Có Kim Chính Dương nhập bọn, ba người Kim – Lã – Hàn bỏ ra thêm một tuần đã thành công bước đầu, mò ra được cách có thể truyền âm từ một điểm ra nhiều điểm nhận thay vì chỉ truyền nhận 1-1 như cách xưa nay ở Huyền Hoàng giới. Chuyện này mang tầm cỡ lịch sử, khiến cả ba người bọn họ đều hưng phấn như điên, đồng thời họ cũng vô cùng nể phục “kiến thức Thiên Ngoại” của Bích Mặc tiên sinh. Hàn Thu Thủy vốn định lập tức chạy đi tìm Nguyễn Đông Thanh khoe công, song bị hai người còn lại giữ lại. Theo lời một già một trẻ còn lại thì:
“Chúng ta nên đi xuống địa phương khảo sát, thí nghiệm thêm trước, rồi mới báo cáo cho đại nhân cũng chưa muộn.”
Thế là, ba người hai trẻ một già cùng lên đường xuống làng Tân thuộc thôn Hoài. Không sai, là làng thuộc thôn! Đơn vị hành chính ở Huyền Hoàng giới từ trung ương xuống địa phương nhìn chung thì na ná ở Địa Cầu, song đến hai đơn vị này lại hoàn toàn đảo ngược. Thời gian đầu nhậm chức Chưởng Ấn, Nguyễn Đông Thanh cũng từng mấy lần nhầm lẫn vì chuyện này. Cũng may hắn có Cố Văn làm phụ tá đắc lực, nên cũng chưa xảy ra vấn đề lớn gì.
Ba người Lã Vọng Thiên vào đến địa phận làng Tân, bèn tiến thẳng đến ngôi nhà lớn nhất làng – nhà của trưởng làng. Dẫu sao, theo như họ thấy, dù là việc xây dựng “loa phường” hay tuyên truyền dân vận sau này, muốn làm cho êm đẹp, tốn ít công sức, thì đều cần sự phối hợp của quan chức địa phương. Mặc dù biết rõ đối với Bích Mặc tiên sinh, mấy vị quan nhỏ này cung phụng, lấy lòng còn chả kịp, đương nhiên cũng sẽ chẳng có ai ngu gì mà đi đối đầu, song hai người Lã, Hàn đến nay cũng gọi là đã tương đối quen thuộc tác phong làm việc quy củ cũng như cách làm người dĩ hòa vi quý của đại nhân nhà mình. Thành thử, họ cũng y vậy mà làm theo.
Trước giải thích một chút về cửu phẩm quan giai ở Huyền Hoàng giới cũng như trách nhiệm của các quan chức này. Về cơ bản, thì ngoại trừ đơn giản hơn so với ở Địa Cầu, quan chế ở lục quốc Huyền Hoàng giới tương tự quan chế thời Minh – Thanh của Trung Quốc, còn quan chế của Đại Việt thì na ná thời Hậu Lê của Việt Nam. Song cũng không phải không có khác biệt. Tỉ như ở trung ương thì:
Thời Thánh Tông, giữ chức quan hàng nhất phẩm có Thái Sư lo triều chính đại sự, Thái Bảo lo lễ nghi tế tự, Thái Úy nắm binh quyền. Song đến chiến tranh Việt – Tề ba mươi mấy năm trước, Thái Bảo vì đứng ra khuyên ấu chúa đầu hàng Đại Tề mà bị xử trảm, Thái Úy bị khép tội... “tự ý dắt lừa trong quân ra ngoài” mà cũng mất đầu. Thái Sư Trương Hạo khi ấy đứng ra, nói trong nước không ai có đủ bản lĩnh hay xứng đáng ngồi vào hai vị trí ấy, thế là hai chức này vẫn bị để trống tới nay. Binh quyền vốn của Thái Úy cũng được chuyển sang cho Binh Mã Đại Nguyên Soái, tức Võ Hoàng – Lý Huyền Thiên. Đương nhiên, về chuyện hai vị Thái Bảo, Thái Úy năm xưa là thực sự sinh lòng phản trắc mà bị phế chức, bỏ mình hay chả qua là bị lão Thái Sư gài thì... kẻ thông minh đều tự hiểu với nhau.
Lục bộ (Lại – Lễ – Hộ – Binh – Hình – Công): thượng thư mang hàng nhị phẩm, sau đó tiếp xuống tương ứng.
Tam thư: thượng thư gián nghị – vào triều tham chính, khuyên can vua: nhị phẩm. Trung thư ngự sử – soạn tấu chương, truyền mệnh lệnh, đốc thúc các quan: tam phẩm. Hạ thư Quốc Tử Giám – dạy học, tổ chức khoa cử: Tế Tửu và Tư Nghiệp (hiệu trưởng hiệu phó) hàng tứ phẩm, sau đó ứng xuống dưới.
Tam viện: khu mật viện (tình báo), quốc thư viện (quản lý, ghi chép các loại sách vở, bao gồm sử sách, kinh sách, địa đồ), thẩm hình viện (xử án, phạt tội): chủ yếu là các quan hàng ngũ, lục phẩm.
Còn về địa phương thì:
Châu chủ ba châu hàng nhị phẩm. Thành chủ các thành lớn hàng tam phẩm, thành nhỏ chánh tứ phẩm. Tòng tứ phẩm thường là các quan phò tá trực tiếp của thành chủ. Tỉ như ở thành Bạch Đế thì ba chức Chưởng Ấn, Chưởng Bút, Chưởng Kiếm là ngang hàng tòng tứ phẩm. Đương nhiên, như đã nói từ trước, Bạch Đế thành là trường hợp đặc biệt, ba chức Chưởng này cũng chỉ là ngụy tứ phẩm. Song, ở các thành nhỏ, hoặc chăng thành chủ thấy không cần phụ tá, thì cũng bớt đi hàng tòng tứ phẩm ở đó.
Phía dưới tứ phẩm, hai phẩm ngũ – lục không phải nơi nào cũng có, mà còn tùy thuộc thành trấn rộng đến đâu, dân cư đông hay thưa, hay vị trí có phải căn cơ yếu địa gì hay không. Song, nếu xét về đơn vị hành chính thì dưới Thành có Huyện, ngang hàng với huyện có Quan Ải.
Trước nói về Quan ải, vì là nơi căn cơ yếu địa, nên quan giữ ải thường là Võ tướng, mang hàng ngũ phẩm. Tỉ như Vũ tổng binh trấn giữ ải Quan Lâm chính là như vậy.
Còn đứng đầu, quản lý Huyện đương nhiên là Huyện lệnh, hàng lục phẩm. Nhưng như đã nói từ trước, thành Bạch Đế là nơi đặc biệt, nên hàng lục phẩm này cũng không tồn tại.
Hướng tiếp xuống dưới, còn có trưởng thôn và trưởng làng, lần lượt mang hàng thất và bát phẩm.
Dưới nữa còn nha dịch, chân chạy cho các quan, tính chung là cửu phẩm. Còn mấy người Cố Văn, Lã Vọng Thiên, ..v..v... đi theo Bích Mặc tiên sinh của chúng ta, ngoại trừ Hồng Đô được chính thức sắc phong ra thì những người còn lại đều không có phẩm hàm cụ thể. Chỉ có điều, đãi ngộ mà họ được hưởng thì cũng tương tự như hàng quan ngũ phẩm.
Thành thử, việc mấy người Hàn Thu Thủy đến thăm nhà trưởng làng lúc này chẳng khác nào rồng đến nhà tôm, cấp trên xuống thăm hỏi cấp dưới.
Đến gần nhà trưởng làng, bỗng Hàn Thu Thủy giơ tay lên, cản hai người đi cùng lại, đoạn kéo hai người nép vào một gốc cây ven đường, vểnh tai lên nghe ngóng. Hai người Lã – Kim liếc nhìn nhau, Lã Vọng Thiên gật đầu nhẹ một cái. Kim Chính Dương liền khoanh tay, nhắm mắt dưỡng thần.
Người tu luyện vốn đã có giác quan nhạy bén hơn phàm nhân, Hàn Thu Thủy lại còn là kẻ có huyết mạch tinh thuần nhất trong các truyền nhân đời này của Hàn thị. Đừng nói Hàn Quân Bảo xét cô nàng cho chức gia chủ, nếu cô nàng không sinh ra tại Hàn gia Đại Yến mà là trong hoàng cung Đại Hàn, hẳn lúc này cũng là một ứng viên sáng giá cho chức Đế Hậu đời kế tiếp. Thành thử, thính giác của cô nàng từng bị Nguyễn Đông Thanh so sánh với người Krypton cũng không quá.
Chỉ thấy Hàn Thu Thủy nghe ngóng một lúc rồi lắc đầu, nhẹ giọng rỉ tai Lã Vọng Thiên:
“Xem ra chúng ta lại sắp có thêm việc rồi!”
Mà Kim Chính Dương lúc này cũng mở mắt ra, truyền âm cho Lã thiếu lâu chủ:
“Thiên nhi, ta thấy Hàn cô nương nói không sai. Qua tiếp xúc thời gian gần đây của ta với tiên sinh, hẳn là ngài ấy sẽ quản chuyện này.”
Lã Vọng Thiên gật nhẹ đầu với hai người, đoạn liếc từ người này sang người kia, nói:
“Vậy thì phiền bá bá ngài chờ ở ngoài, tìm cách hỏi rõ ngọn nguồn. Con và Hàn cô nương sẽ vào trong nói chuyện với trưởng làng. Sau đó hẹn gặp ở quán nước đầu thôn?”
Một loạt câu nói không đầu không đuôi, song cả hai người kia đều như đã hiểu, gật đầu một cái.
Đúng lúc này thì cửa lớn được đẩy ra, một bà cụ luống tuổi bước ra ngoài. Bà ta nom hốc hác, tiều tụy, lại thở dài thườn thượt một cái rồi mới rời đi. Kim Chính Dương gật đầu với hai thiếu niên, đoạn xoay người, đi theo bà cụ. Đợi lão đi khuất, hai người Hàn Thu Thủy mới rời khỏi gốc cây, tiến đến nhà trưởng làng.
oOo
Cả làng này họ Trần, trưởng làng cũng không phải ngoại lệ. Dáng người lão gầy còm, song nếu nhìn vào nước da hồng nhuận và bộ quần áo trên người, cũng như bài trí trong nhà, thì đủ biết lão tuy có thể không đến mức tham ô vơ vét, nhưng sống cũng không thiếu thứ gì.
Thấy rõ người đến là ai, Trần lão cũng không dám chậm trễ trong việc tiếp đón. Phải biết, hai thiếu niên này dù xét về công hay tư cũng không phải là người một quan bát phẩm nhỏ nhoi như lão có thể đắc tội.
Hai bên chủ khách ngồi xuống. Hai người Lã Vọng Thiên cũng không vội hỏi chuyện bà cụ ban nãy ngay, mà trước tiên nói về mục đích chính khiến hai người bọn họ tìm xuống đây.
Mặc dù nghe hai người nói chuyện, Trần trưởng làng câu hiểu câu không, song biết là chủ ý của Bích Mặc tiên sinh, nên đương nhiên là lão không có dị nghị gì, ủng hộ cả hai tay hai chân. Ba người lại dành thêm thời gian chừng một canh giờ, bàn tính kỹ càng hơn về phương pháp thí nghiệm cũng như những gì cần thiết.
Đợi đến lúc giải lao, ăn uống, Lã Vọng Thiên nói chuyện phiếm một hồi cho Trần lão thả lỏng, rồi mới nháy mắt với Hàn Thu Thủy. Cô nàng hiểu ý, bèn hỏi:
“À đúng rồi, Trần lão! Ban nãy khi tới đây, hai người chúng tôi có nhìn thấy một bà cụ bước ra từ nhà ngài, lại vừa đi vừa khóc. Không rõ ngài có thể giải hoặc cho chúng tôi, rốt cuộc là có chuyện gì vời bà ta không vậy?”
Trần trưởng làng nghe vậy thì cũng thở dài một hơi, đoạn lắc đầu, đáp:
“Chuyện này tuy có chút đáng tiếc, kỳ thực lại chẳng có gì lớn. Những chuyện tương tự vẫn xảy ra như cơm bữa, trước nay quan trên chưa từng quản, thế nên hạ quan vốn cũng không định bẩm báo lên trên. Song, nếu hai vị đã hỏi đến thì hạ quan cũng không dám giấu giếm...”
Đoạn, lão bèn trình bày sơ qua hoàn cảnh của bà cụ ban nãy.
Thì ra, lão phụ mà mấy người bắt gặp lúc nãy đến là để hỏi trưởng làng xem có thể trì hoãn việc thu thuế năm nay, cho gia đình bà ta có thêm thời gian xoay xở tiền hay không. Bởi nếu không kịp kiếm đủ tiền nộp thuế, con trai bà lão sẽ chỉ còn hai lựa chọn:
Thứ nhất: bán ruộng, vô kế mưu sinh, rồi cuối cùng cũng chỉ còn nước bán thân cho địa chủ;
Thứ hai: bán hết của nả trong nhà để nộp cho đủ thuế, rồi ôm ruộng chết đói...