Chương 162: Đi chuộc bát tự
Chị Ma dặn tôi rằng nhất định phải đi cùng Ông Mãnh để trả nợ tận tay chứ không được đưa cho cụ, tôi cũng không hỏi nhiều vì chị ấy đã dặn thì tất có nguyên do và việc đi theo chính là trong giấc mơ, bản thân Ông Mãnh cũng sợ bị các bậc gia tiên trách phạt, gạch tên ra khỏi sổ là việc có thật chứ không phải nói chơi. Ở một số làng quê bây giờ có lẽ người ta vẫn còn dùng hai chữ “từ mặt” để ám chỉ việc từ nay trở đi xem như không có đứa con cháu đó nữa. Thời buổi hiện đại thì việc “từ mặt” đã bị giảm ý nghĩa đi nhiều bởi vì có khi vài năm mới có cơ hội ngồi ăn chung bữa cơ vì phần lớn mọi người bây giờ đều rời làng, bỏ xứ đi làm ăn xa cả. Nhưng nếu là 100 năm trước đây thì chữ “từ mặt” mang hàm nghĩa cực kỳ nặng nề, cá nhân tôi cũng hiểu được một phần nào hai chữ này, dù chỉ một phần thôi thì cũng đã đủ nước mắt để chan một bát cơm rồi. Trong một xã hội mà “phép vua thua lệ làng” thì điều đáng sợ chính là bị gạch tên ra khỏi họ, bị cha mẹ từ mặt đồng nghĩa với việc sống lủi thủi một mình trong chính cái làng ấy, không điều gì sợ bằng sự cô đơn trong chính cộng đồng của mình cả.
Chị Ma cũng dặn tôi rằng trước khi đi ngủ thì để trong người một cái lá vối chị ấy đánh dấu để đi lại cho dễ dàng và tôi có thể cầm vàng của mình theo nếu muốn nhưng tốt nhất chỉ nên mang một ít thôi vì vàng của chị ấy nhiều. Theo kế hoạch là sau khi thanh toán xong nợ nần với người cầm cái “họ” ở trong làng thì đi chuộc bát tự về, nếu gặp sự cố hay bị làm khó thì chị ấy sẽ xuất hiện bởi vì việc này vốn không liên quan gì đến chị ấy nên chị ấy muốn tránh mặt đỡ mang tiếng. Đây không phải là lần đầu tôi đi đêm hay làm gì đó trong giấc mơ nên tôi không có chút sợ hãi nào mà bản thân rất bình tĩnh, nói gì thì nói nếu phải động tay động chân thì có một chị váy đỏ múa kiếm nhanh như gió, còn nếu cần mạnh hơn nữa thì nhờ những người mạnh hơn giúp sức. Song vũ lực không phải là cách tôi chọn đầu tiên bởi vì theo tôi nó không giải quyết được triệt để vấn đề, dĩ nhiên tôi vẫn cho rằng khi cần thì cũng nên cho đối phương biết mình có v·ũ k·hí nguyên tử và vì nhỏ dại nên có thể mình lỡ tay ấn bừa.
-Mày .. mày nhờ được chưa hả cháu? – Ông Mãnh lay chân tôi gọi dậy và hỏi tôi.
-Cháu chào cụ ạ!
-À, ta hỏi xem có nhờ cô thần miếu được không ấy mà.
-Cháu nhờ được rồi ạ. – Trong giấc mơ tôi rời khỏi phản gỗ xỏ dép đàng hoàng. – Nhưng chị ấy có vẻ giận lắm vì lần trước cho cụ một bị toàn những vàng mà nay lại thành ra thế này. Chị ấy muốn gặp cụ để hỏi thêm.
-Thôi, gặp làm gì, tao nghe người ta đồn cô ấy ghê lắm, có... có khi lại phanh tao thành hai mảnh thì tao cũng hết kiếp làm ma.
-Cháu nói thật với cụ chứ vàng bạc khó kiếm lắm, cả nhà bây giờ chắc gom lại được 3 cây vàng mà cụ chơi gì đến tận 10 cân.
-Tao biết rồi, mày sao cứ đay đi đay lại như mấy mụ đàn bà lắm mồm thế nhờ.
-Chị Ngọc Hoa cũng nói rồi đấy, kỳ tới nếu chị ấy mà biết cụ vay mượn thì cháu không giúp được đâu bởi vì chị ấy có cách để khiến cụ bị nhốt đấy.
-Mày to gan thật, mày định để cụ mày bị nhốt à?
-Nhưng mà cụ cứ đi cờ bạc thế này gia tiên gạch tên cụ thì còn nặng hơn ấy, cụ có muốn thành ma đói vất vưởng đầu đường xó chợ không?
-Cái thằng này, mày dọa tao đấy phỏng?
-Bậc con cháu sao dám dọa cụ, cụ không tin để cháu thử cho thấy ngay, gì chứ chị Ngọc Hoa bảo là muốn gặp cụ để dạy dỗ đấy ạ, cháu phải ngăn mãi.
-Ghê bỏ mẹ ra, cô thần miếu mà mày cứ gọi là chị chị, mày ..mày không sợ cô ấy cắt lưỡi mày à?
-Thế cụ sợ à?
-Thế là mày không nghe tiếng cô ấy ở cái làng này rồi, tao là hãi lắm, gặp có một lần thôi mà cũng thấy sợ.
-Hi vọng là cụ biết sợ. Nhưng xong việc này thì cháu chắn chắn là cụ không còn nhớ bát tự của con cháu được nữa đâu, cháu nói trước thế.
-Mày định làm gì tao?
-Cháu làm sao mà dám làm gì cụ? Chị Ngọc Hoa có biết bà cô Tổ đấy, cho nên sau này chỉ có bà cô Tổ biết mấy cái này, cụ cũng thừa hiểu là chị Ngọc Hoa lắm vàng nhiều bạc thì thiếu gì các bịt miệng cụ. Cháu đây còn sợ nữa là.
-Tao cũng đếch cần biết bát tự của chúng mày nữa, chỉ tổ rước họa vào thân.
-Ấy, cụ lại đổ lỗi cho ai?
-Tao...
-À, con ngựa mượn được của chị Ngọc Hoa kìa cụ! – Tôi chỉ tay ra vườn nơi có con ngựa to lớn đang quàng trên lưng hai cái bị có vẻ tương đối nặng.
-Mày mượn được cả ngựa cơ à?
-Chứ bao nhiêu vàng, bạc thì cháu vác kiểu gì? cụ vác được không?
-Tao vác dư sức!
-Thế cụ có nghĩ đến việc con cháu bắt cha ông vác nặng còn bản thân mình thong dong là có tội không?
-Mày nói phải đấy, nhà này thật có phúc khi có thằng cháu đích tôn như mày.
-Thế nên cụ đừng có làm khổ con cháu, chứ không sau này cháu lớn khi thờ cúng cháu sẽ thiếu phần cụ.
-Mả cha mày, sao mày cứ dọa tao thế?
-Cụ có thấy họ Lý nói láo bao giờ không?
-À thì... thì ...
-Thôi cụ lên ngựa ngồi đi cháu dắt, dù gì cụ cũng là bậc tổ tiên không thể ngang hàng phải lứa với cháu được. Cụ chỉ cho cháu đường đến trả tiền cho người cầm cái “họ” sau đó cụ cháu mình đi chuộc bát tự về.
-Có .. có đủ không?
-Không đủ khắc có người mang đến, cụ lo làm gì.
Tôi dắt ngựa còn Ông Mãnh ngồi trên lưng, chúng tôi đi ra khỏi cổng nhà và đi theo lối nhỏ để đi vào giữa làng.
-Hôm trước cụ thua ở đâu? Nhiều không cụ?
-Chỗ đấy cũng trong huyện này thôi, ngay bãi tha ma ấy mà, đêm nào cũng đông vui như hội vì tổ chức cờ bạc. Tao không nhớ đã thua bao nhiêu nhưng chắc là nhiều, giờ nghĩ lại mới thấy mình trẻ người non dạ bị chúng nó gài, lúc hăng máu gỡ cho nên mới ra cớ sự như thế này.
-Thế cụ chơi trò gì mà hết nhanh thế?
-Xóc đĩa chứ gì nữa.
-Chúng nó lừa cụ, sao cụ không lừa lại chúng nó?
-Chả còn đồng xu cắc bạc nào, thân cô thế cô thì lừa kiểu gì, chúng nó không đánh cho là may rồi.
-Cụ có biết cháu từng đi gặp quan huyện không?
-Không! Sao? Mày từng gặp quan huyện rồi cơ à? Thật chứ?
-Số vàng lần trước chị Ngọc Hoa cho cụ là một phần do quan huyện tặng đấy, cháu nghe nói đều là chỗ quen biết của chị ấy. Trả xong hết nợ và lấy lại bát tự mà còn tiền thì phải lừa bọn họ để đòi lại chứ, cụ dám không?
-Bọn nó đông lắm, kh·iếp kh·iếp là, thằng nào cũng như cốt đột, tao sợ nó bóp c·hết tao với mày luôn đấy.
-Cháu sợ người sống có súng và dao chứ ma cỏ thì chưa chắc.
-Mày thì ghê rồi, mày có cả mấy người chống lưng thì làm gì chả được ở cái xã này.
-Cháu không dại, núi cao còn có núi cao hơn, muốn sống lâu tốt nhất nên biết mình là ai, chị Ngọc Hoa dạy cháu thế.
-Cô thần miếu quý mày thật đấy, số mày đỏ quá cháu ạ.
-Nhờ phúc của cụ mà.
-Mày lại xỉa xói tao?
-Dạ không, thế cụ không nghe người xưa bảo là âm thịnh dương suy à?
-Mày nói có lý đấy, vậy là mày đỏ như thế là tao gặp vận đen là phải rồi.
Ông Mãnh của tôi cười, tôi cũng cười. Thật sự mà nói thì tôi nhìn khuôn mặt Ông Mãnh tôi cũng thấy có những nét mà ông nội tôi, bố tôi hay tôi đều giống ấy chính là đôi mắt, đôi mắt theo tôi tự đánh giá là rất tinh ranh chứ không phải nhìn lành lành như nhiều người nghĩ. Nơi Ông Mãnh chỉ đường cho tôi đến tính ra không có gì lạ, vừa hay đó là Cầu Khoai, nơi những người từng có hộ khẩu ở làng Bưởi Cuốc nay đã chuyển ra đây. Ông Mãnh nhà tôi ra hiệu tôi buộc ngựa cạnh cái điếm nhỏ trong bãi tha ma rồi cụ đi vào phía trong một lúc sau quay trở ra, phía sau là một bà cụ gần 70 tóc đã bạc và chống gậy.
-Đây là bà cụ cầm cái “họ” ở làng mình.
-Cháu chào cụ!
-Nay hai anh em đến có việc gì? – Bà cụ hỏi Ông Mãnh nhà tôi.
-Dạ thưa cụ, cháu nghe ... – Tôi lên tiếng.
-À, chả là thằng em họ tôi nó muốn đến gặp bà để trả luôn cái phần hôm trước tôi có mượn cụ.
-Sao anh trả sớm thế?
-Thì làm ăn trúng quả nên trả bà sớm cho xong chứ giữ làm gì.
-Đứa em họ này của anh sao lạ mặt thế? Tôi chưa thấy mặt nó ở đây bao giờ.
-Nó ... à, mả của nó ở sau đồng bà làm sao mà biết được.
Ông Mãnh nhà tôi nhanh nhảu, tôi đoán là cụ ấy sợ mang tiếng ở làng là bốc “họ” đi đ·ánh b·ạc cho nên đã c·ướp lời tôi nói trước, tôi đứng nghe cố nhịn cười, đôi khi cũng nhìn thấy một chút hình ảnh của mình ở trong hình bóng ấy.
Tôi không biết cụ thể là Ông Mãnh nhà tôi đã vay mượn bao nhiêu nên tôi để cụ tự lấy bạc ở cái bị bên trái con ngựa để đưa cho bà cụ tóc bạc. Tôi mạnh dạn tiến lên một bước nữa rồi cất tiếng hỏi.
-Thưa cụ, cụ cho cháu hỏi là tiền bạc mà anh đây bốc “họ” của cụ đã trả hết chưa ạ?
-À đủ rồi, anh em nhà chúng bay kiếm được ở đâu mà khá thế chứ.
-Dạ cũng nhờ may mắn thôi cụ ạ.
Tôi nói dứt lời quay lại cái bị có vàng lấy ra một nén và lại đưa cho bà cụ, lần đầu tiên tôi cầm một nén vàng mà thấy nó nặng không giống như tôi nghĩ, chả lẽ là giấy thật sao?
-Dạ thưa cụ, thôi thì của ít lòng nhiều, cháu cảm ơn cụ đã giúp đỡ ông anh của cháu đây chút vốn lúc khó khăn. Chỗ này để cụ ăn quà ạ.
-Ôi không được, cậu cho tôi sao lại nhiều thế, những một nén vàng là nhiều lắm đấy, không được đâu.
-Cụ đừng ngại, đây không phải là của phi pháp gì đâu, nhờ cụ giúp đỡ mà được đến hai bị lớn như thế kia thì chút này có đáng gì.
Bà cụ sau một hồi đắn đo, được tôi động viên thêm thì đưa tay cầm lấy nén vàng, chút nữa thì nó rơi xuống đất vì nặng, điều này lam tôi ngẩn người ra trong chốc lát.
-Đúng là vàng có khác, nặng và đẹp quá! – Bà cụ ngắm nghía nén vàng rồi nhìn tôi cười.
-Sau này ông anh cháu đây mà cần vàng bạc gì cháu sẽ cho, không cần phải đi hốt “họ” nữa, phiền các cụ quá ạ.
-Lắm tiền nhiều của thế này thì đi hốt “họ” làm cái gì, chuyển qua cho vay lãi có phải tốt hơn bao nhiêu không. Cảm ơn cậu nhé, quý hóa quá.
-Vâng.
Tôi cúi đầu chào rồi lùi bước ra sau, chị Ma dặn không nên đứng gần vong hồn quá lâu vì có thể nhiễm lạnh, mặc dù sư thầy cho tôi mật ong uống với chanh để cân bằng lại nhưng tốt nhất vẫn nên hạn chế. Chị Ma từ khi biết tôi có thứ uống cân bằng âm dương thì không ngại việc chỉ cho tôi dùng lá vối.
-Mà sao ta nhìn cậu này quen quá nhỉ? – Bà cụ nhìn tôi một hồi rồi hỏi Ông Mãnh.
-Nó là em họ tôi dĩ nhiên là giống tôi chứ sao nữa, bà hỏi buồn cười nhỉ? – Ông Mãnh nhà tôi gạt đi và bước ra quay ngựa.
-Không, nó thì giống anh rồi nhưng không phải anh em đâu, ta nhìn thằng này kỹ rồi, nó quen lắm hình như đã thấy ở đây vài lần rồi, để ta nhớ xem nào, già cả đầu óc cũng kém đi nhiều.
Bà cụ lấy tay vỗ vỗ lên trán như muốn nhớ ra điều gì, Ông Mãnh nhà tôi sợ bị lộ cho nên nhanh chóng trèo lên ngựa rồi bảo tôi dắt đi, lúc tôi vừa mới tháo dây buộc ngựa ở cột cái điếm xong thì bà cụ đã kịp nhớ ra điều cần nhớ.
-Đúng rồi, thằng này chính là cháu nội của ông H. khu Giữa đây mà, lần trước ta có nhìn loáng thoáng nó ra đây mấy lần, không nhầm được. Ơ mà thằng này đ·ã c·hết đâu nhỉ? Này ... này ta hỏi đã... nàyyyyyy!
Tôi rảo bước đi nhanh ra phía cổng bãi tha ma Cầu Khoai để lên đường cái quan, phía sau là tiếng gọi của bà cụ tóc bạc nhưng dĩ nhiên tôi không dại gì quay đầu lại, Ông Mãnh ngồi trên lưng ngựa thúc giục tôi đi mau. Đúng là ma trong làng, họ sẽ rất mau chóng nhận ra tôi giống với ai đó, rất ít khi bị nhầm, biết thế tôi tiện tay gửi cho ông nội với ông ngoại mỗi người một ít.
-Bây giờ cụ cháu ta đi thẳng đến chỗ người ta hay tụ tập chơi đỏ đen chứ cụ?
-Đi! Mà tao cứ hãi hãi.
-Cụ hãi cái gì?
-Bọn kia trông nó hung lắm.
-Cụ phải biết là giờ cụ nhiều tiền, đè c·hết được cả ma đấy không đùa được. Cháu hỏi thật thế hồi còn sống cụ không biết tiêu tiền à?
-Biết đâu, số đen, hồi đấy nhà cũng có của mà tao chưa biết chơi cái gì.
-Thế nên khi c·hết rồi chị cụ đổ đốn ạ?
-Mày không cần phải nói móc tao, mày mà không phải con cháu tao thì tao gang mồm mày ra bây giờ.
-Thì con cháu cũng phải giống cha ông chứ, cụ nghĩ có đúng không?
-Tao thấy mày khá hơn tao đấy, hậu sinh khả úy.
-Thôi ạ, khá hơn cái gì chứ cháu nhất định không khá hơn cụ khoản cờ bạc như này đâu.
Hai cụ cháu kẻ đi bộ người cưỡi ngựa đi dọc theo đường cái quan, đi qua cổng dẫn vào làng rồi đi thẳng chừng một nén hương thì cụ tôi nói.
-Sắp đến rồi, đoạn phía trước ngay bên tay mặt này này. Mày thấy chỗ sáng sáng như có đèn kia không? – Ông Mãnh nhà tôi chỉ tay về phía trước.
-Cháu không nhìn thấy, cụ cứ bình tĩnh. Cháu không sợ thì cụ sợ cái gì, bây giờ mình là người có tiền, người có tiền thì không phải sợ mấy đứa cần tiền, cụ cứ yên tâm.
-Nhưng mà ...
-Đây vẫn là đất Kinh Bắc, có biến thì đám đấy sẽ tan vía sạch. Cụ cứ đóng vai là anh họ cháu đi, cháu đã được dặn dò rồi nên cụ yên tâm, trò vui vẫn còn ở phía trước.
-Vui á?
-Chị Ngọc Hoa bảo chị ấy không lấy của đám này thì thôi chứ đời nào bọn nó dám lấy của chị ấy nên ta cứ ung dung mà vào. Cháu biết tài nghệ của chị ấy rồi, cụ không cần phải sợ gì hết.
---
***