Vươn Tới Vì Sao

Chương 35: Tết Nhật (1)




Sau khi ăn bữa tối cuối cùng của năm cũ với món ăn không thể thiếu là mì trường thọ, cô quây quần cùng anh chị, Jasmine và Rose vừa xem Tivi vừa tán gẫu.

Đêm Giao thừa, hầu như kênh truyền hình nào của Nhật cũng phát sóng trực tiếp chương trình thâm niên “Kohaku Uta Gassen”, năm 2016 là lần thứ 67 chương trình này được tổ chức.

Nhiều ca sĩ J Pop nổi tiếng cùng tham gia và được chia làm hai đội trắng và đỏ. Đội đỏ là đội nữ, đội trắng là đội nam. Hai đội sẽ luân phiên nhau trình diễn các tiết mục xuyên suốt từ 7h15 phút tối đến 11h45 phút. Cuối chương trình sẽ bỏ phiếu xem đội nào giành chiến thắng. Lần thứ 67 này, đội đỏ của các cô gái giành chiến thắng.

Lần đầu tiên được theo dõi một chương trình hoành tráng, mãn nhãn từ sân khấu, trang phục đến hiệu ứng âm thanh hình ảnh… cô không khỏi trầm trồ và mong chờ tiết mục của năm sau.

Kết thúc chương trình “Kohaku Uta Gassen” thì khoảnh khắc giao thừa cũng gần kề. Hai em bé nhỏ đã gục ngã trước cơn buồn ngủ và được đưa về phòng từ sớm.

_ Mọi năm vào ngày này, anh chị thường đến chùa để nghe chuông vào khoảng khắc giao thừa. Nhưng năm nay có hơi bất tiện… _ Chị ôm tách trà giữ ấm cho bàn tay.

_ Nghe chuông ạ? _ Cô tò mò.

_ Ừm. Nghe 108 tiếng chuông chùa trong thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới ấy! Nghi thức đánh 108 tiếng chuông nhằm gột rửa những tham vọng, ham muốn tầm thường, xấu xa, những lo âu, muộn phiền của năm cũ trong lòng mỗi người. Đây có thể coi như một nghi thức thanh tẩy qua những tiếng chuông. _ Anh thấu sự tò mò của cô, chậm rãi giải thích.

_ Dạ. Một nghi thức ý nghĩa. Giờ khắc này ở Việt Nam có lẽ là pháo hoa đã bắn rợp trời rồi. Ai ở nhà thì sẽ thắp hương cho bàn thờ gia tiên, rồi đi chùa xin lộc đầu năm. _ Cô hồi tưởng.

_ Sáng mai chúng ta cũng sẽ đi chùa rồi về nhà cha mẹ anh, nhà cha mẹ chị. Giờ thì đi ngủ để dậy sớm thôi!

_ Lịch trình dày thế luôn hả chị?

_ Ừ! Mùng Hai chúng ta mới về cho mùng Ba em đi chúc Tết cán bộ. Em chuẩn bị đồ đạc xong chưa?

_ Em thì có từng ấy đồ thôi, gọn gàng, không hơn không kém.

_ Chị chuẩn bị cả phần cho em rồi. Nhưng cứ mang theo đồ cá nhân đi cho chắc.

_ Dạ. Em cám ơn chị. _ Cô ngã sang vai chị dụi dụi như mèo con.

_ Cứ như nhặt được thêm một đứa con gái lớn vậy, không phải em gái! _ Anh nhìn hai chị em, tặc lưỡi.

Chị phì cười xoa đầu cô, giục mọi người đi ngủ khi đồng hồ trên tường điểm 0h.

* * *

Ngày đầu năm mới, anh chị chào đón cô bằng hai bao lì xì và hai tấm thiệp xinh xắn dễ thương mà cô và chị đã cùng nhau làm. Cô cũng đã chuẩn bị từ sớm, gửi thiệp năm mới cho anh chị và lì xì cho Jasmine, Rose.

Chị kéo cô về phòng lần lượt thay kimono cho cô, Jasmine và Rose. Trong lúc đó, anh sắp xếp đồ đạc lên xe. Thức khuya, dậy sớm, cô và hai bạn nhỏ ngủ gà ngủ gật, ngáp ngắn ngáp dài.

Ngôi chùa mà anh chị chọn dừng chân là Osu Kannon _ một ngôi chùa đẹp và nổi tiếng nằm ở trung tâm Nagoya của tỉnh Aichi.

Đúng như tên gọi của ngôi chùa, vị thần được thờ phụng chính ở đây là Phật Quan Âm, đức Phật của lòng nhân ái, lòng từ bi và cứu khổ cứu nạn, thường được miêu tả với nét mặt dịu dàng.

Trong chùa có một pho tượng Quan Âm lớn bằng gỗ được điêu khắc công phu, bên trong chính điện là một chiếc lồng đèn giấy lớn màu đỏ. Những người hành hương tới chùa ngày mùng một rất đông, họ viết điều ước trên những mảnh giấy nhỏ và gắn vào dây đỡ chiếc lồng đèn lớn với hi vọng được Phật Quan Âm chứng nhận.

Sau khi lạy Quan Âm ở chánh điện, anh bế Rose và dẫn Jasmine ra ngoài chờ, chờ chị và cô viết lời cầu nguyện.

Gần trưa, xe ra khỏi nội ô dừng trước một ngôi nhà lợp ngói xanh phong cách truyền thống của Nhật Bản. Cổng nhà được xây hoàn toàn bằng đá, đường đi rộng rãi, xe cộ đậu dọc hai bên lề đường mà không cần lái vào nhà như ở trung tâm thành phố.

Sân nhà rộng rãi được bao phủ nhiều cây cối. Sát hàng rào, một hàng hoa anh đào xen kẽ đám cây bụi được tỉa tròn ủm không rõ tên gì. Thời tiết lạnh giá mùa này, cây cối cũng như con người, đều co ro trong cái lạnh. Chắc chắn khi trời ấm lại, khu vườn này sẽ rất đẹp!

Dưới mái hiên, cha mẹ anh đang ngồi uống trà, ăn bánh cùng hai người khách không ai khác là cô Azumi và Usagi. Mọi người đang đợi gia đình anh về để cùng dùng bữa cơm đầu năm mới.

Mâm cơm năm mới của người Nhật có điểm nhấn độc đáo là Osechi _ hộp cơm “hạnh phúc chồng hạnh phúc”. Cô thích thú khám phá hộp Osechi của mình.

_ Kei lần đầu đón Tết ở Nhật Bản phải không? Hi vọng cháu sẽ thích không khí và món ăn của gia đình bác! _ Mẹ anh hiền từ nói.

_ Dạ. Cháu rất thích và sẽ ăn thật ngon ạ! Cám ơn bác! _ Cô cúi đầu lễ phép.

_ Tầng 1 là món mặn, tầng 2 là món ngọt, tầng 3 là “hạnh phúc từ biển” và tầng 4 là “hạnh phúc từ núi”. Em có thể tùy theo khẩu vị mà thưởng thức. _ Chị giảng giải.

_ Em sẽ thử tất cả luôn, bắt đầu từ những món bắt mắt ạ! _ Cô đang săm soi mấy món ngọt xinh xắn của tầng đồ ăn thứ 2.

Làm ra một hộp đồ ăn xinh xắn, bắt mắt, đa dạng như thế này, người phụ nữ Nhật xứng đáng là mơ ước của mọi người đàn ông!