Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 355: Tôi là kẻ lười




Chương 355: Tôi là kẻ lười

Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Phần 2 chương 11

Bố tôi đi thoát ly năm 1976, nơi bố tôi đến là Bố Hạ - một địa danh thuộc tỉnh Bắc Giang. Bà Trẻ cùng với cô Lý của tôi đi cùng với bố, lúc ấy bố tôi mới hơn mười lăm tuổi. Tôi lúc này cũng bằng tuổi bố tôi hai mươi hai năm về trước nhưng tôi tự thấy mình là một thằng vô dụng, có mỗi việc học cho tốt mà cũng chưa làm được, ngoài việc đến lớp thì tôi ăn, ngủ và đọc truyện chứ chưa có bất kỳ hoài bão nào rõ ràng. Ngay cả ước mơ trở thành một nhà văn của tôi cũng chỉ là ước mơ chứ tôi chưa bắt tay làm bất cứ điều gì để thực hiện hóa ước mơ của mình. Nếu xem việc đọc đủ thể loại truyện mỗi ngày là một cách tích lũy kinh nghiệm, từng bước hiện thực hóa ước mơ thì tôi đã làm rất tốt. Chẳng ai chỉ cho tôi cách để trở thành một nhà văn, phần lớn các bạn của tôi cũng ít đứa được định hướng để trở thành một nhân vật nào đó trong tương lai. Nếu tôi không cố gắng thì cứ đủ tuổi ắt tôi sẽ tiếp quản công việc của bố mẹ, thi thoảng tôi đã tặc lưỡi như vậy, dù sao tôi cũng có chút ít năng khiếu buôn thúng bán bưng cơ mà.

Bố tôi rời làng bắt đầu khởi nghiệp bằng cách mở một lò đậu, cô Lý tôi khi ấy vừa học hết lớp 7 đi theo phụ giúp các việc nhỏ, còn bà Trẻ sẽ vừa làm vừa mang đậu đi bán, việc chính của bà là bán hàng. Bà bắt đầu công việc này kể từ lúc ấy, một công việc kéo dài ngót nghét hai mươi chín năm có lẻ. Một vài chuyện về công việc của bố tôi ở thời kỳ này tôi đã từng kể trước đây rồi nên tôi không nhắc lại, nhưng có một số người liên quan đến thời điểm năm 1998 thì tôi sẽ kể.

Bố tôi mở lò đậu ở Bắc Giang, sau một khoảng thời gian đến quãng năm 1978 thì gặp bác Xuân, bác Xuân là anh họ của bố tôi, hơn bố tôi mấy tuổi. Bác Xuân đi bộ đội đầu năm 1973, được biên chế làm lính xe tăng của Quân đoàn 2. Bác ấy đã từng tham gia trận đánh căn cứ Nước Trong từ ngày 26/4/1975 sau đó lái cả xe tăng vào Dinh độc lập. Bác Xuân cũng như hàng trăm nghìn người lính khi ấy chỉ muốn trở về quê sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc. Đơn vị của bác Xuân rút từ trong Nam ra đóng quân huấn luyện gì đó ở gần chỗ bố tôi làm, từ khi biết tin tức thì hai người rất thường xuyên gặp nhau. Bác Xuân sau này cũng lấy luôn vợ ở gần nơi đóng quân sau đó chuyển về sinh sống ở Hà Nội đầu những năm 1990. Hiện nay bác Xuân đang sống ở Thủ Đức, bác ấy bước ra khỏi cuộc chiến với một cơ thể lành lặn nhưng ít nhiều có dính c·hất đ·ộc màu da cam, thực tế tôi chưa bao giờ hỏi rõ về điều này bởi có những thứ không nên hỏi. Một trong các con trai của bác Xuân đã từng định đánh em trai tôi trong dịp Tết năm nào vì không biết nhau, thật may tôi can thiệp kịp thời bởi vì mặt tôi trong họ ai cũng biết, em trai tôi thì không.

Cụ tổ ngành của nhà tôi có năm người con trai, cụ nội tôi là em út còn ông nội của bác Xuân là áp út. Ông nội của bác Tuấn – chủ của ngôi nhà có cây quéo mà trước đây tôi từng đến chơi rồi xúi bác ấy chặt đi do con quỷ lưỡi dài trên cây đẩy ngã tôi xuống ao – là anh cả. Chính bởi vậy bố tôi hay nói với tôi rằng đây là họ nội tộc để phân biệt với... họ nội thuộc những chi, những ngành khác.

Có một điểm trùng hợp khá kỳ lạ ấy chính là sự tương đồng giữa bố tôi và bác Tuấn, ông tôi phải lấy đến mấy bà mới có bố tôi là con trai, nhà bác Tuấn cũng như thế. Nhưng đến thế hệ của tôi và con tôi thì... chỉ ước ao con gái do con trai quá nhiều. Chị Ma từng chia sẻ với tôi rằng việc đẻ con trai nhiều của chi họ nhà tôi sẽ kéo dài trong khoảng hai đời nữa, tha hồ mà đẻ.

Ngay khi nghe chị Ma nói như vậy tôi đã hỏi lại ngay:

-Chị có phải là thầy bói đâu mà biết được chứ.

-Nhưng chị làm ma ở cái làng này đã mấy trăm năm.

-Thì...?

-Dựa vào kinh nghiệm ngồi lê đôi mách của chị, khoảng tối đa là năm đời đẻ nhiều con trai sau đó lại đẻ đến con gái nhiều.

-Chị chắc không?

-Không chắc lắm, cái này chỉ là chị nghe và thấy trong vài trăm năm qua ở làng này mà thôi. Bởi vì thế mới có chuyện một số nhà dù có cố đẻ đến bảy con thì cũng đều là con gái, cố đến đứa thứ tám lại là nữ.

-Em biết chị ám chỉ ai đấy nhé.

-Em là đứa thông minh, nghe ít hiểu nhiều, tự mà khám phá.

Chị Ma nói xong thì cười, nụ cười đầy bí hiểm.

-Em thấy con gái cũng tốt mà, em thích con gái.

-Em thích là việc của em còn người khác có thích hay không mới là điều quan trọng.

-Vợ em sau này ư?

-Để xem sao. Chị chỉ biết rằng trước đây ông nội em mãi mà chẳng có con nên cầu khấn khắp nơi rồi cũng có bố em. Bây giờ có em với em trai em. Đời sau này sẽ còn nhiều con trai nữa.

-Sao lại thế được?

-Cầu khấn thì đâu phải ngày một ngày hai ứng nghiệm được ngay. Hì hì hì... vài chục năm sau nó sẽ ứng nghiệm. Yên tâm, nhà em phúc dày không tiệt giống được đâu mà lo, đất này nhất định tương lai sẽ đông vui vì toàn cháu nội.

Chị Ma nói xong lại che miệng cười khúc khích, tôi bĩu môi không thèm nói thêm. Người ta có câu “Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho người dại nửa mừng nửa lo” tôi không phải là người dại nên tôi mặc kệ, chị Ma không nói rõ nên tôi cũng không hỏi thêm.

Về việc mả tổ nhà tôi táng vào thế đất hình yên ngựa với mong muốn đời con cháu phát đạt theo con đường khoa bảng thì chị Ma cũng đã đi dò hỏi vài ngày. Chị Ma đi dò hỏi bằng cách ngồi lê từ đầu làng đến cuối xóm với những ông bà ma hay ông Thổ Địa của chính mảnh đất xưa kia từng là đất của nhà tôi. Những gì chị Ma nghe được còn nhiều hơn điều tôi mong đợi, thật ra những điều này cũng không có gì là bí mật. Chỉ bởi vì con cháu các đời trước không nhiều người biết chữ, cũng không có ý định ghi ghép lại điều gì để truyền cho con cháu mà chỉ truyền miệng qua những câu chuyện không đầu, không cuối nên mới mai một dần đi hoặc tam sao thất bản.

Cụ nội của tôi sinh vào năm Đồng Khánh nguyên niên (tức năm 1885) còn cụ tổ ngành mà tôi từng gặp trong mơ đã mất vào năm 1894, đời vua Thành Thái. Sở dĩ tôi có thể ghi chép và nhớ được số năm chính xác là dựa trên lời kể của chị Ma sau đó đối chiếu với lịch sử mà tôi học, điều này cũng không có gì là khó khăn.

-Vua Thành Thái lên ngôi được 5 năm thì cụ nội em mất, nghe nói mất năm Giáp Ngọ!



Như thế đã quá rõ ràng. Lúc tôi còn ở làng hoặc tôi đọc vài cuốn sách lịch sử đều thấy ghi kiểu “nhà vua lên ngôi năm Canh Thân...” hoặc “Pháp t·ấn c·ông bán đảo Sơn Trà vào năm Mậu Tuất...” hay gần hơn nữa là “Chiến dịch Tết Mậu Thân...” cho đến nay nhiều bạn bè của tôi vẫn không biết cách tính năm theo kiểu các cụ thì một thằng bé mười lăm tuổi như tôi đời nào biết được, nghe thì nhớ vậy thôi.

Nhờ việc quen biết người chị lắm tài nhưng vẫn không quên việc ngồi lê nên tôi biết luôn được cả năm sinh của cụ tổ ngành nhà tôi, ấy là năm Canh Tuất (1850). Ban đầu tôi cũng không biết chính xác cụ nội tôi sinh vào năm nào, nhưng tôi dựa vào vài dữ kiện mà tôi nghe được trong một khoảng thời gian dài bao gồm: Cụ tôi lúc hãy còn nhỏ thì trong làng có nghe tin c·hiến t·ranh với Pháp Quốc, Pháp Quốc t·ấn c·ông kinh thành ở miền trong. Ban đầu tôi nghĩ mãi không ra, mãi về sau tôi mới nhớ ra sự kiện của năm 1858 nên dò ngược lại, thấy mốc thời gian phù hợp nên tôi mới biết. Bên cạnh đó, dáng vóc và độ tuổi của cụ nội tôi cũng chỉ ngoài bốn mươi nên tôi mạnh dạn đoán cụ mất lúc bốn mươi lăm tuổi. Tôi biết là đối với nhiều người trong họ tộc, việc một “đinh” trong họ mất vào năm bao nhiêu không quan trọng, bao giờ cũng vậy, người sống lo việc của người sống trước đã.

Ông trưởng họ của họ nhà tôi tính tình cũng hiền lành nhưng ông lại nghèo, bởi vì ông nghèo hơn cả, các bác là con của ông hồi đó cũng chưa lấy gì làm khá giả bởi thế lời nói của ông ít người chịu nghe. Cuốn gia phả chép tay lưu truyền vài đời trước chẳng hiểu vì sao lại thất lạc nên bởi thế mà mọi chuyện dần trôi vào quên lãng. Trong họ nội của tôi chỉ có một vài người học hành đến đầu, đến đũa. Một trong số những ông cùng thế hệ với ông nội của tôi, rất thân với ông nội của tôi nghe đâu đã đỗ đến chức tiến sĩ, cụ thể tiến sĩ về lĩnh vực gì thì tôi chịu. Tôi chỉ biết rằng nhờ biết chữ Hán, đi nhiều nơi, học cao nên nhánh đó đã tách ra và tìm về cội nguồn và cải sang họ Lý.

Đối với cá nhân tôi, việc biết tổ tiên trực hệ của mình sinh vào năm nào, khi mất ra sao rất có ý nghĩa. Đôi khi cất công tìm hiểu hoặc... đơn giản hơn là cất công chờ đợi để chị Ma đi dò hỏi chỉ để làm rõ một việc cỏn con. Chị Ma có nhiều thời gian ngồi lê còn tôi lại có tính tò mò, bởi vậy khi chị Ma hỏi được hoặc nghe được điều gì hay đều kể lại cho tôi nghe.

-Như vậy thì cụ tổ ngành của nhà em mất được hơn một trăm năm.

-Trăm năm cũng tính là lâu.

-Thế xương cốt liệu còn không hay đã khi tan vào đất cả rồi chị nhỉ?

-Còn, chắc chắn là còn. – Chị Ma khẳng định.

-Thế xương cốt của chị mấy trăm năm thì sao?

Chị Ma trừng mắt nhìn tôi:

-Những việc không liên quan tốt nhất không nên hỏi, em chỉ cần biết chị đây xinh đẹp như thế này là được rồi.

-À vâng!

-Những người lúc mất mà bị vùi tạm bằng chiếu cói, thậm chí c·hết đường c·hết chợ vùi thây ven đường thì xương cốt mới tan vào đất. Cũng tùy loại đất chứ đất không phải chỗ nào cũng giống nhau như em nghĩ đâu. Mộ cụ tổ của em nếu xương cốt được cho vào chum chắc chắn sẽ còn.

-Cụ em bảo do lúc ấy con cháu nghèo khó quá nên...

-Cũng không tính là nghèo đâu. Tại chuyện lâu quá rồi nên chị không nhớ rõ chứ thời ấy cụ nhà em cũng đâu nghèo khó gì, chẳng qua con cháu không nhất quán việc chôn ông cụ ở đâu mà thôi.

-Có chuyện đó ạ?

-Chị nghe cũng kiểu tam sao thất bản nên không rõ đâu, em đừng có tin là thật. Mộ của cụ tổ nhà em chôn cất ở chỗ đó là quyết định của người con trưởng. Ông con trưởng lúc đó quả thật đã cải táng mộ của cha vào thế đất hình yên ngựa. Mà cái chỗ bây giờ là mộ của cụ tổ nhà em thì chị không lạ gì vì ngay đây, thời ấy còn chưa có cả lũy tre cơ mà. Chỗ ấy có đến cả chục ngôi mộ, nghe đâu ông thầy địa lý đã chỉ cho dân làng vài thế đất nên thời đó tranh nhau táng mộ tổ tiên vào hi vọng đời sau sẽ phát.

Tôi gật gù nghe lời chị Ma nói, trong đầu tôi đã mường tượng được bối cảnh thời ấy. Cái thời mà trình độ dân trí còn thấp, hiểu biết của các cụ còn hạn hẹp, gói gọn trong lũy tre làng nên việc tin lời ông thầy địa lý là hoàn toàn hợp lý. Có điều những ngôi mộ khác vì lý do nào đó đã di dời, chỉ còn lại ngôi mộ của cụ tổ nhà tôi nằm chơ vơ giữa xung quanh là ruộng lúa.

Ngẫm nghĩ một hồi tôi hỏi chị Ma:

-Có khi nào con cháu của các cụ được chôn ở đấy thấy mộ tổ tiên chôn không được đất nên đã chuyển đi nơi khác?

-Điều này chị không rõ lắm đâu. Mấy chục năm trước dân trong làng chia đất, chia ruộng lại nên mộ phải di dời. Em nhìn xem, đằng sau lũy tre nhà mình bây giờ là ruộng rau, bên kia con đường đất là đến con mương nhỏ dẫn nước rồi mới đến cánh đồng lúa. Đất đai chia xong xuôi thì những ngôi mộ bắt buộc phải di dời.

-Thế sao mộ của cụ tổ nhà em vẫn còn ở đấy nhỉ?

-Việc di dời không phải làm trong một ngày mà diễn ra trong nhiều năm. Con cháu đang làm ăn yên ổn chẳng ai dại mà động vào mồ mả cha ông đâu em ơi. Chủ của những ruộng rau, ruộng lúa được chia cũng là người trong làng nên họ cũng không bắt ép gì.

-Nhưng họ xén đất chỉ còn lại phần xung quanh ngôi mộ thì không đụng đến chứ gì?

-Đúng! Bởi vậy mới có cái gò đất chơ vơ như em đang thấy.

-Em mà có khả năng em sẽ mua luôn khoảnh đất ấy.

-Cha chú còn bao nhiêu người, em nghĩ em đến lượt à?

-Thì thế mới khó. Em chẳng hiểu sao liên tục trong hai tháng hết cụ nội rồi đến cụ tổ lại báo mộng cho em về mộ phần. Chẳng lẽ... chẳng lẽ có động hả chị?



-Trăm năm thì trở mình, em nghĩ như thế cho dễ hiểu. Động mồ động mả là chuyện không nên đâu, nếu hai cụ của em đã báo cho em nhất định là sắp có chuyện.

-Chị còn biết khi nào em thành ma chẳng lẽ những chuyện cỏn con thế này chị không biết hay sao?

-Cái gì liên quan đến em hiện nay thì chị biết chứ đời tổ tiên của em làm sao mà chị biết cho hết được.

-Vậy khi nào em lấy vợ, vợ của em là ai?

-Em nghĩ chị là kẻ ngốc hả em trai? – Chị Ma cười khểnh, nhìn tôi bằng nửa con mắt – Đừng hòng hỏi chị những việc liên quan đến tương lai, nếu biết tương lai của em như thế nào nhỡ đâu em trở thành một kẻ lười biếng, nhụt chí, bất tài, vô dụng thì sao chứ?

-Em làm gì đến nỗi thế, em chỉ bất tài... bình thường thôi mà.

-Hứ! Bất tài bình thường? Từ bao giờ có cái định nghĩa như thế? Này ông tướng, việc của ông bây giờ là ăn với học sau này thành tài.

-Để xây dựng Chủ nghĩa xã... à... xây dựng đất nước giàu đẹp?

-Không cần to tát đến như vậy, lo cho gia đình là được rồi, đất nước để người khác họ lo.

-Ui, chị nói thế nào ấy chứ. Đợt trước mấy ông sư đều nói sau này em làm tướng đấy. Em thì nhất định không làm tướng c·ướp nên...

-Hây hây! – Chị Ma phẩy tay – Yên tâm, sau này thành ma rồi em nhất định sẽ làm tướng, tha hồ ra lệnh.

Tôi tiu nghỉu:

-Làm mà rồi thì tướng với vua thì có ý nghĩ gì nữa, đúng là chán đời.

-Người xưa từng nói sống chỉ là tạm, sống thọ cũng đến trăm tuổi. Làm ma được vài trăm năm đấy em ơi. Nếu em muốn trở thành một con ma... một con ma gì nhỉ... ừm... một con ma xịn sò thì tu thân tích đức từ bây giờ đi.

-Ma xịn sò để làm gì? Sau này làm ma em thích được tự do đi tiêu tiền, dù sao em cũng được hứa cho hai cái kho toàn vàng thỏi, bạc nén rồi.

-Đấy chính là lý do chị không thể cho em biết trước hậu vận của em. Em là một đứa lười, có mỗi cái việc học võ mà toàn tìm cách chối trong khi bao người mong muốn.

-Em lười đâu, em chăm thứ khác đấy ạ. Chỉ là em không thích học võ, học kiếm. Mà chị cũng biết rồi, thời này kiếm pháp có giỏi đến đâu thì “đùng” một cái sẽ trở thành ma ngay.

-Thì làm ma vẫn có võ vẽ phòng thân, súng thì ai đốt gửi cho mà bắn, mơ đi em.

-Em sẽ bảo con cháu em gửi súng cho em. – Tôi cãi.

Chị Ma lắc đầu ngao ngán:

-Đúng là đứa già mồm. Cả cái làng này được dăm khẩu súng, đến khi làm ma con cháu em gửi súng ống xuống âm phủ thì em nghĩ thử xem, động não xem, liệu quan sai có giao đồ đó cho em không?

-Thế thì chị lại không coi thường sự thông minh của em rồi. Em có cách đấy.

-Cách gì? Em đã làm ma bao giờ mà có cách?

-Em sẽ nhờ gửi qua tay chị. Hề hề hề...

-Quên đi, quên đi! Gửi tiền vàng thì được chứ mấy thứ đó không được.

-Tại sao?



Chị Ma tự nhiên rút thanh kiếm ra nhìn ngắm một hồi rồi bỏ vào bao như cũ sau đó nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ:

-Một đứa lười, cứng đầu cứng cổ như em nếu có thứ bắn đùng đùng ấy trong tay thì chị tin rằng chị sẽ không dạy dỗ được em nữa.

-Chị lo xa thế, em ngoan mà.

-Đừng có mơ! Chị đây là mạnh nhất làng này, nếu em có những thứ ấy thì vị trí của chị sẽ bị đe dọa. Chị đây là lão đại nên em chỉ được là lão nhị thôi, à không, là lão tam.

-Hả?

-Cái Khuê sẽ là lão nhị, dù sao nó cũng là chị kết nghĩa với em, chẳng lẽ em lại muốn xếp trên nó.

-Em... em cần gì ba chức vụ tự phong ấy. Chỉ cần hai chị cho em tiền tiêu mãi mãi là được. Thôi thì có đánh nhau em sẽ bảo chị ra mặt, cần văn thơ đối đáp em sẽ nhờ chị Khuê.

-Chị không phải nô tì của em.

-Sao lại nô tì. – Tôi nhẹ nhàng giải thích – Em là em của chị, người ta bắt nạt em kiểu gì chị cũng sẽ ra mặt, chả phải vẫn như thế hay sao?

-Có việc đó thật.

-Đấy, thế em cần gì phải học võ khi chị đã giỏi như thế rồi. Chị luyện võ đến sáu trăm năm, chị nghĩ em học bao nhiêu năm thì giỏi bằng chị?

-Ừm... cũng đúng nhỉ?

-Đấy! Đấy chính là lý do em không học kiếm thuật với võ thuật, dù sao học đến già cũng không theo kịp chị được.

-Ừ nhỉ?

Chị Ma gật đầu liền mấy cái. Ánh mắt lim dim như đang suy nghĩ nhưng chợt trở nên tinh anh ngay sau đó:

-Chị đây không có ngu đâu nhé, lời nói của em nghe qua rất là có lý nhưng nghĩ kỹ thì không. Em chỉ bao biện cho việc lười biếng của mình mà thôi.

Tôi tỉnh bơ nói:

-Em bao biện gì đâu, em toàn nói thật.

-Thôi đi, chị làm ma chừng ấy năm chẳng lẽ lại bị một thằng trẻ ranh lừa phỉnh ư?

-Do chị đa nghi thôi, em toàn nói thật.

Tôi nhắc lại một lần nữa để khẳng định mình đang nói thật nhưng giọng đã hạ bớt đi một tí, đúng là lừa phỉnh chị này khó thật, chị Khuê có vẻ dễ nghe lời đường mật hơn.

-Thôi nhé ông tướng, miệng lưỡi dẻo như kẹo kéo kiểu gì cũng nói được thế này có khi sau này lớn lên đi làm thầy cãi được đấy.

-Thầy cãi? À... là nghề luật sư đấy chị. Em rất thích nghề ấy.

Chị Ma lại cúi đầu xuống nhìn gần vào mặt tôi, đôi mắt chị ấy chớp chớp vài lần rồi mới nói:

-Quên đi, chị chỉ nói vui miệng vậy thôi. Em không làm thầy cãi được đâu vì em là một đứa lười.

-Em không lười.

-Chị không tranh cãi với em nữa, đêm nay cuối tháng trời không trăng. Chị đi chơi đây, ở nhà học cho ngoan nhé.

Đây đã là lần thứ mấy tôi cố gắng moi móc thông tin về tương lai của mình bằng cách nói chuyện để chị Ma nói hớ ra điều gì đó nhưng chị ấy vẫn rất tỉnh táo. Mộ của cụ tổ ngành nhà tôi tạm dừng ở đấy vì chị Ma chẳng hỏi thêm được gì khác từ những hồn ma trong làng hay từ chính những ông Thổ Địa.

Nhưng mọi chuyện sẽ sớm sáng tỏ, đặc biệt là tôi chưa thể lý giải được vì sao mộ của cụ tổ nếu được xây cất đàng hoàng thì nhà tôi lại chẳng được hưởng lợi gì. Nhưng cuộc đời mà, luôn đầy những bất ngờ và bất công, muốn tìm được sự công bằng nhất định phải trải qua những bất công trước đã.

---

***