Chương 405: Thuyết khách Đào Ứng Bình
Lúc binh quyền còn trong tay Đào Ứng Bình, Dương Cự Vọng giữ chức Hữu Tướng quân, Khổng Chiêu Hà nắm thuỷ quân. Đào Ứng Bình biết Dương Cự Vọng có tính nghi kị, nhỏ nhen, dựa hơi Phạm phu nhân làm nhiều điều xằng bậy. Bởi vậy Đào Ứng Bình tiến cử Khổng Chiêu Hà nắm binh quyền. So về khả năng cầm quân, Dương Cự Vọng dưới Khổng Chiêu Hà một bậc.
Khổng Chiêu Hà có cha là điền chủ, gia thế rất tốt. Nếu bồi dưỡng thêm đôi ba năm ắt sẽ trở thành rường cột của Phạm Lệnh công. Có điều… quả chín ép thường không được ngon cho lắm.
Đào Ứng Bình nể trọng Dương Khoan, xem Dương Khoan là tiền bối. Bởi lẽ thân phụ của Ứng Bình là Đào Đương là một trong những người cùng Dương Khoan lập ra trại Phủ Sóc ba chục năm về trước. Thân phụ Đào Ứng Bình có tài thao lược, được Phạm Lệnh công trọng dụng. Đó là nền tảng giúp Đào Ứng Bình nắm binh quyền. Dương Khoan tính tình ngay thẳng, hay nói lời khó nghe nên mất lòng nhiều người. Ngay cả Đào Đương vốn chỗ giao tình mà Dương Khoan cũng chẳng mấy khi nể mặt. Bởi thế bao nhiêu năm qua, Dương Khoan vẫn chỉ là người cai quản một trại huấn luyện mà thôi.
Đào Thanh Nê theo học Dương gia côn, là huynh đệ của Dương Vũ Thư. Đào Ứng Bình rất quý Vũ Thư. Trái ngược với người cha cố chấp, Dương Vũ Thư hiểu chuyện hơn. Đào Ứng Bình từng có ý định dìu dắt Thanh Nê và Vũ Thư trở thành rường cột trong quân. Thanh Nê mất, Lưu Xưởng mất, quân đại bại khiến Đào Ứng Bình ngộ ra nhiều điều. Nhất là Ứng Bình nhận thấy bản thân tự huyễn hoặc tài năng xuất chúng.
Quân Thiên Đức quá mạnh, nếu đánh nhau với họ, phần thắng sẽ rất thấp mà thiệt hại nhân mạng thật khó mà đong đếm được. Dương Cự Vọng bất tài, chống quân Thiên Đức chẳng khác nào lấy trứng chọi đá. Thôi thì đưa ra một kế, bảo toàn tính mạng cho những tướng trấn trại khiến Dương Cự Vọng mau thất trận cũng là một ý hay. Cự Vọng bại trận sớm ngày nào, thiệt hại nhân mạng của quân Đằng Châu đỡ chừng ấy. Một kế lộ liễu và sơ đẳng như vậy mà Dương Cự Vọng vẫn làm, càng chứng tỏ khả năng của Vọng.
Đào Ứng Bình thở dài, nói thẳng ra suy nghĩ trong lòng và hỏi Yết Kiêu:
-Chẳng hay tại sao quan nhân biết tại hạ là người mách kế ấy?
-Tôi cứ nghĩ đó là do Dương Cự Vọng. Chúng tôi bắt được một số thám mã, một trong số đó khai rằng, thuộc hạ của Phạm Lệnh công đã đến hỏi đại nhân và cũng chính anh ta chuyển lệnh của Phạm Lệnh công đến Dương Cự Vọng. Chúng tôi bàn định với nhau, có hỏi thêm Dương sư phụ về đại nhân. Tổng hợp nhiều nhận định, chúng tôi khẳng định đại nhân chính là người giúp chúng tôi một tay.
Đào Ứng Bình cười đau khổ:
-Đến cái việc bảo mật sơ đẳng trong quân mà còn chẳng để tâm, sao làm việc lớn được đây.
Yết Kiêu nói thêm:
-Nhờ đại nhân mà chúng tôi giảm đi nhiều trận đánh không cần thiết. Tôi thay mặt quân Thiên Đức ở Đằng Châu cảm tạ đại nhân.
Đào Ứng Bình lắc đầu:
-Tại hạ làm vậy chỉ vì không muốn Đằng Châu này thây c·hết đầy nội, nơi nào cũng tan hoang như bãi chiến trường.
-Dương sư phụ có nhờ tôi gửi lời hỏi thăm đến đại nhân.
-Ồ vâng! Ông ấy vẫn khoẻ mạnh chứ ạ?
-Ông ấy đang gặt lúa! - Yết Kiêu cười và đáp.
-Ban nãy quan nhân có nói đến tệ xá tính nhờ tại hạ việc gì?
Yết Kiêu quay nhìn sang Lê Phụng Hiểu. Bấy giờ Lê Phụng Hiểu mới lên tiếng:
-Thưa Đào đại nhân! Chúng tôi nhờ đại nhân làm thuyết khách, kêu gọi Dương Cự Vọng đầu hàng, như vậy sẽ giảm tổn hại nhân mạng không cần thiết.
Đào Ứng Bình nhíu mày:
-Thiên Đức quân binh hùng tướng mạnh, nay đại quân đã kiểm soát khắp nơi, chiến thắng trong nay mai. Thú thật, tại hạ với Dương Cự Vọng bằng mặt không bằng lòng. Chuyện này phải khiến quan nhân và các ngài đây thất vọng.
Lê Phụng Hiểu ôn tồn giải thích:
-Chúng tôi có thể giải quyết đạo quân cố thủ của Dương Cự Vọng chỉ trong nửa ngày. Phân nửa quân của ông Vọng là dân binh mới trưng tập, còn cả dân thường. Chúng tôi thực không muốn hại đến bách tính, cũng chẳng muốn máu chảy đầu rơi giữa người Vạn Xuân với nhau.
Đào Ứng Bình im lặng, Lê Phụng Hiểu lại nói:
-Vạn Thắng vương là người kế thừa ngôi báu của Lý tiên vương. Ngài ấy có chiếu chỉ, ấn tín truyền quốc và kiếm lệnh, những thứ ấy đủ hiệu triệu thiên hạ. Bách tính Đằng Châu là con dân của Vạn Thắng vương. Ngài lệnh cho chúng tôi phải giảm thiểu thiệt hại sinh mệnh bách tính. Bởi lẽ đó chúng tôi mới tìm đến đại nhân nhờ cậy. Đại nhân có thể không phục nhưng sự thật vốn là vậy. Tôi từng là Tả Thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ phụ vụ Trữ quân. Tôi theo di chiếu mà tìm về Thiên Đức phụng sự Vạn Thắng vương và Lý Hoàng hậu.
Đào Ứng Bình nhướng mày nhìn Lê Phụng Hiểu, nhìn sang Yết Kiêu:
-Thiên hạ từ nay đổi sang họ Mạc, có phải vậy không, thưa đại quan nhân?
-Lê Phụng Hiểu đại nhân hay tôi đều trung thành với Công chúa Lý Thiên Bình. Công chúa là Hoàng hậu, đã nhường ngôi báu cho Vạn Thắng vương. Về tình về lý, thiên hạ đã chuyển từ họ Lý sang họ Mạc. Tôi biết Đào đại nhân còn băn khoăn nhiều chỗ, nhưng sự thực bày ra trước mắt, thật khó chối bỏ. Phạm Lệnh công tận dụng lúc xã tắc không ai coi sóc, đứng lên chăm lo cho dân Đằng Châu. Vạn Thắng cương ghi nhận công lao ấy. Nước chỉ có một vương, giang sơn thu về một mối, có vậy dân chúng bớt cơ cực lầm than. Vạn Thắng vương đã hai lần bố cáo thiên hạ, yêu cầu các sứ quân giải giáp. Nay chúng tôi phải động binh là thực hiện mệnh lệnh của vương. Đào đại nhân rộng lòng giúp cho, quân dân Đằng Châu bớt cảnh c·hết chóc, họ mang ơn đại nhân. Đào đại nhân không nguyện giúp, chúng tôi cũng chẳng ép buộc vì đại nhân là thứ dân. Thưa đại nhân, đất nước Vạn Xuân này có trở nên hùng cường hay không cũng phụ thuộc phần nào vào bách tính Đằng Châu. Mỗi người dân Đằng Châu cũng nên ra sức phò vương giúp nước mới phải chứ.
Đào Ứng Bình suy ngẫm một hồi mới đáp:
-Xin đại quan nhân và các ngài thư thư cho tại hạ một vài hôm. Chuyện này đường đột quá, đâm ra tại hạ nghĩ chưa thông.
Yết Kiêu vui vẻ đồng ý, ngồi lại thêm một lúc hỏi thăm chuyện làng chuyện xóm trước khi cáo từ. Trên đường về trại, Yết Kiêu hỏi Lê Phụng Hiểu:
-Chú Hiểu thấy thế nào? Liệu ông ta có thuận giúp chúng ta không?
-Nếu ông ta đã mách ngu kế cho tay Vọng, góp sức đào huyệt cho Vọng, ta nghĩ ông ấy sẽ giúp. Dương sư phụ có nói, trong tay Vọng hiện tại vẫn còn một số tiểu tướng từng là thuộc hạ thân tín của Đào Ứng Bình. Ngẫm ra Ứng Bình này là tay sống có nghĩa khí, dám làm dám nhận. Từ bỏ binh quyền chẳng phải việc dễ. Người ta lao tâm khổ tứ, dùng mọi thủ đoạn hòng đạt được. Vậy mà chỉ đại bại một trận, không tính là tổn hao nguyên khí mà..
-Một người thâm trầm, chú có nghĩ thế không?
Lê Phụng Hiểu khẽ nhún vai, tỏ vẻ đồng tình:
-Sau một cú ngã, con người ta đổi tính nết. Ta bây giờ khác hẳn ta lúc ở kinh thành.
-Nếu ông Bình không giúp chiêu hàng, chúng ta đánh cho xong. Nay mai lúa gặt hết lượt, cần thời gian ổn định tính toán vụ mới chú ạ.
-Cháu có từng nghĩ tại sao Vương lại chọn thời điểm t·ấn c·ông Đằng Châu và Sơn Nam Hạ lúc này mà không phải gặt xong không?
-Để tạo bất ngờ về thời điểm. - Yết Kiêu đáp.
-Ta lại chẳng nghĩ vậy, dường như Vương còn có dự tính nào đó lớn hơn.
-Ý chú là…?
-Có đến mới biết Đằng Châu đất rộng người đông, cánh đồng lúa bạt ngàn.
-Nhưng năng suất trên một sào chỉ bằng sáu, bảy phần so với ruộng ta thu hoạch hồi giữa năm chú ạ.
-Người ta nhìn vào có khi nghĩ Vương chiếm Đằng Châu vì thuận lợi nhiều lẽ nhưng ta nghĩ, Đằng Châu rồi sẽ là rốn lúa của cả phủ. Đằng Châu mà xong, Tam Đái sẽ là mục tiêu tiếp theo. Chúng ta muốn cùng lúc đánh nhiều nơi, bên cạnh binh hùng tướng mạnh phải ăn no bụng. Ta đồ rằng Vương muốn tích lương, đồng thời… Đằng Châu và Sơn Nam Hạ như hai vọng gác khoá chặt Xích Giang. Sơn Tây, La thành, Đỗ Động Giang, Tam Đái sẽ chẳng còn thông thương ra bể được nữa.
-Vương khá trọng giới thương nhân, lẽ nào cấm họ buôn bán với các sứ quân khác?
-Kẻ mạnh có quyền đặt ra luật lệ, mọi người phải tuân theo. Thương nhân muốn kiếm tiền cũng phải nhìn sắc mặt Vương, ta nói không sai đâu. Lệnh cấm ban ra, ai buôn bán với các sứ quân khác tự nhiên sẽ gặp hoạ.
Yết Kiêu gật đầu đồng tình.
-Bảo sao cứ yêu cầu ba quân gặt lúa! - Yết Kiêu cười. - Huấn luyện ba quân gặt lúa thành thục để nay mai gặt hộ người khác nữa ư?
-Sơn Tây, La Thành và Đỗ Động Giang rất nhiều lúa. Có lẽ Vương muốn chúng ta tự thu hoạch, tránh đối thủ gặt về, lúc cần kíp lại phóng hoả đốt lương. Ây! Lương có thể nợ nhưng đói bụng chẳng ai muốn tuân lệnh cấp trên đâu. Có trung thành cũng chẳng còn sức vung đao. Xưa nay loạn lạc đa phần do đói kém mà ra. Vương để tâm đến lương thảo, chú trọng cái đó, chính là tính kế lâu dài. Đằng Châu dân chẳng ít hơn hai mươi vạn. Vương nắm được Đằng Châu, thế cục Vạn Xuân xem như đã hình thành. Toàn bộ vùng Tây Vạn Xuân đã thuộc về Thiên Đức chúng ta. Sắp tới bên thuỷ quân sẽ bận rộn lắm đây.
Quả nhiên như Lê Phụng Hiểu dự đoán, ngày hôm sau Đào Ứng Bình cùng hai gia nhân đến cổng quân doanh xin gặp Yết Kiêu, đồng ý làm thuyết khách.
Dường như đoán được ý định của quân Thiên Đức sẽ dùng Đào Ứng Bình và Dương Khoan chiêu hàng quân sĩ, khiến lòng quân dao động. Dương Cự Vọng đã thay một số tướng lĩnh thân tín của Đào Ứng Bình. Ứng Bình và Dương Khoan dưới sự hộ vệ của quân Thiết kỵ, đến tiền trận của Dương Cự Vọng chiêu hàng đối phương. Đáp lại lời của hai người là những tràng chửi rủa, mạt sát không ngớt, kèm theo những đợt tiễn độc bắn hết tầm rơi lả tả xuống các ruộng lúa vàng ươm chưa gặt.
Đào Ứng Bình và Dương Khoan giảng giải lý lẽ non nửa ngày trời. Mãi đến chập tối mới quay về bản trại cùng bọn Yết Kiêu đối ẩm bên bàn tiệc bày sẵn. Lê Phụng Hiểu chén tạc chén thù với Đào Ứng Bình và Dương Khoan đến gần sáng, người nào cũng say, nằm luôn trong trướng mà ngủ.
Hôm sau, Dương Khoan và Đào Ứng Bình lại tiếp tục công việc gọi hàng tướng sĩ Đằng Châu.