Chương 625: Sang đất Thanh Liêm, chạm mặt Nguyễn Định Hoàng
Châu Cầu, đầu trống canh Năm ngày 10 tháng Chạp năm Thiên Đức 34, Triệu Quang Phục tế cờ làm lễ xuất quân có cánh quân Bắc, mục tiêu là vùng Thanh Liêm bên bờ hữu ngạn sông Hát, phía Bắc châu Đại Hoàng.
Trung đoàn thủy Vạn Ninh của Hoàng Thái Công với 80 chiến thuyền phối hợp với 25 chiến thuyền của Tiểu đoàn thủy 990 Siêu Loại đảm trách chuyển quân qua sông, bảo vệ bãi đổ bộ.
Trung đoàn Bộ binh Ninh Hải làm tiền quân. Do số lượng chiến thuyền đông đảo, ba tiểu đoàn 890, 891 và 892 hoàn thành nhiệm vụ đổ bộ trước khi trời sáng, bày thế chân kiềng bảo vệ bãi đổ quân gần làng Châu Sơn. Trung đoàn Bộ binh Kiến Xương làm trung quân. Tiểu đoàn 995 và 996 Đông Phù Liệt làm hậu quân.
Thủy quân Trường Châu chỉ có vài ba mươi khinh thuyền lập tức rút chạy ngay sau loạt pháo hiệu đầu tiên nổ bên sông, không giao chiến.
Tại khu vực làng Châu Sơn, quân Trường Châu bố trí gần bốn trăm Cự thạch pháo với công sự vững chắc và hơn 1000 quân kị bộ dưới quyền chỉ huy của chiến tướng Nguyễn Định Hoàng. Trước số lượng pháo đông đảo nằm ngoài tầm bắn của thủy pháo Thiên Đức, Bộ Chỉ huy gồm Lý Văn Ba, Trương Văn Long, Hoàng Thái Công, Lý Trí Thắng… nghị bàn và quyết định điều Tiểu đoàn 160, 161 quân Vạn Ninh cùng 30 khẩu thần công lên bờ trợ chiến.
Các khẩu pháo đá của Nguyễn Định Hoàng được bảo vệ bởi những sọt đất lẫn đá dăm và mái che di động làm từ thân tre tươi phủ nệm rơm. Nguyễn Định Hoàng cũng thiết lập hệ thống hầm chông dày đặc trải từ Bắc xuống Nam cản bước bộ binh Thiên Đức. Bên cạnh đó, các bụi tre gai che chắn phía trước tạo thành lũy lao, che chắn tầm nhìn của quân t·ấn c·ông, giảm hiệu quả của các loạt đạn bắn thẳng từ thần công.
Lý Văn Ba điều động Tiểu đoàn 995, 996 từ hậu quân vượt lên lấp dần các hầm chông mở đường tiến. Công việc lấp hầm chông của hai tiểu đoàn này phải dừng lại khi những loạt đạn đá rơi nay trước mặt. Tiếp đó, Lý Trí Thắng huy động Cự thạch pháo của quân Ninh Hải và Trung đoàn Kiến Xương bắn hoả đạn tới tấp vào các bụi tre gây ra nhiều đ·ám c·háy lớn nhỏ suốt từ chiều muộn đến quá nửa đêm.
Sớm ngày 11 tháng Chạp, Hoàng Thái Công lệnh cho các khẩu đội thần công khai hoả. Các bụi tre không còn nữa, song công sự kiên cố của Nguyễn Định Hoàng phát huy hiệu quả tối đa, buộc Hoàng Thái Công phải tạm dừng công phá, đổi chiến thuật.
Lý Trí Thắng và Hoàng Ngưu di chuyển lực lượng pháo đá sang cánh hữu, phân tán thành nhiều khẩu đội bắn cấp tập vào rìa bên trái cứ điểm phòng thủ của Nguyễn Định Hoàng. Cơn mưa đá, hoả đạn và gần hơn hai trăm quả dừa khô nổ chậm diễn ra trong gần một canh giờ khiến trận địa của Nguyễn Định Hoàng tan hoang. Bấy giờ Trung đoàn Ninh Hải, Kiến Xương và hai tiểu đoàn 995, 996 mới vượt qua các hầm hố tràn lên t·ấn c·ông.
Dân làng Châu Sơn ủng hộ Nguyễn Định Hoàng, họ đem hàng trăm nồi niêu, bình sứ… đựng hoả liệu cho quân Trường Châu. Nguyễn Định Hoàng dùng hoả tiễn và pháo ở trung quân quay sang trái bắn hoả đạn và hoả liệu gây ra nhiều đ·ám c·háy, buộc quân t·ấn c·ông phải rút, chịu một số tổn thất nhỏ.
- Mặt sau làng Châu Sơn tựa vào chân đồi, trên đồi hẳn cũng giấu sẵn một số Cự thạch pháo chờ chúng ta. - Lý Văn Ba nói. - Một làng Châu Sơn nho nhỏ mà không nhổ được thật mất mặt. Chúng ta coi thường Nguyễn Định Hoàng nên muốn đánh mau thắng nhanh. Theo tôi, chúng ta phải ghép tre làm cầu vượt hố chông, thu hẹp cự ly, dùng Cự thạch pháo, hoả đạn và quả nổ đánh trực diện mới được.
Một ngày sau, mấy chục bụi tre bị đốn sạch, binh sĩ hai Tiểu đoàn 995 và 996 làm hàng trăm cầu tre. Cầu nhỏ ghép từ ba thân tre cho bộ binh, cầu dạng lớn dùng cho Cự thạch pháo.
Nguyễn Định Hoàng bên trong lũy trông thấy, đoán được ý định của quân Thiên Đức, lệnh cho pháo đá bắn cấp tập nhằm phá các cầu tre vừa bắc ngang các hố chông. Tuy nhiên, cầu tre bị gãy thì đá lại lấp hố, mà đá lấp bao nhiêu cho đủ, đạn đá chẳng phải vô tận. Trái lại, quân Thiên Đức lại dùng chính những quả đạn Nguyễn Định Hoàng đã bắn ra đáp trả ngược lại.
Lợi dụng đêm tối, Tiểu đoàn 995 và 996 đã đặt hàng trăm cầu tre lớn nhỏ tạo đường tiến quân qua các hầm chông. Đường gần nhất chỉ cách lũy tre cháy rụi chưa đầy ba mươi trượng. Nguyễn Định Hoàng nhìn thấy bóng dáng đối phương thấp thoáng trườn bò dưới trăng khuya trung tuần, dăm ba lần hạ lệnh bắn đạn và phóng tiễn, song không thể cản được đối phương ngày càng gần bèn sắp đặt sẵn việc lui binh.
Đúng như Nguyễn Định Hoàng dự liệu. Trời còn chưa tỏ, sương còn đọng trên cành lá thì Lý Văn Ba hạ lệnh cho hoả lực bắn cấp tập ở cự li gần, yểm trợ bộ binh tràn lên theo lối các cầu tre đã bắc qua hố chông. Đoạn cuối cùng, gần lũy, các mũi t·ấn c·ông vác theo các cầu buộc bằng hai thân tre bắc qua hố mà tiến. Quân phòng thủ chống cự yếu ớt và tan chạy ngay khi quân t·ấn c·ông đặt chân lên bờ công sự.
Chiếm được cứ điểm phòng thủ lúc trời vừa sáng, dân làng Châu Sơn gần đó sợ bị trả thù bồng bế nhau chạy về phía núi. Quân Thiên Đức không bắt được tù binh, ngay cả xác tử sĩ trong cứ điểm cũng không có. Sự việc này trái với quy luật của một đội quân thua chạy khiến Bộ Chỉ huy quân t·ấn c·ông lấy làm lạ.
Sau khi xem xét trong làng ngoài trận địa một lượt, Tôn Cường quay lại gặp bọn Lý Văn Ba với vẻ mặt đăm chiêu. Tôn Cường nói:
- Bọn họ rút lui rất quy củ, thật đáng nể. Dân làng Châu Sơn ủng hộ bọn Nguyễn Định Hoàng bởi vợ Hoàng người làng này. Bọn họ chạy vào núi, trong làng không có trâu bò hay lương thực. Họ đã chuẩn bị việc này từ trước, có lẽ từ thời điểm Đại Vương cho phao tin t·ấn c·ông Trường Châu.
Tả hữu đồng ý với nhận định của Tôn Cường. Mưu sĩ họ Tôn lại nói thêm:
- Tôi lại không tin bọn họ đem hết được lương thực vào núi, không loại trừ khả năng dân làng chôn giấu lương thực, phải cho quân lục soát kĩ mới được. Lương thực thu được của bọn Nguyễn Định Hoàng chỉ đủ dùng cho một nghìn quân trong 1 ngày. Điều này khiến tôi lấy làm băn khoăn lắm.
Lý Văn Ba nói:
- Có thể hắn trù liệu chỉ cầm chân chúng ta được dăm ba ngày. Trước đây ở Tế Giang, Vũ Ninh, Đằng Châu thì dân chúng có nhiều phương cách cất giấu lương thực, phổ biến nhất vẫn là đào hầm.
Tôn Cường khẽ gật đầu nói rằng:
- Lý tướng quân nói có lý. Tôi đã đảo khắp lượt trong làng và không phát hiện dấu vết đào bới khả nghi.
Đoạn rồi Tôn Cường chỉ về phía đồi núi chập chùng đằng Đông mà rằng:
- Nơi lý tưởng nhất cất giấu lương thảo và trú binh là ở đó. Nếu bây giờ ta xuôi về phía Nam, Nguyễn Định Hoàng sẽ tập kích, quấy phá từ mặt sau nhằm bào mòn tinh thần ba quân. Ngô Thiên Sách xác định đất Thanh Liêm khó giữ vì cách Châu Cầu chỉ một dòng Hát Giang. Bởi vậy y dùng kế thanh dã tránh mũi nhọn của ta.
Các toán quân Thiên Đức rà soát làng Châu Sơn kỹ càng thêm một lần, quả nhiên không tìm thấy bất cứ hầm cất giấu lương thực nào. Bởi thế Lý Văn Ba theo lời khuyên của Tôn Cường, Trần Thiện tạm thời dùng làng Châu Sơn làm chỉ huy sở và nơi đóng quân của Trung đoàn Kiến Xương. Tiểu đoàn 995 và 996 đóng quân tại cứ điểm Nguyễn Định Hoàng bỏ lại trong khi Tiểu đoàn thủy 990 Siêu Loại chốt giữ dưới sông. Theo kế hoạch dự kiến, Trung đoàn Kiến Xương và Tiểu đoàn 995 sau khi ổn định trại quân sẽ tảo thanh về phía núi.
Trương Văn Long cùng Trung đoàn Ninh Hải men theo dòng Hát Giang uốn lượn về phía Đông Nam bảo vệ sườn phải cho Trung đoàn thủy Vạn Ninh, đóng quân tại Biện Khê, cách làng Châu Sơn hơn mười dặm hạ trại thủy bộ.
Lại nói về Nguyễn Định Hoàng sau khi rút khỏi khu vực làng Châu Sơn thì tập hợp binh mã tại núi Thanh Sơn, cách làng Châu Sơn chưa đầy hai mươi dặm. Dân làng Châu Sơn cùng vài làng khác đã dựng sẵn lán trại trong núi, tận dụng hang núi đá vôi làm nơi cất trữ lương thực nhằm tổ chức đánh du kích lâu dài với quân Thiên Đức. Sở dĩ dân Châu Sơn và lân cận ủng hộ Nguyễn Định Hoàng vì Hoàng vốn người Thanh Liêm, sĩ tốt đến bảy phần mười là con em trong vùng.
Trước khi rút quân, Nguyễn Định Hoàng đã chôn cất tử sĩ ngay trong trận địa.
Bên trong những lán trại của doanh, hơn một tháng trước Nguyễn Định Hoàng đã đào sẵn hàng trăm huyệt mộ ngay dưới chỗ binh sĩ ngả lưng hàng ngày. Hàng trăm sĩ tốt của Nguyễn Định Hoàng hiện còn đang ẩn náu dưới những hầm hố đấy mà binh sĩ Thiên Đức chưa phát hiện ra, hay đúng hơn là chẳng ngờ đến.
Đêm xuống, Nguyễn Định Hoàng dẫn hơn năm trăm khinh kị và hơn ba trăm bộ quân miệng ngậm tăm, ngựa tháo nhạc lẩn mình trong bóng đêm quay ngược về làng Châu Sơn. Đầu canh Tư, hơn năm mươi binh sĩ nối đuôi nhau trườn bò đến rìa một gò nổi giữa cánh đồng, cách bờ rào doanh trại cũ khoảng sáu mươi trượng về hướng Đông Bắc. Tại đây có một cửa hầm ngụy trang bằng ngôi mộ mới đắp. Quân sĩ của Nguyễn Định Hoàng bò trong đường hầm tối tăm, lối ra của hầm ở trong khu chứa phân ngựa h·ôi t·hối.
Ngoài nỏ Liên châu, giáo mác thì toán binh còn đem theo dầu lạc dùng để phóng hoả một vài nơi nhằm báo hiệu cho quân sĩ ẩn nấp trong những huyệt trống dưới chỗ ngủ.
Kế hoạch tử dưới đất chui lên tập kích quân Thiên Đức của Nguyễn Định Hoàng đáng ra đã vô cùng hoàn hảo nếu như Tôn Cường không có mặt ở trong doanh Châu Sơn.