Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 176: Thời thế tạo anh hùng




Chương 176: Thời thế tạo anh hùng

Tôi đi học về và bà Già lại không có ở nhà nhưng cơm canh đã chuẩn bị sẵn nên tôi chỉ việc ăn. Hôm nay là ngày Rằm thì bà chỉ có lên chùa chứ chẳng có đi đâu khác, cũng hơn một tuần tôi không lên chùa cho nên sau bữa cơm một mình với ruốc, rau muống, trứng luộc thì tôi cũng đạp xe lên chùa thăm sư thầy luôn.

Nhẹ nhàng dựng xe đạp vào gốc xoài, tôi cúi đầu chào chung các bà cụ đang ngồi ở sân, ở bậc thềm và cả mái hiên trước gian thờ chính, tôi nhớ các cụ hay gọi là gian tam bảo, sau đó tôi nhón chân nhẹ nhàng đi xuống căn nhà nhỏ của sư thầy một cách rất tự nhiên. Sư thầy đang nói chuyện với các cụ bà cho nên tôi tự rót nước trà ngồi uống một mình, nhiều lần lên ngồi chơi với sư thầy thì lần nào cũng uống nước chè chứ chẳng thấy nước trà hoa lài như hồi đầu sư thầy nói đâu cả. Chẳng biết có phải tôi uống nước chè từ hồi này hay không mà lớn lên uống nước chè giống như... giải khát vậy thôi, uống xong thì đi ngủ!

Tôi nhớ lần tôi xa Hà Nội lâu nhất là 22 tháng và việc đầu tiên khi tôi đặt chân trở lại đất Thủ Đô thì tạt ngay vào quán trà đá ven đường uống một lúc hai cốc cho... đã khát sau đó mới gọi nước chè chén đặc và nhâm nhi trong cái lạnh của Thủ Đô. Bao nhiêu năm trôi qua rồi vẫn thế, tôi vẫn thích ngồi ở những quán nước chè ven những con đường nhỏ, uống từng ngụm, rít từng hơi thuốc và dành thời gian nhớ về một thời đã qua, nhớ những buổi chiều mùa Đông trước khi lên xe phóng về quê thì vẫn cứ phải làm cốc nước chè nóng cho ấm bụng.

Trên bàn uống nước sư thầy có để mấy cuốn sách đã ngả màu thời gian, tôi cũng cầm lấy lật giở nhưng toàn thứ chữ tượng hình như thách đố cho nên tôi cũng mau chóng trả lại chỗ cũ, đôi khi tôi cũng nghĩ đến việc học cái thứ chữ Hán tự này để tăng thêm hiểu biết về những thứ khác, hoặc đơn giản là có thể đọc được vài câu đối ở hai bên cửa hoặc vài chữ ở trên ban thờ gia tiên của một số nhà. Nghĩ là nghĩ vậy thôi chứ lúc đi học thì tôi cứ nay chỗ này, mai chỗ khác nên sự học hay bị ngắt quãng, không phải tôi không ý thức được nhưng giống như có gì đó ngăn cản việc tôi học Hán tự, rất nhiều câu chú được viết bằng thứ chữ ấy. Thời gian tôi học Hán tự lâu nhất, liền mạch nhất là hai tháng ở một ngôi trường tại TP. Thủ Đức bây giờ, tôi rất hứng khởi học nhưng đột nhiên có những sự kiện cắt ngang rồi sau đó là những tháng ngày đi tìm việc vật vã giữa Sài Gòn nắng cháy nên đành phải bỏ ngang.

-Đợi ta lâu chứ?

Sư thầy đứng ở bậc cửa và bước xuống, bức tường đầu hồi chùa đã nối thông với căn nhà nhỏ nên việc đi lại không còn phải đánh vòng ra sân như hồi trước kia.

-Cháu ngồi chơi thôi mà, cũng uống hết ấm trà của ông rồi.

-Trà đấy pha lâu rồi, để ta đi pha ấm khác.

Tôi vội đứng dậy mang ấm trà đi đổ bã rồi mang ấm đưa cho sư thầy, việc pha trà tôi không biết nhưng tôi chú ý sư thầy luôn đổ một ít nước nóng vào trước gọi là tráng trà sau đó rót nước ấy vào những cái chén sẽ uống như kiểu dùng nước chè nóng tráng qua cái chén vậy, sau đó sư thầy mới đổ đầy nước vào ấm trà, để chừng 5 phút thì rót ra chén cùng uống với khách. Thói quen rót nước nóng để tráng chè trong ấm này đến bây giờ tôi vẫn còn giữ, tuy nhiên uống nước chè một mình không có thú vui nào, nó chỉ là một thứ nước giải khát và tôi thì chỉ có cảm giác thích thu khi pha cũng như khoảnh khắc rót nước vào chén, thứ nước vàng vàng, nhạt nhạt khiến cho tôi cảm thấy thích thú.

-Thanh kiếm gỗ dùng tốt chứ? – Sư thầy vừa rót nước vừa hỏi tôi.

-À... à, cháu thấy cũng tốt.

Sư thầy tủm tỉm cười và đẩy nhẹ chén nước trà còn đang b·ốc k·hói về phía tôi.

-Luyện mãi mà thành, miệt mài tất giỏi! Cháu có nghe câu này bao giờ chưa?

Tôi lắc đầu, tôi chưa nghe câu này bao giờ cả.

-Cháu còn nhiều thời gian nên cứ từ từ, dục tốc bất đạt. Hôm nay các cụ bà cũng có dâng hương cầu khấn cho mấy đứa cháu thi tốt nghiệp cấp II năm nay được điểm cao, cháu cũng lớp 9 nhỉ?

-Bà cháu sẽ không dân hương mấy việc này đâu ông ạ. – Tôi cười nói.

-À đúng, ta cũng thấy hơi lạ nhưng không hỏi. Nhưng cũng chẳng sao, dâng hương lễ Phật là chuyện nên làm còn thành bại vẫn phải do bản thân tự cố gắng chứ Thần, Phật không làm thay được.



-Dạ!

-Người xưa đã có câu “Dẫu rằng thông hoạt, chẳng học cũng hư đời; Tài chí bằng trời, chẳng học cũng là phải khổ”. Vậy nên cháu không nên coi thường hoặc lơ là sự học của mình.

-Cháu... cháu vẫn chú tâm học lắm.

-Nhìn cháu là ta biết còn mải chơi lắm.

Sư thầy lắc nhẹ đầu và vẫy tay tôi lại gần, tôi liền đứng lên.

-Đưa tay trái ta xem nào.

Tôi chìa lòng bàn tay trái ra cho sư thầy nhìn một hồi sau đó sư thầy bảo tôi chụm các ngon tay lại rồi nắm thành một nắm đấm sau đó mới bảo tôi về chỗ ngồi.

-Học trò học hiếu học trung, học cho đến mực anh hùng mới thôi.

-Câu này... câu này ý là như thế nào vậy ông?

-Sự học của cháu rồi sẽ có nhiều trắc trở nhưng nếu có nhớ lời ta dặn thì đừng bỏ dở giữa chừng. Khó khăn hay thử thách thì là nhất thời, là con trai có chí thì nghĩ phải qua tầm mắt chứ không được thiển cận, hồ đồ.

Tôi gật đầu ghi nhớ còn hiểu thì bập bõm.

-Chơi cũng là học mà học cũng là chơi, cháu nhớ cân bằng hai thứ đấy.

Tôi lại gật đầu thêm lần nữa và nhâm nhi uống hết chén nước chè. Sư thầy đứng dậy đi lên chùa và quay trở lại với một cái túi vải nhỏ màu nâu chỉ to bằng khoảng bàn tay của tôi, tôi đang định hỏi là cái gì thì sư thầy đưa cho tôi và dặn dò.

-Thứ ở trong này không nên giở ra xem vào ban ngày hay thậm chí cả ban đêm vì nó không phải để xem.

Tôi đưa tay nhận lấy túi vải mà thấy như tai bùng nhùng vì lời nói của sư thầy, tôi thấy khó hiểu.

-Đêm qua đầu chùa có nhiều gió độc lại rít lên từng cơn, sáng sớm ta có xem quẻ và thấy rằng sắp tới gió độc có thể nhiều và sẽ thổi từ mạn phía Đông, Đông Nam, Đông Bắc. Thứ trong này rất khó giải thích cho cháu, cháu cũng là đứa thông minh nói ít hiểu nhiều, nếu có đi chơi tối thì nhớ mang theo bên mình, gió độc nhiều thì tự nghĩ cách dùng cho hiệu quả.

Sư thầy nói xong nhìn thẳng vào hai mắt tôi một lúc sau đó vỗ vai tôi mấy cái rồi lại ngồi xuống rót thêm nước chè.

-Sao lại đứng ngây người như thế, ngồi đi cháu. Người xưa đã từng nói rằng không muốn người khác biết thì tốt nhất đừng làm, đã làm thì sẽ có người biết. Ta già cả lại là kẻ tu hành, có những thứ không thể can dự nên chỉ có thể giúp cháu được như vậy.



Tôi ngồi xuống tràng kỷ và giơ cái túi nhỏ màu nâu lên để nhìn, nó chẳng có gì đặc biệt, bên trong đựng cái gì tôi cũng không biết, cảm giác như là gạo hoặc hạt gì đấy.

-Nếu nhà cháu có lịch tờ thì mỗi ngày xé hãy xem đó là ngày tốt hay ngày xấu. – Sư thầy bấm đốt ngón tay và dặn dò tôi kỹ càng. - Chú ý các ngày Chu Tước, ngày Bạch Hổ Túc, ngày Huyền Vũ, ngày Thanh Long Túc.

-Dạ? Vì... vì sao thế ông?

-Ngày tốt của cháu là xấu của người, ngày tốt của người thì là xấu của cháu. Từ thời thượng cổ đến nay vua chúa xem ngày giờ đẹp để xuất hành hoặc làm đại sự thì những kẻ tà môn lại chọn ngày hắc đạo để mưu việc riêng, cháu hiểu ý ta chứ?

-Cháu hiểu! – Tôi gật đầu ngay tắp lự, nói rõ ràng như này dĩ nhiên là tôi hiểu ngay.

-Trong ngày xấu họ sẽ chọn những giờ xấu nhất, nay mới Rằm tháng Ba, như ta nói tháng trước, những việc này nên kết thúc trong tháng Ba này, kéo dài e là có biến.

Tôi im lặng lắng nghe, đúng là trước khi diễn ra các sự việc ở gò miếu nhà bà ngoại tôi thì nhà sư có nói rằng việc này nếu kết thúc trước tháng Tư thì sẽ thành, tôi đã nghĩ là việc xong rồi, chả lẽ vẫn chưa hay sao chứ?!

-Cháu... cháu tưởng là mọi chuyện đã xong?

-Ta xem thì nó chỉ là khởi đầu thôi, đằng Tây vẫn còn sinh chuyện và bây giờ thêm cả đằng Đông.

Sư thầy đứng lên đi ra cửa, ông niệm chú lâm râm một hồi rồi lại quay vào.

-Trong họa có phúc, trong phúc có họa, ta cũng tò mò xem làng này liệu có qua được cơn đại nạn lần này hay không.

-Đa... đại nạn? Đại nạn ạ?

Sư thầy gật đầu nhẹ nhàng kèm thêm tiếng “Ừ!” trong cổ họng phát ra, ông phất tay áo chọn một cuốn sách ố vàng và lật giở ra xem, điệu bộ rất chăm chú dùng ngón trỏ dò từng chữ, lật từng trang. Sau một hồi sư thầy để cuốn sách lại chỗ cũ và nhìn tôi một hồi, cái nhìn như kiểu xem tướng, tôi thấy hơi ngại nên mắt nhìn trần nhà và ngó nghiêng xung quanh.

-Ta không biết làng này đang ẩn giấu những gì nhưng xem chừng là thứ mà nhiều người đang nhòm ngó tới. – Sư thầy thở dài. – Nhưng đâu sẽ vào đấy cả, xem chừng âm phần của làng đang thịnh.

-Dạ?! – Tôi nghe sư thầy nói vậy thì ngớ người ra.

-Làng này âm phần đang thịnh, xem chừng kiếp nạn này phải dựa vào phúc phần của các bậc tổ tiên.



-Ông... ông là thầy bói ạ?

-Ta là sư, ta cũng có tìm hiểu qua khi còn theo học thầy ta những thứ này. Người ta nói thầy bói ăn lộc của Thánh thì ta ăn lộc của Phật vậy.

-Vậy cái... cái kiếp nạn ông nói là gì ạ?

-Ta không rõ, thiên cơ bất khả lộ nhưng cũng có câu “Cao nhân tắc hữu cao nhân trị” xem ra cháu có quan hệ khá tốt ở làng này đấy chứ?

-Cháu ạ? Làng mình cháu cũng không quen biết nhiều ạ.

-Ta không nói đến những người còn sống ở làng.

Tôi c·hết lặng người mất mấy giây và nhìn sư thầy, sư thầy lại tủm tìm cười.

-Qủa nhiên ngay từ đầu ta đã thấy cháu rất lạ, sư cô ở chùa này cũng vì duyên nào đó mà nhắc nhở cháu việc phải bảo bố mẹ làm lễ xin về, xem ra mọi thứ đều là có nguyên do cả. Quen biết cháu đã lâu nhưng ta chưa hỏi họ của cháu, cháu họ gì nhỉ?

-Cháu... cháu họ Tiến ạ!

-Họ của cháu là cải sang hay họ gốc?

-Cháu... cháu không biết. – Tôi lắc đầu.

-Xem chừng không phải họ gốc rồi, nhất định là đã cải họ.

-À, một số cụ lớn tuổi trong họ của cháu không ở làng này mấy năm trước đã cải sang họ Lý, các cụ ấy bảo rằng đấy là họ gốc.

-Họ Lý?! – Sư thầy ngạc nhiên thấy rõ.

Sau một hồi đăm chiêu thì sư thầy lại lấy một cuốn sách khác ra để xem, lại lật giở từng hồi và dùng ngón tay dò từng chữ, tôi ngồi nhìn mà sốt ruột, tôi cũng không có ý xem bởi vì có xem thì tôi cũng không hiểu những thứ viết trong ấy là cái gì. Một lúc lâu sau sư thầy gập cuốn sách cũ lại và trầm ngâm.

-Có thể lắm, có thể là Lý thị.

Sư thầy cười một mình rồi rót thêm nước chè vào chén nhỏ, uống một hơi và rót thêm một chén nhỏ nữa nhưng trước khi uống thì quay sang nhìn tôi cười.

-Bảo sao lại có duyên với nhà chùa như thế, thời thế tạo anh hùng chứ... anh hùng không bao giờ tạo ra thời thế được.

Người lớn và đặc biệt là sư thầy toàn nói những điều khiến tôi chưa hiểu được ẩn ý phía sau muốn ám chỉ điều gì. Nếu như quả thật gốc gác của tôi là họ Lý thì có liên quan gì đến việc có duyên với nhà chùa, họ Lý và ngôi chùa này có liên hệ gì sao? Tôi cho rằng điều này là vô lý.

---

***