Chương 21: Cây Lúa
Trên tay Mai An Tiêm là một loại cây trông giống cỏ có màu vàng, trên đầu lưa thưa vài hạt. Nguyễn Long vui mừng nhận lấy, tách một hạt ra xem thử, là gạo. Dù hạt gạo không to lại sần sùi nhưng hoàn toàn ăn được. Mân mê hạt gạo trong tay hồi lâu, hắn mới hỏi Mai An Tiêm:
"Thứ này tìm được ở đâu?".
"Phía nam của Hồng Hà, trong rừng Tiên La". Rừng Tiên La là khu rừng lúc trước họ vào để tìm hồ nước đánh cá.
"Mau cho người đến đó cắt chúng về, chúng đã đến thời gian thu hoạch, không cần nhổ cả gốc, cắt ngang là được", Nguyễn Long phân phó.
Thứ này đích thực là lúa. Tuy chỉ là lúa hoang nhưng hiện tại lại cực kỳ quan trọng. Nguyễn Long đã cho Mai An Tiêm tìm kiếm từ lâu, sự ưu tiên trên cả sắt và dưa hấu.
Hắn dự định sẽ gieo trồng ở khắp vùng Hồng Hà. Chúng không cần chăm sóc, sức sống lại rất mạnh mẽ. Chỉ có điều thời gian thu hoạch rất chậm, khoảng 5 đến 6 tháng, ngoài ra sản lượng cũng thấp, một cây chỉ có 3 đến 5 hạt. Nguyễn Long không quan tâm đến điều này lắm, sản lượng ít thì hắn trồng thật nhiều. Khi nào tìm được giống mới hắn sẽ thử lai tạo để tăng nâng suất sau.
Đến chiều, đoàn người đi cắt lúa cũng về. Thấy bọn họ gánh trên vai những hạt lúa vàng ươm, mọi người liền ùa ra xem. Đây là thứ cây mà thủ lĩnh nói rất quan trọng, sau này sẽ thay thế thịt cá trở thành món ăn chính của bọn họ. Dù chưa biết ra sao nhưng mỗi người lại cảm thấy phấn khởi hẳn lên.
Nguyễn Long bắt đầu phân công người đập lấy hạt ra đem phơi, nhóm người cắt lúa chỉ khoảng 20 người nên số lúa cắt được cũng không quá lớn. Chỉ một giờ sau, với sự hợp sức của cả Hồng thôn, hạt lúa cũng đã tách ra hẳn hoi, được hơn hai thúng đầy. Thấy ánh mắt háo hức của nhóm người, Nguyễn Long đành lấy một nửa ra cho họ đập lấy gạo, một nửa đem phơi để dành làm giống. Số lúa hoang chưa cắt còn rất nhiều nên hắn cũng không lo lắng việc thiếu giống gieo trồng. Trước mắt cứ cho họ nếm thử để họ gắng sức mà trồng.
Chiều hôm đó, mọi người vây quanh một đống than hồng khá lớn, trải rộng trên mặt sân. Đó là nơi Nguyễn Long dùng để nấu cơm. Dĩ nhiên hắn không nấu bằng nồi, trong Hồng Thôn cũng có một số nồi đất được chế tác dành cho việc luộc măng nhưng với số lượng gạo lớn thế này thì chúng không đủ dùng.
Chỉ thấy sau một thời gian, Nguyễn Long cho người dội nước dập tắt lửa. Đợi cho hết nóng họ bắt đầu đào lớp đất phía trên. Bên dưới là một lớp lá khá dầy đã vàng úa. Cẩn thận gỡ từng miếng lá, liền lộ ra những thứ trăng trắng bốc lên mùi thơm nhẹ nhàng. Đó chính là cơm.
Mọi người ào lên hoan hô, Nguyễn Long cũng mỉm cười. Đây là cách nấu cơm dưới đất của những người đi rừng Nam Bộ trước kia. Người dân Nam Bộ thường gắn liền với hình ảnh áo bà ba với chiếc khăn rằn. Nhưng ít ai biết được chiếc khăn đội đầu ấy lại là một nồi cơm di động.
Mỗi khi vào rừng, họ sẽ đem theo một ít gạo. Chọn một nơi đất khô ráo đào một cái hố nhỏ, trong hố lót lá cây, sau đó đổ nước vào. Gạo đã vo được họ cho vào khăn cột lại và bỏ xuống hố lấy lá phủ lên rồi lấp đất. Bên trên đốt một đống lửa, hơi nóng sẽ toả xuống làm nước sôi và gạo chính. Đến khi ăn, họ chỉ việc nhấc toàn bộ cái khăn chứa đầy cơm lên là được.
Hiện tại Nguyễn Long lượt bỏ phần khăn, để trực tiếp mà nấu. Tuy trong cơm cũng hơi dính ít đất và mùi lá cây nhưng cũng không ảnh hưởng lắm, sau này hắn sẽ làm nhiều nồi để nấu.
Mọi người đều được phân phát một phần cơm được để lên lá cây. Trong khi chờ đợi cơm chính, hắn cũng đã nướng cá thịt phía trên.
Lần đầu được ăn cơm với thịt nướng, mùi vị thật khác biệt. Hạt cơm tuy hơi khô nhưng rất ngọt. Ngọt bởi niềm tin vào thủ lĩnh, ngọt bởi công lao của những người tìm được, ngọt bởi từ nay chúng sẽ gắn bó với cuộc sống của họ. Nhìn mọi người ăn cách ngon lành, Nguyễn Long cảm thấy ấm áp, đây là nhà của hắn, những người này là con dân của hắn. Từ nay họ sẽ không còn chịu đói chịu khổ nữa. Hắn sẽ dẫn đưa họ đến cuộc sống ấp no hạnh phúc. Bất giác hắn nhìn về phía Ngọc Long, nàng cũng đang nhìn hắn mỉm cười, hàm răng giờ đây đã không còn đen nhánh mà bắt đầu chuyển qua màu trắng ngà. Trong mắt nàng là niềm hạnh phúc và ôn nhu.
Nguyễn Long đứng dậy tiến về phía nàng, trước ánh mắt bao người nhẹ nhàng ôm vào lòng. Mọi người sửng sốt trong giây lát rồi ào lên hoan hô. Mai Ngọc Long thẹn đỏ mặt rút sâu vào ngực hắn, cảm nhận nhịp đập cùng hơi nóng toả ra, nàng như quên hết mọi thứ xung quanh.
...
Những ngày tiếp theo, Nguyễn Long một mặt cho người tiếp tục cắt lúa, mặt khác bắt đầu phát hoang, đắp bờ chuẩn bị mùa vụ đầu tiên. Lúc này nhà ở của Hồng Thôn cũng đã hoàn thành, chúng có kích thước thật khiêm tốn, dài mười hai thước, rộng
ba thước rưỡi, chủ yếu là dùng để ngủ. Do hiện tại đang cần gấp nên Nguyễn Long cũng không cất lớn, vả lại hắn cũng chưa có ý định để bọn họ ăn riêng, cứ tập họp trong sân mà cùng ăn uống. Khi nào có điều kiện hơn sẽ mở rộng sau. Xung quanh căn nhà ngược lại rất rộng rãi, khoảng cách giữa hai căn có đến bốn, năm mươi thước sẽ dùng để trồng trọt và chăn nuôi. Trước mắt hắn sẽ quy định loại cây và giống vật nuôi cho mỗi gia đình, sau này sẽ cho họ tự do chọn lựa.
Nhà của Nguyễn Long nằm ở khu vực phía ngoài cùng của khu dân cư. Ban đầu Mai An Tiêm và mọi người muốn hắn ở trung tâm nhưng hắn nhất quyết không chịu. Hắn cần sự yên tĩnh để biên soạn một số kiến thức để dạy mọi người. Ban ngày không có thời gian, hắn chỉ có thể làm việc ban đêm. Hắn dùng da thú viết ra một bộ ráp vần tiếng Việt hoàn chỉnh, dự định tiếp theo sẽ viết toán cơ bản, bây giờ không cần sử dụng nhưng thứ hắn ngắm đến không phải hiện tại mà là tương lai. Hắn muốn mọi người trong thôn đều phải học tập để có kiến thức, hắn luôn tin tưởng vào sức mạnh tri thức, bằng chứng rõ ràng nơi chính bản thân hắn. Tri thức mà hắn dạy không nhất định phải nằm trên sách vở, nhưng sách vở luôn chiếm một vị trí rất quan trọng không thể thiếu. Lúc này hầu hết người trong thôn đã viết và đọc được các chữ cái và con số. Lượng da không nhiều nên hắn đành cho họ tập viết dưới đất. Rãnh rỗi hắn cũng chẻ tre để dành, dự định sẽ kết lại để dùng thay cho da. Dĩ nhiên hắn không viết theo hàng dọc như trong các bộ phim Tàu mà viết theo hàng ngang từ trái sang phải. Mực viết hắn dùng những thứ trái cây có màu sẫm ép ra, sau đó luộc chín rồi cô đặc lại, thêm ít dấm, thứ làm ra trong quá trình ủ rượu giấu, giữ cho đừng phai màu, bỏ vào ống tre dán kỹ để sử dụng dần. Hắn cũng dùng bồ hóng và mỡ để làm mực nhưng chưa thành công, để sau này từ từ nghiên cứu. Về phần bút viết, dĩ nhiên đơn giản nhất là bút lông chim, thứ này tộc Hồng Việt có rất nhiều, hắn cũng không hiểu làm sao bọn họ lại có chúng, từ khi đến đây cho tới giờ hắn chưa từng thấy họ bắt chim lần nào.
Cứ thế, lịch làm việc của Nguyễn Long vẫn chạy đều đều. Sáng sớm dạy võ luyện công rồi bắt đầu lao vào công việc kiến thiết Hồng thôn, rãnh rỗi thì đi hẹn hò cùng Ngọc Long. Đến tối bắt đầu viết sách, thực hiện không linh sau đó nghiên cứu Lạc Đồ, thứ này hắn suy đoán ngoài là bản đồ sẽ còn có công dụng khác, đặc biệt là các hoa văn trên Trống Đồng như ẩn chứa một đạo lý thâm sâu nào đó.
Một tháng sau, Mai Thúc Loan cũng đã chuẩn bị lên đường, Hồng Thôn tiếp đón đoàn khách mà Nguyễn Long chờ đợi đã lâu, đoàn người Lâm Việt.