Một sáng mùa xuân thật lạnh lẽo, Ngọc Mai bị tiếng ồn của những ống tre nhỏ va đập vào nhau, truyền theo cơn gió vang vọng trong không trung đánh thức. Nằm ủ người trong chăn không muốn bò dậy, mới sáng sớm cái quái gì mà ồn thế không biết!
Ông Ba hét lớn từ phòng sinh hoạt dưới nhà sàn: “Ngọc Mai! thức dậy đi con gái.”
Vừa hét ông vừa rung chuông gió làm bằng ống tre trước cửa sổ thư phòng Ngọc Mai, chuông gió này Ngọc Mai vừa mới mò mẫm làm hôm qua, treo bên trong phòng sinh hoạt một cái, trước cửa sổ thư phòng Baba và của cô mỗi nơi một cái. Chuông gió ở phòng sinh hoạt được buộc hai sợi dây dài, một sợi thả trong phòng bếp, sợi còn lại thả trước cổng nhà, ai đến tìm chỉ cần kéo sợi dây, chuông gió theo đường dây kéo sẽ rung động kêu lanh canh khá vui tai. Còn chuông gió trước cửa sổ thư phòng của hai cha con, sẽ được buộc và thả dây trong phòng sinh hoạt chính, hiện ông Ba đang đứng kéo điên cuồng. Ngọc Mai không muốn dậy cũng phải dậy, cáu tiết! Cô hét ầm lên: “Đợi con một lát!”
Ngọc Mai vừa bước chân vào nhà sàn, ông Ba đang ngồi trước bàn trà yếu ớt lên tiếng khóc than: “Hết trà rồi con gái, trong ba lô của con còn sót lại miếng nào không?”
Nội thất bên trong nhà sàn đều bằng gỗ, các thợ nơi này làm theo kỹ thuật mộng gỗ* của người xưa. Được thiết kế và sắp đặt không theo phong cách hay xì tai nào, pha trộn theo ngẫu hứng bất chợt của ông Ba, ông vẽ ra được kiểu nào thợ gỗ sẽ làm theo kiểu đó, ông Ba mà vẽ thư pháp quá thợ nhìn không ra thì sẽ có kiểu người muốn một đằng thiết kế một nẻo, nên đa số chọn tối giản làm gỗ trơn không hoa văn cũng không đục đẽo tạo hình.
Phía bên phải nhà sàn, đặt bàn ăn dài tám ghế dùng làm nơi ăn uống, vách nhà sàn quanh khu vực bàn ăn làm thành dãy tủ bếp đựng chén bát cùng các gia vị lộn xộn. Ngay cạnh chân bàn lật tấm sàn nhà lên, sẽ có một hộp gỗ to móc với bốn sợi dây dài được nối ròng rọc thả thẳng xuống nhà bếp bên dưới. Trong nhà bếp có một cầu thang nhỏ, bước lên kéo tấm ván gỗ xuống hộp gỗ sẽ chễm chệ trước mặt, muốn dọn dẹp chén bát hay bưng bê đồ ăn đều sử dụng bằng hộp gỗ này, khi để đồ ăn vào chỉ cần cầm sợi dây được nối với chuông gió trên nhà sàn kéo thông báo cho người ở trên đó là được.
Giữa nhà sàn đặt bộ bàn ghế tiếp khách cực lớn, bàn dài để chính giữa, hai ghế dài có tựa lưng để hai bên. Trên mặt bàn, ngoài bộ ấm trà Ngọc Mai còn đặt thêm chậu cây thuốc của Baba làm cây kiểng trang trí. Kế bộ bàn ghế tiếp khách gần cửa sổ đặt thêm bộ ván, có thể chứa dư sức bốn người nằm. Phía bên trái góc nhà sàn để khá nhiều tủ và kệ đựng đồ, trên các kệ đều đặt kín chậu đất nhỏ trồng cây thuốc quý hiếm mà ông Ba tìm được, phía dưới sàn nhà kế bên để một bàn gỗ thấp dài, các gối ngồi bọc vải đen được đan lát từ bẹ chuối khô để nằm lăn lóc xung quanh, khu vực này làm nơi trà đạo cho ông Ba. Hiện ông Ba đang ngồi ngước đôi mắt như đang nói với Ngọc Mai: Trên đời không còn thú vui gì để lưu luyến. Ngọc Mai không thèm quan tâm đến tâm trạng của ông, bổ thêm một đao: “Hết sạch rồi ạ!”
Ông Ba nghe xong sụp đổ, cả thân người “phì nhiêu” nằm dài lên mặt bàn, không còn thiết tha đến điều gì. Giờ ngồi đây, ông lại thấy nhớ và tiếc hùi hụi hai lạng trà Shan Tuyết được xem là “đệ nhất danh trà” của Việt Nam, mới uống chưa được chục bình, do ông tiếc không dám uống nhiều vì là trà đắt nhất Việt Nam mà. Nếu biết có ngày ngồi chổng mỏ như vầy, ông đã đem hai lạng trà đó theo bên mình. Ông Ba lấy tay đập thùm thụp lên mặt bàn: Đem cất làm chi, để dành làm gì cho chừa tật ngu muội. Giờ ngồi ở đây không có trà uống, trong khi gói trà đó thì...ôi thôi! Không nên nghĩ đến nữa, vì càng nghĩ ông càng đau lòng.
Về nguồn gốc có được hai lạng trà đó cũng do may mắn được tổ Tuệ Tĩnh* đãi. Hai năm trước, trong lần hốt thuốc trị một bệnh nhân nặng, đúng lúc ông Ba vừa gia giảm một số thuốc cho loại bệnh đó. Không nghĩ đến bệnh nhân này lại hợp thuốc, uống đâu chừng hai tháng, bệnh giảm hẳn thấy rõ. Thế là người nhà đem trà đến cảm tạ, ông Ba không nghĩ đến họ cảm tạ thứ tâm đắc như vậy.
Ông quý và trân trọng chính là tình cảm của người tìm món quà tặng cho ông, để được hai lạng trà này họ đã nhờ bà con thân thích ở Tà Xùa tỉnh Sơn La tìm hái trong nửa năm mới gom góp được bấy nhiêu đó. Khi có bạn bè hay người thân quen nào đến nhà, ông Ba sẽ đem trà ra thết đãi, rồi ngồi kể lể về nguồn gốc có được hai lạng trà ấy, khuôn mặt hãnh diện khỏi phải nói, nhưng chủ yếu khoe là chính, còn khoe trà hay khoe tay nghề thì chỉ mình ông Ba mới rõ.
Ngọc Mai nhìn không nổi nữa bộ dáng lên cơn nghiện trà của ông, cô bỏ đi xuống nhà bếp tìm đồ ăn sáng. Từ lúc hai cha con bắt đầu định cư ở trong khu rừng Sồi này, ngoài hạ thể ra thì tất cả hỗ trợ khác của nước Tây họ đều từ chối. Hiện tại đúng vào dịp đầu năm, nơi này cách Trại hơn mười ngày đi đường, nên muốn đặt mua đồ gì đó phải mất gấp đôi thời gian mới có được, đó là lý do vì sao ông Ba đang vật vã như vậy. Hiện tại dù cô có muốn mặt dày đi xin xỏ hàng xóm xung quanh, thì cũng có còn ai đâu mà xin, mọi người đi cúng lễ cho Thần biển vẫn chưa quay lại.
Hôm nay là ngày hai mươi tháng giêng, ở nơi này họ không đón tết, nhưng ba ngày đầu năm họ sẽ cúng lễ cho Thần biển, nên đa số người dân sẽ tụ tập ở khu vực gần biển tranh thủ cúng lần lượt, trong nhà có món ăn gì họ đều lấy một phần ra soạn lễ, ai đến sớm thì cũng trước, ai đến muộn thì cúng trễ. Trong tháng giêng tất cả mọi người đều nghỉ ngơi, dừng tất cả công việc, chỉ đi giao tế thăm hỏi lẫn nhau, đầu tháng hai mọi người mới bắt đầu quay lại làm việc.
Khi nhìn mọi người vui vẻ sửa soạn đồ, quay về để cúng lễ mà lòng hai cha con nao nao. Ai cũng nhiệt tình rủ hai người theo, nhưng ông Ba lấy lý do bị đau lưng để từ chối. Hai cha con lần đầu tiên đón một cái tết xa quê hương vô cùng buồn chán, dù có cố tỏ ra vui vẻ đến mấy vẫn không giấu được nét buồn vương trên mặt, hai cha con tự lủi thủi kiếm chuyện gì đó để làm cho qua ba ngày tết.
Sau khi ăn hai chén cháo trắng với thịt gà kho gừng Baba nấu, Ngọc Mai lấy gùi đeo lên lưng, định rủ Baba vào rừng tìm nấm để buổi chiều làm lẩu ăn. Hôm qua đi thăm lờ đặt cá, Ngọc Mai xách được cả xô cá suối bự hơn bàn tay còn đang nhảy tanh tách. Bình thường nếu rảnh rang thì ông Ba sẽ là đầu bếp chính, mọi người cứ nghĩ Ngọc Mai nấu ăn ngon lắm, không hề! cô chỉ biết thưởng thức là chính, lý thuyết thì đầy bụng chứ thực hành thì rất hên xui. Người núp lùm thực sự phía sau các clip triệu view của Ngọc Mai chính là ông Ba, ông cũng là đầu bếp chính trong đại gia đình của hai người.
Nhưng hiện tại, đầu bếp chính vẫn chưa thoát khỏi cơn buồn bã tiếc thương hai lạng trà nên không muốn đi, chỉ căn dặn cô tìm loanh quanh những nơi gần đây, tránh đến những khu vực ông đặt bẫy, nấm nào nên hái nấm nào không nên hái, dặn mãi dặn mãi Ngọc Mai đâm quạu sảng muốn bỏ gùi xuống ông Ba mới chịu để cô đi.
Nơi rừng Sồi này càng ngày càng náo nhiệt, mới đầu chỉ có vài chục gia đình của nhóm thợ và các võ sĩ, nhưng không biết tiếng lành gì đồn xa mà hiện giờ đã có gần trăm hộ dân, họ ào đến lũ lượt cùng một ngày chọn chỗ xây nhà xong, lại ào đi chung một ngày. Máng nước bị đặt ngày càng nhiều ngang dọc mất trật tự, ông Ba nhìn không nổi nữa yêu cầu nhóm người A Đoàn xây thêm giếng đưa máng nước về dùng chung, những hộ gia đình nào không nằm trên đoạn đường máng nước thẳng hàng thì sẽ lấy nước ở giếng về mà sử dụng, cứ vài chục hộ dân sẽ xài chung một giếng nước, giếng không bao giờ cạn, nước suối lúc nào cũng đầy như sắp tràn.
Ngọc Mai đi ngang một giếng nước thì dừng lại, lấy bình nước được làm bằng ống tre trong gùi ra, hứng đầy rồi đậy nắp bình ống tre lại mang theo, nước suối nơi này trong vắt, có mùi thơm hoa cỏ nào đó phảng phất như có như không, uống mát lạnh rất sảng khoái, nước suối ngàn năm có khác, Ngọc Mai rất thích uống như vầy, không cần đun sôi để nguội, vì khi đun sôi sẽ không còn mùi thơm phảng phất đó nữa.
Mò mẫm từ sáng sớm đến gần xế trưa Ngọc Mai cũng hái được lưng chừng gùi, cô chỉ chọn hái một loại nấm duy nhất vô cùng quen thuộc là nấm hương, nấm to bự như cái tô mọc ký sinh xung quanh các thân cây gỗ già, dễ nhận dạng lại an toàn, Ngọc Mai chỉ hái đủ ăn trong hai ngày. Những loại nấm khác dù biết ăn được cô cũng lười hái, mắc công về Baba lại săm soi rồi lại giảng giải. Đang là mùa xuân nấm rừng mọc rất nhiều, nấm độc đôi khi còn nhiều gấp bội, nếu người bình thường không có kiến thức y dược nhìn không phân biệt được, hái trúng sẽ rất nguy hiểm, nên ông Ba cứ căn dặn mãi là vì lý do như vậy.
Đang lơn tơn quay về, Ngọc Mai bị thu hút bởi gốc cây to trước mắt, lúc đi không thấy thế mà lúc về lại thấy, đây có thể được xem là duyên phận không nhỉ! Bình thường không đi đường này, hôm nay cô quẹo đại vì Baba cứ căn dặn tránh xa đường ông đặt bẫy. Ông Ba đang khóc buồn thương vì không có trà để uống, mới ra khỏi nhà dạo có một vòng thì tìm được cây trà cổ thụ này. Gốc cây rất to, phải đến ba người vòng ôm mới hết, nhìn không biết đã già bao nhiêu tuổi, chỉ có Baba mới biết được, ông mà nhìn thấy thế nào cũng hú hét lao vào ôm hôn cây trà này cho mà xem.
Cô định làm dấu để trưa nay dẫn Baba quay lại, nhưng chợt nhớ Baba làm gì biết leo cây mà kêu, chỉ mới nghĩ đến thân hình của ông thôi đã thấy không có khả năng. Với tính tình cuồng trà của Baba một khi mà biết, dám ông đem mùng mền chiếu gối dời ra gốc cây trà này để canh chừng luôn quá. Ở nhà không có thang cây để leo, hàng xóm xung quanh hay nhóm người để nhờ vả cũng không có, mà trà này phải hái đọt non, bắt buộc phải leo lên mới hái được.
Đứng nhìn cây trà cao gần bốn mét, có gốc chia làm đôi ở giữa lưng chừng cây hồi lâu, Ngọc Mai quyết định bản thân sẽ tự leo vậy. Chỉ cần leo lên được đến gốc chia đôi là cô có thể đứng thẳng hái những đọt lá ở những tán cây lòa xòa bên dưới.
Việc đầu tiên là đi xé vài miếng lá chuối cầm theo để gói lá trà, trở về gốc cây để gùi xuống đất, cởi bỏ luôn đôi dép đan bằng bẹ chuối khô qua một bên, lấy lá chuối xếp nhỏ lại ngậm vào miệng, giật lùi về sau một đoạn ngắn để lấy đà, Ngọc Mai chạy phóng lên cây trà, hai tay ôm cứng ngắc, hai chân quặp lấy thân cây, nhưng khi Ngọc Mai liếc nhìn xuống đất mới phát hiện bản thân đang ôm đoạn cây còn thấp hơn chiều cao nếu cô đứng dưới gốc trà, cô muốn bật cười nhạo bản thân, may là không có ai thấy, buông tay ra đứng xuống đất trầm ngâm nhớ lại cách leo cây dừa của những cao thủ cô từng xem trên mạng.
Vì Baba đang lên cơn nghiện vật vã ở nhà, cô quyết chí phải hái lá trà về cho bằng được. Ngọc Mai đứng dưới gốc trà bật nhảy tại chỗ thử xem cao được tới đâu, cô lùi ra sau vài bước lấy đà ngắn hơn, đập đập hai tay lại với nhau, hai chân thì nhún nhảy tại chỗ chuẩn bị lấy đà phóng lên cây tiếp lần hai. Vận hết sức lực vào cú nhảy, phóng bước lớn bật cái vèo lên cây, di chuyển liền cả tay và chân, lần này vậy mà thành công.
Một tay cô với được khúc giữa chia làm đôi, một tay còn lại với hai chân thì đang lỏng lẻo tìm cách bấu lấy thân cây nhìn cứ như một chú khỉ. Tay phải thì với được khúc chia làm đôi rồi, nhưng làm cách nào để leo lên được đây, khi hai chân và tay trái của cô đều không dám buông thân cây ra, không có thế để hoạt động tiếp. Chỉ cần với tay trái lên cùng chỗ với tay phải, nhưng cô phát hiện ra là bản thân không làm được, Ngọc Mai thật muốn khóc hết sức, không lẽ với được tới đây rồi lại bỏ giữa chừng, nhưng cứ ôm vầy hoài cũng không được, tay phải mỏi lắm rồi.
Ngọc Mai không biết là mọi hành động dị người của cô, đều đang được một đôi mắt đen sâu thăm thẳm không một gợn sóng nhìn chăm chú. Người này đi theo Ngọc Mai từ lúc cô mới bước chân vào rừng cho đến giờ, cả buổi sáng không hề tiếp cận gần cũng không bỏ khoảng cách quá xa. Chứng kiến hành động kỳ lạ của Ngọc Mai, người đó cũng chẳng có tí thể hiện gì trên nét mặt. Cứ lạnh lùng ngồi yên lặng trên chạc cây, hai chân xếp bằng, hai tay khoanh trước ngực, người đó vẫn chăm chú nhìn xuống quan sát, nhìn thấy sự chật vật của cô cũng không có ý định sẽ ra tay giúp đỡ.
*Mộng gỗ: Là một kỹ thuật có từ thời xa xưa, được áp dụng để liên kết hai thanh gỗ lại với nhau mà không cần đến các vật nhọn kim loại như: đinh, ốc, vít… hay các loại keo, hồ dán.
*Tuệ Tĩnh: thiền sư tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, hiệu là Hồng Nghĩa, sinh năm 1330, người làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng, Hải Dương). Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, Tuệ Tĩnh sống ở thời nhà Trần. Nổi tiếng với khẩu hiệu "Nam dược trị Nam nhân", tức thuốc của người Nam chữa bệnh cho người Nam, ông được hậu thế suy tôn là ông thánh của ngành thuốc Nam, ông tổ ngành dược, người mở đầu nền y dược cổ truyền Việt Nam. Nguồn vnexpress