Chương 63: “Thiên hạ thái bình”
Nhờ sự giúp sức của Yết Kiêu, tức Phạm Hữu Thế, Chương thúc ngựa phi nước đại về gần đến Long Ngô Động tạm dừng hội ý chưa được bao lâu đã thấy thấp thoáng hơn chục thuyền nối đuôi nhau chèo dọc bờ sông, mỗi thuyền cách nhau chừng nửa dặm. Đây là những thuyền mượn được của hào phú họ Nguyễn. Mỗi thuyền bốn người ra sức chèo chở theo tám người khác. Yết Kiêu lên bờ sau khi nắm được tình hình thì để lại mỗi thuyền tám người, số còn lại thành nhóm bốn người tìm kỹ từng bờ cây ngọn cỏ ven sông hòng tìm thuyền của đối phương giấu ở đâu.
Hai nhà sư vẫn khất thực trong Long Ngô Động, họ giảng giải Phật pháp và có ý định nán lại làng dăm ba hôm giảng kinh phật theo… đề nghị của dân làng. Phải nói rằng Chương và Thiên Đức quân đã lấy lòng được toàn bộ dân hai làng Đường Vỹ và Long Ngô Động thông qua việc giúp họ lợp nhà, đắp vách đất. Đó là chưa kể trong quân Thiên Đức cũng có đến hơn hai mươi tráng niên người làng. Quân Thiên Đức cũng hứa với dân làng là vụ sắp tới sẽ cày hộ, nhà nào thiếu trâu sẽ cho mượn, chưa kể giáp hạt nếu thiếu ăn thì Thiên Đức quân sẽ giúp. Vậy nên thực lòng mà nói, moi tin ở hai làng này rất khó.
Chương không qua trường lớp quân sự, học chính trị cũng chỉ trong sách nhưng từng ở làng mười hai năm, cậu biết rằng đóng trại ở đâu ắt phải được lòng dân ở đó. Ngoài việc che chở thì họ sẽ cung cấp nhiều tin tức quý giá. Biết thế là một chuyện, điều quan trọng là Duệ đã giúp Chương giảng giải rõ cho quân sĩ vì sao phải làm vậy và phải làm thực lòng chứ không hình thức. Sau này, lệ riêng của quân Thiên Đức là đến đâu mà đóng trại trên mười ngày thì đều phải tranh thủ giúp dân. Đây là một chính sách tốt vì khi quân lớn mạnh, nơi nào quân Thiên Đức từng đi qua và quay lại thì dân đều có thiện cảm, thậm chí ở lẫn trong dân nếu là những nhóm nhỏ đồng thời chú tâm thu thập tin tức. Là một chàng trai thời hiện đại, Chương hiểu tin tức quan trọng hơn tất cả, tin tức đến nhanh và chính xác có khi còn khiến một đạo quân chuyển bại thành thắng.
Cách làm của quân Thiên Đức lan sang quân Thiên Gia Bảo Hựu, nơi nào đóng trại lâu, quân sĩ tăng gia sản xuất, nếu phải rời đi thì cho lại dân làng. Những điều tưởng chừng như phi lý này đến khi các đối thử sừng sỏ hiểu được thì đã muộn.
Chương nói với Thiên Bình:
-Em cùng ba nữ binh thay quần áo rồi vào làng tiếp cận hai nhà sư, tìm thời điểm thích hợp rồi bắt lại. Tránh để dân làng biết vì không phải ai cũng đủ hiểu biết nhận ra chân tướng, nhất là mấy cụ bà lớn tuổi sẽ nghe lời các nhà sư.
Sau đó Chương chia nhỏ quân sĩ đi theo thành bảy nhóm ẩn nấp quanh làng, chỉ giữ lại hai người làm bảo vệ bởi nếu không làm vậy thì cô nàng Thiên Bình không chịu. Đôi khi Chương nghĩ, cứ cái đà này thì lệnh ông không bằng cồng bà, sớm muộn gì hai cô gái thân cận cũng sẽ là những bà hoàng không ngai.
Chương cùng Yết Kiêu rà soát dọc bờ sông, ngược hướng từ đoạn đã gặp hai nhà sư lúc ban sáng. Sau hơn nửa canh giờ, người của Yết Kiêu quả thật đã tìm được một thuyền nhỏ bị nhấm chìm gần một lùm cây. Trong lòng thuyền có mấy hòn đá tảng. Yết Kiêu cho người chèo thuyền đem về điểm tập kết còn bản thân xách đao trở lại Long Ngô Động. Quân sĩ do Bỉnh Di cử đến phối hợp cùng binh sĩ đóng giữ ven làng kiểm tra từng ngõ ngách, bụi cỏ, đống rơm hay bất cứ chỗ nào nghi ngờ song không phát hiện thêm được gì.
Đến chập tối, Chương nhận được tin là Bỉnh Di đã đến các chùa tìm lại một lượt nhưng không còn ai. Tạm thời Bỉnh Di nhận định gian tế chỉ có hai kẻ đội lốt nhà sư.
Gà vừa lên chuồng, nấp cạnh bờ tre làng, Chương nghe thấy tiếng chó sủa râm ran mỗi lúc một gần. Định cho người vào làng thì đã thấy Thiên Bình cùng ba nữ binh khiêng hai nhà sư như khiêng lợn từ trong làng đi ra. Bốn cô gái đi nhanh như chạy khiến Chương trố mắt nhìn. Chẳng cần Chương ra lệnh, mấy tráng niên mau chóng ghé vai khiêng rồi chạy như bay. Một vài người dân ra cửa ngó nghiêng nhưng chả biết chuyện gì, chỉ thấy bọn Chương tụ tập cạnh một đống rơm, kẻ nào kẻ nấy cười ngây ngốc rồi quay lưng vừa chạy vừa cười vang.
Hai vị sư giả được đặt xuống bờ ruộng, nét mặt lộ vẻ kinh sợ nhưng đã bị bịt miệng nên chẳng thể la hét được. Chương lệnh tháo khăn bịt miệng, một sư giả lên tiếng:
-Mô Phật, các thí chủ sao lại bắt bần tăng?
-Đừng có gọi Phật, Phật biết hai ông giả sư cũng nổi cơn thịnh nộ đấy.
-Mô Phật, bần tăng đi khất thực, liệu các thí chủ có nhầm lẫn với ai không?
Chương chân chống chân quỳ xoa đầu nhà sư đang nói chuyện với cậu.
-Như này nhé, ta không muốn ai b·ị t·hương. Nếu hai vị đây ngoan ngoãn nói ra những gì ta muốn biết thì ta đảm bảo rằng thân thể không b·ị t·hương. Còn nếu như cứng đầu, muốn thể hiện lòng trung thành với Kiều Công Ngạn hay Nguyễn Quốc Khánh thì tuỳ. Song ta báo trước, đừng để bọn ta đưa về bản doanh vì…
-Mô Phật, thí chủ nhầm bần tăng với…
Chương nhếch miệng cười, lộ vẻ tinh quái nói:
-Hai vị có muốn thử cảm giác được róc mía trên đầu không? Ta tự dưng thèm mía. Đừng có mô Phật nữa, bọn ta hỏi khắp chùa trong vùng rồi, nào, hai vị là cao tăng ở chùa nào? Đọc tên ta nghe thử.
Hai sư giả liếc nhìn nhau, thấy vậy Chương đứng dậy phủi tay nói với những người xung quanh:
-Ta chỉ cần một người cung khai thôi, đi tìm mía để lên đầu kẻ nào ngậm miệng róc cho ta, mía mà không dính máu thì các người tự bổ vào đầu mình ấy.
Dứt lời Chương quay lưng định đi thì hai sư giả tranh nhau xin khai. Chương thản nhiên:
-Được, ta đảm bảo hai người sẽ không bị đ·ánh đ·ập, ăn ngày ba bữa.
-Thí chủ xin tha mạng, bọn ta cũng chỉ làm theo lệnh.
-Ta biết vậy nên không làm khó hai ông. Biết đến đâu khai đến đó, nói dối thì không trách ta được.
Chương cho tách hai gian tế ra hỏi cung riêng biệt ngay trên cánh đồng. Có vẻ như kẻ nào cũng sợ bị róc mía trên đầu nên phun sạch không sót chi tiết nào, đối chiếu khớp nhau nên Chương lệnh quân sĩ áp giải họ về làng Vạn, dặn đối xử tử tế.
-Toàn những kẻ nhát gan. - Bình nói.
-Mạng chỉ một, cứng đầu thiệt thân. - Chương chép miệng. - Bọn họ cũng chỉ thừa hành, nếu ta bớt xuống tay s·át h·ại một người thì cũng tốt em à.
-Anh ít có ác, chưa ai nghĩ đến việc róc mía trên đầu nhà sư. Anh tính làm thật sao?
-Ồ, anh chỉ thuận miệng nói ra chứ nào dám. Hôm nay thu hoạch rất khá, bây giờ đói bụng rồi, chúng ta có gì ăn?
Thiên Bình chỉ có nắm gạo, ba nữ binh có bát ngô nên năm người nhóm lửa nấu cháo. Chương ngả lưng xuống vệ cỏ ven đường, lấy hai tay làm gối, hướng mắt nhìn bầu trời tối đen chưa có nổi một vì sao. Sau hơn tám tháng ở Vạn Xuân, Chương đã ngước nhìn bầu trời đêm hàng nghìn lần và tự hỏi liệu ở nơi nào đó, cha mẹ và em gái có cùng ngắm nhìn một bầu trời giống như cậu không? Tính theo thời gian thì em gái Chương đã vào lớp 11 và Chương, nếu không ở Vạn Xuân này thì đang theo học kỳ II của năm thứ ba.
-Anh Chương! Như lời hai tên kia thì gã Kiều Công Ngạn và Dương Ngôn nào đó vẫn chưa tin những gì chúng ta đã làm.
Thiên Bình ngồi xuống cạnh chỗ Chương đang nằm, thay vì trả lời, Chương hỏi lại:
-Vì sao em lại có tên Thiên Bình thế?
-Tả Đô đốc bảo rằng Thiên Bình có nghĩa là thiên hạ thái bình. Tả Đô đốc vẫn mong như vậy. Sao tự nhiên anh lại hỏi?
Chương chỉ lên bầu trời tối đen và nói:
-Trên ấy có một chòm sao gọi là chòm Thiên Bình, chòm sao ấy do mấy ngôi sao tạo thành và có hình cái cân, phân rõ thiện ác. Ở quê anh, những người trẻ hay nói với nhau rằng chòm sao ấy là cán cân công lý. Em gái anh cũng thích chòm sao ấy vì nó sinh tháng mười. Hôm nay có phải 20 tháng 10 không?
Thiên Bình không đáp mà ngẩng đầu nhìn bầu trời, cô biết Chương đang nhớ nhà.
-Tất cả người làng Vạn đều là người nhà của anh, rồi ngày nào đó anh sẽ được về bên người thân.
-Anh chẳng biết, anh từng nghe một câu thơ rằng, khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn. Có nghĩa là ở nơi nào đó đủ lâu thì sẽ quyến luyến, càng ở lâu thì khi chia xa càng buồn.
-Một ngày nào đó bỗng dưng anh biến mất như cách anh đến, hẳn là em với chị Duệ sẽ buồn lắm. Nếu có thể, hãy đưa chúng em đi cùng.
Chương lặng im không nói, cậu không phải kẻ khờ mà không nhận ra hai cô gái sớm hôm ở bên mình nghĩ gì. Chỉ là Chương chưa biết sẽ phải chọn ai, lựa chọn nào cũng khiến người còn lại đau khổ và chọn cả hai ư? Đàn ông có thể năm thê bảy th·iếp như thời xưa? Và nếu chọn cả hai, bỗng Chương bằng cách nào đó trở về thực tại thì sao đây?
-Vậy tên anh Chương có nghĩa là gì?
-Bố mẹ anh bảo hồi họ yêu nhau hay cùng ngắm trăng sao và Thiên Chương nghĩa là những vì tinh tú đẹp đẽ.
-Cha mẹ anh là thi sĩ ư?
-Không, họ là cán bộ, kiểu như… như những người giúp việc cho Tả Đô đốc ấy.
-Họ của anh cũng lạ đấy, chị Duệ bảo vùng này không có họ Mạc. Trong tư tịch mà Tả Đô đốc từng đem về làng cũng không thấy ghi chép các quan trong triều có ai họ Mạc.
-Tổ tiên họ Mạc từng có người làm vua và dòng họ Mạc sinh ra nhiều chiến tướng nhưng anh không biết anh có máu mủ gì với vương triều đó không, chắc chỉ cùng họ.
-Khi nào bình yên, chúng ta sẽ rủ cả chị Duệ ngắm trăng nhé?
-Được, rất nên thế.
-Vậy anh dự tính đối phó với bên Vũ Ninh vương ra sao?
-Con cáo già Kiều Công Ngạn rất cảnh giác, ông ta cho hai trăm quân sang là gấp đôi số quân trong rừng. Như hai gian tế khai thì anh đoán chúng ta sẽ phải dẫn đám ấy thám thính khắp vùng. Sau khi rõ đường đi nước bước có thể chúng ta sẽ bị loại. Bọn họ sẽ lập trại và tạo điểm đầu cầu cho quân sang đánh úp làng Vạn.
-Anh tính sẽ làm gì?
-Tương kế tựu kế tóm hết lượt, quân đưa sang bao nhiêu thì tóm từng ấy đưa về làng mới nuôi.
-Hả? Nuôi báo cô ư?
-Nuôi cho béo tốt rồi trả về cho Vũ Ninh vương.
-Em không hiểu.
Chương ngồi dậy tủm tỉm cười.
-Anh muốn gieo mầm trong quân Vũ Ninh vương, khi ông ta lo yên lòng quân thì đó là lúc Lý Lệnh công mất ăn mất ngủ em ạ.
-Anh tính đánh Lý Lệnh công trước?
-Chúng ta bây giờ bị kẹp bốn hướng sẽ khó mà phát triển được. Tây thì đầm lầy, Đông thì vướng sông Dâu, Bắc sông Thiên Đức còn Nam là Linh Sơn. Hạ được Lý Lệnh công thì ta có chỗ đứng chân vững, lúc ấy sẽ tính nên đánh Vũ Ninh vương hoặc ông gì ở Tế Giang ấy.
-Dẹp hết các sứ quân thì anh sẽ làm vua giống như tổ tiên của anh ấy.
-Làm vua không sung sướng gì đâu em à, nếu ngày nào đó anh mà có quyền thì vua sẽ được đi chơi chứ không phải suốt ngày phê chuẩn tấu chương gì đó chả khác gì nô bộc.
Cháo đã chín, vì chỉ có bốn cái bát nên Chương và Bình húp chung. Đang ăn dở thì nhóm nữ binh từ làng Vạn đến đem theo ngô, khoai và ít rau mồng tơi, cả bọn cùng ngồi bên đống lửa ven đường nướng khoai ăn chờ canh chín. Vừa ăn ngô, Chương vừa nhớ Duệ, cô gái chu toàn vì chỗ rau kia chính tay Duệ hái.
Mỗi quân sĩ Thiên Đức khi rời doanh trại đều mang bên mình hai ống tre, một đựng nước đun sôi, một đựng mắm muối dưa cà hoặc thứ gì đó để được dăm ngày. Hầu như những ý tưởng Chương đưa ra Duệ đều làm rất tốt nhưng cứ vậy Chương lo Duệ sẽ mau quá tải song hiện chưa có người nào cáng đáng được.