Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 62: Gian tế khoác áo cà sa




Chương 62: Gian tế khoác áo cà sa

Chương cưỡi ngựa phi nước đại về làng Vạn, chạy sát bên cậu là Thiên Bình và hơn chục nữ binh theo sau, tất cả đều dùng khăn che mặt. Chương đã nhờ Ngọc đan cho một số mũ len tối màu hở hai con mắt và miệng chuyên dùng cho mùa đông sắp đến, cũng tiện việc giấu mặt. Nửa tháng gần đây Chương bận tối tăm mặt mũi, giờ đây kế hoạch phản gián và đầu quân cho Vũ Ninh vương tuy có đôi chỗ khác so với dự tính nhưng về cơ bản không thay đổi so với những gì Chương bàn với tất cả mọi người.

Quân Thiên Đức nửa tháng trước đã chia ra làm đôi, những người gia nhập sau đều đưa hết về làng Vạn cùng tiếp tục rèn luyện dưới sự chỉ bảo của Đoàn Thượng và Triệu Quang Phục. Số ở lại doanh trại đơn sơ gồm một trăm người ban đầu cùng với đội nữ binh do Thiên Bình chỉ huy. Cả bọn đều phải giả trang sao cho cơ cực hòng qua mắt những kẻ ở bờ Bắc.

Ngược về hơn nửa tháng trước, sau khi Nguyệt cùng phần lớn đội trinh sát với sự trợ giúp của Yết Kiêu đã qua sông an toàn, thiết lập được một vài chỗ trú ẩn. Tưởng chừng như mọi việc đang diễn ra êm thấm thì có chuyện xảy ra khiến kế hoạch tung đội trinh sát qua sông phải điều chỉnh lại. Song cả đội đã qua hết, gồm cả Nguyệt. Đội trinh sát chỉ còn lại hai bé gái là Cái Hĩn tức Thái Hương và Trúc chưa qua sông. Chương liền thay đổi chủ ý, nhắn cho Nguyệt tiến hành kế hoạch như đã định, Thái Hương và Trúc sẽ có nhiệm vụ khác.

Thái Hương và Trúc được giấu kỹ trong vài ngày để Duệ và Bình nói chuyện riêng với từng đứa trong khi Chương và Lượng tập hợp đội ở lại cùng tính kế. Tất cả trên dưới một lòng, xuất thân đều từ làng Vạn nên Chương rất yên tâm. Ban đầu, Chương cũng tính để đội nữ binh về làng Vạn nhưng Thiên Bình không đồng ý, suy tính lại, Chương thấy giữ họ lại có nhiều cái lợi nên đội nữ binh sẽ giả trang thành những cô gái làng chỉ biết trồng dâu, nuôi tằm hoặc trồng hoa màu… Thực sự thì đối với toàn bộ quân Thiên Đức, việc giả trang như vậy không hề khó vì họ vốn là những thôn dân. Ngay cả việc dàn xếp chạm trán với Thiên Gia Bảo Hựu giữa đồng trống cũng không đáng ngại vì việc ấy chẳng khác nào bọn họ luyện tập với nhau, khác chăng là diễn tuồng như thật cho Trần Thông xem trong thời điểm nhập nhoạng tối. Sau hôm đánh trận giả ấy, nhiều chàng trai làng Vạn ngán mấy cô gái làng Vạn dưới trướng Bùi Thị Xuân vì đánh giả mà họ ra tay rất nặng, giáo không đâm được thì họ trở đầu thúc vào bụng cũng đau thấu trời.

Sau hơn chục ngày diễn trò như thật, bọn Chương đã có hai thuyền lương thảo và ít khí giới. Bọn Lượng, Duệ, Bình và quân Thiên Đức phục lăn vì kế sách thành công, họ chỉ cần làm theo những gì, nói những gì do Chương dặn là được. Với Cao Lịch, Chương chọn Lịch sang sông là vì Lịch thấp, vẻ ngoài có phần vô hại song vô cùng nhanh nhẹn. Lịch kết thúc vai diễn ở ngoài cánh đồng, trở lại làng Vạn báo cáo với Tả Đô đốc những gì đã thấy ở bên kia sông mà vừa kể vừa cười. Dường như Lịch rất tâm đắc khi bỡn được Trần Thông và Kiều Công Ngạn không phải bằng vũ lực, những kẻ mà Lịch cho rằng hơn Lịch về mọi mặt.

Tại sao Chương lại đột ngột thay đổi chủ ý?

Ấy là vì hơn nửa tháng trước Thiên Gia Bảo Hựu quân liên tục bắt được quân thám thính tung từ bờ Bắc sang, bọn họ đều là đàn ông, độ tuổi từ hai mươi đến bốn mươi. Sở dĩ Thiên Gia Bảo Hựu quân túm được mau lẹ là vì đám ấy dò la tin tức ở chợ rất lộ liễu, ăn vận có phần khác với dân trong vùng. Mười câu nói thì hết chín câu dò hỏi làng Vạn, câu còn lại hỏi Thiên Gia Bảo Hựu, quá ư lộ liễu. Hoặc bọn chúng coi thường đám giặc cỏ hoặc bọn chúng là những kẻ tay ngang. Mọi chuyện rõ hơn khi Bỉnh Di gặp, ban đầu kẻ nào kẻ nấy đều chối nhưng Bỉnh Di không giống như vẻ ngoài nho nhã của anh ta, anh ta thông minh và cũng không nương tay với kẻ địch. Sau khi Bỉnh Di đánh gà doạ khỉ, đám còn lại có bao nhiêu phun sạch, hỏi gì cũng nói, thậm chí không hỏi cũng khai tuốt.

Từ thông tin khai thác được, Bỉnh Di bắt thêm nhiều kẻ mới chân ướt chân ráo lên bờ trong số đó có Lụa khi cô ta dò la ở Long Ngô Động. Những người mà đám gian tế này tiếp xúc đều là người làng Vạn giả trang, đến khi b·ị b·ắt cũng chẳng hiểu nổi bản thân đã sơ hở ở đâu mà mau bị phát hiện đến vậy.

Chương nói với Cái Hĩn và Trúc rằng cần chọn một em làm nhiệm vụ riêng, Cái Hĩn xung phong còn Trúc sẽ theo Duệ, tạm thời làm chân chạy vặt. Cái Hĩn nghe phổ biến nhiệm vụ xong chỉ gật đầu chứ không hỏi lại khiến Chương phải căn dặn thêm một lần và cậu nhận ra đây là một cô bé ngoài sáng dạ còn khá cứng đầu, có nét tính cách giống Thiên Bình. Cái Hĩn sau đó được đưa qua sông bằng một màn rượt đuổi như thật, tất nhiên chẳng có cô Lụa nào trên thuyền mà là một trong số các nữ binh. Những việc sau đó diễn ra nhanh hơn Chương dự liệu, điều này chỉ chứng minh rằng Tả tướng quân Kiều Công Ngạn nào đó đang sốt ruột muốn lập công hoặc Sứ tướng Nguyễn Quốc Khánh cần có những câu trả lời xác đáng cho Vũ Ninh vương.

Trên con đường đất song song với sông Thiên Đức, bụi bay mù mịt mỗi khi vó ngựa chạy qua, Chương thấy hai nhà sư khoác áo cà sa, tay cầm bát bằng đất chậm rãi đi khất thực ngược chiều nên ra hiệu mọi người chậm lại, đi theo hàng dọc nhường đường cho hai nhà sư. Chương nói với Bình:

-Em còn tiền thì xuống ngựa biếu hai thầy.

-Các thầy đi khất thực không lấy tiền, chỉ lấy thức ăn, có gì cho nấy mà.

Mấy nữ binh có đem theo túi ngũ cốc bên mình nên xuống ngựa đổ vào bát của hai nhà sư rồi lại lên ngựa. Từ hôm được Thiền sư Ngô Chân Lưu đến làm lễ giúp thì Chương vẫn chưa đến chùa, thi thoảng cậu hay nhắc bản thân là ngày mai nhưng mở mắt ra đã có việc cả rồi nên cứ dây dưa chưa đi được. Hai nhà sư lặng lẽ đi ngang qua, Chương không biết hành lễ ra sao nên cũng chỉ cúi đầu thay cho lời chào rồi thúc ngựa chạy. Được một quãng, Chương cảm thấy có gì đó lấn cấn nên dừng lại hỏi Thiên Bình:



-Long Ngô Động có chùa không em?

-Làng nào cũng có, làng nhỏ thì chùa nhỏ bằng đất hoặc am thờ nhưng gọi là chùa theo ý anh hỏi là có sư trụ trì thì cả vùng này chỉ có hơn chục. Sao vậy anh?

-Gọi cho anh ba nữ binh.

Bình chưa hiểu nhưng ngay sau đó ba nữ binh có mặt chờ lệnh. Chương nói:

-Ba cô giúp ta theo dõi hai nhà sư vừa rồi, đừng để họ biết. Hoặc báo cho anh Lượng hoặc báo cho tôi ngay khi có gì đó lạ.

-Cái gì? – Bình ngạc nhiên. – Anh định theo dõi cả nhà sư ư?

-Đi mau đi!

Ba nữ binh nhận lệnh liền quay ngựa lại, bây giờ Chương mới nói với Bình:

-Em cho các cô ấy tách ra, mỗi người đến một chùa hoặc bắt cứ chùa nào có nhà sư hỏi rõ xem có bao nhiêu nhà sư ở đấy, các sư có ở trong chùa hay vắng, nếu vắng thì đi đâu. Hỏi cặn kẽ và báo lại cho anh sớm nhất.

-Anh… anh nghi ngờ hai nhà sư kia là gian tế?

-Chỉ là trực giác mách bảo có gì đó lạ nên anh cẩn thận thôi. Kiều Công Ngạn theo lời đám gian tế thì đã ngoài ba mươi, là Tả tướng quân chỉ huy hàng nghìn người nên ông ta không thể là một tên độn tri. Cho quân sĩ sang tất phải cho gian tế dò la trước, dân làng sẽ chỉ chú ý đến người lạ mà báo chúng ta chứ không ai nghĩ nhà sư là gian tế.

-Em… em không tin lắm.

-Đây không phải chuyện tin hay không em ạ. Mình đang lừa người ta, chỉ cần sơ suất là hỏng hết, chưa kể sẽ thiệt thân nữa.



Thiên Bình cho quay lại căn dặn nhóm nữ binh, ngay sau đó họ tản ra mỗi người một ngả chỉ còn Thiên Bình cùng về làng Vạn với Chương.

-Em không biết trực giác anh nói là cái gì nhưng có khi nào anh đa nghi quá không? Đa nghi sẽ mệt lắm đấy.

-Anh không đa nghi mà ngược lại anh rất tin người song em phải tập quan sát những chi tiết, tiểu tiết nhỏ như ánh mắt, cử chỉ, dáng dấp… của người đối diện để phán đoán. Em có thể phán đoán sai chín mươi chín lần nhưng chỉ cần một lần đúng đã là tốt. Nhìn, phán đoán rồi kết luận nhưng không được quy chụp, em phải nhớ lấy.

-Vậy điều gì ở hai nhà sư đã khiến anh bận tâm?

-Gót chân của hai nhà sư hơi hồng, y tăng của họ hãy còn mới.

-Chỉ có vậy?

Chương nhún vai nhoẻn miệng cười, thật ra cậu cũng không chắc chắn lắm, chỉ là cảm thấy lạ mà thôi. Nếu như trước đây thì Chương sẽ không để ý nhưng thời điểm này đang đấu trí, lừa kẻ khác vào tròng mà có sai sót sẽ thua trắng, đó là chưa kể gậy ông đập lưng ông.

Gặp Tả Đô đốc cùng với Bỉnh Di và Triệu Quang Phục để bày mưu tính kế hòng bắt gọn số binh sĩ mà Kiều Công Ngạn đưa sang nhưng không được gây nghi ngờ cho hắn. Chương muốn lấy thêm lương thảo, binh khí và quan trọng hơn cả, ấy là người. Chẳng ai muốn bản thân phải cầm đao đoạt mạng kẻ khác, nếu bắt được hết số binh sĩ ấy, bí mật lôi kéo người nhà họ sang sông sẽ tốt hơn rất nhiều. Thật sự thì ngoài Tả Đô đốc ủng hộ tuyệt đối kế hoạch dựng làng tăng dân của Chương, Bỉnh Di thì cẩn trọng nên không nói rõ ý còn lại đều không đồng tình khi dân làng mới sẽ nhiều đàn ông, nguy cơ nổi loạn sẽ rất lớn.

-Tướng thì khó đổi nhưng quân thì cháu cho là không khó, cũng là cái ăn, cái mặc và lương bổng. Nếu mọi thứ tốt hơn liệu họ có theo không? Cháu thấy thế này, thay vì nhốt họ thì cho ở trong làng, tự làm tự ăn một thời gian. Đến sau Tết kẻ nào muốn về thì sẽ cho về, kẻ nào muốn ở lại thì lệ của chúng ta. Hàng binh không thể s·át h·ại, mà giam cầm họ cũng mệt mỏi lắm ạ. Cháu nói thật, nếu để họ ở vài ba tháng trong làng ắt có biến chuyển. Sau thả họ về bên bờ Bắc thì chỉ toàn cái lợi chứ không có cái hại nào.

-Cháu nói nghe rõ hơn xem nào. - Triệu Quang Phục khích lệ.

-Đối đã tử tế, nói với họ lời hay lẽ phải, cho ăn uống đàng hoàng rồi thả về thì liệu Kiều Công Ngạn còn dùng họ không? Có dùng cũng chẳng dám cho làm việc hệ trọng vì lòng người là thứ khó dò. Nếu họ không được trọng dụng ắt bất mãn, một đồn mười, mười đồn trăm, họ sẽ nói những điều tốt về Thiên Gia Bảo Hựu. Tả Đô đốc và chú Phục từng cầm quân hẳn cũng biết, lòng quân mà dao động thì chưa đánh đã thua, lòng dân mà thay đổi thì vua cũng chẳng giữ được ngai vàng.

Triệu Quang Phục ngẫm thấy có lý nên xuôi theo ý của Chương. Ông sẽ cắt một trăm binh tinh nhuệ ẩn nấp gần lán trại mà bọn Chương dựng tạm. Bên cạnh đó, quân sĩ canh gác ở các làng cũng được tăng lên thành ba mươi người.

-Sau đận này cháu muốn tất cả đàn ông từ mười sáu đến năm mươi trong vùng chúng ta kiểm soát mỗi tháng sẽ tập trung học tập, rèn luyện cả văn lẫn võ tại một địa điểm nào đó. Chúng ta sẽ lo ăn và trả công 10 đồng.



-Cháu tính làm gì? - Tả Đô đốc hỏi.

-Trong khi quân số của chúng ta chưa đông thì lúc nguy cấp cần huy động dân chúng vào trong quân, vậy thì họ cũng cần được huấn luyện trước những thứ cơ bản như hiệu lệnh tiến thoái hay gì gì đó. Chúng ta không ép buộc nhưng sẽ cho ăn no đủ và trả công nếu họ học tốt.

-Con thấy thế nào Di?

-Ý này rất hay, lúc nông nhàn thì cho đàn ông tập luyện cũng tốt, trong số đó có thể tuyển được những binh sĩ tốt cha ạ.

Cuộc họp gần tan thì Thiên Bình từ đâu chạy về, thở hồng hộc nói với Chương:

-Hai ông sư ấy là gian tế, khả năng là gian tế anh Chương ơi.

Chương vội đứng dậy trong khi những người khác ngơ ngác.

-Họ đang ở đâu?

-Cách đây một khắc thì tin báo về họ vẫn ở Long Ngô Động.

Chương quay lại nói với Bỉnh Di:

-Anh cho người chặn các bến sông, không cho thuyền ra vào. Chúng ta cần phải tìm ra gian tế, gian tế có thể khoác áo cà sa.

-Chúng có bao nhiêu?

-Nay em mới chỉ biết được hai, em sẽ quay về lo việc ấy. Anh bảo Yết Kiêu, à, bảo cậu Thế chèo thuyền ven sông, thấy kẻ nào có hành tung lạ, không phải dân trong vùng thì túm hết.

Chương chào mọi người rồi chạy ào ra khỏi cửa, nhóm nữ binh vừa trở về, cô nào cô ấy mặt mày mướt mồ hôi nên Chương lại quay vào nói Bỉnh Di cho mượn tạm ba mươi người.

-Các cô mệt rồi, tạm thời nghỉ ngơi ở làng, khi nào quân của anh Di trở về thì hãy rời đi.

Thiên Bình thúc ngựa phi nhanh ra khỏi làng Vạn, Chương bám theo, phía sau cậu là ba mươi tráng sĩ của Bỉnh Di.