Chương 191: Cự mã
Tôi ăn thêm cháo của bà Già nấu, ăn như một thằng c·hết đói khiến bà già ngạc nhiên ngồi nhìn tôi.
- Mày... Mày... Có phải mày giả vờ ốm để ăn thịt gà không hả thằng kia?
- Sao bà lại bảo cháu giả vờ? – Tôi lau miệng còn dính cháo gà. – Do cháu được ăn cháo của bà với lên chùa khấn Phật, tự nhiên về đến nhà thì cháu thấy khỏe như thường, lúc sáng cháu cũng uống thuốc rồi mà!
- Tao là tao... Tao nghi lắm...
- Sư thầy cũng bảo là cháu bị cái gì mà căng thẳng do học hành đấy, áp lực làm cho cháu bị như thế!
- Kệ cha mày, học với hành, ốm gì mà húp hết cả một nồi cháo.
- Tại ngon mà bà! – Tôi nhìn bà rồi cười hì hì.
Đầu giờ chiều, trời nắng nhưng tôi vẫn lấy xe đạp để đi lấy những ngọn giáo về để gửi sớm cho vị tuần đinh của làng, tôi nghĩ mình phải tiến hành nhanh hơn vì đêm qua nhiều thử thách thót tim quá, quan trọng nhất đối với tôi chính là phải đi đặt mua một bộ váy đẹp màu đỏ cho chị Ma. Tôi nhớ mấy lần trước gửi xuống chẳng thấy bận, nay chị ấy nhờ mua thì nên làm một bộ nào đó thật đẹp, thật tráng lệ mới được.
Tôi nhận thêm số giáo bằng vàng mã trong bao tải, mấy chục con ngựa tôi đặt đang phơi khắp khoảnh sân, tôi nhìn quanh và khá hài lòng.
- Chú làm dư thêm chục con, cháu có lấy luôn không?
- Được ạ, nếu vậy chú làm thêm cho chẵn 100 luôn đi, 60 không chẵn lắm.
- Được, được, ngày mai là có đủ.
- Chú có biết thời xưa cưỡi ngựa như này thì sử dụng cái gì không?
- Hả? Ý cháu là...
- Cháu đốt gửi xuống cho các cụ đánh trận giả cho vui, dưới ấy chắc buồn. – Tôi vừa nói vừa cười khiến chú làm vàng mã cũng cười theo.
- Chú thấy phim Tàu thì cưỡi ngựa dùng cung nỏ, đại đao, trường mâu... Đủ cả.
- Vậy chú làm cho cháu chẵn 100 cái gì mà giống ngọn lao ấy, có thể dùng để ném lao hoặc dùng để đâm ấy nhờ?! Nhớ dài hơn ngọn giáo một tí chú nhá!
- Được, được tất, cháu cần gì chú cũng làm cho. Mà bà cháu ở nhà lấy về bán lại hả?
- Không, lấy về dùng ạ!
- Hả? Nhà... Nhà cháu có điện thờ hay sao?
- Không, nhà cháu không có, cháu nghe bà cháu bảo là nằm mơ thấy tổ tiên báo mộng là gửi những thứ này xuống để chơi đánh trận giả, dưới ấy buồn quá lại lên phá con cháu thì mệt.
- Tổ tiên nhà cháu gì mà đông thế?
- Thì chia cho tổ tiên nhà người khác chơi chung, chơi một mình sao mà vui được hả chú.
- Cũng phải nhỉ?! – Chú làm vàng mã gật gù, xem chừng lý do tôi mới nói có vẻ hợp lý.
Trước khi đạp xe về và hẹn gặp lúc 7g30 tối tại trạm bơm thì tôi có nhắc lại thêm một lần nữa với chú làm vàng mã.
- Tiền bạc với cháu không quan trọng, cháu cần làm nhanh và đủ số lượng, chú làm cho cháu 100 ngọn lao để ném và 100 cái gì đấy dài dài, đầu nhọn để người cưỡi ngựa có thể cầm và đâm vào đối phương.
- Chú biết rồi, dài đúng không?
- Vâng, tối có thêm những gì thì chú giao cho cháu từng ấy, đốt nhiều thế này cũng mệt mỏi lắm chú ạ!
- Nhất trí!
Tôi gửi tạm lại những ngọn giáo và đạp xe lên thị trấn Hồ, tôi phải lên đấy vì có vài việc khác nữa. Tôi tìm đến nơi trước đây mình đã đặt làm vương miện cho chị Ma, nơi ấy người ta làm nhanh và đẹp hơn rất nhiều so với chú này, bộ váy của chị Ma đối với tôi là rất ý nghĩa bởi vì cái này xem như một món quà gửi tặng chị ấy. Chị ấy không phải người làng tôi nhưng lại đang làm nhiều việc để bảo vệ làng tôi.
Tôi đặt một bộ váy màu đỏ thật đẹp và cầu kỳ, thêm hai bộ màu đỏ khác nữa để dùng khi đi lại cho tiện, ba đôi hài cũng màu đỏ, đặc biệt là tôi yêu cầu dán thêm vài họa tiết cho hai bộ quần áo ăn mặc như một nữ hiệp. Người nhận làm lưỡng lự bởi vì sẽ tốn nhiều thời gian hơn, nhưng họ gật đầu đồng ý vì tôi nói sẽ trả thêm tiền công là 50 nghìn đồng một bộ, cộng thêm 50 nghìn đồng tiền giao hàng vào lúc trưa mai tại cổng trường của tôi, thời điểm này tôi không có nhiều thời gian vì còn phải lo ôn thi, mỗi lần lên thị trấn Hồ và về cũng ngốn của tôi đến gần ba tiếng đồng hồ chứ không ít. Trên đường về, tôi tạt vào cửa hàng Tụ Sâm để tìm mua một loại khăn bịt mặt giống như một số người phụ nữ sử dụng khi đi làm đồng, tuy nhiên ở đây không có bán kiểu khăn như vậy, cũng chỉ có khăn quàng đỏ mà thôi. Sau cùng tôi chọn mua hai cái khăn quàng đỏ đắt tiền dùng để bịt mặt y như mấy gã ăn c·ướp, chuẩn bị ra về thì tôi nhìn thấy trong cửa hàng có treo bán cầu lông, có cả mấy cái túi vải dài có quai đeo, hỏi ra thì ông chủ cửa hàng bảo là cái này có người quen gửi bán thử, dùng để đựng bóng bàn, tôi liền mua thử hai cái, sau này cũng không thấy họ bán nữa, chắc là ế. Tôi liên tưởng ngay đến việc cái túi này dùng để đựng thanh kiếm gỗ, nó chẳng có bao kiếm hay gì cả, nhờ nhìn thấy cái túi này mà sau này tôi đã đi đặt may một cái bao đựng kiếm màu đen bằng da trâu hoặc da bò gì đấy chả nhớ nhưng đại khái là da thật.
Những ngọn giáo bằng giấy khi tôi mang về đến nhà thì giấu ở trong vườn, chờ đến tối rồi hóa luôn một thể. Tôi ngồi học bài đến giờ Dậu thì ra đợi hái lá sau đó mới lên chùa gặp sư thầy, tôi khá tò mò bởi vì muốn xem sư thầy lần này sẽ cho tôi thứ bảo bối gì để góp phần chống lại kỵ binh. Dựng xe đạp vào gốc cây xoài, tôi đi xuống căn nhà nhỏ thì thấy ở ngoài sân có hai thứ rất kỳ lạ được làm bằng những cành tre khô, nhìn trông khá đơn giản, đều hình chữ X và cao gần đến đầu tôi và được vót nhọn, bề ngang dài chừng khoảng hơn 1 mét và có quấn một mớ bùi nhùi giống như là lưới đánh cá được cắt ra. Tôi đang đứng nhìn thì sư thầy bước ra từ trong nhà và trên tay có hai giờ giấy màu vàng.
- Đã lên rồi đấy hả? – Sư thầy hỏi tôi, miệng vẫn không ngừng cười.
- Vâng, cháu vừa mới đến.
- Chờ ta một chút đã...
- Ông làm gì thế ạ?
- Một thứ hay lắm! Cháu có biết hàng rào kẽm gai không?
- Cháu biết ạ! – Tôi gật đầu.
- Ta không gửi được hàng rào kẽm gai thì gửi hàng rào tre vót ngọn, chờ ta dán bùa lên và làm phép thì cháu đốt đi, gửi cho ai đang cần… Còn bố trí như thế nào thì phải dựa vào tầm nhìn của cháu hoặc... Bạn cháu, nhỉ?!
Tôi đứng ngây người nhìn sư thầy dán hai tờ giấy viết những chữ Hán tự và thêm những đường màu đỏ.
- “Hàng rào tre kẽm... lưới ư?”
Tôi ngồi trên bậc cửa, sư thầy mặc pháp phục màu vàng lâm râm khấn vái gì đó ngoài sân tôi không cũng không rõ, cũng phải đến chừng gần 5 phút, khi ông quay trở lại thì tôi đứng dậy.
- Cháu mang hai cái này ra sau chùa và đốt đi, trước khi châm lửa đốt thì hãy đọc câu này...
Sư thầy ghé sát vào tai tôi đọc nhỏ đủ để tôi nghe, xem chừng không có gì đặc biệt nhưng chắc đấy là câu thần chú.
- Lấy chai dầu hỏa ở góc kia tưới lên mà đốt cho mau.
- Còn... Còn gì nữa không hả ông?
- Thế là đủ rồi, tha hồ mà dùng.
Tôi khệ nệ bê mang hai cái cự mã ra đằng sau chùa, trước khi tưới dầu hỏa lên để đốt thì tôi còn tò mò xem chữ gì ghi trên tờ giấy màu vàng, tiếc là tôi muốn biết Hán tự nhưng Hán tự lại không biết tôi, vì không có điểm chung cho nên tôi chẳng hiểu những chữ đấy viết gì. Tôi lẩm nhẩm trong miệng đọc lại cái câu sư thầy vừa dặn ba lần thì châm lửa đốt, lửa ban đầu cháy lan theo những vệt dầu hỏa loang rồi cháy dần vào trong lõi. Tôi lùi lại phía sau ngồi nhìn hai đống củi cháy và nghĩ giá như mình có mang theo bắp ngô thì tốt biết mấy. Chừng một khắc sau thì hai cái cự mã chỉ còn là hai đống tro màu đen trên nền đất sau lưng chùa, tôi chạy đi lấy nước đổ vào để tàn khỏi bay.
Tôi trở vào trong nhà sau khi xử lý xong xuôi và ngồi hầu chuyện với sư thầy thêm một lúc nữa. Sư thầy hỏi thăm về tình hình sức khỏe của tôi, tôi khẳng định mình đã khỏe hơn rất nhiều so với hồi trưa, như thể chưa từng thấy mệt bao giờ. Trước khi tôi dắt xe ra khỏi cổng, sư thầy nói thêm mấy câu với tôi trước khi quay trở vào nấu bữa tối.
- “Tận nhân lực, tri thiên mệnh” và cũng có câu “Thiên bất dung gian”. Cháu mới hơn 14 tuổi nhưng ta biết không phải là đứa “niên ấu vô tri" cháu có hiểu không?
- Cháu... chưa ạ.
- Nghĩa là cố gắng làm hết sức mình còn việc thành bại là do mệnh trời, mà trời cũng không dung thứ cho kẻ tà gian, ta biết cháu vốn không phải là đứa trẻ người non dạ nên hãy cẩn thận suy xét mọi việc, không được khinh địch, không được tự mãn.
- Vâng, cháu hiểu ạ!
- Ta không biết rõ cháu có bao nhiêu bạn nhưng ta tin cháu chính là sợi dây liên kết họ lại với nhau cho nên hãy nhớ ta dặn câu này: “Đồng thanh tương ứng. Đồng khí tương cầu”.
- Câu này có nghĩa là gì ạ?
- Câu này… Ta tin là không khó để cháu tự hiểu ra, tự trải nghiệm tìm tòi thì sẽ nhớ lâu, sau này phàm làm bất cứ việc gì cũng sẽ nhớ đến và vận dụng cho khéo. Ta bấm quẻ thì biết sắp tới cháu sẽ làm một việc "thương thiên hại lý" ta không thể khuyên cháu điều gì nhưng chỉ có thể nói hai câu ấy chính là “thế thiên hành đạo” và “cẩn tắc vô ưu”!
- Vâng! Cháu sẽ ghi nhớ ạ!
Trên đường đạp xe về nhà, tôi nghĩ đến việc mình sẽ phải đi học chữ Hán để hiểu hết ý nghĩa ẩn chứa sau những câu trích sư thầy hay dạy, xem ra thầy ấy cũng có thể được gọi là một bậc nho nhã chăng?
----
***