Chương 479: Chủ tịch Đảng Lao động Vạn Xuân
Trần Bá Tiên được cử vào thành Sơn Tây làm thuyết khách với mục đích đưa ra lời nghị hoà của Đông Chinh vương song thực tế hòng kéo dài thời gian, khiến Phùng Hiền lơ là, thuận lợi cho đại quân lùi về đóng căn cứ trong vùng đồi núi cao mà không bị đối thủ nhân cơ hội t·ấn c·ông. Trần Bá Tiên tự cho bản thân tài trí hơn người, làu thông kinh sử kim cổ nên tự tin một khi phải uốn ba tấc lưỡi. Đối thủ Trần Bá Tiên phải đề phòng, theo lời Đông Chinh vương và Ngô Tất Sắc, là Viên ngoại lang Nguyễn Chính Nghĩa. Tuy vậy Trần Bá Tiên vẫn chưa đánh giá cao hiểu biết cũng như trình độ của giới văn nhân Sơn Tây bởi trong mấy năm ở xứ này Trần Bá Tiên thực chưa gặp văn nhân học cao hiểu rộng. Hơn nữa, văn nhân Vạn Xuân nói chung vốn tiếp nhận kiến thức, sách vở từ phương Bắc, chỉ là đám học lỏm lỗi thời mà thôi.
Ban đầu Trần Bá Tiên đề nghị gặp Phùng Hiền nhưng quan tiếp sứ lại nói Phùng Hiền hiện tại bận việc nhà binh. Trần Bá Tiên muốn gặp Thái sư Lý Đạo Thành, quan tiếp sứ lại bảo Thái sư đau ốm nửa tháng nay không tiếp ai. Bá Tiên không để lộ vẻ khó chịu. Vừa hay quan tiếp sứ bảo rằng có thể đưa Trần Bá Tiên đến điện Trường Xuân (mùa xuân lâu dài). Trần Bá Tiên thoáng ngạc nhiên, cố giấu nụ cười đắc ý vòng hai tay cảm tạ quan tiếp sứ rồi sắm sửa y phục vào chầu.
Đón Trần Bá Tiên dưới thềm điện là một văn quan tuổi trạc tứ tuần, mắt sáng mũi thẳng, phong thái tự tin đĩnh đạc. Trần Bá Tiên lập tức đoán người này đích thị Viên ngoại lang Nguyễn Nhân Nghĩa chứ chẳng ai khác. Trần Bá Tiên đoán đúng bởi ngay sau đó văn quan giới thiệu danh tính, mời Trần Bá Tiên vào điện. Bước qua bậc cửa, Trần Bá Tiên thoáng nhíu mày khi ngai vàng trống trải, hàng ghế bằng gỗ quý khảm trai bên tả chẳng có ai ngồi. Những binh sĩ mặt lạnh như tiền đồng nghiêm trang đứng như tượng gỗ ngay đằng sau dãy ghế. Trần Bá Tiên nhướng mày liếc nhìn sang dãy bên hữu, ánh mắt dừng lại ở ghế xa nhất trong một thoáng. Ghế đó gần với ngai vàng và chỉ dành cho đại thần, có thể là Lý Thái sư. Trần Bá Tiên bước chậm, đầu hơi cúi xuống tự đặt vài câu hỏi.
Đất Vạn Xuân, hay Giao Châu, nam tả nữ hữu do ảnh hưởng hàng trăm năm dưới quyền người phương Bắc. Lý Nam Vương lên ngôi sắp đặt trăm quan cũng theo lệ các đại văn thần bên hữu, đại võ tướng bên tả. Vài năm sau đổi theo thứ hạng, chức vị đang nắm giữ. Tả tướng và đại văn thần giữ trọng trách lớn đứng bên tả, phó tướng cùng văn thần đứng bên hữu. Cứ chiếu theo cái lệ ấy thì người đang ngồi ở ghế đó hẳn dưới một người trên vạn kẻ nhưng tại sao lại là nữ nhân vận chiến phục?
Lục lọi trí nhớ, Trần Bá Tiên nhướng mày nhìn thêm lần nữa. Lúc này khoảng cách đã gần hơn, Trần Bá Tiên trông rõ một bên nhưng đủ nhận xét nữ nhân mang nét đẹp bế nguyệt tu hoa, khí chất rõ khác người. Nếu là vương hậu sao không ngồi trên ghế nhỏ cạnh ngai? Là vương nữ xuất giá càng không thể không hiểu phép tắc. Vậy nữ nhân này là ai? Trong thoáng giây nữ nhân quay ra nhìn, Trần Bá Tiên dường như quên mục đích của chuyến đi.
- “Một mỹ nhân, đích thực là một mỹ nhân!”
Đứng trước một nữ nhân hương diễm đoạt mục lại mang vẻ đằm thắm thì nam nhân nào cũng phải trầm trồ mà thôi. Mỹ nhân hơi ngước lên, nhìn thẳng khiến Trần Bá Tiên phải lảng tránh, hướng sự chú ý về đằng trước. Lý Nhân Nghĩa vừa dừng chân, hơi cúi người giơ tay trịnh trọng giới thiệu:
- Chủ tịch Đảng Lao động Vạn Xuân, thống lĩnh Thần Vũ quân Lý chủ tướng.
Trần Bá Tiên chắp tay chào, mặc cho Lý Nhân Nghĩa giới thiệu về mình, Trần Bá Tiên đang lục lọi trí nhớ. Mỹ nhân mang họ Lý và ngồi đây thì mười phần dòng tộc. Có điều Chủ tịch cái đảng Vạn Xuân lao động là chức vụ gì?
- “Thần Vũ quân, Thần Vũ quân… cái tên này nghe quen…. Chả phải đó là đội nữ binh dưới quyền Đại Thắng Lý Hoàng hậu Lý Thiên Bình sao? Thôi đúng! Ả ta tầm tuổi này, bảo sao khí chất cao sang! Sao ả lại ở đây? Ả ngồi đây chả lẽ Vạn Thắng vương đang ở thành Sơn Tây? Khốn thật, ta không hề nắm được thông tin này.”
Thiên Bình nhoẻn miệng cười xã giao, nàng cất giọng oanh vàng thánh thót kéo Trần Bá Tiên trở lại thực tại:
- Nghe danh Trần tiên sinh tài cao trí lớn đã lâu, mời tiên sinh an toạ.
Trần Bá Tiên cười đáp lễ rồi đến ngồi ghế đối diện theo hướng dẫn của Lý Nhân Nghĩa. Trước khi an toạ, Trần Bá Tiên hướng nhìn lên ngai như có ý thắc mắc. Lý Nhân Nghĩa đoán được bèn nói:
- Người tiếp Trần tiên sinh là Lý Chủ tướng đây. Tiên sinh hẳn biết rõ bệnh tình vương thượng.
Trần Bá Tiên khẽ gật đầu, nụ cười nửa miệng chợt tắt khi nhận thấy mỹ nhân ngồi đối diện đang nhìn. Quân hầu bưng trà lên, Trần Bá Tiên để ý thái độ cung kính của quân hầu thì chắc đến mười phần nữ nhân chính là Đại Thắng Lý Hoàng hậu chứ chẳng thể là ai khác.
- Ta nghe thiên hạ đồn thổi, Đông Chinh vương có ngàn môn khách và Trần tiên sinh xếp hàng đầu, liệu có đúng vậy không?
Trần Bá Tiên khiêm nhường đáp:
- Lời đồn trong thiên hạ chẳng thể biết thực hư, bậc đế vương sao có thể tin những lời sang tai của đám ngồi lê được chứ? Bỉ nhân chỉ là một trong số những văn sĩ được Đông Chinh vương ưu ái mà thôi.
Chỉ trong đôi ba câu mà Trần Bá Tiên vừa dò xét, vừa chửi xéo lại tỏ ra khinh miệt đàn bà. Thiên Bình gật đầu, vẻ mặt thản nhiên chẳng tỏ không bằng lòng.
- Nói như vậy hẳn Trần tiên sinh đã biết thân phận của ta, ta cũng không cần phải nói tường tận nhỉ?
Trần Bá Tiên nói:
- Lý Chủ tướng, Vạn Xuân này ngay cả mục đồng cũng biết Chủ tướng Thần Vũ quân Lý Thiên Bình vốn dòng dõi tiên vương nên bỉ nhân không phải đoán. Lý Chủ tướng là vương muội, ngồi ghế tả nên bỉ nhân càng dễ đoán.
Thiên Bình nói với Lý Nhân Nghĩa:
- Trần tiên sinh quả thông tuệ, Đông Chinh vương có mưu sĩ như Trần tiên sinh bảo sao Sơn Tây vương bao phen nguy nan, muốn dẹp chẳng được. Mấy lần vương huynh của ta định tự trói mình rồi giao ngôi báu cho Đông Chinh vương, may sao trời cao có mắt không để cơ nghiệp tiên đế rơi vào tay phường giá áo túi cơm.
Trần Bá Tiên biết Thiên Bình mắng nhưng bỏ ngoài tai vì bận nghĩ xem vì sao Thiên Bình lại có mặt ở đây và Vạn Thắng vương có đến cùng hay là không? Việc này vì nhiều lẽ mà vô cùng quan trọng. Trần Bá Tiên nể sợ Vạn Thắng vương dẫu thiên hạ đồn đại, lắm kẻ bêu rếu vị vương không biết chữ. Đọc sách nhiều, lang bạt nhiều giúp Trần Bá Tiên hiểu được một chân lý xưa nay phàm những kẻ dựng đại nghiệp, có mộng bá vương nào ai mù chữ. Mù chữ sao gầy dựng được thiên binh vạn mã? Chưa kể, trong thời gian lưu lạc đất Sơn Tây, Trần Bá Tiên nghe rất nhiều chuyện trong giới tinh hoa lẫn bần nông nên càng khẳng định Vạn Thắng vương cơ trí hơn người. Có vậy thì Tả Đô đốc tiền triều mới dốc lòng phò tá. Nếu Vạn Thắng vương có mặt trong thành Sơn Tây thì đối thủ mà Trần Bá Tiên phải đối mặt thực đáng sợ. Nghĩ đến mấy trận đánh gần đây đối phương lấy ít địch nhiều, điều binh khiển tướng xuất quỷ nhập thần trong khi chiến tướng trẻ măng, Trần Bá Tiên gần như khẳng định Vạn Thắng vương thực đang ở đây. Ngẫm vậy, Trần Bá Tiên mở lời hỏi thăm Vạn Thắng vương, Thiên Bình đáp một cách ỡm ờ càng khiến Trần Bá Tiên nghi hoặc.
Vòng vo một hồi, Trần Bá Tiên đổi chủ đề:
- Lý Chủ tướng vốn là hoàng muội của Đông Chinh vương và Sơn Tây vương nhưng nãy giờ Chủ tướng mỗi khi nhắc Sơn Tây vương đều gọi vương huynh…
Thiên Bình không vội trả lời, nàng nhìn ra cửa lớn cười buồn mà rằng:
- Tiên vương trên trời cao chẳng thể chấp nhận người con hai lần dấy binh làm loạn. Lần đầu… thôi thì cho là trẻ người non dạ, đế nghiệp chưa biết ai nối tiếp nên tranh giành cũng đành. Nhưng cái loạn ấy là mầm mống khiến cơ nghiệp tiên vương tạo dựng chia năm xẻ bảy. Bây giờ thì sao? Tuổi tứ tuần nào còn trẻ dại. Bao năm tiệc tùng trong thái ấp vương phủ tưởng đã an phận nhưng vì đám hạ nhân rác rưởi thổi tai mà làm loạn. Một kẻ bất nghĩa, bất tín và… bất nhân như vậy sao ta có thể gọi là vương huynh hay hoàng huynh cho được.
Trần Bá Tiên nghe vậy thì tức trong lòng nhưng chẳng dám nói ra miệng.
- Đông Chinh vương cũng dòng dõi tiên vương cớ sao không được phân đất mà chỉ có danh hão? Bổng lộc phải chờ ban cho mới có? Lý Chủ tướng giảng giải giúp bỉ nhân.
Thiên Bình nhẹ nhàng hỏi lại:
- Tiên sinh không hiểu hay cố tình không hiểu? Bách tính Sơn Tây quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời mới đủ cái ăn cái mặc. Đông Chinh vương có tay có chân lại ngồi đó hưởng lộc ban, gia nhân trăm kẻ hầu cận. Nếu tiên sinh chưa biết, ta nhắc tiên sinh nhớ rằng Đông Chinh vương còn giữ được mạng là bởi vương huynh và Lý Thái sư cắt đất, đổi bạc vàng cùng nhiều người khác xin cho. Đúng ra Đông Chinh vương phải nhìn vào đó mà giúp sức gầy dựng Sơn Tây giàu mạnh chứ không phải dấy binh phất cờ khiến bách tính lầm than. Ta nói bất nhân chính là ở chỗ ấy.
Trần Bá Tiên vẫn chẳng đổi sắc mặt, nhấc chén trà đặt lên miệng nhấp một ngụm thầm nghĩ:
- “Ả này không vừa! Tranh cãi bọn đàn bà ngang ngược sẽ chẳng bao giờ thắng được. Nếu ta khiến ả nóng giận thì đại sự hỏng mất.”
Trần Bá Tiên nhã nhặn bảo rằng chỉ nghe phong thanh chuyện ấy song chẳng tỏ tường. Đồng thời nương theo ý đó, đưa ra đời nghị hoà. Thiên Bình hỏi, ánh mắt có phần tinh nghịch:
- Tiên sinh thử nói xem tại sao hai bên phải nghị hoà và… tại sao Đông Chinh vương trở về thái ấp như chưa hề có cuộc binh đao? Vậy hàng nghìn người t·hiệt m·ạng ngoài sa trường, bách tính khốn đốn chỉ như một trò chơi con trẻ ư?
Trần Bá Tiên mềm mỏng thưa rằng:
- Đông Chinh vương không muốn bách tính thêm phần khốn đốn, lại không luôn quân sĩ m·ất m·ạng oan uổng nên bỉ nhân mới đến xin nghị hoà. Ấy cũng là vì đại cuộc, vì bách tính đó ạ.
Thiên Bình không giấu nụ cười có phần khinh miệt. Nàng khẽ lắc đầu nói rằng:
- Làm loạn cũng do ông ta, nghị hoà cũng là ông ta muốn. Giả như ta không muốn thì sao? Tiên sinh học cao hiểu rộng hẳn biết người ta chỉ nghị hoà khi bất phân thắng bại mà thôi.
- Thưa Chủ tướng! Binh mã hai bên kẻ tám lượng người nửa cân mà đều dân Sơn Tây cả. Anh đánh với em, cha con chống lẫn nhau thực là sai lắm. Đông Chinh vương đã hiểu ra cái lẽ ấy nên…
Thiên Bình giơ tay ngắt lời Trần Bá Tiên bảo rằng:
- Nhờ tiên sinh chuyển lời tới Đông Chinh vương, nếu ông ta thực lòng hối cải, muốn nghị hoà rồi an phận ở thái ấp thì hãy tự trói mình quỳ gối ngoài Tả môn.
Trần Bá Tiên nhướng mày nhưng rất nhanh, ánh mắt dịu lại.
- Bỉ nhân sẽ chuyển lời nhưng… bỉ nhân chỉ là môn khách. Đông Chinh vương cần thì giờ để trù liệu ạ.
- Ông ấy cần bao lâu để suy ngẫm đây?
Trần Bá Tiên ra chiều suy tính rồi quả quyết:
- Xin Chủ tướng cho đến chiều mai, nếu Đông Chinh vương thuận theo lời Chủ tướng thì hay biết mấy. Còn như… còn như khúc mắc, bỉ nhân xin được diện kiến Chủ tướng để nghị sự thêm ạ.
Thiên Bình gật đầu:
- Được thôi! Để tiên sinh thấy ta không phải kẻ hẹp hòi, ta đợi Đông Chinh vương đến chập tối. Phiền tiên sinh nói giúp, nếu ta không thấy Đông Chinh vương của quỳ gối dập đầu tạ tội ngoài Tả môn thì hãy để đao kiếm thay lời vậy.
Trần Bá Tiên lại hỏi một câu:
- Lý Chủ tướng là mỹ nhân nhưng khí chất bất phàm, quyết việc nhanh gọn, bỉ nhân xin bái phục. Bỉ nhân hãy còn lấn cấn lắm, chẳng lẽ Lý Chủ tướng không có chút tình máu mủ nào với Đông Chinh vương ư?
Thiên Bình đáp luôn mà chẳng cần suy nghĩ:
- Người Vạn Xuân có câu “thuyền theo lái, gái theo chồng” còn như quê của tiên sinh hẳn đề cao tam cương ngũ thường. Trước ta là con cháu họ Lý, nay vẫn con cháu họ Lý, dòng dõi tiên vương nhưng Vạn Thắng vương họ Mạc. Họ Mạc có gia quy khác với họ Lý nhưng cũng xây trên nền tảng ngũ thường. Nếu Đông Chinh vương biết hối lỗi, ta nghĩ Vạn Thắng vương sẽ rộng lòng suy xét.
Trần Bá Tiên cảm thấy đã đạt được mục đích bèn hỏi thêm dăm câu vô thưởng vô phạt rồi xin cáo lui, không quên ca ngợi tấm lòng bao dung độ lượng của Sơn Tây vương?! Lý Nhân Nghĩa tiễn khách xuống tận thềm điện, đứng trông theo bóng Trần Bá Tiên khuất hẳn mới xoay người trở vào và ngạc nhiên khi Thiên Bình đứng giữa cửa lớn nhìn ra, biểu cảm lộ rõ vẻ hài lòng như thể vừa hoàn thành một việc như ý.