Trường An Thái Bình

Chương 11: 11: Hung Án







Mới đầu, Tô Sầm cảm thấy sắp xếp hồ sơ vụ án là một chuyện chẳng thú vị chút nào, nhưng chép được mấy hôm rồi cậu cũng ngộ ra điều huyền diệu trong đó.

Từng vụ án đều được phá giải bởi trí tuệ của ông cha, chân tướng nằm trong những điều nhỏ nhất, chúng luôn khoác trên mình lớp áo giả dối, và cũng luôn có người lột lớp áo ấy đi, trả lại sự thật cho đời.

Bởi những năm Võ Đức mới dựng nước, điều lệ luật pháp chưa hoàn thiện, may sao khi ấy ai ai bận rộn chấn hưng xã tắc, chấn chỉnh non sông đã lênh đênh nhiều năm nên không có mấy vụ án lớn xảy ra.

Sang đến những năm Vĩnh Long, hoàng đế Thái Tông Lý Úc kế thừa ngôi vị, vừa lên ngôi đã trừng trị rất nhiều bô lão trong triều.

Khi ấy có đồn rằng Lý Úc lên ngôi bất chính, hoàng đế Thái Tổ vốn có ý truyền ngôi cho thái tử hiền lành, song khi Thái Tổ bệnh tật nguy nan thì Thái tử cũng đột ngột mắc bệnh hiểm nghèo, ra đi trước cả Thái Tổ.

Hoàng đế Thái Tổ vừa nghe tin đã lập tức hóa rồng về trời.

Truyền rằng Lý Úc khi ấy vẫn còn là Vương gia đã nhốt hết hoàng thất vào điện Tam Thanh, khi mọi người được thả ra thì Lý Úc đã đăng cơ rồi.

Hành động rình rang như vậy ắt không tránh khỏi bị người đời chê trách, chẳng qua Lý Úc cũng không phải kẻ tầm thường.

Đầu những năm Vĩnh Long, vô số người chịu cảnh tù đày, biết bao người chỉ vì một câu không phải mà bị xử cực hình, đại thần thời Võ Đức bị xử tử quá bán, những kẻ qua lại thân thiết với Thái tử kẻ thì chết, người thì về hưu, chỉ có mình Thái phó đương triều Ninh Nghệ là may mắn sống sót qua bốn đời Hoàng đế.

Tuy hoàng đế Thái Tông xử sự tàn nhẫn, song cũng là một vị Vua tài trí ngàn đời có một.

Tại vị hai mươi hai năm, dùng người khéo léo, uy đức vang xa, bốn bề cúi phục.


Dù ông tàn sát vô số người trong thời gian tại vị, nhưng cũng có không ít nhân tài phò tá cho xã tắc xuất hiện.

Cựu Đại Lý Tự khanh Trần Quang Lộc là một trong số đó.

Trong những năm Vĩnh Long, tù tội nhiều vô kể, nhưng điều đó cũng giúp cho pháp luật điều lệ dần được hoàn thiện.

Trần Quang Lộc khi ấy là Đại Lý Tự thiếu khanh đã chủ biên bộ "Luật Đại Chu" mà sau này được người đời lấy làm tiêu chuẩn.


Ông dựa trên những điều lệ cơ sở tiền triều có sẵn, tham chiếu với tình hình hiện tại rồi bỏ bớt, sửa đổi, xây dựng lại, là tiêu chuẩn cho rất nhiều vụ án tham khảo, đạt đến ngưỡng "linh hoạt, công bằng, hợp lý".

Trong nhiệm kỳ, Trần Quang Lộc phá giải hơn trăm vụ án, nhìn một biết mười, vô cùng tỉ mẩn.

Trong số đó không có lấy một vụ án nào là oan sai, người đời sau còn biên soạn lại những vụ án ấy thành "Hình luật họ Trần" để tham khảo trong khi điều tra xét xử.

Tô Sầm chép đến một vụ ma thai vào năm Vĩnh Long thứ mười tám, viết rằng "Mặt người chết sưng phù, hai mắt lồi ra, thè lưỡi, bụng gồ lên, cái thai chết rồi vẫn sinh là để nén khí đẩy thai chết ra".

Cậu vừa chép vừa tặc lưỡi khen Trần đại nhân này đúng là giỏi thật, có người mượn danh ma thai để gây án, Trần đại nhân bèn đòi mở quan tài khám nghiệm sau khi người chết một tháng, lúc đó là giữa hè, thi thể thối rữa kinh khủng, Trần đại nhân tự mình xuống quan tài chỉ vào chất lỏng màu xanh kể cho mọi người nghe về sự tích thai chết.

Tô Sầm chăm chú chép hồ sơ trong căn phòng tràn ngập mùi mốc, bất ngờ có người mở toang cửa vào phòng, ánh nắng hắt thẳng vào làm Tô Sầm sợ cứng người.