Khác với Việt Nam đón hai cái Tết, Nhật Bản chỉ có Tết Oshougatsu tính theo dương lịch. Kỳ nghỉ này người lao động nào cũng được nghỉ 3 ngày mới quay lại làm việc.
Ngày Tết chưa đến nhưng chỉ qua Noel vài ngày, đường phố đã ngập tràn không khí. Trước mỗi cửa hàng nào cũng treo vòng tròn Shimekazari được bện bằng rơm với ngụ ý xua đuổi tà ma, đón thần linh tới.
Ở trước cửa tiệm, cô cùng các đồng nghiệp cũng đã được phân công trang trí hai chậu Kadomatsu để hai bên cửa. Kadomatsu được làm bằng 3 ống tre tươi vát chéo với độ dài khác nhau cắm ở trung tâm cùng các cành thông quây quần xung quanh. Ngụ ý của Kadomatsu là cầu một năm mới thuận lợi, vạn sự như ý.
_ Các em làm Nengajo chưa? _ Chị Rin thu ngân hỏi nhóm Thực ta sinh đang túm tụm trang trí trước cửa tiệm.
_ Nengajo là gì hả chị? _ Carlena hỏi.
_ Biết ngay là chưa biết mà! _ Chị thở dài rồi đứng thẳng dậy, nói _ Nghe nè! Nengajo là thiệp chúc Tết thường được làm thủ công để viết những lời chúc tốt đẹp gửi tặng bạn bè, đồng nghiệp, người thân đó!
_ Em có chuẩn bị một ít rồi ạ! _ Cô nói. Là làm cùng chị Umeko hồi cuối tuần chứ đâu! Tất cả là do chị khai sáng.
_ Giỏi vậy ta! Lát nữa trang trí xong, mấy đứa vào trong cùng làm để gửi tặng khách hàng đầu năm mới nha. Sẵn học cách làm gửi tặng bạn bè luôn!
Thế là ngay hôm đó, một lớp học làm Nengajo được triển khai với sự hướng dẫn trực tiếp của chị Rin, cô làm trợ lý. Những tấm thiệp nhỏ xinh được vẽ trang trí núi Phú Sĩ, bánh Mochi, hoa anh đào, con khỉ, cổng đền,… lần lượt ra lò. Riêng phần đề chữ, mọi người dành phần cho anh Tanaka _ người nổi tiếng Văn hay chữ tốt!
* * *
Những ngày cuối cùng của năm, cô dành thời gian dọn dẹp căn phòng nhỏ của mình. Nói dọn dẹp cho có không khí chứ thật ra tuần nào cô cũng tổng vệ sinh nơi ở, giặt giũ chăn drag.
Ở Nhật không đón Tết âm lịch như Việt Nam nên cô cũng dành thời gian trang trí căn phòng với gam màu đỏ để đón Tết luôn. Giấy màu đỏ xếp thành những cái quạt tròn dán lên tường rồi đề chữ “Tết” thư pháp màu vàng nhũ. Cô viết thêm hai câu đối đỏ treo hai bên, phía dưới mỗi câu đối làm thêm 2 chùm pháo giấy xinh xinh. Thấy còn thiếu thiếu gì đó, cô dùng giấy màu vàng cắt thêm những bông hoa mai nhỏ điểm xuyết chung quanh nền đỏ.
_ Tuyệt vời!
Làm xong khâu trang trí, cô lùi về sau mấy bước ngắm nghía thành phẩm gật gù. Phủi tay mấy cái, cô đem mì Toshikoshi Soba mà tiệm thưởng cho mỗi nhân viên một phần lúc chiều, làm nóng lại để ăn tối.
Toshikoshi Soba hay còn gọi là mì trường thọ, được người Nhật ăn vào ngày cuối cùng của năm cũ. Sợi mì dài và dai nhưng dễ cắn đứt. Ngụ ý trong món ăn này là mong mọi sự xui xẻo trong năm cũ đều dễ dàng bị cắt đứt như sợi mì để nhường chỗ cho may mắn năm mới tới.
Vừa bê tô mì ra bàn ăn thì có tiếng chuông cửa. Ai tới giờ này vậy nhỉ?
_ Xin chào ạ! _ Cô nói vọng qua chuông cửa, ngó màn hình chiếu hình ảnh bên ngoài.
_ Là anh. _ Khuôn mặt anh đột ngột lấp đầy màn hình. Có lẽ anh quá cao, phải cúi xuống nhìn vào camera cô mới nhìn thấy mặt.
_ Anh nghỉ Tết rồi ạ? _ Cô nhanh chóng mở cửa, chào anh rồi ngó quanh.
_ Ừm. Anh nghỉ mấy ngày nay rồi. Giúp Umeko dọn dẹp nhà cửa. Em tìm gì vậy? _ Anh nhìn theo cô, hỏi.
_ Jasmine đâu anh? _ Không thấy ai, cô ngước nhìn anh khó hiểu.
_ Ở nhà rồi. _ Anh bước vào nhà, bỏ giày rồi ngó quanh.
_ Sao anh không chở Jasmine đi? _ Cô đi tới bếp rót cho anh ly nước để lên bàn ăn.
_ Jasmine ở nhà đợi rồi. Anh đến để rước em về nhà mà! _ Anh đi ra ban công rồi quay lại ngồi xuống sofa.
_ Chị không dặn em trước gì hết! _ Cô lấy thêm một bộ bát đũa sớt mì cho anh _ Anh ăn mì với em nha.
_ Còn phải dặn! Không lẽ em định ở nhà một mình 3 ngày Tết hả? _ Anh đứng dậy đi tới bàn ăn, kéo ghế _ Mì trường thọ?
_ Ngày mùng một anh chị đi chúc Tết chứ, em không tới chơi được nên sẽ ở nhà. Mùng 2 em tới nhà anh chị, mùng 3 em chúc Tết nhà cán bộ. Vậy là hết 3 ngày nghỉ rồi! _ Cô vừa nói vừa gắp mì _ Mì của tiệm cho nhân viên cuối năm ấy ạ!
_ Mùng một đúng là phải đi chúc Tết, em đi cùng là được. Xe đủ chỗ mà! _ Anh bưng ly nước uống một ngụm _ Không chừa bụng lát về nhà ăn? Umeko nấu nhiều lắm!
_ Em đi theo được không đó? Em sợ… _ Cô đẩy bát mì về phía anh _ Em mới hâm nóng rồi, không được lãng phí. Anh phải ăn giúp em một phần, lát nữa em mới ăn nổi mì chị nấu chứ!
_ Không ai dám làm gì em nữa đâu! Dịp tốt để tìm hiểu văn hóa Nhật Bản, em nỡ bỏ lỡ hả? _ Anh cầm đũa bắt đầu ăn, hai đũa là tiêu diệt hết tô mì. _ Em ăn như mèo vậy! Hèn gì bé như hạt tiêu!
_ Em tất nhiên không muốn bỏ lỡ, nhưng cũng không muốn phiền hà ai hết đâu! _ Cô phụng phịu gắp một sợi mì _ Khủng long thì nhìn đâu cũng thấy hạt tiêu là phải rồi! Không phải tại hạt tiêu nhỏ mà tại khủng long to!
Anh trợn mắt rồi bật cười ha hả, đưa tay kéo má cô:
_ Em thật lý sự!
Nhanh chóng ăn hết phần của mình, cô dọn dẹp gọn gàng mọi thứ rồi chuẩn bị đồ lề đi chơi Tết.
_ Em làm đó hả? _ Anh chỉ tay lên chỗ hoa và câu đối cô vừa làm ban nãy.
_ Dạ. Cho có không khí! _ Cô loay hoay cho đồ vào balo vừa đáp.
_ Tết ở Việt Nam có gì vậy em?
_ Tết này ở Việt Nam gọi là Tết Dương lịch, thường chỉ được nghỉ 1 ngày thôi nên chẳng làm gì nhiều. Tết Âm lịch mới là chính thức, được nghỉ nhiều hơn, khoảng 5 _ 7 ngày tùy ngành nghề. Mọi người cũng sẽ dọn dẹp nhà cửa, trang trí bông hoa sặc sỡ trước nhà và trên bàn thờ gia tiên. Ngày cuối cùng của năm, cả nhà sẽ quây quần gói bánh, vừa nấu bánh vừa chờ đến Giao thừa. Mùng một có người sẽ đi chùa, có người về nhà ông bà chúc Tết. Mùng Hai chúc Tết nhà họ hàng, bạn bè. Mùng Ba chúc Tết thầy cô. Sơ lược thì là như vậy đó!
_ Wow… Nghe thật ấm cúng!
_ Dạ. Tết là dịp sum vầy mà anh!
Anh thôi ngắm nghía chỗ hoa giấy đỏ đỏ vàng vàng của cô, xoay sang nhìn cô bận rộn.
_ Em về quê đón Tết không?
Cô ngừng động tác một chút, nhìn anh rồi cười bất đắc dĩ.
_ Xa quá anh ạ! Em chịu!
Anh gật đầu cười hiền khô, xoa đầu cô an ủi:
_ Thôi! Anh cho em ăn chực!
Cái vẻ mặt chân thành này với cái câu nói gợi đòn này, sao mà nó chẳng liên quan chút nào nhỉ?
_ Vângggg… Em sẽ cố gắng ăn sạch đồ dự trữ của nhà anh!
Ngày cuối năm đầu tiên trên đất Nhật, tại căn phòng nhỏ của cô, tràn ngập tiếng cười như thế đó!
/End chap 34/