Chương 316: Tìm chủ mới
Lê Phụng Hiểu sai thuộc hạ thân tín tìm người thế mạng Ngô Hy Doãn bằng cách đột nhập một nhà lao ở ngoại thành, hạ gục lính canh, thả hết phạm nhân đang giam giữ. Hai trong số các tội nhân chờ hành hình có dáng dấp tương tự bị thuộc hạ của Lê Phụng Hiểu s·át h·ại, đem xác về La thành. Hai người con tuổi thiếu niên của Ngô Hy Doãn, bọn Lê Phụng Hiểu lấy trộm t·hi t·hể người vô thừa nhận.
Lê Phụng Hiểu đưa Ngô Hy Doãn và vợ con ra khỏi thành bằng xe chở lương thảo của quân lúc tờ mờ sáng. Hai thuộc hạ của Phụng Hiểu dùng thuyền nhỏ đưa Ngô Hy Doãn sang vùng Tây Phù Liệt nương náu hai ngày nghe ngóng tình hình. Tiếp đó, lợi dụng lúc Cao Mộc Viễn lui quân chờ tiếp viện, thuộc hạ của Lê Phụng Hiểu giả làm thuyền buôn nhỏ rẽ vào thương cảng Hiến Doanh. Quân canh phòng xua đuổi nhưng thuyền vẫn chèo vào buộc họ phải bắn tiễn cảnh cáo. Ngô Hy Doãn dùng mảnh vải trắng phất một hồi, một Mông Đồng thuyền từ trong bến đi ra. Binh sĩ nói:
-Nơi này đang có đánh nhau, các người mau đi nơi khác kẻo tai bay vạ gió. Thương cảng đóng cửa hơn nửa tháng nay chẳng lẽ các người không biết ư?
Ngô Hy Doãn chắp tay thi lễ xong bèn nói:
-Thưa quan nhân, tại hạ xin được tương kiến ngài Triệu thống lĩnh Triệu Quang Phục có chuyện cần bẩm báo. Xin quan nhân giúp cho.
Người lính hỏi:
-Triệu đại nhân đâu phải ai muốn cũng gặp được, chúng ta đang rất bận. Ông đây tên họ là gì?
-Thưa quan nhân, tại hạ không tiện xưng danh nhưng có bức thư tay xin nhờ quan nhân chuyển giúp đến Triệu thống lĩnh. Tại hạ xin đội ơn.
Người lính nhận phong thư không đề tên người gửi, nhìn bộ dáng Ngô Hy Doãn một lượt rồi bảo:
-Vậy các ông cho thuyền vào neo ở đằng kia chờ tôi đi bẩm báo.
Mông Đồng thuyền kè sát thuyền nhỏ, dẫn vào bến bàn giao. Người lính cầm thư chạy đi, một lát sau quay lại nói:
-Tất cả theo tôi, đồ đạc cứ để lại thuyền. Còn hai anh kia bỏ dao đương giấu trong người ra kẻo m·ất m·ạng.
Sáu người đi theo anh lính vào Hiến Doanh. Triệu Quang Phục đang tất bật công việc, niềm nở tiếp đón Ngô Hy Doãn ngay bên súng pháo.
-Mong ngài Phó Đô Ngự sử cảm thông, chúng tôi đang tất bật chống quân Đằng Châu nên tiếp đón ngài không được chu toàn.
-Triệu thống lĩnh xin đừng nói vậy, tôi bây giờ là kẻ sa cơ, được Triệu thống lĩnh tiếp kiến đã là vinh hạnh, nào dám có ý trách cứ. Tôi đến đây đã không còn là Phó Đô Ngự sử nữa rồi.
Đoạn Triệu Quang Phục nói với binh sĩ:
-Các cậu đưa Ngô đại nhân đi nghỉ, ngài ấy là thượng khách của Tả Đô đốc, dặn người cơm nước cẩn thận.
Đoạn Triệu Quang Phục quay ra nói với Ngô Hy Doãn:
-Ngô đại nhân cứ theo các cậu đây về nghỉ ngơi đã, đường xa mệt nhọc. Đến tối tôi xin được hầu rượu ngài.
-Đa tạ Triệu thống lĩnh chiếu cố tại hạ.
Tối đó, Triệu Quang Phục ăn vận tề chỉnh, đem theo một bầu rượu đến nơi ở của Ngô Hy Doãn. Triệu Quang Phục vốn quen thân Lê Phụng Hiểu nên tiếp chuyện Ngô Hy Doãn rất trọng thị. Trong thư, Lê Phụng Hiểu đề cao tài năng và tính cách của Ngô Hy Doãn và tin rằng Thiên Đức cần những người tài như vậy.
Triệu Quang Phục hẹn sau khi tình hình Hiến Doanh ổn định sẽ đưa Hy Doãn về Thừa Thiên ra mắt Vạn Thắng vương. Nhắc đến Vạn Thắng vương, Ngô Hy Doãn có phần e dè.
-Triệu đại nhân, tại hạ còn có điều mạo muội muốn hỏi, mong Triệu đại nhân thứ lỗi cho nếu như có lời nào chưa phải.
-Chúng ta trước lạ sau quen. Lê Phụng Hiểu với tôi chẳng xa lạ gì, bởi do thời cuộc mỗi người theo một đường khác nhau nên hơn chục năm trời chưa tương kiến. Lê Phụng Hiểu hết lời tiến cử Ngô đại nhân, Ngô đại nhân chẳng quản đường xá xa xôi mà tìm đến còn gì ngại ngần mà không bày tỏ?
-Tại hạ được biết Vạn Thắng vương vốn là một người lai lịch chưa rõ ràng, không hiểu vì sao Tả Đô đốc trước trọng dụng, sau lại phò tá Vạn Thắng vương và… các lệnh lang của Tả Đô đốc lại dưới Vạn Thắng vương? Thực lòng tại hạ lấn cấn điều ấy bấy lâu nay mà không có lời giải đáp thoả đáng. Chẳng dấu gì Triệu đại nhân, đó là điều tại hạ vẫn thắc mắc trong lòng khi đến đây.
Triệu Quang Phục nhoẻn miệng cười, đưa chén rượu lên môi, ngửa cổ uống cạn, khà lấy một tiếng, chậm rãi nói:
-Ngô đại nhân, ngài đã đến đây thì tôi cũng chẳng giấu. Năm xưa Tả Đô đốc từ quan về quê rồi bặt tăm cả chục năm trời mới dựng cờ nơi thôn trang hẻo lánh gần sông Thiên Đức là… là do ý chỉ của tiên vương.
Ngô Hy Doãn nhướng mày, nuốt nước bọt đánh ực một cái. Triệu Quang Phục tiếp lời:
-Tiên vương hạ mật chỉ cho Tả Đô đốc đưa Công chúa Lý Thiên Bình ở lẫn trong dân gian, đổi sang họ Phạm về ở nơi thôn trang hẻo lánh.
Ngô Hy Doãn vội nói ra những suy đoán của Lê Phụng Hiểu, Triệu Quang Phục bổ sung. Ngô Hy Doãn nghe mà toát mồ hôi, miệng lẩm nhẩm:
-Là thực, là thực… Công chúa vẫn còn sống và bây giờ là Đại Thắng Hoàng hậu. Thưa Triệu đại nhân, vì Công chúa lấy Vạn Thắng vương nên…
Triệu Quang Phục lắc đầu:
-Đến bây giờ Vạn Thắng vương và Đại Thắng Hoàng hậu đều chưa biết bí mật ấy. Còn như… ngài thắc mắc về thân phận của Vạn Thắng vương ư?
Ngô Hy Doãn gật đầu, hồi hộp chờ đợi lời giải thích. Triệu Quang Phục thấy vậy liền bật cười:
-Đó vẫn luôn là bí ẩn. Tả Đô đốc và dân làng Vạn đã chờ đợi mỏi mòn hơn mười năm trời chỉ để gặp được Vạn Thắng vương khi ấy mới hai mươi tuổi. Chúng ta nhận mật chỉ phải chờ mà chẳng tỏ tường, đến khi tìm được Vạn Thắng vương nhờ sự tình cờ thì cũng phải dụ ngài ấy làm mưu sĩ và sau đó ngài ấy làm gì chúng ta cũng theo. Vốn ban đầu Tả Đô đốc cấp cho Vạn Thắng vương chỉ chưa đến ba trăm binh sĩ, bây giờ Ngô đại nhân biết đấy, ba vạn hoặc hơn nếu muốn.
-Tiên vương có thể đoán trước tương lai sao?
Triệu Quang Phục bèn nói ngắn gọn:
-Tiên vương cho chúng tôi lời sấm, quả nhiên chúng tôi tìm được. Vạn Thắng vương được một bà lão vớt trên sông Thiên Đức, Vương nương nhờ bà lão nửa năm trời. Công chúa Lý Thiên Bình một lần đi săn thú vô tình cứu được Vương khi ấy đang dạy chữ cho lũ trẻ mục đồng. Dạo ấy nhân dạng của Vương khiến Công chúa coi thường, về sau gặp lại mới thấy khôi ngô tuấn tú, tướng mạo khác người, mình cao hơn 5 thước.
Ngô Hy Hoãn vội hỏi:
-Tại hạ… tại hạ nghe nói Vương không… không biết chữ, vậy sao có thể dạy cho trẻ mục đồng?
Triệu Quang Phục nhoẻn miệng cười:
-Vương không biết chữ Hán nhưng Vương biết chữ của trời. Ba quân tướng sĩ và trẻ con ở Thiên Đức đều học và ta cũng học rồi.
Đoạn Triệu Quang Phục gãi đầu:
-Có điều Vương bảo chữ ta như gà bới, tuy nhiên chữ Vương dạy rất dễ. Ngoài chữ viết thì hoả khí lớn nhỏ và trăm điều lạ đều một tay Vương dạy. Phạm Bạch Hổ được dạy cách dùng thần công, Phạm Cự Lượng được chỉ bảo cách dùng binh. Phạm Hữu Thế tức Yết Kiêu ấy, thống lĩnh thuỷ binh còn trưởng nam Phạm Bỉnh Di cai quản trật tự khắp vùng. Quả thật Vương không biết những điều chúng ta biết nhưng ngược lại, những điều Vương biết thì cả Vạn Xuân chưa ai nghĩ ra.
-Tại hạ cũng nghe Phụng Hiểu huynh bảo rằng Tả Đô đốc, Đoàn đại nhân và… và cả đại nhân đây không có chức vụ trong quân. Triệu đại nhân… chuyện đó là thế nào? Có phải Vạn Thắng vương lo các ngài sẽ…
Triệu Quang Phục cười nghiêng ngả mãi một hồi khiến Ngô Hy Doãn bối rối.
-Ngô đại nhân thứ lỗi cho tôi thất lễ. Quả thật Tả Đô đốc và bọn ta bị thấy sủng, muốn cầm quân đánh trận cũng khó, Vương bảo rằng đó là việc của những tráng niên. Bọn tôi già rồi hãy lo ăn chơi nhảy múa.
-Sao có thể vậy được? Tả Đô đốc là danh tướng, ngài cũng là võ tướng triều đình từng thống lĩnh vài nghìn quân mã mà lại thất sủng cho được?
-Thiên Đức toàn người trẻ, ba quân cũng do bọn ta dạy phần nhiều nhưng cách dùng binh của Vạn Thắng vương khác người. Ngài ấy không cho bọn tôi cầm quân vì xem bọn tôi là bậc cha chú không thể xếp vào chỗ nào được nên cho ngồi chơi xơi nước. Mỗi lần có việc quân lại mở lời nhờ vả. Hồi đầu bọn ta khó chịu lắm, bây giờ quen rồi, có khi còn thích như thế.
Triệu Quang Phục vui miệng kể hàng tá chuyện cũ với nét mặt hồ hởi khiến Ngô Hy Doãn há hốc miệng ngạc nhiên. Sau cùng Triệu Quang Phục khẳng định:
-Vạn Thắng vương là phò mã của tiên vương, giờ đây quân đông tướng mạnh mà chưa cần đến danh phò mã. Tôi nói Ngô đại nhân nghe, Vương không thích làm vương và nếu có thể, Vương sẽ dẫn Công chúa và mấy cô gái trẻ ngao du sơn thuỷ nên bọn tôi phải tìm mọi cách buộc vương không đi được. Dạo trước Vương tìm cách thoái thác trách nhiệm, giao các chức vụ trọng yếu cho bọn tôi khiến Tả Đô đốc phải tìm mọi cách chối khéo.
-Thân phận Công chúa Lý Thiên Bình chẳng lẽ Tả Đô đốc cứ giấu mãi sao?
-Theo như tôi biết thì sắp rồi đấy. - Triệu Quang Phục lại cười. - Có điều quần hùng trong thiên hạ có chịu dưới trước vua bà hay không? Chúng tôi lo Vương biết việc ấy sẽ ủng hộ Công chúa làm vua bà để lui về sau.
Ngô Hy Doãn xua tay tỏ ý không thể có chuyện đó, Quang Phục lại nói:
-Công chúa mà biết được nhường ngôi sẽ nhường cho chồng và… đấy! Ngô đại nhân không tin rồi sẽ tin thôi. Bấy lâu nay ba quân đều nhất mực nghe lời Vương, di chiếu có hay không cũng chẳng thay đổi gì ở Thiên Đức.
-Nhưng có thể hiệu triệu thiên hạ.
-Ờ thì danh chính ngôn thuận sẽ thu hút hiền sĩ về giúp sức.
-Thái sư liên kết với mấy sứ quân cùng đánh, nay thế trận giằng co chưa phân thắng bại nên nhân sĩ chẳng biết đường nào mà theo.
-Giằng co? - Triệu Quang Phục chép miệng. - Chẳng có giằng co nào ở đây, Vương không muốn đánh chứ vài vạn quân Tô Trung Từ đem đến có là gì, nội trong nửa canh giờ lão họ Tô chạy nhanh hơn gió. Vương thân chinh đốc chiến là muốn dằn mặt lão họ Tô đấy.
Câu chuyện giữa Triệu Quang Phục và Ngô Hy Doãn kéo dài đến quá nửa đêm mới tạm ngưng. Ngô Hy Doãn không thể chợp mắt bởi những điều mới biết và mong ngóng yết kiến Công chúa cũng như phò mã của tiên vương.
Sớm hôm sau, Ngô Hy Doãn gặp Quang Phục, ngỏ ý muốn cho hai thuộc hạ của Lê Phụng Hiểu trở về. Chiều hôm ấy, Triệu Quang Phục đồng ý, gọi hai người đó đến và bảo:
-Các anh trở về nói với Phụng Hiểu, đừng có ở đấy làm tôi cho Thái uý nữa, tìm cách mà đến đây với bọn ta. Đại Thắng Hoàng hậu của phủ Thiên Đức chính là Công chúa Lý Thiên Bình, người được tiên vương truyền ngôi. Ngoài Thuận Thiên Kiếm còn Ngọc tỷ truyền quốc và di chiếu. Hãy nói nguyên văn lời ta, Phụng Hiểu biết chuyện ấy nhất định sẽ tìm đường mà đến. Nếu thuận, hãy treo cờ đỏ trước cổng phủ tự khắc có người tìm đến hỏi “nhà có bán thuốc trị bách bệnh?”.
Thuộc hạ về thuật lại với Phụng Hiểu, Phụng Hiểu nghe xong mừng rơi nước mắt. Mong muốn sớm được yết kiến Lý Công chúa và hội ngộ chủ tướng cũ.
Ngay chiều hôm ấy ngoài cửa chính của phủ Tả Thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ có treo một lá cờ màu đỏ.