Chương 354: Mả tổ táng yên ngựa
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc Phần 2, Chương 10
Người đàn ông xuất hiện trong giấc mơ của tôi tuổi trạc ngoài bốn mươi, dáng người hơi gầy với chiều cao trung bình. Ông ấy ăn mặc tương đối giản dị, điều làm tôi ấn tượng ở người đàn ông này nằm ở vầng trán rộng và sống mũi cao – hai đặc điểm giúp tôi nhận ra sự thân quen. Tôi chưa biết người đàn ông này quan hệ như thế nào với mình, tôi chỉ đoán rằng lại là một vị tổ tiên nào đó sắp có chuyện muốn nói với tôi. Tôi đang ngủ ở trong nhà của mình, trên tấm phản gỗ lim truyền thừa của gia đình, bởi vì vậy nếu tôi có nằm mơ thì người xuất hiện trong giấc mơ hẳn là có tổ tiên của tôi rồi. Tôi không biết nên chào ra sao nên sau khi dụi mắt để nhìn cho rõ, thấy người đàn ông nhìn tôi cười trìu mến thì tôi thấy vững bụng hơn hẳn.
Tôi lên tiếng chào:
-Cháu chào cụ ạ!
Không biết cụ thể vai vế ra sao thì gọi bằng cụ là hợp lý nhất. Ở quê tôi cũng có người đã lên đến chức kị, lúc đưa ma chắt với chút đội khăn màu vàng. Thời bây giờ để nhìn thấy mặt đấng sinh thành của cụ là rất khó bởi vì người ta lập gia đình muộn hơn so với trước đây rất nhiều.
-Chào cháu!
Ông cụ đáp lại lời chào của tôi với một giọng nhẹ nhàng cùng vài cái gật đầu nhẹ như điệu bộ hài lòng. Có lẽ ông cụ đã đứng rất lâu nhìn tôi ngủ trước khi kéo chân đánh thức tôi dậy. Tôi trườn xuống đứng cạnh tấm phản, hai tay lại đan vào nhau, đầu hơi cúi để chờ đợi tổ tiên của mình dạy bảo điều gì đó. Tôi đã có nhiều kinh nghiệm hơn so với những lần trước đây rồi.
-Dạ thưa, cụ có điều gì cần dặn dò xin cụ cứ nói ạ.
-Đúng là ta có điều cần dặn dò nhưng cháu không thắc mắc gì về ta ư?
Tôi lắc đầu.
-Sao thế cháu?
-Dạ, tại vì cháu đoán cụ là tổ tiên nên không thắc mắc ạ.
-Cũng phải nhỉ. Ta nhìn cháu thấy trán cũng cao, mũi cũng thẳng. Đúng là dòng giống nhà ta đây rồi. Ta gọi cháu là cò Tý được chứ nhỉ?
-Vâng ạ.
Tôi cũng không thắc mắc về việc này, tôi chỉ được dặn rằng cho dù là tổ tiên nhiều đời có gọi tên cúng cơm nhất định cũng không được thưa. Mặc dù tôi biết điều này có thể là thừa bởi vì tôi nghĩ chẳng tổ tiên nào lại muốn rủ con cháu - nhất là cháu đích tôn – “đi” sớm thế cả. Các bà của tôi đều gọi tôi là cò Tý, bố tôi hoặc các cô thì không. Tý là chuột.
-Ông nội của cháu gọi ta là... ông nội, điều này có nghĩa ta là cụ ngũ đại của cháu.
Ông cụ giới thiệu ngắn gọn, tôi lập tức hiểu ra vấn đề. Điều này cũng chẳng cần đến sự thông minh gì cả, đối với một đứa sống ở quê và luôn quan tâm đến những vấn đề như vai vế, họ hàng, cha ông tổ tiên... thì sẽ hiểu rất nhanh.
-Cháu hiểu ạ. – Tôi đáp.
-Trẻ con đúng là dễ dạy. Ta đã nhiều lần nhìn thấy cháu trước đây.
-Có phải... có phải mộ của cụ ở... ở ngoài cánh đồng gần nhà cháu?
-Đúng, đúng là như thế.
Tôi hỏi nhưng khẳng định vì nhiều lần trước đây tôi đã không ít lần cảm thấy nấm mồ trên gò đất đó có gì đó thân thuộc. Tôi cũng đã vài lần thắp hương, đốt vàng mã ở ngôi mộ ấy nhưng chẳng biết tên tuổi. Từ dạo bố tôi nói với hai anh em về gốc tích của nấm mồ ấy thì tôi cũng chăm chút hơn bằng việc nhổ cỏ, thắp hương mỗi khi có dịp.
-Cụ có việc gì cần dặn cháu ạ?
-À, ta chỉ là muốn gặp cháu vì nhiều lần trước đây muốn gặp nhưng không được. Bây giờ ta sẽ dẫn cháu ra mộ của ta để chỉ cho cháu vài thứ.
-Vâng ạ.
Tôi đi theo ông cụ năm đời của mình giống như đã đi theo cụ nội của tôi tháng trước. Lần này tôi không mang theo thứ gì, kể cả túi gạo. Tôi thấy không cần thiết cho lắm.
Đoạn đường không xa, cụ đi trước còn tôi lẳng lặng theo sau. Đến gần gò đất cụ tôi dừng lại nhìn sang tôi cười. Tôi cũng cười. Chỗ này tôi không lạ lẫm gì bởi đã bao lần tôi ra đây chơi, lần gần nhất là khi chị Ma dạy võ cho mấy anh tuần binh gần nửa năm trước.
-Ban đầu nơi yên nghỉ của ta ở nơi khác. – Cụ tôi nói – Sau khi cải táng thì các con của ta đưa ta về đây, lúc ấy ông nội của cháu còn chưa có mặt trên đời. Cụ nội của cháu là con út, lúc ta mất mới lên mười.
-Cháu có nghe các bà cháu kể nhưng không được chi tiết ạ.
-Ừ thì đã quá nhiều năm rồi. Ngày giỗ của ta tổ chức trên nhà con trưởng nhưng ta lại ở bát hương gia tiên nhà đứa út. – Cụ tôi lại cười – Cũng hơi khó hiểu đúng không cháu?
Tôi lắc đầu rồi trả lời:
-Cháu nghĩ là hợp với ai thì ở với người ấy chứ không nhất thiết là trưởng hay thứ đâu cụ ạ.
-Ờ, nếu ai cũng nghĩ được như cháu có phải tốt không. Đây cháu nhé... – Cụ tôi dùng tay mô tả để tôi dễ tưởng tượng – Lúc ta mới về đây thì chỗ này chưa có ruộng, cũng không có cái mương dẫn nước nội đồng kia đâu. Từ chỗ lũy tre của nhà cháu bây giờ ra đến đây là liền một thửa.
-Dạ.
-Bây giờ đất chật người đông nên cần thêm ruộng. Những hàng xóm của ta đã được con cháu chọn cho ở nơi khác tính đến nay cũng đã hơn chục năm. Còn lại mỗi mình ta ở đây.
-Cụ... cụ cũng muốn con cháu di dời đi hay sao ạ?
-Ta muốn hay không chẳng quan trọng cháu ạ. Nay ta dẫn cháu ra đây để dặn cháu điều này, cháu nhất định phải nhớ kỹ.
Tôi gật đầu, hai mắt mở to, mím môi chờ đợi cụ tôi dặn dò.
-Lúc cải táng ta thì xương cốt được cho vào hai cái chum. Cái chum cao hơn đựng xương chân, xương tay. Cái chum thấp hơn nhưng rộng miệng đựng xương sọ cùng với xương vè.
Cụ tôi nói đến đây thì ngừng lại quay sang nhìn tôi hỏi:
-Cháu không sợ sao?
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
-Dạ sợ cái gì hả cụ?
-Ta vừa miêu tả xương người, đầu lâu của người đ·ã c·hết đấy. Ta nghe nói cháu cũng là đứa... nhát gan.
-À dạ. Cháu đúng là có nhát gan nhưng cụ là ông nội của ông nội cháu thì có gì đâu. Bà cháu hay nói câu “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” đằng này cụ là tổ tiên của cháu, làm sao cháu sợ được.
-Đúng, đúng! Chính là như thế. – Cụ tôi quay trở lại vấn đề đang nói dở - Lúc mới chôn thì đào sâu ba mét, cái nấm trên gò là đúng vị trí nhưng sau cả trăm năm đất đã chạy nên xương cốt không còn ở đúng chỗ đó nữa.
-Đất chạy ạ?
Tôi ngạc nhiên không hiểu cụ tôi đang nói gì, tôi thầm nghĩ trong đầu có khi nào cụ mất lâu rồi thành ra lẩm cẩm hay không.
-Xưa chúng ta hay dùng từ đất chạy để nói đến việc tiểu sành dịch chuyển lệch sang nơi khác so với lúc chôn. Cháu còn nhỏ có thể chưa hiểu, chưa nghe đến việc này. Sỡ dĩ ta muốn dặn cháu là vì vậy. Sau này con cháu có di dời mộ phần của ta đi nơi khác sẽ vì việc này mà tìm không thấy.
-Cháu tưởng là đúng chỗ thì cứ đào lên là thấy chứ ạ? Nếu... nếu có dịch chuyển thì cũng chỉ loanh quanh...
-Có khi đào cả cái gò này cũng không tìm thấy đâu cháu ạ. Cháu nhớ lời ta nói khi nãy, xương cốt của ta đựng trong hai cái chum chứ không phải tiểu sành.
-Vâng ạ!
-Thời bây giờ người ta cải táng dùng tiểu sành nhưng lúc ta mất cho đến khi cải táng về đây thì con cháu còn nghèo nên phải dùng chum, vại đựng xương. Ta dặn là để cháu biết chứ cháu không được nói lại với bố cháu hay những người khác.
-Tại sao thế cụ?
-Ta muốn xem con cháu của ta bây giờ có khác so với lúc ta còn sống hay không? Giờ đây chỉ còn một đứa cháu ở làng còn đâu đều rời làng kiếm ăn cả. Ta cũng muốn gặp đứa cháu của ta để báo mộng cho nó nhưng không vào nhà được nên đành chịu. Trong chi nhà ta hiện nay chỉ có duy nhất cháu còn ở làng nên ta cũng chẳng còn cách nào khác mới phải phiền đến cháu. Đúng ra... đúng ra việc này là trách nhiệm của bố, của các bác chứ không phải...
-Cụ đừng nói thế ạ. – Tôi ngắt lời – Việc của tổ tiên là việc chung chứ sao tách bạch ra trách nhiệm của ai được. Cháu sẽ nhớ lời cụ dặn.
-Tốt, tốt! Nhớ lời ta dặn là được.
-Vậy... vậy cụ có còn dặn thêm điều gì nữa không ạ?
-Chỉ bấy nhiêu thôi.
-Cháu tưởng cụ muốn dặn dò con cháu di dời mộ về chỗ nọ chỗ kia, tháng trước cháu cũng gặp cụ nội, cụ cũng chỉ dẫn cháu đi nói cho cháu biết mộ phần nằm ở đâu chứ không căn dặn mộ phải xây ra sao hoặc là...
-Bản thân ta đây cũng không muốn làm khổ con khổ cháu. Con cháu ta bây giờ còn khó khăn, chúng nó có lòng nghĩ đến việc xây đắp mộ phần cho tổ tiên đã là mừng rồi chứ không nên đòi hỏi cháu ạ. Theo như ta nghe phong thanh thì bố cháu đang làm ăn khấm khá có phải không?
-Dạ đúng ạ.
-Mả của ta táng vào nơi yên ngựa nên con cháu làm ăn nặng bị đứt quai, có rồi lại hết, chẳng thể yên ổn được.
Giọng của cụ tôi trầm hẳn xuống, ngưng trong giây lát cụ nói tiếp:
-Những đứa cháu khác thì con đông, cháu nhiều, chạy ăn từng bữa nên chưa thể lo chu toàn được. Chỉ có bố cháu hiện nay là có khả năng lo được những việc như thế này.
-Đều là việc chung mà cụ.
-Nhưng lợi thì riêng cháu ạ.
-Cháu không hiểu.
-Mộ của ta được xây cất hay di dời thì những con cháu khác được hưởng lợi trừ... bố cháu.
Tôi nghe cụ nói như vậy thì ngẩn người ra, nhất thời tôi chưa hiểu hết được tại sao lại có sự tréo nghoe như thế. Bởi vậy tôi hỏi lại:
-Tại sao lại có chuyện như vậy hả cụ?
-Ta cũng không biết rõ ngọn nguồn. Ta chỉ biết được rằng mộ phần của ta được xây cất đàng hoàng thì con cháu hưởng lợi trừ... nhánh con út.
-Cụ là tổ tiên thì cụ sợ cái gì? Ai bắt cụ phải làm như thế chứ? Cháu thấy phù hộ là phải công bằng.
-Ta cũng chỉ là ma chứ có phải là thần đâu. Ta cũng không hiểu từ đâu, có thể là từ các cụ đời trước nhưng điều này chính miệng một trong các con gái của ta đã nói lại.
-Con gái của cụ là ai ạ?
-Chẳng phải cháu đã từng gặp rồi hay sao?
Tôi ngẫm nghĩ một lúc để sắp xếp lại cây gia phả, tôi chợt nhớ ra nên hỏi:
-Là bà cô Tổ nhà cháu ạ?
-Đúng rồi, chính là nó. Thôi cháu nhé, thời gian ta gặp cháu chỉ được có vậy, bây giờ ta phải đi. Ta mong sau này còn có cơ hội gặp cháu thêm nhiều lần.
Ông cụ nói dứt câu thì biến mất, một lần nữa bốn phía xung quanh tôi tối đi rất mau, cơn mơ cứ thế mà kết thúc. Gặp được cụ tổ ngành thì biết thêm nhiều điều nhưng tôi lại phát hiện thêm nhiều thứ khó hiểu, khó lý giải.
Bà Hạ Con dậy từ sớm đón chuyến xe khách sớm nhất ra Hà Nội, khi tôi thức dậy đã là nửa buổi. Bà Già nói với tôi rằng bà Hạ Con sẽ ghé thăm bố mẹ tôi sau đó buổi chiều mới trở lại Vĩnh Phúc. Bà có vẻ sốt sắng với việc lo xây cất mộ phần cho các cụ, người già thì thời gian không còn nhiều nên muốn mọi ý nguyện được thực hiện sớm cũng là điều dễ hiểu.
Tôi nằm trên võng ăn sáng mà bần thần nhớ lại giấc mơ đêm vừa rồi. Từ trước đến nay tôi luôn nghĩ rằng khi sang cát phải cho vào tiểu sành, không ngờ cụ tổ ngành nhà tôi xương cốt lại chia làm hai phần để trong hai cái chum lớn nhỏ. Bên cạnh đó, một câu nói của cụ khiến tôi băn khoăn ấy là mả tổ táng yên ngựa. Táng vào yên ngựa thì sao nhỉ? Tôi chẳng thể nói với ai những gì mình đã nằm mơ thấy, phải nói thật là có nói cũng ít người tin.
Nhưng tôi có thể hỏi... ma.
Ngay buổi tối hôm ấy tôi mang hương ra vườn khấn gọi chị Ma, chẳng hiểu chị ấy đi đâu chơi mà khấn xong phải chờ một lúc mới thấy chị ấy xuất hiện.
-Gọi chị có việc gì mà gấp gáp thế? Đang dở câu chuyện mà phải về.
Chị Ma tỏ ra tiếc rẻ.
-Em tưởng chị không đi đâu.
-Không đi chơi thì làm gì nữa? Em có việc gì nào?
-Em muốn hỏi chị việc nhỏ thôi. Chị có từng nghe việc một ngôi mộ táng vào yên ngựa nghĩa là gì không?
-Hử? Sao tự nhiên em lại hỏi vậy?
-À thì... à thì...
-Chị không biết nhiều về phong thủy đâu nhưng chị nghe nói mả táng vào thế đất hình yên ngựa nhằm mục đích con cháu đời sau sẽ phát theo đường khoa bảng đấy. Em đã tính chỗ chôn sau này rồi hả?
-Chị đừng có đùa, em còn muốn sống lâu mà.
-Thế tại sao tự nhiên em lại hỏi chuyện này. Nhất định phải có việc gì đó liên quan đến em thì em mới hỏi chị, chị hiểu em quá mà.
-Táng vào thế đất hình yên ngựa để con cháu phát đạt theo con đường khoa bảng à?
-Đấy là chị nghe nói như thế.
-Sao mấy đời nhà em chỉ có một, hai người học được chữ Nho mà cũng chẳng làm quan được nhỉ?
-Cái gì? Em đang nói cái gì đấy?
-Chị nói là mả táng vào thế đất yên ngựa thì con cháu phát theo đường học hành vậy mà... vậy mà em chẳng thấy đúng.
-A! Em đang tìm hiểu về mồ mả của các cụ nhà em đấy à?
Tôi gật đầu. Chị Ma nói luôn:
-Nếu đúng là mả táng vào thế đất hình yên ngựa mà con cháu không phát được chị nghĩ có thể do thế đất đó đã bị phá đi hoặc đặt sai huyệt. Khả năng là đặt sai huyệt, chị nghĩ vậy.
-Đặt sai huyệt là gì ạ?
-Mấy cái này thì đám thầy địa lý mới biết chứ chị làm sao mà biết được. Kiểu như trong thế đất đó phải đặt đúng huyệt thì mới phát được chứ đặt sai thì... chả biết thế nào.
-Sao lại đặt sai được nhỉ?
-Thầy cũng dăm bảy loại thầy, ma cũng dăm bảy loại ma. Thầy non tay mới chỉ xem được thế đất hoặc muốn chơi khăm người khác, làm sao mà biết được chứ.
-Cụ tổ em có nói là mả tổ táng yên ngựa nên con cháu làm ăn nặng bị đứt quai.
-Cái gì? Ai nói với em?
-Cụ tổ em!
-Cụ tổ?
Tôi gật đầu.
-Em gặp bao giờ?
-Đêm vừa rồi chị ạ, em nằm mơ.
Chị Ma đứng suy nghĩ một lúc lâu rồi nói:
-Vô lý! Nếu đúng mả táng vào yên ngựa thì... chẳng lẽ... chẳng lẽ hồi xưa chôn lệch thật à?
-Ý chị là đặt sai huyệt hả?
-Ừ! Đặt sai huyệt nên ngựa chạy bị xóc, kiếm được bao nhiêu lại rơi bấy nhiêu, thế làm sao mà khá được chứ? Thằng thầy nào chỉ chỗ thế nhỉ? Có phải cái gò đất ngay đằng kia đúng không?
-Vâng.
-Được, chị sẽ tìm hiểu chuyện này cho em.
Nói dứt câu chị Ma chợt nhìn tôi một lượt từ đầu đến chân rồi than thở:
-Đúng là em nghèo thật, thằng thầy nào làm em chị nghèo thế này cơ chứ.
-Em có nghèo đâu, em...
-Em có hai cây vàng chứ gì? Xời ơi, chẳng bằng cái móng tay của chị. Nhưng đừng lo, em chị thì không thể nghèo được. Để chị tìm hiểu việc này xem sao nhé.
-Vâng.
-Còn gì nữa không nào?
-Dạ không.
-Thế chị đi chơi đây, dang dở câu chuyện.
-Ơ kìa...!
Chị Ma đi nhanh hơn cả gió mặc kệ tôi ý ới.
-Dạo này dưới kia có gì vui mà chị ấy đi suốt ngày thế nhỉ?
---
***