Tôi chợt tỉnh.
Tôi lại thấy tôi gặp ảo giác rồi.
Tôi mơ hồ hỏi lại:
– Anh dọn qua chỗ em?
Kỷ Thanh Nghiễn đáp:
– Đúng vậy.
Tôi không nghe lầm.
Tôi ngây người siết chặt điện thoại trên tay, chưa biết nên nói gì tiếp theo. Rồi tôi ngập ngừng:
– Em… ở một mình?
Dẫu lòng tôi mừng như điên, nhưng đầu tôi lại tỉnh rụi.
Nếu em ấy… đang ở chung với người yêu, tôi tin tôi vẫn giữa được chút kiêu ngạo này – tôi sẽ không quấy rầy em.
Hình như em đoán được ý đồ của tôi, em cười:
– Phi Phi không hợp nhà tôi lắm, em vẫn ở nhà của em ấy.
Ngay lúc đó, đáy lòng tôi mừng rỡ một cách hổ thẹn, nếu phải tả cõi lòng mừng rỡ ấy – tôi sẽ dùng hình ảnh đóa hoa mọc ra giữa vách núi hiểm.
Chỉ an phận làm một bạn cùng nhà mà thôi. Nói một cách tốt hơn thì, tôi chỉ có thể tiếp tục làm một người bạn bình thường trong đời em thôi.
Lúc này tôi còn sân si chuyện yêu đương chi nữa. Chuyện em khỏe mạnh quan trọng hơn hết thảy, đúng không nào?
Nếu em mau khỏi bênh, mọi cái giá cần trả đều đáng cả. Tôi chỉ cần tiếp pheromone trấn an của mình cho em những lúc pheromone em hỗn loạn thôi.
Có gì khó đâu.
… chỉ thế thôi.
Tôi cũng không cần phải nghĩ nhiều về chuyện mình nên ở đâu nữa. Sau khi tôi tự tẩy não chính mình, tôi thu dọn đồ đạc rồi chuyển đến căn hộ của em.
Chỗ em cách công ty tôi cũng chẳng xa mấy, cỡ nửa giờ ngồi xe.
Em còn kể rằng phòng này vốn là phòng vẽ tranh của em, nay em dời hết đồ đạc qua thư phòng rồi, nên tôi có thể ở phòng này.
Tôi chợt hỏi:
– Lúc em tìm bạn ở ghép… sao lại nghĩ đến anh?
Tôi hỏi xong mới thấy mình ngốc thật, cứ như thể tôi hèn hạ mong chờ em ấy nhiệt tình với tôi một chút thôi vậy.
Em hơi ngạc nhiên, rồi đáp:
– Tôi kể mẹ tôi nghe về chuyện của anh, mẹ tôi gợi ý rằng tôi có thể mời anh đến ở chung…
Tôi cứng đờ, giống như bị ai ném vào hầm băng vậy.
Em phát hiện biểu cảm mất tự nhiên của tôi, vội giải thích thêm:
– Cũng không hẳn là nhờ mẹ tôi. Tuy tôi quên nhiều chuyện, nhưng tôi vẫn thấy tôi rất thân với anh, thế là tôi rủ anh thôi.
Mặc dù mấy câu sau nghe như lời an ủi miễn cưỡng, nhưng chúng khiến lòng tôi ấm lên thật.
Như vậy cũng tốt.
Mẹ em xuất thân từ thương trường, em vẫn tự do làm họa sĩ… sản nghiệp nhà họ Kỷ cũng lớn, đủ để lo cho em một đời quên đi cơm áo gạo tiền.
Tôi và mẹ em khác nhau một trời một vực, ghét nhau vô cùng, nhưng lại có chung một mong muốn.
Rằng em khỏe mạnh là tốt rồi.
Gần đây, chứng pheromone hỗn loạn của em dịu hẳn, không giống dạo trước – thường phát bệnh, run từng cơn, hưng cảm – trầm cảm xen kẽ, số lần phát bệnh nay đếm được trên đầu ngón tay.
Trong những lần phát bệnh đột xuất ấy, tôi chỉ cần tiếp em một lượng pheromone trấn an vừa đủ là em sẽ dịu dần. Sang hôm sau, em vẫn sẽ là một người khỏe mạnh bình thường, tung bay chạy nhảy khắp nơi.
… tôi cũng không còn phải kề kề bên em, trấn an em, ôm em mỗi khi em khổ sở bởi các triệu chứng kia như ngày xưa nữa.
Theo thời gian dần trôi, chúng tôi lại thân thiết thêm lần nữa, thậm chí có lúc chúng tôi còn xài chung thư phòng của em, em vẽ tranh sơn dầu, tôi vẽ kỹ thuật.
Em vẽ tranh chân dung trên khổ giấy lớn, mới phác thảo sương sương, tôi đoán em vẽ Phi Phi.
Lần đầu tôi nhìn bức tranh ấy, tôi ngây người một lúc lận.
Lúc em vào thư phòng, thấy tôi ngây người, em cười dịu dàng, giải thích:
– Tôi vẽ chân dung Phi Phi đó. Sắp đến sinh nhật em ấy rồi, tôi muốn tạo bất ngờ lớn cho em ấy.
Tôi hết ngây người, ngoảnh mặt, tránh nhìn em, giọng chua xa:
– Được đó…
Em cũng quen với một người không cảm xúc như tôi, vui vẻ hỏi:
– Anh muốn uống sữa bò không? Cũng khuya rồi, tôi mới đun lại, đủ uống trước khi ngủ này.
Tôi khựng một chút, rồi cười đáp em:
– Cảm ơn em, nhưng mà anh không cần lắm.
Mỗi lần tôi lưu luyến em của quá khứ, em của hiện tại vô tình có những hành động thân quen như xưa.
Chẳng hạn như uống một ly sữa bò nóng trước khi đi ngủ.
Điều này khiến tôi ảo tưởng một chút, rằng tôi thật sự quay về quá khứ.
Quá nhiều “điều này” từ một Thanh Nghiễn tôi không còn thân quen nữa, một Thanh Nghiễn vừa khờ khạo vừa tàn nhẫn, khiến mọi hy vọng nhỏ bé trong tim tôi vỡ vụn.
Kỷ Thanh Nghiễn tôi thân quen – chưa bao giờ vẽ chân dung. Em thích vẽ tranh trừu tượng, màu vẽ chen nhau tầng tầng lớp lớp, vừa bão hòa lại tương phản, giống những cảnh mặt trời mọc, tầng mây trôi động lòng người vậy.
Lúc chúng tôi còn bên nhau, chỉ có một lần em vẽ chân dung tôi.
Lúc đấy tôi rất vui. Lòng nghĩ một đằng, miệng trêu một nẻo:
– Chắc em không dùng màu đỏ rực lửa để vẽ anh chứ?
Em phủ nhận:
– Sao thế được.
Cuối cùng, em dùng màu xanh dương.
Mặc dù là tranh vẽ, nhưng hình ảnh mặt tôi chìm trong tone màu biển trầm đến thế, trông u ám quỷ dị.
Em lại hài lòng, tự hào khoe tôi:
– Em cảm thấy này mới giống anh Quan, biển xanh tĩnh lặng.
Em còn nhắc tôi giữ tranh cẩn thận, em còn nói về mảng vẽ người thì em chỉ vẽ mỗi tôi, tôi là mẫu vẽ hình người duy nhất của em, tôi phải trân trọng tấm lòng này của em đấy.
Tôi bất đắc dĩ lắc đầu, nhưng lại nâng niu bức tranh ấy. Thoắt cái đã nhiều năm.
Trước khi chuyện chúng tôi bị mẹ em phát hiện, em có ý tưởng rằng em muốn thêm màu cho bức chân dung của tôi.
– Đôi lúc em thấy anh Quan như ánh mặt trời vậy. – Em giải thích – Nên em muốn điểm chút màu ấm cho anh.
Tôi đồng ý, còn hẹn vài ngày sau sẽ gửi tranh cho em thêm màu, sau đó… không có cơ hội thấy thêm nữa.
Bức chân dung tone xanh dương nọ nằm dưới đáy vali của tôi. Đến tận bây giờ tôi chẳng có đủ can đảm lôi nó ra cho em xem.
Thỉnh thoảng tôi vẫn lén ngắm nó một lần, ngắm mặt tôi chìm dưới đáy đại dương, thật giống tâm trạng tôi biết bao.
Ẩm ướt, tối tăm, lạnh nhạt.