Chương 353: Bà cô Tổ thương tôi.
Qua những gì tôi đã tự trải nghiệm cũng như lời bà Hạ Con nói thì tôi thực tin rằng tấm phản gỗ lim cũ kỹ của nhà tôi, tấm phản đã nhuốm màu thời gian và được truyền thừa qua nhiều đời có lẽ là sợi dây kết nói tôi với những bậc tổ tiên đời trước của gia đình. Cụ nội của tôi - như những gì tôi từng được nghe kể từ bà Già hoặc từ những người già khác – ban đầu cũng là một người nông dân như bao người khác ở trong làng Bưởi Cuốc. Cụ ông lấy cụ bà – một người trong làng – rồi sinh ra ông nội tôi và hai bà cô của bố tôi. Ngoài việc đồng áng thì những lúc nông nhàn cụ bà hay làm bánh rán, bánh đúc mang đi bán ở các chợ trong vùng, đặc biệt là chợ Trằm.
Người Việt Nam thời trước khi kiếm được ra tiền thường tích cóp để phòng thân bằng cách mua vàng cất giấu, chỉ có một số ít người dùng số tiền lãi đó để đầu tư sinh lời. Đầu tư là cách tốt để tiền đẻ ra tiền, một trong những cách mà các cụ thời trước thường làm đó là tậu trâu mua ruộng rồi cho những người nông dân nghèo hơn thuê lại. Các cụ của tôi làm những việc đó từ cuối thế kỷ 19 cho đến thập niên hai mươi của thế kỷ 20. Theo lời của bà Già tôi thì lúc bà mới về làm dâu, bà không thấy nhiều của cải trong nhà nhưng người hầu, kẻ hạ, người làm công... cũng có đến gần hai chục. Đấy là vào những năm đầu thập niên 40, ông nội của tôi khi ấy đã gần ba mươi tuổi, ông là người tiếp quản công việc của các cụ để lại và phát triển thêm. Nếu các cụ của tôi chỉ làm ăn buôn bán trong làng ngoài xã thì đến thời ông nội của tôi đã đi khắp các vùng của tỉnh Bắc Ninh để buôn vải vóc, buôn gỗ... Công việc của ông nội tôi thời trẻ cũng gặp nhiều thuận lợi, ông làm ăn buôn bán ở tận Hải Dương – nơi xa nhất mà bà Già có thể nhớ được. Như tôi đã từng kể, ấy là ông tôi rất nhiều lần b·ị c·ướp nhưng không m·ất m·ạng, đơn giản là vì những vụ c·ướp ấy đều xảy ra khi ông tôi không có mặt ở bè gỗ hay kho chứa vải vóc. Những vụ c·ướp xảy ra cả ở Hải Dương đến tận vùng Đáp Cầu, Bắc Ninh nhưng ông chưa bao giờ đặt câu hỏi vì sao lại như vậy. Khi tôi đặt vấn đề về việc này thì bà Già hoặc bà Trẻ đều bảo rằng thời buổi lúc đó nhiễu nhương, c·ướp b·óc khắp nơi chứ chẳng riêng ai. Ông nội tôi cũng đôi ba lần bị chặn đường c·ướp c·ủa nhưng may mắn được toàn mạng.
Bởi vì ông tôi hay đi làm ăn xa nên công việc ở nhà như quản lý thợ, thầy, ruộng... đã có người quản gia, bà nội cả và bà Già hầu như không phải làm gì. Người quản gia của gia đình tôi khi ấy là một người trong làng, chính là ông nội của thằng Lành. Tôi rất có thiện cảm với ông cụ này mặc dù chưa một lần gặp mặt, sở dĩ tôi có thiện cảm với ông cụ là bởi vì lúc gia đình tôi sa cơ lỡ vận thì ông cụ vẫn lén lút giúp đỡ bằng nhiều cách. Nhờ có ông cụ mà trải qua bao nhiêu biến cố đến bây giờ tôi vẫn còn giữ được một cái bát cùng hai cái đĩa cổ của ông nội tôi. Chính vì bà Già chỉ ở nhà nên công việc của ông nội tôi cụ thể như thế nào thì bà chỉ được biết qua lời kể của ông.
Bố tôi cũng vài lần nói với tôi rằng một nhánh nhỏ dòng họ bên nội của nhà tôi hiện nay ở khu vực Đáp Cầu xưa kia chính là những anh em trong họ đi theo ông nội tôi làm ăn sau đó định cư luôn ở đó. Đầu tiên là trông bè gỗ và buôn bán, sau đó vì vật đổi sao dời, c·hiến t·ranh xảy ra nên công việc của ông tôi bị gián đoạn. Công việc buôn bán của ông chỉ bắt đầu trở lại sau giải phóng, lúc ấy ông đã không còn là địa chủ nữa, chỉ là một người nông dân với vài mảnh ruộng cằn cỗi cùng ngôi nhà tranh vách đất mà anh em, bạn bè mỗi người một tay giúp xây dựng trong đêm.
Cụ nội của tôi là em út trong một gia đình có năm anh em trai cùng vài người con gái. Do là em út trong gia đình nên cụ nội của tôi được thừa hưởng mảnh đất hương hỏa cùng ngôi nhà cổ. Ngôi nhà này bà già cũng sống trong đó hơn mười năm cho đến khi phải chuyển đến mảnh đất hoang rìa làng. Ngôi mộ của cụ ông thân sinh ra cụ nội của tôi đang ở gò đất ngay gần nhà, chính là gò đất mà tôi đã từng nhiều lần ra ngồi chơi vào những đêm trăng sáng, ngôi mộ này bố tôi gọi là mộ tổ ngành, đó là tất cả những thông tin mà tôi được biết cho đến trước một đêm tối trời cuối tháng Chín âm lịch.
Bà Hạ Con đã ở nhà tôi khoảng mươi ngày, bà cũng đã ra thăm mộ của ông nội tôi ngoài Cầu Khoai. Bà cũng lần mò theo trí nhớ tìm nấm mộ của bà nội cả để thắp nén hương nhưng tìm mãi không thấy. Nhiều năm đã trôi qua, cảnh vật xung quanh thay đổi không nhiều nhưng mồ mả hình thù đã khác.
-Bà tìm mộ của bà nội cháu ạ? Mộ ấy ở đằng kia.
Mắt tôi cay xè vì khói của mấy bó hương. Tôi chỉ cho bà Hạ Con hướng đi, sau khi tôi cắm hết bó hương trên tay tôi mới chạy theo bà Hạ Con.
-Chính là ngôi mộ này.
-Cháu chắc không? Bà nhớ là... nhớ là mộ của chị dâu bà trước đây không nằm ở rìa bãi như thế này.
-Một số mộ đã cải táng nên đất trống. – Tôi chỉ về mấy lò gạch đang nghi ngút khói – Những lò gạch kia đào đất làm gạch nên mới có mấy cái hố lớn rộng như cái ao.
-Mộ này cháu đắp đất ư?
-Vâng!
-Ai chỉ cho cháu ngôi mộ? Có khi nào nhầm thành của nhà khác trong làng không cháu?
-Không thể nhầm được đâu bà ơi.
Tôi đưa ra lời khẳng định, giọng của tôi đầy tự tin nhưng bà Hạ Con nhìn tôi với ánh mắt không tin tưởng lắm, tôi hiểu điều này nhưng chẳng biết nên giải thích như thế nào cho phải.
-Đến bà đây còn chẳng nhớ được mồ mả của chị dâu mình thì sao cháu lại biết chính xác được chứ?
-Trực giác mách bảo cháu.
Tôi cười trừ. Tôi không thể nói dối bà Hạ Con rằng bà Già hoặc bố tôi đã chỉ cho tôi, nói như vậy thì thật là không thông minh bởi vì bà Hạ Con sẽ biết tỏng rằng tôi nói dối. Bà Già cũng chẳng nhớ nổi thì bố tôi đời nào mà biết được.
-Trực giác à? – Bà Hạ Con hỏi vu vơ như vậy xong thì cười một mình. Bà ngồi xuống châm bó hương, để gói bánh lên ngôi mộ mà tôi đã từng vài lần đắp đất. – Chị dâu bà q·ua đ·ời lúc bố mày còn chưa có mặt trên đời thì làm sao mà mày có trực giác được hả cháu? Mày ăn nói lung tung, chỉ bậy bạ là không được đâu.
-Bố cháu bảo là bà nội cả rất thiêng.
-Thì sao?
-Bà ở xa chả mấy khi bà ra thăm mộ, hay bà khấn thử xem thế nào.
-Khấn cái gì? Bà già sắp c·hết rồi còn cầu xin cái gì nữa?
-Bà thắp hương đi ạ, cháu thắp nhiều lần trước rồi. Nếu đây đúng là mộ của bà nội cả của cháu thì bà khấn xong kiểu gì hương cũng cháy.
Tôi ngồi xuống dùng bật lửa gió để châm bó hương, lửa cháy đã đượm tôi mới đưa cho bà Hạ Con. Bó hương được bà Hạ Con cắm lên mộ, tôi đứng bên cạnh chắp tay lẩm nhẩm khấn trong miệng rằng:
-“Bà nội sống khôn thác thiêng, hôm nay có bà Hạ Con về thăm nhưng còn bán tín bán nghi về nơi an nghỉ của bà. Nếu bà có linh thiêng hãy làm cho bó hương cháy hết đi, cháu sẽ thắp cho bà ba nén khác ạ.”
Khấn xong tôi vái thêm ba vái rồi đứng lặng im bên cạnh bà Hạ Con. Tôi nhìn thấy nơi khóe mắt của bà có vài giọt nước mắt vừa lăn xuống. Tôi vội quay mặt đi nơi khác trong chốc lát. Tôi không biết bà Hạ Con đã khấn những gì, gửi gắm những gì hay tâm sự những gì với bà nội cả của tôi – người đã yên nghỉ ở đây hơn bốn mươi năm – nhưng khi bà vái xong quả nhiên bó hương cháy hừng hực, chưa đầy một phút sau hương đã tàn. Bà Hạ Con đứng lặng im không nói được lời nào, chỉ lẳng lặng lấy cái khăn mùi xoa trong túi áo ra lau nước mắt.
Tôi châm ba nén hương khác cắm lên mộ như lời tôi đã khấn. Đoạn tôi quay sang nói với bà Hạ Con với giọng rất thản nhiên:
-Bố cháu nói đúng thật. Bà nội cả của cháu linh thiêng nên đã thấy em về, vì vui mừng quá nên cả bó hương cháy rực. Bà đã khấn cái gì thế ạ?
-Chẳng lẽ đây đúng là mồ của chị dâu ta thật ư?
-Chắc là đúng mà bà ơi. Đợt trước cháu ra tảo mộ ông nội cháu, chả hiểu ma đưa lối quỷ dẫn đường ra sao mà cháu đi đào đất đắp ngôi mộ này, đốt hương cũng cháy rực như vừa rồi. Có lần cháu hỏi bà Già thì được biết mộ của bà nội cả nằm đâu đó quanh chỗ này nên cháu...
-Bà cũng mong như vậy nhưng để chắc chắn thì cần phải xem thầy mới được.
Nói rồi bà Hạ Con cúi người xuống nhặt lấy con dao dựa mà tôi mang theo từ nhà, bà dùng con dao này xắn lấy một cục đất nhỏ cho vào túi bóng rồi cầm về. Tôi không hiểu bà Hạ Con làm như vậy để làm gì nhưng ngay buổi chiều hôm ấy khi tôi đi học về đã có câu trả lời.
Trong bữa cơm tối, tôi vừa ăn vừa dán mắt vào cuốn truyện đặt trên đùi mặc dù bà già đã mấy lần giục tôi ăn cho mau. Bởi vì tôi mải đọc truyện nên không chú ý đến bà Hạ Con đã im lặng từ đầu bữa cơm, tôi chỉ tạm dừng việc đọc truyện khi bà Hạ Con nói với tôi:
-Ngôi mộ đó đúng là của bà cả nhà mày.
Tôi nghe bà nói vậy mới ngẩng đầu lên nhìn, tôi chưa kịp hiểu bà Hạ Con đang đề cập đến chuyện gì thì bà nói tiếp:
-Chiều nay bà đã nhờ người chở đi gặp ông thầy địa lý ở huyện bên.
-Thầy địa lý làm sao mà biết được mộ hả bà? Thầy dạy địa lý của cháu...
-Cái thằng này, thầy địa lý không phải là thầy giáo của mày. Cái ông này chuyên xem đất cát, nắm đất lúc sáng bà lấy ở mộ về đưa cho ông ấy xem.
-Đất thì xem được cái gì ạ?
-Ông ấy khẳng định rằng nắm đất mà ta mang đến được lấy từ ngôi mộ của chị dâu.
-Ôi! Có cả chuyện đó cơ ạ?
Tôi ngạc nhiên bỏ quyển truyện sang một bên, dừng luôn cả việc nhai cơm.
-Xưa nay cháu chưa nghe những chuyện lạ như thế bao giờ, trên đời này chỉ cần xem một nắm đất là biết được rõ ràng có phải mồ mả của tổ tiên luôn hả bà?
-Chuyện này thì có gì mà lạ, chuyện lạ là tại sao cháu lại biết chính xác đấy là mộ của bà cả nhà này. Lúc nãy ta có nói chuyện này với bà Già, bà còn bảo rằng mộ của bà cô Tổ nhà này cũng là do cháu nằm mơ thấy mà tìm được.
-Thì đúng cháu nằm mơ mà.
-Thế bà cô Tổ trông ra sao?
-Trong mơ mà bà, bà hỏi thế làm sao mà cháu nhớ được.
Bà Hạ Con nhìn tôi với ánh mắt chứa đầy sự nghi ngờ, tôi giả vờ bưng bát cơm lên và nhưng bà không vì thế mà ngưng việc hỏi.
-Có khi cái phản gỗ của nhà này đúng như lời ông anh ta lúc còn sống đã nói, nó không đơn giản là một tấm phản gỗ. Từ hồi cháu về ở đây đều ngủ ở đó hả?
-Hồi mới về nó ngủ với tôi một dạo, sau đó tự nhiên nó đòi ngủ một mình ở phản.
Bà già nói xen vào. Tôi nghe hai bà nói như vậy nhưng mặt vẫn thản nhiên như không.
-Mà đúng là từ hồi nó ngủ ở cái phản ấy thì nó hơi lạ. Tôi nhớ đợt chùa làng mình bị trộm lúc nửa đêm, chẳng hiểu sao thằng này bật dậy vác dao đi đuổi trộm, nó còn biết chính xác việc trộm tượng y như...
-Có người báo mộng cho nó ư?
-Hai bà toàn nói chuyện đâu đâu. – Tôi vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói – Cháu ngủ mấy năm ở cái phản một mình có thấy cái gì đâu, làm gì có mơ với mộng. Việc tìm ra mộ của bà cô Tổ đúng là cháu nằm mơ thấy bà cô Tổ dẫn cháu đi tìm mộ, thằng Duy cũng nằm mơ thấy, bố cháu cũng nằm mơ thấy chứ riêng gì cháu.
-Có chuyện đó? – Bà Hạ Con ngạc nhiên.
-Bà lâu không về nên không biết chứ đợt ấy bà cô Tổ trách phạt bố cháu. Cháu nghe bố cháu kể là cả đêm ngủ mơ bị phạt quỳ gối đến gà gáy, lúc tỉnh dậy hai đầu gối đau nhức y như đã quỳ cả đêm.
Tôi vừa nói vừa cười trong khi bà Hạ Con thì ngạc nhiên hoặc sợ đến nỗi không nói thành lời.
-Thằng Duy nhà cháu còn bị tát một cái.
-Còn... còn gì nữa... gì nữa?
-À! Cháu thì không bị làm sao. Tự nhiên bà hỏi làm cháu nhớ mang máng rằng vóc dáng của bà cũng giống bà cô Tổ nhà mình đấy, bà Hạ Lớn thì không giống mấy. Cháu nhớ đêm ấy bà cô Tổ bảo cháu phải tìm cách để người ta không đào hết mộ đi thì mất nấm. Mộ ấy xây hết đâu bảy trăm nghìn, toàn bộ là tiền của cháu.
Bà Già xác nhận với bà Hạ Con những lời tôi vừa nói. Bà Hạ Con nghe như vậy thì lập tức đứng dậy đi vào trong buồng lấy ra tay nải của bà. Từ trong tay nải bà cầm ra một xấp những tờ Năm mươi nghìn xanh, một xấp khác mỏng hơn là những tờ Một trăm nghìn màu tím nhạt.
-Đây! – Bà Hạ Con dúi vào tay tôi một đống tiền – Bà cho mày một triệu.
-Sao... sao lại cho cháu? Cháu có thiếu gì tiền đâu ạ.
-Bà biết mày không thiếu gì tiền vì thằng bố mày mới cho mày nhưng mày nhất định phải cầm chỗ này.
-Bà buồn cười thế chứ. Cháu còn chưa đi làm kiếm ra tiền để biếu bà, cháu có còn nhỏ dại gì nữa đâu mà cầm tiền của cụ già được chứ?
-Cụ già cái mả cha nhà mày. Tao nói bố mày còn không dám cãi mà mày cứ cãi nhem nhẻm. Mày có tin bố mày về đây tao bắt nằm sấp ra giường vụt cho một trận không?
-Bà đánh bố cháu thì kệ bố cháu chứ. Tiền này cháu không cầm được đâu, tự nhiên bà lại...
-Mấy đêm trước tao cũng nằm mơ thấy bà cô Tổ đứng ở cuối giường kia kìa. – Bà Hạ Con chỉ về chỗ cái giường cạnh tấm phản mà bà đã ngủ từ hôm về đây – Bà cô nói với tao là có tiền thì phải trả cho thằng cháu đích tôn vì nó đã bỏ tiền ra xây mộ. Cái nhà này bao nhiêu là người lớn kiếm ra tiền to tiền nhỏ mà xây mộ phải để thằng cháu hỉ mũi chưa sạch chi tiền.
Tôi nghe bà Hạ Con nói như vậy thì giật mình, chẳng lẽ bà cô Tổ đã hiện về trách mắng bà Hạ Con ư?
-Tao định trước khi đi mới đưa cho mày nhưng thôi... – Bà Hạ Con dúi xấp tiền vào tay tôi – Tiện đây tao đưa luôn. Mày không cầm chẳng lẽ mày muốn tao bị phạt quỳ gối như thằng bố mày hay sao?
-Ơ... ơ...
-Tao là phận cháu, bà cô Tổ nhà này là em ruột của bố tao, phận làm cháu như tao đây... – Bà Hạ Con thở dài – Đúng là mải làm ăn y như thằng bố mày nên quên hết việc nọ việc kia. Việc hương hỏa của cái nhà này hóa ra phải đến tay thằng cháu còn bé tí.
Tôi lóng ngóng cầm xấp tiền bà Hạ Con đưa mà chẳng biết làm sao. Tôi nhìn bà Già, bà Già cũng chỉ biết lắc đầu thở dài, một lúc sau bà mới nói:
-Thôi bà đã nói như thế thì mày cầm lấy, mấy năm nữa chúng tao c·hết hết cả thì cũng đến lượt mày hương khói chứ ai.
-Nhưng... nhưng bố cháu...
-Thằng bố mày hôm trước tao đã mắng cho một trận rồi, suốt ngày lo kiếm tiền, kiếm tiền. Mồ mả cha ông tổ tiên không lo mà xây cất cho sớm thì làm ăn sao đặng được.
Bà Hạ con đứng dậy đi cất tay nải. Tôi nhìn xấp tiền trên tay băn khoăn mãi đến khi bà Hạ Con ngồi xuống bên cạnh nói nhỏ:
-Tao cũng thấy bà cô Tổ giống tao hơn, bà cô của tao cơ mà. Mày đúng là cháu đích tôn được các cụ quan tâm, nhờ vả. Tao năm nay hơn bảy mươi tuổi mà chỉ trong nửa tháng qua hết mơ thấy bố đẻ lại mơ thấy bà cô ruột, kiểu này thời gian tới tao phải về thường xuyên đôn đốc thằng bố mày xây cất mộ cho các cụ chứ tao sợ đêm tao ngủ không được yên.
-Nhưng mộ của các cụ hôm trước chẳng phải bà đã từng nói là bị mất nấm rồi ư?
-Mất thì tìm, nhất định sẽ tìm được.
-Bây giờ đất đai người ta chia tách đủ kiểu cháu sợ là tìm không được đâu.
-Tại sao mày lại tìm được mộ của bà nội mày?
-Thì cháu bảo là cháu không biết mà.
-Thế nhất định các cụ sẽ chỉ cho, chỉ cần có lòng thành là được.
-Biết bao giờ các cụ chỉ cho mà chờ hả bà?
-Không biết thì đi mời thầy, mời thầy về tìm giúp.
Bà Hạ Con quả nhiên giữ lời. Ngay ngày hôm sau bà đã trở lại Vĩnh Phúc để rồi khoảng thời gian sau đó bà về liên tục, thi thoảng những khi bận việc bà không về được bà sẽ gọi điện đòi gặp tôi cho bằng được để hỏi rõ mọi việc.
Đêm hôm ấy bà Hạ Con đi ngủ rất muộn, điện đã tắt từ lâu nhưng tôi thấy bà nằm trằn trọc đến quá nửa đêm, hết trở người sang trái lại sang phải. Tôi cũng nằm im trên phản, mắt nhìn lên mái nhà suy nghĩ mông lung, tôi nhớ lại câu chuyện lúc chiều mà bà Hạ Con mới nói, kể ra thì bà cô Tổ cũng quan tâm đến tôi quá chứ.
Đêm ấy tôi lại nằm mơ.
---
***