Chương 338: Nhìn lên Tây Bắc
Hơn hai mươi năm về trước, Đỗ Thục cai quản ba quân trong vùng, đóng quân ven làng Bảo Đà nên gọi là đồn Bảo Đà. Dòng sông Đỗ Động vắt ngang, chia tả ngạn và hữu ngạn, trong đó đồn Bảo Đà nằm bên bờ tả ngạn. Sau khi xưng danh, Đỗ Cảnh công Đỗ Thục biến Bảo Đà thành một đồn lớn, thường có đến ba nghìn quân tinh nhuệ trấn giữ. Sứ quân ở Đông Phù Liệt và La thành từng đôi ba lần tiến đánh đồn Bảo Đà song đều chưa phá được.
Đỗ Thục đã cho xây nhiều đồn luỹ lớn nhỏ từ sông Đỗ Động đến sông Tích Lịch. Cách đồn Bảo Đà khoảng 40 dặm về hướng Đông Bắc xưa kia có trại Quyền, một trại quân nhỏ do bộ tướng của Đỗ Thục là Trần Quyền cai quản.
Ngay khi trở thành sứ quân, Đỗ Thục tính đến chuyện dựng thành kiên cố. Trại Quyền được chọn bởi nằm nơi đắc địa, sau trại có núi vây, mặt trước có dòng Tích Lịch uốn lượn. Núi sông bao bọc như thế rồng chầu hổ phục, núi không cao mà đất bằng phẳng, nước trong xanh, nguồn mạch dồi dào. Bốn bề trại Quyền là đầm nước, lau sậy um tùm, phải đi lại bằng thuyền độc mộc. Đỗ Thục quyết chọn làm nơi dựng thành Tích Lịch.
Thành Tích Lịch có hình vuông, mỗi bề chừng một dặm. Tường thành xây bằng gạch đá cao 1 trượng, mặt thành rộng 3 trượng. Bốn góc tường xây lượn vòng ứng với bốn hướng Tây Đông Bắc Nam có 4 tháp canh lớn kiên cố, cao đến 3 trượng. Thành không cần đào hào ngoại vì con sông Tích Lịch vừa sâu vừa rộng cùng đầm lầy trở thành hào tự nhiên hiểm trở bao quanh.
Mặt phía Đông của thành, Đỗ Thục cho đắp một số đường đất nhỏ, nhiều cầu gỗ, dẫn vào núi, thông với hậu phương trung du và bán sơn địa rộng lớn. Mặt Tây thành Tích Lịch, Đỗ Thục sai quân đào một con mương rộng 3 trượng, vát hai bên làm lối thông ra sông. Mương này chỉ thuyền nhỏ hoặc thuyền độc mộc ra vào được, chiến thuyền không thể đi lại.
Thành Tích Lịch có bốn nghìn quân đồn trú, cũng như các sứ quân khác, Đỗ Thục chủ trương “tĩnh vi dân, động vi binh”. Quân Đỗ Động Giang thay nhau cày bừa cấy hái quanh thành, tự cung tự cấp lương thực. Tại thành Tích Lịch và Bảo Đà và nhiều trại quân đóng rải rác, tổng cộng Đỗ Thục có khoảng 1 vạn quân. Trường hợp cần kíp, Đỗ Thục có thể huy động thêm khoảng hơn một vạn quân, tuổi từ 16.
Đỗ Cảnh công Đỗ Thục tuổi ngoại ngũ tuần, ngoài lo việc binh còn để ý chăm lo bách tính nên được lòng dân trong vùng. Bản thân Đỗ Thục cũng là một tướng giỏi, vậy nên Trữ quân và Nguyễn Ninh vương dù sát vách bao năm quân đông tướng nhiều vẫn khó giành phần thắng khi giao chiến. Hiện tại, con trai lớn của Đỗ Thục là Đỗ Thạc thống lĩnh ba quân.
Hay tin Công chúa Lý Thiên Bình là người kế vị ngôi báu nhà Lý và nhường cho chồng, Đỗ Thục không để tâm nhiều vì lẽ giản đơn, đất nước ly loạn gần hai chục năm, ân đức của Lý tiên vương đã phai nhạt hết chín phần. Đỗ Thục cũng không lo ngại quân Thiên Đức sẽ đánh, muốn làm được điều ấy, họ phải loại bỏ được Trữ quân và Nguyễn Ninh vương.
Sứ quân Phạm Lệnh công tại Đằng Châu sau thất bại ở Hiến Doanh, Sứ tướng Đào Ứng Bình từ chức ở ẩn, binh quyền nằm trong tay Sứ tướng Dương Cự Vọng và Khổng Chiêu Hà. Khổng Chiêu Hà nắm thuỷ binh, cha là người Hoa quốc. Trước sức mạnh của Thiên Đức, Dương Cự Vọng ngoài việc chiêu mộ thêm binh mã còn dự trù tổng động viên bắt buộc toàn bộ nam nhân tuổi từ 14 nếu có đụng độ.
Bên bờ hữu ngạn Xích Giang, phía Đông Nam của Đằng Châu là vùng Sơn Nam Hạ có sứ quân Lê Cát Bảo trấn giữ. Lê Cát Bảo từng là tướng nhà Lý trấn nhậm vùng Sơn Nam Hạ. Lê Cát Bảo có trong tay gần 1 vạn binh mã, cai quản khoảng 8 vạn dân.
Sơn Nam Hạ cách vùng Thanh Hoa ngoại trấn (quê của Bùi Thị Xuân) thuộc châu Đại Hoàng cũ bởi con sông Hát hay Hát Giang. Đại Hoàng là một châu lớn, địa hình da dạng. Vùng đồi núi và bán sơn địa ở phía Đông Bắc, đồng bằng trù phú nằm ở phía Tây Nam giáp biển, dân cư đông đúc. Sứ quân Ngô Thiên Sách cát cứ, đóng lỵ sở tại Trường Châu, một nơi hiểm yếu dễ thủ khó công. Dưới trướng Ngô Thiên Sách có nhiều tướng tài. Trong gần hai chục năm từ khi các sứ quân cát cứ, giữa Ngô Thiên Sách và Lê Cát Bảo cũng có đôi phen dấy binh đánh lẫn nhau bất phân thắng bại.
Châu Đà Bắc đất rộng người thưa, đìa hình đồi núi, là nơi định cư chủ yếu của Mường tộc do ba sứ quân Đinh Sơn, Quách Bốc và Hà Tuấn chia nhau cai quản. Bốn sứ quân vùng thượng du, mỗi sứ quân chỉ có chừng ba đến năm nghìn, dựa vào đồi núi hiểm trở, gần hai chục năm chẳng ai đụng đến được. Ngay thời Lý tiên vương còn tại vị, các xứ mường cũng là vùng vùng tự trị.
Sứ quân Nguyễn Ninh vương ở Đông Phù Liệt, nằm ở phía Đông Bắc của Sơn Nam Hạ và phía Nam củ La thành vẫn đang có hiềm khích với Trữ quân và cả Thiên Đức. Di chiếu truyền ngôi chẳng có nghĩa lý gì với họ, thần phục càng không.
Tại châu Thanh Hoa, phía Nam vùng Thanh Hoa ngoại quan có Đoàn Sứ quân Đoàn Nhật Khanh đóng quân tại thành Bình Kiều. Bình Kiều là toà thành lớn đắp đất, dựng trên một khu đất vuông vắn, mỗi bề dài đến ba dặm, chân thành rộng 2 trượng, tường cao 9 thước, mặt thành rộng khoảng 6 thước, có hào sâu. Thành nằm cạnh sông Mau Giếng, gần đó có núi Nưa. Châu Thanh Hoa là địa giới cực Nam đất Vạn Xuân.
Sứ quân thứ 12 là Quảng Trí quân ở Tam Đái, binh quyền vẫn trong tay Sứ tướng Phan Văn Hầu. Trong 11 sứ quân trên đất Vạn Xuân hiện tại, sứ quân vùng Tam Đái có mối thù chồng chất với Thiên Đức. Sau hai lần giao chiến, Phan Văn Hầu đã mất gần một vạn quân.
Vũ Ninh vương mất toàn bộ vùng đồng bằng bên bờ Nam sông Nguyệt Đức vào tay Thiên Đức và La thành, phần đất trung du còn lại Vũ Ninh vương cho sáp nhập vào Tam Đái. Binh mã Vũ Ninh thoát được sang sông khoảng gần bốn nghìn người cùng với hơn một nghìn quân đồn trú tại bờ Bắc sông Nguyệt Đức đều trở thành quân Tam Đái.
Phan Văn Hầu tích cực thao binh luyện mã, cải tiến Cự thạch pháo, lập thêm tượng binh, đóng thêm chiến thuyền chờ thời cơ tái chiếm huyện Vũ Ninh.
Dựa theo tin tức tình báo cùng mong muốn sở hữu những mỏ tài nguyên quan trọng nằm ở vùng phía Bắc và Tây Bắc cũng như tình hình thực tế. Chương xác định việc thu phục hoặc tiêu diệt sứ quân vùng Tam Đái là nhiệm vụ tiên quyết. Mục tiêu này thành công, Chương sẽ kiểm soát phần lớn bờ tả ngạn Xích Giang hất lên vùng rừng núi Tây Bắc.
Bộ Tổng Tham mưu Thiên Đức chung nhận định, nếu chủ động tiến đánh Tam Đái, quân Thiên Đức sẽ gặp nhiều khó khăn về địa hình, sự chống cự đến cùng của Phan Văn Hầu. Thứ nữa, Đằng Châu ở phía Nam và Đông Phù Liệt, La thành ở phía Đông có thể nhân cơ hội Thiên Đức tiến quân lên phía Bắc mà động binh.
Chương suy tính thiệt hơn, anh không muốn huy động thêm quân vì đang ưu tiên phát triển kinh tế. Theo Chương, giải pháp tối ưu nhất là phát triển lực lượng thuỷ quân với Thiết Giáp đĩnh trang bị từ 6 đến 8 súng thần công là nòng cốt. Chương bàn với Yết Kiêu:
-Ta cần phải có ít nhất ba hải đoàn, mỗi hải đoàn gồm 3 Thiết Giáp đĩnh, 15 thuyền Mông Đồng làm chủ lực. Một hải đoàn ở ngã ba sông Thiên Đức, một hải đoàn ở ngã ba sông Văn Giang đổ vào Xích Giang và một hải đội cơ động sẵn sàng tiếp ứng. Ta muốn đề phòng quân Đằng Châu theo đường thuỷ ngược lên đánh Hiến Doanh hoặc bên Đông Phù Liệt, La thành kéo sang.
-Chúng ta vẫn chưa thể có Hải Vận hạm chở quân như dự tính, có lẽ… có lẽ nên tạm đóng khoảng 3 thuyền gỗ, mỗi thuyền chở được bảy chục quân. - Yết Kiêu nói.
Chương thở dài:
-Thuyền của Tế Giang dùng tốt nhưng tốn trảo phu, tạm thời dùng chuyên chở binh mã nội vùng cũng được. Được, cậu cho đóng thuyền gỗ chuyên chở binh mã, tính toán sao cho phù hợp để khi ta nâng cấp lên động cơ hơi nước sẽ dễ cải tạo. Đừng đóng nhiều, ta nghĩ chỉ cần chuyên chở đủ hai tiểu đoàn bộ binh theo là được.
-Dự định đóng Thiết Giáp đĩnh bằng sắt đành gác lại ạ?
-Chúng ta hãy còn một quãng xa mới có thể làm chủ được đóng tàu sắt cỡ lớn. Thiết Giáp đĩnh hiện tại khi đi vào hoạt động đủ sức đè bẹp thuỷ quân đối phương. Tôn chỉ của chúng ta, binh cốt tinh và hoả lực vượt trội.
-Tôi không loại trừ khả năng Đông Phù Liệt và La thành tạm kết liên đánh úp. - Yết Kiêu nói. - Tuy vậy, Vương hãy yên tâm, tôi sẽ đảm bảo an toàn mặt phía Đông. Nhưng… Vương đánh lên phía Bắc chẳng lẽ chỉ dùng Cao Mộc Viễn?
-Vùng này rộng quá, vẫn phải đánh theo cách tằm ăn lá. Ta dự tính chiếm toàn vùng tả ngạn sông Nhật Đức.
-Vùng này thưa dân lại nhiều núi non trùng điệp, Vương muốn chiếm để liền mạch với vùng Mao Khê?
-Cậu có biết trước đây quân Hoa quốc vào Vạn Xuân theo lối nào không?
-Tôi chỉ nghe nói họ vào theo lối Lạng Châu.
-Chúng ta không thể nghe nói, cậu thống soái thuỷ quân, cần phải dò la kỹ, mắt thấy tay sờ. Nếu xưa kia quân Hoa quốc vào theo lối Lạng Châu, vậy ta phải chiếm nơi ấy càng sớm càng tốt. Chúng ta đang thiếu sắt, đồng, kẽm, chì, vùng Lạng Châu sẽ có.
-Sao Vương biết?
-Những thứ chúng ta cần chẳng thể có ở đồng bằng.
Yết Kiêu suy tư một lát bèn hỏi:
-Nếu tôi đoán không nhầm, Vương sẽ dùng Đại đoàn Thiên Đức cho cuộc chinh phạt này?
Chương nhoẻn miệng cười, đáp:
-Có thể!
Thực hư ra sao Chương vẫn còn đang toan tính.