Xuyên Không: Vương Gia Vô Dụng Lột Xác

Chương 684: Chương 685: Mười sáu châu Yến Vân.




- Đồ khốn kiếp! 

 Triệu Nhan giận dữ đập lá thư vừa nhận được lên bàn, sau đó lớn tiếng chửi bới. Thân phận địa vị ngày càng khác, nên hắn đã mấy năm nay rất ít mắng chửi ai, nhưng hôm nay nhận được tin này khiến hắn thực sự không nhịn được mà mắng. 

 - Tam đệ đừng quá tức giận, Lã Huệ Khanh làm như vậy cũng trong dự liệu của chúng ta rồi. Hồi trước gã nhờ ý kiến tấn công Liêu quốc mới nịnh bợ được cho bệ hạ vui vẻ, lần này lại đề xuất, chẳng qua cũng là đoán trúng suy nghĩ trong lòng bệ hạ, muốn nhân cơ hội này đạt được quyền lợi lớn hơn mà thôi! 

 Lúc này Vương Sư Ước cũng lên tiếng khuyên giải. 

 Lã Huệ Khanh được phong tướng chưa bao lâu, đã đề xuất Triệu Húc lại xuất binh thảo phạt Liêu quốc, cho dù đám người Tư Mã Quang kiên quyết phản đối chuyện này, nhưng Triệu Húc đã trông đợi điều đó rất lâu, cộng thêm nghỉ ngơi tĩnh dưỡng hơn một năm nay, y cảm thấy Đại Tống đã khôi phục lại từ trận hạn hán trước đó, tân pháp lại tạm thời không thi hành được, nên y muốn lấy một thắng lợi của trận chiến bên ngoài hòng tăng thêm tiếng tăm cho mình, vì vậy dưới sự ủng hộ âm thầm của y, cộng thêm nỗ lực của đám người Lã Huệ Khanh, kết quả cuối cùng khiến triều đình thông qua nghị quyết này. Hiện tại trên dưới Đại Tống đều đang gấp rút chuẩn bị, đương nhiên thông tin này vẫn đang trong trạng thái bảo mật, ngoài một số đại thần cốt cán ra, người ngoài không nghe chút phong thanh nào. 

 - Không được, đệ nhất định phải viết thư khuyên đại ca. Tuy hiện tại trong nước đã hồi phục thực lực, song những nguy hại tân pháp tạo nên chưa thể bình phục, nếu lúc này tiến đánh Liêu quốc, hậu quả thực sự khôn lường, đại ca sao lại hồ đồ như thế chứ! 

 Triệu Nhan lúc này cũng vô cùng lo lắng nói. Nói xong thì chuẩn bị ngồi xuống viết thư cho Triệu Húc. 

 - Tam đệ, ta thấy cho dù đệ có gửi thư cho bệ hạ, cũng đừng thẳng thừng phản đối chuyện dùng binh với Liêu quốc. Dẫu sao đệ cũng hiểu tính khí của bệ hạ, người bây giờ chắc chắn không nghe lọt tai lời khuyên giải của người khác. Nếu đệ quá kịch liệt, nói không chừng còn khiến bệ hạ ghét bỏ! 

 Lúc này Từ Nguyên vẫn luôn im lặng chợt lên tiếng. 

 - Đúng là như vậy, bệ hạ đang trong thời kì trưởng thành, tính tình có hơi cố chấp. Tuy tam đệ và bệ hạ tình cảm sâu đậm, nhưng trong một số việc cũng đừng quá thẳng thắn! 

 Lúc này Vương Sư Ước cũng góp ý. Thực ra y và Từ Nguyên nghĩ rằng cho dù bây giờ Triệu Nhan đích thân hồi kinh khuyên nhủ Triệu Húc, e rằng cũng rất khó khiến Triệu Húc thay đổi suy nghĩ, bởi vì qua phong cách hành xử mấy năm nay của Triệu Húc, tính cách của y ngày càng ngoan cố bướng bỉnh, rất khó lắng nghe lời khuyên của mọi người. 

 Nghe thấy lời của hai anh rể, Triệu Nhan cũng không khỏi lặng người, sau đó cũng trở nên trầm tư. Tình cảm giữa hắn và Triệu Húc đích thực rất sâu đậm, nhưng mấy năm nay hắn luôn ở Quảng Châu, hơn nữa trong tay vừa có binh quyền vừa nắm tài chính, hắn sớm đã nghe phong thanh trong triều có lời ra tiếng vào về hắn. Tuy Triệu Húc xưa nay chưa từng nói gì, đáp ứng tất cả những thỉnh cầu của hắn, nhưng không thể không thừa nhận, sau mấy năm xa cách, tình cảm huynh đệ của họ chắc chắn không được như trước kia, vì vậy Từ Nguyên và Vương Sư Ước khuyên hắn nên nói chuyện khéo léo một chút cũng là lo nghĩ cho hắn. 

 Nghĩ đến những điều đó, Triệu Nhan cũng gật đầu nói với hai người Từ Nguyên: 

 - Đệ hiểu rồi, khi viết thư cho đại ca đệ sẽ chú ý, chỉ có điều bây giờ mà động binh với Liêu quốc thật sự không phải thời cơ tốt, đệ không tán thành điều này, xem ra chúng ta cũng phải chuẩn bị thôi! 

 Từ Nguyên và Vương Sư Ước đều sớm đã biết từ lần đầu tiên khi Lã Huệ Khanh mách bảo Triệu Húc tấn công Liêu quốc, Triệu Nhan đã bắt đầu chuẩn bị, đương nhiên nếu Triệu Húc có thể thuận lợi đánh bại Liêu quốc thì không cần dùng tới sự chuẩn bị này, nhưng ngộ nhỡ gặp bất trắc thì sự chuẩn bị này của Triệu Nhan có thể cứu lại cơ nghiệp của Đại Tống. 

 Cũng chính vì biết như vậy, nên Từ Nguyên và Vương Sư Ước đều vô cùng thận trọng ở lại bàn bạc với Triệu Nhan, thảo luận ra đối sách với từng tình huống có thể xảy ra sau này, cố gắng không xảy ra sai sót, cuối cùng sau khi tiễn bọn họ, Triệu Nhan mới ngồi xuống viết một bức thư cho Triệu Húc. Trong thư không trực tiếp bày tỏ thái độ của mình về việc tiến đánh Liêu quốc, chỉ nhắc nhở Triệu Húc trong nước hiện không ổn định, nếu xuất binh sang Liêu quốc, trong thời gian ngắn thì còn được, nhưng nếu mãi không có thành quả, e rằng chỉ khiến tình hình trong nước thảm khốc hơn, vì vậy mong Triệu Húc trước tiên nhất định phải lên kế hoạch chu toàn, tuyệt đối không được nóng vội. 

 Trong điện Thùy Củng ở hoàng cung kinh thành, Triệu Húc tâm trạng bồi hồi suốt mấy ngày nay, bởi vì cuối cùng chuyện xuất binh thảo phạt Liêu quốc đã được thông qua nghị quyết. Mặc dù đám người Tư Mã Quang vẫn một mực phản đối, nhưng có sự ủng hộ của hội Lã Huệ Khanh, chuyện này đã chắc như đinh đóng cột, tiếp theo nên nghĩ kế hoạch cụ thể tiến đánh Liêu quốc như thế nào rồi. 

 Nói đến dùng binh, Triệu Húc tự hỏi không kém bất cứ ai. Năm đó trong trận chiến diệt Hạ, y trên danh nghĩa là thống soái, đương nhiên kế hoạch tấn công cụ thể đều do những võ tướng như Dương Văn Quảng phụ trách, song y cũng không đứng ngoài, chí ít lập kế hoạch cho toàn bộ trận chiến và quản lí các vật tư, y đều tham gia vào, cho nên đối với lần thảo phạt Liêu quốc này, y cũng định đích thân lập kế hoạch chinh phục Liêu quốc. 

 Đương nhiên trước khi vạch kế hoạch, bắt buộc phải xác định mục tiêu tấn công Liêu quốc, là để diệt tận gốc Liêu quốc hay chỉ để thu phục Yến Vân. Nói về mặt cảm tính, Triệu Húc tất nhiên hi vọng tiêu diệt tận gốc Liêu quốc, giúp phương bắc của Đại Tống không còn kẻ thù, đáng tiếc y cũng hiểu Liêu quốc không phải Tây Hạ, cho dù quốc lực của Liêu quốc đã suy thoái, cũng tuyệt đối không thể mang ra so sánh với Tây Hạ, muốn tiêu diệt gọn ghẽ Liêu quốc quả thực viển vông, cho nên Triệu Húc xác định mục tiêu là thu phục vùng Yến Vân, hoàn thành tâm nguyện cao cả mà Thái Tông hoàng đế chưa thực hiện được. 


 Tuy nhiên tình hình này lại thay đổi theo sự xuyên không của Triệu Nhan. Khi Triệu Thự tại vị quốc lực lớn mạnh rất nhiều, hơn nữa còn tiêu diệt được mầm họa Tây Hạ, chỉ là trận chiến đó khiến Đại Tống tiêu hao quá lớn, cộng thêm khi ấy Triệu Húc chưa làm hoàng đế, nên mới chưa lập tức động binh với Liêu quốc, sau khi Triệu Húc đăng cơ, lại vội vàng cải cách, muốn giải trừ các tệ nạn trong nước, dùng ưu thế tuyệt đối chèn ép Liêu quốc, đáng tiếc cải cách thất bại, song Triệu Húc không cam tâm, có lẽ theo y thấy, cho dù với quốc lực hiện nay của Đại Tống cũng có ưu thế rất lớn so với Liêu quốc, đó là một trong những nguyên nhân khiến y quyết định phát động tuyên chiến với Liêu quốc. 

 Đã xác định được chiến lược mục tiêu, tiếp theo là một số khâu chi tiết và chuẩn bị phát động chiến tranh, ví dụ khi phát động tiến công đội quân nào làm chủ lực. Vốn dĩ Tây quân là quân đội có sức mạnh chiến đấu mạnh nhất trong cấm quân Đại Tống, nhưng sau khi bình định Tây Hạ, Tây quân đã phân tán trú đóng tại đó, mặt khác vùng Tây Vực cũng không yên ổn, cho nên cần lực lượng lớn trấn thủ Tây Cương, điều này khiến cho binh lực mà Tây quân có thể điều động không nhiều. 

 Tuy nhiên mặc dù Tây quân bị phân tán, nhưng quân Hà Bắc đã xây dựng lại, sau mấy năm tập luyện, cũng được coi là một đội quân dũng mãnh, thêm nữa còn có hỏa khí giúp đỡ, vì thế Triệu Húc cho rằng chỉ quân Hà Bắc đã đủ để đảm nhiệm trọng trách tấn công Liêu quốc rồi. Mặt khác lại để Tây quân gây rối một bên của Liêu quốc, kìm kẹp một chút binh lực của Liêu quốc, để cho quân Hà Bắc tấn công chính diện vùng Yến Vân, thiết nghĩ chẳng mất bao lâu là có thể thu phục được Yến Vân. 

 Cũng chính lúc Triệu Húc hưng phấn vạch kế hoạch tiến đánh Liêu quốc, thư Triệu Nhan gửi từ Quảng Châu cũng đã đến tay Triệu Húc, kết quả Triệu Húc đọc xong thư của Triệu Nhan cũng vô cùng vui vẻ, bởi vì trong thư Triệu Nhan không thẳng thừng khuyên y bỏ ý định thảo phạt Liêu quốc, chỉ nhắc nhở y về những nguy hiểm khi tiến đánh Liêu quốc. Điều này theo Triệu Húc thấy, Triệu Nhan không phản đối tức là ngầm đồng ý.