Chương 268: Cảnh cáo
Thông tin tình báo – viết vậy cho nó tăng phần trinh thám lên chứ đúng ra là đi nghe trộm – mà tôi thu thập được, tôi nghĩ là rất giá trị bởi vì dựa vào đó có thể phần nào nắm bắt được ý định của lão Dực và đám đàn em. Ông Lê Tam sau khi nghe tin thì đề nghị tôi di chuyển tượng của ông ấy trở lại vườn nhà bà ngoại tôi để tiện cho việc bảo vệ chị Khuê, tôi dĩ nhiên là đồng ý với việc này.
-Vậy ông cũng bố trí nghĩa binh ở mặt đó luôn chứ?
-Ta cũng định đề nghị với tiểu thư như vậy, hiện nay trong vườn nhà cháu đã có mười chín vị võ tướng. Họ tuy không phải dòng máu Đại Việt nhưng ta cũng hiểu được suy nghĩ và mong muốn của họ, đang yên đang lành b·ị b·ắt đi làm âm binh, nghe theo sự điều khiển của người lạ là điều họ không bao giờ chấp nhận.
-Ý của chị như thế nào ạ?
Tôi quay sang hỏi chị Ma, cuộc họp này chỉ có ba người và ngay cạnh bụi tre cô đơn.
-Em hỏi thế là ý gì?
-Kinh Bắc quân do ông Tam chỉ huy nhưng chả phải chị là linh hồn của đội ấy sao. Nhà mình ở mạn Đông này cũng trống trải nhưng có chị và mười chín vị tướng kia em nghĩ sẽ không đáng lo. Nếu có bất trắc gì xảy ra thì em có thể huy động một lực lượng rất mạnh trong chốc lát.
Tôi ngưng lại để chờ xem chị Ma nói gì, chị ấy gật đầu ra hiệu cho tôi nói tiếp.
-Chị Khuê thì chân yếu tay mềm, nếu có ba vị tướng đây và Kinh Bắc quân bảo vệ thì em nghĩ sẽ yên tâm hơn. Trường hợp có biến thì cũng có người báo cho chị em mình để kịp thời ứng cứu.
-Chứ không phải em lo lắng cho người chị họ mới nhận hay sao?
-Thì chị cũng biết rồi, em lo lắng cho mọi người nói chung chứ không riêng gì chị Khuê, nhưng dùng Kinh Bắc quân thì cần có sự đồng ý của chị. Chị cũng là con gái nhưng võ nghệ cao cường, địch đến không sợ, chứ em nghĩ chị Khuê mà gặp đám âm binh với thầy phù thủy kia thì đến chín phần là thua.
-Thôi được, ý của em là hợp lý. Bây giờ di chuyển tượng của ông Tam lên đó luôn hay như thế nào?
-Em sợ bây giờ đã muộn, bà em lại ngóng nên em phải ghé về nhà xem sao đã, nếu đi được thì em làm luôn tối nay không thì để tối mai cho thoải mái.
-Vậy ông Tam bố trí cho quân sang bên đó trước đi, em có định lên nói với con Khuê một tiếng chứ?
-Cũng được ạ. Còn chị thì định làm gì?
-Chị về gặp cảm ơn mấy ông tướng đất sét kia sau đó còn ra xem đám người kia làm gì đêm nay.
-Họ bị cắt điện rồi thì còn làm được gì nữa.
-Nãy em bảo là bắc cầu, đây là ý tưởng rất hay nên chị sẽ đi tìm cách, nhất định tối mai phải có cách. Bọn nó bắc cầu được không có lý gì mình không làm được, hôm nay bị mai phục lại chỉ có một lối ra vào như thế là không ổn. Hai lần chị bị đám này mai phục rồi, cục tức này chị nuốt không trôi.
-Vậy ông Tam nhờ ai dẫn binh lên trú đóng ở cánh đồng phía Tây nhé, cháu về nhà đã.
Cuộc họp ngắn kết thúc như vậy, chị Ma quay ngược trở lại, tôi đoán rằng chị ấy sẽ lại nhảy lên ngọn tre và từ trên cao quan sát ngôi nhà suốt đêm. Lê Tam tướng quân sau đó nhờ ông tuần đinh dẫn binh đến vị trí mới để bảo vệ cho ngôi miếu của chị Đẹp còn tôi trở về nhà, trước khi đi ngủ thì thắp ba nén hương và thêm một gói kẹo nhỏ để ngoài vườn cảm ơn những ông tướng đất sét đã trợ giúp tôi tối hôm nay.
Đồng hồ chỉ gần mười rưỡi tối, bà già vẫn đang ngồi xem phim gì đấy chưa ngủ, chả mấy khi bà thức khuya như vậy, thấy quần áo tôi lấm lem bùn đất thì bà lại hỏi:
-Sao mày cứ đi chơi tối về là quần áo bẩn thế?
-Trăng thanh gió mát nằm ở cánh đồng thì bẩn bà ạ, mà toàn quần áo cũ, mai cháu giặt.
-Đêm hôm mày cứ nằm chơi ngoài đồng có ngày phải cảm là c·hết toi đấy.
-Cháu chưa bị cảm khi nằm chơi ở ngoài đấy bao giờ, ngoài đó mát hơn cả ở nhà, leo lên nóc nhà mình nằm cũng mát nữa đấy bà.
Bà Già trở lại với bộ phim còn tôi thay quần áo rồi ném vào chậu, mặc cái quần cộc với áo thun rồi leo lên phản đánh một giấc đến sáng bảnh mắt mới thức giấc. Sau khi ăn sáng xong thì tôi đạp xe lên nhà bà ngoại chơi, lý do chính là tận dụng ban ngày ban mặt để xem lại địa thế mặc dù đã thuộc từng gốc cây ngọn cỏ. Thêm nữa tôi cũng phải tranh thủ đào một cái hố thật kín đáo để chôn ba bức tượng xuống đất. Sân nhà bà ngoại tôi có phơi một ít thóc, cậu Út không có ở nhà nên mùa gặt này bà phải sang bên làng Yên Ngô nhờ các cháu của bà sang gặt hộ. Tôi đạp xe vào sân và cúi chào nhưng chưa biết xưng hô ra sao cho đến khi người đàn ông gần ba mươi tuổi ấy hỏi tôi tìm ai, khi biết tên mẹ tôi thì thái độ thay đổi ngay, người này tôi gọi bằng chú, chú ấy là chồng của một dì, dì đó gọi bà ngoại tôi bằng cô.
Bà ngoại mới đi đâu đấy tôi không biết. sau khi thắp hương trên ban thờ gia tiên xong thì tôi ngồi trên bậc thềm nhà hỏi thăm người cậu mà lần đầu tôi gặp. Chú này tôi gặp lần đầu tiên, tên chú ấy là Khoan, tôi cũng có chút thiện cảm khi chú này có vẻ dễ gần, hay cười và nói rất nhiều. Chẳng hiểu sao cuộc đời tôi lại có nhiều thứ kỳ lạ, những con người tôi gặp thoáng qua nhưng sau đó lại gặp thường xuyên, cái chú Khoan này cũng vậy. Giai đoạn tôi có nhiều thời gian tiếp xúc hơn với chú Khoan này thì thiện cảm chuyển thành sự khó chịu, sau cùng trở thành không thích chứ chưa đến nỗi ghét. Tôi là người không thích nịnh hót và tôi cũng chẳng nịnh ai bao giờ ngoài vợ tôi, vợ tôi là ngoại lệ (cuộc đời mà, cái gì chẳng có ngoại lệ). Tôi định nghĩa giữa nịnh hót và khéo miệng có một ranh giới rất mong manh nhưng cũng nhờ tiếp xúc nhiều với chú Khoan này thì về sau khi có cơ hội làm việc với cánh đàn ông mà mặt lúc nào cũng đỏ như mới uống rượu thì tôi tự nhiên cảm thấy phải đề phòng, điều này rất khó giải thích.
Trong cuộc sống, có một số người khi thấy bạn có thể lợi dụng được hoặc nhờ vả được thì từ miệng người ấy luôn nói ra những lời ngon ngọt, dễ lọt tai nhưng đến khi bạn sa cơ lỡ vận hoặc khi bản thân họ trở nên tốt hơn thì họ lại tự cho bản thân cái quyền thượng đẳng và phán xét người khác. Tôi rất hiếm khi phán xét ai mà tôi quen bởi vì tôi cho rằng mình không có cái quyền ấy nhưng có lẽ tôi giả vờ khéo quá nên nhiều người sống không ra gì lại hay nói cho tôi nghe những điều thú vị, thật khó hiểu. Chú Khoan này về sau xin cho con trai đi làm cùng với mẹ tôi để học nghề, khi thành thạo nghề thì cả gia đình vào miền Nam lập nghiệp. Chú ấy có hai đứa con, chúng nó đều rất ngoan và biết trên biết dưới nhưng tôi lại ghét chú Khoan này bởi vì chú ấy chính xác thuộc loại bất tài vô tướng, ăn bám vợ con nhưng khi đặt chân ra ngoài thì luôn muốn vẻ bề ngoài bóng loáng và nói phét một tấc lên trời. Trong bất kỳ đám cỗ nào mà chú ấy có mặt, chú ấy luôn khoác trên người bộ quân phục sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, thậm chí còn có cả một cầu vai một sao hai gạch. Ở trên tường nhà chú ấy cũng có một bức ảnh chụp đeo quân hàm rất oai, nói chính xác luôn là đồ giả, một trăm phần trăm là đồ giả. Hồi tôi mới quen bạn gái, mấy lần cô ấy có mặt ở đám cỗ thấy có đến ba ông mặc đồ sĩ quan nên rất nể, tôi thì ngượng đỏ hết cả mặt khi nghe từ miệng những người ấy nói mình làm nọ làm kia ở quân đoàn 4 và dưới quyền có hàng trăm lính. Về sau bạn gái tôi cứ ngưỡng mộ vì gia thế người yêu cũng là bộ đội giống gia đình cô ấy, bực quá tôi bảo:
-Mấy người ấy nói láo, có người đi bộ đội nửa chừng trốn về, có ông phục viên nhưng cứ thích bốc phét là sĩ quan chứ các ông ấy học chưa hết lớp 9 thì chỉ xứng đáng làm cần vụ, không thể so với ba mẹ em được.
Người yêu tôi chưng hửng, cũng may chẳng phải ruột thịt nên cô ấy cũng hiểu. Thôi thì mỗi người đều có quyền tự do lựa chọn cách thể hiện bản thân, miễn không đi l·ừa đ·ảo ai là được, còn không thì cứ xem họ như con khỉ diễn xiếc cũng vui. Tôi nhớ hồi 2012 khi tôi biết tin chú Khoan này chính là người chơi khăm bố tôi đợt 2007 (Tôi hi vọng mình sẽ còn nhớ chi tiết để kể sau này) thì tôi tức lắm nhưng chẳng làm gì được, cách duy nhất tôi có thể làm là báo cho người ta việc có người mạo danh sĩ quan để đi tán gái, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người lính. Sau vụ ấy không thấy đồng chí sĩ quan rởm ấy huênh hoang nữa, mũ với cầu vai không bao giờ còn xuất hiện, cũng không thấy khoe với ai là mình có hàng trăm lính, đi ăn cỗ chỉ còn thắt lưng và bộ đồ giống sĩ quan mà thôi. Đúng là giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời.
Như tôi đã từng kể, tôi có ấn tượng rất tốt với bộ đội vì tôi đọc nhiều sách lịch sử mà, bởi vì tôi thích bộ đội nên không ghét những người mạo nhận bộ đội làm chuyện vớ vẩn hoặc đơn giản là bốc phét cho sướng mồm. Tôi không hiểu sao những người như chú Khoan ấy lại có thể nói không ngượng miệng khi tất cả những người xung quanh đều biết chú ấy nói láo nữa. Em trai tôi luôn gọi chú này bằng “thằng” nhưng tôi thì không, dù sao chú ấy cũng lớn tuổi rồi.
Ngồi chơi ngoài thềm một lúc thì tôi lấy thuổng ra lũy tre đào hố, tôi cẩn thận đào một cái hố sâu khoảng hơn ba mươi cen – ti - mét sát lũy tre và khuất lấp bởi mấy bụi cây nhỏ khác. Tôi không muốn ai phát hiện ra chỗ tôi chôn giấu tượng nên phải tìm nơi kín đáo, đề phòng đám người kia cũng sẽ cẩn thận kiểm tra. Hố được đào xong xuôi, chỗ đất tôi gom lại một góc để chiều mang tượng lên yểm vào, sau khi yểm sẽ dùng nước dội qua để dấu vết đào bới mờ bớt đi. Cất cái thuổng vào chỗ cũ, tôi quay trở ra cánh đồng để xem lại địa thế và đoán mò xem đội nghĩa binh khăn trắng sẽ được bố trí ở nơi nào. Nắng chói chang, tôi phải nheo mắt và dùng tay che lên trán để quan sát, nhờ vậy tôi nhìn thấy từ hướng gò đất Đầu Rùa ở hướng Tây Nam đang có hai người đi về hướng tôi. Sở dĩ tôi chú ý đến hai người đàn ông này bởi vì họ có khoác súng, khoảng cách tầm hai trăm mét và quang đãng, đủ để tôi nhìn thấy nòng súng. Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào, tôi xoay người chạy một mạch vào trong, có lẽ linh tính mách bảo tôi nên trốn đi, không nên chạm mặt hai người đàn ông đang đi đến phía này. Tôi đứng gần bụi tre trên gò miếu, tận dụng những khe hở hiếm hoi để nhìn ra cánh đồng. Chưa đầy một phút sau tôi đã nhìn thấy hai người đàn ông này rõ ràng hơn, người đi trước đúng là đeo một khẩu súng bên vai phải, là loại súng hơi dùng để bắn chim, người đi sau cầm theo một cái túi, cả hai người đều đội mũ lưỡi trai. Họ đi ngang qua chỗ tôi đang rình khoảng tầm mươi mét thì đứng lại chỉ vào những lũy tre, từ chỗ tôi đứng cho đến chỗ hai người đó đang đứng áng chừng khoảng năm mươi mét. Tôi không khó khăn gì để nhận ra hai người quen cũ, người đeo súng tôi không biết tên nhưng người cầm túi kia chả phải là gã Mộc đó sao.
Tim tôi đập thình thịch, trong đầu hiện ra bao nhiêu suy nghĩ, tất cả đều tựu chung lại một chủ đề ấy là họ đến đây để điều nghiên. Tôi có chút hoảng hồn hơn khi hai người này cùng nhau đi về phía lối sau nhà ở góc Tây Bắc, ban ngày không có rào gai. Họ tiến thì tôi lùi, sau đó tôi nấp sau miếu, hé mắt ra quan sát. Tôi ngạc nhiên hơn khi hai gã này thản nhiên đi vào vườn sau nhà bà ngoại tôi, đứng nhìn ngó một lúc thì bọn họ đi thẳng về phía miếu nơi tôi đang đứng nấp phía sau.
-“Bọn này làm cái gì thế? Ban ngày ban mặt chả lẽ vào c·ướp phá miếu hay sao?”
Lòng tôi đầy lo lắng, nín thở dán sát mình vào bức tường nhỏ phía sau ngôi miếu, không lâu sau tôi nghe tiếng nói của gã Mộc:
-Ông anh ơi!
Tôi chưa nghĩ ra gã này gọi ai vì lúc này tôi còn đang lo lắng, đến khi nghe tiếng đáp lời của chú Khoan từ trong sân thì tôi yên tâm hơn một chút. Tôi hé mắt sang bên trái để nhìn, hai người đàn ông, bọn họ đang từ ngoài vườn đi vào sân nhà.
-“Vào đây làm gì nhỉ?” – Tôi nghĩ trong đầu và thắc mắc
-Bọn em đi bắn chim, khát nước quá vào xin ông anh ca nước. – Gã Mộc lên tiếng.
-“Hừ! Lý do này hợp lý đấy” – Tôi nhếch mép cười.
Ngay sau đó, tôi di chuyển từ chỗ miếu của chị Đẹp về phía góc vườn nơi trước đây đã luồn từ nhà hàng xóm sang vườn nhà bà ngoại. Tôi không thể chạm mặt hai người này được, bởi vì thế tôi quyết định chui qua bờ rào sang vườn nhà hàng xóm sau đó ngồi sát lũy tre, hồi hộp nhìn về phía bên kia. Tôi phải chờ đợi khá lâu, chừng mười phút hơn mới thấy hai người đàn ông từ phía sân đi ra, họn họ đi lên gò đất, đứng gần miếu và cây duối, tay chỉ chỏ lên ngọn tre giống như đang bàn tán việc gì đấy nhưng tôi tin là không phải. Hai người này đi một vòng quanh miếu một hồi sau đó mới rời đi, tôi cũng ngay lập tức chạy ngược lại chỗ bờ rào mới chui qua khi nãy để bám theo hai người này.
-“Phạch!”
Tiếng súng hơi bắn lên ngọn tre, lũ chim bay nháo nhác. Tôi lom khom đứng trên gò miếu nhìn xuyên qua những khoảng hở và thấy rằng hai người bọn họ lúc này đang đứng trên ruộng lúa đã gặt, chỉ bắn lên ngọn tre lấy lệ nhằm hợp thức hóa việc đi do thám.
-Làm vài phát nữa đi rồi về! – Gã Mộc nói với người đi cùng.
Tôi vẫn nhớ súng hơi loại này dùng một loại đạn màu trắng giống như màu nhôm - tôi không biết cụ thể - viên đạn hình trụ, lõm ở hai đầu và có những rãnh rất nhỏ. Tôi cứ đứng lặng im quan sát hai người này, chờ đợi họ rời đi. Người cầm súng hơi nhắm lên ngọn tre và bắn thêm một phát nữa nhưng tôi không nghe thấy tiếng súng như lúc nãy nữa.
-Đm, kẹt đạn rồi.
Người này hạ súng xuống chắc để kiểm tra, mũi súng chúi xuống đất nhưng vô tình súng lại nổ, sau tiếng “phạch” là tiếng rú của gã Mộc, gã ta đánh rơi cái túi và nằm ngửa ra ruộng, hai tay ôm lấy bàn chân trái.
-Đm thằng ngu, mày bắn vào chân bố mày rồi.
-Ôi!
Người đi cùng luống cuống thấy rõ, tôi đứng từ trong này nhìn ra cũng không cười nổi vì sợ, gì chứ súng bắn vào người tôi chưa thấy bao giờ, tôi tưởng súng hơi thì chỉ bắn được chim chứ sao mà bắn xuyên qua chân. Tiếng gào thét, chửi rủa của gã Mộc dành cho đồng bọn, gã đồng bọn vội vàng sốc nách gã Mộc lên rồi cõng chạy một mạch về hướng Nam, men theo bờ ruộng gần lũy tre. Chờ cho hai gã này đi khuất thì tôi chạy đến lối đi ra cánh đồng để nhặt cái túi bọn họ để lại, chả biết trong đó có gì nhưng thấy của rơi thì phải trưng dụng ngay.
---