Vết Xước Của Tuổi Trẻ

Chương 3: Cơn mưa cuối hạ




Xuân đang cắm cúi tô vẽ bầu trời xanh trên trang giấy. Chỉ có những giây phút hiếm hoi được sống với ước mơ này mới khiến cho Xuân cảm thấy hạnh phúc. Từ cuối năm học lớp sáu, Xuân đã phát hiện ra thiên phú của bản thân sau một cuộc thi vẽ của trường trung học cơ sở.

Năm ấy, tranh của Xuân vẽ bất ngờ nhận được giải ấn tượng. Lần đầu cô cảm thấy niềm vui thật sự từ tận sâu trái tim, kể từ đó đến nay cũng hơn năm năm, Xuân vẫn duy trì sở thích này và coi nó như nguồn sống.

"Con đang làm cái gì vậy?"

Xuân vẫn đang tập trung hoàn thiện bức tranh nên không chú ý đến bà Hạnh đã xuất hiện sau lưng từ khi nào. Xuân giật bắn mình, cây cọ rơi xuống đất.

Thấy Xuân ngồi thừ người trên ghế không nhúc nhích cũng không trả lời, bà Hạnh tức giận khôn nguôi, ánh mắt bà đỏ ngầu long sòng sọc trông rất dữ dằn, những lời lẽ mắng nhiếc nghiêm khắc vang lên.

"Lại vẽ tranh nữa à, mẹ và bố con đã nói gì con không nhớ đúng không?"

"Bố mẹ cho con ăn học không phải để con vẽ vời những thứ vô nghĩa này, con có não không thế hả?"

"Mau đem vứt hết cho mẹ."

Bà Hạnh vừa nói vừa giật lấy bức tranh đang vẽ dở dang trên giá vứt xuống sàn nhà một cách mạnh bạo. Xuân không kịp đề phòng, cô vừa với tay đón lấy bức tranh nhưng đã muộn mất rồi, bầu trời trong tranh bị rách toạc.

Lòng Xuân tê tái như mất đi cảm xúc, nơi ngực trái như bị ai đấm một cái thật mạnh điếng người. Xuân vội vàng cúi người nhặt bức tranh liền bị bà Hạnh kéo lại một cách cộc cằn, thô bạo.

"Mẹ cho con nhặt cái thứ rác rưởi này lên chưa?"

"Nhưng đây là tranh con vẽ mà, tại sao mẹ lại vứt tranh của con?"

Bà Hạnh ngỡ ngàng khi thấy con gái chất vất mình. Từ lúc Xuân có kí ức đến bây giờ, đây là lần đầu tiên bà thấy cô con gái ngoan ngoãn hiểu chuyện của mình cãi lời.

"Bây giờ việc mẹ làm cái gì cũng phải được cho phép nữa cơ đấy, con học ở đâu cái thói ăn nói xấc xược với mẹ thế hả, con cái lớn rồi mẹ không được dạy đúng không?"

Bà Hạnh nhéo mạnh vào cánh tay cô gái. Xuân đau nhói nhưng cô không khóc, chỉ biết cúi đầu, lặng người chịu những cơn đau nơi cánh tay. Nỗi đau này làm sao có thể sánh bằng vết thương đang rỉ máu nơi trái tim tê dại của cô gái.

"Lần sau còn ăn nói vô phép vô tắc với mẹ nữa thì đừng trách mẹ nói với bố con chuyện hôm nay."

Sau khi xả được cơn tức trong lòng, bà Hạnh cầm theo dụng cụ vẽ của cô ra khỏi phòng, cánh cửa phòng ầm một tiếng vang vọng trong không khí, Xuân biết chắc bà Hạnh rất giận dữ.

Nhìn thấy bức tranh bị vứt bỏ ở một góc nhà, sắc xanh trên bức tranh bị nhòe đi, loang lổ một cách đáng thương. Xuân rầu rĩ ngồi xuống nhặt bức tranh.

Buồn bã, cô độc, mất mát, tủi thân, thất vọng... bao nhiêu cảm xúc đan xen với nhau, giằng xé lấy trái tim nhỏ bé của cô gái. Xuân run rẩy cầm lấy bức tranh ôm vào lòng như sưởi ấm cho chính mình.

"Xin lỗi mày!"

Câu xin lỗi vang lên một cách đầy gượng gạo. Xuân không rõ cô đang xin lỗi cái gì nữa. Xuân là một cô gái lớn lên trong gia đình khuôn phép, có bố mẹ nghiêm khắc, chỉ biết sống như một bông hoa trong lồng kín, hưởng thụ sự săn sóc đặc biệt nhưng mất đi sự tự do, tươi tắn vốn có.

Tất cả bạn bè đều nghĩ Xuân hạnh phúc vì có đầy đủ bố mẹ. Ngay cả bản thân Xuân cũng trở thành đối tượng được nhiều người ngưỡng mộ vì thành tích học tập, gương mặt ngọt ngào đáng yêu nhưng tính cách lại nền nã nhẹ nhàng.

Thật ra đó chỉ là vỏ bọc hoàn hảo mà Xuân xây dựng cho bản thân theo ý muốn bố mẹ. Ông Trí, bà Hạnh là những người rất chú trọng hình thức.

Lúc còn bé, Xuân chỉ mới vừa tròn bảy tuổi đã răm rắp nghe theo mẹ, đôi mắt to tròn long lanh trông thật ngây ngô đáng yêu chỉ chứa đựng bố mẹ. Chỉ khi Xuân ngoan ngoãn nghe lời mới được mẹ ôm vào lòng vuốt ve, cô còn được bố dắt đi chơi công viên. Nhưng Xuân của năm bảy tuổi khờ khạo không hề biết, bố mẹ chỉ xem cô như tấm gương phản chiếu hình tượng của chính họ.

...

Từ sau khi đánh Xuân, bà Hạnh luôn giữ thái độ lạnh lùng, xa cách trong từng bữa cơm. Đã mấy ngày trôi qua, mẹ của Xuân vẫn không hề nói một lời nào với cô.

Sau khi kết thúc lớp học thêm môn toán, Xuân rầu rĩ bước từng bước trên con hẻm nhỏ đi về nhà. Buổi chiều ngày hè vẫn tháng bảy, những tia nắng nhàn nhạt ở phía chân trời vẫn len lỏi đâu đây. Bước chân của cô gái chậm rãi dần rồi dừng hẳn dưới lại, trước mặt cô là hồ Gươm, một biểu tượng văn hóa truyền thống chỉ có duy nhất ở Hà Nội.

Xuân nhìn mặt hồ êm ả, sóng nước lăn tăn trông vui mắt làm sao. Xuân ước gì mình có thể trở thành những con sóng, mặc dù tuổi đời ngắn ngủi nhưng nó được sống trọn vẹn một lần. Xuân cũng thế, cô gái cũng khao khát được sống cuộc đời tự do.

Cơn mưa phùn bất chợt kéo đến. Cô gái nhỏ đưa đôi bàn tay ra đợi chờ những giọt nước long lanh rơi xuống. Xuân thích nắng nhưng cô lại càng thích mưa hơn, Xuân lại nhớ đến một khoảng thời gian nào đó khi bố mẹ chưa cấm đoán gay gắt việc cô vẽ tranh, cứ vào những ngày mưa thế này, Xuân lại hí hửng lôi dụng cụ ra miêu tả những giọt mưa qua trang giấy trắng.

Đang hồi niệm ký ức, Xuân bỗng thấy vai như bị ai đó đẩy một cái, cô gái mất đà nên ngã dúi xuống đất, cơn mưa cuối hạ lại bắt đầu nặng hạt, mái tóc dài của cô gái bị nước mưa làm ướt một mảng. .

||||| Truyện đề cử: Dù Cho Anh Có Thâm Tình |||||

"Này mắt mũi để đâu thế?"

Từ trong không khí lành lạnh, Xuân nghe được giọng nói trầm ấm quen thuộc với giọng điệu thờ ơ, bất cần. Cô gái ngước mắt, bắt gặp một gương mặt trông khá quen mắt.

Cũng đã rất lâu rồi, cô không hề gặp người này, nếu không phải bây giờ vô tình chạm mặt nhau trong tình huống oái ăm này thì có khi Xuân quên béng mất người con trai sỗ sàng tên Việt cũng những lần gặp gỡ hết sức ngớ ngẩn của hai người.

"Eo ôi, lại là cô à, đi đứng kiểu gì thế, còn ngồi ở đấy làm gì, đứng lên đi."

Việt nhìn dáng vẻ buồn bã của Xuân mà không biết nên làm gì, hôm nay anh ra quán internet, chơi một mạch từ một giờ chiều tới tận bây giờ, mỏi cả mắt nên chàng trai quyết định ra về, ai ngờ vừa bước chân trời liền đổ mưa như trút nước.

Việt chạy vội trên đường, vừa chạy vừa dùng áo khoác che mưa nên khuất tầm mắt mới vô tình đụng vào một người, ai ngờ lại là cô gái quái gở kia. Cô gái lần đầu ngang nhiên đá vào chỗ hiểm của anh, cũng là cô gái to gan lớn mật dám cãi tay đôi với anh.

Thấy Xuân không trả lời, Việt lấy làm lại, bị đẩy ngã chổng vó mà cô cũng không thèm nói một câu, chỉ đờ đẫn nhìn anh. Việt hơi hoảng sợ, anh thầm nghĩ, có phải do anh đẩy mạnh quá nên cô đau đến không nói nên lời rồi hay không.

Việt tặc lưỡi, anh hơi lưỡng lự giữa hai phương án, một là nên mau chóng về nhà, còn lại là đỡ cô gái lên trước. Sau một hồi suy tư, Việt quyết định chọn vế sau, anh cúi người, dịu giọng nhìn Xuân dò hỏi.

"Sao thế, tôi đẩy cô ngã đau quá nên khóc rồi à, có cần tôi đỡ lên không?"

Đây là lần đầu tiên có người quan tâm đến cảm xúc của Xuân, dù chỉ là một câu hỏi thăm khách sáo nhưng lại làm Xuân tủi thân thế này, cô tự hỏi, sao hai người thân nhất đời cô lại chưa bao giờ quan tâm đến cảm xúc cô dù chỉ một lần nhỏ nhoi như thế.

Xuân bỗng thấy buồn bã khôn nguôi, bao nhiêu nghẹn ngào bởi vì câu hỏi của Việt mà như chực trào. Đôi mắt Xuân đỏ hoe, nước mắt nóng hổi hòa cùng những giọt nước mưa rơi xuống mu bàn tay của Việt như những viên pha lê trong suốt thuần khiết.

"Ơ này, sao lại khóc rồi, nín đi xem nào?"

"Tưởng thế nào, cô mít ướt quá cơ, cô ghê gớm lắm mà!"

"Đứng lên trước đi, ngồi ở đấy bị cảm lạnh bây giờ."

Việt lẩm bẩm trong miệng đôi ba câu quở trách nhưng anh vẫn nắm cổ áo phía sau gáy của Xuân, kéo cô gái đứng dậy khỏi mặt đất một cách thô bạo. Xuân đưa tay phải lau vội những vệt nước trên khóe mắt, tay trái lại bận bịu phủi bụi bẩn bám trên trên quần áo, chưa kịp hoàn hồn thì cổ tay lại bị nắm chặt. Việt kéo Xuân chạy trong màn mưa phùng.

Ngày còn bé, Xuân nhìn thấy bạn bè xung quanh được tắm mưa mà cô thấy thích thú làm sao. Nhưng Xuân chỉ biết đứng trước hiên nhà nhìn những người bạn nô đùa với nhau dưới cơn mưa chứ chưa bao giờ dám bước ra ngoài bởi vì mẹ không cho phép.

Giờ đây đang tay trong tay với một chàng trai trong cơn mưa, trong lòng Xuân len lỏi đâu đó những niềm vui nho nhỏ. Xuân nghĩ, có thể được tắm mưa một lần, dù là cách thức hơi khác xa với trí nhớ nhưng cũng đủ làm cô gái hân hoan rồi.

Trong số những lần chạm trán đầy ngớ ngẩn của hai người, đây có lẽ là lần bình thường nhất, không cự cãi, cũng không đá đấm. Trong khoảnh khắc này, chỉ có hai đứa trẻ chưa kịp trưởng thành đang chạy đua với con mưa.

Hai người chạy vội đến dưới một tán cây to. Việt nhìn ra màn mưa ngoài trời, anh đang sốt sắng không biết có kịp trở về đúng lúc bữa cơm tối hay không.

"Anh bỏ tay tôi ra đi, đau chết tôi rồi."

Câu nói của Xuân khiến Việt hơi hoảng hốt trong tích tắc, anh gượng gạo buông cổ tay cô gái. Xuân xoay cổ tay của mình, nơi bị Việt cầm vừa ê ẩm vừa đỏ hỏn một mảng. Xuân nhăn mày tỏ vẻ khó chịu.

"Này thái độ gì đấy, tôi thấy cô ngồi lì ở đấy mới kéo cô chạy, không cảm ơn thì thôi, đằng này còn làm ra bộ mắt đấy."

Việt bực bội quay sang tặng cho Xuân một cái lườm nguýt sắc lạnh. Đây là lần đầu tiên anh tỏ ra tử tế với một cô gái đấy, nếu em trai cứ lải nhải bên tai rất nhiều điểm tốt của cô gái này thì anh đã chẳng mảy may quan tâm cô.

"Tôi biết rồi, cảm ơn anh ạ!"

Xuân gật đầu, nói một câu cảm ơn theo phép lịch sự. Việt nghe xong câu cảm ơn đầy xa lạ với đầy đủ chủ ngữ vị ngữ thì thoáng giật mình, sau đó lại bật cười thành tiếng, tiếng cười của anh trầm ấm xoa dịu cảm giác lạnh lẽo của cơn mưa.

"Cô ăn trúng thứ gì à, sao lại ăn nói lễ phép thế, bình thường mồm mép lắm mà."

"Tôi lúc nào chả lễ phép."

Xuân quay sang nhìn Việt, sau đó cô bĩu môi trả lời. Nhìn thấy những giọt mưa rơi tí tách từ trên tán cây, Xuân đưa tay ra đón lấy. Việt thấy hành động ngốc nghếch của cô gái thì nhếch môi. Nghe thấy câu trả lời của Xuân, Việt không phản bác vội, anh ôm cánh tay, hơi nghiêng đầu suy tư trong chốc lát rồi nói.

"Phải không thế? Tôi thấy cô giả vờ thì đúng hơn, mỗi lần gặp tôi cô cứ như một con ngựa non háu đá ấy, không có chút dáng vẻ ngoan ngoãn nào cả."

Xuân lần đầu nghiêm túc chăm chú lắng nghe câu nói của Việt, cô nhíu chặt đôi mày mềm mại như đang tự nghiền ngẫm, Xuân không trả lời, chỉ lặng lẽ yên tĩnh đứng đó đón những giọt mưa long lanh đang đậu trên đôi tay nhỏ bé.

Có lẽ là vậy...