Chương 360: Bóng ma bên khung cửa
Chương 360: Bóng ma bên khung cửa
***
Sáng ngày thứ Ba thì cụ của R9 được bà con thân thuộc cùng dân làng tiễn ra Cầu Khoai từ sớm. Tôi, Chắc Gạo cùng vài đứa khác nhận nhiệm vụ kéo xe tang từ đầu làng về gần cổng nhà R9, đến khi đưa đám thì bọn tôi nhận nhiệm vụ cầm cờ, cầm câu đối... Đó là một buổi sáng yên bình, tôi nghĩ như vậy. Có lẽ cụ Trưởng bạ đã lớn tuổi, chín mươi ba tuổi được coi là thượng thọ không chỉ riêng ở làng tôi vì vậy đám ma rất ít tiếng khóc thê lương. Tôi đã từng tiễn nhiều người ra Cầu Khoai hay những nghĩa trang khác trên cả nước và tôi kết luận rằng tiễn đưa người trẻ sẽ làm bản thân tôi cảm thấy buồn. Những lúc như thế tôi chỉ biết thở dài, mắt nhìn xa xăm. Xã hội mỗi ngày một phát triển nên đám ma cũng bớt thủ tục rườm rà, cũng có chút gì đó công nghiệp hóa hơn so với hai chục năm về trước.
Trong đám ma đưa tiễn cụ của R9 về nơi an nghỉ cuối cùng này, tôi có gặp hai đứa trẻ, một trai một gái. Tôi không có nhiều ấn tượng về hai đứa trẻ này nếu như đứa con gái mới khoảng hơn một tuổi do đứa em gái con nhà cô Lý tôi bế theo. Con bé nói rằng hai đứa là con của cô ruột nó. Ở làng quê thì việc họ hàng lẫn lộn, chồng chèo lẫn nhau cũng là một việc hết sức bình thường. Sở dĩ tôi nhớ là vì ngày cưới của bố mẹ hai đứa nhỏ này là mùng Sáu Tết, lần đó tôi đã bị một quả pháo cối nổ trên tay làm sưng môi, cũng may mà chẳng mù mắt hoặc nát bàn tay. Chuyện này cũng đã mấy năm rồi.
Cô Lý tôi lấy chú Toàn, cô chú có hai đứa con gái và một đứa con trai út. Con bé lớp tên là Bích Diệp, nó sinh năm Bính Dần, bẳng tuổi với thằng em trai tôi. Bích Diệp là một đứa lanh lợi, mau mồm mau miệng, giỏi buôn bán... khi đang thì con gái có hàng tá anh theo đuổi, tôi cũng vì thế có chút lợi lộc vì là anh trai họ. Tôi chẳng hiểu sao mình có mấy đứa em gái - kể cả em con bà cô ruột – lúc chúng nó yêu đương thì tôi đều được ăn, được uống... thi thoảng chỉ cần tư vấn cho chúng nó vài câu vô thưởng vô phạt để uốn nắn các chàng người yêu. Có vẻ như tôi là một ông anh đáng tin với những lời khuyên chí lý, nếu làm theo thì các chàng người yêu chỉ có b·ị t·hương theo ý muốn.
Vào một đêm gần cuối năm, cái Diệp gọi cho tôi giọng hốt hoảng thông báo đứa em họ của nó, bé gái nhỏ xíu, xinh xinh mà nó bế trong ngày đưa tiễn cụ của R9 ra Cầu Khoai đã nhảy cầu, tuổi con bé mới ngoài hai mươi. Nửa đêm một ngày gần Tết, trời phương Nam cũng lạnh, tôi đứng một mình trên thành cầu Đồng Nai nhìn xuống dòng nước đen ngòm phía dưới, thật khó mà cứu khi bản thân ai đó đã cố tìm đến c·ái c·hết dưới dòng nước lạnh lẽo. Tôi là một trong những người đến đầu tiên mặc dù tôi không có họ hàng trực tiếp gì với con bé đã mất ấy, chỉ là người cùng làng hoặc nếu có tính dây mơ rễ má thì tôi là cháu cô Lý. Đêm đầu tiên không tìm thấy, vài đêm sau cũng không thấy cho đến khi tìm thấy đã mấy ngày sau cách cầu tận vài cây số. Trong thời gian đó tôi làm nhiệm vụ đưa đón một vài người quen từ nơi khác đến. Sau khi con bé mất một thời gian ngắn thì nó hay về “thăm” các cháu nhưng đám trẻ con còn nhỏ nên chưa biết sợ là gì. Những đứa bé mấy tuổi chưa biết đến ma nhưng người lớn khi thấy trẻ con nói chuyện với khoảng không trước mặt và khẳng định vừa nói chuyện với con bé mới mất thì ai cũng lạnh người.
Tôi không phải là thầy phù thủy, tôi cũng không thể xem tướng cho người khác nhưng chẳng hiểu sao thi thoảng gặp người nọ người kia thì trực giác của tôi lại mách bảo điều gì đó rất khó lý giải, mãi rồi thành quen nên tôi cũng chẳng để ý nữa. Tôi nhớ con bé ấy rất dễ thương, nó có một thằng anh hơn nó hai tuổi có một biệt tài từ lúc nhỏ ấy là nặn đất sét. Thằng bé có thể vẫn nói chuyện với người khác trong khi hai tay vẫn nặn những hình nhân nào đó mà nó từng xem trên tivi, đôi khi là siêu nhân, thậm chí cả Hesman... nhưng nó rất ít nói, người gầy gò với đôi mắt trũng sâu vô hồn. Đến bây giờ gần ba mươi tuổi nó vẫn ngại giao tiếp với những người xung quanh, tương lai tôi nghĩ cũng không được sáng sủa. Bố của nó nghe đâu có căn làm cô đồng hay thầy đồng gì đó, lập điện thờ nhưng không theo đến cùng.
Tôi lại kể lan man rồi.
Sau khi đưa cụ của R9 ra Cầu Khoai thì mọi người trở về nhà nó ăn cơm, tôi thì không. Khi tôi còn ở quê, tôi nhớ rằng mình chưa bao giờ ăn cơm, ăn cỗ sau khi đưa ma hoặc bốc mộ, kể cả ở nhà bà ngoại tôi mấy năm trước thì tôi cũng chỉ đến cho có mặt hoặc nại ra lý do nào đó để tránh mặt. Tôi không hiểu tại sao lại như vậy, nhưng tôi nhớ mỗi khi ngồi vào mâm cỗ là tôi luôn cảm thấy lợm giọng.
Mới chập tối hôm ấy khi tôi mới đi học về còn chưa ăn cơm thì chị Ma đã gọi tôi ra đầu hồi nhà. Chị ấy hỏi han vài việc, nói với tôi vài điều rồi cuối cùng đến cả chuyện cụ nội của R9 mới mất.
-Bà cụ ấy mất vào giờ linh, đêm nay về thăm con cháu đấy.
-Em nghe mọi người bảo là cụ ấy lớn tuổi thì mất thôi chị ơi.
-Nhưng mất vào giờ linh, cẩn thận không lại về rủ con cháu đi cùng.
-Rủ con cháu...?
-Bà cụ ấy mất vào lúc gần gà gáy, giờ quan rất xấu, hơn nữa bà cụ chưa muốn thác vì còn lo lắng cho con cháu. Cẩn thận không lại trùng tuần đầu.
Tôi nghệt mặt ra không hiểu, chị Ma hỏi:
-Bạn em là cháu trưởng của nhà ấy phải không?
Tôi gật đầu.
-Thế thì kiểu gì ngày mai nó sẽ nói gì đó với em ngay thôi.
-Nói gì hả chị?
-Bà cụ sẽ về thăm nó, có khi lại rủ nó đi cùng không chừng.
-Sao... sao chị biết ạ?
-Chị nghe nói vậy nên tiện miệng cho em biết.
-Thế có cách nào không chị? Nó là bạn em, nhỡ cụ nó rủ nó đi thì sao, chả lẽ sau này em gặp nó khi nó đã thành ma à?
-Bây giờ gia đình nhà người ta chưa biết bà cụ mất vào giờ phạm đâu, vài ngày nữa sẽ biết. Khi ấy em chỉ cần lựa lời nói với bạn mình bảo người nhà đi xem cụ thể lại giờ mất, cẩn thận không lại trùng tang.
-Giờ mất của bà cụ là lúc nào, chị có biết không?
-Muốn biết chính xác thì tí nữa chị hỏi là được thôi, nhưng em đừng lo lắng quá. Hôm trước lúc đang liệm bà cụ thì sư thầy đã bỏ vào bốn góc của quan tài một bộ bài Chắn đã cũ.
-Bài Chắn ạ? Chả lẽ gửi thứ ấy để các cụ chơi khi thành ma ư?
Chị Ma lắc đầu, nhẹ nhàng giải thích cho tôi vài điều nhưng lâu quá rồi tôi không nhớ nổi. Đại khái là một bộ bài Chắn bỏ đi 20 quân thuộc bộ Nhất và bộ Nhị kèm với một cuốn lịch Tàu... để hóa giải. Mấy điều này tôi không chú ý bởi vì tôi không phải là con cháu, chỉ là bạn bè của con cháu nên chỉ có mặt ở ngoài cổng hoặc sân nhà. Thêm nữa, lũ chúng tôi vẫn là trẻ con nên có nhìn thấy cũng chẳng hiểu những điều người lớn đang làm nhưng nhờ chị Ma nói thì tôi biết đây là cách dân gian dùng để giải trùng.
-Liệu... liệu em có phải nhớ kỹ những điều này không chị?
Chị Ma lại lắc đầu một lần nữa, chị ấy nói:
-Nhớ cũng được, chẳng nhớ cũng được. Dù sao những điều này còn lâu mới xảy đến với em, thậm chí không xảy ra với gia đình em đâu, trẻ con biết nhiều làm gì.
-Em bây giờ cũng lên lớp 10 rồi chứ ít gì đâu mà trẻ con, em đã có Chứng minh thư, sắp thành người lớn rồi ạ.
-Người lớn? – Chị Ma bĩu môi như kiểu coi thường – mới có tí tuổi đầu lại cứ thích đòi làm người lớn, chị đây mấy trăm năm còn chưa dám nhận mình là người lớn đây này.
-Chị nói em mới nhớ, chỉ hai năm nữa em sẽ bằng tuổi chị, ba năm nữa em sẽ hơn tuổi chị. Khi ấy chị xem thế nào, chị em mình có nên thay đổi cách xưng hô không?
-Em có muốn chị cắt lưỡi không? Kể cả em có già khọm, mắt mờ chân chậm thì em vẫn chỉ là thằng trẻ con nhiều tuổi thôi em ạ.
-Vô lý.
-Có gì mà vô lý?
-Người nhiều tuổi hơn phải là vai trên chứ ạ.
-Chị năm nay gần sáu trăm tuổi, em xem có cách nào hơn tuổi chị được không?
-Nhưng mà em...
Thanh kiếm của chị Ma tự nhiên lại được rút ra rồi giơ lên cao, trăng còn chưa có nhưng tôi có thể nhận thấy lưỡi kiếm sáng loáng.
-Em xem thanh kiếm này có sắc không?
Tôi nhăn mặt nhìn chưa hiểu câu hỏi vừa rồi thì chị Ma đã nói tiếp:
-Ở làng này chị là mạnh nhất, nhiều tuổi nhất, trẻ nhất... nói chung cái gì chị cũng nhất. Em muốn giành vị trí đó của chị hay sao?
-À không, không!
-Thế thì tốt. – Chị Ma tra kiếm vào bao rồi nhếch miệng cười vớ i tôi, nụ cười đắc chí – Trẻ con đúng là dễ bảo.
-Chị ngang ngược thì có.
-Em biết như thế cũng tốt.
-Mà chị này, hôm kia em ra ngoài Cầu Khoai dọn mộ cho ông nội của em, em lại thấy con mèo trắng lần trước em đã kể với chị, đây là... là lần thứ tư em nhìn thấy con mèo ấy.
-Mèo trắng?
-Vâng! Nó còn dụi đầu vào chân em sau đó biến mất giữa ban ngày ban mặt. Em nghĩ... em nghĩ đó là một con mèo ma.
-Ma thì sao, em sợ à?
-Ma thì em không sợ nhưng... – Tôi băn khoăn – Nhưng đôi mắt của con mèo ấy nó cứ nhìn em kiểu gì ấy, ánh nhìn làm em lạnh hết cả người. Chị... chị ở làng này lâu, quen biết lại rộng rãi...
-Em muốn chị tìm hiểu về con mèo trắng đó ư?
Tôi gật đầu nhưng chị Ma lại cười nhẹ rồi lắc đầu.
-Chị chỉ có thể nói rằng con mèo trắng đó không làm hại gì đến em chứ ngoài ra chị không biết gì thêm.
-Chị không biết? Sao lại có chuyện đó được. Hay là... hay là chị biết nhưng không nói cho em?
Chị Ma không trả lời câu hỏi của tôi, chị ấy ngẩng đầu lên trời tìm kiếm ánh trăng.
-Hãy còn sớm thì làm gì có trăng, chị lại đánh trống lảng.
-Ừ nhỉ, chị quên là còn sớm. Thôi em vào ăn cơm với bà đi, để chị đi hỏi xem bà cụ của bạn em mất chính xác vào khắc nào.
-Ơ, chị chưa trả lời câu hỏi của em kia mà.
-Câu hỏi nào?
-Con mèo trắng.
-Chị có biết gì đâu, thế nhé. Vào ăn cơm đi.
Chị Ma quay lưng bước đi rất nhanh làm tôi cảm thấy khó hiểu. Nếu tôi nhớ không nhầm thì những lần trước đó khi tôi đề cập đến con mèo trắng ngoài nghĩa địa thì chị ấy cũng lảng sang chuyện khác, lần này cũng vậy. Đằng sau nhất định có điều gì đó mà chị Ma muốn giấu tôi, nhất định là như thế.
Ngày hôm sau trên đường đi học về R9 vẫn trầm ngâm, tôi cũng không nói nhiều như mọi hôm khi hai thằng cùng về. Tôi nghĩ nó đang buồn nên cần thời gian để suy nghĩ những chuyện nọ chuyện kia. Tôi đã từng mất một người thân nhưng khi ấy tôi còn nhỏ quá nên chưa hiểu rõ mọi chuyện, hiểu rõ nỗi đau buồn ra sao để mà thông cảm với bạn của mình, bởi vậy tôi chọn cách im lặng mặc dù cũng có điều muốn hỏi nó.
Buổi tối, tôi vừa mới ăn cơm với bà Già xong còn chưa cất dọn thì R9 lên chơi, nó cất giọng chào bà Già khi vẫn còn ngồi trên xe đạp, bà Già bảo nó vào ăn cơm tối, nó cũng tự động vào chạn lấy bát đũa ra xới cơm ăn ngon lành. Nó vừa ăn cơm vừa trả lời các câu hỏi của bà Già về đám ma của cụ nội nó, tôi chỉ ngồi nghe. Bà Già xới cho nó đến hai lưng cơm, ăn xong xuôi nó nói với bà:
-Tối nay bà cho cháu ngủ ở đây nhá!
-Thì mọi lần mày vẫn ngủ lại, sao phải hỏi.
-Vâng.
Tôi đã ăn xong, ngả người ra sau rung đùi uống nước vối. Khi tôi nghe R9 nói muốn ngủ lại thì hai mắt tôi chợt sáng lên rồi nhanh chóng trở lại bình thường ngay, tôi thầm nghĩ trong đầu:
-“Thế là có chuyện gì rồi, thằng dở hơi này không tự nhiên lên ăn cơm rồi xin ngủ lại, nó thích thì ngủ lại chứ sao phải xin.”
-Thế các bác nhà mày đã đi hết chưa? – Bà Già hỏi thêm.
-Còn mấy bác cháu ở lại cúng ba ngày với tuần đầu cho cụ cháu xong thì mới đi nên nhà cháu hơi chật.
-Ừ, thế mày lên đây ngủ cho vui, nhà tao cũng thừa giường chiếu. Có ăn cơm thì nhớ dặn tao, để tao nấu cho mà ăn.
-Vâng, vâng!
R9 cười tươi như Liên Xô được mùa, tôi ngồi nghe nhếch mép cười... khinh bỉ. Thằng này nhất định nói dối, hẳn là cụ nội nó đã về thăm nó hoặc có việc gì đó tương tự đã xảy ra nên nó tìm cách trốn chứ ở nhà chỉ còn bố mẹ nó với một người bác gái, nói dối tôi làm sao được. Tuy nhiên tôi không thèm bóc mẽ nó, kiểu gì tí nữa nó cũng sẽ khai tuốt tuồn tuột. Thằng này sợ ma, tôi biết. Tôi còn đang nghĩ xem tại sao nó không sang nhà Chắc Gạo lánh nạn mà lại chọn nhà tôi, sau cùng tôi mới nhớ ra R9 biết được tôi có “quan hệ” với một vài con ma có... máu mặt mặc dù nó không biết cụ thể ra sao nhưng riêng cái việc cho lá vối lên miệng đã thấy người người âm và né được người sống là đã đủ thần kỳ rồi.
Tôi đoán không sai, khi bà Già ngồi xem tivi thì R9 xách ấm nước vối cùng cái cốc ra ngồi ở đầu hè, tôi giả vờ không quan tâm cho đến khi nó giục mấy lần tôi mới uể oải rời khỏi tấm phản gỗ ra ngồi cùng nó.
-Trăng hôm nay đẹp nhờ? – R9 bắt đầu câu chuyện.
-Đẹp? Mày bị làm sao đấy? Chưa đến 8 giờ lại đầu tháng thì trăng đẹp cái gì.
-À, tao thấy đẹp.
-Có việc gì nói luôn, cái kiểu của mày là bố biết có chuyện gì khó nói rồi. Cần mượn tiền hay là gì?
-À đấy, tiền tí tao đưa cho mày. Ban nãy bố tao đưa trả tao.
-Thế có việc gì?
R9 tỏ vẻ bí hiểm, quay vào trong nhìn xem bà Già đang làm gì rồi ghé gần bên tai tôi nói nhỏ:
-Tao... tao nhìn thấy cụ tao về.
-Hử? Cụ mày về?
-Ừ, đêm... đêm qua... đêm qua, thật đấy.
-Mày nhìn thấy à? – Tôi hỏi.
R9 lắc đầu liền mấy cái, tôi hỏi tiếp:
-Không nhìn thấy sao mày biết?
-Cả đêm vừa rồi nồi xoong ở trong buồng cứ như có người gõ. Cái... cái nồi cơm cứ bị mở nắp ra mấy lần.
-Mở nắp nồi cơm á?
-Ừ! Tao dậy đậy vào cẩn thận xong mấy lần sau lại thế. Lúc đầu... lúc đầu tao tưởng là chuột nhưng sau tao biết là không phải.
R9 ngưng kể để xem phản ứng của tôi, tôi lúc này dĩ nhiên là đang hóng rồi, thấy nó ngừng là tôi ra hiệu nó kể tiếp.
-Tao... tao còn nhìn thấy rõ ràng một bóng người y như dáng của cụ tao đi từ trong buồng ra cửa.
-Mày chắc chứ?
-Nhầm thế nào được mà nhầm, tao sống với cụ tao mấy năm, cái dáng lưng còng ấy tao không lẫn vào đâu được.
-Ờ, ờ! – Tôi gật đầu – Sau đó thì sao, mà nhà mày ngủ hay tắt đèn, chỉ có căn buồng cụ mày ngủ mới để đèn dầu mà nhỉ?
-Đúng rồi, thế nên tao... tao nhìn thấy một bóng người mà tao chắc chắn là của cụ tao đi lướt qua khung cửa sổ, cái cửa nhìn ra cây vải thiều ấy, mày nhớ không. Chỉ là tao không nhìn thấy rõ mặt vì lúc ấy tối quá. Tao... tao nghe rõ tiếng cửa mở ken két nhưng lúc nhổm người dậy để nhìn thì vẫn thấy cửa đóng như thường. Tí nữa thì... thì tao đái mẹ ra quần. Tao thề không phải là tao nằm mơ đâu.
Tôi gật đầu.
-Có... có khi nào cụ tao mất lúc đang đói nên về nhà... về nhà đòi ăn không mày?
-Thế tối hôm trước khi cụ mày mất, cụ mày có ăn gì không?
-Bà tao có nấu cháo nhưng cụ ốm mấy ngày, toàn uống nước cháo loãng nên... chắc là cũng đói.
-Có ăn là được rồi. – Tôi động viên thằng bạn của mình – Tao nghĩ không phải vì đói mà cụ mày về đâu.
-Mày tin là tao nhìn thấy thật chứ?
-Tin!
-Tao tính kể cho mọi người trong nhà nhưng tao nghĩ mọi người sẽ chẳng tin.
-Nên mày sợ chứ gì?
-Tao... tao hơi sợ.
-Sợ thì có gì mà ngại. Cụ mày mới mất nên còn quyến luyến con cháu, chỉ sợ cụ mày mất vào giờ phạm nên trong nhà mày sắp tới sinh chuyện lục đục.
-Tao không biết nữa, tao chỉ cảm thấy sợ, thấy... thấy lạnh.
-Có cái gì sợ, dù là ma thì đấy cũng là cụ nội của mày cơ mà. Sợ đếch gì.
-Đm, nói như mày thì nói làm gì. Mày... mày nhìn thấy ma nhiều nên không sợ chứ tao thì hãi lắm, cả đêm qua tao không dám ngủ, mắt cứ mở thao láo nên đêm nay tao không dám ngủ ở nhà.
-Thì cứ ngủ tạm ở nhà tao cũng được. Nhưng ngoài mày ra còn ai nghe thấy những tiếng khua khoắng nồi niêu vào ban đêm hay không?
-Có vẻ như bà nội tao cũng nghe thấy. Tao thấy bà tao vào trong buồng kiểm tra một lần vì tưởng chuột, sau đó thì không thấy bà tao dậy nữa nên tao nghĩ là chỉ mình tao nhìn thấy, nghe thấy.
-Sáng mai mày về nhà xem có gì lạ hay không, nhất là phải hỏi xem cụ mày mất vào lúc mấy giờ.
-Khoảng 5 giờ sáng, giờ ấy bà tao dậy thì thấy người cụ đã lạnh rồi.
-Đấy đâu phải giờ mất, đấy là giờ phát hiện ra.
-Thế thì chịu, ai mà biết chính xác được.
-Vậy để tao đi hỏi. – Tôi bất chợt đưa ra ý tưởng.
-Mày... mày hỏi ai.
-À... à... hỏi những người có kinh nghiệm trong làng.
Thật may tôi không mở miệng nói là đi hỏi những người có kinh nghiệm c·hết, nếu nói ra như thế có khi thằng bạn tôi đánh rơi cả cốc nước đang cầm trên tay vì sợ ấy chứ.
-Để sáng mai tao về nhà xem thế nào chứ đêm vừa rồi tao cứ cảm thấy nhà tao lạnh ngắt, lạnh như kiểu giữa mùa đông ấy mày ạ.
-Mày đừng nghĩ nhiều như thế. Mày không nhìn nhầm nhưng mày cũng đừng sợ gì cả.
Tôi động viên R9 thêm vài câu rồi lảng sang nói chuyện khác để nó phân tâm, thôi không nhớ về đêm vừa rồi. Tôi tin những gì nó vừa kể, lại càng thêm tin những gì chị Ma đã nói tối hôm qua. Có lẽ cụ nội nó mất vào giờ phạm thật.
***