Chương 190: Chữa bệnh
Buổi sáng thức dậy, người tôi đau ê ẩm và cảm thấy hơi lạnh nên đành đạp xe xuống nhà R9 nhắn nó xin cho tôi nghỉ một buổi học và đạp xe ra đầu làng, rẽ vào trạm y tế thôn để mua thuốc cảm. Bà Già rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi đạp xe quay về mà không đi học, tôi nói với bà là hơi mệt nên xin nghỉ một hôm.
- Thi cử tới nơi rồi, mày học hành đêm hôm cũng phải giữ sức khỏe, để tao đi nấu cho nồi cháo gà mà ăn.
Tôi cười gượng và vào nhà lấy nước để uống thuốc, khi nằm trên tấm phản gỗ truyền thừa, tôi nhớ lại đêm qua mình đã hít rất nhiều âm khí trong trận chiến, có lẽ lại giống như lần ở cánh đồng Quán Dê, cảm giác rất giống. Tôi nằm ngủ th·iếp đi cho tới khi bà Già vỗ gọi tôi dậy.
- Mày có mệt lắm không? Ra giữ hộ tao con gà.
- Vâng!
Mặc dù toàn thân ê ẩm nhưng tôi vẫn ngồi dậy đi theo bà xuống dưới cửa bếp để giữ hai chân con gà và hai cánh cho bà cắt tiết, việc cắt tiết gà tôi không đủ can đảm để làm từ lúc còn bé cho tới tận mãi sau này, thậm chí mỗi khi phải ngồi giữ cánh với chân gà cho nó không giãy thì tôi cũng nhắm tịt mắt, mỗi người đều có những nỗi sợ hãi riêng. Bên tai tôi, lời bà Già nói suýt xoa như khấn:
- Thôi thì trống cắt tai, mái cắt cổ, tao hóa kiếp này, mày làm kiếp khác!
“Roẹt!” - Tiếng con dao nhỏ của bà miết một đường trên cái đít bát, tôi nhắm mắt nhưng có thể tưởng tượng được. Tiếng con gà kêu oang oác rồi giãy dụa, cánh và chân nó như gồng lên bằng tất cả sức mạnh mà nó có, tôi phải giữ chặt.
- Mày con trai mà… Mấy cái việc này đơn giản, sao mỗi lần làm là mắt mày cứ nhắm tịt lại như thế thì sau này sao biết mà làm?
- Cháu... Cháu sẽ không ăn thịt gà nữa!
- Cha bố nhà anh, ăn thì toàn đùi với lườn, chỉ được cái khôn mồm là giỏi!
- Cháu sợ cảm giác cầm dao cắt cổ, cháu...
Tôi không biết nói gì thêm, đành im lặng giơ cao tay lên để tiết gà chảy nhiều vào cái bát nhỏ.
- Thôi để tao làm tiếp, mày vào nghỉ đi, tí nữa có cháo ăn tao gọi.
Bà Già cầm lấy con gà khi tiết đã chảy hết, để vào cái chậu thau bằng đồng sau đó lấy siêu nước nóng đã đun đổ vào, bà rải đều nước nóng xung quanh con gà lúc này đang nằm gọn trong cái chậu. Tôi đứng dậy ra bơm nước rửa tay và trở vào phản nằm, tôi mơ màng nhớ lời dặn của chị Ma về việc mua váy, nhớ lời chị nhờ vả việc đọc sách tìm ra cách chống kỵ binh và quan trọng là còn mấy việc dang dở như lấy ngựa, lấy giáo đã đặt... Cứ nhắm mắt lại là bao nhiêu việc hiện ra trong đầu khiến tôi không tài nào chợp mắt được nên sau cùng đành phải ngồi dậy, thở dài một hơi, leo xuống giường và tìm tất cả những cuốn sách lịch sử lớp 8, lớp 9, lớp 10... Trong đó có cả một cuốn lịch sử lớp 12 và vài cuốn khác rất dày và to mà tôi đã mua ở cửa hàng Tụ Sâm. Những cuốn sách này tôi đã đọc qua rồi bèn bỏ qua các đoạn không cần thiết và chỉ tập trung tìm kiếm những trận chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là trong khâu chuẩn bị chống giặc.
- Mày không nghỉ đi, khỏe rồi học.
Bà Già đi lên thấy tôi ngồi đọc sách thì nhắc nhở.
- Cháu còn vài chỗ chưa hiểu nên tranh thủ đọc một tí bà ạ, nằm cũng mệt lắm.
- Học hành, thi cử là khó lắm, nhưng mày cũng phải biết giữ gìn sức khỏe, đừng để đến lúc thi thì lăn ra ốm là được.
- Vâng, bà yên tâm, cháu biết mà.
Lần giở hơn nửa tiếng, tôi chỉ tập trung vào tìm kiếm những trận đánh của nhà Trần chống lại quân Mông Cổ, bởi vì nếu đã học lịch sử, dù không chú tâm thì ai cũng biết câu “Vó ngựa của quân Mông Cổ đi đến đâu thì cỏ không mọc được”... Nhưng chẳng có dòng nào nói về cách chống kỵ binh cả, chỉ có đôi dòng nhận định của các bậc chỉ huy cuộc kháng chiến rằng khi rút khỏi Thăng Long cũng như các nơi khác về Thiên Trường thì đi đường thủy để hạn chế tính cơ động của kỵ binh Mông Cổ, đường bộ và đường thủy khác nhau cho nên địch quân không thể truy kích được đoàn quân rút lui. Bên cạnh đó, do kỵ binh tiến công nhanh nên chiến thuật “Vườn không nhà trống” của Trần Hưng Đạo tỏ ra hiệu quả khi giặc không có gì để c·ướp phá, đặc biệt lương thực cho ngựa được chú ý mang theo khi rút lui hoặc tiêu hủy. Tuy nhiên, những thông tin này không mang lại giá trị gì cho tôi cả, cái tôi cần là cách chống lại kỵ binh khi cận chiến, một đoàn kỵ binh vong hồn lên đến hàng trăm tên.
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, lực lượng kỵ binh lần đầu tiên xuất hiện trong sử sách chính thống là vào triều nhà Lý. Năm 1017, vua Lý Công Uẩn cho xây t·rường b·ắn để binh lính tập cưỡi ngựa bắn cung, trong các cuộc thi tiến sĩ võ, bao giờ mục cưỡi ngựa cũng được đưa lên thi đầu tiên. Tuy kỵ binh đã được chú ý đến và đầu tư như chủ yếu tập trung vào chất lượng hơn là số lượng, lực lượng kỵ binh không phải là thế mạnh trong suốt chiều dài lịch sử 1000 năm qua của Việt Nam. Số lượng kỵ binh thời phong kiến Việt Nam được huy động nhiều nhất có lẽ là vào thời vua Lê Thế Tông, chỉ huy q·uân đ·ội là Trịnh Tùng đã dùng 400 quân thiết kỵ đẩy lui nhà Mạc xâm lấn. Nhận thấy sức mạnh của quân thiết kỵ, Trịnh Tùng đã huy động đến 5000 quân trang bị giáp sắt phủ kín ngựa và vây hãm thành Đông Kinh (Thăng Long) của nhà Mạc.
Tôi không thể tìm được chút thông tin hữu ích nào nên sau khi ăn cháo do bà nấu thì quyết định đi hỏi sư thầy xem ông ấy có biết thêm gì không, tôi cũng định bụng đi hỏi cô giáo dạy sử nhưng lại từ bỏ ý định, cô ấy là phụ nữ, chắc sẽ chẳng bao giờ quan tâm đến việc đánh nhau mấy đâu, chỉ có cánh đàn ông, nhà sư cũng là đàn ông nên tôi đặt hy vọng nhiều hơn.
- Mày không nằm nghỉ lại đi đâu giờ này?
- Cháu lên chùa một tí, lên đấy thắp nén hương rồi cháu về.
Bà Già không cản tôi nữa, đối với bà thì lên chùa là một việc nên làm thường xuyên chứ không phải khi nào cần mới đến, thôi thì mỗi người một quan niệm, chẳng có đúng sai gì cả.
Tôi đạp xe vòng qua quán bán hàng nhỏ của nhà bác tôi nằm ở Đề Đổ, mua một thẻ hương và ít bánh kẹo sau đó mới đạp xe vào chùa, cổng chùa lúc nào cũng rộng mở. Tôi cất tiếng chào sư thầy khi thấy ông đang quét tước ở cái am thờ bên mé đầu hồi phía Đông, chỗ hai cây cổ có chứa thanh kiếm. Bánh kẹo thì tôi bày lên mỗi nơi một ít ở trong gian thờ chính của chùa rồi thắp hương hết lượt, chỉ một lát sau thì mùi khói hương đã tỏa ra khắp gian thờ ba gian này. Tôi quay trở ra sân chùa thì sư thầy đã đứng chờ tôi, sau khi nhìn tôi thì sư thầy hỏi.
- Sáng nay nghỉ học hả cháu?
- Vâng, cháu hơi mệt nên xin nghỉ một hôm, cháu tính lên hỏi ông một tí về lịch sử.
- Ta có phải thầy giáo đâu mà chỉ cho cháu được, phải hỏi cô giáo chứ?!
- Vâng… Nhưng nhỡ đâu ông biết những thứ cô giáo cháu không biết thì sao, ông nhiều tuổi hơn mà!
- Ta đã nói tuổi tác chỉ là một con số, nó không đại diện cho việc biết nhiều hay ít...
Nghe sư thầy nói như vậy tôi chỉ biết cười gượng và gãi đầu.
- Thôi đi xuống dưới đây đã, đứng ở đấy làm gì nữa. Hôm nay lên xin Thần, Phật phù hộ độ trì cho thi đỗ hay sao nào?
- Cháu không, đời nào lại thế được.
- Thế thì tốt, Thần, Phật không đọc được chữ Quốc Ngữ được đâu mà làm bài thi hộ.
Sư thầy vừa nói vừa tủm tỉm cười, cầm chổi chít đi về phía nhà dưới, tôi vội vàng đi theo, sư thầy bước vào trong nhà thì quay lại nói với tôi.
- Chờ ta một tí, cháu đứng ra giữa sân chờ ta!
- Để làm gì ạ?
Tôi ngạc nhiên hỏi lại sư thầy, giờ này cũng gần 11g trưa trời nắng thì đứng ra giữa sân khác gì cực hình.
- Đứng ra đấy cho nó mát, chờ ta.
Nói đoạn, sư thầy đi vào trong nhà, tôi đứng ngoài cửa lưỡng lự một lúc rồi cũng đành quay ra đứng giữa cái sân nhỏ, chỉ vài phút ngắn ngủi thôi mà mồ hôi đã vã ra như tắm, cái này khác gì cực hình đâu. Thời gian trôi qua khoảng hơn 5 phút, tôi đã cảm thấy áo mình nóng ran và tay thì quệt mồ hôi liên tục, mồ hôi không bị đen như lần tôi thấy chị Ma chữa trị cho tôi nên tôi không hiểu nhà sư muốn làm gì. Bóng dáng sư thầy xuất hiện ngoài bậc cửa và bước ra sân, ông vẫy tay ra hiệu cho tôi đi theo vào chỗ râm mát nơi gần giếng chùa.
- Mát không cháu?
- Ông hỏi bây giờ mát hay lúc đứng trên sân mát?
- À, ta hỏi bây giờ có mát không?
- Đứng dưới bóng râm thì dĩ nhiên là mát rồi ạ, sao ông lại hỏi lạ thế?
- À, đôi khi đứng nắng như thế để biết bóng râm quý giá.
Sư thầy lại tủm tỉm cười, nụ cười hiền từ và đầy khó hiểu, sau đó ông thả gàu xuống giếng múc lên một gàu nước để xuống sân giếng.
- Thần sắc nhợt nhạt, mật ong ta cho cháu, cháu vẫn uống chứ?
- Cháu vẫn uống mỗi ngày hoặc ngậm với chanh mà.
Sư thầy gật đầu điệu bộ hài lòng.
- Giơ hai bàn tay cho ta xem nào? Ngửa lòng bàn tay lên.
Tôi làm theo lời sư thầy nói, ông nhìn hai lòng bàn tay của tôi một hồi lâu, nhìn mặt tôi, nhìn cổ tôi và đi vòng ra phía sau nhìn cái gì thì tôi không biết. Sau một vòng nhìn ngắm tôi như một bức tượng cổ, sư thầy đứng lại ở phía trước mặt tôi, ông đưa hai bàn tay nhăn nheo của ông úp vào lòng bàn tay của tôi, tôi ngạc nhiên muốn hỏi thì ông đã nói.
- Lặng yên!
Tôi cảm nhận được bàn tay với làn da đã nhăn nheo của sư thầy rất ấm.
- Để yên, mỏi thì cũng đừng có hạ tay xuống, chỉ chốc lát thôi.
Sư thầy nhắm nghiền mắt lại, còn tôi thì mắt lại mở to thầm hỏi.
- “Ông... Ông ấy truyền chưởng lực cho mình như trong phim á?”
Chỉ hơn một phút sau thì sư thầy mở mắt ra và thu tay lại, tôi vẫn đứng y nguyên như vậy vì chưa được dặn phải làm gì. Sư thầy bước đến bên trái tôi và dùng bàn tay vỗ nhẹ vào bụng tôi một cái sau đó vòng qua bên phải vỗ thêm một cái nữa, tiếp theo đó ông đi ra sau lưng tôi vỗ thêm vào bả vai, hai nách và vỗ liên tiếp vài cái mạnh hơn vào lưng khiến tôi mất thăng bằng chúi nhẹ, một chân bước về phía trước theo phản xạ để lấy lại thăng bằng chứ không thì ngã sấp mặt. Dường như lúc này việc đã xong xuôi, sư thầy đi lên phía trước dặn tôi một câu rất khó hiểu.
- Nhớ dội sạch rồi vào trong nhà uống nước.
Nhìn bóng lưng gầy của vị sư già đi vào căn nhà nhỏ, tôi chưa hiểu mình sẽ phải dội cái gì, nhưng khoảng hơn nửa phút sau, tôi nghĩ là không tới một phút, tôi cảm giác như mình muốn nôn khan, bụng tôi tự nhiên co thắt lại vài lần rồi thay vì nôn ra món cháo gà tôi mới ăn khi nãy ở nhà thì tôi cảm giác như cổ họng mình có đờm, khạc vài lần thì tôi nhổ toẹt xuống nền giếng.
Tôi... Tôi nhìn thấy dưới nền giếng là một thứ gì đấy giống như mình vừa nhổ ra một cục đờm, nhưng toàn bộ là màu đen, nhớp nháp giống như một cục máu đông, to bằng khoảng hai đầu ngón tay. Tôi không biết đấy là thứ gì nên ngồi xuống ngó nghiêng một hồi rồi đi tìm một cái que chọc thử, nó chỉ là một cục đờm mà thôi, khác biệt duy nhất chính là màu đen, chả lẽ đây là thứ âm khí tôi đã hít phải đêm hôm qua?
Sau khi dội nước cho trôi đi thì tôi vào nhà, sư thầy đã ngồi ở trường kỷ chờ tôi.
- Nước chè chỉ còn ấm, uống tạm đi cháu.
Tôi ngồi xuống trường kỷ đối diện sư thầy, biết tôi muốn hỏi gì nên sư thầy vào chuyện luôn.
- Sắc mặt cháu khá hơn rồi đấy, trong người có nhiều hàn khí xâm nhập như vậy là không tốt, hẳn là cháu đã hít phải nhiều hơn bình thường nên giống như bị cảm lạnh có phải không?
- Dạ... – Tôi chỉ biết đáp như vậy.
- Nên tìm cách mà bịt cái mũi vào, khí âm thịnh thì khí dương suy, nhẹ chỉ ốm đau nhưng nặng thì khó nói lắm nên cháu phải cẩn thận hơn!
- Vâng ạ!
- Bây giờ cảm thấy trong người đỡ đau nhức chưa nào?
- Dạ... Cháu cảm thấy người nhẹ hơn nhiều... Cảm giác khó nói lắm ạ...
- Vậy là tốt rồi, lát ta cho ít chè gừng đặc chế uống cho ấm bụng, một chốc là đỡ luôn, uống tạm chén chè ấm này đi đã nào, cho tỉnh táo.
Tôi đưa hai tay nhận chén nước chè nhỏ từ sư thầy và nhanh chóng uống cạn, cảm giác được một làn nước ấm chảy qua cổ họng, thứ nước hơi đắng đắng này làm tôi tạm quên đi cảm giác khó chịu nơi cổ họng trước đó.
- Nào, bây giờ muốn hỏi ta cái gì về lịch sử, xem ta có biết được gì hay không.
- Vâng, cháu... Cháu muốn hỏi ông về việc làm như thế nào để chống lại lực lượng kỵ binh.
- Kỵ binh? Ý cháu là lính chiến cưỡi ngựa?
- Vâng! – Tôi gật đầu.
- Thời xưa, như ta biết thì các cụ dùng tượng binh để chống lại kỵ binh.
- Tượng... Tượng binh, là con voi ạ?
- Đúng! Từ thời Hai Bà Trưng đã cưỡi voi xung trận rồi, ngựa chiến dĩ nhiên kỵ với voi chiến mà.
- Nếu... Nếu như không có voi thì có cách nào để chống lại kỵ binh hả ông?
- Ý cháu là như thế nào?
- Giả dụ như trong tay cháu chỉ có bộ binh, đối phương có kỵ binh, bộ binh giáp chiến thì phải làm như nào ạ?
- Kỵ binh thường các cụ dùng để đột kích, truy đuổi là chính vì nó có ưu thế tốc độ nhanh, các cụ thời trước dùng kỵ binh như một mũi nhọn để khoét sâu, chia cắt quân địch khi đánh giáp lá cà. Sau khi kỵ binh xuyên thủng được hệ thống phòng thủ của địch thì họ có thể quay ngược lại đánh và sau lưng quân địch để chia lửa với bộ binh đang giáp chiến mặt trước, đấy là một cách đánh mà ta từng được nghe.
Sư thầy uống một ngụm trà rồi đứng lên đi ra phía cửa nhà, ông chắp hai tay phía sau lưng và nhìn ra khoảng sân nhỏ trước nhà và khu vườn phía Tây của chùa.
- Nhưng ta nghĩ, nếu cháu chỉ có bộ binh trong tay thì nên tìm cách ngăn chặn đối phương, biến điểm mạnh của đối phương thành nhược điểm của họ, triệt tiêu nó đi! – Sư thầy quay lại nhìn tôi. – Vậy cháu tính công hay là thủ?
- Cháu... Cháu nghĩ là thủ, t·ấn c·ông cháu không có sở trường. – Tôi cười và thừa nhận.
- Nếu đã quyết định chọn thủ thì dễ hơn, đào hầm cài chông dụ kỵ binh sập bẫy, làm hàng rào quấn kẽm gai theo hình chữ "Chi" để hạn chế kỵ binh đột kích và có thể trang bị giáo dài để hạ gục ngựa trước. Ta nghĩ... Ta nghĩ cháu nên tìm cách để kỵ binh trở thành bộ binh, khi ấy lợi thế sẽ nghiêng về phía cháu.
Sư thầy quay trở vào ngồi lại ở trường kỷ, ông không nhìn tôi mà dùng tay xoay tròn cái chén nước chè nhỏ một hồi, tôi ngồi lặng im vì đoán rằng ông đang suy nghĩ, tôi không muốn cắt ngang.
- Thôi được, chiều tối cháu lên đây ta sẽ cho một thứ, để ăn trưa xong ta sẽ làm giúp, hi vọng sẽ giúp được cháu một chút.
- Cháu... Cháu cảm ơn ông nhiều ạ!
- Việc này đối với ta không có gì là khó cả, chỉ là tiện tay, tiện tay.
Sư thầy đi vào trong buồng lấy ra cho tôi một túi nhỏ màu nâu nữa.
- Nhìn cháu bám đầy chướng khí như vậy hẳn là đã trải qua một trận gay go đấy, ta cho thêm một ít hạt này để mà phòng thân.
- Là... Là thứ hạt ném ra...
- Binh ngũ hành, ném xuống nước thì ra Thủy binh, ném xuống đất thì ra Bộ binh, có thể bảo vệ được cho cháu lúc nguy cấp, nếu cháu dùng rồi thì sẽ hiểu.
- Nhưng mà...
- Đừng suy nghĩ, những thứ này dùng để bảo vệ chùa, việc của cháu làm cũng là bảo vệ chùa cho nên hãy dùng cho đúng là được. Binh thắng thì trở lại th·ành h·ạt như cũ, binh bại thì cũng chỉ là cát bụi, không phải bận tâm. Người không có duyên cầm trên tay chỉ là hạt, người có duyên cần trên tay hóa vật phòng thân.
Tôi nhận lấy cái túi vải nhỏ màu nâu, vậy là tôi có thêm một ít nữa rồi, điều này thật là tốt, không thể tin được là mình lại có thêm.
- Lần đầu dùng chưa biết cách nên vung vãi rồi hả?
- Dạ... – Tôi ấp úng.
- Không sao, rồi sẽ quen.
- Cái này... Cái này có phải “Sái đậu thành binh” gì đó không hả ông?
Sư thầy không vội trả lời tôi mà ông uống một ngụm trà, mắt nheo nheo như đang cố giấu nụ cười, nhìn ra khoảng sân đầy nắng phía trước cửa, một hồi sau ông mới nói.
- Một thứ thuần Việt, của người Việt, do người Việt. Mà cháu nghe ai nói như thế?
- Thưa... Một người quen ạ!
- Người quen của cháu cũng hiểu biết nhiều đấy, người Việt ta học rất nhiều thứ hay của người Tàu và đã thay đổi để phù hợp hơn với người Việt, phép này ta e là cũng sắp thất truyền rồi.
- Hay... Hay ông dạy cho cháu? – Tôi đề nghị.
- Nếu cháu trở thành một nhà sư.
- Điều này thì...
- Thôi, dùng chẳng dễ hơn sao, ta tạo ra nhưng lại không có cơ hội dùng, để lâu có khi nó mốc hết!
Sư thầy và tôi ngồi nói chuyện thêm một lúc nữa rồi tôi nhận một ít chè gừng đặc chế gì đấy về đủ để pha một ca nước uống, sư thầy bảo rằng uống hết là âm dương cân bằng, không lạnh bụng nữa, khoảng một canh giờ là tôi sẽ không vấn đề gì.
Kỳ diệu hơn cả Tây y!
---
***