Chương 255: Ninh Hải
Thiên Bình tạm thời bị mất quyền chỉ huy Trung đoàn Thần Vũ, vẻ mặt đầy tiếc nuối. Bà Dung đích thân đến đón nàng về Nhất Vạn, vẻ mặt của bà Dung tươi hơn hoa nở.
Bùi Thị Xuân bụng chửa vượt mặt không được đánh trận, đón Thiên Bình với vẻ cảm thông. Thiên Bình biết mọi người quan tâm đến mình tất nhiên là vui, nàng mơ hồ nhận thấy sự khác lạ rất khó diễn tả thành lời khi sẽ trở thành mẹ. Đại sư Thích Viên Chiếu đã chờ sẵn bắt mạch và xác nhận nàng đã cấn thai.
Trong khi Vạn Thắng vương rốt ráo chuẩn bị xuất chinh, Phạm Tu cho bày tiệc ăn mừng. Nhiều người cho rằng Đại Thắng Hoàng hậu mang thai là đại sự, ăn mừng là phải. Phạm Tu và Phạm Quý phi mừng vui hơn cả, họ đã chờ đợi ngày giống như này từ mấy năm nay. Phạm Tu thắp hương vái lạy trước ban thờ tiên vương, đôi mắt hoe đỏ, miệng lâm râm khấn vái.
-Tiên vương trên cao xanh chứng giám, hạ thần vui mừng không kể xiết. Công chúa nay đã mang thai, hiền tế của người nay đã là Vạn Thắng vương một tay dựng nghiệp. Hạ thần hằng mong công bố với bách tính thân phận của Công chúa nhưng thiển nghĩ Công chúa là Đại Thắng Hoàng hậu của Vạn Thắng vương, Vương nay tuy chủ một cõi nhưng binh tướng hãy còn mỏng, phải lao tâm khổ tứ vài phen nữa. Tiên vương hiển linh, phù hộ độ trì cho Vạn Thắng vương Tây chinh thành công, giang sơn dần thu về một mối, bách tính an hưởng thái bình. Thần giờ đây tuổi ngày một cao, sức ngày một yếu nhưng nguyện tận hiến đến hơi thở cuối cùng thực hiện di nguyện của tiên vương. Xin tiên vương hãy an lòng
Phạm Cự Lượng, Trương Văn Long, Lý Văn Ba dẫn Trung đoàn Thần Sách làm quân tiên phong qua sông vào buổi chiều, tiến sâu chừng hơn hai dặm kể từ bờ sông mới hạ trại. Đặng Sỹ Nghị và Lý Trí Thắng điểm mỗi người một nghìn năm trăm quân đóng trại hai bên tả hữu. Số binh mã ít ỏi còn lại chừng hai trăm người, Đặng Sỹ Nghị giao cho nha tướng Dương Bách Xuyên đi cùng trung quân bảo vệ Trần Công Tích.
Phạm Bạch Hổ dẫn Tiểu đoàn Sông Dâu của Trần Thái Bộc hạ trại phía sau bọn Cự Lượng trong khi Trung đoàn Thần Vũ vẫn còn ở bến Bình Than.
Chiều 28 tháng 5, Phạm Ngũ Lão dẫn Tiểu đoàn Tam Vạn vượt sông trước, chập tối đến lượt Đường Vỹ sang sau. Sáng 29 tháng 5, Vạn Thắng vương qua sông cùng Tiểu đoàn Thần Vũ. Lý Kế Nguyên, Trung đoàn phó, thống lĩnh Thần Vũ quân, bởi không hẹn mà bọn Phạm Thị Thanh và Phạm Kim Huệ cùng mang thai hơn hai tháng.
Phạm Thu Vân trước làm phó cho Huệ nay chỉ huy Đường Vỹ. Trịnh Lam Khuê buộc phải bỏ ý định ở lại chơi với Nguyệt, phi ngựa từ Nguyệt Đức đến nhận lệnh tạm thời nắm Thần Vũ.
Đàn ông quả thực phù hợp hơn với việc đao cung.
Theo lệnh của Vạn Thắng vương, toàn bộ quân Thiên Đức đổi cờ hiệu trước khi sang sông. Quân Thiên Đức thêu số từ 1 đến 99 trên kỳ hiệu để nhận biết kèm khẩu hiệu “Ủng hộ ngũ công tử Trần Công Tích, trừ phản tặc Lê Hoan”.
Huyện đội Thuận Thiên đưa Tiểu đoàn Thuận Thiên với 500 quân vừa tập hợp ngày hôm trước cùng Tiểu đoàn tân binh của Trương Lôi gần một nghìn người, Tiểu đoàn Hậu cần, Tiểu đoàn Công binh làm hậu quân. Tiểu đoàn Vạn Ninh của Hoàng Thái Công giữ đường thuỷ cùng cùng Tiểu đoàn thuỷ Kình Ngư của Phạm Hữu Nhật, Tiểu đoàn Thuỷ pháo của Cao Lịch.
Đích đến mà bọn Chương nhắm Kinh Môn, một thành trì quân sự lớn hình chữ nhật đắp đất, bề dài khoảng hai dặm hơn, bề rộng chừng hơn một dặm nằm ven sông Kinh Sư.
Ba quân Thiên Đức trước sau chỉ có gần bảy nghìn, phân nửa lo hậu cần. Thêm bọn Đặng Sỹ Nghị và Lý Trí Thắng gộp vào cũng đến một vạn quân chinh phạt.
Lê Hoan lui về thành Kinh Môn, cắt đặt bốn nghìn quân cho Hữu Tướng quân Lê Khả chặn hậu.
Quân Hải Đông nhiều năm không tham gia chiến trận, tuy quân kỷ cũng nghiêm, binh sĩ khoẻ mạnh nhưng Phạm Cự Lượng đốc binh đánh vỗ mặt, Lê Khả dẫn quân từ trong trại đánh ra, gặp hoả lực của Thần Sách trấn áp liền thất kinh mà thu quân vào trại. Bọn Nghị và Thắng cùng đánh hai bên sườn, Lê Khả chia quân chống. Phạm Bạch Hổ đem hai chục thần công đặt chính diện bắn hơn ba chục loạt vào trong,!Lê Khả sợ hãi cho khua chiêng lui quân.
Phạm Cự Lượng dẫn quân truy kích hơn mười dặm mới hạ trại tiền quân. Trung quân bá·m s·át phía sau, hậu quân cũng vậy. Lần đầu tiên, 200 xe thồ tải lương được đưa vào chiến trận, mỗi xe hai người, một đẩy một lái chở được bốn hộc lương.
Tiền Tướng quân Vũ Quan đốc suất ba nghìn binh mã tiếp ứng cho Lê Khả. Quan và Khả chia quân thành năm đạo, hai đạo có ý vừa đánh vừa lui, dụ quân Thiên Đức tiến sâu vào nội địa. Đặt một đạo phục binh bên tả, ba đạo còn lại vòng lên hướng Bắc, có ý đánh vào hậu quân Thiên Đức.
Bọn Chương thấy quân Hải Đông chống cự yếu ớt, vừa đánh vừa lui nên nghi ngờ. Phạm Cự Lượng điều Lý Văn Ba dẫn Tiểu đoàn Môn Thôn tụt lại nhập vào cánh tả hậu quân. Chương cũng cho Tiểu đoàn Đường Vỹ bọc bên cánh hữu. Có thể nói, quân Thiên Đức thẳng tiến theo hình dáng đồng hồ cát, trung quân ít binh sĩ nhất.
Quả nhiên, sớm ngày 5 tháng 6, ba đạo quân Hải Đông do Vũ Quan đốc suất đánh đoàn tải lương. Trịnh Lam Khuê và Đặng Công Chất Tiểu đoàn trưởng Môn Thôn phối hợp chặn đánh. Trương Lôi, Đoàn Thượng dẫn tân binh và quân địa phương dùng nỏ Liên Châu trợ chiến. Ngay cả Tiểu đoàn Hậu cần cũng xách nỏ sẵn sàng chờ đối phương đến c·ướp lương.
Trận tập hậu không như mong muốn của Vũ Quan. Quân Hải Đông tiếp cận lượt nào đều bị đẩy lui loạt ấy bởi súng hoả mai và quả nổ. Đương lúc Vũ Quan còn đang lúng túng, Phạm Ngũ Lão dẫn quân Tam Vạn đến. Quân Tam Vạn dùng ngựa nên tiếp cận rất nhanh, đánh thẳng vào trung quân đông đảo của Vũ Quan. Vũ Quan kinh sợ dẫn quân chạy. Tam Vạn và Đường Vỹ dùng ngựa truy đuổi, bắt sống được hơn ba trăm bộ binh.
Thần Vũ quân được trang bị ngựa chiến từ số mã thu được của Tế Giang, bởi vậy tính cơ động rất cao. Ba lô vải trên lưng, tả hoả mai hữu Liên Châu, đoản đao giắt bên hông phải, hai quả nổ móc trước ngực, có thể nói Thần Vũ quân được trang bị mạnh, vô cùng thiện chiến.
Tiền quân tiến thêm độ mười lăm dặm gặp đoạn sông Kinh Sư cản đường tiến, tiền quân đành hạ trại dọc bờ sông chờ Phạm Bạch Hổ. Quân Hải Đông dàn quân đối diện bên kia sông, vài chục chiến thuyền nhỏ neo kín ven bờ có ý quyết tử chiến.
Quân Thiên Đức không thể đưa chiến thuyền theo, mất hai ngày đốn tre kết bè. Phạm Bạch Hổ dùng pháo dọn bãi đổ bộ cho Phạm Cự Lượng vượt sông Kinh Sư. Lê Khả lại phải lui quân thêm một lần. Thuỷ quân dưới sông Kinh Sư bị thần công dập tan tác, đại bộ phận bỏ chạy, một bộ phận nhỏ đầu hàng do thuyền chìm.
Quân Thiên Đức tiến như chốn không người, ung dung đĩnh đạc. Bách tính Hải Đông dọc đường tiến quân đổ ra xem, thấy kỳ hiệu trước sau như nhau, quân kỷ tề chỉnh lại có nữ nhân trong quân lấy làm kỳ lạ, bàn tán xôn xao. Trần Công Tích và bọn Đặng Sỹ Nghị ra sức an dân, quân Thiên Đức cũng không gây hại gì đến tài sản bách tính trên đường đi. Mỗi khi qua các làng, ba quân tướng sĩ vào xin nước uống, tắm rửa đều một dạ hai vâng. Trước sau đều nói với bách tính rằng nhận lệnh Vạn Thắng vương giúp Trần công tử đuổi bọn Lê tặc tạo phản.
Quân Thiên Đức mất một ngày mới qua hết sông Kinh Sư, Chương vô cùng thận trọng bởi đại quân đã cách Thiên Đức hơn ba chục dặm đường bộ. Chỉnh đốn binh mã thêm một lần, Phạm Cự Lượng làm tiên phong đốc quân thẳng tiến Kinh Môn thành, cách hai mươi lăm dặm về hướng Tây.
Lê Hoan cử Tả Tướng quân Trần Siêu bày trận giữa cánh đồng, cách phía Tây thành Kinh Môn mươi dặm. Lê Khả và Vũ Quan kéo quân lui về đóng tả hữu tạo thế chân kiềng, quân số áng chừng hơn tám nghìn. Lê Hoan ở thành đất Kinh Môn, nửa đêm bí mật cho gia quyến và hơn nghìn quân bản bộ rút theo ngả sông Kinh Sư về Ninh Hải, đem theo Trần Cát Minh. Hoan ở lại trấn với gần hai nghìn quân trung thành ra sức đắp thành cao thêm 5 thước, đào hào ngoài thành rộng thêm 4 trượng, sâu 1 trượng cắm chông tre, dán yết thị quanh vùng vạch tội quân Thiên Đức.
Mã từ hậu quân từ bến Bình Than báo rằng có người thấy quân bản bộ hộ tống gia quyến Lê Hoan lên bến Ninh Hải. Chương giấu đi nụ cười có phần gian trá, họp bọn Sỹ Nghị, biết từ Kinh Môn đi Ninh Hải theo đường thuỷ khoảng bốn mươi dặm, nếu chia quân thành hai ngả tiến đánh đồng thời rất khả thi. Chương nói với bọn Cự Lượng, Sỹ Nghị:
-Chúng ta tiến nhanh, quân Lê Hoan chưa thiệt hại là bao, không loại trừ khả năng ông ta cầu viện Phạm Khải Ca và La Đình Kính. Chúng ta phải tiên liệu, phải đánh qua Ninh Hải đến cửa sông đổ ra bể.
Chương điều chỉnh kế hoạch, theo đó Hậu Tướng quân Lý Trí Thắng dẫn quân tách khỏi đội hình, cắt về bên hữu theo đà tiến, nhắm hướng Tây Nam mười lăm dặm hạ trại nghi binh, làm như sẽ vây mặt Đông Nam thành Kinh Môn.
Lệnh điều gấp 1 tiểu đoàn của Trung đoàn Thuận Thành, 1 tiểu đoàn của quân Thánh Dực đến bến Bình Than, Hoàng Thái Công dẫn quân Vạn Ninh hội cùng Lý Trí Thắng. Lấy quân địa phương Thuận Thiên cùng 300 tân binh ở hậu quân theo bọn Hoàng Thái Công. Tổng cộng có 2800 quân hỗn hợp do Lý Trí Thắng thống lĩnh.
Lý Trí Thắng và Hoàng Thái Công nhận lệnh, ngay khi quân Thiên Đức giao chiến ở thành Kinh Môn phải mau chóng thẳng tiến Ninh Hải.
-Không cần phải đánh, cứ trống khua cờ mở phô trương thanh thế, đội hình rỗng ở trung quân để bọn chúng khó đoán định bao nhiêu người. Gặp quân cản thì đánh lướt, cho nổ súng, loan tin trong dân rằng đại quân chiếm Ninh Hải cho kỳ được hòng bắt gia quyến Lê tặc.
Trần Nhật Tôn nhận tin mật, đem đến cho Lý Trí Thắng và căn dặn:
-Hậu Tướng quân thống lĩnh nếu có chỗ nào chưa rõ cứ hỏi Hoàng tướng quân. Vương có dặn ngài, tuyệt đối không được truy kích, không được tự ý hành động.
Lý Trí Thắng hỏi:
-Trần Nhật Tôn, ta nghe anh Lượng nói cậu là thân tín của Vương? Tuổi cậu trạc Trần công tử mà mấy năm trời trong quân, ta rất thích những người như cậu.
-Hậu Tướng quân đừng nói vậy, Vương nghe ai nói tôi hoặc ai khác là thân tín nhất định không vui vì đó là cái gốc của nhiều rắc rối. Tôi tuy được Vương đôi lần cất nhấc nhưng tôi sai việc thì bị trị tội đầu tiên. Vương vốn coi mọi người như nhau, rạch ròi nên tôi cũng sợ lắm.
Thắng cười, vỗ vai Tôn mà rằng:
-Bên Thiên Đức lễ quân thần khác hẳn, Vương còn dễ lắm. Sau này nhờ cậu nói giúp đôi lời nếu Vương có ý thu nhận bọn ta với nhé.
Tôn tỏ ra ngạc nhiên:
-Sao Hậu Tướng quân lại muốn vào quân Thiên Đức?
Lý Trí Thắng thẳng thắn:
-Nay chỉ còn ta Phiêu Kỵ tướng quân chung thuyền, bọn ta muốn có chỗ nương nhờ. Mấy hôm trước được ngồi mạn đàm với anh Lượng, anh Long, ta lại càng muốn vào trong quân dưới trướng Vạn Thắng vương. Nói sao cho phải nhỉ? Ờ, rất khó nói rõ.
-Hậu Tướng quân muốn là được, quân Thiên Đức trọng anh hùng bất kể xuất thân mà.
-Thú thực ta chưa yên vì sợ Vương không thuận cho.
Tôn suy ngẫm một lúc bèn hỏi:
-Hậu Tướng quân có gặp Thần phi chưa?
-Ta chỉ nghe nói Thần phi người gốc thôn Thuỷ Đường.
-Ngài cứ hoàn thành tốt việc được giao, sau này ngài nên gặp Thần phi. Vương vô cùng yêu quý Hoàng hậu và phi tần, họ mỗi người một vẻ. Thần phi thường lui về sau nên ít người trong quân biết mặt. Thần phi lớn lên nơi thôn dã, giản dị thương người, ngài thật lòng tất Thần phi sẽ nói cho. Thần phi mở lời tôi dám chắc Vương sẽ thuận. Còn như ngài không muốn vậy cứ xin ra khỏi quân Hải Đông rồi xin vào quân Thiên Đức, cách ấy dễ nhất.
Lý Trí Thắng như hiểu ra, liền cảm ơn Tôn, giữ cậu lại dùng cơm nhưng Tôn hẹn khi khác. Lý Trí Thắng và Đặng Sỹ Nghị từ nhìn đến trực tiếp tham gia đã hiểu rằng đầu quân Thiên Đức nhất định có tương lai nên gắng sức hoàn thành những nhiệm vụ được giao phó.