Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 161: Bát tự của tôi




Chương 161: Bát tự của tôi

Nửa đêm tôi đang ngủ say trên tấm phản gỗ truyền thừa hàng trăm năm không có giá trị vật chất nhưng ẩn chứa nhiều giá trị tinh thần thì lại bị kéo chân, tôi không biết mình đã tỉnh giấc hay vẫn đang mê ngủ nhưng nhanh chóng nhận ra một bóng hình chưa thân quen nhưng cũng chẳng lạ lẫm gì, chỉ có điều hơi lạ.

-Cháu.. cháu chào cụ ạ.

-Mày... mày... – Ông Mãnh nhà tôi đang đứng bên cạnh tấm phản trong bộ dạng buồn chán xen cả lo lắng. – Mày còn tiền không?

-Hả?! Cụ... cụ cần... cần bao nhiêu ạ?

-Đợt này căng quá, hết cửa nên tao lại phải muối mặt về gặp mày.

-Có gì đâu ạ, đợt trước cụ cho cháu số vàng, cháu đã bán đi và đưa tiền cho bà cháu rồi nhưng cụ cần thì cháu còn có tiền riêng.

-Tính tao rõ ràng, chỗ đấy đã đưa cho mày là của mày và tao không có ý đòi lại.

-Của ai không quan trọng đâu ạ, nếu cháu giúp được cụ thì cháu sẽ giúp ngay. Mà... mà cụ đã thua hết chỗ hôm trước rồi hay sao?

-Tao... mẹ nó chứ, tao bị lừa. – Ông Mãnh tỏ ra bực dọc. – Tao bị cả hội chúng nó lừa đến khi mất hết rồi mới nhận ra thì đã muộn.

-Mất thì thôi, cháu sẽ gửi cho cụ thêm nhưng cụ cũng phải chơi ít ít lại. Bà nội cháu bảo là mình không ăn của ai thì không ai ăn của mình đâu ạ.

-Bà mày phụ nữ biết cái gì.

Tôi im lặng vì không biết nên khuyên như nào cho hợp lý.

-Tao không có ý chê trách gì bà mày nhưng bà mày thì cũng là con cháu của tao thôi, giờ tao chỉ biết nhờ mày.

-Sao thế cụ?

-Tao nghe nói mày có biết Ngọc Hoa công chúa và cô ấy rất thương mày, cô ấy lại giàu nứt đố đổ tường. Mày... mày có thể nhờ chị ấy giúp tao lần này được không?

-Cháu không hứa trước được cụ ạ, chuyện của mình thì mình phải tự làm, với lại cụ nhờ cháu, cháu lại đi nhờ xem ra cũng ngại lắm. Nhưng nếu chỉ là gửi tiền cho cụ thì có vấn đề gì đâu cụ.

-Hzzz – Ông Mãnh thở dài não nề. – Lúc chơi tao hăng máu quá nên có vay nóng của bọn ở đấy, bọn nó cũng nắm nhân thân của tao rồi, nếu tao không trả thì kiểu gì chúng nó cũng về phá phách con cháu của tao. Thậm chí... thậm chí có khi còn họa đổ lên đầu, bọn đấy nó có từ thủ đoạn nào đâu.

-Làm phiền con cháu, ý là cháu hay là ...

-Mày thì tao không lo vì mày quen biết nhiều nhưng con cháu tao đâu phải chỉ có mày không đâu.

-Cụ nói rõ hơn cho cháu xem nào.



-Tao vay nặng lãi của bọn nó một khoản kha khá, chúng nó cùng một hội với nhau, tao cũng về làng hốt tiền họ mang đi trả chúng nó rồi nhưng ...

-Nhưng làm sao ạ?

-Nhưng chả thấm vào đâu, chúng nó bảo chỉ đủ tiền trà nước. Tao ngu dại đã ký giấy và kê khai bát tự của con cháu trong đó có mày để làm tin khi vay tiền, bây giờ lãi mẹ đẻ lãi con chả mấy mà chúng nó sẽ đến nhà này và những nhà con cháu réo đòi tiền.

-Sao lại có những chuyện như thế được.

-Không trả cho chúng nó thì con cháu tao làm bao nhiêu cũng mất hết vào những thứ không đâu hoặc bị người khác lừa phỉnh, không có tiền tài thì chúng nó kiểu gì cũng hành cho bệnh tật đủ kiểu.

-Những thứ ấy thì cháu không hiểu nhưng cụ cần bao nhiêu để trả?

-Tao .. tao.. bọn nó bảo là 10kg vàng và 10kg bạc nén!

-Hả?! Ăn c·ướp à? 10...10kg vàng?! – Tôi nghe mà tỉnh cả ngủ.

-Thì bọn nó khác gì ăn c·ướp đâu, tao hết đường xoay rồi, muối mặt không dám gặp các cụ nên lén gặp mày. Mày giúp tao lần này tao thề sẽ không bao giờ bài bạc nữa, tao .. tao không muốn con cháu của tao khổ.

-Bây giờ cụ mới nghĩ được như thế thì còn nói làm gì, chỉ sợ xong việc cụ lại chơi tới bến thì cháu biết làm gì bây giờ. Hơn nữa, 10kg cả đời cháu đời con cháu nữa chắc gì đã kiếm được chừng ấy?

-Tao nghe nói mày được cả Ngọc Hoa công chúa và một cô ở trên nhà bà mày, à cô Lý Ngọc Khuê cùng họ nhà ta che chở cho mày nên .. nên mày... mày giúp được, chỉ có mày thôi chứ ta chẳng nghĩ ra ai.

-Cụ ơi là cụ, cụ cũng biết là những thứ của người âm thì không nên lấy, cháu lấy thì đời sau gánh chịu cụ có cam lòng không?

-Nhưng mà mày chỉ cần xin giúp tao thôi chứ mày có lấy cái gì đâu. Mày giúp tao lần này tao thề sẽ không bao giờ đụng vào bài bạc, tao đã là ma thì lời này là thật.

-Chán cụ thế chứ lị, chơi thì cũng một vừa hai phải thôi đằng này lại cứ thích ăn cả làng, thích chơi lớn. Những cái này cháu phải hỏi chứ cháu không hứa trước được, cháu sẽ cố gắng.

-Được, được!

-Mà sao cùng là ma cụ không gặp trực tiếp Ngọc Hoa công chúa hỏi?

-Tao với cô ấy không họ hàng thân thích, tao muốn gặp mà cô ấy không muốn thì đời nào gặp được, mày tưởng dễ như lúc còn sống đấy à?

-Nếu lần này mà được việc cho cụ sau này cụ còn chơi tiếp nữa cháu sẽ khấn gia tiên để tổ tiên gạch tên cụ ra khỏi dòng họ. Cụ lớn tuổi rồi lại mang hết bát tự của con cháu đi cầm cố như thế có c·hết không.

-Tao.. tao mới có 13 tuổi nên còn nhỏ dại.



-13 nhưng cụ c·hết lâu thế rồi cụ không có kinh nghiệm à? Đời thuở nhà ai lại làm như thế, khác gì hại con cháu mình. Chị Ngọc Hoa bảo là c·hết lâu rồi sẽ biết nhiều thứ.

-Đâu phải mình tao, đầy người như thế! Ở làng này tao cũng biết cả đống người đã cầm cố bát tự của con cháu cho bọn nó. Mày ... mày đừng có nghĩ mày giúp tao, mày ... mày hơn tuổi tao thì mày lên mặt nhá. Mày là cháu chắt chút chít đấy, như thế là hỗn có biết chưa?

-Người ta làm như thế thì kệ người ta, cụ phải thông minh hơn người ta chứ. Có bao nhiêu thì chơi bấy nhiêu thôi, ai lại đi vay mượn cho bằng được. Cụ là tổ tiên mà như này thì con cháu biết bấu víu vào đâu mà cụ bảo cháu mắng cụ, cháu chưa nói to tiếng một lời nào.

-Thôi... thôi! Là tao bực mình nói vậy chứ mày là chút đích tôn của tao thì mày giúp tao, sau này tao sẽ phù hộ độ trì cho mày.

-Thế bây giờ ai đang độ cho ai đây ạ?

-Cái dòng họ nhà này có cái tính hay nói móc, ta không trách, không trách. Thế nhé, giúp ta đi, ta phải đi rồi. Đêm mai ta quay lại, việc này đừng có để cho gia tiên biết nhé, ta nhờ.

Tôi rót một cốc nước vối thật đầy, mở cửa đứng ra ngoài hiên nhìn trăng sắp tròn trên bầu trời cao tít tắp.

-“Cụ ơi là cụ, đúng là cụ trẻ con đau đầu quá!”

---

Chị Ma nghe tôi kể đầu đuôi sự việc đêm vừa rồi, tôi không biết chị ấy có nghe rõ những gì tôi kể hay không bởi vì chị ấy còn bận ... ngắm trăng. Tôi kể xong câu chuyện của Ông Mãnh nhà mình thì ngồi im một hồi lâu bởi vì không muốn làm phiền chị Ma lúc này đang ngồi trên ụ rơm. Một lát sau xem chừng đã ngắm trăng chán rồi thì chị ấy quay xuống hỏi tôi.

-10kg vàng, 10kg bạc hả?

-Vâng! – Tôi gật đầu. – Đấy là em nghe cụ em nói như thế.

-Chỗ đấy thì với người nghèo kể ra là nhiều thật nhưng với chị thì không đáng gì.

-Thật sự em rất ngại nhưng em đã hứa sẽ nói việc này với chị nên em nói còn chị có giúp hay không em tuyệt đối không trách bởi vì ...

-Nói linh tinh cái gì thế? – Chị Ma nhảy xuống đất, chỉnh lại váy, chắc là đã sửa đôi chút vì nghe nói bị c·háy x·em khi tìm cách hạ sát lão Diều Hâu. – Vàng bạc với chị không phải chuyện lớn, tình thân mới là quan trọng hơn cả. Vấn đề bây giờ chính là bọn cô hồn cát đảng ấy nắm trong tay bát tự của nhiều người trong gia đình em nên phải tìm cách thu hồi về, rơi vào tay lũ ấy thì sau này phiền sức không biết đâu mà lần.

-Em .. em có một ít vàng, khoảng 2 cây đấy chị ạ. Em ..

-2 cây?! Em đùa chị à? 2 cây của em bằng cái móng tay thì để đấy mà dùng. Trước hết phải trả phần Ông Mãnh nhà em đã bốc “họ” ở làng này, tuyệt đối không được để điều tiếng ở làng vì những thứ không đáng.

-Vâng, em ..em cũng nghĩ như vậy. Đợt trước Ông Mãnh cho em một đống vàng mà khi em nhận thì chỉ có 1 cái nhẫn như thế là thế nào chị nhỉ?

-Chị không biết, thi thoảng em gửi vàng bạc xuống cho chị thì chị cũng nhận được từng đó, có bị vơi ít nào đâu.

-À, em hiểu rồi.

Tôi chợt nghĩ ra mấu chốt vấn đề nằm ở đâu, có thể 10kg cũng chẳng đáng sợ lắm, tôi hi vọng như thế. Tôi bỏ có mấy nghìn ra để mua vàng bạc gửi chị Ma vậy có thể tính ra được rằng nếu tôi bỏ ra 5 chỉ vàng thật mua vàng bạc thì sẽ nhiều tương đương một cái bọc vàng Ông Mãnh đã cho tôi, chỉ là tôi không biết cái túi ấy nặng chừng bao nhiêu.



-Hiểu cái gì? – Chị Ma hỏi tôi.

Tôi giải thích cho chị Ma rằng vàng dưới âm và vàng tôi dùng có sự chênh lệch rất lớn về giá trị, tôi giải thích chưa được bao nhiêu thì chị Ma gạt đi.

-Chị quan tâm việc đấy đâu, miễn là hiện tại chị đang giàu là được. Hôm trước đi với con Khuê nó kể về cái hầm của nó thì tính ra chỉ bằng phân nửa hầm của chị là nhiều, còn chưa kể ngoài châu báu còn những thứ vô giá khác mà thằng chồng hờ của chị vơ vét được nữa.

-Chị là ma giàu nhất làng này! – Tôi khẳng định.

-Tất nhiên. – Chị Ma thừa nhận.

-Nhưng chị, còn cái bốc “họ” là gì, có phải là vay tiền của người khác không?

-Em không biết cái này hả?

Tôi lắc đầu.

-Vậy để chị nói cho em nghe, sau này thiếu tiền nói với chị chứ không được bốc “họ” nghe chưa?

Tôi gật đầu.

Người Việt xưa kia thường không giỏi buôn bán do đặc trưng địa lý – văn hóa, từ thời của chị Trần Ngọc Hoa là một nước thuần nông nên đề cao chính sách “trọng nông ức thương” kéo dài cho đến hết thời kỳ Nhà Nguyễn, các triều đại đều coi việc phát triển nông nghiệp là quốc sách. Bởi vì nền kinh tế mang đậm tính tự cung tự cấp cho nên những tiêu chuẩn cơ bản về lưu thông tiền tệ là một tiêu chuẩn tương đối xa xỉ. Người giàu có thường đầu tư vào bất động sản (ruộng, đất) chôn tiền vàng xuống đất và dành một phần để cho vay nặng lãi, những người nghèo khi “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” túng thiếu đều phải trông vào khoản vay nặng lãi này và trả bằng các vụ lúa sau. Ông nội tôi là một ví dụ điển hình cho việc địa chủ thời phong kiến tuy đã có chút đầu óc kinh doanh nhưng vẫn mua ruộng, chôn tiền vàng và ... bát đĩa cổ. Nhưng thật may, ông tôi không cho vay nặng lãi ai cả hoặc nếu có thì họ cũng đã xù nợ vào hồi 1955, một cơ hội tốt để bùng.

Ngoài việc đi vay người giàu trong làng thì người dân thời trước còn tồn tại một tín dụng dân gian rất hay đó là chơi “họ” hình thức này giống như vay trả góp và hoàn toàn “tín chấp” bởi vì lòng tin là cơ sở đạo đức của từng người Việt sống trong cộng đồng làng, xã. Cách chơi “họ” này do một người cầm cái, hàng năm sau Rằm tháng Giêng cho đến khoảng đầu tháng Hai Âm lịch thì bắt đầu mời người chơi “họ” và dùng cách gắp thăm để biết ai lấy trước, ai lấy sau nhưng cũng có thể mua, mua bao nhiêu được bấy nhiêu, tiền thừa còn lại sẽ chia cho những người chưa tới lượt và một ít tiền trầu cau cho nhà cái. Việc chơi “họ” này truyền đời nhiều năm bởi vì thủ tục gọn gàng mà người Việt vốn ngại thủ tục hành chính, bên canh đó những người chơi “họ” hầu hết đều tử tế và lương thiện, đặc biệt là những người cầm cái “họ” thường là những cụ bà lớn tuổi và có uy tín trong làng, xã. Những người cầm “cái” sẽ không bao giờ cầm vốn của “họ” đi tiêu bừa hoặc mang đi cho vay lãi và rất hiếm khi có dây “họ” bị vỡ.

Một thời gian sau tôi được biết tường tận hơn qua mẹ tôi về việc chơi “họ” nhưng xem chừng thế hệ con cháu hiện nay không bằng được một góc các cụ về khoản uy tín khi cầm cái, tôi không nói tất cả nhưng phần lớn bây giờ việc chơi “họ” đã không còn giống như trước đây nữa rồi.

-Bởi vậy cho nên phải trả khoản vay “họ” trước, mua danh ba vạn, bán danh ba đồng! – Chị Ma nói. – Nếu không trả “họ” thì Ông Mãnh nhà em khó mà ở được làng này và con cháu cũng sẽ liên lụy. Sống ở làng sang ở nước, ra ngoài có tiếng xấu gì về làng không gây chuyện thì vẫn được chấp nhận, vẫn được bênh vực, tập quán này từ mấy trăm năm trước đã như thế rồi.

-Vâng!

-Kiểu gì đêm nay Ông Mãnh nhà em cũng sẽ gặp em, em sẽ phải đi theo ông ấy để trả tiền cho người ta chứ không được đưa tiền nghe chưa, chị sẽ cho em một khoản để trả người ta cho xong, tiền này không liên quan gì đến cái kho nên em không phải bận tâm.

-Dạ!

-Còn đám du thủ du thực kia chị sẽ tính cách.

Chị Ma căn dặn tôi thêm vài điều khác nữa, tôi gật đầu như bổ củi, xem ra đây là lần đầu tiên tôi phải dùng tiền âm phủ đi trả nợ cho Ông Mãnh nhà tôi rồi.

---

***