rất nhanh sau đó thấp thoáng một bàn chân chậm rãi đặt xuống khoảng sân, sau đó là bàn chân còn lại rồi mới đến bóng người. Bóng dáng bà cụ nhỏ nhắn, hơi còng lưng, đầu đội khăn mỏ quạ tối màu đang dùng hai tay làm động tác khép cửa lại.
-Kẹt t t t t!
Bà cụ chậm rãi xoay người, một tay chống gậy, tay còn lại để ra sau lưng đi ra hướng cổng nhà. Từ chỗ tôi ngồi thì nhìn rõ bóng hình của bà cụ nhưng không nhìn thấy mặt do cùng đứng trên một đường thẳng. Nhưng khoảng khắc khi bà cụ với tay đóng hai cánh cửa gỗ rồi quay mặt ngang qua hướng tôi đang nấp, tôi không nhìn được rõ mặt mặc dù trăng sáng nhưng tôi có thể cảm nhận rõ hơi lạnh, cái lạnh của n·gười đ·ã k·huất. Khăn mỏ quạ trùm kín đầu bà cụ, nơi đáng ra là khuôn mặt quen thuộc lại là một màu đen với hai đốm sáng nhỏ màu đỏ như hai con mắt sáng rực trong đêm.
-Cọc... cọc... cọc!
Tiếng gậy tre nện nhẹ trên nền gạch, âm thanh vọng đến bên tai tưởng gần ngay bên cạnh nhưng sau đó lại cảm thấy xa hun hút. Tôi từ từ nhổm người dậy nhìn theo bóng dáng nhỏ thó đang khuất dần sau tán lá của mấy cây na trong vườn.
***