Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 415: Rời làng về phủ




Chương 415: Rời làng về phủ

Trên đường đến làng Trung An, quân Thân Vệ giả trang báo cho Vi Thọ Kỳ ngồi chờ ở đầu làng, rằng ông thầy tướng số kia đang hớt hải thu dọn, gói ghém đồ đạc như thể chạy loạn. Chương biết nhưng vẫn thong thả lắm.

Lương Tích Am dẫn Chương đến cổng làng Trung An thì dừng chân, nói lời từ biệt. Chương hỏi:

-Anh tài trợ cho em tận năm chục nén bạc mà em không đưa anh đến tận nhà ông ta?

Lương Tích Am thản nhiên đáp:

-Anh cho vay chứ tài trợ là sao? Em vay em trả. Em nhận công dẫn đến cổng làng thì em dẫn đến cổng làng còn gì.

Chương nháy mắt một cái:

-Trả thêm dăm đồng dẫn anh đến cổng nhà ông ta.

Lương Tích Am lắc đầu quầy quậy:

-Nãy em cần tiền chứ giờ không cần. Cổ nhân dạy, ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Anh vào trong ấy hỏi người lớn tuổi người ta chỉ cặn kẽ mà chẳng tốn tiền. Em vẫn cứ là khuyên anh nên học chữ, biết nhiều rồi anh sẽ không tiêu tiền kiểu tuỳ hứng nữa. Hẹn anh chị 10 năm nữa em trả đủ.

Nói rồi Lương Tích Am co giò chạy về hướng làng Lũng Đông, mặc cho Chương gọi với theo. Anh cười khổ:

-Thằng bé này rất thú vị, rất thú vị.

Anh hỏi Thọ Kỳ:

-Ông ấy vẫn ở nhà hả?

-Dạ, người của mình vẫn ở quanh làng, chưa thấy ông ta đi ra, kể cả lối sau đồng ạ.

-Làng này lớn gấp ba làng Lũng Đông ấy nhỉ? Chả vội, tạt qua trường học xem thế nào.

Chương vào làng, hỏi thăm đường đến trường học. Trường Trung An có ba dãy nhà ngang lợp mái tranh. Quanh trường có hàng rào bằng tre quấn đầy các loại dây leo, cổng trường cũng bằng tre, một tấm bảng gỗ hình chữ nhật treo lủng lẳng trên cao đề tên trường bằng song ngữ.

Buổi chiều trường vẫn có vài lớp học, nhìn thoáng qua lác đác mấy tráng niên và thiếu nữ học cùng đám trẻ đồng ấu. Giữa khoảng sân đất rộng rãi có cột cờ treo kỳ hiệu hổ trâu. Trường nằm trong làng, chẳng có người trông coi. Các thầy cô giáo ở luôn trong làng hoặc dãy nhà tương đối kiên cố phía sau trường.

Trông thấy bóng dáng Chương thơ thẩn cùng hai người phụ nữ, một ông trung niên tóc muối tiêu, dáng hom hem lại gần hỏi chuyện:

-Xin hỏi anh chị đây đến thăm trường có việc gì hay không?

Chương đáp lời:

-Chào chú! Chúng tôi là lữ khách, đến nhờ ông Bình Khiêm xem tướng cho mà chẳng được. Tôi thấy ngôi trường nên tạt vào ngó nghiêng một tí.

-À vâng! Mời anh tự nhiên.

Người đàn ông trung niên quay lưng bước đi, được một quãng Chương như sực nhớ điều gì bèn cất tiếng gọi, bước nhanh đến hỏi:

-Tôi không biết đường đến đây, may có em nhỏ tên là Lương Tích Am, người làng Lũng Đông dẫn lối cho. Em ấy bảo là học trường này. Tôi chưa kịp cảm tạ mà em ấy chạy biến mất. Chú có biết em ấy không?

Người đàn ông nhăn trán suy nghĩ trong giây lát mới trả lời:



-Cái thằng gầy gầy, da đen nhẻm, hai mắt to ấy à? - Ông ta thở dài. - Nó đến trường nhưng ít vào lớp. Nó hay đứng ngoài cửa sổ nghe các lớp trên học.

Chương thắc mắc:

-Ôi, nơi này không có quy củ gì ư?

Người đàn ông cười, tặc lưỡi:

-Chả giấu gì cậu, quy củ nề nếp thì có, ai cũng tuân theo cả. Nó thì không.

-Ồ, thằng bé là con nhà quan hả chú?

-Nó mồ côi cha, nhà cũng chỉ đủ ăn. Quy định của Bộ Giáo dục là không được để trẻ con thất học. Thằng bé ấy nó thông minh, sáng dạ. Nó xin học cái lớp 5 nhưng không được nên mới thế. Nếu bắt nó ngồi trong lớp của nó, nó sẽ ngủ. Hỏi gì nó cũng trả lời được ở cấp lớp ấy, kể cả cái lớp 4.

-Thì cho nó học lớp 5 gì đó đi.

-Cậu người lạ nên không biết. - Người đàn ông phân trần. - Làm gì cũng phải tuần tự. Biết là nó sáng dạ nhưng quy định là quy định. Tôi có viết đơn trình bày lên cấp trên hơn hai tháng nay nhưng chưa có hồi âm. Tôi muốn xin cho nó học lớp 5.

-Nói vậy chú đây là chủ trường.

-Tôi là Hiệu trưởng thôi. Trước tôi là thầy đồ.

-Chú làm vậy là phải. Nhân tài cũng nên có chút ưu tiên để phát huy.

-Biết vậy nhưng đang loạn lạc, quan trên còn bao nhiêu việc.

-Thằng bé đó sáng dạ hơn người thật hả chú?

-Có tài có tật! - Người đàn ông cười. - Cái tật của nó không xấu nên tôi với các thầy cô giáo đều nhắm mắt cho qua. Cái thằng bé ấy nó hỏi nhiều câu cắc cớ, chả ai biết ra làm sao mà trả lời trả vốn.

-Tôi cũng thấy nó khang khác nhưng chẳng để ý. À… trời lạnh thế này mà nó mò cua bắt ốc dưới ao đấy chú ạ.

Người đàn ông phì cười:

-Nhiều người bảo nó đâm dớ vì bố mất sớm. Tôi cũng khuyên đôi ba lần mà nó có chịu nghe đâu. Hồi xưa tôi nghĩ trời tròn đất vuông, Vạn Thắng vương có dạy đất tròn chứ không vuông. Nó cũng hay suy tư việc ấy. Hồi mùa hè, nó còn đứng giữa trời nắng đo giờ, so sánh với nước nhỏ theo canh. Một thằng bé rất lạ.

-Nó có khoe với tôi là học lóm chữ Hán, chú biết không?

-Tôi dạy lớp chữ Hán, nó hay mò vào xem. Nó viết rất đẹp. - Người đàn ông than thở. - Còn đẹp hơn chữ học trò tôi dạy. Tôi nghĩ thằng bé có tài nên cũng ưu tiên. Nó từng hỏi tôi rằng con voi nặng cụ thể bao nhiêu cân đấy.

-Cân vói có gì khó. - Chương đáp.

-Cậu tính xẻ thịt voi rồi cân từng miếng một ư? Không đơn giản như cậu nghĩ đâu, chàng trai ạ.

Chương không nói thêm, chỉ gật gù. Người đàn ông thấy Chương có vẻ quan tâm Lương Tích Am bèn hỏi thêm:

-Cậu biết không? Nó từng nói với tôi, nên đề đạt Bộ Giáo dục đổi cách tính dặm, trượng với thước vì chẳng chính xác gì đó. Lạ chưa?



-Lạ, rất lạ! Nhân tài đấy chú ạ. Trường ta nên ưu ái nó.

-Thì tôi cũng cho là vậy, ngặt nỗi trường làng chỉ là trường làng. Ngay đến tôi còn chưa đi hết đất Nam Sách, chẳng thể giải đáp hay giúp cho nó được. Mà chẳng hay cô cậu người ở đâu tới?

-Chúng tôi bên Kinh Môn, là thương nhân.

-Nhìn dáng dấp cậu thư sinh nho nhã, tôi cứ nghĩ con nhà quan hay cán bộ.

-Tôi làm lái buôn. - Chương đáp. -Cũng cố ra vẻ vậy thôi chứ chữ nghĩa thực chẳng biết.

Người đàn ông trung niên tỏ ra ngạc nhiên. Chương cười hiền lành:

-Chú tên gì ạ?

-Người làng gọi tôi là ông giáo Cự.

-Tôi họ Lý, thường gọi là Thiên An. Hôm nay tôi tính nhờ ông Khiêm trong làng xem hậu vận giúp mà chẳng được.

Chương lấy trong người ra mấy nén bạc, anh nói thêm:

-Tôi thấy cơ sở vật chất trường ta còn thiếu nhiều. Tôi có thể quyên góp chỗ tiền này cho nhà trường được chứ?

-Cảm ơn anh đã có lòng! - Ông giáo già xua tay. - Trong làng có chùa, Lý thiếu gia công đức ở nơi đó sẽ phù hợp. Tôi thay mặt mọi người ở đây cảm tạ thiếu gia. Trường là của Nhà nước, chúng tôi không thể nhận.

Chương gãi đầu cười ngượng ngùng, cất bạc vào người. Anh nói:

-Chú nói phải. Tôi không biết nhiều phép tắc thành ra… tôi xin lỗi chú.

-Không có mà, không có! Thiếu gia đừng hiểu lầm. Tấm lòng của thiếu gia thì tôi nhận, tiền bạc vốn là vật ngoài thân, chúng tôi là người Nhà nước phải chăm lo cho bách tính chứ không nhận tiền bạc được.

Chương chống tay vào hông, thở dài:

-Kể ra mấy ông nhà giàu nên san bớt của cải xây trường mới phải.

Nói thêm dăm ba câu, Chương từ biệt ông giáo già trong tiếng ê a của những đứa trẻ trong lớp học vọng ra. Anh cảm thấy vui. Ông giáo già tuổi đâu đó gần ngũ tuần lại liêm khiết đến vậy. Nếu có nhiều kẻ sĩ giống như ông giáo Cự chịu cống hiến cho chế độ mới mà Chương đang vun đắp mỗi ngày, đất Vạn Xuân này sẽ sớm cường thịnh mà thôi.

Vi Thọ Kỳ và hai người khác dẫn lối cho Chương đến nhà ông thầy chiêm tinh. Ngoài cổng có hai lính Thân Vệ giả trang nông dân canh giữ. Thấy Chương đến, họ cúi đầu chào rồi lui ra sau. Nhã Lâm đẩy nhẹ cánh cổng gỗ, âm thanh cót két vang lên. Chương chắp hai tay sau lưng, bước những bước chậm rãi trên lối nhỏ lát gạch thẻ dẫn vào khoảng sân cũng lát gạch. Hai bên lối đi trồng đủ các loại hoa.

Tiểu đồng ban sáng Chương gặp ngoài chợ chạy ra chào, mời Chương vào nhà. Đồ đạc, tư trang của gia chủ ngổn ngang từ bậc thềm vào tận trong gian nhà chính. Chương bước đến bậc cửa đã thấy nhà chiêm tinh họ Nguyễn quỳ phục ngay giữa nhà. Đằng sau ông là hai bà vợ cùng mấy người con.

-Người làng này đón khách bằng đại lễ như này ư, thầy Khiêm?

Nguyễn Bình Khiêm vái liền hai cái, cúi mặt đáp:

-Nửa đời người tiểu nhân xem vận số cho người nhưng chẳng thể bói quẻ cho mình. Hôm nay là ngày đại hung, vận số nhà họ Nguyễn Trung An xem như đã tận.

Chương khoanh tay đứng tựa bên cửa, ngạc nhiên hỏi:

-Ồ! Ông không xem được số cho bản thân, sao biết được nay ngày tận?

-Tôi từng xem cho nhiều vương tôn công tử, tôi chưa bao giờ đoán sai.



-Tôi tò mò nên quá bộ đến gặp thẩy, mong thầy bói cho một quẻ xem ngày sau thế nào.

-Đại nhân xin đừng chấp tiểu nhân! - Nguyễn Bình Khiêm nói. - Tiểu nhân thực không thể xem được gì cho đại nhân đây.

-Tôi cũng viết chữ rồi còn gì?

-Đại nhân! Ngài chỉ tiện tay viết bừa một chữ, lại là chữ “Nhất” phượng múa rồng bay. Tiểu nhân vừa trông thấy đã bạt vía kinh hồn, thần trí điên đảo. Tiểu nhân từng ba hoa có thể xem vận số của một người cho đến khi họ nằm xuống. Vậy mà… thưa đại nhân! Tiểu nhân không muốn biết thân thế của ngài, chỉ mong ngài cho tiểu nhân một đường sống.

-Vạn Xuân có phải nơi vô pháp vô thiên đâu. Tôi chỉ là một người qua đường, sao có thể quyết định vận mệnh của người khác cho được?

-Người lập ra đất Vạn Xuân có thể làm vậy, bậc đế vương muốn ai sống người đó sẽ chẳng thể c·hết.

Chương nghĩ:

-“Mình có lộ gì không mà lão này nhìn mỗi cái chữ viết qua loa lại như thể trông thấy tử thần nhỉ?”

Song vẫn điềm nhiên hỏi:

-Thật ông không xem được giúp tôi ư?

-Xưa nay phận con dân không thể nào xem được con trời. Tiểu nhân mong đại nhân rộng lượng, bỏ quá cho tiểu nhân tội mạo phạm.

Chương quay lưng định ra về, đặt chân xuống bậc thềm, anh dừng lại, ngẩng đầu, nheo mắt nhìn bầu trời cao vời vợi:

-Trời này còn có trời khác rộng hơn, nếu bản thân có tài nên ra giúp bách tính, chịu cực khổ đôi chút vẫn đáng hơn ở chốn yên bình này. Người phương Bắc tài thuật số, cớ sao người phương Nam lại không?

Dứt lời, anh nhẹ nhàng bước ra cổng. Mãi đến khu tiếng cót két đã qua một lúc, Nguyễn Bình Khiêm thấm mồ hôi lạnh, nói với người nhà:

-Mau thu dọn đồ đạc về phủ Thiên Đức.

Người vợ trẻ ngạc nhiên:

-Sao nãy ông bảo sang bên Đằng Châu?

-Đằng cái gì mà đằng? Trốn lên phương Bắc may ra mới thoát. Phương Nam này đều của họ Mạc.

-Ông nói cái gì thế? Chưa già đã lẩm cẩm.

-Hả? Mụ không nghe à? Người vừa rồi chính là Vạn Thắng vương đấy. Ngài đã nói rõ ý vậy rồi, nếu không ra giúp nước thì chỉ có đường sang nước khác mà sinh sống.

-Tôi chả hiểu cái gì sất.

-Đúng là đồ đàn bà, đái không qua ngọn cỏ, nghĩ không quá tầm mắt. Cái xứ này, người duy nhất tôi không thể xem được vận số chính là vua! Vua đấy! Muốn mất đầu hết lượt à? Nhìn mấy người giả trang nông phu lởn vởn ngoài cổng từ sáng không? Mụ bước ra là người ta gô cổ ngay.

Bà vợ cả vẫn lẩm bẩm:

-Nào có giống vua chúa gì? Y hệt lái buôn.

-Y phục có thể giả, thần thái thì không. Đừng có nói nhiều, mau lên không c·hết cả nút bây giờ.

Kể từ đó, nhà họ Nguyễn không còn ở làng Trung An nữa. Già trẻ lớn bé hơn chục người vừa đi vừa chạy hòng bắt kịp bóng dáng những người đang thảnh thơi bách bộ trên con đường đất chạy giữa cánh đồng lúa vừa mới gặt xong.