Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 359: Mèo trắng hiện thân




Chương 359: Mèo trắng hiện thân

Chương 359: Mèo trắng hiện thân

***

Đó là một ngày Chủ Nhật đầu tháng 11 dương lịch, tôi ngồi dựa lưng vào cột, một chân để lên băng ghế gỗ của quán nước quen thuộc, cái cuốc và xẻng nhỏ tôi mang theo từ nhà dựng gần bên cạnh. Tôi lim dim mắt nhìn lên ngọn cái cây si rậm rạp mọc ngay bên kia của con đường làng, gần quán nước của bà cụ Khanh.

-Hôm nay mày dở người hay sao lại đòi uống nước chè thế cháu?

Bà cụ Khanh rót nước chè cho tôi, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Tôi vẫn không thay đổi tư thế ngồi của mình.

-Cháu sắp già rồi bà ạ, phải tập uống nước chè nhiều hơn. Mà nước chè của bà chẳng ngon gì cả, bà pha bằng chè gì đấy ạ?

-Tiên sư cái thằng mới nứt mắt đã tỏ ra sành đời nhà mày. Chè này là chè Thái Nguyên đấy.

-Sao cháu uống không thấy ngon nhỉ?

-Mày uống được bao nhiêu loại chè rồi mà nói kiểu đấy? Mày nên uống Coca như mọi lần đi cho yên chuyện.

-Cháu thì chẳng uống được nhiều loại chè, thi thoảng cháu hay được sư thầy ở chùa làng mình cho uống thứ nước chè gì trên mạn ngược ngon lắm bà ạ. Uống rồi cháu mới biết thứ chè Thái Nguyên mà mọi người hay nói là ngon thật ra chẳng có gì.

Tôi với tay lấy chén nước chè mà bà cụ Khanh vừa rót cho.

-Cháu mời bà. Bà cũng uống chứ?

-Tao đang nhai trầu. Mày uống một mình đi.

Tôi thổi nhẹ vài hơi vào cái chén, nước chè màu xanh xanh khẽ gợn sóng. Tôi nhấp môi vài lần rồi uống đánh ực một cái.

-Mày uống nước chè cho đỡ khát hả cháu?

-So với nước ngọt cháu hay uống thì nước chè rẻ hơn bao nhiêu, chắc vì thế nên mọi người hay uống. Quán của bà toàn trẻ con nên bộ ấm còn mới, mấy quán ngoài đường kia đông khách nên bộ ấm chén cáu bẩn.

-Thế mày ra đấy mà uống, tao không khiến mày uống ở đây.

-Chậc chậc... ấm chén sạch sẽ như này uống nước chè mới ngon bà ơi. Bà với bà Già cháu giống nhau, mấy thứ ít dùng cất kỹ hơn cả vàng. Uống nước chè mà cháu còn ngửi được cả mùi của bộ ấm chén mới tinh.

-Mày khôn mồm lại còn khôn mũi nữa hả? Chỉ cái đoán mò là tài. Bộ ấm chén này tao vẫn hay dùng để pha nước chè tiếp khách, không phải mới tinh như mày nghĩ đâu.

-Bà uống không? Hai bà cháu uống cho vui.

-Cái thằng mới tí tuổi ranh cứ tập tành làm người nhớn. Tao không uống.

-Sáng hôm qua cháu lên chùa, sư thầy cho cháu uống loại chè Suối Giàng gì đấy, cháu nghe nói là được hái từ một cây chè cổ ở trên miền núi. Chắc thứ nước ấy mang cả lịch sử nên ngon hơn nước chè của bà. Lần sau bà cũng mua cái chè Suối Giang ấy đi, cháu sẽ làm khách quen của bà, có ấm chè ngon thì đá bay hết những quán khác.

-Tao chưa bao giờ nghe loại chè ấy, có ấm chè Thái Nguyên là tốt rồi con ạ, mày nghĩ ai cũng tiêu pha kiểu như mày chắc.

-Bà cho cháu gói kẹo lạc đi, uống thế này buồn mồm quá ạ. Chẹp chẹp...



Tôi lại thong thả ngồi ăn vài cái kẹo, uống thêm vài chén nước chè rồi mới uể oải đứng dậy cần cuốc, xẻng đạp xe ra ngoài Cầu Khoai để tảo mộ. Từ hôm giỗ cụ nội tôi đến hôm nay cũng đã hơn nửa tháng, cũng chỉ là ra ngoài đó dọn dẹp lấy lệ nhưng không đi không được. Mới gần 8 giờ sáng bà Già đã ngồi bên cạnh đánh thức tôi dậy, bảo tôi ăn bánh cuốn rồi hãy đi. Tối hôm qua bà nói với tôi việc ra thăm mộ vào buổi sáng nhưng tôi đã chối luôn vì muốn ngủ nướng. Tôi không đi thì bà sẽ tự đi, bởi thế nên tôi đành miễn cưỡng. Mới có nửa tháng thì ngoài mộ có gì thay đổi đâu mà cứ ra nhiều làm gì. Đấy là vài suy nghĩ trong đầu của tôi, tôi không bao giờ nói ra miệng. Dưới con mắt của các ông bà cụ trong làng thì tôi là một thằng cháu có hiếu, biết nhớ đến tổ tiên. Công nhận là làm “con nhà người ta” thật mệt.

Tôi thắp hương trên mộ của ông nội, sau đó là mộ của bà nội cả, khấn vái đâu vào đấy rồi tôi mới dùng cuốc dọn lấy lệ. Mộ của chồng cô út được xây bằng xi măng được gần hai năm sau khi cải táng từ chỗ đã chôn cất ban đầu về đây và nằm gần mộ của ông nội tôi. Ngôi mộ xi măng cỏ mọc um tùm nên tôi cũng tiện tay dọn luôn. Mấy đứa em tôi đều còn nhỏ, chúng nó hầu như chẳng bao giờ ra đây, tôi cũng chỉ mới vừa hết tuổi trẻ con nhưng thuộc thành phần kỳ lạ khi hàng tháng đều ít nhất một lần ra thắp mấy nén hương trên những ngôi mộ đất. Lần đầu tiên tôi được thấy tục lệ cải táng là lần tôi về cùng bố mẹ nhiều năm trước để bốc mộ cho ông ngoại. Gần hai năm trước khi cải táng cho chú của tôi, tôi cũng có đi theo để xem. Sinh thời chú là người cao to nên khi cải táng thì xương cốt vẫn chưa sạch nhưng nắp quan tài đã mở ra rồi nên phải làm cho xong. Tôi đã không dám chứng kiến việc những người lớn dùng dao để tách những thứ còn dính vào xương, tôi không muốn bị ám ảnh.

Mấy cây dại mọc xen kẽ trong mộ đã bị tôi nhổ lên, những nén hương tôi thắp đã cháy được phân nửa. Chống tay lên cái cuốc, đưa tay quệt mồ hôi lấm tấm trên trán, bất giác tôi lại nhìn thấy con mèo trắng. Thoáng giật mình, tôi đứng như tượng gỗ, mắt không rời con mèo trắng đang ngồi trên mộ của ông nội tôi. Tôi đã không còn cảm thấy sợ toát mồ hôi như những lần trước đã nhìn thấy con mèo này, nó vẫn thế, bộ lông trắng toát, đôi mắt màu vàng có tròng đen nhìn tôi chằm chằm. Thời gian trôi qua, tôi không biết đã bao nhiêu lâu. Có thể là một phút hoặc vài phút, con mèo nhìn tôi và tôi thì nhìn nó, bốn mắt cứ như vậy nhìn nhau.

Con mèo trắng chợt nhảy xuống đất, những lần trước tôi nhớ rằng nó chạy vài bước là lẫn vào đám cỏ dại hoặc biến mất sau những ngôi mộ đất bên cạnh nhưng lần này lại không như thế. Với dáng đi uyển chuyển, con mèo thong thả bước vài vòng quanh khoảnh đất trống bên cạnh mộ của ông nội tôi, cứ bước vài bước nó lại dừng lại nhìn tôi.

Nắng đã lên, mồ hôi chảy làm mắt tôi cay xè nên phải quệt, tôi nghĩ rằng con mèo trắng này sẽ biến mất ngay khi tôi nhắm tịt mắt để quệt mồ hôi nhưng không, nó vẫn đứng ở khoảnh đất ấy ngẩng đầu nhìn tôi, cái đầu còn nghiêng về một bên như đang ngắm nghía dung nhan tôi vậy.

-“Đây là con mèo thật hay... hay là mèo ma?”

Tôi thầm nghĩ trong đầu, hơi thở của tôi đã đều hơn so với khi vừa nhìn thấy con mèo.

-“Chắc là mèo thật rồi, trời nắng chang chang như này thì ma cỏ gì...”

Tôi hít một hơi căng lồng ngực rồi cất tiếng hỏi:

-Này con mèo kia, sao mày cứ lởn vởn ở chỗ này?

Mèo dĩ nhiên chẳng hiểu được tiếng người, cũng chẳng thể trả lời câu hỏi vừa rồi của tôi, nhưng tôi vẫn hỏi thêm một câu nữa:

-Nhà mày ở đâu hả mèo?

Thay vì trả lời tôi bằng tiếng kêu meo meo, con mèo nhìn tôi một hồi, đôi mắt nó khẽ cụp xuống. Nó nằm cuộn tròn ngay trên khoảnh đất trống bên cạnh ngôi mộ đất của ông nội tôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm bởi vì con mèo này chắc chắn là mèo bình thường của nhà ai đó hay chạy ra đây chơi chứ không phải là một con mèo ma hay một hồn ma nào hóa thân thành. Tôi ngồi phệt xuống cạnh mộ của chú tôi vì mỏi chân, tôi nghĩ mình đã đứng một lúc rất lâu.

-Mày làm ta sợ mất mật, tao tưởng mày là ma, hóa ra mày là một con mèo bình thường. Mày ăn bánh không? Nằm phơi nắng một tí đi, hạ lễ thì tao bóc bánh cho mày nhé?

Con mèo chợt mở mắt ngẩng đầu nhìn tôi, điều này thực sự làm tôi giật mình thêm một lần nữa, tôi thoáng nghĩ đến trường hợp con mèo có thể hiểu được tôi đang nói gì. Đột nhiên con mèo trắng đi lại chỗ tôi đang ngồi, tôi cứng người, sống lưng lạnh toát ngay giữa ban ngày ban mặt, trời nắng chang chang. Tôi có thể cảm nhận được con mèo trắng dụi đầu vào chân tôi, đôi mắt tròn xoe của nó ngẩng nhìn tôi một lần nữa rồi quay đầu thong thả đi lại chỗ ban nãy nó vừa nằm cuộn tròn. Tôi thở hắt ra:

-“ Do mình suy nghĩ nhiều quá thôi, nó chỉ là một con...”

Dòng suy nghĩ của tôi dừng lại, đầu óc tôi chợt trống rỗng, hai mắt mở to. Tôi dụi mắt đến mấy lần nhưng tôi không thể nhầm được, con mèo đã biến mất tự bao giờ, giống như nó chưa từng bao giờ xuất hiện trước mặt tôi.

-Cái... cái gì thế này... Con... con mèo đâu?

Tôi vùng dậy bước lại chỗ con mèo vừa mới biến mất, dùng hai tay xoa lên mặt cỏ để tìm kiếm điều gì đó kỳ lạ, có thể là một cái hố nhỏ hoặc đại loại như vậy nhưng tuyệt đối không có gì bất thường.

Con mèo lại một lần nữa đến và đi một cách đầy bí ẩn.

Tôi đứng thẳng người, hai tay chống hông, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Bây giờ tôi mới phát hiện ra rằng lưng áo mình đã ướt sũng từ lâu. Bây giờ thì không còn nghi ngờ gì nữa, đây đích thị là một con mèo ma hoặc một hồn ma hóa thân thành. Nhưng tại sao hết lần này đến lần khác nó cứ xuất hiện trước mặt tôi, thật đến nỗi không thể thật hơn rồi biến mất như chưa từng xuất hiện.

Hai chân tôi chợt mềm nhũn, mồ hôi chảy hai bên thái dương xuống gò má rồi xuống áo sơ mi đang mặc không khác gì đang xông hơi.

Tôi sợ!

Nhìn quanh bốn phía trong nghĩa trang không có lấy một bóng người. Tôi gặp ma đã bao lần tôi không nhớ, sợ cũng đã nhiều lần nhưng chẳng hiểu sao con mèo trắng này mỗi lần xuất hiện lại làm tôi cảm thấy lạnh sống lưng. Tôi đã từng muốn tìm hiểu nhưng chẳng biết nên bắt đầu từ đâu, lần này gặp con mèo thì cảm giác rất thật, tôi đã nghĩ nó là một con mèo của nhà ai đó nhưng không phải. Đôi mắt của nó như muốn nói điều gì đó nhưng lại không thể nói, cái cách nó biến mất không khác gì những bóng ma lẫn vào đêm tối.



Tôi mất một lúc mới có thể hoàn hồn, tôi đã định bỏ chạy nhưng lại thôi. Thật xấu hổ nếu phải bỏ chạy vì sợ ma giữa thanh thiên bạch nhật, nhất định phải tìm hiểu cho rõ sự việc này, một sự việc đã kéo dài đến vài năm mà không có bất kỳ lời giải đáp nào.

Hương tàn, tay tôi vẫn còn run run nhặt từng gói bánh cho vào túi bóng mang về nhưng chợt nhớ đến lời nói khi nãy với con mèo, tôi bóc tất cả những gói bánh ra để nguyên trên mấy ngôi mộ sau đó ra về. Chân tôi bước về phía trước, thi thoảng ngoái đầu lại phía sau lưng để nhìn, tôi cảm giác như có ai đó đang đi theo phía sau. Chưa bao giờ tôi cảm thấy sợ đến vậy, cảm giác sợ hãi len lỏi trong từng mạch máu của tôi, đôi chân cảm thấy mỏi nhừ chỉ chực chờ bỏ chạy nhưng trí não thì ngăn lại, nhất định không được bỏ chạy.

Tôi đạp xe trở lại quán nước của bà cụ Khanh, ấm trà đã nguội nên tôi tự lấy một chai Coca cho lên miệng tu ừng ực như kẻ sắp c·hết khát.

-Nắng quá hả?

-Vâng.

Tôi đưa tay lên quẹt miệng trả lời bà cụ Khanh.

-Lần sau mày đi sớm hơn cho đỡ nắng, cứ lề mà lề mề nên nhìn mày bây giờ xem, quần áo ướt như vừa mới tắm đấy cháu ơi.

-Lao động ra mồ hôi là tốt bà ạ.

Tôi chống chế, cố nặn ra một nụ cười rồi đưa chai Coca lên miệng uống tiếp, không cần rót vào cốc đá.

Từ ngoài cầu Đình có mấy người đàn ông đạp xe đi vào làng, nhìn dụng cụ họ treo trên xe, chằng buộc đằng sau nay đeo trên lưng tôi lập tức nhận ra làng mình có đám ma, họ là những người chuyên thổi kèn đám ma, điều này nghĩa là có ai đó trong làng tôi vừa mới mất.

-Ơ, làng mình có ai vừa mất hả bà ơi?

Tôi hỏi bà cụ Khanh nhưng mắt vẫn không rời ba người đàn ông cho đến khi bóng dáng của họ cùng xe đạp khuất sau bức tường của ngôi đình làng.

-Tao tưởng mày biết rồi, cụ thằng bạn mày chứ ai nữa.

-Cụ ạ?

Tôi nhất thời chưa nghĩ ra là ai, bạn tôi thì chỉ có Chắc Gạo, R9 và tính cả thằng Hiếu cũng được, nhưng thằng Hiếu mấy thắng rồi chẳng gặp vì học khác trường, thời gian biểu cũng khác nhau. Nếu là cụ của bạn tôi mất thì chỉ có thằng R9 là có cụ chứ mấy đứa khác toàn có bà như tôi.

-Cụ... cụ Trưởng bạ hả bà?

-Ừ, cụ ấy mất lúc sáng sớm. Nãy mày ngồi đây tao quên không hỏi, tao nghĩ mày biết rồi.

-Cháu có biết đâu. Mà sao cụ nó lại mất bà nhỉ?

-Cái thằng hỏi đến là ngây ngô, già thì mất chứ sao.

-À vâng.

Tôi lấy tiền ra trả bà cụ Khanh, bao gồm cả tiền nước chè, tiền mua đồ cúng...

-Cụ nó thọ được bao nhiêu thế bà?

-Tí nữa dán cáo phó thì mày biết, tao nhớ bà cụ ấy khoảng ngoài chín mươi rồi. Mày lại hỏi để đánh đề hả?

-Đề đóm gì ạ, thắng được bao nhiêu đâu mà chơi.



Một tay cầm cuốc xẻng, một tay lái xe, tôi hấp tấp đạp xe về nhà, ném luôn những thứ ấy ở ngoài cổng rồi í ới gọi bà Già. Bà Già cũng đã biết tin cụ của thằng R9 mất, tin truyền miệng ở làng này cũng tương đối nhanh, người già mất khác với người trẻ ở chỗ đầu làng vẫn im lìm, có lẽ các cụ quan niệm rằng già thì ra ma nên cũng không sốt sắng.

Tôi nhanh chóng tắm rửa, thay quần áo chỉnh tề rồi đạp xe xuống nhà R9, gần bụi tre ngoài cổng nhà nó đã có mấy người lớn đứng nói chuyện, tôi chào hỏi rồi dựa luôn xe đạp vào bụi tre để đi bộ vào trong nhà.

Trong khoảng sân trước nhà của R9, dưới tán cây vải thiều đã có một cái bàn gỗ nhỏ được kê ra, trên ấy có vài thứ linh tinh mà tôi không nhớ rõ nhưng chắc chắn có ấm chè cùng vài cái chén cũ. Mấy người thanh niên trong họ tộc của R9 đang cắm cọc dựng bạt che, ở một góc mái hiên có mấy bà cụ đang ngồi têm trầu trên một cái chiếu, cụ nào miệng cũng nhai trầu, ở góc hiên còn lại, những người thợ thổi kèn đám ma đang sắp xếp chỗ ngồi, họ sẽ ngồi ở vị trí đó ít nhất hai ngày tới đây.

Tôi không thấy R9 đâu, em trai nó bảo nó vừa ra ngoài Cầu Đình mua vài thứ. Tôi không phải là con cháu trong họ nên cũng lóng ngóng chẳng biết làm gì, nội ngoại nhà tôi mấy năm nay chưa có đám ma. Tôi đi ra ngoài cổng đứng chờ, một lúc sau R9 về, nhìn mặt nó có vẻ không buồn lắm.

-Tao mới nghe tin cụ mày mất nên tao xuống.

-Ừ, cụ tao mất lúc gần gà gáy.

-Cụ bị ốm à?

-Người già ấy mà, mấy hôm nay cụ tao mệt nên bà nội tao chăm, sớm nay dậy đã thấy cụ lạnh rồi.

-Bố mẹ mày bao giờ về?

-Tao gọi điện từ lúc sớm cho các bác, các cô, các chú của tao một lượt. Chỗ bố tao thì chẳng có điện thoại nên tao gọi ra nhà mày nhờ cái chú hôm nọ đi báo tin.

-Ô, mày biết số điện thoại nhà tao luôn à?

-Tao cũng có ngu như mày nghĩ đéo đâu.

-Thế mày còn tiền không? Đám ma chắc sẽ tốn tiền lắm đấy.

-Làm đéo gì còn, mà đám ma là việc của người lớn. Tiền mượn mày vẫn còn. Kiểu này mai mày viết hộ tao cái đơn xin nghỉ học nhá.

-Được rồi.

Tôi nhìn trước ngó sau rồi lấy tiền từ trong túi quần ra dúi vào tay R9 nói nhỏ:

-Hôm vừa rồi mày bảo bố mẹ mày mới về Hà Nội nên còn khó, mày cầm lấy chỗ này mà chi trước đi, sau đám trả tao cũng được.

-Ơ, đm. Tao còn mà.

-Mày còn đéo bao nhiêu, tí nữa bố mẹ mày về kiểu gì cũng cần tiền, bố mày chẳng phải là con trưởng sao? Tang gia bối rối, có tiền cứ chi đi đã. Sau đám trả tao là được. Bây giờ có đám mà không có tiền thì mang tiếng ra.

-Thế bao nhiêu đây?

-Gần hai triệu.

-Đm thằng này, mày lấy đéo đâu ra lắm tiền thế?

-Cất kín đi, thiếu thì tao cho mượn thêm, tao còn một ít nữa.

Tôi và R9 là bạn từ lúc nó mới về, tính cách hai thằng trái ngược, chẳng mấy khi có điểm chung nhưng có lẽ chúng tôi trở nên thân thiết hơn bởi những việc nho nhỏ mà chỉ hai thằng biết với nhau. Tôi hoặc nó chưa bao giờ nói cảm ơn nhau, nó thì hay nói “Bố xin” còn tôi mặc dù ít khi nhận được sự giúp đỡ của nó về vật chất nhưng cũng chẳng bao giờ mở miệng cảm ơn, tôi hay nói “Thằng bạn c*t ngoan quá”.

Cuộc sống của Chắc Gạo thì yên bình hơn hai bọn tôi nên tính nó là thằng em út cũng được.

***