Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 527: Vĩnh Yên phủ




Chương 527: Vĩnh Yên phủ

Trở lại phủ của Quảng Trí quân, Chương cho phép vị vương đất Tam Đái và vương đất Vũ Ninh quy y cửa Phật theo nguyện vọng. Hai vị vương sẽ về phủ Sơn Tây, cụ thể là thành Sơn Tây và đi tu ở đó.

Con cái, cháu chắt, họ tộc của Quảng Trí quân và Sứ tướng Phan Văn Hầu phải về ở huyện Siêu Loại, phủ Thiên Đức. Chương ban cho đất dựng làng, mỗi người được phép đem theo của cải, xách được bao nhiêu đem đi chừng đó. Riêng nữ nhân thuộc hai họ tộc này, tuổi từ 14 đến 22, nếu chưa thành thân bắt buộc phục vụ trong Bộ Giáo dục vì họ đều biết chữ. Mọi người sẽ là người Thiên Đức mới, phải tuân thủ mọi luật lệ của chính quyền sở tại. Người trong họ tộc phải bảo ban nhau, nếu có ý đồ mưu phản, họ tộc sẽ liên luỵ, không loại trừ g·iết cả họ.

Gần ba trăm già trẻ gái trai lạy tạ Vạn Thắng vương, khăn gói theo nữ binh Thần Vũ quân về huyện Siêu Loại. Ngôi làng mà họ hai dòng họ Nguyễn và Phan sinh sống, họ xin đặt tên là làng Tam Đái, Chương đồng ý cho việc ấy.

Việc tiếp theo liên quan đến hành chính, Chương đổi tên vùng Tam Đái thành thành phủ Vĩnh Yên, với mong muốn yên bình mãi mãi. Phủ Vĩnh Yên gồm 5 huyện bắt đầu với chữ Yên, gồm: Yên Lạc, Yên Sơn, Yên Lãng, Yên Phúc và Yên Dương. Tiếp đến, binh sĩ Thiên Đức tiến hành điều tra nhân khẩu toàn phủ Vĩnh Yên nhằm phục vụ tuyển quân, phát triển kinh tế, thậm chí tái bố trí dân cư trong vùng.

Chinh phục thành công Siêu Loại, Tế Giang, Hải Đông, Đằng Châu, Sơn Nam Hạ, Vũ Ninh, Sơn Tây và Tam Đái, kiểm soát phân nửa dân cư sinh sống trên đất Giao Châu cũ nhưng chưa khiến Chương cảm thấy hài lòng. Mục tiêu đề ra một đằng, kết quả thu được một nẻo khiến Chương lấy làm phiền lòng. Trong các vùng đất Chương thu phục, Tam Đái gây cho anh nhiều khó khăn hơn cả. Chương không thu phục được tướng lĩnh Tam Đái phục vụ cho quân Thiên Đức. Mạng lưới nội gián cài cắm mấy năm trong vùng Tam Đái mới chỉ làm tốt công tác cung cấp thông tin, chưa tác động được đến tinh thần ba quân tướng sĩ khiến họ chống Thiên Đức đến cùng. Những nấm mồ tập thể nằm dưới thung lũng kia là bằng chứng nhãn tiền, như mụn nhọt trên cơ thể không phải ngày một ngày hai mà hết được.

Lòng dân chưa theo Thiên Đức! Chương đã lường điều này từ trước nhưng trải qua thực tế mang lại cho anh nhiều cảm xúc lẫn lộn. Có đôi lúc bực dọc Chương muốn mạnh tay, dùng vũ lực đàn áp nhưng anh tự động viên, tự trấn an, tự vỗ về bản thân rằng Quảng Trí quân có ơn mưa móc bách tính hai mươi năm trời, lòng dân hướng về ông ta là điều khó tránh. Bây giờ, bách tính Vĩnh Yên phủ miễn cưỡng theo Vạn Thắng vương nhưng giặc c·ướp nổi lên như nấm sau mưa, nhất thời chưa thể dẹp yên. Điều này một lần nữa khẳng định công tác tuyên truyền, địch vận, ly gián nội bộ sứ quân đóng vai trò quan trọng.

Sau khoảng thời gian ngắn suy tính, Chương triệu Phan Vỹ về thành Tam Đái, cho anh ta biết tình hình hiện tại kèm cơ hội đầu quân làm tướng Thiên Đức. Ban đầu Phan Vỹ không chịu vì thù cha nhưng sau biết cha mẹ t·ự v·ẫn chứ không phải do Vạn Thắng vương hành quyết, thêm nữa họ tộc, chị em ruột đã về Thiên Đức nên Phan Vỹ đề đạt được gặp người thân rồi mới quyết định.

Phan Vỹ về huyện Siêu Loại, thấy quân sĩ Thiên Đức đang giúp họ Nguyễn và họ Phan dựng làng Tam Đái, các chị em gái không ai bị cưỡng bức. Trưởng tộc họ Phan nghe Phan Vỹ trình bày lí do liền khuyên Phan Vỹ rằng:

- Thế thời nay đã khác, vương nghiệp nhà họ Nguyễn chẳng còn, họ Phan nhà ta ba đời theo nghiệp đao cung, là nha tướng của Quảng Trí quân. Nay Vạn Thắng vương là chủ đất Tam Đái, sớm muộn làm chủ đất Giao Châu. Ta đã được diện kiến, Vạn Thắng vương tướng mạo hơn người, cho họ Phan một con đường sống. Cháu còn trẻ, nếu được trọng dụng phải bám vào đó mà tiến thân, đặng ngày sau con cháu họ Phan mới có chỗ nương tựa. Dân Tam Đái còn nhớ ơn Quảng Trí quân nhưng thời gian dần mai một, liệu được bao lâu? Dẫu lúc này lòng dân ly tán, chống đối nhưng với sức mạnh của Vạn Thắng vương, ngài ấy muốn mạnh tay thì dân nhất định lầm than. Cháu phải nghĩ cho thông, phải nắm bắt cơ hội.

Phan Vỹ trầm ngâm suy tư một hồi mới bộc bạch:

- Ngót chục năm trời cha cháu mang mối hận với Vạn Thắng vương, cũng chính Vạn Thắng vương hạ sát cả nghìn người Tam Đái. Bây giờ cháu đầu quân, nhận giặc làm cha, sợ con cháu đời sau phỉ nhổ. Mà… mà có khi chẳng đến đời sau, binh sĩ Tam Đái sẽ coi khinh cháu.

Trưởng tộc họ Phan chậm rãi nói:

- Phận bầy tôi ăn lộc nào thờ chủ nấy. Nay chủ không còn, cha cháu giữ khí tiết, chuyện đó ai cũng biết. Cháu cũng phải nhìn cách Vạn Thắng vương đối xử với n·gười đ·ã k·huất. Cha cháu mồ yên mả đẹp, Vạn Thắng vương đích thân đến thắp nén hương thơm, bày tỏ nỗi tiếc thương vì không có cơ hội ngồi vạch rõ mọi chuyện với cha của cháu.

Phan Vỹ nghi hoặc:

- Cha cháu thường nói Vạn Thắng vương mưu sâu kế hiểm, chẳng thể biết đó có phải nước mắt cá sấu hay không ông ạ.

Ông trưởng họ nhoẻn miệng cười buồn mà rằng:



- Sao cháu không nghĩ tại sao Vạn Thắng vương phải làm vậy? Người chiến thắng có tất cả, cần gì phải đến trước mộ đối thủ bộc bạch? Giả như đó là những lời dối trá, thôi thì cũng đẹp lòng. Ngay như họ nhà ta, Vạn Thắng vương có thể trừ sạch tránh hoạ về sau. Điều ấy các sứ quân khác nhất định sẽ làm, chẳng khác được. Vạn Thắng vương quá mạnh, ngài coi chúng ta là con sâu cái kiến, là con dân cớ sao phải sát cả họ? Chẳng riêng họ nhà ta mà khắp vùng Tam Đái, tuyệt không nghe nói quân sĩ Thiên Đức thừa cơ hãm h·iếp đàn bà con gái, c·ướp b·óc hay t·ra t·ấn dân chúng. Ta gần đất xa trời cũng bán tín bán nghi nhưng sự thực lúc này chính là vậy đấy.

Phan Vỹ ngồi lặng im nhìn xa xăm, ông trưởng họ nói:

- Chủ ý của Vạn Thắng vương thì cháu đã nghe rồi, ngài ấy muốn cháu ra sức dẹp giặc c·ướp, ấy là cho cháu cơ hội. Cháu nghĩ xem, Thiên Đức quân đông tướng mạnh, họ có làm được việc đó không? Sao phải vời đến cháu?

Phan Vỹ mím môi, gật gù ra vẻ đã thông. Ông trưởng họ bèn động viên:

- Ta không theo nghiệp nhà binh nhưng ta nhìn người, nhìn cách sống thì thấy Vạn Thắng vương công tư phân minh, trọng người tài, đề cao lòng trung thành, dụng hàng tướng và nhiều người cháu chắc đã từng nghe. Trương Lôi, Nguyễn Lạc Thổ, Bàn Phù Sếnh, Lý Văn Ba… mấy người ấy năm xưa chẳng phải tiểu tướng Vũ Ninh ư? Giờ họ đứng đầu một quân, như vậy có thể thấy Vạn Thắng vương là minh chủ mà cháu nên theo. Người khuất núi yên phận, người trẻ như cháu, đời còn dài, họ Phan sau này còn ai nhớ đến hay không đều do cháu gánh vác. Mọi người… ai cũng vì lợi ích gia đình, dòng tộc mà gắng sức, cháu phải ngẫm cho thật sâu.

Từ biệt ông trưởng họ, Phan Vỹ trở lại gặp chị gái, em gái đang nhào bùn với rơm rạ, phụ giúp binh sĩ Thiên Đức đắp tường ngôi nhà năm gian đã thành hình.

Chị gái cùng mẹ cùng cha với Phan Vỹ hai mươi lăm tuổi đã có ba con, dường như hiểu tâm tư của em trai bèn kéo Phan Vỹ ra một góc to nhỏ:

- Cha mẹ đã mất, chị em mình phải nương tựa vào nhau. Người ta chỉ định anh rể em làm dân binh trưởng, cả hai họ chưa được dăm chục tráng đinh nên quân Thiên Đức sẽ dựng một nhà ở cổng làng, cắt đặt 5 binh sĩ túc trực hướng dẫn mọi người, họ đều là nữ cả. Vạn Thắng vương đối đãi với nhà ta không tệ, cha nơi chín suối có biết cũng chẳng trách. Em nên thuận theo ý của Vạn Thắng vương. Mồ mả ông bà tổ tiên còn ở đó, nếu em làm tướng, phần hương khói ở quê cha đất tổ cũng không phải lo nguội lạnh.

Phan Vỹ lặng im không nói, dõi ánh mắt nhìn lên những binh sĩ Thiên Đức đang í ới lợp mái tranh cho ngôi nhà con cái Phan Sứ tướng ở trước khi thuê người dựng nhà theo ý muốn.

- Họ nói ngôi nhà năm gian này dựng cho mấy chị em ở tạm che nắng che mưa. Tới đây muốn dựng nhà kiên cố, khang trang là do mình mua vật liệu, họ chỉ giúp sức.

Phan Vỹ chợt hỏi:

- Nghe nói mỗi người được đem theo bạc vàng tuỳ sức hả chị?

Chị của Phan Vỹ giải thích:

- Bạc vàng đem theo được bao nhiêu tuỳ sức, không được gánh, chỉ được cầm, xách. Duy có đồ thờ tự thì họ gói ghém cho vào rương, binh sĩ tháp tùng. Hôm qua mấy cô nữ binh có báo, mỗi nhân khẩu sẽ được cấp 1 sào ruộng khoán gì đó, hoa màu mỗi người năm thước, tính cả trẻ con, 3 năm không phải nộp thuế. Nếu mình vỡ đất khai hoang cứ mặc sức, đất ấy không bị tính thuế tận 5 năm. Phòng Nông nghiệp của huyện này sẽ cấp giống một lần tuỳ theo mong muốn.

Phan Vỹ chau mày thắc mắc:

- Họ lấy lòng chúng ta?

Người chị khẽ lắc đầu mà rằng:



- Dân làng bên cách đây hơn hai dặm là người Hán, họ cũng được cấp mọi thứ lúc mới đến y như vậy. Nghe nói chính sách ấy do Vạn Thắng vương ban, bất cứ ai cũng vậy.

Phan Vỹ tỏ ra ái ngại:

- Nhà ta nào có ai biết cày cấy?

Người chị Phan Vỹ nói:

- Tổ tiên mình cũng cày cấy mà ra, cậu đừng lo. Anh nhà chị cũng thông rồi, người khác sống được mình cũng sống được.

- Binh sĩ Thiên Đức đối đãi với nhà mình thế nào vậy chị?

Người chị ngoái lên mái nhà, nhìn những người lính mình trần, quần xắn cao, mỉm cười:

- Lúc đầu thì sợ họ nhưng giờ thì không, họ nói đây là trách nhiệm. Họ làm giúp mình, sau mình giúp người khác. Họ đối đãi với nhà mình không đặc biệt, cũng chẳng coi thường. Chị nghĩ mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi.

Phan Vỹ nhìn người chị chân lấm tay bùn, mồ hôi nhễ nhại, ướt khăn tang bỗng thở dài, cười buồn. Người chị động viên:

- Chấp nhận mọi chuyện cũng là cách cậu ạ. Sinh thời cha có nói, ông nội làm nông, mở lò dạy võ, đến đời cha mới là Sứ tướng. Chị phận đàn bà chẳng tỏ nhưng em cứ yên tâm thoả chí tang bồng. Nếu em không đầu quân mà về đây, chẳng lẽ cam chịu cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau?

Phan Vỹ khẽ gật, đáp rằng:

- Thực em chưa thể chấp nhận được mọi chuyện nhưng… chị nói phải.

- Cậu ở lại đây được mấy hôm?

- Chẳng có hạn định nhưng… để dựng xong mái nhà, sắp đặt ban thờ gia tiên lạy cha mẹ xong rồi em đi.

Người chị xoa đầu Phan Vỹ, hai chị em ôm nhau bùi ngùi.



- Quyết định đầu quân Thiên Đức dù đúng hay sai thì cậu cũng phải đi đến cùng. Sinh thời cha một lòng một dạ với quân vương, nay cậu theo chủ mới, phải cho thiên hạ biết họ Phan nhà ta hổ phụ sinh hổ tử nhé.

Hai ngày sau Phan Vỹ theo chân hai người lính về Tam Đái. Tâm trạng đã tốt hơn hẳn so với lúc tìm gặp người thân, Phan Vỹ bắt đầu để ý đến con người, cảnh vật trên đường đi. Từ làng Tam Đái đến sông Dâu không xa, qua thành Luy Lâu sầm uất trên bến dưới thuyền. Hai bờ sông Dâu trồng toàn mía là mía, tưởng như chẳng có thước đất nào bỏ hoang vậy. Ngang qua thành Bát Vạn, công cuộc cải cách diện rộng của Huyện trưởng Trần Thông ít nhiều khiến Phan Vỹ ngạc nhiên khi đường sá rộng thênh thang, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, làng mạc thanh bình. Thật khó tin khi nơi này chỉ đôi ba năm trước hàng nghìn tráng đinh Tam Đái đã bỏ mạng.

Hai người lính cùng đi với Phan Vỹ, quê ở phủ Tế Giang trả lời những câu hỏi trong hiểu biết của họ. Họ không ngại bộc bạch với Phan Vỹ mấy năm trước chính họ cầm giáo chống lại quân Thiên Đức, còn giờ đây họ nghĩ, đúng ra nên thống nhất giang sơn về một cõi để khỏi phải đánh lẫn nhau. Một người còn khoe vợ anh ta từng là nữ binh Thần Vũ quân, sau khi sinh một bé gái thì ra quân, làm việc giấy tờ trong xã. Và rằng sau khi Phan Vỹ về Tam Đái, anh ta được nghỉ phép 12 ngày về thăm vợ con, tranh thủ đúc thêm đứa nữa.

Anh ta hồ hởi nói:

- Tôi 24 tuổi, hết năm sau tôi ra quân sẽ xin công việc ở địa phương. Chính quyền ở các huyện, xã ưu tiên binh sĩ giải ngũ. Nếu tôi hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, tôi sẽ được thưởng rất nhiều khi về nhà.

Phan Vỹ hỏi:

- Nói vậy các anh vào quân là vì tiền?

Người lính đáp:

- Đâu phải muốn vào quân là được, làm gì cũng phải có tiền mới sống được. Cứ đem tiền về là vợ con khắc vui.

Phan Vỹ bắt lấy câu nói, hỏi dò:

- Vậy anh… và anh có trung thành với Vạn Thắng vương không?

Người lính tự tin trả lời:

- Tại sao lại không? Mọi thứ tôi đang có đều do Vạn Thắng vương tạo cơ hội. Trung thành với ngài ấy, bảo vệ ngài ấy chính là bảo vệ nồi cơm nhà mình, bảo vệ vợ con mình.

Người lính còn lại bổ sung:

- Chúng tôi trung thành với ngài ấy, ngài lo cho gia đình chúng tôi. Nói đúng ra, chỉ cần tôi vào lính, thực hiện nhiệm vụ được giao thì cha mẹ, vợ con sẽ có người chăm nom nên có c·hết cũng chẳng sợ. Tỉ dụ làng tôi bị sứ quân đến đánh g·iết, Vạn Thắng vương sẽ đòi lại công bằng. Vạn Thắng vương không bắt chúng tôi phải trung thành, không muốn phục vụ ngài thì về làm ruộng chả ai cấm. Chúng tôi trung thành với Vạn Thắng vương thì chúng tôi có mọi thứ.

Phan Vỹ lặng im, đi thêm một quãng lại hỏi:

- Vạn Thắng vương có dạy các anh thù dân Tam Đái chúng tôi không?

Hai người lính nhìn nhau rồi cùng cười lớn khiến Phan Vỹ thộn mặt. Một người lính nói:

- Anh bỏ qua nếu chúng tôi thất lễ, chúng tôi chẳng việc gì phải thù dân Tam Đái. Đứa trẻ con đầu để chỏm bây giờ đều nói người Vạn Xuân có chung tổ tiên, là anh em một nhà. Thôi thì anh em cũng có lúc hục hặc nhưng ruột thịt chẳng thể thay đổi được. Chỉ cần anh không chống Vạn Thắng vương, chúng tôi chẳng động gì đến anh.

Qua sông Nguyệt Đức, đến vùng phía Bắc châu Vũ Ninh cũ, nơi này mới thuộc quyền kiểm soát của Thiên Đức nên đường sá khó đi hơn. Riêng việc này thôi cũng khiến Phan Vỹ có nhiều tâm tư.