Chương 269: Học chữ Quốc ngữ?
Trong cái túi vải tôi nhặt được của gã Mộc chẳng có gì giá trị, toàn những thứ linh tinh dùng để ngụy trang cho việc đi bắn chim nên tôi để lại chỗ cũ. Lúc mở cái túi ra tôi đã háo hức hi vọng trong đó có vài thứ hay ho, kiểu như bùa ngải hay vật gì đó hữu dụng. Tuy nhiên, việc tận mắt chứng kiến gã này bị đồng bọn bắn vào chân cũng làm tôi dựng tóc gáy khi nghĩ lại, hóa ra đám này trang bị cả súng hơi. Nghĩ đến cảnh một đêm nào đó không trăng, chỉ có sao sáng lờ mờ, có tiếng súng nổ và tôi bị ăn đạn ngã xuống khiến tôi phải dùng tay quệt đi những vệt mồ hôi đang lấm tấm lăn trên trán.
Tôi trở về nhà, hì hục đào ba bức tượng đất giấu ngoài bụi tre mang về, sau khi rửa bằng nước sạch thì tôi tắm cho ba ông này bằng rượu một lần cho có mùi thơm của gạo. Bởi vì có sự xuất hiện bất thình lình của hai người đàn ông đến do thám nên tôi cũng thay đổi kế hoạch, chôn tượng ngay buổi sáng thay vì buổi chiều như đã dự tính trước đó. Ba bức tượng sau khi được chôn và vùi đất cẩn thận, tôi cắm ba que hương rồi mới đổ nước để xóa đi chút dấu vết. Trong khi đứng chờ hương ở chỗ chôn ba bức tượng tàn đi thì tôi cũng thắp hương ở miếu của chị Đẹp, báo cáo với chị ấy về việc mình tự ý yểm ba bức tượng ở cạnh lũy tre để bảo vệ ngôi miếu. Chị Đẹp không đáp lại lời tôi, chỉ có gió làm tán cây duối đung đưa nhẹ dưới ánh nắng của buổi trưa hè.
Buổi chiều trôi qua khá buồn tẻ, đọc truyện mãi cũng chán nên tôi dành thời gian nghĩ về việc “xây cầu” vượt mương. Tôi nhớ lại đêm trăng sáng của hơn một tháng trước khi đám âm binh vượt mương, rất gần nơi mà lão Dực đã yểm bùa. Tôi cho rằng trước khi làm việc này, hẳn là lão Dực đã nghiên cứu kỹ địa hình hoặc nhóm của lão ta đã có kế hoạch từ trước. Như ông Tam từng đưa ra nhận định, có thể đám âm binh xuất hiện sát bờ mương và t·ấn c·ông tôi, chúng được yểm ở đó làm nhiệm vụ thiết lập điểm bảo vệ đầu cầu cho đại quân tiến sang cánh đồng. Tôi dùng tay vẽ lại làng mình trên một tờ giấy và hiểu ra rằng, đám âm binh không thể đi qua cầu Đình do liên quan đến Thành hoàng lang, cửa đình là nơi linh thiêng nên ma cỏ khó mà có đất sống. Bởi vì vậy, chúng tìm cách thiết lập những vị trí khác để đưa âm binh tràn qua, nhưng tại sao lại là hướng Nam thì tôi không biết. Ngôi nhà mà lão Dực thuê cũng nằm rất gần vị trí đặt “cầu” trước đây - chỉ hơn một trăm mét là nhiều – như vậy có thể đưa ra một nhận định rằng đám này muốn bao vây t·ấn c·ông ít nhất là từ ba mặt: Đông, Bắc và Tây, riêng hướng Nam thì vướng ngôi đình và con mương Khoai.
Tôi sẽ xây cầu ở đúng vị trí mà đám người đó đã dự tính, nơi đó chắc chắn là phù hợp, điều này là dựa theo suy luận. Vấn đề nan giải nhất bây giờ là “vật liệu xây cầu” là một tấm vải trắng thì đơn giản - nhà tôi cũng có – nhưng tôi cho rằng đó không phải là một tấm vải trắng bình thường, đêm ấy tôi đã nhìn thấy những hình thù kỳ lạ được viết trên tấm vải ấy trước khi ném chúng xuống mương nước.
Tuy chưa tìm ra “vật liệu xây cầu” như thế nào nhưng tôi vẫn giả sử mình xây được cầu thì sẽ có biết bao nhiêu lợi ích, đầu tiên là binh mã có hai con đường để đi qua, thêm nữa lại rút ngắn thời gian t·ấn c·ông và rút lui nếu tôi muốn chủ động t·ấn c·ông lão Dực. Tôi đã biết cách dùng Thủy quân, tuy rằng lực lượng này rất... tốn gạo nhưng không thể phủ nhận những thế mạnh mà tôi đã nhìn thấy vào đêm qua. Thủy quân ở trên mương bắn vào âm binh, âm binh mà dùng đao điếm không tài nào tiếp cận được Thủy quân, trừ khi đối phương có một đội cung thủ bắn trả. Tôi dự định rằng, nếu tôi t·ấn c·ông lão Dực thì tôi sẽ rải Thủy quân ở đoạn mương ngay trước cổng nhà lão ấy bắn lên áp chế, từ dưới bắn lên là hạ sách nhưng nếu lão ấy cho âm binh nống ra đường để giáp lá cà thì lúc ấy Thủy quân sẽ phát huy tác dụng. Đoạn ngôi nhà hai tầng ấy ít cây cao, rất ít, và vì thế nếu lão Dực có binh dùng cung đối phó với Thủy quân thì tôi sẽ ném Kim quân đánh cận chiến, nhưng ném từ vị trí nào thì tôi chưa nghĩ ra. Vẽ loằng ngoằng đến đây tôi chợt nhớ ra mình cũng chưa mua khẩu súng phun nước.
-Sáng mai phải rủ thằng R9 lên Hồ tiêu tiền mới được.
Tôi tự nói một mình, gõ gõ cái bút chì xuống mặt tấm phản gỗ lim rồi thở dài.
-Hi vọng chị Ngọc Hoa hoặc ai đó sẽ biết cách xây cầu, không xây được cầu thì rất khó đánh với binh các cụ của lão Dực.
Tôi đứng ngoài hiên nhà, chắp tay sau lưng nhìn cây bưởi sinh đôi đang bị những cành tầm gửi bám vào, chẳng có việc thì làm nên tôi leo lên cây và bẻ trụi đám tầm gửi ấy đi. Công việc bột phát này làm xong tôi mới nhận ra là mình đã làm một việc cực kỳ có ích, nhánh tầm gửi mà tôi vứt xuống đất mỗi lúc một nhiều, cho đến khi xong việc và đứng trên hiên nhà nhìn hai cây bưởi tôi mới nhận ra tán cây thoáng đi trông thấy. Bà Già ngồi cặm cụi dưới tán cây thu dọn đống tầm gửi tôi mới bẻ, bà bẻ từng cành nhỏ rồi mang đi phơi ngay dưới đoạn sân gạch.
-Mãi tao mới thấy mày làm một việc có ích đấy.
Tôi đứng trên hiên nhà bật cười, bà Già lại nói tiếp:
-Mày không làm gì thì leo lên mái nhà quét rác trên ấy cho tao, trên đấy là nhiều lá tre khô với bụi bẩn lắm đấy.
Tôi lại leo lên mái nhà mà không cần thang, đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao hồi đấy mình lại có thể trèo kiểu gì được, cũng có thể là lúc ấy trọng lượng nhẹ với lại đi đêm nhiều, bật tường tanh tách chứ nhiều tuổi hơn một tí mà bà Già bảo leo lên mái nhà thì phải có thang tôi mới trèo. Đúng như lời bà già nói, trên mái nhà và phần mái bằng ngoài hiên có rất nhiều lá tre khô bị gió thổi rơi đến rồi vụn ra, lá tre kết hợp với bụi tạo thành những mảng đen, những mảng đen này tôi chỉ cần dùng tay cậy nhẹ lên là được. Cậy từng mảng tôi lại... ném xuống dưới sân thay vì gom vào một chỗ, tôi chả hiểu sao mình lại thích làm như thế, nhiều lần sau này kể cả khi trở thành một ông bố rồi tôi vẫn thích leo lên nóc nhà, dọn những mảng bụi bẩn ấy rồi ném xuống sân. Hai bà ở dưới cứ đứng chửi, còn tôi thì ở trên cười, có lần tôi còn mang cả túi nilon làm dù rồi để thả những thứ rác rưởi đó xuống, những khi ấy tôi lại nhớ ngày xưa của mình.
Sau bữa tối là tôi cuốc bộ đi gặp chị Đẹp, tôi muốn nhìn xem nghĩa binh khăn trắng ẩn nấp ở nơi nào, chỉ có như vậy tôi mới cảm thấy yên tâm được. Băng qua vườn bưởi trước cửa nhà bà ngoại tôi để đến gò miếu, mới đi gần hết vườn bưởi tôi đã nhìn thấy chị Đẹp ngồi chờ tôi bên gò miếu, lần này là ngồi chứ không phải đứng khoanh tay trước ngực hoặc chống nạnh như mọi lần tôi thường thấy.
-Chị chờ em ạ?
-Đúng, ta đoán nhà ngươi sẽ lên đây sớm thôi.
-Như thế là chị đi làm thầy bói được rồi.
-Hứ! Tính cách của nhà ngươi ta thừa biết ngươi sẽ lên đây trước khi mấy ông già kia hiện ra.
-Thật chả giấu được chị cái gì cả.
-Là Thổ Địa đã nói với ta, ngươi chôn cả ba bức tượng giống hệt nhau hay sao?
-Đúng ạ. – Tôi gật đầu xác nhận.
-Ngươi lo xa quá.
-Không lo xa đâu ạ.
Tôi tường thuật lạ một lần nữa những gì mình đã nghe trộm được bên cửa sổ ngôi nhà hai tầng cho chị Đẹp nghe, y như những gì đã kể cho chị Ma nghe tối hôm qua. Chị Ma nghe xong thì rút kiếm buông lời sắc lạnh như lưỡi gươm, chị Đẹp sau khi chăm chú nghe thì im lặng đến rợn người, bên tai tôi chỉ có tiếng gió thổi vi vu và liếng lao xao, cọt kẹt của lũy tre trước mặt.
-Vậy ra mấy thằng quanh quẩn sáng hôm nay ở đây giả vờ đi bắn chim săn thú là bọn chúng sao?
Tôi gật đầu xác nhận.
-Thảo nào, vậy là sư phụ của ngươi đã tìm cách hại nó, nếu ban đêm thì thằng ấy đã vỡ đầu, ban ngày thì thôi, què chân như vậy cũng tạm rồi.
-Ý chị là... ?
-Ta là ma, đã nói là làm, cái Hoa kia cũng khác gì đâu. Nếu nó đã mở miệng nói rằng phải c·hết thì nó sẽ tìm mọi cách để thằng đó c·hết, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. – Chị Đẹp đứng lên đi vài bước rồi quay lại nói tiếp. – Tuy nhiên, ta nghĩ rằng sẽ nhanh thôi, chỉ là ta không biết con bé đó sẽ hại người bằng cách nào.
Tự nhiên tôi cảm thấy rùng mình mặc dù không lạnh.
-Ngươi sợ à? Ngươi cũng nên sợ, sợ là phải. Xưa nay người ta gặp ma là hãi, dây dưa với đám Thần giữ của như ta lại càng không hay, nhà ngươi thuộc cái dạng người mà ta chưa biết nên gọi là gì. Ngươi chơi với ma, đi gặp ma mà mặt mày cứ nhơn nhơn, lắm khi ta cũng nghĩ xem làm cách nào để dọa cho ngươi sợ.
-Sao... sao chị lại tốn thời gian vào việc đấy làm cái gì? – Tôi cười méo xệch, hóa ra chị này rảnh quá nên cũng bớt thời gian nghĩ cách dọa tôi.
-Nhà ngươi mỗi ngày một lớn, dương khí mỗi lúc một mạnh, rồi sẽ có một ngày ngươi không sợ ta nữa, ngươi sẽ coi thường ta. Chậc chậc! – Chị Đẹp ngẩng đầu nhìn ngọn tre. – Có khi nào, một ngày nào đó ngươi tận dụng hiểu biết của bản thân và sự trợ giúp của những người khác mà lừa ta, biến ta thành một bà cô ngồi trông cái kho rỗng?
-Ây ây! Không đời nào, không đời nào em làm thế.
-Ta cũng mong như vậy. Ngươi bây giờ và ngươi lần đầu ta gặp đã khác quá nhiều.
-Và điều đó khiến chị lo lắng?
-Đúng!
-Chị lo làm cái gì, ai rồi cũng lớn, cũng già rồi c·hết đi. Từ lúc đầu chị hay chị Ngọc Hoa đều cho em của cải và đổi lấy mạng người nhưng em không lấy, sau này em cũng không lấy.
-Ngươi không sợ nghèo sao?
-Nghèo? Em nghĩ mình sẽ không nghèo đến nỗi chẳng có gì để ăn, chắc em sẽ là một người nghèo bình thường.
-Ta không biết xếp ngươi vào hạng người gì là có cái lý của ta. Tiền vàng cho ngươi, ngươi không lấy nhưng trước sau ngươi lại hết lần này đến lần khác tìm cách bảo vệ cho ta. Ngươi muốn ta mang ơn ngươi sao?
-Cũng không ạ! Chị với em là bạn...
-Ta là chị họ của ngươi, ngươi đã nhận như thế rồi, không được nuốt lời.
-Vâng! Chị họ hay chị ruột, chơi với nhau cũng gọi là bạn. Bạn bè phải giúp nhau, điều này em nói rồi còn gì nữa, chị cả nghĩ làm gì?
-Tại ta rảnh!
-Rảnh thì chị nghĩ cái khác đi, sao chị không nghĩ cách học chữ Quốc ngữ? Chị thông minh như thế học chữ Quốc ngữ sẽ rất mau, chả mấy mà chị có thể đọc được nhiều thứ ở thời buổi hiện đại này.
-Học chữ của ngươi?
Tôi gật đầu.
-Tại sao ta phải học chữ của ngươi chứ?
-Bây giờ đất nước khác rồi, chị thừa biết điều này. Nước mình không dùng chữ viết giống người Tàu nữa, chữ này bắt nguồn từ người Tây đấy, dễ viết hơn rất nhiều. Chị học cái chữ này thì đọc được bao nhiêu thứ từ thời xa xưa đến thời bây giờ. Nói thật với chị là em cũng từng nghĩ đến việc gửi cho chị một số cuốn sách nhưng em lại không biết chữ Hán, chị lại không biết chữ Quốc ngữ trong khi bây giờ người ta chỉ bán những cuốn sách viết bằng chữ Quốc ngữ thôi.
Chị Đẹp nghiêng nghiêng đầu nhìn tôi chằm chằm, tôi ngẩn người ta không hiểu tại sao lại nhìn tôi như vậy, một lúc sau chị ấy nói:
-Ngươi sẽ dạy ta?
Tôi gật đầu.
-Như thế ngươi sẽ là thầy của ta?
-Hả?
-Ngươi dạy chữ cho ta chả phải ngươi sẽ trở thành thầy của ta hay sao?
-Không, việc dạy chữ và việc làm thầy khác nhau chứ. Em không dạy, em chỉ là chỉ cách cho chị thôi. Em làm sao làm thầy của chị được.
-Người xưa có câu, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.
-Câu ấy bây giờ người ta hiểu khác rồi chị.
-Là sao?
-“Một ngôi chùa có một ông thầy, bán ngôi chùa thì còn ông thầy.” Nghĩa của câu đấy học sinh dịch ra là như vậy.
Chị Đẹp bật cười một tràng dài đầy sảng khoái.
-Ấu trĩ! Tại sao lại dịch ra như thế, câu đó đâu phải nghĩa như vậy?
-Thời thế thay đổi rồi. Chị cứ suy nghĩ đi, em sẽ chỉ cách cho chị tự học, em nhận làm em họ rồi thì sao làm thầy được, chị nghĩ xem có đúng không nào? Chị học được chữ này thì có đầy thời gian để đọc sách, đọc thơ... Chị sẽ hiểu người thời nay đang làm gì, nghĩ gì.
-Được, ta sẽ cân nhắc việc này. Ta cần hỏi ngươi một việc nữa.
-Việc gì ạ?
-Ngươi điều cả một đội quân ma canh giữ ngay ngoài cánh đồng kia?
Tôi gật đầu một lần nữa xác nhận.
-Như lần trước ta đã hỏi, ngươi đã thật sự thành một tướng quân ư?
Tôi lắc đầu phủ nhận.
-Không phải là tướng quân mà ngươi lại có thể điều được binh mã theo ý của ngươi muốn. Ngươi làm ta ngạc nhiên đấy.
-Binh mã này là của chị Ngọc Hoa, chị ấy muốn giúp chị.
-Hả? Con bé đó tốt vậy sao?
-Từ xưa vẫn tốt như thế mà. – Tôi cười và đáp lời.
-Ngươi không muốn mất lòng ai bao giờ. Ta thừa biết nàng Công chúa nông dân ấy đồng ý điều binh mã đến bảo vệ ta là có ý kiến của ngươi.
-Nếu chị đã đoán biết được thì sao cứ phải hỏi làm gì?
-Ta hả? Ta muốn biết rõ mọi thứ, để xem suy nghĩ của ta có đúng hay không.
-Chị đoán không sai, với lại em nghĩ chị Ngọc Hoa và chị cũng... cùng nghề, tuổi tác lại tầm như nhau, làm bạn cũng tốt. Chị giỏi văn thơ, chị ấy giỏi kiếm thuật, bù trừ cho nhau thì nhất định sẽ trở thành bạn tốt.
-Thôi ta đi nghỉ, nói chuyện với ngươi rất mệt. Ngươi càng ngày càng khéo miệng, nói một hồi ta lại nghi ngờ chính bản thân mình.
-Chị... chị nhớ suy nghĩ về việc học chữ Quốc ngữ nhé?
-Ta đã nói là sẽ cân nhắc thì nhất định ta sẽ cân nhắc.
Chị Đẹp quay lưng đi vào miếu, cái bóng váy xanh mờ dần. Tôi cũng mau chóng trở về nhà bởi vì giờ này chị Ma cũng sắp sửa gặp tôi rồi, lúc thì vai em họ, lúc vai đệ tử ruột cũng mệt chứ không vui sướng gì. Nếu hai người phụ nữ đẹp này ngồi lại với nhau, chơi với nhau thì tôi đỡ được bao nhiêu thời gian và trí óc.
-Chị chưa biết vị trí xây cầu ở chỗ nào thì đẹp nhưng chị biết cách xây cầu.
Chị Ma dáng vẻ uể oải vươn vai ngáp ngắn ngáp dài. Những vị võ tướng đất sét thì ngồi quây vòng tròn đánh chén, những thứ họ đang tiệc tùng là do chị Ma mua từ đâu về tôi không rõ.
-Em lại nghĩ ra chỗ xây cầu nhưng chẳng biết xây kiểu gì.
Mắt tôi sáng rực.
-Xây ở đâu?
-Chính là chỗ mà lần trước những vong hồn bắc cầu vượt mương, cũng là chỗ gã thầy phù thủy yểm bùa.
-Em có chắc không?
-Em suy đoán vậy thôi, hai sự việc xảy ra ở cùng một chỗ ắt hẳn là có lý do.
-Được, vậy ta sẽ thử.
-Nhưng bắc cầu bằng cái gì à?
-Vải liệm!
-Vải... vải liệm?
Chị Ma gật đầu, tôi nghe xong thì nuốt nước bọt đánh ực một cái.
-Nhưng mà...
-Chị sẽ lo việc này, em tốt nhất không nên đụng chạm vào thứ vải ấy.
-Em... em...
-Em cứ tính toán việc của em, khi nào em cần thì chị sẽ cho người mang đến, tốt nhất em không nên chạm tay trực tiếp vào vải đó nghe chưa?
Tôi gật ngay lập tức, dĩ nhiên là tôi chẳng muốn đụng tay vào tấm vải quấn n·gười c·hết ấy làm gì, nhưng tạm thời ý định xây cầu của tôi có thể thực hiện được trong nay mai.
---